ở trong một hoàn cảnh chật hẹp, không tin tức vô ra, một chuyện nhỏ mọn thế nào cũng biến thành lớn lao, ăn sâu vào trí não. Từ cái giọng thánh thót của chị bán tàu bung buổi tối, đến cái tiếng guốc của mấy thím xẩm đi đêm cùng là mấy trận đòn bị lúc tranh đấu, hoặc bức thư tình đặc biệt và cái khăn thêu đẹp, mỗi món đó ai đã ở cảnh này, khó mà quên được. Mà hễ mỗi lượt có chuyện, là mỗi lượt làm cho người trong khám nhốn nháo, bàn luận cả canh không chán. Tôi còn nhớ lúc chúng tôi tiếp được tin tức của dân cày ở Nam Kỳ biểu tình lần thứ nhứt, chúng tôi thức sáng đêm mà nói chuyện, thêu vẽ trong trí tưởng đủ điều mãi đến sáng trắng mà không hay, trong người thơ thới, nỗi mừng vô hạn.

Nhờ việc lặt vặt như thế nó làm tạp trở cho cảnh buồn hiu, ngày nào như ngày nấy. Mới vô đầu, ăn uống thật ngon, gặp anh em đông đủ vui mừng, chuyện vãn. Được vài tháng ăn uống tầm thường, ngủ cũng có độ lượng, câu chuyện vừa hết. Đến một năm hay một năm rưỡi thì sanh quạu quọ, muốn đổi cảnh khác, không có ý gì làm cho mừng rỡ bằng được sang khám hay đi đày.

Nhứt là mấy lúc được phép ở nhà thăm. Có bánh ăn, có tin tức ngoài, ngày ấy ai cũng bồi hồi, hy vọng cho anh bồi ròn kêu tên họ mình để đi ra cửa khám mà gặp người thăm. Các anh ở xa, nhà nghèo thì ở khám không mong "hưởng" các thức ăn ngon, mà chỉ nghĩ tới một chút đã chảy nước miếng. Cái anh được người nhà thăm, khi nghe kêu tên mình đã nôn nao trong dạ, ra cửa khám, gặp người nhà, mắc ú ớ mà nói vài ba câu chuyện lại thêm nằm yên trót tháng không quen với cái rộn rực xôn xao, phần thì thầy Chú khám xét, quăng lên, ném xuống các vật thưa, anh luýnh quýnh, mồ hôi ra, dầu thèm khát đến đâu, trở lên khám khó mà ăn ngon miệng. Khoái chí là mấy anh ở khám trọn hưởng mùi lại thú vị của các thức ăn mà đã lâu rồi, họ không nếm.

Ngày thường, ngoài ra công chuyện thảo luận những vấn đề chánh trị, là có khăn thêu, nó cho cái khám một điểm vui vẻ. Nhưng không phải ai cũng được khăn thêu, thơ tình hết. Người ta có vợ dưới khám đàn bà, vợ người ta gửi cho những khăn bát ngát mùi tình, còn mình trơ trọi. Không ai, mình chỉ có quyền ngó theo người ta chớ đâu được quyền sở hữu! Mình nghĩ lại cũng khen cho tấm thân cô độc của mình. Anh Nguyễn Văn Cưng ở vào cảnh ngộ ấy, như nhiều kẻ khác. Song anh mơ mộng bồi hồi hơn là vì anh sắp đi Côn Đảo. Anh bị một án trước năm năm, thì cái đảo Côn Lôn anh đã mua đứt quyền, không chạy đâu được nữa, nhưng anh còn một vụ biểu tình khác, phải xử lần thứ hai.

Đã cầm vốn năm năm tù, sắp lên đường đi biển, mình đương tuổi xuân xanh như người khác, mà không được quả tim nào đập nhịp với quả tim mình lúc mình ra hải đảo, nghĩ thật buồn tanh.

Phải yêu, phải tìm cách mà yêu, yêu một người, cái nhu cầu yêu thương bây giờ nó lộ ra kịch liệt. Kể ra thì tìm mà yêu lúc này, nó có hơi trễ, nhưng ở ngoài mình không rảnh thì giờ để yêu, vô tù mình yêu nhắm cũng chẳng muộn.

Anh nói với tôi:

- Phong trào khăn thêu rộn rực quá! Tôi cũng kiếm ít cái mà đi Côn Đảo mới được!

Bấy giờ anh ngó phớt qua coi dưới khám đàn bà có ai trái tim còn trống chỗ mà anh được quen biết. Có chị Bảy! Chị Bảy, một chị ăn nói có duyên, ở ngoài cùng làm việc chung, cùng bị bắt một lúc, mà nay cũng phải cùng bị xử với anh về một vu... Được, chị Bảy được. Biết đâu trước kia, chị đã nhiều phen thổn thức vì anh Cưng, biết đâu trước kia, chị chỉ chờ một tiếng hẹn yêu thương của anh rồi chị sẽ thật thà yêu lại. Cơ hội đã mất, thời gian đã qua, nhưng nay chưa muộn là bao.

Bữa xử vụ anh giáo học Cưng, và chị Bảy là một bữa nhóm tòa Tiểu hình xử vụ chánh trị như trăm ngàn vụ khác.

Trên thì viên tòa thung dung, ngồi chễm chệ trên ghế bố tơi, cặp mắt liếc các bị cáo, miệng cười chúm chím. Biện lý đọc bản cáo trạng dài thượt kể vô số tội, lâu lâu xen vào đôi câu khôi hài của kẻ "có trí". Tội phá rối trị an, âm mưu làm loạn, vận động âm thầm vào hội kín, bản cáo trạng đầy rẫy những chuyện ghê gớm, hùng tráng, mà chủ động là Nguyễn Văn Cưng và chị Bảy. Kết luận, muốn cho xã hội được tiến hóa theo văn minh dưới bóng cờ tam sắc, muốn giữ gìn Đông Dương, muốn cho dân sự làm ăn yên ổn, phải kêu án thật nặng bọn cầm đầu để diệt cho tiêu mầm phiến loạn.

Nhưng anh Cưng và chị Bảy có nghe mấy câu văn chương và đầy những sự khôn khéo về chánh trị ấy đâu. Mặc tình cho quan tòa kể lể, mặc tình cho Biện lý nói chánh trị văn chương, mặc tình cho cái nguy cơ xảy đến là mấy năm tù người ta sẽ phát cho, dưới này anh Cưng và chị Bảy rù rì, ước hẹn, nối sợi tơ lòng.

Cái tình cũng ngộ, súng một bên, Khám Lớn một bên, còng một bên, trên cái "bàn" đen của vị cao nhân mà nó còn thi thố một cách nồng nàn, hèn chi có người ca tụng mà thờ phụng nó cũng phải. Nhưng lâm cảnh ngộ anh Cưng, nếu không thừa cơ hội duy nhứt gặp người yêu mà tỏ tình luyến ái thì bao giờ mới được gặp nhau lần thứ hai nữa!

Rồi đó quan tòa ôn tồn, yên tĩnh, tay lật quyển sách luật kêu anh Cưng và chị Bảy mỗi người bốn năm tù.

Bốn năm tù nghe ra thì nó ít xịt và nó đơn sơ làm sao, nhưng có bị nhốt trong thời kỳ đó mới biết nó là dài đằng đẵng. Tòa kêu án vừa xong thì câu chuyện tình cũng vừa dứt. Mặc kệ cho pháp luật của loài người, mặc kệ cho cái hình thức mà người ta muốn tô điểm cho nó có vẻ oai nghiêm, một cặp tình nhơn cứ việc bện buộc sự yêu thương. Lúc dắt đi xử, chỉ một trai, một gái, khi trở về, nghiễm nhiên là một cặp vợ chồng, chẳng cần cố đạo, luật pháp hay hôn lễ rầy rà.

Anh Cưng nắm tay chị Bảy, lần đầu và lần chót rồi anh lên khám, mặt mày đỏ au, sung sướng. Anh kề vào tai tôi, nói nhỏ:

- Xong rồi! Tình lắm!

Bữa đó ai cũng ngạc nhiên mà thấy anh chỉ thuật lại qua loa cuộc tòa xử anh.

Bốn năm tù của anh - xử hai vụ riêng - cộng với năm năm kia là chín năm cũng bộn. Người ta lấy nhau rồi đi du lịch hưởng "trăng mật trăng đường", đời này lấy nhau, lén lút được vài phút rồi kẻ ở lại Khám Lớn, người đi Côn Lôn, mới nghe tưởng là sự thật chỉ có ở trong tiểu thuyết.

Cách vài bữa sau, chị Bảy gởi lên một cái khăn bàn lòng thêu chữ "Souvenir" bằng chỉ đỏ và vài ba cái musoa thêu tên họ rành rẽ. Được khăn ấy, anh Cưng ôm ấp đêm ngày, tối để trên ngực ngủ. Một anh nói chơi:

- Ra Côn Lôn mà có "đồ" này đem theo, dầu cực khổ đến đâu cũng yên dạ.

Ra đến nơi, đụng một cảnh khốc liệt nó lướt khỏi vòng tưởng tượng của anh, trước một tình thế khốn cùng, anh chỉ còn có cách cuối cùng là đi trốn.

Trốn, làm bè phải ẩn mình trên núi một tuần lễ, phải nhịn đói, nhịn khát, sang qua mấy hòn nhỏ, lân cận Côn Lôn cho xa gácdan, thầy Chú, xa bọn Thổ bắt tù, rồi mới đốn cây, kết bè mà về xứ.

Tính lại, anh Cưng ra đảo được ba tháng. Anh yếu nhỏ, tướng tá học trò, sức đâu mà đốn cây, bứt mây, quây bè, cho nổi. Anh rủ anh Lành và anh Đủ, hai anh tù "đỏ" khác, người nông dân dỏng lực, rồi một hôm, cả ba, không lương thực, không nước uống, chỉ có lối một chục bạc trong mình của anh em giúp đỡ, cả ba lên núi, ẩn núp.

Cách sắp đặt đâu đó cũng hoàn toàn, lương thực gởi mua sau cũng được, nhưng vì cái "ẩu" của một anh bạn mà ba mạng phải vùi chôn nơi biển thẳm.

Người ta hòng trốn, người ta phải lựa người cùng đi với mình cho kỹ càng, không khéo về đến đất hay đi bè gặp lúc nguy cơ, người tồi tàn có thể làm hại chung cả bọn. Xuống bè chia lương thực - cơm khô hoặc bánh tét - chia nước uống chịu trăm mùi tân khổ cùng sống cùng chết có nhau, thì ít nữa mấy người cùng chung nhau phải có tình đồng chí.

Ba anh Cưng, Lành, Đủ trốn trên núi trót tuần, rồi một hôm, sang hòn, được người giới thiệu đi chung bè với một bọn tù thường năm người có sẵn lương thực, sẵn bè.

Không kinh nghiệm về sự trốn tránh, chỉ tin lời giới thiệu, ba anh sẵn lòng chia tiền với bọn năm người kia mà hưởng lương thực "quá giang" xuống bè về đất. Vừa ra khơi, không thuận gió, bè cứ lình bình ở giữa biển. Lương thực hết, nước uống sạch trơn, bè bị thấm nước biển, lại chở đến tám người, càng ngày càng chìm mãi.

Trong lúc nguy cấp, cái thú tánh của con người mới hiện ra. Bọn năm người kia là bọn lưu manh, chặt đầu người lấy của, ở ngoài, chuyên nghề ăn trộm, ăn cướp, vô tù, nịnh hót với thầy Chú mà bóc lột anh em tù, chúng nó không còn lương tâm gì nữa hết.

Cái tấn kịch bi thương, thống thiết, âm thầm xảy ra giữa biển mênh mông, không ai làm chứng cớ, nhưng độ lời chúng nó thuật lại, ráp thành một chuyện đầu đuôi có lẽ như thế này:

Ba anh tù "đỏ" không hay biết gì đến sự âm mưu của bọn kia, cứ yên tĩnh nằm ngửa ra mà trông trời mưa có nước uống. Một đêm, thình lình chúng nó lại đè anh Đủ là người mạnh dạn hơn hết mà liệng xuống biển.

Hai anh kia dẫu có hay cũng không kháng cự nổi lại với năm người. Rồi đến phiên anh Lành, cũng trong đêm đó. Chỉ còn có anh Cưng, chúng nó có lẽ còn cảm tình chút ít với cái thân hình nhỏ bé của anh nên nó để lại. Anh Cưng đau.

Nhưng bọn kia nghĩ lại nếu để một người cùng phe trở về có thể tố giác với anh em tù chánh trị mà gây cuộc rửa thù, nên chúng nó ném luôn anh Cưng xuống biển. Giữa biển, có dòng nước đưa bè trôi thật mau, rớt xuống rồi dầu biết lội cũng không tài nào theo kịp, huống chi trước khi liệng xuống bọn chúng đã đạp cho vài hèo để chết giấc, mới không thể đeo theo bè được. Lại còn cá mập, cái nạn của các biển Thái Bình Dương. Anh Cưng vừa xuống biển, thì đã thấy bọn quái vật ló đầu lên, chung quanh một dòng nước lẫn máu, hiện đỏ lói.

Hôm sau, tàu vớt được bè gần đảo Hồng Kông, đem tội nhơn luôn về đó. Khi giải về Khám Lớn Sài Gòn, và lúc ra Côn Lôn anh em tù chánh trị mở cuộc điều tra, năm đứa chúng nó mỗi đứa nói một cách, sau rốt chúng thú thật rằng đã ném ba người là Cưng, Lành, Đủ xuống biển!

Hiện nay trong năm đứa chúng nó, ba đứa đã chết bỏ xương nơi Côn Lôn. Còn hai đứa kia đang sống vất vả trong một cảnh cô độc. Tù chánh trị không thèm trả thù...

... Chị Bảy, ở Khám Lớn, khi hay được tin anh Cưng chết, chị biếng cười, biếng nói một thời gian khá lâu. Từ đó, chị sanh bịnh hoạn mãi, cho đến lúc gần đây, mãn tù, chị viết một bức thơ cho một người bạn trong ấy có câu này:

"... Tôi muốn anh em chị em để yên cho tôi một thời gian để tôi dưỡng bịnh... ".

Bịnh tình hay là bịnh trong tù?

Có lẽ cả và hai...

Đã đăng báo Dân Quyền, năm 1935.

Rút từ tập Tình trong tù, Đông Phương thư xã,

Mỹ Tho năm 1938.

Hết