Hưng thất thểu đi dọc bờ sông, cặp kính cận trễ xuống khiến cho gương mặt vốn sáng láng trở nên thảm hại. Bộ quần áo ký giả màu tàn thuốc thanh nhã, lem nhem bụi đất, đôi giầy da màu ghi dẫm bừa vào bất kể vũng bùn, vũng nước nào.
Anh cứ đi dọc bãi sông, mắt đăm đắm nhìn bất cứ vật gì trôi lập lờ giữa dòng - Anh đi , đi mải miết suốt dọc bãi sông từ giữa chiều đến giờ.
Mặt trời đã chuyển sang màu hồng tím sà xuống mặt sông bồng bềnh. Cả một vùng trời bỗng trở lên lộng lẫy. Trời nước đẹp đến sững sờ, đến đau đớn. Vẻ đẹp bừng lên trước khi lụi tàn.
Hưng đứng sững, hai giòng nước mắt cứ trào, trào ra mãi. Mắt kính nhoè ướt, chân mỏi rã rời, Hưng ngồi xuống một cây gỗ trên bãi. Trước mắt anh ngổn ngang gỗ bè. Cây nào cũng to tầy tay ôm, đen xỉn, rắn đanh, ương bướng nằm chắn hết lối đi. Hai tay ôm đầu, người anh rũ xuống, rồi bỗng anh nức lên:
- Quỳnh ơi, con ở đâu?
... Trưa nay đi họp , anh ghé về nhà buổi trưa thấy Thiên Thanh, vợ anh, một tay bế con một tay lấy thìa xúc cơm ăn. Hưng bật cười hỏi:
- Con Quỳnh đâu mà để má vừa bế em vừa ăn thế kia?
Thanh sa sầm, giọng dấm dẳn:
- Má con gì nó. Nó chửi tôi rồi bỏ đi luôn!
Hưng không lạ gì cảnh đó nữa, bẩy tháng nay từ khi sinh thằng cu Thịnh, thì bỗng nhiên Quỳnh đổi tính đổi nết, quan hệ giữa hai dì cháu trở lên nặng nề. Trước đây hàng xóm cứ khen: Chưa thấy dì ghẻ con chồng nào lại thương nhau đến thế!
Chính Quỳnh tự ý gọi Thanh là Má, cô gái không muốn gọi dì hoặc gọi Cô. Bởi vì Quỳnh vẫn hằng mong ước là mình lại có Mẹ.
Hưng không nói gì với Thanh, anh đi vào phòng Quỳnh, một căn phòng nhỏ 8 mét vuông xinh xắn, dành riêng cho cô gái tuổi 15 ấy, cái tuổi thích có không gian riêng của mình để yên tĩnh học hành và cả để mộng mơ, buồn vơ vẩn và cả giận dỗi nữa.
Chiếc giường con kiểu Đức, chiếc gối trắng tinh như phập phồng bởi bọc gối bằng xoa trắng óng lên dưới ánh nắng và gió lộng từ cửa sổ hướng về phía vườn.
Trên gối đặt mảnh giấy viết mấy dòng:
Bố ơi!
Vĩnh biệt bố, con đi về với Bà nội đây.
Con yêu bố, nhưng không muốn sống với Bố nữa.
Lệ Quỳnh.
Hưng choáng váng, nó nói gì trong thư vậy? Về với Bà nội nào? Mẹ Hưng đã mất 20 năm trước rồi cơ mà, hay nó viết nhầm, có lẽ nó về ở với ông nội. Anh nhìn nhớn nhác lên bàn học. Trên bàn sách vở vẫn để nguyên. Vở nháp còn để mở, đang làm bài tập toán. Trên trang giấy một dòng chữ viết chéo qua cả trang:
Đời là một bài toán vô nghiệm !
Hưng vùng dậy, uống một cốc nước lạnh rồi dắt xe đi ra cổng.
Thiên Thanh ngạc nhiên và bực bội gọi:
- Anh đi đâu đấy?
- Đi tìm con Quỳnh.
- Ôi dào! Việc gì phải tìm, tối đói lại bò về thôi mà!
Hưng đến nhà chị Ngọc, chị ruột Hưng, ông giáo Thư, bố Hưng đang ở cùng chị. Mỗi lúc Quỳnh có chuyện giận dỗi thường hay đến tâm sự với ông nội. Hai ông cháu là bạn vong niên của nhau. Ông cụ buồn vì cụ bà sớm bỏ ông mà đi về cõi trước một mình. Còn Quỳnh buồn vì mẹ đã bỏ hai bố con mà lẳng lặng ra đi không nói một lời, mẹ đến với người yêu của mẹ.
Hưng sầm sập chạy lên gác, anh gặp ông Thư đang ngồi dịch sách.
- Ba! con Quỳnh có đến đây không?
Ông Thư buông bút, gỡ kính, lo sợ hỏi:
- Cả tuần nay không thấy nó đến. Có chuyện gì vậy?
Hưng đưa mẩu giấy con cho ông cụ xem. Ông Thư thất sắc đứng dậy ngay:
- Bây giờ anh đến nhà các bạn nó, rồi đến bà ngoại nó mà hỏi thử xem. Còn tôi đến nhà cô Kim, và họ hàng xem thử nó có đến đấy không? Cái tuổi này là bồng bột dại dột lắm. Thôi anh đi ngay đi.
Hưng bỗng nhiên cáu kỉnh:
- Ba bảo với con Kim, hay tâm sự lăng nhăng với con Quỳnh, mà nó thì đã hiểu biết gì đâu cơ chứ!
Ông giáo Thư nghiêm sắc mặt nói:
- Kim không nói điều gì bậy đâu. Nó tuy là em của anh, nhưng nó chín chắn hơn anh đấy.
- Ba khi nào cũng bênh các cô con gái. Nói rồi Hưng bỏ đi ngay. Anh phóng xe đến các nhà bạn thân của Quỳnh đều không thấy. Cuối cùng anh đến nhà mẹ vợ cũ. Bà ngoại của Quỳnh.
Bà Xuân đang ngồi máy may quần áo. Thấy chàng rể cũ đi vào, dáng điệu hớt hải, bà vội đứng dậy ra đón vừa mừng vừa lo. Mừng vì bà quý Hưng lắm, bà giận con gái vô cùng, nó ngu dại mới bỏ một con người quý đến như vậy. Nhưng nhìn nét mặt thất sắc của Hưng , bà ngờ là có chuyện chẳng lành.
Tiếng " Mẹ " thốt ra tự nhiên, khiến bà Xuân cảm động lắm. Con người sống tình nghĩa thế mà con gái tôi làm khổ nó. Bà âm thầm nghĩ.
- Cứ vào nhà uống nước đã. Có lẽ nó đi đâu với bạn bè thôi. Cứ bình tĩnh anh ạ. Gia đình có chuyện gì ư?
Hưng ngồi xuống tràng kỷ, anh nói nghẹn ngào:
- Nếu con Quỳnh mà cũng bỏ đi nữa, thì con không thể sống được nữa!
- Đừng nói vớ vẩn vậy con!
Hưng đưa mảnh giấy Quỳnh viết cho bà cụ xem. Bà cụ đọc xong, mặt tái xanh, nhưng vẫn giữ giọng điềm tĩnh:
- Gia đình có chuyện gì ư?
- Dạ cũng chẳng có chuyện gì lớn, nhưng hai dì cháu dạo này cứ khủng khỉnh cãi nhau.
- Rõ tội! Bà cụ thở dài não lòng.
Vừa lúc đó thằng Tít cháu nội bà Xuân chạy ào vào nhà, quẳng chiếc xe đạp ngoài sân không thèm khóa.
Bà cụ mắng thằng cháu nghịch ngợm:
- Khoá xe vào chứ! Nhìn xem, rõ lấm lem như trâu đầm vậy. Kìa, thằng Tít không chào bác Hưng à? Tít lúc đó mới nhìn thấy Hưng, cậu bé mười hai tuổi mừng rỡ ra mặt:
- Cháu chào bác Hưng. May quá, cháu gửi xe chị Quỳnh bác mang về luôn.
Hưng bật dậy như phải bỏng:
- Cháu gặp chị Quỳnh ở đâu? Sao lại gửi xe cháu?
- Cháu đá bóng ngoài bờ sông thì thấy chị Quỳnh, chị ấy bảo cháu mang xe về hộ rồi chị đi ra bến sông. Chị ấy bảo có việc phải đi xa, mà chị có vẻ buồn lắm.
Hưng hoảng hồn, anh bỏ chạy bộ ra bờ sông...
... Bóng đêm vừa trùm xuống, thành phố bỗng rực lên lấp lánh như vương miện của hoàng hậu. Còn ở đây, ngồi bên bờ sông, Hưng đắm chìm trong nỗi đau buồn thất vọng, không biết bám víu vào đâu mà ngoi lên. Dòng sông âm u cuộn chảy, giấu kín mọi nỗi âm thầm trong dòng nước trôi xiết. Khúc nào nông, khúc nào cuộn xoáy, mênh mông đến kinh hoàng. " Con ơi, con đang ở đâu? ".
Đêm đen thẫm , mưa bụi thong thả ngấm dần cái lạnh lẽo vào trời đất. " Lẽ nào con gái tôi lại đang ở dưới dòng nước lạnh ngắt ấy". Hưng rùng mình, anh ngồi như hoá đá. Giá không có cái tỉnh táo của người đàn ông đứng tuổi thì anh đã nhảy xuống.
Lệ Quỳnh là tất cả hạnh phúc tình yêu còn lại với anh. Đứa con gái giống mẹ như hai giọt nước, nhưng nó là giọt nước mắt trong veo của hoa Quỳnh.
Quỳnh sinh ra đúng vào đêm hoa Quỳnh nở rộ. Tối đó, cụ giáo Thư ngồi chờ Quỳnh nở, lúc mười hai giờ đêm, bông hoa to nhất từ từ mở cánh, toả hương thanh khiết. Vừa lúc đó, Hưng từ bệnh viện trở về reo to: " Ba ơi, Tuyết sinh con gái" . Hưng đứng sững nhìn bông hoa Quỳnh to chưa từng thấy. Cánh trắng lung linh, phơn phớt tím vươn lên kiêu hãnh như dáng một nàng tiên đang múa. Bỗng một giọt nước từ nhuỵ hoa ứa ra như giọt nước mắt, ông giáo Thư nâng chiếc đĩa hứng giọt nước trong veo đọng lại lòng đĩa. Ông nhìn giọt nước như hạt ngọc , cảm động nói: " Chẳng phải bông hoa nào cũng có được giọt nước tròn trặn thế này đâu. Điềm lành đây! ".
Và cụ giáo đã đặt tên cho đứa cháu nội của mình là Mạc Lệ Quỳnh - Giòng họ Mạc thêm một bông hoa đẹp.
Hưng quặn lòng nhớ đến những nét tuyệt vời của con gái mà trước đây anh chẳng hề coi trọng.
Con bé xinh đẹp hơn cả mẹ nó, mà nó mới hiền hậu làm sao. Tại sao mình luôn cáu gắt với nó cơ chứ, mà nó thì ân cần chăm sóc bố đến thế!
Kỷ niệm ùa vào như một trận lũ cuốn chìm anh trong đau khổ và ân hận.
Khi Tuyết bỏ nhà ra đi với người tình, Hưng cũng ngồi hóa đá như thế này trước thềm nhà. Trời lâm thâm mưa bụi. Hồi đó, Quỳnh mới 10 tuổi, nó rón rén đến ngồi cạnh bố, im lặng gục đầu vào đầu gối anh, anh cảm thấy những giọt nước mắt nóng ấm lặng lẽ thấm qua lần vải. Anh gục mặt vào mái tóc con gái mà nức nở:
- Mẹ bỏ bố con mình mà đi rồi!
Quỳnh ngồi dậy vươn đôi cánh tay nhỏ bé quàng qua vai bố, nói giọng trầm tĩnh như một người đàn bà:
- Bố đừng buồn. Con sẽ ở suốt đời với bố, con sẽ chăm sóc bố như khi còn mẹ.
Anh sửng sốt trước thái độ ấy của con gái. Một đứa bé lên 10 đang dỗ dành an ủi người đàn ông 40. Và kì lạ thay, chính anh cảm thấy yên lòng, cuộc đời anh vẫn còn có chỗ dựa!
Trước kia khi mẹ còn ở nhà, mỗi sáng phải gọi mãi thì cô bé mới chịu chui ra khỏi chăn. Sắp đến giờ đi học mà còn ỉ eo chưa chịu ăn sáng cho. Còn bây giờ, Quỳnh dậy từ 5 giờ sáng, rón rén xuống bếp thổi cơm, lại còn đặt ấm nước sôi để bố pha cà phê. Mỗi tối khi hai bố con ngồi vào mâm cơm, Quỳnh líu lo kể chuyện bạn bè, chuyện cô giáo, chuyện hàng xóm láng giềng. Hưng hiểu con gái đang tìm cách lấp khoảng trống vắng mà mẹ nó đã để lại trên bữa cơm gia đình.
Hưng yên tâm thấy con gái không tỏ ra buồn bã vì vắng mẹ. Trái lại nom lại có vẻ nhanh nhẹn xăm xắn hơn trong nhà. Nó sắp xếp nhà cửa gọn gàng và đem cất tất cả những bức ảnh có hình mẹ nó. Anh nghĩ thôi thế cũng là mừng, nếu mà Quỳnh khóc lóc nhớ mẹ, thì có lẽ anh đến phát điên lên mất.
Một hôm Hưng đi họp mãi khuya mới về, anh nhẹ nhàng mở khoá, cố đi thật êm, sợ con gái thức giấc, bỗng anh nghe tiếng thút thít nho nhỏ, ngỡ là tiếng mèo gừ, anh bước đến gần phòng con gái nhìn qua khe cửa. Quỳnh ngồi trên giường, bật chiếc đèn bàn, em đang cầm bức ảnh mẹ, hai dòng nước mắt đẫm má, em thì thầm: Mẹ ơi, sao mẹ lại đi mất? Bây giờ mẹ đang ở đâu? Con nhớ mẹ lắm mẹ ơi!
Hưng đứng như trời trồng, anh muốn chạy vào ôm con gái mà an ủi, nhưng anh không đủ can đảm phá tan giây phút tưởng nhớ kín đáo của con. Anh biết nỗi đau âm thầm, có sức mạnh để giúp con người đứng vững trước mất mát. Mỗi người đều phải tỏ ra cứng rắn để làm chỗ dựa cho nhau trong hoạn nạn. Anh lặng lẽ về phòng nằm dài ra giường, đêm hôm đó anh hiểu được nỗi đau buồn âm thầm của con gái. Có lẽ nỗi đau mất mẹ còn nặng nề hơn nỗi cô đơn của người đàn ông mất vợ.
Sáng sớm hôm sau anh dậy sớm xuống bếp định nấu cơm hộ con, nhưng Quỳnh đã đặt nồi lên bếp, em vừa cầm vở ôn lại bài, vừa trông cơm.
Anh đến ngồi cạnh con, lúc này anh mới nhận ra dạo này con gái gầy võ vàng, đôi mắt ngây thơ thâm quầng, bàn tay xanh xao gầy tong teo, lòng anh quặn thắt vì thương con nhưng anh chẳng biết nói gì với con, anh lúng túng hỏi:
- Con buồn lắm phải không con?
Quỳnh lắc đầu, giọng vui vẻ đáp:
_ Con ở với bố là vui rồi. Con yêu bố nhất trên đời.
- Đêm qua con khóc phải không? Anh lẩm bẩm hỏi thế.
- Con có khóc đâu, có khi là mèo gào đấy!
- Bố nghe tiếng con khóc thật mà.
Quỳnh đứng dậy nói bình thản:
- Có khi con ngủ mê đấy. Thôi, bố đi rửa mặt đi, con pha cà phê cho bố nhé.
Những ngày thân thương đầy xúc động ấy qua đi. Thời gian làm chai cứng những nỗi đau và đem lại sự yên ổn lạnh lùng. Cuộc sống bị cuốn trôi bởi những lo toan công việc và tính toán trong đời thường.
Rồi Hưng cũng quen với sự đảm đang của con gái, anh coi đó là nghĩa vụ của nó. Anh tin sự chủ động chín chắn của nó như tin vào một người lớn từng trải. Anh không biết Quỳnh học hành ngày một sút kém.
Mãi cho đến một hôm Quỳnh đưa học bạ cho bố ký, em len lén nhìn bố với đôi mắt đầy lo ầu. Trước đây thỉnh thoảng anh vẫn ký vào học bạ, nhưng anh không xem kỹ. Lần này anh chợt nhận thấy một dẫy toàn điểm kém, như bị xúc phạm ghê gớm, anh quát lên:
- Học hành thế này à? Đồ ngu!
Quỳnh rơm rớm nước mắt, em nói lí nhí:
- Con xin lỗi bố!
- Xin lỗi cái gì! Trời ơi sao lại đổ đốn thế này?
Anh nắm lấy vai Quỳnh mà lắc dữ dằn rồi gầm lên:
- Từ nay chẳng cần thổi cơm nấu nước làm gì nữa. Đi ăn cơm bụi. Lo học hành đi hiểu chưa? Học dốt nát thế này thì chết đi cho rảnh nợ.
Hưng giận dữ như điên. Cả họ Mạc này không ai có quyền học dốt. Truyền thống gia đình mấy đời Tiến sĩ, và chính Hưng cũng là Tiến sĩ đời thứ năm. Vậy mà đứa con gái của anh lại dám rước điểm kém về, nhục ơi là nhục!
Quỳnh cũng không hiểu tại sao mình học hành đột nhiên lại sa sút đến như vậy. Em không biết làm cách nào để lại hiểu bài, nhớ bài, làm bài giỏi giang như trước kia. Cố gắng lắm em cũng chỉ đạt điểm trung bình.
Hưng sốt ruột, anh quyết định tự mình kèm cho con gái học. Nhưng mỗi lần dạy con học là lại một lần quát mắng. Anh nổi giận điên cuồng khi giảng mãi mà nó vẫn không hiểu nổi một bài toán đơn giản. Có hôm anh đã tát con gái lạng cả người.
Quỳnh hoảng sợ đến đần độn, em rối loạn đến mức chẳng còn hiểu một tí gì nữa. Nhiều lần em oà khóc: " Bố ơi, con ngu quá, cho con thôi học. Con xin ở nhà hầu hạ chăm sóc bố, con sẽ làm mọi việc trừ việc học".