Trong cái plaza ở khu bình dân này, ngày cuối tuần nào cũng nghẹt những người là người. Và tuần nào, ông cũng thấy ở ngay góc phải của food court , nằm ở tầng trệt của plaza, một đại hội quần hào, ồn ào, náo nhiệt như một cái chợ vỡ. Đám người này không rõ quen nhau tự lúc nào. Có khi chỉ trên dưới mười người, mà cũng có lúc "chợ" họp đông đến mười lăm, hai chục người. Họ ngồi rải rác, bốn năm người một bàn. Những cái bàn vuông vức, cố định, mà ta thường thấy ở những food court. Họ bàn tán, tranh cãi đủ chuyện , từ giá chợ hàng tuần cho chí việc Lý Tống rải truyền đơn xuống Sàigòn. Đây là một cái chợ VN đủ giọng mọi miền: từ cái giọng mềm và ngọt của cô gái Sàigòn, đến cái giọng chua, the của dân Bắc lột lưỡi dưới xã hội Xã hội Chủ nghiã. Già, trẻ, gái, trai đủ cả. Và chuyện cuộc đời : xem ra từ anh cu-li-xe-kéo thứ thiệt, viết tiếng Việt còn đầy lỗi chánh tả, đến ông tiến sĩ hết thời, nói tiếng Tây như gió, lúc nào cũng trầm ngâm nỗi đau nhân thế, đều có tiếng nói bình đẳng ở chốn này. Chẳng anh nào sợ anh nào. Chẳng anh nào buồn kỳ thị anh nào. Và lạ là cái "chợ" VN này cũng đầy đủ mọi khuynh hướng chính trị , xem ra còn phong phú hơn cả Quốc Hội nước Ý, nổi tiếng là nơi tụ bầy của nhiều đảng phái đủ kiểu, đủ loại - nơi mà cô đào có khuôn mặt và thân hình đẹp não nùng chuyên trị những pha gay cấn, kinh khủng của kỹ nghệ điện ảnh làm tình xứ này, từng đã dõng dạc lớn tiếng trên diễn đàn giữa đám dân biểu mà những cái mồm cũng ngoạc ra, hoạt động chẳng kém những cái mồm xinh đẹp của nàng. Đây đích thị là một xã hội dân chủ.

* * * * *

Ông đang lững thững từ thang máy bước xuống thì một cánh tay lèo khoèo giữ vai ông lại. Ông quay lại nhìn: lại cái gã đi du học từ những năm 60 mà ông thường gặp ở quán " Au Pain Doré" phiá cuối đường Côteđes-Neiges mấy năm gần đây. Luân đã ra trường từ đầu những năm 1970. Hắn chọn ở lại tỉnh này. Vậy mà đến giờ hắn vẫn còn lận đận: nghề nghiệp chẳng đâu vào đâu, mà đường vợ con xem ra cũng chẳng có lối vào. Đã có lần hắn than thở với ông rằng hắn là gốc con nhà , du học đến xứ này sớm hơn đám " thuyền nhân" cả mươi, mười lăm năm, mà vẫn trắng tay; trong lúc nhiều kẻ đến sau, hai bàn tay trắng, dân ruộng, dân rãy, mà giờ này cũng đã nhà cao, cửa rộng, xe pháo linh đình! Có lúc ông nghe hắn nói đến Ông Tám Vô Vi. Ông đoán chừng hắn có tâm sự và nỗi niềm riêng!!

Hắn lôi ông về phiá quần hào:

-Lại đây ông bạn cô đơn của tôi ơi! Tôi giới thiệu cho ông nhóm anh em này, toàn là dân vượt biên tị nạn cả. Gặp đồng hương nói chuyện cho bớt sầu, chớ mùa đông xứ này mà co ro trong phòng thì khùng mất ông à!

Ông chưa kịp phản ứng thì gã đã nhanh nhẹn đẩy ông xuống chiếc ghế trống ở một bàn đã có ba người ngồi, rồi gã ngồi ké một chiếc ghế bàn bên nói với qua:

-Ông này mới qua được vài năm, ở gần đây thôi.

Quay qua ba người ngồi trước, gã tiếp:

- Còn ba người này là những hội viên kỳ cựu chốn này. Ông X. là công chức trước làm lớn ở Bộ Kinh Tế ở Sàigòn, còn hai người này là dân vượt biển ,vẫn còn đang đi học ở trường đại học gần đây. Mấy bàn kia toàn là dân ta cả. Cái ông đầu hói bàn cuối góc bên kia là ông dược sĩ không có hành nghề ; và ông già tròn trịa, trắng trẻo, đeo kính gọng bạc là nhân viên cũ của Bộ Thông Tin trước đây.

Gã nheo mắt nhìn người phụ nữ trung niên, tướng tá dễ coi, ngồi kế ông Bộ Thông Tin:

- Bà kia là bà Thúy, vợ của một ông đại tá. Hiện giờ bà ấy ở với người khác. Mợ này còn chịu chơi lắm.

Hắn nháy mắt với ông, nói nhỏ:

- Em này còn ngon lắm.

Ông miễn cưỡng ngồi xuống, gật đầu chào mọi người.

Ông-Bộ-Kinh-Tế nhìn ông, dò hỏi:

-Trước 75, ông ở đâu và làm gì nhỉ?

-Tôi làm nhiều nghề khác nhau lắm, và cũng đã nhiều lần vào Bộ Kinh Tế có việc.

-Thế à?

Nói xong, ông ta day qua cặp thanh niên ngồi trước mặt:

-Tôi đang nói chuyện với hai cháu đây là mọi người Việt phải rán giữ gìn bản sắc dân tộc, và lúc nào cũng phải hỗ trợ những hoạt động của các hội đoàn người mình bên này, để mai này thế nào mình cũng còn có ngày trở về VN xây dựng quê hương đất nước mình. Trào lưu Cộng Sản rồi cũng qua đi. Lũ ngu dốt và điên khùng ngoài Hà Nội rồi cũng sẽ bị lịch sử đào thải. Mình chả cần phải đánh rồi ra tụi nó cũng rã đám mà.

Thấy không ai lên tiếng, góp ý gì, Luân nhìn cặp thanh niên:

-Các em đã lâu lắm không thấy ra ngoài này. Chắc bận học thi?

Anh chàng thanh niên vừa trả lời, vừa nhìn cô bạn gái ngồi bên:

Đạ, mình qua trễ, phải rán học xong cho lẹ, rồi còn kiếm job đi làm. Ngày tháng ở đây qua nhanh quá. Không chạy nhanh thì già đến nơi rồi.

Anh thanh niên nhìn cô gái, cười. Cô ta cũng nhìn lại, cười đồng tình.

Luân nói với ông:

-Tôi quen cặp này hơn ba năm nay, từ ngày gặp họ Ở trường UdM ( Université de Montréal).

Luân tiếp tục:

-Hôm gặp các em là hôm các em đến trường hỏi thăm thủ tục ghi danh phải không hè? Hôm ấy, trông các em, anh cứ tưởng như du học sinh từ Trung Cộng mới qua vậy. Bọn Tàu Cộng nó cũng có gởi người qua đây học về hành chánh, tài chánh và, chuẩn bị làm luận án tiến sĩ nhiều ngành khác nhau, từ nhiều năm nay. Xứ cộng sản mà lại gởi người đi học về tài chánh tư bản kể cũng lạ. Nếu anh không lầm thì các em học về kế toán phải không?

-Bạn em học kế toán, còn em học điện toán.

Ông nhìn hai người:

-Hai người này khéo tính quá nhỉ. Ngành điện toán mấy lúc này chưa ra trường đã có hãng đến gạ cho việc rồi; còn nữ, học kế toán là phải lắm. Chừng nào thì các em đại đăng khoa đây?

Luân cướp lời, nham nhở:

-Cần gì phải đại đăng khoa nữa, phải không mấy em. Ở đây dễ mà; nghi lễ với thủ tục chỉ gây thêm phiền phức. Khi nào thi xong, muốn dãn gân cốt và tinh thần , cô cậu cứ kéo nhau ra motel là thoải mái ngay ấy mà. Mướn phòng một tiếng cũng có nữa đó. Bọn Tây Đầm bên này đến giấc trưa, thèm quá, nó nháy mắt nhau một cái, rồi xách xe chạy ra motel là khi về hãng lại tươi rói, năng suất lên ào ào.

Cô gái:

-Chú Luân nói kỳ thấy mồ!

Chàng trai:

-Chú Luân mà! Tại chú ngủ motel nhiều nên giờ này vẫn cu ki một mình.

- Đâu phải vậy. Anh chán đầm rồi. Đang kiếm VN đây.

Ông Kinh Tế ngồi bên cạnh ông vừa ngáp, vừa cầm tách cà phê đưa lên miệng làm một ngụm, rồi quay qua ông, nói trỏng:

-Sáng nay sao chán quá. Lúc này nói chuyện với ai cũng chán quá trời. Bọn thanh niên mới vượt biên qua có mấy năm, giờ cũng hết muốn bàn chuyện VN. Chỉ có job là quan trọng thôi. Và ngoài job là cái giường nằm. Ngao ngán quá! Còn mấy ông mấy bà kia thì chỉ chút nữa là rủ nhau về nhà xoa mạt chược. Có cả cái màn thắng thì nằm xấp, mà thua thì nằm ngửa nữa. Cái lũ mất nước không biết nhục, chỉ quen rửng mỡ, già đầu mà còn trai gái, cờ bạc, ham ăn, ham chơi. Chán chúng bay quá rồi.

Ông ta bực dọc, làm một hơi chỗ cà phê còn lại, rồi đứng dậy, phủi đũng quần ra về, không thèm nhìn những người còn lại.

Luân nhìn theo. Hắn nói:

-Thằng chả bị dồn nén nhiều chuyện, lại mới bị vợ đuổi khỏi nhà, lúc này gàn nặng lắm rồi. Hồi mới qua chính tôi hướng dẫn cho chả xin lại cái tương đương, và ghi danh học lại. Nhưng lúc ấy, chả đã năm chục tuổi, lại xin học về tài chánh, thì ra trường còn ma nào dám xài nữa. Đến ngay bọn trẻ lớn ở bên này, tốt nghiệp ở đây, rồi qua Harvard lấy MBA mà chỉ cần xấp xỉ bốn chục là lúc đi kiếm việc đã thấy bầm mình rồi. Tớ đây là thằng ở với đầm; chúng nó đã uốn lưỡi cho trên cả chục, hai chục năm mà còn chết lên, chết xuống đây!

Cô gái:

- Cái chú hồi nãy chắc bữa nay không được vui?

-Ông ta lúc nào mà chẳng vậy. Không làm ra tiền, mà bà vợ thì cứ nheo nhéo đòi góp tiền nhà, tiền ăn, và lũ con thì bơ bơ như thể cha chúng vẫn còn làm lớn ở Bộ Kinh Tế, vẫn còn lũ con buôn đút tiền cho ăn như ở Sàigòn. Chưa khùng là may lắm rồi. Nhưng cũng sắp hoá khùng rồi. Bây giờ ông ta không ở chung nhà nữa, mà đi tới đâu cũng chửi ba cái thằng VC. Chửi không biết chán.

Chàng trai:

-Nói thật với hai chú: qua đây rồi, nhìn nhiều ông, nhiều bà, cháu ngấy đến tận cổ. Tụi cháu hết dại rồi. Người dân xứ mình mới là những kẻ bất hạnh cùng cực, khốn đốn trăm bề. Có ai thương họ đâu! Nghèo đói, họ lãnh. Bom đạn, cũng họ đưa đầu ra chịu. Trong Nam, hay ngoài Bắc thì cũng đều khốn khổ, khốn nạn như nhau. Gia đình cháu ở trong Nam trước 75 là gia đình tương đối khá giả, các chú, các bác trong họ đều có chức vị, ăn nên làm ra cả, nhưng nghe họ bàn chuyện làm ăn, tranh dành ảnh hưởng, chuyện ghen ăn, ghét ở với nhau, tị nạnh nhau từng chút một và, đặc biệt là họ chỉ lo gom góp tài sản cho gia đình riêng của họ là cháu phát ớn. Những ngày cuối tháng tư năm 75, mạnh ai nấy chạy. Họ có phương tiện riêng, họ chạy trước, bỏ cả cha mẹ già kẹt lại, bỏ cả những người thân yếu đuối mọi bề, mà khả năng xoay trở lúng túng như lũ gà què! Tình gia đình còn vậy, nói chi xa xôi đến nghiã đồng bào. Vậy mà qua đến đây lũ con tốt nghiệp đại học, khôn vặt như một lũ cáo ranh, mà mấy ông mấy bà ấy ra đường vẫn vênh cái mỏ lên, vẫn nỏ mồm rêu rao là yêu nước, thương nòi!! Cháu ngờ vực quá các chú ạ!!! Phần tụi cháu kẹt lại, bị coi là con Ngụy, bị kêu đi thanh niên xung phong, bị xét lý lịch, thành phần đến bầm dập, đến ba chìm, bảy nổi, gặp đủ hạng cán bộ chui từ trong rừng chui ra và, cả lũ " phú ông mới " từ ngoài Bắc tọt vào. Mà nhìn ra thì bọn ấy cũng cá mè một lứa cả. Tụi nó nhân danh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, nhưng thật sự thì chỉ có một nhúm phiá trên như những lãnh chúa muốn làm chi thì làm, còn dân chúng nằm bẹp phiá dưới bị một lũ cán ngố, học được một chiêu " căm thù giai cấp " đè xuống mà khện!!! Nhiều gã cán cháu gặp, cháu thấy hệt như một lũ quan lại phong kiến xưa, cũng khệnh khạng, vờ vịt, làm bộ, làm tịch đủ kiểu.

Cháu không vơ đũa cả nắm đâu, nhưng bọn ăn trên ngồi trước ở cả hai Miền đều là một lũ khốn kiếp như nhau! Chúng nó mà yêu nước nỗi gì!! Cái khôn ngoan của bọn chúng cuối cùng chỉ là dành quyền lực cho phe đảng và, bổng lộc cho gia đình riêng của chúng mà thôi. Chúng chẳng yêu thương gì đất nước và dân tộc đâu. Chúng chỉ thương cái ghế ngồi và, túi tiền của chúng. Nhiều người qua đây, vỗ ngực, xưng danh, tự hào về vài ngàn năm văn hiến mơ hồ của mình, nhưng nhìn quanh nhìn quẩn, xem ra họ còn thua tấm lòng chân thật, sự đoàn kết, và cả tư cách của những người Phi Luật Tân bình dân mà người mình thường không xem trọng lắm. Không tin được bọn chúng! Trao linh hồn cho chúng thì có khác nào trao thân lầm tướng cướp!! Mỗi đứa ăn cướp một kiểu. Cháu xin chọn nơi này làm quê hương. Những kẻ khốn cùng ở đây cũng còn được tôn trọng, cũng còn có cái mà ăn.

Luân cười nham nhở, rất đểu:

-Ý em nói là bọn chúng đến m... què cũng liếm sạch chứ gì?

-... !!!

Cô gái khều nhẹ tay anh thanh niên:

-Thôi anh.

Ông nhìn hai người:

-Cũng không đến nỗi bi quan quá đáng như vậy đâu các cháu à. Ở đâu cũng có kẻ tốt, người xấu, những người thật lòng và bọn cơ hội. Có thể ngay lúc này các cháu còn hận nhiều điều vì những kinh nghiệm xấu ngay trong gia đình và xã hội quanh mình, khi còn ở bên nhà, lúc trên biển, trên đảo và, cả lúc đã qua đến bên này; nhưng một ngày nào đó các cháu sẽ nghĩ lại. Dầu gì, dân tộc mình chẳng phải là dân tộc hèn kém, và nói cách nào thì mình cũng đã sinh ra và lớn lên trên vùng đất đau khổ ấy, mình không thể vất bỏ quá khứ như ném một tờ giấy dơ vào sọt rác được.

-Vâng, cháu cũng đồng ý với chú là ở đâu cũng có kẻ tốt người xấu, nhưng cái xứ sở ấy, với cháu, kể như hết rồi. Đó là đất nước của những kẻ không còn tương lai. Cái xứ ấy nó tăm tối, mù mịt quá. Mỗi lần cháu nghĩ tới những nước như Đại Hàn, Nhật Bản cháu lại thấy nỗi ô nhục đắng họng. Ở Nhật, ở Đại Hàn chú có thấy mấy anh Ba Tàu làm mưa , làm gió được trên thị trường như ở những xứ Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, Phi Luật Tân không? Việt Nam thì khỏi phải nói tới nữa: cái giống dân không làm chủ được những tài nguyên thiên nhiên của mình. Lúa gạo, cá thịt, rau trái,... thiên nhiên hào phóng sẵn đó mà đa phần dân chúng vẫn nghèo tưa ra như xơ mướp, trong lúc bọn ngoại nhân thì ngồi mát ăn bát vàng. Cái giống dân chỉ thích vỗ ngực tự nhận mình là anh hùng, động một chút là gân cổ lên cãi, cãi không biết mệt và, hở một chút là xông vào chém giết nhau; mà đến đàn bà, con gái của mình cũng phải dạm bán và, đến cái quần lót làm cũng chẳng ra hồn, cũng lại phải nhờ người khác bán dùm, phân phối dùm, thì cái giống dân ấy có đáng gọi là cái giống dân ngon lành không nhỉ?! Cháu chán ngấy cái đất nước ấy rồi các chú ạ. Xin cho em được bình yên. Em học xong, em bắt cái job, em lấy vợ, em sống yên hàn là ổn rồi. Nghe lời mấy cha, con được chi hả các chả!!

Anh chàng nói xong, bật dậy, dắt tay cô gái kiếu từ ra về.

Luân còn nói với theo, vẫn cái giọng đểu:

-Motel nó cho thuê giờ rẻ lắm.

* * * * *

Ngay sau lưng ông bỗng có tiếng người:

-Nãy giờ mấy người cãi nhau cái gì mà kịch liệt vậy.

Luân giơ tay ra, kéo người vừa nói nhập bàn:

-Ngồi đây, ngồi đây.

Hắn lôi luôn cả người đàn bà ngồi bên bàn bên kia:

-Qua đây chị. Qua nói chuyện cho vui. Ngày thứ bảy mà không tập thể dục cho quai hàm hoạt động một chút thì có ngày nó cứng đơ mất. Lúc ấy, có muốn xuống đường biểu tình, hò hét, cũng chẳng được.

-Ủa, ngó ông bạn ông sao quen quá hà! À! Tôi nhớ ra rồi, chiều hôm kia gặp ổng ở phòng mạch bác sĩ Tuân. Ông bị đau sao vậy?

-Tôi bị huyết áp cao.

-Qua đây, sao nhiều người bị huyết áp cao quá? Tôi cũng vậy. Có lẽ bị xì-trét (stress) nhiều. Ăn uống, cá thịt ê hề... Lúc này nhìn thấy thịt là thấy ớn lạnh. Mấy ông nhớ ăn uống bớt đường, bớt mỡ, bớt muối đi nhe. Thịt bò, thịt heo cũng vậy. Chớ có ăn heo quay, vịt quay của các chú nữa. Mỡ không hà.

Người đàn ông tên Hưng mới nhập bàn:

-Bày đặt. Cứ ăn phứa đi, sợ gì. Ăn rồi ở không thì mỡ làm sao tiêu đi cho nổi. Đây vào hãng làm, mỗi ngày khuân lên khuân xuống cả vài chục lần những thùng hàng vài chục pao (pounds) thì đến mỡ hải cẩu cũng tan, sợ gì heo với gà. Qua đây, nghe lời mấy ông mấy bà bác sĩ, dược sĩ thì cứ tưởng như mình sắp chết tới nơi rồi, nhìn đâu cũng thấy bệnh. Thằng này hồi ở VN, nhiều năm trong rừng, muỗi mòng , rắn rết còn chả sợ, sợ gì cô-nét- tê- rôn ( cholesterol).

Ông nhìn vào mắt gã:

-Anh là lính Bắc Việt?

-Vâng, nhưng em hồi chánh năm 72. Em bị kêu đi nghĩa vụ năm 70.

-Chớ không phải là tình nguyện?

-Tình nguyện gì! Có ai mà tình nguyện. Ngoài Bắc nó bắt lính tinh vi lắm, chớ đâu có như trong Nam. Không đi là không được đâu. Trốn nghiã vụ thì cũng kể như hết đời, mà gia đình còn bị liên lụy! Mình bị ép buộc mà nó vẫn gọi là tình nguyện, là vinh dự được trúng tuyển!! Không đi là không xong đâu. Phải công nhận là tuyên truyền và o ép người ta thì Cộng Sản là trùm. Dân trong Nam sau 75 mở mắt rồi mà.

Người đàn bà lên tiếng:

-Anh là Bắc Hải Phòng hả?

-Không.

-Bắc Hải Phòng tụi nó lưu manh và dữ dằn lắm. Tụi nó làm đủ thứ chuyện nên nhiều đứa phất rất nhanh. Chúng nó có cả súng nữa đó.

Luân cười giả lả:

-Chú em này hiền hơn, nhưng cũng đừng chọc chú, phải vậy không nào?

Gã đàn ông bỗng đổi giọng:

- Đ.m., làm ăn không lo làm ăn, cứ chửi nhau,oánh nhau hoài. Mấy thằng cà-na điên nó chẳng oánh, chẳng châm chích ai cả, nên nó sướng.

Gã nhìn qua ông:

-Anh thấy không? Mấy thằng ham oánh nhau là mấy thằng ngu. Chỉ có cái giống ngu mới ham chí choé, đấm đá nhau thôi. Cứ chí thú làm ăn là khoẻ re. Tụi em làm có tiền, cuối tuần thuê người trông con, rồi kéo nhau đi ăn, đi nhẩy. Mình làm ra tiền mình phải hưởng chứ. Không biết chơi là lỗ. Mấy cha người Hoa ở xứ nào cũng là dân khôn ngoan hơn người cả. Ai làm chi thì làm, nó chỉ lo làm ăn. Chửi nó cũng mặc. Cuối cùng thì có tiền, nó cũng thành cha người ta. Con cái bọn nó toàn học những trường ngon lành không à. Và mấy tay xì thẩu thì cứ gái đẹp bản xứ mới ra ràng là nó bỏ tiền ra mua lấy hên. Ở trong Nam mà Cộng Sản không vào, thì chỉ ít năm, thủ tướng là một anh chệt không chừng. Rồi nó sẽ tách Sàigòn-Chợ lớn thành một vùng đất tự trị, và thành một quốc gia riêng như Xinh-ga-po vậy.

Ông cười, nói đùa:

- Đâu có dễ vậy, chú em! Cũng còn có " goa " đây chớ!

Hắn đùa lại:

-Nhìn "goa", là thấy " goa" ai "goa" cũng sợ, mà chẳng ai sợ "goa" cả.

Luân hỏi:

-Mấy năm nay có về VN chơi không?

-Về đều đều. Lúc này bên đó mở rộng cửa rồi. Cái gì nó cũng banh ra hết. Cũng phải vậy thôi. Chẳng lẽ xung quanh người ta lên nhà ngói mà mình cứ nhà gianh vách đất mãi sao? Đâu có được. Tôi mới về chơi, thăm Hà Nội năm ngoái. Dân ngoài đó lúc này chơi bạo lắm, còn hơn dân Sàigòn nữa. Thứ gì cũng có. Gái cũng số một.

Người đàn bà:

-Gần nhà tui có cặp vợ chồng Hải Phòng tiếng Tây, tiếng u thì ngọng mà nhảy đầm hết xẩy. Nghe đâu tụi nó đoạt giải nhảy đầm toàn Canada. Ghê thiệt. Mà con vợ cặp bồ tùm lum.

Vẫn cái giọng gài độ, Luân nói:

- Đàn bà VN qua đây nhiều người kinh lắm. Một chấp không phải hai, ba đâu, mà đến năm, sáu lận.

Ông nhìn người đàn bà:

-Năm nay chị nhiêu rồi?

-Tôi ngoài năm mươi nhưng cháu nội, cháu ngoại cũng đã ba đứa rồi.

-Chị lấy chồng sớm?

-Từ hồi mới mười bốn, mười lăm, tiá tui đã gả tui rồi. Gái lớn tui nay đã ba mươi ngoài.

Bà ta cười:

-Sắp có chắt tới nơi rồi.

Luân cười theo, giọng tỉnh queo:

-Và bà cố cũng sắp có bồ?

-Qui? tha, ma bắt cái ông này đi. Ăn nói chi mà ba trợn.

Gã vẫn cười:

-Nói chơi thôi mà. Mà nói thiệt thì nhìn bà ngoại còn ưng con mắt lắm. Tuần tới có đi biểu dương cho tôi đi cùng nghe bà.

Bà nói trỏng, không rõ là bà mừng hay ban tổ chức mừng:

- Đi người ta còn mừng, chớ ai cấm cản chi.

Gã đàn ông:

-Làm ăn không lo làm ăn, lo đi biểu tình với tuần hành. Canada nuôi ăn đâu phải để đi biểu tình.

Ông nói với gã:

-Chú nói như vậy không ổn. Bà con mình phải bỏ xứ ra đi đâu có phải chỉ vì chuyện miếng cơm, manh áo. Đến như chú, lớn lên trong lòng xã hội cộng sản Miền Bắc chú còn chịu không nổi, huống chi dân chúng trong Nam. Ra đến bên ngoài thì bất kể Nam Bắc gì cũng là người Việt, cũng có nỗi đau, nỗi hận với bọn hiện cầm quyền bên nhà. Và chú có đồng ý với tôi là khắp nơi trên thế giới tất cả những chính quyền cộng sản đều đã tan rã, đều đã lộ rõ cái bộ mặt kinh tởm của chúng rồi không? Chú biết quá mà! Bao nhiêu người vô tội chết oan trong những cuộc thanh trừng ở Liên Xô, ở Trung Cộng, ở Đông Âu. Bao nhiêu người chết và gia đình tan nát vì những cuộc đãu tố đẫm máu ở Trung Cộng, ở Bắc Hàn, ở Bắc Việt chú rõ rồi mà. Mình đi để nhắc cho dân mình cũng như những người dân hiền hoà ở đây nhớ là vẫn còn cái chính quyền tai hại hơn cọp dữ ở bên ấy. Đấy là cái lương tâm của những kẻ lưu vong. Còn nói thẳng thừng thì chỉ đi biểu tình suông đâu có đuổi chúng ra khỏi những cái ghế chúng đã xiết bằng đinh bù loong được.

-Anh nói thế nghe còn được, chớ như mấy cha có tí chữ nghiã, qua đến đây, chen chân nhau xin được tí job chánh phủ để nuôi thân, để giúp cho chính cái lỗ miệng của họ mà làm chuyện gì họ cũng rêu rao như thể họ làm vì người khác, họ xả thân vì đồng bào, vì đại nghiã vậy. Kể cả chuyện tổ chức biểu tình cũng vậy. Vừa vừa thôi chứ mấy bố. Tôi nói thế này anh đừng có mích lòng: nhiều người mình tôi gặp, tôi thấy điên quá. Có ông binh nhì đi đâu cũng khoe đã nắm tiểu đoàn, lúc nào cũng ôm mộng làm quận trưởng, tỉnh trưởng, và rủ rê người khác vào hội bằng cách hứa cho một ty, một sở khi kháng chiến thành công. Làm gì có kháng chiến nào đâu. Cái đám ấy quái gở quá. Chúng nó làm như ty, sở lớn lắm, và ban phát cho nhau như ban phát chiến lợi phẩm ấy. Qua đây, ai mà thèm mấy thứ ấy nữa. Em thì em... cứ là dí c... vào. Các vàng, đây cũng chẳng thèm! Yên thân chẳng muốn, lại cứ muốn làm rùm beng lên.

* * * * *

Vậy đã là đủ. Cái chợ này cuối tuần bao giờ cũng vậy. Vẫn chừng đó chuyện: ồn ào, náo nhiệt; vẫn giận hờn, cãi cọ; vẫn nói Đông, nói Tây ; nhưng ông cũng mừng là chẳng anh nào đấm đá anh nào. Bằng nắm đấm thật sự. Và ông biết là ngay ngày mai, nếu có gặp lại cái nhà ông làm ở Bộ Kinh Tế Sàigòn, nói năng trịnh trọng như một nhà cách mạng dân quyền, thì ông ta sẽ lại tươi cười bắt tay mọi người, như đã có lần ông thoáng thấy ông ta đứng cười vơ vẩn một mình trong một tiệm sách nằm ở đầu đường, lối lên nhà thờ Saint Joseph vậy.

Hết