Chương 1

Ngày...

Tôi thất vọng hoàn toàn. Không hiểu tại sao người ta có thể tàn nhẫn với tôi như thế. Tôi, một kỹ sư trẻ đầy năng lực. Tôi đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng ưu tú đâu có phải để người ta rẻ rúng, đầy ải. Nhiều người đã khuyên tôi "chạy", nhưng tôi không thích "chạy". Việc gì tôi phải làm cái trò đó khi tôi có tấm bằng ưu? Tôi tin tưởng ở đâu người ta cũng cần có những thằng kỹ sư như tôi. Nhưng cái thói chủ quan, cứng đầu của tôi đã được ăn đòn, một đòn có thể nói là chí mạng, làm đảo lộn mọi dự định tốt đẹp của cuộc đời tôi.

Cái mặt lão Tuy, cán bộ tổ chức mới đáng ghét làm sao! Một bộ răng vẩu vàng khè, ám khói thuốc lào, một cặp mắt lươn ti hí, một cái cười hãm tài ti tiện. Lão ta nói:

- Các ban bè ở sở cũng thiếu người, kể ra cũng có thể lấy cậu được. Nhưng... Vả lại cậu còn trẻ, nên đến những nơi khó khăn gian khổ để rèn luyện thêm. Cậu chẳng đã ghi vào lá đơn xin vào trường đại học rằng sẽ đi bất cứ nơi nào khi Tổ quốc cần là gì?

"ông không phải là Tổ quốc của tôi! Tôi không khiến ông giảng dạy! Đồ khốn, vì tôi không cống nộp cho ông chứ gì!". Tôi định hét vào mặt lão như thế. Nghe nói lão ăn của đút đã quen. Với cái lương cán sự bốn như lão mà lão xây được nhà, sắm được ti vi, tủ lạnh, xe máy... thì không phải của đút là gì? Tôi cầm tờ quyết định quay phắt đi. Biết rằng thế là bắt đầu một cuộc đời gian khổ. Lòng tôi hoang mang, bối rối quá. Trời đất như tối sầm lại. Tôi nhảy choàng lên xe đạp, phóng lang thang ngoài đường phố, chẳng muốn về nhà.

Hồi Xuân - Pu Nhi là cái xứ sở nào?

Theo một quyển sách địa lý tôi đọc được ở đâu đó thì Hồi Xuân là thị trấn cuối cùng bên bờ sông Mã. Bên kia, Hồi Xuân là nơi khỉ ho cò gáy, cuối đất cùng trời. Còn Pu Nhi thì không có sách nào ghi chép về nó cả. Bây giờ tôi mới biết, nó ở cách nơi cuối đất cùng trời kia khoảng một trăm cây số. Một con đường đang mở, nối hai điểm đó.

Tôi, một thằng trai thành phố lẽ nào lại có thể sống được ở cái xứ mịt mù ấy?

Ngày...

Đêm qua tôi uống rượu, uống với mấy thằng bạn học hồi phổ thông. Giờ đây có đứa thành lập gia đình. Chúng làm thợ Ở mấy nhà máy, hợp tác xã cơ khí trong thị xã. Đời chúng thế mà sướng, chẳng phải lo toan mơ mộng chi nhiều. Có lẽ đây là lần thứ tư hoặc thứ năm gì đó tôi uống cái thứ nước cay này. Những lần trước, trong các buổi liên hoan đạm bạc vui vẻ của sinh viên.

Tôi không uống được rượu, chỉ một tí là đỏ mặt. Lần này nốc liền ba cốc, với lòng lợn. Nôn ọe cả ra. Có thằng bạn khuyên tôi nên chống quyết định, cứ ì ra rồi người ta phải phân công lại. Có thằng khuyên tôi vất hết, nó sẽ xin cho tôi làm thợ Ở nhà máy nó. Trong lúc buồn đau choáng váng tôi thấy lời khuyên của chúng có lý. Phải, chúng nó sống được thì mình sống được, can gì!

Thế nhưng sáng nay, sau khi qua một giấc ngủ nặng nề, tỉnh dậy tôi thấy không thể như thế được. Tôi không thể nghe theo chúng nó. Như vậy sẽ mất hết. Lại còn Liên nữa. Liên! Nước mắt tôi tự dưng ứa ra. Cô gái sắc sảo, táo tợn, vừa là thiên thần, vừa là ác quỷ của lòng tôi.

Biết bao nhiêu chàng trai bắng nhắng quanh Liên, nhưng hình như tôi là người được Liên chú ý nhất. Không bao giờ tôi quên được mùi nước hoa quý phái tỏa ra từ người Liên. Rồi ánh mắt mê hồn, chuỗi cười lanh lảnh. Phải nói là vì Liên mà tôi đã phấn đấu học hành, chơi thể thao, luyện cách ăn nói, giao tiếp cho thành một thanh niên đúng mốt. Tôi muốn mình trội lên, sáng trưng trước mắt mọi người, đặc biệt là trước mắt Liên.

Trước khi chia tay, Liên đồng ý đi chơi với tôi. Chúng tôi ngồi bên bờ hồ Tây, dưới một gốc liễu. Gió trên hồ mát rượi. Vô vàn những con sóng lăn tăn in hình những ngôi sao dập dờn dưới mặt nước. Lúc đầu chúng tôi còn ngồi xa nhau một chút. Sau rồi Liên hơi tì vai vào vai tôi. Tôi cảm như có một luồng điện chạy qua đốt nóng toàn thân mình. Bao nhiêu lần tôi muốn vuốt nhẹ làn tóc Liên rủ xuống ngực tôi. Nhưng tôi sợ cử chỉ ấy làm tan vỡ cái vũ trụ thánh thần đang bao quanh chúng tôi. Sau rồi cũng cảm thấy bàn tay Liên như đang tìm bàn tay tôi trong lặng lẽ. Tôi run rẩy nắm nhẹ lấy. Nhưng Liên rụt lại ngay và tát khẽ vào má tôi:

- Chưa đến lúc đâu nhé!

Tôi nghĩ mãi về câu nói đó mà tràn đầy hy vọng. Chính Liên đã nói: "Chưa đến lúc... " chứ không phải nàng cự tuyệt tôi. Khi bị phân công về tỉnh, tôi đã đau một lần. Nhưng dù sao tôi vẫn còn hy vọng. Thế nhưng lần này là hết. Họa có phép màu mới cứu vãn nổi tình thế.

Thấy tôi ủ rũ, bố tôi tưởng chỉ có chuyện công tác, ông bảo: "Nếu con có chí thì vẫn tìm ra một lối đi. Vàng ròng dẫu có vùi dưới bùn vẫn là vàng ròng, còn sắt gỉ bày trong tủ kính cũng là sắt gỉ mà thôi. Nhiều khi rủi ro lại là may mắn!" Có lẽ bố tôi nói đúng. Đời ông từng nhiều ghềnh thác cho nên ông hiểu. Nhưng không có gì xoa dịu lòng tôi lúc này.