Chương 1
Có một số người thuở nhỏ rất thông minh nhưng càng lớn lên càng ngu, tôi là một trong số những người hiếm hoi đó. Đáng buồn thay !Thuở nhỏ tôi không phải là thần đồng (nếu là thần đồng chắc các bạn đã biết tiếng tăm của tôi hết rồi, khỏi cần giới thiệu lôi thôi), nhưng chắc chắn tôi con nít ngày xưa đã thông minh hơn tôi người lớn bây giờ rất nhiều. Tại sao có trường hợp hợp lạ kỳ như vậy hả ? Đêm đêm nằm vắt tay lên trán tôi vẫn thường bị mất ngủ vì không giải đáp nổi thắc mắc đó.Bạn thấy chưa, khi nằm ngủ mà đầu óc còn phải thắc mắc này nọ, chỉ điều nhỏ nhặt đó thôi cũng đủ chứng tỏ tôi ngu hơn xưa rất nhiều. Ngày xưa, đâu có vậy, tôi đã ngủ khì ngay khi chưa đến giờ đi ngủ. Tôi thường gục đầu kéo một giấc đã đời ngay trên bàn học và buổi sáng hôm sau, khi má tôi đánh thức dậy, tôi mới hay mình đang nằm trên giường.Vì tánh dễ ngủ đó nên tôi bị học "đúp" năm lớp Nhất, đến năm 12 tuổi tôi mới thi vào lớp Đệ Thất (#6) trường công lập. Đấy là cuộc thi khá gay go, "một chọi bảy" vì nhà trường chỉ lấy 300 học sinh trúng tuyển trong số 2100 học sinh dự thi.Mặc dù chính tôi cầm giấy bút đi thi chứ không phải bố mẹ tôi, vậy mà bố mẹ tôi có vẻ run hơn tôi nhiều. Buổi sáng, trước khi đến trường thi, biết tánh tôi hay ngủ gục, mẹ tôi căn dặn : "Con đừng ngủ trong phòng thi nghe, ngủ ở đó nóng lắm. Con ráng thức làm xong bài rồi về mẹ quạt cho con ngủ". Bố tôi thực tế hơn (người ít tin vào lời nói, vì cho rằng lời nói thường bay đi) nên ông dẫn tôi đi uống cà phê ở một quán cóc đầu ngõ. Đấy là lần đầu tiên trong đời, tôi được thưởng thức hương vị cà phê đen và cũng từ ấy tôi bắt đầu nghiện uống cà phê luôn.Kết quả kỳ thi đã làm bố mẹ tôi đứng tim, nhưng tôi thì hãnh diện lắm lắm. Tôi đỗ thứ ba (bạn thấy tôi giỏi không), trong số ba người đỗ dự khuyết. Tôi nghĩ người giỏi là đỗ thủ khoa, nhưng người thông minh phải là người đỗ chót, vì người đó biết cách làm bài chỉ đủ điểm đỗ là ngừng, biết cách làm bài khiến giám khảo không thể nào đánh rớt được, thế mới tài. Đỗ cao làm gì cho mệt. Thầy giáo tôi đã dạy rằng : "Càng cao danh vọng càng dày gian nan".Bạn thấy chưa, ngay thuở nhỏ tôi đã hiểu được ý nghĩa thâm thúy của câu nói đó nên đã biết chối từ danh vọng. Ấy thế mà lớn lên, tôi lại thích gian nan mới ngu chớ. Làm việc gì tôi cũng hì hục cố đạt cho được hạng "nhất thống sơn hà" mới vừa lòng. Do đó tôi đã bị nhiều người ghen ghét nhất, bị nhiều người hãm hại nhất, vì vậy mà tôi trở thành kẻ ngu nhất.Nhưng mấy chuyện ngu đần lẻ tẻ đó đâu có nhằm nhò gì nếu so sánh với chuyện ngu đần vĩ đại của tôi sau đây :Cũng năm 12 tuổi đó tôi được biết Hồng Hà. Hồng Hà nếu chỉ là tên con sông phát nguyên ở miền núi Vân Nam dài 1200 km, có hai phụ lưu chính là sông Đà ở hữu ngạn và sông Lô ở tả ngạn, có phù sa đỏ ngầu, chảy ngang Hà Nội và đổ ra Vịnh Bắc phần... Như vậy thì Hồng Hà muốn chảy đi đâu thây kệ Hồng Hà, chẳng ăn nhập gì đến tôi. Nhưng Hồng Hà còn là tên của một cô bé nữa, đó mới là điều khốn khổ cho tôi.Thi đỗ vào trường công lập, tôi được xếp và học lớp Đệ thất A3 và ngồi sau lưng một con bé Bắc kỳ tên Hồng Hà. Hồng Hà rất giỏi toán nhưng vẽ thì dở ẹc. Con bé vẽ hai đường song song bao giờ cũng gặp nhau nếu chịu khó kéo dài ra một chút nữa. Còn vẽ vòng tròn dù đã dùng compa, con bé vẽ vẫn giống như quả đất ở giữa thì tròn hai đầu hơi bẹp. Trái lại tôi vẽ rất giỏi, nhưng toán thì dốt đặc cán mai. Tôi có thể nhắm mắt xoay chuyển vở một vòng là đã vẽ xong một vòng tròn như trăng rằm và không cần dùng thước kẻ lôi thôi, tôi vẫn vẽ được hai đường thẳng song song chẳng bao giờ gặp nhau, cho dù bạn có mỏi tay kéo dài hai đường đó đến vô cực. Chính vì có những tài năng trái ngược đó mà chúng tôi bắt buộc phải thân với nhau, để cùng nhau cộng tác làm những bài toán giải đúng và đẹp.Gia đình Hồng Hà ở cùng trại định cư của người Bắc với gia đình tôi. Mặc dù nhà chúng tôi cách xa nhau (người ở đầu trại kẻ ở cuối trại), nhưng hai gia đình vẫn quan biết nhau như thường, vì bố tôi cùng quê với bố Hồng Hà và hai người thường gặp nhau để kể "chuyện đời xưa".Tuy vậy, Hồng Hà và tôi chỉ biết nhau khi học chung một lớp và chỉ thân nhau khi Hồng Hà thường đến nhà nhờ tôi vẽ giúp các hình toán học, vạn vật, địa lý và các mẫu thêu, vì tôi nổi danh là "Định họa" mà lị.Một buổi tối tôi đang cặm cụi vẽ hình những con tương cận với những con ếch cho Hồng Hà, con bé từ ngoài vườn chạy vào vỗ vai tôi :- Định ra vườn Hà chỉ cho xem cái này đẹp lắm.- Để Định vẽ cho xong cái miệng con cóc đang kêu đã, từ nãy giờ vẽ cứ hỏng mãi.- Để đó chốc nữa vẽ tiếp. Định ra xem mau lên.Không cho tôi phát biểu ý kiến, con bé giựt bút chì ra khỏi tay tồi kéo tôi đi. Phía sau nhà tôi có một khu vườn rộng trồng đủ các loại rau mà người Bắc ưa thích như : rau đay, mồng tơi, húng chó, tía tô, thì là, cải cúc... Đêm đó trăng rất sáng và tôi nhìn thấy rõ những cánh hoa rau thì là nở trắng lấm tấm như những hạt cát. Nhìn quanh vườn chẳng thấy có gì lạ, tôi lại hỏi :- Hà nói cái gì đẹp ?- Định không nhìn thấy à ?- Định chẳng thấy cái gì ăn được ngoài cây ớt chưa chín.- Bộ cái gì ăn được mới đẹp sao?- Phải. Định thấy con gà luộc đẹp hơn con Liên "hoa hậu" lớp mình nhiều.- Thôi "ông", nhìn kia kìa. Đẹp không ?Tôi nhìn theo tay con bé chỉ ra góc vườn. Nơi có cây hồng bạch đang trổ bông trắng xóa. Dưới ánh trăng, cây hồng trông giống như một chiếc khăn trắng bay vướng vào hàng rào kẽm gai. Cây hồng đó do một bà dì ở Lâm Đồng đem xuống cho tôi trồng, không phải để làm cảnh mà để làm thuốc chữa bệnh ho gà kinh niên của tôi. Mỗi khi lên cơn "hụ hụ", tôi phải chạy ra vườn hái vài bông hồng bạch đưa cho má tôi chưng với cam thảo và đường phèn, chỉ cần uống một bát thuốc như vậy là cơn "hụ hụ" trong tôi chấm dứt ngay.