Như những con chim bị nhốt trong lồng, mỗi ngày cho ăn hai bữa trong lò lửa tù, hàng ngày phải chịu cái nóng hừng hực, những con chim trong ngục tù coi nước uống là những thứ vô cùng quí báu. Người nhà thăm nuôi, bỏ bao cho tù thường là thức ăn, nào ai gởi nước. Dường như chưa có nhà tù nào cho tiếp tế nước cho tù. Mỗi bữa ăn, trại thay đổi từ bo bo đến bột mì luộc vo thành những bánh xe méo xẹo, đôi lúc nhai dai như cao sụ Hôm nào đẹp trời, đảng cho ăn độn một cơm chín khai lát. Có người tù cẩn thận, tẳn mẳn ngồi lựa mấy hạt cơm dính tòn ten trên mấy lát khoai và la lớn: - Bữa nay tao được 65 hạt cơm trắng! Hết sẩy! Trong tù, thằng nào không bị sốt rét thì trơ xương như nhau, trắng bệt như nhau; thằng nào có thêm món sốt rét từ các trại tù khác mang về mà còn sống thì màu da xanh tái, bên dưới lớp da là những dòng suối nhỏ xanh xao, chằng chịt, mờ ảo, ẩn hiện như những dòng định mệnh u buồn li ti chạy trăm ngả vào da thịt. Mỗi kỳ thăm nuôi, hắn được bồi dưỡng mấy cục đường, vài trái chuối và một ít cám rang trộn bắp xây ngào đường. Mấy thứ này giúp hắn kiếm lại ít hồng cầu trong máu, da hắn bớt xanh và tiệp màu da anh em, nhưng cứ mỗi tháng hai kỳ, mấy con sốt rét dựa hơi đảng lại tấn công tàn phá thân thể hắn bằng những cơn nóng lạnh chết người, thế là hắn xanh lè trở lại. Nhưng hắn không chết, dù sốt rét quật lên quật xuống hắn không biết bao nhiêu lần. Cái này không phải tại hắn ngoan cố hay ngoan cường gì cả. Voi mà bị sốt rét ác tính cũng lăn quay như hắn. Hắn không chết là tại vì số hắn chưa chết. Hắn là hạt bụi trong tay đảng kia mà! Hắn ngồi nhăm nhi chén khoai, nhai từng miếng, có những miếng bột, có những miếng sượng, có những miếng sùng đắng nghét. Hắn đổ quạu: - Thứ này cho heo ăn nó cũng không thèm ăn! Tiếng hắn rõ mồn một trong lúc cả phòng nín khẹ Hắn chợt ngước lên nhìn ra cửa, tên công an đứng trước cửa phòng tự bao giờ. Nghe hắn nói trọn câu, tên công an nhìn hắn: - ê! Anh kia! Anh nói cái gì nói lại nghe coi! Đ M! Thứ phản động, tay sai đế quốc, chưa bắn bỏ là may! Bày đặt còn chê khoai sùng khoai thúi! Lần sau tôi mà còn nghe anh nói kiểu ó đâm đó là tôi tống cổ cho nhịn đói trong chuồng cọp nghe chưa! Hắn cúi đầu, nhẫn nhục làm thinh. Hắn nuốt nỗi nhục nhằn, uất hận, giữ cho nó khỏi tuôn ra đôi mắt. Hắn sợ cán bộ Việt cộng thấy ruột gan hắn. Hắn dấu kín, hắn nghĩ phản ứng là vô ích, trả lời, biện cải là vô ích, vì người tù có khi phải trả cái giá chết người chỉ vì trả treo, lý sự với những thứ người cộng sản mù quáng, u mê, mất nhân tính, coi tù như cỏ rác. Tên công an bỏ đi xuống nhà bếp. Hắn ném nhúm khoai sùng vào xô cầu và cẩn thận lùa hết muỗng cơm trắng vào miệng. Hắn nhai từ từ, mắt lim dim thưởng thức những hạt tinh bột theo cổ họng chạy xuống bao tử và và hắn thấy dường như tinh bột đang ào ào ngấm vào máu hắn. Nhà bếp tiếp theo đó , đặt trước mỗi phòng một xô nước. Mỗi người tù có một chiếc ca riêng, thứ tự từng người xếp hàng lết ra cửa, thò tay múc nước đủ uống. Qui định của trại giam không cho chứa nước. Sức nóng của phòng giam, của mái tôn, của ánh nắng làm cho từng giọt nước quí như vàng. Mỗi lần uống thì cố uống cho cành hông, cho đã đời. Chiều tối trại mới cho uống một lần nữa. Dãy phòng ngang gồm 4 phòng, mỗi thùng nước đặt trước mỗi phòng, từ cuối đầu nhà bếp, tên công an ngồi kiểm soát từng ca nước thò ra, thụt vộ Công an coi tù ra lệnh cấm bất cứ ai ló đầu ra ngoài, trại tù không muốn tù nhân nhìn ra hành lang quan sát sinh hoạt bên ngoài. Gần tới phiên hắn uống nước trưa, hắn lôi trong bọc ra một cái ca nhựa màu vàng nhà mới bỏ bao kỳ thăm nuôi tuần trước. Thanh Cùi chợt đề nghị: - Anh uống xong anh cho em mượn cạ Cái ca em nhỏ quá, uống một lần không đả! - Ừa! Thanh Cùi chuẩn bị giở trò ăn cắp nước. Bằng một động tác có chuẩn bị trước, Thanh Cùi rút ra một chiếc đũa, đầu đũa kẹp một miếng kính nhỏ nhặt ở đâu, hồi nào không biết, rồi từ từ thọc nhẹ đầu đũa ra ngoài, nghiêng đầu nhìn vào miếng kính nhỏ để dò xem tên công an có mặt hay không ở cuối dãy hành lang nhà bếp. Thanh thò ca của Thanh múc uống phần mình, rồi nhanh như cắt, Thanh Cùi thọc chiếc ca vàng vào xô nước múc vô một ca đầy nước. Hắn hả hê: - Trưa nay có nước bồi dưỡng rồi! Nước thì chỉ uống cho đả khát chứng bổ béo gì đâu mà bồi với dưỡng, nhưng tai nạn đến ngay liền sau đó. Chẳng biết tên công an núp ở một xó nào đó, nó rình các sai phạm của tù như một trò chơi thú vị buổi trưa, và thích thú, "hồ hởi" khi lôi được một tên tù ra nhốt phòng kín hay bạt tai, bất kể tù nhỏ tuổi hay tù đáng tuổi cha để đánh đập, hành hạ. Buổi trưa đó, tên công an trực tù là Hoa nhí, vì hắn nhỏ con. Hoa nhí hiện ra như một con ma: - Cái ca vàng vừa múc nước tới hai lần! Ai vừa thọc ca múc nước tự giác đứng dậy coi! Cả phòng im lặng. Hoa nhí khuỳnh tay: - Giởn mặt hả! Cả phòng đứng đậy! ôm cả đồ đạc gối đầu! Tất cả đám tù đứng dậy, lòi ra ca nước màu vàng dưới chân Thanh Cùi. Hoa nhí thích thú: - Bắt tận tay đấy nhé! Anh kia! Ca nước dưới chân là của ai? Thanh Cùi ngơ mặt ra, lắp bắp không nên lời, không phủ nhận hay xác nhận. Hoa nhí hét: - Anh kia, anh bên cạnh! Có phải của anh không? - Không phải của tôi cán bộ! - Không phải của anh thì của anh kia! Hoa nhí chỉ mặt Thanh Cùi: - Bước ra! Thanh Cùi vẫn đứng như trời trồng, nhìn hắn cầu cứu. Hắn bỗng đưa tay, đứng lên: - Tôi nhận cái ca đó của tôi! - à! Ngon! Tự giác cao! Nhưng tại sao chỗ anh bên kia mà cái ca nước lại ở bên này? - Tôi múc thêm nước dấu uống buổi trưa. Tôi chuyền dấu qua bên đó! Tôi chịu trách nhiệm! Thanh Cùi thở phào, nhìn hắn như cám ơn. Cái ca nước thì đúng là của hắn, mà tội múc nước lậu là của Thanh Cùi, nhưng Hoa nhí truy chủ nhân cái ca nên hắn nhận đại cho rồi, có bị phạt thì phạt một thằng. Và hắn nghĩ đó cũng là cách hắn trả ơn Thanh Cùi những ngày Thanh Cùi quạt hắn khi hắn lên cơn sốt. Hoa nhí nhìn hắn một chập rồi ra lệnh: - Anh bước ra tôi bảo! Hắn dợm bước ra cửa phòng giam, Hoa nhí hét: - Quay lại lấy quần mặc vô! Trình diện cán bộ mà ở truồng hả! Hắn trở lại chỗ hắn, cúi xuống lấy cái quần đùi, thọt hai cái giò khẳng khiu vào, trở ra đứng trước mặt Hoa nhí. Cơn gió mát bỗng đâu thoảng qua hành lang, hắn cảm thấy thoải mái, hắn có cảm giác được ướp một hơi lạnh vô cùng dễ chịu mà không một ai trong phòng giam có cái may mắn được hưởng. Bị mấy cái tát tai mà thở được một chút không khí trong lành như thế này cũng đáng. Tự dưng hắn mĩm cười. Buổi trưa hè oi bức này, được một cơn gió mát là được của trời chọ Cuộc đời kỳ thật, hắn nghĩ, cái thằng nhóc con này đáng tuổi em út hắn, đứng thấp hơn hắn hơn một cái đầu, lại sắp tát tai hắn. Hắn thường thấy Hoa nhí véo tai, tát má những ông già vượt biên bị bắt, nên hắn có lãnh mấy cái tát cũng chẳng sao. Hoa nhí thấy hắn cười, nụ cười của người tù như một thứ hoa nở vô thường trên nỗi nhục nhằn chai đá của những chuỗi ngày tù tội không tương lai, không ngày về mà thời gian trước mặt là một xa lộ cụt đường trong mầu đen kịt chủ nghĩa, nụ cười tự phát từ trong một cõi vô thức nào đó mà người tù không hề có ý định trước, nhưng đối với tên công an coi tù, đó là một thứ thách thức, ngạo mạn. Hoa nhí gằn giọng: - Anh coi thường cách mạng hả! Tại sao cười? Cười cái gì? Cười linh tinh? Đứng thẳng người coi! Cả phòng trố mắt coi Hoa nhí đánh tù. Một chuyện hầu như thường ngày. Gương mặt hắn trở lại nét bình thường, nụ cười không còn trên môi, hắn trầm tư, nhẫn nhục nhìn khoảng trời mây qua đầu Hoa nhí. Xuyên qua mé mái tôn, hắn thấy mấy vạt mây thênh thang bay qua bầu trời. Hắn ước chi mình được hóa thân là mây, là gió, là con chim nhỏ, làhạt bụi trong khung trời bao la trước mặt, tâm trí hắn bay bổng gần như thoát hồn, đứng trơ trơ như cục đá. Hoa nhí cung tay, nhón cao chân tát thẳng một cái tát vào má trái hắn, nhưng không hiểu tại sao, bàn tay Hoa nhí dừng lại trước khi đụng vào hai gò má xanh xao đang nhìn trời, có vẻ bất cần của hắn. Hắn không hiểu tại sao Hoa nhí dừng taỵ Nhìn xuống, hắn thấy Hoa nhí chống nạnh, và hốt nhiên, từ trong mớ tiềm thức lộn xà ngầu sau cuộc đổi đời đen như mõm chó, hắn nhớ ra Hoa nhí là thằng học trò lớp đệ thất Phan Bội Châu của vợ hắn trước 30/4/75 có lần đến nhà nộp bài và chào hắn bằng thầy. Hắn nghĩ bụng: " à thì ra cái thằng mắc dịch này chắc nhận ra mình, và lương tri hắn còn chút tôn tri trật tự trong cái đầu 30/4, hắn không nỡ đánh ông thầy. Thằng VC này chắc chưa đến nỗi!" Nhưng rồi Hoa nhí nói như tạt nước lạnh vào mặt hắn: - ĐM! Cà chớn! Lần sau tái phạm biết tay tôi! Vô! Hắn lửng thửng trở lại chỗ nằm. Hoa nhí tịch thu ca nước tạt ra hành lang và mang ca đi luôn. Hắn không tiếc cái ca, hắn tiếc những giọt nước, hắn đăm đăm nhìn vạt nước tràn lan trên nền xi măng, rồi hắn nhìn Thanh Cùi, nụ cười hồn nhiên lại hiện ra trên môi hắn, dường như hắn coi cuộc đời vô thường này như cơn gió qua hè. Cửa phòng được lệnh đóng kín. Hắn cởi quần thoát y một trăm phần trăm trở lại như anh em. Cái nóng oi bức lại hừng hực toàn phòng. Có những buổi trưa nóng hết chịu nỗi, mùi hôi người, mùi hôi xô cầu trộn nhau dưới sức nóng hắt lửa của mái tôn trong một phòng giam chật hẹp thiếu không khí, đã làm một vài tù nhân ngất ngư ngộp thở. Cửa khóa bên ngoài. Công an canh phòng có thể đang cởi trần ngủ trưa trên võng hay trên chiếc ghế bố ngoài hành lang. Trong đám tù ngất ngư đó, dường như chỉ có hắn là người còn để cho cái đầu hoạt động trước nghịch cảnh. Hắn đăm đăm nhìn vào các song cửa lá sách với những miếng gỗ mỏng xếp nghiêng, mà người bên trong có thể nhìn chéo xuống và thấy chân giép râu của công an canh tù đi ngang qua lại ở bên ngoài. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu hắn. Hắn dựng Thanh Cùi dậy: - Thanh! Mày làm cái này cho tao. Nếu ngon lành, chiều nay tao chia mày nửa chén bo bo! Thanh nhừa nhựa ngồi dậy: - Cái gì anh nói thử coi! - Này! Mày lách anh em, đứng ra giữa phòng, quay mặt về cửa phòng, dùng cái quạt của mày và của tao, xòe quạt theo tầm ngang và thẳng tay quạt lên quạt xuống gần mấy miếng cửa lá sách. Mày làm động tác như kiểu tao làm. Mày coi này! Hắn đứng dậy chỉ cho Thanh Cùi cách quạt gió. Thanh Cùi có vẻ không hiểu gì cả, nhưng trong đầu Thanh Cùi là chiều nay có thêm được nửa chén bo bọ Cái đó mới quan trọng. Thanh Cùi dạng chân quạt. Chỉ sau vài phút là phép lạ xẩy ra trong phòng giam. Người phát giác phép lạ đầu tiên lại là tên đang ngồi trên xô cầu cuối vách, và người la làng đầu tiên là ông tù phòng trưởng nằm gần cửa để lúc nào cái lỗ mũi cũng nhận nhiều không khí mát từ bên ngoài nhiều hơn anh em. Phải là một tên tù thâm niên nhất phòng mới được đặc ân làm phòng trưởng, điểm danh, chia cơn nước cho anh em, và chiếm vị trí gần cửa nhất. Tên ngồi trên xô cầu bỗng la lớn một cách thích thú: - Trời ơi! Tự nhiên sao có gió mát quá! Tiếp theo là ông tù phòng trưởng: - Chết cha! Sao nóng và hôi quá! ĐM! Sao gì kỳ vậy! Từ giữa phòng, hắn đứng dậy, nói với cả phòng, nói một cách nghiêm trang: - Tôi đã vừa thử một cách làm cho phòng chúng ta bớt nóng, có chút không khí trong lành vô phòng. Khi Thanh quạt xuống, một số tù khí trong phòng chúng ta bị tống ra ngoài theo hai cây quạt vào phần dưới cửa lá sách, tức khắc, một luồng không khí mát bên ngoài tràn vào, theo phần trên của lớp của lá sách vô phòng chúng ta, chạy dọc theo mái tôn dụng vách xô cầu và tràn xuống. Hơi nóng bị luồng không khí mới lùa ra ngoài qua mấy khe dưới của cửa lá sách sát chỗ nằm của anh phòng trưởng. Đó là lý do tại sao anh Mười phòng trưởng đột nhiên thấy nóng và la làng. Nhưng không sao, nếu chúng ta thay phiên làm kiểu này mỗi buổi trưa một vài tiếng đồng hồ, không khí trong phòng này sẽ dễ thở và mát hơn. Thanh tiếp tục quạt như thế cho anh năm mười phút nữa xem sao! Thanh Cùi làm theo lời hắn, và quả nhiên, cả phòng vô cùng thích thú – không khí trong phòng trở nên dịu mát y như những gì hắn giải thích. Từ đấy, một số tù lớn tuổi đã cùng hắn chia bớt phần ăn cho các tù trẻ để làm dịch vụ thay đổi không khí trong phòng. Và vị trí nằm độc tôn sát cửa của phòng trưởng không còn là nơi lý tưởng duy nhất trong phòng giam. Phát kiến này có tiếp ngay một hệ quả khác mà anh em gọi là "nhiệt độc tà khí thần chưởng", được áp dụng vô cùng thần sầu vào mỗi đêm để đuổi công an trong những khi anh em tù chụm đầu nói chuyện cho quên đời. Buổi tối, sau khi kẽng trại báo ngủ, tất cả các phòng giam bị khóa cứng, bên ngoài, công an bắt đầu đi tuần. Thường thì công an đi rình nghe các phòng nói chuyện. Phòng hắn có lẽ là cái phòng già chuyện nhất trong các dãy phòng ngang đầy ắp người. Phòng giam quá đông, không có chỗ đánh cờ tướng nên buổi tối thường chụm đầu nhau kể chuyện. Kể chuyện mà bị công an nghe là bị phạt cả phòng. Thành ra, mỗi đêm kể chuyện, phòng đều cử một anh em gát cửa bằng cách đứng gần cửa lá sách nhìn chéo xuống đất, hễ thấy đôi giép râu vừa ló gần tới là ra hiệu cho cả phòng im tiếng. Tên công an vừa rón rén tới gần và đặt tai vào cửa, mấy cây quạt bên trong cùng lúc quạt vào khung cửa lá sách. Báo cáo sau đó là: - Hết sẩy! Khi mình quạt cái đầu, em thấy ông công an lùi lại cái rột! Ổng không chịu nổi mùi hôi trong phòng. Cái này bác Cương chắc gọi là "nhiệt độc tà khí thần chưởng" của "Đệ BátTử Vong Cốc". Cương dường như là sĩ quan thuộc Nha Tuyên úy Phật giáo bị tù vì tội vượt biên, và thường kể chuyện chưởng cho anh em nghe. Và Đệ Bát Tử Vong Cốc chính là tên anh em đặt cho phòng ngang số Tám. Cái kinh nghiệm điều hòa không khí bằng cách quạt vào cửa lá sách không biết các phòng khác có nghĩ ra hay không, song không có cách chi chia sẻ kinh nghiệm với anh em. Vấn đề cái nóng chết người tạm thời giải quyết được, nhưng diện tích phòng giam, chiều cao vách tường thì chịu. Tù lúc nào cũng dày đặc. Phan Thiết nằm trên bờ Thái Bình Dương nên là một trong những thành phố có nhiều người vượt biển nhất, và số nạn nhân bị công an cộng sản bắt cũng vào hạng nhất nước. Thuận Hải lúc đó là tỉnh hai năm liên tục đoạt cờ đầu của chủ tịch Tôn Đức Thắng về thành tích bắt người vượt biên, và nghe đâu một đại biểu quốc hội tỉnh Minh Hải có lần họp ở Hà Nội hỏi móc họng đại biểu tỉnh Thuận Hải, là "các đồng chí cai trị dân ra sao mà năm nào các đồng chí cũng đoạt cờ đầu về thành tích bắt người bỏ nước ra đỉ" Không nghe mấy ông đại biểi tỉnh Thuận Hải trả lời ra sao. Cũng vì lý do đó mà phòng giam của hắn lúc nào cũng ở trong tình trạng cá hộp, tù nhân phải ngủ thế hai chân gát tréo mẩy. Ngủ tréo mẩy là nằm dài lưng trên ván, hai chân co lại và chân này gát chân kia, tay cằm quạt phe phẩy. Đó là dáng cách của mấy ông nhà nho, mấy ông quan, hay cả của bác nông dân thư thả buổi trưa hè. Mấy ông đó nay không còn tồn tại, mà trong phòng giam của hắn, chỉ còn hàng lớp tù nhân cũng nằm ngủ đêm hay ngủ trưa trong cái thế tréo mẩy có vẻ nhàn nhã nhưng thực ra là một cực hình. Họ ngã lưng, chân co lại gát tréo mẩy lên nhau, đít người này thẳng hàng chạm đít người đối diện để vừa đủ hai người nối nhau, hai đầu đụng hai vách có độ dài cách nhau không quá một thước tám, chia hai vừa đủ mỗi người một phản lưng, dư chút xíu cho hai cái mông đâu lại. Không "tự giác" nằm theo thế này thì những người vào sau, có đến nửa phòng, sẽ phải ngủ đứng, ngủ ngồi, nếu có người chết hay chuyển trại mới thế người mới thâm niên vào chỗ nằm của người ra đi. Theo "luật giang hồ" trong phòng, mỗi lần người đối diện đứng dậy đi cầu, khoảng trống sẽ dành cho anh bạn đối đít duỗi chân thoải mái, không ai được dành chỗ. Giây phút được duỗi thẳng hai cẳng là những giây phút thần tiên. Nhiều lúc quá mõi chân, hoặc ngủ say, hoặc đồng ý duỗi chân gát lên ngực nhau, hai tên tù cùng nhau bỏ thế tréo mẩy, duôõi cẳng dài ra, ôm cẳng chân nhau mà ngủ. Gặp cái thằng mập mạp, mới vô lò với hai cái giò tổ bố nặng thì người kia khó mà không xẹp ngực qua một đêm dài... ! Hắn sống khốn nhục như vậy trong suốt bảy tháng trời, cùng với những cơn sốt rét tái đi tái lại, hắn thành một cây tre rụng lá biết đi. Bên ngoài, người nhà hắn nghĩ có thể VC không giết hắn, song hắn sẽ chết vì sốt rét trong nhà giam, hoặc vì hắn tự tử khi sức chịu đựng đã quá mức mà con người có thể chịu đựng. Thực vậy, những dự tưởng của người nhà hắn không sai lắm. Gát ngang chuyện chết vì sốt rét do kiệt sức và không thuốc men, chuyện tự tử cho xong đời đã nhiều lần lảng vảng trong đầu hắn, nếu có trong bọc quần áo một chục viên thuốc ngủ, không chừng hắn chơi luôn trong một đêm mưa gió nào đó. Hắn sẽ về với Chúa cũng tốt, với Phật cũng xong, về với ma vương, ngạ quỉ cũng được, cái nào cũng khá hơn cuộc đời khốn nhục này. Hắn nghĩ như vậy. Một buổi trưa, sau khi nhận quà hàng tháng do người nhà tiếp tế, hắn giao hết cho nhóm ăn chung, chỉ giữ lại hai viên chè trôi nước trong bọc nylon. Hắn thèm ngọt gần như quắt quay mà theo hắn thì chỉ có chè trôi nước mới trị được. Sau bữa cơm chiều, hắn đổ hai viên chè ra ca và thưởng thức vị ngọt của đường. Hắn nhai nhè nhẹ, hai mắt lim dim như nghe chất ngọt từng đợt theo thành ruột ngấm tràn vào máu. Bỗng hắn khựng lại, ngừng nhai. Hai viên chè đã bị công an kiểm soát đâm nát, mà lại có cái gì còn cộm giữa viên chè. Hắn thấy một cái gì bất thường khi lưỡi và răng hắn cho hắn biết vật cồm cộm là một bọc nylon nhỏ. Không đời nào có chuyện nhân đậu xanh làm nhân chè trôi nước lại trộn giấy nylon. Hắn không hé răng cho ai biết chuyện lạ trong miệng hắn. Hắn lừa qua, lừa lại, nhét được bọc nylon nhỏ xíu vào hốc má như con khỉ, phần khác nuốt xuống như không có gì xẩy ra. Hắn giữ như vậy đến khuya, khi mọi người ngủ say, hắn len lén ngồi dậy, lừa bọc nylon ra ngoài, chộp lấy chùi khô, bên trong là một miếng giấy xếp nhỏ. Mắt hắn sáng lên, hồi hộp. Hắn xé bọc nylon được hàn kín bằng bàn ủi nóng, miếng giấy nhỏ có mấy chữ viết tay của vợ hắn: "Nếu thoát không được thì đừng tự tử! Ráng sống để nuôi con!" Hai hàng nước mắt hắn bỗng chợt tuôn lăn trên má. Thằng nhóc con đầu lòng mới sinh của hắn theo cha vô tù, trở thành tên tù bé nhất trại lúc bây giờ. Sáu tháng sau, cộng sản cũng không tha thằng nhóc, gia đình phải làm đơn xin bảo lãnh nuôi vì sợ nó chết trong tù, phải chạy chọt gì đó trại mới cho ra, sau đó trại giam mẹ tiếp một năm nữa. Ngày hắn nhận thông điệp "đừng tự tử" gởi trong viên chè là ngày vợ hắn đã được thả về mấy tháng. Thằng bé không nhận ra cả mẹ nó, nó ôm chặc lấy bà Dì nuôi, nhìn mẹ nó khóc nức nở khi gặp lại con... Một thời gian dài hắn sống trong tù như cục đất, khốn nhục, sống chết dường như không còn là cái gì quan trọng trong cuộc đời, hắn quên bẳng thân phận mình, quên cha mẹ, vợ con, bạn bè... Cho đến hôm nay, cái giây phút thiêng liêng tĩnh lặng giữa phòng giam tịch mịch trừ tiếng ngáy đủ kiểu âm thanh của bạn tù, hình ảnh đứa con đến với hắn qua mấy chữ vợ hắn viết, nó bỗng như cắt ruột, dao đâm, nó cào gan, xé phổi, nó làm cho sự đề kháng của định mệnh trổi dậy như giông bão trong cái đầu muốn buông xuôi theo định mệnh của hắn. Hắn đập tay trần xuống nền xi măng: - "Ta phải sống!" Hắn thốt lên như một lời thề, hốt nhiên, toàn thân hắn, một mạch hưng phấn, nhiệm mầu từ cõi vô minh nào đó bỗng tràn ngập trong từng mạch huyết quản dồn dập đổ về tim. Trong hắn, sức sống trổi dậy như triều dâng, như thác lũ. Và quả thật hắn đã sống. Định mệnh nuôi nấng và chở che hắn. Cuối cùng thì hắn thoát. Giữa biển rộng bao la,hắn thấy mình như một tên tù vừa chui lọt một cái lổ kim khâu nhỏ tí. Ngày nay, xa cách quê hương gần nửa vòng trái đất, hắn vẫn nhớ như in những ngày khốn nhục, từ Kà Tót đến Tổng Trại 8 TùTàn Binh Sông Mao, từ Thẩm Vấn Phan Thiết, đến Bình Tú... Và những dòng ký ức hắn viết lại trong bài này, dù đã hơn 23 năm trôi qua, dư âm, hình ảnh những ngày tù vẫn còn đậm nét trong trí nhớ, và từng dòng chữ viết dường như vẫn còn đủ sức làm hắn lặng người bàng hoàng như ngày vừa ra khỏi trại tù lần sau cùng, vừa đi vừa ngó lại, vừa đi vừa có cảm giác chân như lảng đảng trên mặt lộ; hai chân trần không giầy giép, gầy guộc mà hắn đi nhẹ như bay trên đường như ngày nào Tôn Ngộ Không vị Ma Vương đuổi đến miếu thổ thần ngày xưa trong Tây Du Ký... Suốt trên đường về nhà, hắn ngờ ngợ như chung quanh hắn, những hàng cây bên đường, cành cây nào cũng cong với những mũi tên đi đâu hắn cũng thấy chỉa vào lưng.