Năm 63 sau ngày thay ngôi đổi chúa, Sàigòn trùm ngập trong không khí hăng say của một thành phố bỗng nhiên thấy mình vương thân lớn lên đến tuyệt cùng của sự áp dụng lý thuyết dân chủ. Người khổng lồ Sàigòn dầu tiềm tàng sức mạnh vạn năng và trăm tay tự do nhưng ngỡ ngàng bối rối không biết làm thế nào tiêu pha hết các xung lực bên trong cơ thể. Nhân sự và năng lượng dự trữ quá nhiều. Khuynh hướng và lý thuyết cũng không phải ít. Phía nầy các tướng lãnh trẻ, sạch rục rịch đảo chánh lần nữa để đem lại ổn định cho quốc gia. Phía kia các khuôn mặt dân sự sáng giá từng vào tù ra khám, họp bàn sách lược mới về cứu nước và dựng nước thay thế cho sách lược cũ vốn mới nghiên cứu và ban hành trước đó không lâu. Sàigòn đầy rẫy lãnh tụ sinh viên với khả thể hô hào tụ họp được hơn mười ngàn khuôn mặt trẻ dễ dàng chiếm đường phố suốt ngày. Sàigòn phong phú các bậc trưởng lão tôn giáo chỉ hiểu dụ một câu có thể làm náo loạn sinh hoạt thường nhựt của thủ đô cả tuần kế đó. Sàigòn ngập tràn tin tức bắt bớ, trả thù trong bóng tối. Sàigòn với vô vàn cuộc thưởng chức phong quan không theo hệ thống luật lệ hằng hữu. Đã hết rồi thời luật pháp cần có của một đô thị trên đà phát triển trong giai đoạn chiến tranh quy ước. Sinh hoạt êm ả của ngày xưa không còn thấy đâu nữa. Dân chúng Sàigòn đắm chìm trong ưu tư bất trắc của ngày mai với viễn ảnh thực phẩm khan hiếm, đầu cơ và các bản nhạc hùng đặc trưng của chỉnh lý, đảo chánh cùng với hiến ước, hiến chương, ước pháp. Tôi phơi phới ngồi phía sau cóp chiếc xe lô Minh Chánh nhìn thiên hạ ngược xuôi. Tất cả nếu không biểu lộ nét chán chường thời thế thì mang vết hằn của năm tháng lo âu. Sao nỡ ra đi bỏ thành phố thân yêu không thương tiếc? -- Hơn hai mươi năm chung tình rồi còn gì. Em Sàigòn biến chất chớ không phải tôi tình phụ bỏ bê. Trong phong ba của bom đạn Đồng Minh cuối thế chiến, tôi chỉ theo cha mẹ về quê vùng Chợ Đệm náu nương một thời gian ngắn rồi lại lục tục trở lên Sàigòn sống đời thơ ấu cho đến lúc bước những bước rụt rè chánh thức vào đời như một người trưởng thành. Tôi từng đứng nhìn không mỏi mắt đàn kiến người đưa đám tang anh học sinh họ Trần, đám tang lớn nhứt thế kỷ cho một thanh niên trẻ tuổi nằm xuống vì tiếng nói đối kháng chế độ thực dân. Tôi từng theo chân đoàn người thật dài và yên lặng tiển đưa nhà văn độc nhất đang sống ở Miền Nam của văn đoàn Tự Lực, nằm xuống để phản đối không cho người khác xử án mình. Tôi đi tìm một thành phố hiền hòa nào đó, trốn tránh sự ngột ngạt của những dao động lúc nào cũng có thể xảy ra cho thủ đô thần tượng. Vị Giáo Sư ngành Triết dạy môn Đạo Đức tại trường Đại Học tôi đang theo, lúc đó phụ trách ngành Trung Học, thể theo lời yêu cầu phụ giúp của người bạn thân vừa tham chánh trong một chánh phủ gọi là của dân nghèo, ký giấy cho tôi được về dạy giờ tại ngôi trường mang tên vị văn hào mù lòa nhưng tượng trưng cho hào khí của miền Nam khả ái. Tôi chưa có một hình ảnh gì rõ rệt về ngôi trường mình sắp đến. Tất cả đều là những cảm giác mù mờ đựa trên các dữ kiện thiếu cơ sở. Không thể nào trường nầy cựu trào hơn ngôi trường tôi từng theo mười năm trước, mang tên nhà văn bác-ngữ-học danh tiếng cuối thế kỷ vừa qua. Không thể nào trường nầy tọa lạc trên vùng đất khang trang như ngôi trường của tôi. Không thể nào trường có phong vị học hành như ngôi trường đã cho tôi niềm hãnh diện trong thời niên thiếu... Không thể, và biết bao nhiêu cái không thể khác hiện ra trong trí. Các ý nghĩ đó thay đổi khi tôi đến trước ngôi trường nhiệm sở. Cổng sắt to lớn, uy nghi. Cột cổng bằng xi măng, bề thế. Ngôi nhà chức vụ của ông Giám Học như căn biệt thự nho nhỏ, xinh xinh. Trường rộng rãi, nguyên cái sân thôi cũng đã to hơn toàn thể khu đất của nhiều trường ở Sàigòn. Kiến trúc trường cổ kính theo hình chữ U, dãi lầu ngang tôi còn nhìn thấy lan can và nhiều thanh sắt uốn nắn hay chạm hoa văn đặc biệt của mô thức kiến trúc kiểu Pháp đầu thế kỷ. Trường nằm lọt trong lòng một khu vừa thị tứ vừa thơ mộng. Con đường me phía trước sao mà vừa rộng thênh thang vừa đẹp đẻ đến kỳ thú, gợi tình. Chắc hàng me đã trơ gan cùng tuế nguyệt hàng bảy tám chục năm nay. Thân me to lớn, cành lá xum xuê, tạo nên con đường me bay ngay thơ mộng trong ký ức tôi ngay từ lần đầu tiên được biết. Cảm giác đó vẫn còn giữ cho đến ngày hôm nay dầu đoạn đường đời đã bước vài bước sang chặng cuối. Con đường Ngô Quyền bên hông trải dài bằng dãi nhà sang trọng, biết bao nhiêu căn lầu kiến trúc đẹp đẽ, kín cổng cao tường, nói lên sự hiện dịện của mình chỉ bằng mùi bông sứ bông trang thơm ngát. Con đường phía sau là khu chợ, nơi mà sau nầy là chỗ thầy trò chúng tôi nhiều tối ra ngồi trước tô bò viên và ly rượu thuốc Vĩnh Tồn Tâm nhìn sinh hoạt buổi chiều ồn ào của tỉnh lỵ mà bàn chuyện đội đá vá trời. Hình ảnh ngôi trường trong trí khác với hình ảnh thật sự bên ngoài đã thay đổi tình cảm của một thầy giáo mới vào đời là tôi. Tôi cười làm quen với những cậu học sinh áo trắng quần dài xanh, huy hiệu bằng vải thêu chữ xanh may luôn trên áo. Qua họ tôi nhìn thấy hình ảnh mình năm ba năm trước, tự hào với đàn em các lớp nhỏ nhưng chính mình lại bở ngỡ với quá nhiều ngã đường kỳ bí trước mặt của những ngành nghề. Những cái gật đầu chào ngỡ ngàng đồng thời chứa đựng một sự kính trọng cùng thân thiện đến ấm lòng. Tôi đi về phía văn phòng. Dãi lầu bên trái đối với cổng lớn, dựa lưng vào đường Ngô Quyền. Một vị giáo sư đứng tuổi, người rắn chắc, thấp, dáng thể tháo gia, tóc hớt cao, sau này tôi mới biết là thầy Tổng Giám Thị có cùng tên với mình, kêu hai học sinh bê bối mà nảy giờ ông đang giảng luân lý, đứng qua một bên, đón tôi lại, hỏi rồi niềm nỡ chỉ văn phòng hiệu trưởng. Tôi cảm thấy ấm áp nhờ sự chào đón đầu tiên đó. Ngay từ phút nầy tôi biết rằng Sàigòn đã thật sự vắng mặt trong tôi, từ đây mình là một phần tử không thể tách rời của ngôi trường tại vùng đất của mận hồng đào thơm ngọt. Đời mình rồi sẽ gắn bó với nó nếu những trở ngại đừng quá lớn lao. Phút trình diện thân mật và dễ dàng hơn tôi nghĩ. Nhìn ra ông Hiệu Trưởng, tôi gọi ông bằng Thầy và nói rằng mình xuất thân từ ngôi trường nhiệm sở tiền nhiệm của ông. Ông xưng Thầy và gọi tôi bằng con, tiếng con thân thiết khiến tôi cảm động thật sự dầu mình đang ở trong tuổi tự cho đã lớn và phải kềm chế những xúc cảm không hợp với phái tính. Ông nói sơ qua về sinh hoạt của trường, khuyên tôi nên học thêm năm chót để hoàn tất học trình cần thiết của một giáo sư trung học. Ông nói về bổn phận của người thầy ở đây và bổn phận đối với chính mình khi tôi có dịp về Sàigòn. Giọng nói của ông ấm áp, từ tốn, tỏa ra sự thân yêu đùm bọc trong từng lời một của một người đi trước lo lắng cho với lớp trẻ đi sau. Tôi cảm thấy được che chở ở nhiệm sở đầu tiên trong đời qua lời khuyên nhủ chân thành của ông. Giờ phút nhậm chức sao mà giống như những phút tâm tình của hai người với tương giao sư đệ! Theo lời chỉ dẫn của thầy Hiệu Trưởng, tôi vào văn phòng Giám Học để xin được xếp thời khóa biểu. Thật sự tôi là thành viên của ngôi trường từ đó. Đấy là những ngày đầu của năm 64. Thằng Đất thường bối rối khi tôi kêu lên hỏi bài. Cả lớp ồn ào khi thấy nó khó nhọc lách mình giữa khoảng cách quá hẹp của cái ghế dài và bàn viết. Cử chỉ cùng điệu bộ của nó không phù hợp với một học sinh Đệ Ngũ chút nào. Đó là thân hình của một người trưởng thành, to lớn, mạnh khoẻ. Nó cao hơn tôi nguyên một cái đầu mà lại cố tình đứng xáp vô tôi để bạn bè thấy ngay được sự cách biệt hình dáng của hai thầy trò. Tôi lùi lại, bước lên bục giảng, nó biết thân không dám bước theo lên. Bây giờ nó vừa khoanh tay hếch mặt lên trời vừa ưởng ngực hít thở óp bụng làm Thần Đèn lực lưỡng trong tuồng Ấn Độ Ali Baba. Cả lớp cười nghiêng ngữa, có đứa được dịp đấm thình thịch vào thằng bạn kế bên. Lớp học thật sự mất vẻ nghiêm trang cần có. Tôi bối rối thiệt tình. Đã ra thân dạy giờ mà không nắm vững được lớp thì chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi làm mặt nghiêm, lấy thước bảng gõ xuống bàn kịt kịt rồi ra luật rằng từ bây giờ trò Đất muốn làm gì cứ việc làm nhưng trò nào cười sẽ bị phạt. Chưa biết hình phạt là gì nhưng nghe tiếng phạt đứa nào cũng nín im. Tội nghiệp thằng Đất, nó kềnh kàng nhưng vẫn là một đứa học trò vừa qua khỏi Tiểu học không bao lâu, kiến thức mọi môn đều kém. Thế mà tôi lại bắt nó trả lời những câu hỏi hơi quá sức, ngay cả đứa học trò thông minh nhứt của tôi, con của một nhà văn chuyên tả cảnh sinh hoạt đồng quê Tr. Gi. được tiếng là có cơ hội đọc khá nhiều sách, cũng không trả lời được. Sự giải thích của tôi về hình ảnh quá hoàn hảo của anh chàng Vân Tiên khoan khoan ngồi đó chớ ra bằng phản ứng do cảm thức thất bại của tác giả trong đời sống bình thường cũng là một giải thích quá tầm thâu hoạch đối với thằng Đất và nhiều học sinh khác. Vậy là nó lảnh đủ những hờn giận của một thầy giáo chưa có kinh nghiệm và chưa phân định được chuyện học hành và cảm xúc không kềm chế của một người thầy. Thằng Đất tiu nghỉu khi xách tập về với một cặp số không màu đỏ và lằn gạch dưới đậm dài như ngọn roi mây quất vào lòng. Lớp học êm thật êm, tôi nghe cả tiếng một con ruồi vo vo đằng cuối lớp. Tôi nhận được tiếng thở dài của những đứa học trò nhỏ hiền. Những cái nhìn lắm lét làm chùn lòng tôi. Miệng cắt nghĩa bài nhưng hồn tôi như đi trên than hồng của sự hối hận, nghe tiếng mình sao mà vô vị, bất xứng và đáng ghét. Chú hỏi sau nầy tôi có xin lỗi hay nói phải quấy với thằng Đất cho nó mát dạ không hả? Cái bậy nầy dẫn tới cái bậy kia chú ơi. Tôi lờ đi với lý do mình là thầy, chỉ tỏ ra săn sóc nó hơn, ngọt ngào với nó hơn chớ tuyệt nhiên không nói gì đến cơn giận nắng mưa vô lý của mình. Cho tới bây giờ gần bốn chục năm qua, tôi vẫn còn mường tượng vẽ mặt cười cười trong khổ sở và bắp tay cuồn cuộn của nó khi tôi đánh quẹt lọ vô đó vì những câu nó trả lời không hợp ý mình. Chú biết không, thằng dễ thương vậy mà năm sau phải bỏ học ngang, chưa kịp thi cả bằng Trung Học Đệ Nhứt Cấp. Bạn bè của Đất cho tôi biết nó vô Dân Vệ Ở xã nhà để được gần gũi gia đình. Đời bận rộn quay mòng trong cơn lốc thời gian và cuộc sống bon chen khiến tôi quên bửng nó, không biết về sao Đất như thế nào nữa. Chiến tranh thời nầy đã nuốt chửng vô vàn thanh niên, không biết người học trò đặc biệt đó của tôi thoát khỏi chăng nanh vuốt của con quái vật gọi là cuộc chiến? Chú muốn nghe nữa?Toàn chuyện buồn không à! Chuyện vui bay thoát mất tiêu trong tâm trí, chuyện buồn man mác mới tồn tại trong hồn ta chú không biết điều nầy sao? Lúc đó tôi tạm trọ trong nhà nọ. Nhà lầu ba từng ở đường Ngô Quyền, chủ nhà là một bà bác độ chừng hơn năm mươi, quả phụ của một thầy giáo. Nhà rân rác lắm, trước kia nghe đâu có mở tiệm cầm đồ, thầy giáo mất, bà bác cho học sinh ở trọ để vui cửa vui nhà. Bà sắp xếp cho tôi ăn riêng theo khẩu phần và giá biểu của giáo sư. Độ một thời gian, sau khi đã quen với đám học trò cùng nhà, thấy các em ăn uống kham khổ tôi nghĩ rằng ăn chung với tụi nó tốt hơn. Kết cuộc là nhiều bữa tôi đói, phải ra chợ ăn thêm vì sức học trò ăn quá mạnh, loáng một cái trên mâm đã không còn gì. Cũng nhờ ăn chung mà tôi chơi thân với những đứa học trò lớp Đệ Nhứt, khoảng cách giữa thầy trò chỉ vài ba tuổi thôi. Chúng rành sáu câu mọi chuyện xảy ra trong vùng. Chúng nhứt quỷ nhì ma, biết nhà nào có con gái xuân thì, biết trái cây bà bác cúng rồi để đâu, biết thức ăn nào còn để dành lại. Một bữa kia vào lúc bảy giờ tối văng vẳng đưa tới nhà trọ tiếng kèn đám ma tò te từ xóm bà giám thị Đẹp. Tôi đưa mắt hỏi thằng Thượng, nó trả lời trong tiếng thở dài, thầy Th. đó. 'ng bị bắn sẻ trên đường về trường. Rồi nó kể tiếp, ổng đi tác chiến đâu chừng được một năm, mới có giấy biệt phái về lại nhiệm sở cũ, vừa bàn giao đại đội đi về thì bị. Tài xế cũng không biết, chỉ thấy ông gục đầu qua một bên rất lâu, tưởng là ổng ngủ. Tội nghiệp cô Th. còn rất trẻ, con của cô thầy đâu chừng hai tuổi thôi. Tôi rùn mình, trong túi tôi hai ngày nay có tờ giấy kêu trình diện Bộ Quốc Phòng do Chuẩn Tướng Giám Đốc Nha Động Viên họ Bùi ký. Tôi chưa biết phải đối phó cách nào với lịnh gọi. Tờ giấy bây giờ nghe như đương vương mấy ngón tay móng dài ra cào cào bắp vế tôi nói rằng mình có mặt. Đêm hôm đó và liên tiếp hai ba ngày sau tiếng kèn u uất kia là nỗi ám ảnh không rời. Tôi chưa từng biết Th., đám tang anh tôi cũng không đi dự, thế mà lòng nghe xót xa cho anh, cho những người cùng trang lứa. Chắc anh khi cầm tờ giấy biệt phái đã xây biết bao nhiêu mộng, đã vẽ ra nhiều chuyện mình phải làm cho tương lai. Thùy vô tử nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe chi tiết về cái chết của một đồng nghiệp bất hạnh. Tiếng kèn và tấm giấy gọi nhập ngũ đã tạo cho tôi nhiều ác mộng. Tội nghiệp cho người hay nghĩ đến chuyện có thể xảy ra cho mình trong tương lai? Không có thì giờ phân tích lòng mình, tôi chỉ biết rằng mình sợ trò chơi binh nghiệp ngay từ khi nghe chuyện bất tường xảy ra vào Giờ Thứ Hai Mươi Lăm của Th. Chú muốn nghe nữa?-- Được. Tôi có một đứa học trò ưa cùng tôi bàn luận chuyện văn chương thi phú. Đệ Ngũ thôi, nhưng nó thuộc thơ văn nhiều hơn tôi tưởng. Lắm lúc nhận xét của nó quá khích đến lạ lùng. Thằng Thiện bữa nọ đưa tôi tập thơ Từ Ấy in trong vùng Giải Phóng ở Bến Tre. Tập thơ khổ nhỏ, in đẹp, giấy trắng tốt. Tôi cầm mà tay run run. Không phải đùa, lớn chuyện rồi đây. Thằng Thiện theo bên nầy hay bên kia mình đều kẹt cứng. Khuyên bỏ hay khuyên giữ tập thơ đều khó, đều có thể có phản ứng ngược. Tôi hỏi ở đâu em có, nó trả lời là của anh em, anh ấy lớn hơn em một tuổi, thi vô Đệ Thất không đậu, ở nhà. Bây giờ anh ấy theo phe bên kia. Vùng xôi đậu mười bốn mười lăm là phải theo họ hay chạy ra thành phố. Ảnh chọn ở lại vì em còn mẹ già và hai em gái nhỏ. Thỉnh thoảng tối ảnh còn được về nhà thăm má em giúp bửa củi, đắp mương, đào ao, đập lúa. Đi lính Cộng Hòa không biết bao giờ mới được thăm gia đình. Tôi nói nhưng mà Thiện đừng cầm tập thơ đó khơi khơi như vậy, nguy hiểm cho em. Nó là một thứ quốc cấm. Thà em hiểu, em chọn phe thì có lý, đàng nầy em chỉ thích thơ và tò mò muốn biết nội dung trong đó. Cái hại không bù với cái lợi trong trường hợp nầy. Thằng Thiện thở dài, xếp tập thơ lại, đút túi. Từ đó nó không bàn gì đến chuyện thơ phú với tôi nữa. Tôi quên đi Từ Ấy, chỉ nhớ đến chuyện hai anh em Thiện. Rồi đây sẽ có lúc hai đứa cầm súng bắn nhau mà mọi sự bắt đầu bằng chuyện thi đậu hay thi rớt vào Đệ Thất của trường tôi đang theo dạy. Ước gì trường tôi có đủ chỗ học cho tất cả học sinh vào Đệ Thất. Ước gì đất nước chúng ta không có những vùng xôi đậu. Chú hỏi về sau hả? Thằng Thiện tôi gặp lại ở Sàigòn sau đó, đang theo học trường Chiến Tranh Chánh Trị. Nó nhắc đến những đứa học trò cùng trọ với chúng tôi bây giờ hầu hết đã thành nhân chi mỹ bằng một giọng thiệt vui. Tụi em gặp nhau là nhắc tới thầy hoài, nhắc tới sư tổ nữa. Tôi chận ngang, nói rằng mình hãnh diện khi thấy các em thành tài, đất nước mình nghèo, quê hương mình chìm trong đại nạn chiến tranh nhưng trường học đã làm tròn nhiệm vụ đào tạo, và học sinh đã sống xứng đáng đời học sinh. Chú biết không, không gì thiệt thòi cho trẻ em bằng cắp sách đến trường mà không tin những gì thầy cô giảng. Không gì dễ làm hư trẻ em bằng sự đối nghịch giữa trường học và trường đời. Chú có thể chê thế hệ tôi có nhiều cái bê bối nhưng chú không thể chê tình thầy trò và sự giáo dục mà các em đón nhận của thời nầy... Tôi từ giả nhà trọ để khỏi đi sâu vào những chuyện khó xử về sau, chuyển tới ở chung trong chuồng cu phía sau trường với người thầy cũ mà học trò tôi thường gọi là sư tổ. Như đã nói với chú, chiều chiều tôi cùng với một anh bạn giáo sư gốc võ sĩ cùng hộ tống thầy mình ra ngồi sau chợ, nhâm nhi ly rượu thuốc để quên đời và bàn chuyện lớn. Tôi thật sự làm quen với các đồng nghiệp là lúc nầy. Anh Lê, Toán Lý, cờ hạng cao, anh Quách, vua cờ, Giám học Lâm vui tánh, anh Đại, Sử Địa, bạn học với tôi, anh Sáng râu, triết gia, tuyên bố không thèm cưới vợ. Anh Phẩm Bá, Pháp văn, nhiều tham vọng, anh Tam, Triết, vận động hăng hái để có Đại Học Tiền Giang, anh Nghĩa Trung, Vạn Vật đang chuyển sang Luật... Còn biết bao nhiêu người khác nữa không thể kể hết như các anh Mai, Thứ, Kiến, Long, Nhơn, Thế V... Tất cả đều dễ thương với bạn bè và hết lòng với đám môn sinh, lúc nào cũng muốn học trò mình thành đạt, đem lại rạng rỡ cho trường. Sau nầy trong dòng đời xuôi ngược, có dịp gặp lại họ hay không tôi đều có hình ảnh tốt về những con người tận tụy đó, những con người một lòng đem đời mình đấp xây cho thế hệ sau. Giờ đây tất cả đã tan tác bốn phương, người chết, người bệnh, người nghèo, người lưu lạc nhưng tôi biết chắc rằng ngày xưa họ đã làm quá hơn nhiệm vụ của mình mà không đòi hỏi một sự báo đền nào... Xin đọc cho chú một ý thơ mới hiện ra trong trí già nầy. Không phải do sáng tác mà là phóng dịch từ một bài hài cú của Kishu, nhà thơ thiền danh tiếng của Nhật Bản: Bốn mươi năm đây đó, Về lại trước trường xưa, Tôi chưa từng đi một bước nào. Phải, bằng tấm lòng, người ta gắng bó với xứ sở, quê hương hay một địa phương nào đó. Trở về lại nơi chốn kỷ niệm xưa là tiếp nối ngay với thời điểm lúc mình bỏ ra đi. Khoảng thời gian tôi không có mặt ở trường nầy bây giờ đây bị xoá tan hoàn toàn trong trí nhớ như là chưa bao giờ hiện hữu. Tĩnh giấc kê vàng đó chú. Tôi thấy mình trở lại những tháng ngày trẻ trung đứng trước đám học sinh, chăm chú nghe thầy giảng mặc dầu trong trí họ mới vài phút trước còn đầy những ưu tư về nghèo túng, quân trường, tình phụ, áp lực của vùng xôi đău mà họ đang ở... Chú thấy đó, tôi sẵn sàng mở rộng nội tâm mình ra ráp vào hiện trường nhưng khung cảnh không sẵn sàng. Nét thay đổi vật chất về hình thể ngôi trường, sự dững dưng của học trò không biết tôi là ai, cái nhìn dò xét của người điều hành khi tôi xin phép được một mình đi vòng vòng phía bên trong... đều là chuyện thường, chuyện nhỏ, không đáng kể. Điều tôi không chịu được là thấy người ta đua nhau lấn chiếm, đành đoạn giành giựt đoạt xé từng mãnh thịt xương của ngôi trường. Căn nhà Giám Học không còn nữa, nhiều phần đất chung quanh đã bị tướt lột, bán lại sang qua không biết bao tay người. Chú thấy đó, hàng rào sắt chung quanh trường tượng trưng cho sự bảo vệ học sinh đối với xã hội đảo điên đã bị bứng lên đem đâu mất. Người ta thi nhau đổ rác, phóng uế phía sau nhà mình, có biết đâu phía đó quay về các lớp học. Đau đớn nhứt là diễn trường cho những sinh hoạt phi giáo dục lại xảy ra tại chỗ này. Tất cả đều có từ ôm đi sau. Chú có thấy thiệt là vô lý hay không trong khi thầy cô giảng bài học trò chỉ cần nhìn ra cửa sổ sẽ thấy, sẽ tưởng tượng được rõ ràng cảnh kề vai cọ vế? Vị vĩ nhân mà trường mang tên có nói câu nầy rất tuyệt 'Thà đui mà giữ đạo nhà'. Đạo nhà đây không gì khác hơn là nhân luân đó chú. Bây giờ thì tang thương đến cả từng mảnh nhỏ của ngôi trường vì người ta không làm tròn nhân luân. Chú thấy các thông cáo đóng hàng chục thứ tiền dán trên bảng kia không? Trẻ con làm sao còn tin tưởng được những gì người lớn nói? Mà thôi, kể chuyện cổ tích với chú bao nhiêu đó đã đủ, trách móc rồi cũng dư lời, nói nhiều thêm nước mắt lại đoanh tròng. Già rồi không ai muốn điều đó, trẻ con chung quanh chúng cười cho. Lão đại hồi luôn luôn là phút bẽ bàng. Mục đồng tá vấn vẫn là cảnh đau lòng đứt ruột. Tôi nói cái gì vậy cà? Thôi! Chú ở lại mà chứng kiến cảnh hí trường thấm thoát. Mai ngày biết đâu sẽ có những thầy, những trò khác về đây ngồi kể chuyện sang đàng với chú như tôi hôm nay. Rán mà nghe tâm sự họ với tất cả cõi lòng rộng mở nhe chú! Cây me to xào xạc cành khi người ngồi dựa gốc nó bây giờ đứng dậy chệnh choạng bước đi. Dáng ông coi bộ còn mạnh khỏe nhưng sao bước chân lại xiêu xiêu như người say rượu băng xiêng? Lá me vàng úa bay lã tã, lượn lờ trong không gian, như xúc động bùi ngùi đưa tiển, rớt lấm tấm trên cái đầu bạc trắng của người thầy giáo già mất quê hương và mất luôn cả kỷ niệm. Nguyễn Văn Sâm (Port Arthur, Texas, 31-12-1999)