Chương 1

“SỰ NGHIỆP MỘT NHÀ VĂN

Ở tuổi ba mươi, người ta bảo bạn thật “xuất chúng”.

Ở tuổi bốn mươi, người ta bảo bạn thật “tài năng”.

Ở tuổi năm mươi, người ta bảo bạn có “tài”.

Ở tuổi sáu mươi, người ta bảo bạn là một người “đã từng”.

Ở tuổi bảy mươi, người ta bảo bạn “còn chưa chết à?”

- Trích Kẻ ích kỷ lãng mạn-

“Ai là người mà thiên hạ tưởng là tôi?”

Louis ARAGON

Cuốn tiểu thuyết dang dở, 1956.

“ ‘Nhật ký’ là gì? Là một cuốn tiểu thuyết.”

Jacques AUDIBERTI,

Ngày Chủ nhật đang đợi tôi, 1965.

Cho Amélie.

“Anh muốn cùng em

Ta sống bên nhau trọn đời rồi chết

Ta cưới được nhau thì quá tốt

Vào khoảng bốn rưỡi chiều hôm nay.”

(Ngày 17 tháng Sáu năm 2003)

MÙA HÈ

-----

CHUYẾN DU HÀNH OVERNIGHT[1]

“Chúa không ban tặng cho văn sĩ tài thơ phú

mà ban tặng cho văn sĩ tài trải nghiệm đời bạc đen.”

Sergueї DOVLATOV

[1] Nguyên văn tiếng Pháp là ‘Voyage au bout de la night’, tác giả mượn tên tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Céline ‘Voyage au bout de la nuit’ (Hành trình đến tận cùng đêm tối), nhưng thay chữ “nuit” bằng chữ “night” trong tiếng Anh. (Mọi chú thích không ghi gì thêm đều của người dịch.)

Thứ Hai.

Anh tưởng tôi có điều gì đó để nói ư? Anh tưởng tôi từng trải nghiệm điều gì đó trọng đại ư? Có lẽ là không đâu, có lẽ là không đâu. Tôi chỉ là một gã đàn ông. Tôi cũng có một câu chuyện như bao kẻ khác. Lúc tập trên máy chạy bộ trong suốt một giờ đồng hồ, tôi có cảm giác như mình là một ẩn dụ.

***

Thứ Ba.

Tôi đã chán ngấy mấy bài báo đả kích. Chẳng có gì khiến người ta mệt mỏi hơn những kẻ viết thời luận được trả lương chỉ để càu nhàu, những kẻ noi gương anh thợ mỏ Xô viết Stakhanov[2] về khoản nghiến răng ken két. Các tạp chí đầy rẫy những nhà báo viết gì hưởng nấy ít nhiều có danh tiếng, những kẻ sẵn sàng nổi cơn thịnh nộ theo đơn đặt hàng. Có thể thấy ảnh họ ở góc trái phía trên trang báo. Họ nhíu mày hòng nhấn mạnh vẻ tức tối của mình. Họ đưa ra ý kiến cá nhân về mọi thứ, dưới góc nhìn độc đáo vờ vịt (mà trên thực tế là sao chép lại của các đồng nghiệp); họ khua môi múa mép ồn ào, ái ái ái, ta sẽ thấy những gì ta phải thấy.

[2] Trong một cuộc thi do đoàn thanh niên Xô viết Komsomol tổ chức, Alekseї Grigorievitch Stakhanov (1905-1977) đã khai thác được số lượng than gấp mười bốn lần so với mức thông thường và được lấy làm gương cho các công nhân khác noi theo.

Ấy vậy mà lại tới lượt tôi rồi. Tuần nào tôi cũng phải thù ghét, thứ Sáu-thứ Bảy-Chủ nhật nào tôi cũng phải kêu ca. Các tuần của tôi được sử dụng để moi ra một cớ gì đấy mà càu nhàu. Tôi sắp trở thành một lão già quạu quọ được trả thù lao ở tuổi ba mươi tư mất rồi. Hay trở thành một Jean Dutourd non trẻ (không ngậm tẩu). Nhưng không, đã quyết định rồi nhé: tôi chẳng chịu đâu, tôi thích công bố nhật ký của mình hơn cơ,cuốn sổ tay nrv[3] ấy.

[3] Tên một ban nhạc rock của Pháp chuyên hát những bài bỉ bôi cuộc sống, xã hội, con người và cả bản thân họ, viết tắt của ba từ “nul, relou, vicelard” nghĩa là “vô dụng, cáu kỉnh, trụy lạc”.

***

Thứ Tư.

Có một điều rất công bằng: phụ nữ đạt cực khoái mạnh hơn chúng ta, nhưng lại hiếm khi hơn.

***

Thứ Năm.

Thị hiếu của người giàu ngày càng trở nên tồi tệ, không phải thế sao? Tiền bạc và hàng nghìn bộ váy đắt tiền, chiếc du thuyền bẩn thỉu, những bồn tắm lắp vòi nước bằng vàng khối của nó. Giờ thì người nghèo còn lịch lãm hơn cả người giàu. Những thương hiệu thời trang mới như Zara hay H&M khiến các cô nàng đỏm dáng nhưng cháy túi trở nên khêu gợi gấp nghìn lần những cô ả bội tiền. Đỉnh cao của sự tầm thường chính là tiền, bởi ai cũng thèm khát nó. Bà gác cổng chỗ tôi ở nom còn sang hơn cả Ivana Trump. Điều khiến tôi ghê tởm nhất trần đời ư? Đó là mùi da thuộctrên những chiếc ô tô sang trọng của Anh. Còn gì khiến người ra buồn nôn hơn một chiếc Rolls-Royce, một chiếc Bentley hay một chiếc Jaguar? Đến cuối cuốn sách này tôi sẽ giải thích tại sao.

Hiện tại, điều hay ho nhất nhằm phát triển lịch sử điện ảnh hẳn là quay một bộ phim con heo trong đó các nam diễn viên vừa làm tình vừa tự nhủ “Anh yêu em” thay vì “Thấy cái đó chưa hả, đồ chó cái”. Dường như chuyện này xảy đến rồi đấy, trong đời thường.

***

Thứ Bảy.

Tôi trải qua cuộc khủng hoảng tuổi năm mươi vào năm ba mươi tuổi.

***

Chủ nhật.

Tôi đang ở nhà Edouard Baer, tại Formentera, anh là thiên tài đích thực duy nhất tôi quen biết, anh đã thuê một ngôi biệt thự trên bãi biển. Buổi sáng trong xanh, cháy nắng đến tận cổ. Khó mà tắm nổi vì có quá nhiều tảo, chưa kể tôi còn bị một con sứa chích vào chân nữa. Chúng tôi liên tục say xỉn hết với rượu gin Kas lại đến Marquès de Càceres. Chúng tôi gặpEllen von Unwerth, Anicée Alvina, Maïwenn LeBesco cùng con gái là Shana Besson, Bernard Zekrivà Christophe Tison ở kênh Canal+, những cô diễn viên mỗi đêm ngủ ở một nhà khác, những nhà sản xuất đưa chúng tôi đi tắm bùn bằng tàu thủy, và rồi trong buổi dạ tiệc nơi Bob Farrell (ca sĩ hát bài Những khúc dồi nhỏ) bật lại mười lần CD mới nhất của mình: “Anh muốn phệt em/ Hệt như mùa hè năm ngoái/ Phía sau những mỏm đá”, một mỹ nhân đầy vẻ khinh bạc có tên Françoise xuất hiện, nàng diện váy dài màu tím hoa cà, tấm lưng trần tựa Mireille Dare, rực vàng như bãi biển. Đúng là nghẹt thở. Nàng không trò chuyện với tôi; thế nhưng, kỳ nghỉ của tôi có thành công được thì đó là nhờ có nàng.

***

Thứ Hai.

Tôi rất muốn biết Bridget Jones sẽ có bộ mặt như thế nào, cái cô nàng bị Philippe Sollers đầu độc triết học Socrate ấy. Tôi nói thế vì tôi vừa đến đảo Ré, nơi tôi chờ được tình cờ bắt gặp tác giả cuốn Đam mê cố định bất cứ lúc nào. Trời thì đẹp tôi lại chỉ có một mình, tôi tin chắc mình sẽ đến tán tỉnh mấy cô nàng quyến rũ ở Buckingham, sàn nhảy nơi góc phố. Ai nấy đều nói “le Book” vì đó là một hòn đảo văn chương.

***

Thứ Ba.

Thật kinh khủng khi người dân đảo Ré ai nấy đều hạnh phúc đến vậy. Với họ dường như mọi việc đều dễ dàng: chỉ cần một cốc rượu vang Rosé des Dunes,chục con hàu sữa một chiếc thuyền buồm, một biệt thự tám phòng ngủ nơi tất tật trẻ con đều mặc đồCyrillus, thế là sẽ có hạnh phúc ngay. Đảo Ré là một viên sỏi dẹt chất đầy những gia đình đông đúc lúc nào cũng mỉm cười. Đối với những con người này, cần phải nghĩ một trò chơi truyền hình mới: “Ai muốn mất bạc triệu?”

Ở đây, tất cả mọi người cùng tên là Geoffroy. Như thế thực là tiện. Cứ ra bãi biển và kêu lên “Geoffroy”mà xem, tất cả sẽ quay đầu lại, trừ Olivier Cohen vàGeneviève Brisac, điều này cho phép ta cất được lời chào họ khi đi ngang qua. Xin chào tất cả! Tôi là Oscar Dufresne, nhà văn hợp mốt, kẻ ích kỷ lãng mạn, người tử tế loạn thần kinh. Tôi ngắm những cô nàng tóc vàng đi xe đạp. Tôi thích món tôm hùm nướng, cần sa bất hợp pháp, bánh rán rắc cát, những bộ ngực lớn tẩm mơ, nỗi bất hạnh của con người. Tối qua chúng tôi đã chơi trò thú nhận để xem ai có gu âm nhạc đáng xấu hổ nhất:

Tôi: - Đôi khi tớ mê mẩn Fleetwood Mac... (mắt cụp xuống)

Ludo: - Ờ... thi thoảng tớ có nghe Cabrel... (ánh mắt lẩn tránh)

Vợ anh: - Lenny Kravitz có mấy bài hay phết... ngồi trên xe mà nghe thì cũng không tới nỗi tồi lắm, phải không? (mặt cúi gằm)

Đúng lúc ấy, cô cháu gái của Ludo bước vào phòng và giúp mọi người đi đến thống nhất:

- Đĩa Lorie của cháu đâu rồi??

***

Thứ Tư.

Sau khi Boris Vian đã viết “Ta sẽ tới khạc lên mộ các ngươi”, hẳn tôi sẽ viết: “Ta sẽ xơi tất cả lũ con gái của các ngươi.”

***

Thứ Năm.

Mồm miệng đắng nghét. Đảo Ré, cái tên mới ngu ngốc làm sao. Ré là một nốt nhạc nghe thật phô. Ở đây, trẻ con suốt ngày nói “tuyệt vời” để tự thuyết phục mình rằng cuộc sống của chúng không mục rữa. Không phải ngẫu nhiên nếu bọn trẻ nhà nghèo thấy mọi thứ đều “chết người” thay vì “tuyệt vời”: chúng sáng suốt hơn. Tôi lưu lại nhà những người bạn cánh tả nghèo rớt mùng tơi. Tôi vẫn chưa xuất chiêu kể từ lúc đến đây. Thật ra thì cái hộp đêm nơi góc phố có tên “le Bouc[4]” chẳng qua là vì mùi của nó.

[4] Con dê đực, đọc giống “Book” (nghĩa là “sách” trong tiếng Anh). Tiếng Pháp có thành ngữ “Puer comme un bouc” nghĩa là “Hết sức hôi thối”.

Tôi cô đơn đến phát điên trong gia đình này, cái gia đình khiến tôi nhớ ra là mình đã quên lập gia đình.

***

Thứ Sáu.

Biển, gió, mặt trời[5]: thật không thể tách ba yếu tố ấy ra khỏi nhau được. Mũi tôi bị tróc da còn tóc thì xoăn tít. Kỳ nghỉ làm tôi mệt lử. Đó là kiểu kỳ nghỉ khiến người ta ước được đi nghỉ tiếp. Tối qua, rốt cuộc tôi cũng thấy Sollers và Kristeva ăn tối ở nhà hàng Cá Voi Xanh, một nhà hàng hợp mốt. Tôi đã ôm hôn Philippe và bắt tay Julia. Liệu tôi có trở thành gay không?

[5] Nhại câu “Sea, Sex and Sun” trong bài hát cùng tên của Serge Gainsbourg.

***

Thứ Bảy.

Thay vì làm tình, tôi đọc thư từ của Flaubert. “Tôi phát ngốt lên được mỗi lần nhìn đám đông những kẻ trưởng giả. Tôi không còn đủ trẻ trung lẫn lành mạnh cho mấy cảnh tượng như vậy nữa” (thư gửi Amélie Bosquet, ngày 26 tháng Mười năm 1863). Tôi đã chọn một làng đánh cá nhỏ để được yên tĩnh: Ars-en-Ré. Là như vậy nếu không tính Lionel Jospin (Thủ tướng Pháp), người đã tới cách đây hai ngày cùng vợ mình là Sylviane. Họ đi chợ với đám nhiếp ảnh gia của báoParis Match theo sau, nhưng cơn bực bội trong tôi nhanh chóng tan biến: tôi ấy mà, nhật ký của tôi được đăng trên cả tạp chí VS [6] nhé. Thậm chí còn chẳng thèm ganh tỵ.

[6] Viết tắt của “Vendredi-Samedi-Dimanche” nghĩa là “Thứ Sáu-Thứ Bảy-Chủ Nhật”.

***

Chủ nhật.

Sáng hôm qua, nhận được bưu thiếp của Claire:  “Oscar yêu quý, em không yêu anh đâu. Em không yêu anh đâu. Em không yêu anh đâu. Em không yêu anh đâu. Em không yêu anh đâu.” Đó là bức thư tình hay nhất mà tôi từng nhận được.

***

Thứ Hai.

Lionel Jospin ăn tối ở hiên quán Cà phê Thương mại của Ars-en-Ré. Ông buộc áo pull trên vai. Bán đảo Ré (tôi nhớ có một cây cầu nối đảo với La Rochelle kể từ ngày Bức tường Berlin sụp đổ) là đế chế của áo pull buộc trên vai. Cư dân lạ lùng của đảo rất sợ gió. Nên con trai để tóc ngắn và đi giày Dockside đi biển do Sebago thiết kế chắc hẳn từng rất hợp mốt vào cái năm họ mua chiếc thuyền buồm của mình. Còn con gái thì có mông rất bự và mặc quần lót của họ thường lộ ra dưới chiếc quần dài màu xanh lính thủy. Một Thủ tướng theo Đảng Xã hội làm gì trên một hòn đảo sặc mùi đảng Liên minh vì nền Dân chủ Pháp[7] cơ chứ?

[7] Liên minh vì nền Dân chủ Pháp thuộc phe trung hữu còn Đảng Xã hội lại thuộc phe trung tả.

***

Thứ Ba.

Đã hàng tuần nay tôi mân mê hộp bao cao su để trong túi. Nó vẫn còn được bọc trong lớp giấy bóng kính xenlôphan. Mấy cái bao cao su của tôi mặc một cái bao cao su khác! Mỗi sáng, tôi cô đơn thiếp đi, cố kìm nén không gửi tin nhắn cho Claire.

***

Thứ Tư.

Kinh tởm quá! Tôi cứ ngỡ thoát rồi cơ vậy mà gã vẫn bám theo tôi: gã diễn viên kịch câm quái ác cải trang thành Toutankhamon trên đại lộ Saint-Germain đứng trong cảng Saint-Martin ấy! Chiến công duy nhất của gã là đứng cả ngày không nhúc nhích. Gã nhìn chằm chằm về phía trước như một kẻ canh ngựa (bước ra từ tiểu thuyết của Christian Jacq). Người qua đường ném tiền xu cho gã. Tôi đang sống trong một thế giới vội vã tới nỗi người ta sẵn sàng trả tiền cho cảnh tượng bất động. Từ sâu thẳm đáy lòng, tôi ngưỡng mộ gã đàn ông mặc trang phục Ai Cập kia, kẻ chấp nhận hóa thành xác ướp sống, ngay dưới ánh mặt trời gay gắt, chỉ để nói với du khách rằng: các người cử động quá nhiều.

***

Thứ Năm.

Tối qua ở Bastion, hôn hít mấy cô nàng đi cắm trại bị hết thuốc khử mùi. Nách họ có lông. Họ hôn hít lẫn nhau và vã hết cả mồ hôi. Đó là buổi dạ tiệc chủ đề “áo phông đẫm ướt”. Tôi buộc họ dùng lưỡi liếm láp cho nhau. Tôi cương cứng tới nỗi có cảm giác như dương vật mình hết sức bự (nhưng thực chất là do quần jean tôi mặc bị co lại sau khi giặt). Lẽ ra tôi phải đưa họ về nhưng tôi lại quá đỗi xấu hổ với cái ô tô đắt tiền của mình. Tiếc thật, tôi tin chắc rằng ở trong lều, hẳn là họ có làm những chuyện tập thể mà đám người lịch lãm tử tế luôn chán ghét phải làm. Tán tỉnh là hành động tiếp nối cuộc đấu tranh giai cấp thông qua những phương tiện khác. Cũng giống Houellebecq, tôi là một người mác-xít theo lối tính dục. Thế nên ở Neuilly-sur-Atlantique cũng tồn tại hiện tượng hòa hợp xã hội với điều kiện phải mặc áo phông có hình Queen và chân tay co giật theo bài Lucky Star củaSuperfunk. (Tất cả mọi nỗ lực tôi phô bày để cưa sừng làm nghé.)

***

Thứ Sáu.

Trên bãi biển Conche, tôi ngồi chiếu tướng hồi lâu bộ ngực đồ sộ trắng muốt của Sandrine Kiberlain trong lúc Vincent Lindon chơi bóng đá với lũ trẻ năm tuổi (và bị thua). Da nàng nom rất nhợt nhạt, nàng có dáng vẻ phụ nữ  Anh. Thế lỡ họ có lý thì sao? Trông họ dường như rất hòa hợp. Gia đình, ta chẳng hề thù ghét mi[8], hẳn Chimène sẽ trả lời André Gide như vậy. Trên bãi biển này, các ông chồng nhìn ngắm hết thảy, trừ vợ mình. Và thật khốn kiếp, điều ấy khiến tôi lại nghĩ đến Claire, người mẹ của gia đình, người mà tôi không mong muốn. Một phụ nữ độc thân bất hạnh có hai con và mái tóc đỏ hung, bộ ngực đồ sộtrắng muốt (từ đó mà nảy sinh cái liên tưởng ấy), những chiếc túi xách tay sặc sỡ, những đôi giày kỳ cục, một giọng nói the thé. Erin Brokovich của riêng mình tôi. Càng ngày các phụ nữ hai con chuyên đáđàn ông trông càng trẻ. Tôi có cảm giác mình vẫn chưa tỉnh ngộ. Gia đình, ta chẳng hề có được mi.

[8] Tác giả nhại câu của André Gide (1869-1951) trong ‘Bọn làm bạc giả’: Gia đình, ta căm ghét mi.

***

Thứ Bảy.

Báo động: sứa xâm chiếm Trousse-Chemise[9] (bãi biển có cái tên đầy khêu gợi nhưng thực tế lại rất đáng thất vọng), ở Formentera cũng có sứa. Mùa hè này, đó là năm của sứa mà không có Kaprisky. Thế là đã quyết, tôi sẽ trở lại Paris. Vĩnh biệt, đảo của những thứ nhân ba. Trước khi đi, tôi bước chân trần trên cát ngắm nhìn những ngôi sao băng. Tôi cảm thấy uể oải, mệt lử, mang tầm vũ trụ.

[9] Có thể hiểu là Quần nịt phồng-Áo sơ mi.

Cuộc sống tựa như ngày cuối tuần dài đằng đẵng nằm uống whisky pha Coca và nghe Barry White.

***

Chủ nhật.

Viết nhật ký cũng là cách hùng hồn tuyên bố rằng cuộc sống của mình rất lý thú. Mọi chuyện xảy đến với tôi đều liên quan tới toàn thế giới. Còn mốt thời trang? Đó chính là nơi tôi ở.

***

Thứ Hai.

Paris trống rỗng y như đầu Jean-Claude Narcy khi màn hình nhắc lời của anh ta tắt ngóm.

***

Thứ Ba.

Thierry Ardisson gọi điện. Anh vừa từ Hy Lạp trở về, mười ngày qua anh ở đó với vợ và các con. Tôi bảo anh ta rằng tôi ghét Hy Lạp: trời thì nóng tới 50°C còn thức ăn thì hết sức bẩn thỉu với đám ong vò vẽ bên trong. Anh ta vặn lại tôi: “Đúng thế đấy nhưng ở đó, chẳng ai biết tôi cả!” Thế là đột nhiên tôi hiểu ra vấn đề: chính nó đây, sức mạnh của Ardisson, anh ta đi nghỉ ở nước ngoài để lại được làm một người thường. Hè nào anh ta cũng thực hiện một chuyến thực tập về sự vô danh. Anh ta xếp hàng ở quán ăn, đánh mất hành lý ở sân bay: lại khám phá ra thế nào là sống một cuộc sống khốn kiếp. Cuộc sống của người xem truyền hình.

***

Thứ Tư.

Tôi nghe nói đến một nơi có 1,5 triệu thanh niên tới từ khắp nơi trên thế giới, trong đó 80.000 là người Pháp tuổi từ mười sáu đến ba mươi lăm, và 130 điểm gặp gỡ bằng ba mươi hai thứ tiếng. Sự kiện này có tên là JMJ[10] diễn ra ở Rome, một vũ hội khổng lồ để tìm chồng cho con gái của giới quý tộc! Tôi quyết định sẽ đến đó. Tôi mặc quần soóc bằng len phớt và bộ quần phục giống nam tước Baden- Powell. Trông tôi đẹp trai hệt như giáo hoàng; vậy nên tới thăm ông ấy thôi.

[10] Journée Mondiale de la Jeunesse: Ngày Thanh niên Thế giới.

Đọc tiếp : Kẻ Ích Kỷ Lãng Mạn - Chương 2