Người tài xế vừa rà thắng cho chiếc xe rề chầm chậm, chờ đến lượt qua cầu Bến Lức, thì đám chị em buôn gánh bán bưng đã ùa bám sát theo như đàn ong vỡ tổ, tranh nhau mời mọc:
- Mía ghim đây!
- Chuối chiên nóng dòn đây!
- Ăn khóm ngọt nghen thầy!
Là một viên chức cao cấp tại Bộ Kinh Tế, sống sung túc phong lưu Việt chỉ tiếp xúc với hạng giàu sang, nên dường như chàng đã quên hẳn với khốn cùng lao đao vật lộn tìm sống đấp đổi qua ngày. Hình ảnh những gương mặt cháy nắng, lem luốt, mồ hôi nhỏ giọt, quần áo rách rướt chầm vá, chân trần dẫm trên lộ nóng bỏng... khiến Việt chạnh lòng. Chàng ngậm ngùi hổ thẹn nhớ lại ngày xưa, sống trong hoàn cảnh nghèo khổ, chàng đã ước nguyện tận lực mình để tranh đấu cho việc nâng cao đời sống người dân, thế mà, ngoài việc tạo cho mình một địa vị cao sang, vinh thân phì da, chàng đã làm được việc gì cho người dân đâu? Việt bức rức chọn mua mỗi người một ít, trả tiền rộng rãi cho họ vui. Chàng hiểu hành động mình vô nghĩa, nhưng nó cũng ru ngủ được lương tâm chàng, trước cảnh khổ cực của đồng bào. Người tài xế chuẩn bị cho xe lăn bánh thì bỗng có thằng bé độ chừng mười tuổi, bưng rổ phủ đầy trấu, hấp tấp chạy đến. Thương cậu bé, Việt bỏ vào rổ em hai mươi đồng rồi nói: "Tặng em đó". Trước sự ngạc nhiên của chàng, đứa bé cầm tiền trả lại:
- Thưa thầy! con bán hột vịt lộn, chớ con không xin tiền!
Việt không ngờ mình vô tình chạm tự ái cậu bé, khiến mắt em rơm rớm thật dễ thương. Việt vội dỗ dành:
- Ồ! Cho anh xin lỗi! Thôi thì anh mua hột vịt lộn vậy! Em bán cho anh một chục nhé!
Trả tiền rồi cho xe lên đường một khoảng xa, mà hình dáng dễ thương của thằng bé vẫn lởn vởn trong tâm chàng. Việt lẩm bẩm: "Thằng bé nầy coi bộ bảnh hơn mình ngày xưa nhiều! Thuở ấy, ai cho tiền mình cũng sung sướng đón nhận kia mà". Việt bùi ngùi hồi tưởng lại quãng đời niên thiếu hai mươi năm về trước, khi chàng còn là một học sinh lớp bốn trường Nam Tiểu Học Tân An. Ngày đó, như thường lệ, tan trường bé Việt chạy vù về nhà, lua ba hột cơm nguội, rồi phóng nhanh ra xạp thím Xiếu, tại dốc cầu Tân An để lãnh hai chục hột vịt lộn, loanh quanh theo những chiếc xe đậu chờ đến lượt qua cầu, lãi nhãi mời mọc hành khách. Gặp ngày may mắn hy hữu, ông khách mở hàng một trứng vịt, đưa tờ giấy một đồng. Việt thối lại khách 50 xu nhưng ông lại khoác tay rồi bảo: "Cho con đó". Việt buôn bán cực nhọc cả nửa ngày mới xong hai chục hột vịt lộn, mà chỉ mang về được một đồng cho mẹ mua gạo, nên món quà 50 xu của ông khách tốt bụng, quá lớn lao khiến Việt sung sướng tột cùng, ấp úng cám ơn chẳng nên lời. Việt tung tăng bán hàng mà lòng rộn ràng suy tính bao nhiêu thứ hấp dẫn để chi dụng món "lộc" bất ngờ. Đắn đo mãi, Việt quyết định mua một trứng hột vịt lộn làm quà cho mẹ. Từ lâu, Việt phải khổ sở chứng kiến cảnh thực khách vồ vập thưởng thức món ăn khoái khẩu do em bán, trong khi chính em lại không có hân hạnh nếm món ăn xa xỉ nầy. Cảm giác ấm ấm của trứng vịt thật dễ chịu. Trên đường về nhà, Việt sung sướng xây dựng mộng đẹp, một giấc mơ tầm thường nhỏ nhoi: thưởng thức chất nước thơm tho béo bổ rồi nhai cái tròng trắng dai dai dòn dòn, còn phần tròng đỏ và vịt con tượng hình em sẽ nhường cho mẹ. Trái ngược với hoàn cảnh nghèo đói của Việt, em trú ngụ trong một ngôi nhà ngói rộng rãi, sang trọng nhất xóm. Căn nhà vốn vắng lặng nên tiếng cô Hai tụng kinh lanh lảnh phối hợp với tiếng chuông mõ lao xao nghe rõ mồn một. Không dám làm khinh động cô Hai, Việt rón rén đi lần từ gian nhà trước, ra sau bếp, rồi đến cái chái lá sau vườn, cũng không thấy mẹ. Em vội vã trở lên căn nhà trước, đứng dựa cửa trông ngóng mẹ. Mẹ về trễ là việc bình thường, nhưng lần nầy, Việt sốt ruột lạ lùng. Năm phút, mười phút, rồi mười lăm phút nặng nề chậm chạp trôi qua, mà mẹ vẫn biệt tăm. Việt cảm thấy đói bụng cồn cào, mà quái ác thay! Trứng vịt lộn, gói muối tiêu, nhúm rau răm lại cứ chờn vờn khêu gợi. Em thập thò lấy cọng rau răm chấm chút muối tiêu nhâm nhi cho đỡ thèm thuồng. Hương vị rau răm cay cay thơm phức như được trộn lẫn với chất vịt lộn thơm tho, khiến Việt không kềm lòng được nữa. Em đắn đo cầm trứng vịt đập khẽ vào cửa, khươi một lỗ nhỏ, và tự dặn lòng chỉ nếm tí nước ngọt mà thôi. Việt gỡ lớp màn trắng, húp nhẹ một chút. Chất ngọt beo béo đậm đà tràn ngập khuyến khích em, cứ húp soàn soạt mãi. Việt mê mẩn đến nỗi cô Hai ngưng tụng kinh, quăng dùi mõ cái ịch, rồi thình thịch bước ra ngoài mà cũng không hay.
- Quân mất dạy! Tao đã cấm biệt không được mang thứ ô uế tanh tưởi vào nhà, mà mầy lại lớn gan ăn dộng món nầy tại đây?
Tiếng gầm vừa rít lên, thì bà cũng đã tới sát bên thằng bé. Cô Hai dằn lấy trứng lộn quăng ra sân trước nát bét, xán thằng bé hai tát tay xiểng niểng, rồi gằn giọng:
- Qùi xuống đó!
Rồi cô ngoe ngẩy trở vào phòng tiếp tục thời tụng kinh như cũ. Thằng bé sợ cô, riu ríu quỳ ngay ngạch cửa, im thin thít. Đã quen bị người cô đối xử tàn tệ, Việt chấp nhận chịu đựng niềm bất hạnh riêng mình, em chỉ bồn chồn lo sợ cho mẹ bị người nhiếc mắng vì lỗi của con. Mẹ vừa về đến ngõ thì đã thấy ngay tình trạng thảm hại của Việt. Bà cuống quít nhưng bước chân cũng rất khẽ khi gần đến cửa. Cô Hai ngồi trong buồng, đang lần chuỗi niệm Phật, mà lỗ tai thật thính. Cô liền tạm ngưng niệm Phật, cao giọng lên tiếng:
- Nè! Vào mà coi cái quân bất hiếu mục mang hột vịt lộn, vịt thúi ăn uống giữa nhà thờ đây nầy! Tôi đã năn nỉ van xin mấy người, giữ dùm chỗ nầy thanh tịnh để thờ Trời Phật, Ông Bà mà mấy người đâu thèm nghe!
- Em xin lỗi chị Hai. Thằng Việt hư quá, xin để em dạy nó!
Nói xong bà phát vào mông con hai cái thật mạnh, đoạn lôi con đến phòng, năn nỉ mãi để xin cô thứ lỗi. Sau đó, bà đưa con ra sau vườn, vào trong chòi lá. Bà ôm con vào lòng, thì thầm: "Tội cho con tôi!". Rồi nước mắt bà chảy ròng ròng, thấm ướt tóc tai con. Việt đau đớn nhất khi thấy mẹ buồn, nên em đâm ra oán cô Hai, thề trong lòng sẽ có ngày rửa hận.
Ông nội Việt, cụ Võ Ngọc Qưới, nguyên là một tham tá hành chánh, vừa mới hồi hưu đã vội mãn phần. Hai Ông bà chỉ có ba người con. Cô Hai, trưởng nữ kết duyên với một cậu công tử Bạc Liêu, nhưng mới vài năm hương lửa, vẫn còn hiếm muộn thì chồng bạo bệnh qua đời. Cư tang chồng đủ lễ, cô quay về chung sống với mẹ, sớm hôm làm bạn với chuông mõ mà thôi. Ba Việt, đứa con trai duy nhất cưới vợ miệt xã Trung Hòa, Mỹ Tho, rồi lập nghiệp luôn tại quê vợ. Riêng cô Tư, có chồng 4 con sinh sống tại Saigon, thỉnh thoảng mới về thăm mẹ. Do đó, ngôi nhà hương hỏa thênh thang chỉ có hai mẹ con hủ hỉ với nhau bao ngày tháng.
Vào mùa thu năm 1945, theo tiếng gọi của non sông, cha Việt bỏ nhà dấn thân cho công cuộc chiến đấu dành độc lập. Tuy nhiên, ông vốn thuộc thành phần trí thức tiểu tư sản, bộc trực, thường lộ vẻ chống đối bọn bè phái mưu mô xảo quyệt đội mũ kháng chiến. Vì lý do thầm kín nầy ông đã bị chính những người bạn đồng chiến tuyến ra tay sát hại. Tin dữ về đến Trung Hòa làm tan nát cõi lòng bà vợ, bà khóc than vật vã không nguôi. Bà mẹ Ở Tân An cũng khổ đau không kém. Bà tức tốc vào ngay Trung Hòa, nhất quyết đem dâu và cháu nội về tỉnh, hầu giọt máu duy nhất còn lại của giòng họ Võ tránh khỏi vùng xôi đậu hiểm nghèo. Bà nội vẫn được trợ cấp hưu bổng của chồng, lại có thêm hoa lợi của hai mẫu vườn trồng cây ăn trái trải dài phía sau ngôi nhà, nên thừa sức cung cấp cho con cháu nếp sống phong lưu. Mẹ Việt suốt ngày bận bịu bếp núc, hầu hạ mẹ chồng, săn sóc con cưng. Việt chỉ biết chăm học rồi quấn quít bên nội để được nựng nịu, cưng chiều nghe kể chuyện xưa tích cũ. Đáp lại Việt cũng biết ngoáy trầu, dâng nước, nhổ tóc sâu... , rồi cũng kính cẩn cạnh nhà, đốt nhang trên bàn thờ ông hàng ngày. Vì thế, nội vô cùng hãnh diện, bà luôn luôn nhắc nhở, khoe khoang đứa cháu đích tôn trước mặt mọi người. Cô Hai nghe mãi đâm ra khó chịu. Có lần cô trề môi nói nhỏ:
- Hứ! "đít không" thì có, chớ đích tôn gì?
Mẹ nghe, mẹ buồn hiu. Mãi sau nầy Việt mới biết cô muốn ám chỉ thân phận ăn bám vào nội của hai mẹ con. Cô Hai thích yên tỉnh mà Việt chơi giỡn ồn ào, cô ghét riêng Việt là phải rồi. Nhưng Việt không hiểu nỗi lý do cô không ưa mẹ. Mẹ hiền khô à! mẹ lúc nào cũng mềm mỏng chiều chuộng cô, mà cô nặng nhẹ chi cho thỉnh thoảng mẹ phải khóc thầm. Có lẽ tại vì cô Hai có tâm đạo, cô ăn chay trường, đi chùa, tụng kinh niệm Phật chuyên cần... , nên cô không thể có cảm tình với những kẻ thiếu tu. Cô oán nhất là đám đàn ông thường tụ tập ăn nhậu ở đầu ngõ, mà có lần khi "sứa" họ đã mỉa mai là "cây độc không trái, gái độc không con". Cô mắng họ là bọn sát sanh hại vật, tội lỗi ngập đầu, cô mở banh mắt mà nhìn bọn họ bị đọa lạc khắp chín từng địa ngục thì cô mới hả. Cô cũng xốn xang bọn con gái thời nay, tự do trò chuyện, cười giỡn với bạn trai. Ai cô cũng chê là đĩ thỏa hư hèn, thời buổi nầy, đốt đuốc cũng không sao tìm được một người "tiết hạnh khả phong" như cô.
Sống trong vòng tay bao bọc của nội hơn ba năm, thì bỗng nhiên, nội đột ngột từ trần sau một cơn bệnh nhẹ. Nỗi khổ đau vì mất nội như một vết thương lở loét, ngày càng trầm trọng. Cô Hai là con gái, dĩ nhiên được nội tín cẩn, nên cô đã thủ kỹ chìa khóa tủ sắt, và tất cả giấy tờ đất đai nhà cửa. Tang ma nội xong, cô Hai tự nhận là thừa kế, và mặc dù hoa lợi của sở vườn tương đối khả quan, nhưng cô cột "hồ bao" thật chặt. Mẹ Việt là mẫu người chỉ lẩn quẩn với vai trò nội trợ. Xưa nay, bà đã hoàn toàn lệ thuộc vào cha mẹ, rồi chồng, rồi cuối cùng là mẹ chồng để sinh sống. Thình lình nguồn tiếp tế bị cắt đứt, nên bà phải lao đao chạy ngược xuôi, "mua đầu chợ, bán cuối chợ", kiếm sống đấp đổi qua ngày. Và Việt cũng đã chia xẻ gánh nặng của mẹ bằng nghề bán hột vịt lộn tại đầu cầu Tân An. Vất vả như thế nào mẹ vẫn hài lòng, miễn là có thể bám víu ở tỉnh lỵ cho con tiếp tục việc học hành. Tuy nhiên, dù mẹ nhẫn nhục chiều chuộng cô Hai thế nào, thì tình trạng ở nhờ ngày càng trở nên bi đát, nhất là khi cô Hai nghe bà con chòm xóm xầm xì là của cải hương hỏa theo luật lệ do cháu đích tôn thừa kế. Cô Hai chay lạt, không chấp nhận được mùi ô trược thịt cá, nên hai mẹ con phải sửa sang lại chuồng gà để làm chỗ nấu nướng và ăn uống đồ mặn. Chái lá tồi tàn nầy biến thành tổ ấm để hai mẹ con tự do hủ hỉ bên nhau, đợi đến tối mới ké né mò lên bếp nhà lớn ngủ nghỉ. Thật ra, trước kia mẹ con Việt cũng có phòng riêng, nhưng cô Hai tu hành ngày càng tinh tấn, nên muốn có một phòng đặc biệt để công phu. Phòng bà nội bỏ trống, thì cô Tư đã "xí phần" từ lâu và cẩn thận khóa kỹ rồi. Thế là mẹ con Việt đành dọn xuống nhà bếp, ngủ tại chõng tre dành cho gia nhân ngày trước.
Ông ngoại từ xã Trung Hòa ra viếng thăm, chứng kiến hoàn cảnh cơ cực của con cháu rất đau lòng. Nhưng ngoại chỉ có thể tiếp tế gạo và cá mắm chút đỉnh, vì ngoại cũng đang gặp khó khăn, bởi lẽ chiến tranh khiến hoa lợi thất bát nặng nề. May mắn, chưa đầy một năm thì tình hình an ninh tại thôn quê có phần vãn hồi. Nông thôn rộn rịp thi đua canh tác, nên giá cả đất đai tăng khá cao. Nhân cơ hội nầy, ngoại liền xoay sở bán mấy mẫu ruộng, mua một căn nhà lá ọp ẹp tại hẻm chùa Phật Ân, đường Ngô Quyền, thị xã Mỹ Tho để hai mẹ con cư trú. Rồi ngoại cũng sắm cho mẹ một cái máy may hiệu Singer, để bà lãnh may vá làm phương kế sinh nhai. Từ dạo đó, tuy nếp sống vẫn đạm bạc, nhưng hai mẹ con hưởng được những giây phút êm đềm, đỡ phải khép nép âu lo nghe tiếng chưởi chó mắng mèo nữa.
Hiểu phận nghèo và thương mẹ nên Việt chăm chỉ học hành. Em ước mơ sớm thành đạt để báo tròn chữ hiếu. Em trúng tuyển vào Trung Học Nguyễn Đình Chiểu, với học bổng cao và tiếp tục gặt hái những thành quả thật xuất sắc. Mấy năm sau, Việt thi đỗ Tú Tài toàn phần ưu hạng, rồi nhờ sự hướng dẫn của quí vị giáo sư hảo tâm, Việt xin được học bổng du học tại Hoa Kỳ.
Chàng sinh viên du học ngày đêm miệt mài trau dồi kiến thức, với ước vọng sớm thành đạt để trở về phục vụ quê hương, và phụng dưỡng người mẹ già sau bao năm trời xa cách. Thương nhớ mẹ, nhớ đất nước, Việt thường lục lại chồng thơ cũ của mẹ, để ấp ủ từng lời dạy dỗ thương yêu của bà. Khi Việt du học được ba năm, thình lình mẹ báo tin bà quyết định xuất gia tại Quan Âm tu viện, gần Chợ Vòng Nhỏ, Mỹ Tho; và từ đó, thơ từ ngày càng thưa dần. Tin mẹ xuất gia đột ngột khiến Việt bàng hoàng. Mẹ đã trải qua bao nỗi vất vả nhọc nhằn, nên chàng tâm nguyện sẽ cung phụng cho bà một đời sống sang trọng dư thừa. Thế mà nay bà lại xuất gia khổ hạnh, thì ước nguyện báo đền ân mẹ làm sao thực hiện được đây? Việt lại còn canh cánh mối âu lo vu vơ khác nữa. Bị ám ảnh bởi thời ăn nhờ ở đậu tại căn nhà hương hỏa. Việt có mặc cảm không mấy tốt đẹp với giới tu hành. Mỗi khi nghe tiếng niệm Phật, tụng kinh, chuông mõ, Việt thường liên tưởng đến thái độ hậm hực, càu nhàu, cùng với lời rầy la, nhiếc mắng nặng nhẹ, xỏ xiên. Vì vậy nên tuy cư trú tại hẻm chùa Phật Ân, Mỹ Tho và dù được nghe lối xóm ca tụng thầy trụ trì hiền lành, nhân hậu... , Việt cũng không bao giờ léo hánh tới chùa. Thế mà nay nghe tin mẹ đi tu, mà lại tu pháp môn Tịnh độ, một pháp môn chuyên về niệm Phật, nên Việt mới lo lắng ngay ngáy trong lòng. Chàng thật khó chấp nhận sự kiện người mẹ hiền đức của mình, mà lại có thể chọn một lối tu mà chàng nghĩ rằng ồn ào, rỗng tuếch như cô Hai. Việt ái ngại biên thư cho mẹ, nội dung tuy không dám ngăn cản bà tu hành, nhưng ước mong bà chọn pháp môn nào khác như thiền, Thiên Thai... hơn là Tịnh độ. Mẹ tuyệt nhiên không nhắc nhở gì vấn đề nầy, khiến Việt cứ thấp thỏm mong chờ đến ngày về nước gặp mẹ tạn mặt thì mới thật yên tâm.
Thời gian tu học sáu năm dài đăng đẳng rồi cũng trôi qua. Không phụ lòng tin yêu của mẹ, Việt đã tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế học, hạng tối danh dự. Chàng trở về nước mang theo bao dự án phát triển kinh tế mà chàng đã tận lực nghiền ngẫm suy tư để vạch ra. Đón Việt tại phi trường có đông đủ bè bạn cùng bà con nội ngoại, và dĩ nhiên có cô Hai. Cô rất hãnh diện tự hào về đứa cháu tài ba, mà có thời đã "sống gần gũi với cô, từng được cô góp phần chăm sóc dạy dỗ". Tuy nhiên, điều trớ trêu là mẹ, người mà Việt mong mỏi nhung nhớ xót xa lại vắng mặt. Ba đang nhập hạ(#2) nên không thể tự động rời chùa được. Thiếu mẹ là thiếu tất cả. Việt tức tốc đi về Mỹ Tho ngay, bỏ mặc bữa tiệc tùng mà thân nhân bè bạn đã tổ chức tươm tất sẵn tại Saigon. Khi về đến Mỹ Tho, trời đã xế bóng, nên thân nhân Việt ngăn cản không cho chàng vội vàng thăm mẹ vì lẽ Quan Âm tu viện tọa lạc ở ngoại ô, cách chợ Vòng Nhỏ chừng ba cây số, một vùng quê hẻo lánh tương đối kém an ninh. Dù vậy, Việt vẫn âm thầm thuê bao một chiếc xe lôi gắn máy đưa chàng đi đến đó. Đã lưu trú nhiều năm xứ người, ngồi xe láng bóng lướt trên vùng xa lộ thênh thanh để chiêm ngưỡng những cơ sở tôn giáo đồ sộ, nghinh ngang, giờ đây, Việt lại ngồi chinh chong trên chiếc xe lôi tồi tàn, lắc lư lê lết trên con đường hẹp té, lồi lõm ổ gà, để viếng thăm một cảnh chùa quê cũ kỹ, khiêm khiêm... , Việt ngậm ngùi xúc cảm: "Ôi! Đất nước mình nghèo quá! dân mình nghèo quá! chùa mình nghèo quá! Ôi! Thương thiệt là thương!".
Ngôi chùa cổ kính lẩn khuất trong khu vườn xanh um. Mái cong cong quớt lên nhẹ nhẹ, lớp ngói âm dương rêu phong lốm đốm, và trên con lươn, hai chú rồng rạn nứt cũng vẫn đang uốn mình châu đầu giành ngọc. Thời gian với phụ họa của chiến tranh đã hoành hành khốc liệt: trụ cổng già nua lắc lư nghiêng ngả, tường vách loang lỗ xác xơ, cửa nẻo lung lay sờn tróc. Sân chùa, và dài dài theo hông chùa ngổn ngang lu hủ khiến cảnh chùa tiều tụy thêm vẻ hoang vắng tiêu điều. Bị méo mó bởi ngành học kinh tế, đặt trọng tâm vào những yếu tố lợi hại, thấy vị trí ngôi chùa Việt lo lắng thở than: "Ôi! Trong thời buổi mà, ở xứ người các cơ sở tôn giáo lăn xăn chường ra chỗ đông người, tổ chức quảng cáo, rao bán rùm beng, diễn kịch đóng tuồng làm kinh tài để dành giựt tín đồ và làm giàu; mà ngôi chùa lặng lẽ đìu hiu nầy vẫn còn cổ lỗ nằm chui rúc ở xóm vắng vẻ lèo tèo thì làm sao mà thành công cho được!". Chùa yên tỉnh vắng người, Việt bỡ ngỡ đi lần vào bên trong nhưng vẫn chưa thấy bóng ai. Đang tần ngần lo nghĩ thì may quá có cô bé mặc bộ đồ lam, tuổi chừng 14 từ phía sau vườn đi đến:
- Cô ni ơi! cho tôi hỏi thăm một chút. Bà Lê Thị Hậu có ở đây không cô?
- Ơ! mấy bà công quả ở đây đâu có ai tên Hậu cà? Chắc không có ai tên đó đâu chú.
- Má tôi tu ở đây, bà cho biết đang nhập hạ mà! A! A!... tôi có hình của bả đây, cô xem thử coi!
- Dạ đây là hình sư cô Diệu Hạnh. Chú phải gọi pháp danh, chớ gọi tên thế tục thì đâu ai biết được. Ni chúng đang kiết hạ ăn cư, nếu không có lý do chánh đáng không dễ gì gặp được đâu? Chú theo tôi đi gặp sư bà thử coi!
Thấy cô bé nói năng lanh lợi, vừa đi Việt vừa lựa lời han hỏi:
- Cô ni à! chùa đông người không cô?
- Dạ ni chúng gần bốn mươi vị!
- Chùa vắng vẻ quá, không thấy Phật tử thì làm sao đủ sống vậy cô!
- Thưa chùa chủ trương tự túc, chớ không dựa vào Phật tử. Tu sĩ trong chùa phải tự làm ruộng rẫy, và cũng làm tương chao bán, để có thể mua những nhu yếu phẩm khác.
- Có thiếu thốn lắm không cô?
- Chùa quen sống thanh đạm nên thường thì dư thừa. Dư thì quí sư, học theo hạnh Quan Âm (#1), đem chia xẻ cho các bà con nghèo trong xóm làng. Chỉ có một lần thiếu hụt bất thường thôi. Năm đó, vì lý do an ninh đồng bào vùng trong phải di tản ra tạm trú trong chùa hàng trăm người. Chùa nuôi ăn họ gần ba tháng, khi họ ra đi thì chùa cũng kiệt quệ, nên ni chúng phải ăn cơm độn khoai với muối hột một thời gian.
- Cô nói gì đến "hạnh Quan Âm" là sao vậy cô?
- Quan Âm nói cho đầy đủ là "Quán Thế Âm Bồ Tát", nghĩa là vị Bồ tát có hạnh nguyện quán sát tìm nghe âm thanh hay tiếng than khóc kêu thương của thế gian để mà cứu độ. Vị Bồ tát nầy còn có đặc điểm là tùy theo chúng sanh mong muốn Ngài hiện thân như thế nào: vua quan, sang hèn, giàu nghèo, già trẻ... hay nam nữ gì, thì Ngài cũng chiều theo hiện thân như thế mà cứu độ. Bồ tát thì đâu có tướng nam nữ, nhưng Ngài tượng trưng cho lòng từ bi thương chúng sanh như mẹ thương con, nên người ta tạc tượng Ngài trong dáng nữ nhơn dịu hiền. Sư bà dạy chùa đã hân hạnh được mang danh hiệu của Ngài nên ni chúng phải luôn luôn tâm niệm bổn nguyện từ bi cứu khổ cứu nạn.
Việt không ngờ một cô sa di nhỏ tuổi tại tu viện khiêm tốn nầy có được kiến thức đáng ngợi. Cảm giác tôn kính lại dâng tràn khi chàng diện kiến vị sư bà hiền đức.
- Bạch sư bà! Con xin phép được gặp mẹ con là sư cô Diệu Hạnh.
- Con du học mới về?
- Dạ!
- Diệu Hạnh có thuật cho thầy chuyện nhà trước khi xuất gia. Mẹ con hiền đức, tu hành tinh tấn, ta rất hãnh diện về bà.
Xây qua cô sa di, sư bà dạy: "con gọi Diệu Hạnh ngay đi", đoạn có lẽ muốn dành cho hai mẹ con tự do họp mặt, sư bà dặn dò Việt tự nhiên chờ mẹ, rồi bà rời bước.
Mẹ xuất hiện từ xa. Bà hơi gầy và đen, có lẽ vì lý do làm lủ canh tác nhọc nhằn, nhưng có vẻ khỏe mạnh. Dáng điệu bà khoan thai, dịu hiền và còn tỏa ra niềm an lạc nhẹ nhàng, mẹ không cười mà tựa như mĩm cười, mẹ chưa mở lời mà Việt đã nghe yêu thương tràn ngập rồi.
Mẹ nay đã là tu sĩ, Việt bối rối không biết xưng hô sao cho đúng, nên ấp úng: "Má! Má!... thầy! thầy!... ".
Sư cô mĩm cười hiền hòa:
- Con tự nhiên gọi má như xưa cũng được. Lúc nào thì con cũng là con của má.
Rồi bà vò đầu Việt, nói tiếp: "Con má cao lớn và đẹp trai lắm".
- Sao má bỏ con đi tu vậy má? Má không cho con phụng dưỡng má lúc già yếu sao?
- Má đi tu nhưng má thương con như xưa đâu có gì khác. Vả chăng, má nghĩ con còn có cuộc đời của con, có nếp sống riêng của con, má đâu thể bịn rịn giữ con mãi hay lột da sống đời với con hoài được. Má chỉ mong con biết ăn ở đạo đức thì má mãn nguyện rồi!
Việt lại mếu máo:
- Hồi đó, nghe tin má tu theo Tịnh Độ, con liên tưởng đến lối tu của cô Hai nên cứ lo sợ phập phòng...
- Sao con nghĩ sai lầm như vậy? Tám mươi bốn ngàn pháp môn của Phật giáo, chẳng qua đều nhằm đưa ra một phương cách để tu tâm mà thôi. Người niệm Phật tu tâm, nương câu niệm Phật giữ chánh niệm nên tâm thanh tịnh an lành. Khi đối diện với thuận hay nghịch cảnh, cũng nhớ mình đang niệm Phật tu tâm, nên ngăn chận không để tâm buông lung theo tham, sân, si, mạn... , mà trái lại, khơi mở cho tứ vô lượng tâm tức từ bi hỷ xả hưng khởi nữa. Cho nên, cổ đức dạy rằng trong câu niệm Phật chẳng những đã dung chứa thiền mà còn hội đủ cả ba mươi bảy phẩm trợ đạo (#3) nữa...
Tuy mẹ không giải thích cặn kẽ, nhưng Việt cũng tự hiểu là có những người cũng nhân danh tụng kinh niệm Phật, nhưng không hề tu tâm. Phương thức tu dưỡng tâm biến thành một bình phong phô trương đạo đức như một lớp sơn hào nháng bên ngoài, trong khi đó họ vẫn buông lung để tâm rong ruổi theo tham, sân, si, mạn, nghi, ác, kiến. Do đó, càng tu dục vọng càng sôi sục tăng trưởng, và dù có cố gắng đè nén rồi cũng có lúc nổ tung. Tội nghiệp cô Hai, cô tu hành mấy mươi năm mà không bao giờ được thoải mái, an lạc. Càng ngày cô càng càu nhàu, gắt gỏng. Cô cô đơn cùng cực, cô đơn xa lạ ngay với câu niệm Phật mà cô lập lại như một cái máy vô tri giác.
Việt du học trở về vào lúc mà đất nước hoàn toàn lệ thuộc vào ngoại viện về quân sự lẫn kinh tế. Việt là nhân tài đào tạo tại Hoa Kỳ nên được trọng dụng đặc biệt. Do đó, tuy đề án cải thiện kinh tế dân sinh do chàng bồng bột khởi xướng không được hưởng ứng rồi chìm lần trong quên lảng, nhưng công danh chàng như diều gặp gió. Chỉ trong vòng mấy năm Việt đã trèo lên địa vị Tổng Giám Đốc đầy uy quyền tại Bộ Kinh Tế béo bở. Dù công vụ đa đoan, thỉnh thoảng Việt vẫn về thăm mẹ và cô Hai. Việt chu cấp săn sóc cô Hai như một đứa con hiếu thảo. Lần nầy, Việt phải bỏ dở buổi họp quan trọng về Tân An cũng vì cô Hai: cô bệnh nặng tháng nay và giờ thì đang hấp hối.
Chiếc xe trên đường về ngôi nhà hương hỏa, con đường Phan Đình Phùng vẫn không có gì thay đổi, nhưng Việt cảm thấy bồi hồi xúc động vì những kỷ niệm xưa dồn dập hiện về. Xe vừa ngừng trước cổng, thì đám em con cô Tư ùa tới báo cáo đầy đủ mọi chi tiết:
- Sao kỳ quá anh Việt ơi! dì Hai ăn chay trường tu hành mấy mươi năm, mà khi lâm bệnh nặng lại trở chứng đòi ăn mặn dữ quá! Không được chiều ý, dì nổi cơn chửi rủa tục tỉu khiến cô bác không ai dám đến gần. Ba hôm trước dì ấy thiếp đi, bác sĩ cho biết người bệnh sắp lìa đời, ai cũng mừng cho dì. Không ngờ hôm nay dì Hai tỉnh dậy, nằm liệt không nhúc nhích mà đòi ăn và chửi mắng nữa.
- Tội quá! sao không chiều ý cho cô Hai ăn món cô ưa thích!
- Đâu được anh Việt! Làm như vậy thì uổng mấy mươi năm tu hành của dì. Người ta nói hễ tu hành quá, khi chết thì bị "nghiệp khảo" như vậy đó! Anh Việt à!
Việt không tin thuyết người tu bị "khảo". Theo Việt, nếu không thực sự tu tâm mà chỉ sử dụng việc tụng niệm để lừa dối mình và dối đời, thì sẽ có lúc không thể che dấu đè nén nỗi, khiến bản chất hèn kém hiện nguyên hình. Lệ bảo vệ sử trường chay cho họ, do đó, hoàn toàn vô nghĩa, vì nó chỉ khiến cho tâm người hấp hối thèm thuồng và sân hận đến cực điểm mà thôi. Việt bước nhanh vào phòng người bệnh. Tiếng lanh lảnh của cô Hai mắng chửi cô Tư nghe rờn rợn và bi thảm quá. Việt vội lên tiếng:
- Cô Hai! Cô Hai! Cháu về thăm cô đây!
- Việt con! Con Tư nó tàn ác với cô. Nó bỏ đói cho cô chết con à!, bà mếu máo thật áo não.
- Cô Hai thích thú gì cho con biết, con sẽ lo cho cô Hai.
- Cô thèm ăn hột vịt lộn, gà rô ti với lại cá trê nướng dầm nước mắm gừng...
- Hột vịt lộn thì đã có sẵn, cô Hai ăn trước đỡ. Còn các thứ kia chú tài sẽ ra quán Nhựt Tân đặt mua ngay.
Mặc dầu cô Tư cùng các cô bác ra dấu ngăn cản, nhưng Việt vẫn cương quyết làm theo ý chàng. Cô Hai theo dõi từng cử chỉ của Việt, gương mặt khô héo tím ngắt mà vẫn bộc lộ vẻ hả hê sung sướng như đứa bé được kẹo. Việt khẽ đập bể vỏ trứng, rắc tí muối tiêu, rồi xúc một muỗng nhỏ, đưa mớm cô. Đang rạng rỡ đón nhận thức ăn, bỗng nhiên cô Hai co rúm người lại, run bây bẩy ra vẻ sợ hãi khủng khiếp. Việt không hiểu lẽ gì, chỉ biết lo lắng hỏi han. Một lúc sau, cô Hai mới hổn hển từng tiếng:
- Hồi đó! cô Hai quăng trứng vịt lộn của con. Con có oán cô không?
- Không cô à! Con thương cô Hai lắm mà, xin cô đừng nghĩ như vậy. Má con thường dạy rằng con nhờ nghe cô Hai tụng kinh, mới có chút phước đức để mà đỗ đạt!
Vẻ mặt cô Hai trở nên hòa hoãn rồi phảng phất chút an vui. Sau đó, bỗng nhiên cô Hai yên lặng lìa đời. Dù tụng niệm hời hợt, có lẽ công năng vô biên của lục tự Di Đà, vẫn đủ sức giúp cô được an lành trước giờ phút lâm chung.
Tháng 3.1990
-------------
GHI CHÚ:
(1-) Bồ Tát Quan Thế Âm: Ngài còn danh hiệu là Quán Tự Tại, và thường được gọi tắt là Quan Âm hay Phật bà Quan Âm, có nghĩa là vị bồ tát quán sát âm thanh của chúng sanh trong thế gian hầu hiện thần thông cứu độ. Ngoại trừ Tây Tạng phượng thờ Ngài dưới hình dáng nam nhân, các nước theo Bắc phương Phật giáo khác đều tạc tượng Ngài như một nữ nhân.
(2-) Hạ: (còn gọi là kiết hạ an cư) Thời gian tu sĩ ở yên một nơi để tinh tấn tu tập, bắt đầu từ ngày 16 tháng 4 đến rằm tháng bảy âm lịch. Theo nguyên tắc, thời gian nầy không ai được ra khỏi chùa trừ những vị trong ban trị sự.
(3-) 37 phẩm trợ đạo: (Tam thập thất trợ đạo phẩm) gồm có: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi và bát chánh đạo.
Ba mươi phẩm trợ đạo là kim chỉ nam dẫn đường cho người tu học Phật pháp. Theo kinh A Di Đà, trong cõi nước Cực Lạc, có những loại chim kỳ diệu do Phật hóa hiện để cất tiếng hòa nhã diễn xướng các phẩm trợ đạo.