Chương 1
Chúng tôi tất cả năm người, mới vào xem động Vân Trình ra về. Vân Trình là một cái động có tiếng đẹp của Ninh Bình, và cũng có tiếng nguy hiểm vì đây là sào huyệt của những Năm Thái, Hai Mâu, những tay tướng cướp nổi danh vùng ấy. Trời tối đen như mực và yên lặng - một thứ yên lặng mênh mang như thuộc về một thời hoang vu thái cổ. Trong khoang chật hẹp của chiếc đò dọc, ngọn đèn dầu tây đỏ kệch chập chờn một cách mơ hồ. Năm người cùng ngồi quây quần nhìn ngọn đèn, không ai nói gì. Ngoài kia, tiếng sóng sông vỗ vào mạn thuyền róc rách... róc rách... và thỉnh thoảng một cơn gió may đầu mùa - bấy giờ trời đang tiết cuối thu sang đông - lại rạt rào lên, lạnh lẽo. Một lúc, ông giáo Khảo cất tiếng hỏi khe khẽ:- Trời lạnh quá! Đến đâu rồi ấy nhỉ?Nhưng không ai đáp. Chúng tôi vẫn ngồi im nhìn ngọn đèn. Bỗng người lái đò, như đáp vào câu hỏi của ông giáo Khảo, gọi to lên:- Bẩm các thầy, đã đến kẽm Trống rồi đây ạ!Lệ cứ đến một bến nào thì người lái lại gọi lên, báo cho chúng tôi biết như thế. Lần này tiếng gọi to của người lái như làm cho cái không khí đang lạnh lẽo trong khoang thuyền tan đi. Cả năm chúng tôi đều ngồi thẳng lên, vươn vai, bẻ khục những ngón tay răng rắc. Ông giáo Kiệm với lấy chiếc điếu cầy ở góc thuyền, và nói:- Đến kẽm Trống, thế là được già nửa đường rồi!ông chánh Thâu kể một câu chuyện:- Ở chỗ kẽm Trống này có một khu ruộng lạ lắm, các ông ạ! Khu ruộng chỉ ước chừng năm mươi mẫu, mà chia ra khắp cả tỉnh tôi. Mỗi làng trong tỉnh này được một mảnh, thật chỉ có một mảnh; có tổng cách đây hàng hai, ba ngày đường mà cũng có một mảnh!- à khu ruộng ấy người ta gọi là khu ruộng kỳ tại. Tôi đã vào chơi ông lý trưởng ở vùng này một lần. Được ông ta nói cho nghe một câu chuyện về khu ruộng ấy rất kỳ dị, ghê sơ... Như một bầy cháu bé ngồi vây lấy bà để đợi nghe chuyện cổ tích, chúng tôi bất giác, mỗi người bỗng ngồi xích lại vây lấy ông thừa An đợi nghe câu chuyện. Nhưng ông An, bởi cái tính bình đạm thường ngày của ông, và có lẽ cũng vì cái kiêu hãnh thông thường của một người biết một câu chuyện lạ một chút, còn đợi cho ông giáo Kiệm hút xong điếu thuốc lào, lấy điếu cũng hút một điếu xong, mới kể. Ông chậm rãi bằng một giọng khe khẽ như e sợ. Bên ngoài tiếng sóng vẫn vỗ đều đều óc ách vào mạn thuyền và tiếng gió từng lúc lại rạt rào lên trong đêm tối.Bấy giờ về đầu đời nhà Đinh. Đinh Bộ Lĩnh mới thắng xong tất cả các sứ quân và lên ngôi Đinh Tiên Hoàng đế. Giặc cướp còn bừa bãi cả trong nước. Con đường qua kẽm Trống từ bến đò Khuốt vào Ninh Bình là một con đường đất, hai bên đầy những cỏ lau cao. Từng quãng xa mới có một xóm làng con, lơ thơ vài ba nóc tranh buồn tẻ.Ngay chỗ kẽm Trống lên cũng có một làng. Đấy là một làng toàn kẻ cướp. Lý trưởng, phó lý, trương tuần và đinh tráng tổ chức thành một toán cướp. Bên đường cái, ở quãng thuộc về địa phận của làng, họ dựng lên hai ba ngôi hàng bán nước chè, và thịt rượu. Những khách qua đường vào nghỉ chân ăn hàng, đều bị quan sát kỹ. Kẻ nào xem ra có máu mặt là bị hạ thủ. Chờ cho tối đến, xác người chết đem ra vứt xuống một hang núi kẽm Trống. Không ai có thể biết được hang núi sâu thẳm ấy, cho nên trải mấy mươi đời cái công việc tàn bạo kia đã làm, và tưởng làm cho đến mãi mãi... Có ngờ đâu, một hôm chỉ vì cái sắc đẹp của một người đàn bà... Hôm ấy, suốt một ngày, ngoài đường không có người khách nào qua lại. Vợ hai thày lý trưởng bán hàng ngồi chán ngăn ngắt. Suốt một ngày, trước cửa hàng chỉ có những cánh đồng lau bạc phơ đầu, gió thổi buồn rũ rượi. Chiều đến. Mặt trời xuống dần dần, rồi lặn hẳn. Chiều xám như trọ Những con quạ đi ăn xa đã lác đác bay về. Bà lý cũng sắp thu dọn hàng lại để ra về, thì chợt có một đôi vợ chồng còn trẻ lắm đi quạ Mừng cuống quít, bà lý mời vội vã:- Mời hai ông bà vào nghỉ hàng xơi cơm canh đã!Khách lững thững bước vào. Người chồng xách ở tay một chiếc đàn tranh, người vợ cắp một chiếc thúng khảo đậy chiếc áo buồm. ấy là hai vợ chồng người cung văn vừa đi cúng cho nhà giầu bên bến Khuốt về. Bà lý đon đả ra đỡ lấy chiếc thúng khảo vào. Thấy chiếc thúng nặng trĩu, thì bà mừng khấp khởi. Bà cười khanh khách:- Ông bà may mắn lắm đấy ạ! Hôm nay thịt bò hàng em béo quá đi mất kia!"Bò béo" là tiếng khẩu hiệu, để báo cho người bên trong biết là hôm nay có món béo.Nhưng người cung văn bỗng thấy như có một sự ghê rợn lạnh lùng gì bao bọc lấy mình, chàng sờ sợ và bảo nhà hàng:- Thôi! Chúng tôi vừa nghĩ ra là cần phải về, bà để cho chúng tôi... Người cung văn định sang hàng khác. Nhà hàng nhã nhặn không giữ khách. Cô hàng đưa trả lại chiếc thúng khảo cho người vợ và vẫn tươi cười:- Thế ông bà lại không nghỉ hàng cho em.Khách ra đi. Nhưng chỉ một lát sau, khách lại phải trở lại, tất cả quãng đường ấy chỉ có ba ngôi hàng, mà một hàng hôm ấy đóng cửa vì có đám cưới, và một hàng thì hết cả thức ăn.Cô hàng vừa dọn cơm ra, vừa mời khách:- Ông bà xơi rượu cho em ạ?Nghe giọng nói có vẻ lả lơi, người cung văn trông lên thì nhận thấy cô hàng của mình xinh đẹp quá. Nhất là hai con mắt nàng, nó vừa sắc sảo vừa đĩ thõa. Nó luôn luôn nhìn chàng.Cô hàng đưa một cái nhìn, rồi lại mời khách một lần thứ hai:- Thưa ông bà xơi rượu ạ?Người vợ vội gạt đi:- Thôi đừng uống nữa thày nó ạ. Không có lại say mê đi như hôm nào ấy thôi!Cô hàng khéo léo đỡ ngay:- Dạ, thưa đó là rượu thường, chứ rượu ngon như rượu hàng em thì uống không say được ạ!Người cung văn lẳng lơ nhìn cô hàng:- Thì cô cho tôi một bầu!Người vợ hằn học nhìn chồng nhưng không dám ngăn nữa. Vừa rót rượu ra chén, người cung văn vừa hỏi cô hàng:- Cô hàng bán thế này thì có được đắt hàng không?- Dạ, thưa ông cũng được thúc thắc, đủ tiêu ạ!- Cô hàng năm nay bao nhiêu tuổi rồi?Cô hàng không trả lời ông khách, chỉ nhìn ông lẳng lơ thêm một chút, và trỏ vào bầu rượu:- Kìa bầu rượu đã cạn rồi, để em rót bầu nữa ông xơi.Cô không đợi khách tỏ ý bằng lòng, lại với lấy chiếc bầu đã cạn rượu.Khách, ngà ngà say, cầm lấy chiếc bầu để đưa cho và cố ý chạm tay vào tay cô hàng.- Thôi! Thày mày không được uống nữa! Thôi!Tiếng vợ người cung văn thét lên, đầy uất ức. Nhưng cô hàng như không để ý gì đến cả, vẫn lả lơi cười cợt, và lại gần hẳn bên khách để chuốc rượu. Người chồng thì lạnh lùng:- U mày ăn xong rồi thì đi ngủ đi!- Vâng, rước bà vào trong buồng đi nghỉ ạ. Trong ấy có màn chăn, em đã sắp sẵn cả rồi.Người cung văn nhìn cô hàng, nóng ruột:- Thôi mà! Cô để mặc u nó! Cô cho tôi hỏi chuyện cô đã.- Dạ thưa, ông dạy.- Cô hàng này... à... cô hàng có biết hát không?- Hát câu gì ạ? Nhưng kìa rượu của em đã hết rồi! Để em rót đầy lên đã.Cô hàng đưa rượu lại, thì ông khách nắm lấy cổ tay:- Ai bóc nên trắng, ai day nên tròn thế này... ha! ha!Người cung văn đã say mềm...