Nghĩa Nhân đi tìm Sĩ Đạt mà không gặp, anh đành đi xem các mẫu quảng cáo đồ dùng quanh cửa hiệu. Anh dừng lại, mắt dán vào mẫu xắc tay của phụ nữ. Anh đưa tay sờ lên. Trông cũng xinh xinh nhỉ ...
– Này anh kia! Đồ ở đây chỉ nhìn thôi chứ không được sờ mó vào.
Nghĩa Nhân hơi giật mình và tiếng vừa phát ra sắc lạnh:
– Ơ ... tôi ...
Thy Huyên bước lại, hai tay cô khoanh trước ngực, hất mặt nói:
– Muốn mua hả? Đồ này không bán.
Nghĩa Nhân quay lại nhìn cô, chưa kịp phản ứng gì thì Sĩ Đạt xuất hiện trước mặt hai người:
– Gì thế?
Thy Huyên định giải thích thì Sĩ Đạt đã kêu lên:
– Ôi! Là cậu sao, Nghĩa Nhân?
Nghĩa Nhân cười cười:
– Đây là Thy Huyên, chính là tác giả của những chiếc xắc tay nữ thời trang này.
Thy Huyên kênh mặt nhìn anh. Nghĩa Nhân nghĩ phải cho cô ta bài học, nên nói:
– Trời đất! Là cô ấy sao?
Sĩ Đạt gật gù:
– Đúng vậy. Cậu có thích thì đặt mua một cái tặng cho bạn gái của cậu.
Nghĩa Nhân xua tay:
– Thôi đi, bạn gái của tôi mà lại xài mấy cái vớ vẩn này sao? Vừa xấu vừa thô. Thôi đi!
Thy Huyên cảm thấy mình bị chạm tự ái, cô đứng thẳng người chống nạnh hai tay, hất mặt nói:
– Nó thô, nó xấu, hay là con mắt của anh bị con quạ mổ lấy mất rồi.
Thấy cô nổi giận, mặt đỏ bừng lên như quả gấc, Nghĩa Nhân cảm thấy thích thú chọc tiếp:
– Thì có sao tôi nói vậy thôi, làm gì có quạ mổ mắt chứ. Có cô lấy vải thưa mà che mắt mọi người thôi.
Thy Huyên giận không thể tả, cô ấm ức nói:
– Tôi đâu có cần anh khen.
– Nhưng cô rất cần người ủng hộ.
– Dù có cũng không cần tới lượt anh đâu.
Nghĩa Nhân cười tủm tỉm:
– Làm nghệ thuật thì đâu cần phải tự ái như vậy.
Cô hét lên:
– Tôi đâu cần anh dạy đời.
Nghĩa Nhân cầm mẫu xắc tay lên đưa qua lại trước mặt cô.
– Cái này do cô thiết kế ra đây sao?
– Vậy thì đã sao?
– Xấu òm, ai mà xài.
Thy Huyên giật lại, cô nói:
– Bàn tay bẩn thỉu không được sờ vào, làm bẩn của người ta.
– Cô ...
Thy Huyên quắc mắt nhìn anh rồi thách thức nói:
– Bộ tôi nói sai sao? Mẹ anh đã đặt tên cho anh sai rồi.
Nghĩa Nhân ngạc nhiên không hiểu ý cô muốn nói gì, nên hỏi:
– Cô nói vậy là sao?
Thy Huyên nói mà không hề suy nghĩ gì cả:
– Thay gì là Nghĩa Nhân mà nên đổi lại là Bất Nhân mới đúng.
Nghĩa Nhân trợn mắt nhìn Thy Huyên:
– Cô ... cô dám nói như vậy à?
– Hừ! Tại sao tôi không dám nói chứ.
– Cô thật là quá đáng.
Thy Huyên bĩu môi:
– Tôi không quá đáng đâu, mà anh nên nhìn lại mình xem. Tôi nói là đúng đó.
Nghĩa Nhân bật cười lớn:
– Chẳng có gì đáng nhìn cả. Vừa đẹp trai, vừa lịch sự không chê vào đâu được.
Nghe câu nói của anh, Thy Huyên không nhịn được cười. Cô đưa tay che miệng mà cười:
– Mắc cười thiệt!
– Gì mà mắc cười chứ?
– Tôi chưa thấy ai tự khen mình như anh cả. Thùng rỗng mà kêu to là thế.
Nghĩa Nhân liền trả đũa ngay:
– Mặt cô nhăn nhó không khác gì những cái xắc tay này cả. Người sao thì của vậy mà.
Thy Huyên thấy anh ta nói quá đáng về mình, nên đùng đùng bỏ đi chỗ khác.
Sĩ Đạt ngăn:
– Đừng đùa nữa Nghĩa Nhân ạ! Người ta là phụ nữ, cậu nên mềm mỏng chút.
– Cô ta đổi tên mình, cậu không nghe sao?
– Tất nhiên là có! Bên nửa lạng bên tám cân, đủ rồi.
– Cậu bênh vực cô ta?
Sĩ Đạt vỗ vai bạn:
– Không. Mình chỉ nói lý lẽ thôi.
Nghĩa Nhân còn bực:
– Nhưng cô ta thì không có.
Sĩ Đạt gật đầu:
– Người đang thành đạt, họ thường vậy đó.
– Đỏng đa đỏng đảnh thì có.
Sĩ Đạt cười:
– Biết đâu là oan gia của nhau đó, cậu ạ!
Nghĩa Nhân xua tay:
– “Bà Tám” mà, ai dám chứ.
Sĩ Đạt gãi gãi đầu:
– Người ta vậy mà bảo là bà Tám sao?
Nghĩa Nhân nhìn bạn tò mò:
– Ê! Cậu đừng nói với mình là cậu đã ...
– Đừng nói vậy, mình không có vé đâu.
– Cậu tự hạ thấp mình vậy?
– Thực tế là vậy mà.
Cả hai cùng cười. Nghĩa Nhân liếc nhẹ qua Thy Huyên rồi rùn vai bước ra ngoài.
Buổi sáng, gặp Sĩ Đạt nơi cửa phòng, Thy Huyên như vẫn còn giận nói:
– Anh có thể làm ơn đừng để em gặp lại anh ta nữa có được không?
Sĩ Đạt cười giải thích:
– Em chưa hiểu đó thôi. Nó rất hiền và lịch sự.
Cô ấm ức:
– Anh khỏi cần nói tốt cho anh ta. Em đã mắt thấy tai nghe từng cử chỉ lời nói của anh ta rồi.
Biết sẽ không thuyết phục được cô nên Sĩ Đạt nói:
– Anh xin lỗi em về chuyện hôm qua nhé!
Cô lắc đầu:
– Anh xin lỗi em thì ích gì.
– Thay mặt nó, anh xin lỗi em không được sao?
Thy Huyên hỏi:
– Anh hiền vậy sao không chọn bạn hiền như anh vậy?
Sĩ Đạt bật cười:
– Người sinh mỗi người mỗi tính, đâu có ai giống ai được.
Thy Huyên như vẫn ôm mặc cảm những gì Nghĩa Nhân gây cho cô. Cô nói:
– Anh ta thật là quá đáng, chẳng chút gì là lịch sự cả.
– Dường như em vẫn còn giận cậu ta, đúng không?
Thy Huyên mím môi nói:
– Đừng để cho em gặp lại anh ta nữa.
Sĩ Đạt giật mình:
– Như vậy làm sao được. Nó là bạn thân của anh đấy.
Thy Huyên lắc đầu:
– Nếu như vậy thì ...
– Thì sao vậy em?
– Có lẽ em sẽ xin đổi chỗ làm thôi.
Sĩ Đạt kêu lên:
– Ôi! Sao em lại có ý nghĩ đó? Nó là nó, còn anh là anh kia mà em.
Thy Huyên cắn môi suy nghĩ. Sĩ Đạt rất tốt với mình, nếu bỏ chỗ này mà đi thì rất uổng. Nhưng phải biết làm sao đây? Gặp lại anh ta thì không thể rồi ...
– Nếu nơi này có anh ta thì sẽ không có em.
– Đừng làm khó anh như vậy mà Thy Huyên. Chúng ta đang làm ăn tốt với nhau mà.
Thy Huyên thở dài:
– Thật ra thì em cũng muốn ở lại đây lắm. Nhưng mà ...
Nghĩa Nhân xuất hiện:
– Không muốn đi thì cứ ở lại, có gì đâu mà ngại ngùng.
Thy Huyên bặm môi mà nhìn Nghĩa Nhân, cô hỏi Sĩ Đạt:
– Chuyện này là sao vậy, anh Sĩ Đạt?
Sĩ Đạt vô cùng bối rối. Anh cũng chưa biết phải nói sao nữa thì Nghĩa Nhân đã lên tiếng:
– Đây là cửa hàng trưng bày sản phẩm để mọi người tham quan thì tôi vẫn có quyền vào chứ.
Thy Huyên bực mình vô cùng. Nhưng cô cũng không biết làm sao mà bắt bẻ được anh ta:
– Nhưng ở đây cần người lịch sự và nhã nhặn.
Nghĩa Nhân cười cười:
– Vậy thì ít ra người làm ra sản phẩm cũng nên dịu dàng và mến khách chứ.
– Tùy người thôi.
Điện thoại của Sĩ Đạt có tín hiệu. Nghe xong, anh nói với Thy Huyên:
– Anh bận rồi, em và các bạn ở lại đây giùm anh nhé!
Thy Huyên hỏi:
– Anh đi một mình sao?
Sĩ Đạt hiểu câu hỏi của cô nên nói:
– Tất nhiên rồi!
Trên mắt cô lộ vẻ thất vọng. Sĩ Đạt kéo Nghĩa Nhân ra ngoài dặn dò:
– Cậu làm ơn đừng quấy rầy cô ấy nữa nhé.
Nghĩa Nhân gật đầu, hứa hẹn:
– OK!
Khi Nghĩa Nhân quay trở lại thì bao nhiêu xắc tay đã biến mất. Anh nhìn Thy Huyên, hỏi:
– Tôi muốn mua một xắc tay.
Thy Huyên đáp một câu tỉnh bơ:
– Hết hàng.
– Cô ...
– Sao cơ?
– Cô đùa với tôi à?
Cô đáp cứng cỏi:
– Tôi đâu có dư thời gian mà đùa với khách.
Nghĩa Nhân gọi một cô gần đó để hỏi:
– Cô gì đó ơi!
Ánh Lan cười, hỏi anh:
– Anh cần gì ạ?
– Tôi muốn mua một xắc tay ở đây này.
Ánh Lan nhìn Thy Huyên như muốn hỏi, thì cô đã nói:
– Hết hàng.
Ánh Lan quay lại nói:
– Dạ, hàng ấy hết rồi. Phiền anh ngày mai đến.
Thy Huyên nói:
– Ngày mai, ngày mốt cũng sẽ không còn hàng ấy nữa.
Ánh Lan nói với Nghĩa Nhân:
– Hàng hết luôn rồi ạ!
Nghĩa Nhân nhìn cô thách thức:
– Được rồi, tôi không tin là mình không mua được nó.
– Thử xem!
Nghĩa Nhân đi rồi, Ánh Lan hỏi Thy Huyên:
– Hàng còn sao em bảo là hết!
Thy Huyên hơi cúi xuống:
– Em không muốn bán cho anh ta.
Cẩm Tú bước lại trước mặt Thy Huyên, cô hỏi:
– Cô làm như vậy là có ý gì?
Thy Huyên biết Cẩm Tú không ưa gì mình, bởi cô yêu Sĩ Đạt. Thấy Thy Huyên và Sĩ Đạt luôn ở bên nhau bàn bạc cho ra sản phẩm mới, cô ta lấy làm ganh tị nên luôn gay gắt với Thy Huyên.
– Chẳng có ý gì cả. Em làm như vậy là không muốn sản phẩm của mình làm ra không bị mai một đi.
– Em không giỏi như chị tưởng đâu. Ở đây còn nhiều người giỏi hơn em nữa, trong đó có chị.
Cẩm Tú biết cô mai mỉa mình nhưng không thể làm gì được:
– Tôi yêu cầu cô nên mang cái xắc tay trưng bày ra tủ.
Thy Huyên gật đầu:
– Tôi sẽ làm khi nào tôi thấy cần, chị khỏi phải lo.
Một cô gái bước vào:
– Chị bán cho em một xắc tay màu nâu sậm.
Thy Huyên tươi cười bảo cô:
– Em chờ chị một chút, sẽ có ngay thôi.
Thy Huyên mang ra rất nhiều:
– Em tự do chọn đi nhé!
– Cám ơn chị, em lấy màu này.
Thy Huyên cười khen ngợi:
– Em thật có mắt thẩm mỹ đó.
Cô bé nhoẻn miệng cười:
– Chị bán hàng vui vẻ quá. Mai mốt, em sẽ giới thiệu bạn đến để ủng hộ chị.
Thy Huyên cười thân mật:
– Chị rất hân hạnh đón tiếp tất cả bạn của em.
Cô bé còn nói vui:
– Em thích chị rồi đó. Mai mốt em sẽ giới thiệu anh của em đến đây.
Thy Huyên trợn mắt hỏi cô:
– Anh của em đến đây làm gì?
– Thì mua xắc tay ủng hộ chị.
– Nhưng ...
Cô bé cười khì:
– Anh mua quà tặng người yêu đó mà.
Thy Huyên chớp mắt:
– Vậy à!
Cô bé còn nói tiếp:
– Rủi anh của em “chấm” chị thì sao đây?
Thy Huyên cười rạng rỡ, cô nói đùa:
– Thì chị cũng chấm lại chứ còn sao nữa.
Mọi người nghe thấy cũng cười theo. Cô bé lại nói:
– Anh của em mà nghe được lời chị nói chắc là mừng lắm.
Thy Huyên đưa đẩy cho vui:
– Ừ, mai mốt cứ đưa anh trai của em sang đây.
Cô bé vui ra mặt:
– Vậy thì chị nhớ đó nhé!
Thy Huyên tiễn cô bé ra cửa:
– Yên trí đi, chị vẫn nhớ mà.
Cô bé đi rồi, Thy Huyên quay lại nói với Ánh Lan:
– Có những cái không cần phô trương mà người ta vẫn tìm thấy.
Ánh Lan nói một cách thật lòng:
– Em thật là hay đó, chị không nghĩ em sẽ bán được.
Thy Huyên cười cười:
– Chắc là do may mắn thôi!
Cẩm Tú lên tiếng mai mỉa:
– May mắn không thể đến hai lần đâu, đừng có mừng vội.
– Lúc nãy tôi nghe cô bé ấy sẽ giới thiệu sản phẩm cho các bạn nó biết. Sinh viên đông lắm.
Cẩm Tú lộ nét khinh khi:
– Có đẹp gì đâu nhỉ!
Thy Huyên nghe rất rõ câu nói của Tú, nhưng cô vẫn lặng im. Công việc làm ăn là phải biết nhịn nhục mới mong thành đạt.
– Vâng, em thấy cũng xoàng thôi mà chẳng biết sao họ lại thích.
Cẩm Tú lại giở trò, chị nói với Thy Huyên như ra lệnh:
– Cô mau mang mọi thứ về vị trí cũ.
Thấy Thy Huyên tỏ ý không muốn nên Ánh Lan nhanh nhẩu nói:
– Để chị giúp em một tay.
Nhưng Cẩm Tú đã ngăn lại:
– Không được! Cô nên lo phận sự của mình kìa!
Thy Huyên nói với Ánh Lan:
– Chị làm công việc của mình đi. Em làm được mà.
Ánh Lan gật đầu động viên:
– Vậy em mau làm đi.
Thy Huyên vừa làm được một lúc thì có điện thoại:
– Thy Huyên nghe đây.
– Tôi muốn đặt cô một ít túi xắc tay, cô thấy được không?
Thy Huyên đứng lên:
– Chị cần số lượng là bao nhiêu?
– Khoảng một trăm nhưng kiểu dáng phải khác nhau, kể cả màu.
Thy Huyên hỏi:
– Khi nào chị lấy?
– Một tuần.
Thy Huyên liền nói:
– Phiền chị cho em xin địa chỉ để chúng ta làm hợp đồng ạ.
– Được rồi! Tôi sẽ ghi địa chỉ theo tin nhắn.
– Vâng, em cảm ơn chị.
Thy Huyên cúp máy. Mặt cô tươi rạng rỡ. Trong cái rủi còn có cái may đến với cô.
Sĩ Đạt xuất hiện. Khi mọi người ai vào vị trí nấy, anh nói với Thy Huyên:
– Chúc mừng em!
Mọi người xôn xao:
– Chúc mừng gì thế?
– Nhỏ ấy trúng số độc đắc ư?
– Nhặt được vàng ư?
Sĩ Đạt ra hiệu mọi người giữ trật tự:
– Không phải đâu, các bạn dự đoán sai rồi.
– Chứ còn gì ạ?
Cẩm Tú khó chịu, cô giục:
– Có gì thì cứ nói đi, anh làm gì mà có vẻ bí mật thế?
Mọi người háo hức chờ đợi. Anh nói:
– Tôi vừa ký hợp đồng với một cơ sở chuyên bán túi xách, xắc tay, ví tay của phụ nữ ở Đài Loan đấy.
Mọi người ồ lên một tiếng:
– Vậy là mình có việc làm rồi!
– Lần này nhất định lương sẽ cao đấy.
Cẩm Tú thì tỏ ra không có gì phấn khởi:
– Chỉ có vậy mà cũng làm rầm rộ lên.
Biết Cẩm Tú không mấy ưa Thy Huyên nên Sĩ Đạt nói:
– Từ nay Cẩm Tú chuyển sang khâu xuất hàng đi nhé!
Cẩm Tú tỏ ý ngạc nhiên:
– Tại sao em phải chuyển từ khâu này sang khâu khác chứ?
Sĩ Đạt giải thích:
– Khâu xuất hàng rất quan trọng, cho nên em phải thật cẩn thận. Anh nghĩ chỉ có em mới giúp anh được điều này.
Được vuốt ve, Cẩm Tú tỏ ra kênh kiệu hơn, hách dịch hơn, cô hất mặt nói với Thy Huyên:
– Giỏi gì thì giỏi, nhưng không chiếm được trái tim Sĩ Đạt đâu. Đừng có nằm mơ!
Buồn cười thật! Có bao giờ mình có tư tưởng đó đâu. Lúc nào mình cũng xem Sĩ Đạt là một ông chủ, là một người anh lớn mà thôi. Nhưng bây giờ mà lên tiếng giải thích thì không khác nào “nước chảy đầu vịt” mà thôi. Không khéo lại hiểu lầm cũng nên. Sĩ Đạt nói tiếp:
– Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong vòng một tuần phải hoàn thành nhiệm vụ.
Mọi người lại xôn xao:
– Tăng ca!
– Nhất định là phải thế rồi.
– Ôi! Lương tháng này sẽ cao hơn.
Mọi người vui vẻ. Sĩ Đạt cũng cảm thấy an tâm hơn. Anh nói với Thy Huyên:
– Lần này vất vả cho em rồi.
Thy Huyên cười:
– Có gì đâu anh, đây là nhiệm vụ của em mà.
Sĩ Đạt nhắc nhở Thy Huyên:
– Nhưng trong hợp đồng người ta yêu cầu hơi cao.
Thy Huyên nhìn anh hỏi:
– Có chuyện gì sao anh?
– Thật ra, họ đòi hỏi phải có nhiều màu và nhiều loại kiểu mới hiện nay.
Thy Huyên cười trấn an anh:
– Điều này thì anh hãy yên tâm, em sẽ lo liệu.
Sĩ Đạt nhìn Thy Huyên như biết ơn:
– Chuyện này là rất khó, mà trông em như không có gì gây cho em khó khăn.
– Em đã có cách rồi, đừng lo quá anh ạ!
Cẩm Tú thấy hai người say sưa lo bàn việc mà không hề để ý đến mình nên ganh tị xen vào:
– Được thì mới nói nghe, đừng vì một chút danh lợi để mọi người biết đến mà làm hỏng việc lớn đi.
Sĩ Đạt nhăn mặt:
– Em nói gì vậy Cẩm Tú?
Cẩm Tú cong môi:
– Thì em cũng chỉ muốn nhắc nhở cô ấy thôi.
Thy Huyên mỉm cười nhẫn nhịn:
– Em cảm ơn chị đã có ý tốt nhắc nhở em.
Sĩ Đạt lại nói với Thy Huyên:
– Buổi chiều vào chúng ta sẽ bàn tiếp và cụ thể hơn.
Thy Huyên dù không muốn cũng phải gật đầu:
– Vâng ạ!
Cẩm Tú cảm thấy khó chịu nên cô xen vào:
– Chỉ có vậy thôi mà còn bàn gì nữa vậy anh?
Sĩ Đạt nói với cô:
– Sự việc quan trọng chứ không đơn giản đâu.
Cẩm Tú bĩu môi:
– Cô ấy là nhà thiết kế thì phải chịu trách nhiệm chứ.
Sĩ Đạt nhìn Cẩm Tú, anh lắc đầu tỏ ý không hài lòng:
– Anh nói vậy nghe sao được. Đây là công chuyện làm ăn của mình mà.
Cô nói lẫy:
– Cũng đâu có cần mật thiết như vậy.
Thy Huyên biết Cẩm Tú đang nghĩ sai về mình nên nói:
– Chuyện ấy anh khỏi cần phải quan tâm. Em và mọi người ở đây làm cũng được.
Cẩm Tú nhắc nhở:
– Anh đã hứa đưa em đi du lịch thì phải nhớ đó.
Biết lúc này mà từ chối sẽ xảy ra chuyện lớn nên Sĩ Đạt đành nói:
– Tất nhiên là anh nhớ rồi. Nhưng phải chờ xong nhiệm vụ này đã.
Hừm! Anh ấy đang sợ Thy Huyên làm một mình sẽ vất vả chứ gì. Cho nên cô cố tình nói:
– Thy Huyên đã nói rồi, cô ấy có thể đảm nhiệm hết mà.
Sĩ Đạt nhăn nhó:
– Thì đành vậy. Nhưng chúng ta là chủ thì cũng phải có trách nhiệm chứ.
Thy Huyên mỉm cười, cô nói đầy vẻ tự tin:
– Anh an tâm mà đưa chị ấy đi chơi, tụi em sẽ lo được mà.
Cẩm Tú hất mặt bảo:
– Đó, cô ta đã nói vậy rồi, anh cần gì phải đắn đo.
Biết vòng vo cũng không xong, cho nên Sĩ Đạt đành gật đầu:
– Vậy cũng được.
Cẩm Tú hí hửng với mọi người:
– Các người có nghe không, đầu tuần mình và anh Sĩ Đạt sẽ đi du lịch. Nhất định ai cũng có quà cả.
Mọi người im lặng. Thy Huyên bỏ ra ngoài.
Cô không ngờ Cẩm Tú lại là người hồ đồ đến như vậy. Nếu cô mà có bà chủ như vậy chắc chắn là khổ mất thôi.
– Ôi ...
– Cô này ...
Thy Huyên tròn mắt nhìn anh:
– Ai đứng kiểu gì kỳ vậy.
Nghĩa Nhân cự lại:
– Câu này tôi hỏi cô mới đúng.
Thy Huyên hất mặt, nói:
– Có phải anh cố tình đụng vào tôi hay không?
Nghĩa Nhân trợn mắt nhìn cô:
– Ơ hay! Cô này nói thật là ... là ...
Thy Huyên nạt:
– Là gì?
Nghĩa Nhân nhìn đôi mắt to đen đang nhìn anh chăm chăm, anh không nỡ nói nặng, nên chỉ nói:
– Là con gái chứ con gì?
– Xí! Vô duyên!
Nghĩa Nhân chụp lấy tay cô:
– Này, cô chửi tôi là vô duyên à?
– Chứ bộ anh lịch sự lắm sao?
Nghĩa Nhân cãi lại:
– Rõ ràng là cô đụng vào người ta mà còn nói.
Thy Huyên cãi lại:
– Anh mới là người vô duyên đó, anh “Bất Nhân” ạ!
Trời đất quỷ thần ơi! Cô ta thật là ngang ngược hết sức, chẳng hiểu lý lẽ gì cả.
– Sao cô dám chỉnh sửa tên của tôi như vậy.
Thy Huyên cười tủm tỉm:
– Tên đó mới đúng với con người của anh đó.
– Cô thật là quá quắt ngang ngược không ai chịu nổi.
– Hừ! Anh ngang ngược thì có.
Thy Huyên bỏ vào phòng làm việc, Nghĩa Nhân cũng bước vào theo. Anh lật qua lật lại mấy cái xắc tay mà Thy Huyên vừa thiết kế, anh bĩu môi chê:
– Trời đất! Ai là tác giả mấy thứ này vậy?
Thanh bảo:
– Thì của chị Thy Huyên chứ ai?
Nghĩa Nhân đặt xuống chỗ cũ, trề môi nói:
– Xấu chưa từng thấy.
Thấy anh lại cầm lên cái khác, Thy Huyên liền giành lấy, quát lên:
– Xin anh lịch sự cho! Chỗ này không ai hoan nghênh anh cả.
Nghĩa Nhân nhìn cô như chế giễu:
– Thí dụ tôi đến tham quan rồi đặt hàng thì sao?
Thy Huyên xua tay:
– Tôi không bán cho anh.
– Cô này nói lạ! Để ế hàng à?
Thy Huyên vẫn nói:
– Tôi thà để hàng ế chứ nhất định không bán cho anh.
Nghĩa Nhân bật cười hỏi:
– Cô có được bình thường không?
Thy Huyên vẫn lạnh lùng nói:
– Đối với Bất Nhân, tôi phải như thế.
Nghĩa Nhân bật cười một mình. Cô ta nghĩ ra cách để trả thù mình như vậy cũng hay.
– Tôi “bất nhân”, còn cô thì sao?
Thy Huyên nhướng mày khiêu khích:
– Là nạn nhân của kẻ bất nhân.
Nghĩa Nhân gãi gãi đầu:
– Nói gì mà khó nghe vậy cô. Hôm nay tôi đến đây để đặt hàng kia mà.
Thy Huyên vẫn giữ ý mình:
– Hàng của tôi vừa xấu vừa thô không hợp với con người của anh đâu.
Trời! Cô ta còn nhớ dai đến vậy sao? Lỡ rồi biết làm sao? Có lẽ mình đã gây cho cô ta một ấn tượng không tốt rồi. Ngày mai lại có tiết mục khác đầy thú vị hơn nữa. Hãy chờ cô bé ạ!
Thy Huyên cầm mấy mẫu xắc tay mà cô vừa thiết kế ra, tỏ ý rất hài lòng:
– Ồ! Cũng đẹp đó chứ!
Thanh vỗ lên vai Thy Huyên:
– Em mừng lắm phải không?
Thy Huyên vui ra mặt:
– Tất nhiên là em mừng rồi. Không uổng công Sĩ Đạt tin tưởng mình chứ chị.
Thanh cười cười:
– Nè, anh chàng hay đến đây chọc phá em là ai vậy?
Thy Huyên lắc đầu:
– Em cũng không biết nữa, chắc là bạn của anh Sĩ Đạt.
Thanh cằn nhằn:
– Nhắc đến Sĩ Đạt mới nhớ. Chị không hiểu nổi tại sao Sĩ Đạt lại có thể chiều Cẩm Tú quá mức như vậy?
Thy Huyên cười cười:
– Tình yêu mà chị.
Thanh phàn nàn:
– Yêu gì chứ? Cô ta dữ dằn ai mà chịu nổi.
Thy Huyên bật cười:
– Thôi đi em ơi! Chắc là kiếp trước do Sĩ Đạt mắc nợ cô ta đó thôi.
Thy Huyên cảm thấy buồn cười vô cùng. Nhưng hết giờ làm việc, Thy Huyên nói với mọi người:
– Đi ăn cơm thôi.
Mọi người hưởng ứng:
– Đúng rồi, đã đến giờ nghỉ mà quên.
– Đi thôi.
Thanh hỏi Thy Huyên:
– Em về nhà sao?
Thy Huyên điểm điểm ngón tay:
– Cũng chưa biết được.
– Trời đất! Chưa xác định được à?
Thy Huyên cao hứng xướng lên:
– ... Đời tôi cô đơn nên chưa biết đi đâu ...
Mọi người cười ngất. Thanh vỗ vai cô, bảo:
– Tại em kén chọn đó thôi. Mà này ...
– Gì vậy chị?
Thanh cười cười:
– Chị thấy anh chàng Nghĩa Nhân kia có vấn đề đấy.
Thy Huyên tròn mắt nhìn chị:
– Sao chị nói thế? Em có ưa gì anh ta đâu.
– Chính vì chỗ không ưa nên có vấn đề đó.
Thy Huyên rùn vai:
– Vấn đề gì có? Người gì mà khó ưa vô cùng.
– Thôi đi em! Người ta nói con gái ghét là thương đó.
Thy Huyên kêu lên:
– Ôi! Sao chị lại nói thế? Em và anh ta là sao chổi của nhau đó.
Thanh cười lắc lư cái đầu:
– Ừ, là sao chổi. Nhưng một ngày nào đó sẽ trở thành là sao yêu thương.
Sao yêu thương ư? Làm gì có, thấy là đã ghét rồi mà ...
– Sẽ không bao giờ đâu chị. Thôi đi chị, em đói lắm rồi.
Mỗi người đi một nơi. Thy Huyên vào một quán cơm bình dân.
– Hôm nay ăn gì vậy Huyên?
Thy Huyên mỉm cười với chị chủ quán rồi nói:
– Dạ, cũng như thường ngày thôi chị.
– Giữ eo à?
Thy Huyên chỉ cười mà không đáp. Phần cơm được mang ra, Thy Huyên vừa ăn được mấy muỗng thì có tiếng nói:
– Xin lỗi, cho tôi được ngồi đây không ạ!
– Cứ tự nhiên.
Thy Huyên vẫn không ngẩng lên nhìn ngồi cạnh mình là ai, cô chăm chú ăn.
– Cơm ở đây ngon vậy à?
– Tôi ...
Thy Huyên nhận ra anh chàng đáng ghét ấy, liền nói:
– Ngon hay không thì mắc mớ gì đến anh chứ.
Nghĩa Nhân cười khì:
– Tất nhiên là không mắc mớ rồi. Nhưng mà có điều chăm chú ăn mà không biết xung quanh đang xảy ra chuyện gì thì thật là tệ đấy.
Lại kiếm chuyện nữa đây. Thy Huyên lòng dặn lòng nhất định không thèm nói chuyện với anh ta nữa, nên cố ăn phần còn lại. Người phục vụ mang ra ly nước cam tươi. Thy Huyên ngạc nhiên nói:
– Xin lỗi, tôi không có gọi nước.
Người phục vụ chỉ vào Nghĩa Nhân.
– Dạ, anh ấy gọi ạ!
Thy Huyên lắc đầu từ chối:
– Anh ấy gọi thì đưa cho anh ấy, sao lại đưa tôi?
Nghĩa Nhân nhìn cô, cười lấy lòng:
– Tôi xin hân hạnh mời cô ly nước.
Thy Huyên lắc đầu từ chối:
– Tôi không thể nhận. Xin lỗi.
Nghĩa Nhân vẫn để nụ cười trên môi, anh nói giọng khiêu khích:
– Tự nhiên được người ta mời mà không thấy hân hạnh sao?
– Tất nhiên là không rồi. Vì anh đâu phải là bạn bè hay người thân gì của tôi đâu.
– Như cô nghĩ tôi là gì của cô vậy?
Thy Huyên đáp một cách lạnh lùng:
– Chẳng là gì của tôi cả. Tôi nghĩ từ nay anh đừng theo quấy rầy tôi nữa.
Nghĩa Nhân bật cười:
– Tôi đâu có dư thời gian để mà theo chọc cô.
Người gì đâu mà dễ ghét quá đi. Tại sao mình cứ gặp anh ta như thế này chứ! Thy Huyên đứng lên, cô gọi tính tiền:
– Tính tiền đi chị!
Chị chủ quán tươi cười:
– Khỏi đi em!
Thy Huyên ngạc nhiên:
– Em gọi dĩa cơm, chị tính tiền cho em đi chứ.
– Khỏi, đã có người trả cho em rồi.
– Ai?
Nghĩa Nhân chỉ tay vào người mình:
– Chính là tôi đây. Mạnh thường quân Nghĩa Nhân.
Thy Huyên rất đỗi ngạc nhiên:
– Anh trả tiền cho tôi ư?
– Đúng vậy.
Thy Huyên hất mặt hỏi:
– Ai cần anh phải làm thế?
– Tôi muốn làm việc nghĩa.
Thy Huyên cười nhạt:
– Anh làm từ thiện sai địa chỉ rồi. Bản thân tôi không cần chuyện ấy đâu.
Anh nên giúp đỡ người đang cần kìa.
Nghĩa Nhân nhăn nhó:
– Trời! Sao mà khó khăn đến như vậy? Tại cô chửi tôi là bất nhân nên tôi mới làm cho cô thấy đó.
Bĩu môi, Thy Huyên vặn vẹo:
– Muốn làm như thế hãy đến trại mồ côi hoặc là viện dưỡng lão mà giúp sẽ có ích hơn.
– Vậy còn cô thì sao?
– Ơ hay! Tôi còn tay còn chân thì việc gì phải nhận sự bố thí của anh.
Nghĩa Nhân bỗng ngập ngừng:
– Vậy cô cứ xem như đây là lời mời của tôi, được không?
Thy Huyên vẫn lắc đầu:
– Cảm ơn, tôi không thể nhận.
– Sao cô khó khăn đến vậy?
Nhớ đến mấy lời anh ta chế giễu mình hôm nọ, Thy Huyên càng thêm tức giận hơn:
– Kệ tôi! Yêu cầu anh từ nay hãy lánh mặt tôi.
– Nếu tôi nói không thì sao?
– Hừm! Tôi tưởng anh cũng nên có lòng tự trọng một chút nào đó chứ.
– Tất nhiên là tôi có rồi. Tại cô chưa nhìn ra đó thôi.
Quỷ tha ma bắt anh ta đi. Người gì đâu mà ăn nói như búa bổ như vậy. Thy Huyên dằn tờ bạc hai mươi ngàn lên dĩa cơm rồi nói:
– Trả lại anh đó!
Nghĩa Nhân đẩy ly nước về cô nói:
– Uống đi, đừng làm eo nữa, tôi biết cô hết giận tôi rồi mà.
Bặm môi, Thy Huyên không thèm nói một câu nào nữa, mà bỏ đi ra ngoài.
– Giận sao Thy Huyên!
Cô nguýt dài rồi bỏ đi luôn. Đúng là oan gia ác nghiệt mà.
Buổi tối, Thy Huyên cùng Bảo Ngọc rong ruổi trên đường phố. Ngọc bảo với Thy Huyên:
– Phải công nhận thành phố mình là đẹp nhất.
Thy Huyên thẫn thờ gật đầu:
– Đêm về đèn điện sáng trưng, đủ loại màu sắc của những người đi qua đi lại.
Bảo Ngọc với nét mặt rạng rỡ nói:
– Từng đôi tình nhân đèo nhau nào xe đạp, xe điện, xe máy, xe du lịch mui trần thật hạnh phúc, vui nhỉ.
Thy Huyên chợt quay lại hỏi bạn một câu:
– Còn tụi mình thì sao?
– Cô đơn, chán chường.
– Như vậy cũng có thú vui của của nó. Chẳng phải tụi mình đang vui hay sao?
Bảo Ngọc gật đầu, nhưng cô cảm thấy có gì đó rất xót xa:
– Đành là thế, nhưng lòng mình dường như trống trải lắm mi ạ!
– Mi đừng nói với ta là mi đang nhớ một người nhé!
Bảo Ngọc gật đầu thú nhận:
– Chín mươi chín phẩy chín phần trăm là đúng.
Thy Huyên bật cười:
– Vậy còn không phẩy một là gì?
Ngọc cười:
– Là còn phân vân đó.
– Xì! Bày đặt nói thế nữa. Vậy thì mau điện về đi.
Bảo Ngọc lắc đầu:
– Thôi, để ảnh tập trung vào học. Mình không muốn phá rối anh tội nghiệp.
Thy Huyên lườm bạn:
– Vậy còn biết làm sao?
Bảo Ngọc cười tủm tỉm rồi đưa chiếc điện thoại di động bật nắp cho bạn rồi nói:
– Mi xem đi.
Thy Huyên ngạc nhiên:
– Sao đưa ta làm gì?
Cô cười:
– Thì mở ra xem đi.
Thy Huyên làm theo ý bạn, rồi cô kêu lên:
– Ôi! Thì ra là vậy?
– Thấy chưa, tụi mình đâu có xa nhau.
Thy Huyên nói:
– Mi hạnh phúc như vậy còn nói gì nữa.
– Bộ mi thua ta sao?
– Không thua mà được à? Chẳng phải đến giờ này ta vẫn còn cô đơn là gì?
Lườm bạn một cái, Bảo Ngọc bảo:
– Tại mi đó thôi, tội cho anh Quân thấy mồ.
Giọng Thy Huyên bỗng trầm xuống:
– Biết làm sao bây giờ. Ai bảo con tim của ta không rung động được trước anh ấy.
Bảo Ngọc kể:
– Anh Quân yêu mi thật lòng đó. Mi làm anh ấy đau lòng lắm.
– Chịu thôi mi ạ!
Bảo Ngọc khuyên:
– Hay mi thử yêu một lần xem sao. Hãy thử đi!
Thy Huyên từ chối:
– Tình yêu không thể miễn cưỡng được đâu mi ạ. Ta không thể làm khổ anh Quân và khổ luôn chính mình.
Bảo Ngọc cằn nhằn:
– Điều kiện của anh Quân rất tốt. Con một, nhà giàu lại có nghề nghiệp ổn định nữa.
Nghe bạn trách, Thy Huyên cảm thấy chạnh lòng, nhưng cô vẫn nói:
– Tại mi không ở vào hoàn cảnh của mình nên nói vậy thôi.
Bảo Ngọc tò mò hỏi:
– Nói như vậy là con tim của mi đang giấu kín một hình bóng nào đó, đúng không?
Thy Huyên nói đùa:
– Chắc là vậy.
Bảo Ngọc lại rủ:
– Bỏ qua chuyện ấy đi, tụi mình vào quán ăn chè rồi về.
Thy Huyên đồng ý ngay:
– Nãy giờ mới nghe một câu vừa ý.
Bảo Ngọc phân vân:
– Phải chi bảo mi yêu Quân mà gật đầu nhanh như vậy thì tốt quá.
– Thôi, có vào không thì nói?
Bảo Ngọc sợ bạn thay đổi nên nhanh nhẩu nói:
– Tất nhiên là đi rồi!
– Vậy thì lên xe.
Bảo Ngọc nhắc nhở:
– Nhớ đến quán nào quen nha!
– Giở trò gì nữa đây?
Bảo Ngọc che miệng cười:
– Có gì đâu, mình muốn tìm lại dư âm ngày ấy.
Thy Huyên hỏi:
– Nơi nào thường xảy ra lãng mạn thì đến hả?
Bảo Ngọc đánh nhẹ vào lưng bạn:
– Cũng đúng!
Hai người vào quán, chưa kịp ngồi thì Sĩ Đạt đã bước tới:
– Mời Thy Huyên và cô bạn sang cùng bàn cho vui.
Thy Huyên tươi cười nói:
– Chẳng biết ai hên ai xui đây, anh Đạt?
Đạt cười bí ẩn:
– Cứ cho là anh xui đi.
Bảo Ngọc hỏi bạn:
– Tính sao đây mi?
Thy Huyên cắn môi:
– Thôi thì hiếm khi mình gặp dịp may, hãy để anh ấy có thành ý một lần xem sao?
Bảo Ngọc do dự:
– Liệu có nên không mi?
Thy Huyên nói:
– Không sao, ông chủ mình tốt bụng lắm.
– Mi không thấy lạ à?
– Là điều gì?
Ngọc nói nhỏ vào tai bạn:
– Sao đi cô đơn một mình. Người yêu anh ta đâu.
Nhún vai, Thy Huyên lắc đầu:
– Biết chết liền.
Rồi cô quay sang Sĩ Đạt, hỏi:
– Cẩm Tú đâu, sao anh đi sô lô vậy?
Sĩ Đạt cười cười:
– Ít ra thì mình cũng phải có thời gian riêng tư một chút chứ?
Thy Huyên cười tủm tỉm:
– Vậy à!
Sĩ Đạt mời hai cô ngồi, rồi nói:
– Chúng ta ăn chè nhé!
Sĩ Đạt gọi bốn ly chè, Thy Huyên thấy lạ hỏi:
– À, thì ra anh đùa với tụi em phải không? Chị Cẩm Tú đâu?
Nghĩa Nhân bước ra, anh lên tiếng:
– Không có Cẩm Tú, mà có anh được không?
Nụ cười vụt tắt trên môi, Thy Huyên nhìn Sĩ Đạt, trách:
– Sao anh không nói với em?
Sĩ Đạt vờ ngạc nhiên:
– Nói điều gì?
Hất mặt về phía Nghĩa Nhân, cô nói:
– Về việc có mặt “Bất Nhân”.
Sĩ Đạt bật cười:
– Sao em gọi thế?
Thy Huyên bặm môi:
– Kệ em! Anh mau trả lời em đi.
Sĩ Đạt gãi gãi đầu:
– Thì ... là ... mà ...
Thy Huyên làm mặt giận:
– Anh mà không giải thích cho rõ thì em sẽ đi đấy.
Cô dợm đứng lên thì Nghĩa Nhân lại nói:
– Tất cả là lỗi ở tôi, Sĩ Đạt không biết gì đâu.
Thy Huyên nhìn Nghĩa Nhân không chút thiện cảm, nói:
– Với anh, tôi đâu thèm giận làm gì cho mệt. Tụi mình đi thôi, Bảo Ngọc.
Bảo Ngọc thì cười tủm tỉm nói:
– Có thêm bạn là bớt kẻ thù thì tại sao mi không chịu thực hiện chứ?
Thy Huyên nhìn bạn ngạc nhiên:
– Ơ hay! Mi sao thế hả?
Bảo Ngọc cười:
– Có gì đâu. Nhưng mà có thêm bạn là nhân lên niềm vui, đúng không?
Thy Huyên tức muốn no bụng luôn khi thấy Nghĩa Nhân nhìn cô cười như chế giễu:
– Vậy mới phải chứ.
Sĩ Đạt cũng nói:
– Thôi! Ăn chè đi, kẻo tan đá thì sẽ hết ngon đấy.
Nghĩa Nhân đẩy ly về phía hai cô:
– Xin được hân hạnh mời!
Thy Huyên quay mặt đi chỗ khác, cô nói như trách bạn:
– Mi ăn luôn hai ly cho đủ tình nghĩa.
Bảo Ngọc kêu lên:
– Ôi! Mi định hại bạn thật sao?
– Thì bớt thù thêm bạn mà. Ăn đi để thấu tình đạt lý.
Bảo Ngọc đưa ly chè cho bạn:
– Hai anh có nhã ý mời thì mi cũng nên tự nhiên đi. Khách sáo làm gì chứ.
Nghĩa Nhân lại cười hì hì:
– Lại là Bảo Ngọc, lúc nào cũng hiểu lý lẽ hơn ai hết.
Biết anh ta cố ý chọc mình nên Thy Huyên làm mặt tỉnh nói:
– Bởi vì nó chưa hiểu kẻ đối diện với mình là người như thế nào đó thôi. Nếu hiểu, chắc chắn nó sẽ chạy luôn.
Nghĩa Nhân cười khì:
– Lý lẽ của cô nó bị bóp méo như vậy sao? Thật ra, tôi cũng không hiểu tại sao cô lại có ý nghĩ xấu về tôi như vậy.
Thy Huyên lừ mắt nhìn Nghĩa Nhân. Cô trề môi:
– Chứ anh có tốt đẹp gì mà bảo tôi không nghĩ thế.
– Trời! Tôi xấu lắm sao?
Thy Huyên nói một cách nghiêm túc:
– Muốn biết chính xác thì anh nên về rọi kiếng mà xem.
Nghĩa Nhân cười cười:
– Không! Thường ngày tôi vẫn soi thấy mình cũng không đến nỗi nào tệ.
Mọi người cùng cười. Câu chuyện bị ngắt đoạn bởi chiếc di động thuộc loại xịn của Nghĩa Nhân nó réo gọi. Anh xin phép ra ngoài để nghe. Thy Huyên nắm tay Bảo Ngọc kéo đứng lên, cô xin phép Sĩ Đạt về trước. Gần mười giờ đêm.
Bà Kiều ngước nhìn con trai như chờ đợi. Bà rất muốn nghe sự trả lời chính xác của cậu quý tử nhà mình:
– Chừng nào con mới có ý định đưa bạn gái về giới thiệu với mẹ đây?
Nghĩa Nhân gãi gãi đầu, có ý trì hoãn:
– Từ từ đi mẹ, mọi chuyện rồi đâu sẽ vào đấy mà thôi.
Bà nghiêm khắc hỏi con:
– Từ từ là chừng nào?
Anh cười vuốt ve, nịnh nọt bà:
– Vài tháng nữa nghe mẹ.
– Vài tháng là bao nhiêu, năm tháng, mười tháng hay là ba mươi tháng. Mẹ cần sự rõ ràng.
Nghĩa Nhân cười cười hì hì rồi ôm cánh tay bà, mân mê:
– Đừng giận con mà mẹ. Nhất định rồi con sẽ đưa cô ấy về đây để mẹ ngắm thôi.
Bà Kiều thở dài:
– Mẹ già rồi, muốn có cháu ẵm bồng với người ta.
Nghĩa Nhân nói để bà vui lòng:
– Trời! Con sẽ cho mẹ một bầy cháu đủ chục. Lúc ấy con chỉ sợ mẹ than thở mà thôi.
Bà Kiều lừ mắt nhìn cậu quý tử rồi bảo:
– Có thì mới nói nghe, đừng có để tôi mừng hụt đó.
Nghĩa Nhân gật đầu chắc nịch:
– Nhất định rồi mẹ.
Bà Kiều nói dứt khoát:
– Mẹ cho con năm tháng nữa thôi, không hơn nữa đâu.
Nghĩa Nhân cười toe toét:
– Được rồi! Năm tháng nữa nghe mẹ.
Bà Kiều đổi giọng:
– Vào chuẩn bị đưa mẹ đi công chuyện một chút.
Dù không muốn, Nghĩa Nhân cũng phải gật đầu:
– Một buổi thôi nha mẹ. Con còn có cuộc họp nữa.
Bà gật đầu:
– Nhanh thôi!
Nghĩa Nhân vào thay áo quần thì điện thoại của anh reo:
– Alô! Nhân nghe nè.
Bên kia đầu máy, Sĩ Đạt nói:
– Tối nay có rảnh không?
– Chi vậy?
– Thì có việc cần đó.
– Gì thì nói đi.
Sĩ Đạt nói khẽ:
– Hai cô ấy đang có tiết mục. Nếu có hứng thú, tối đến điểm hẹn thì sẽ biết.
– Vậy à!
– Đi không thì nói.
Nghĩa Nhân do dự:
– Căng quá đây, mình đang bận trực mà.
Sĩ Đạt nói:
– Vậy thì thôi.
– Í, đâu có được. Mình không thể bỏ qua dịp may hiếm có này được. Uổng lắm!
Sĩ Đạt hỏi:
– Vậy còn chuyện trực?
– Thì đến trễ thôi.
Sĩ Đạt chọc bạn:
– Rủi xảy ra chuyện gì thì sao?
– Chẳng lẽ xui dữ vậy sao?
Sĩ Đạt giục:
– Vậy thì mau chuẩn bị đi là vừa.
Nghĩa Nhân xem đồng hồ rồi nói:
– Bây giờ mà tới còn sớm mà lo gì.
Sĩ Đạt cười hì hì:
– Cậu lo thì có, mắc mớ gì mà mình phải lo.
Nghĩa Nhân chợt hỏi:
– Mà nè! Cậu không có tình ý gì với cô ấy chứ?
Sĩ Đạt cười cười:
– Cô ấy là ai?
– Là ai, cậu không biết thật à?
Sĩ Đạt gật đầu:
– Bạn gái vây quanh mình nhiều, làm sao mà biết cậu muốn đề cập đến ai.
Nghĩa Nhân bảo:
– Là Thy Huyên đó.
Sĩ Đạt cười to:
– Thôi, cúp máy nhé!
Nghĩa Nhân dọa:
– Được. Tối nay buộc cậu phải nói thật thôi!
Cúp máy bỏ vào túi, Nghĩa Nhân vừa đi vừa huýt sáo. Vừa bước xuống bậc thang cuối cùng đã bị bà Kiều trách:
– Nói chuyện điện thoại muốn cháy máy mà vẫn chưa chịu ngừng hả?
Nghĩa Nhân biết mẹ mình sắp nổi giận nên cố nói:
– Sĩ Đạt đó mẹ ơi! Đi được chưa mẹ?
Bà Kiều xua tay:
– Tất nhiên là được rồi. Bộ còn sớm lắm à.
Nghĩa Nhân ôm vai bà:
– Vậy thì đi mẹ.
Nghĩa Nhân vừa đưa mẹ về xong là anh vội vàng đến phòng trực ngay. Bác sĩ Lan Hương gặp anh, mỉm cười nói:
– Hôm nay đến đúng giờ vậy ta? Chắc là hôm qua không có đi chơi à?
Nghĩa Nhân cũng cười trả lại:
– Khuya nữa là đằng khác.
Cô mở to mắt nhìn anh:
– Đi chơi đến khuya ư?
Nghĩa Nhân từ lâu biết Lan Hương có tình ý với mình. Nhưng anh cố tình né tránh:
– Đi với thằng bạn thôi. À, hôm nay có ca bệnh nào khó khăn không, Lan Hương?
Lan Hương vẫn để tâm đến chuyện khác:
– Có cô gái xinh đẹp vừa nhập viện đấy. Anh có hứng thú không?
Nghĩa Nhân xua tay:
– Mấy chuyện ấy anh đâu có quan tâm. Họ bệnh là mình phải cố tâm chữa trị thôi.
Nhật là y tá bước ra:
– Bác sĩ Nghĩa Nhân, giám đốc muốn gặp anh đấy.
Lan Hương hỏi Nhật:
_ – Giám đốc cần gặp bác sĩ Nhân có chuyện gì?
Nhật lắc đầu:
– Dạ, chuyện này tôi không rõ lắm!
Nghĩa Nhân đi đến phòng giám đốc. Nhật hỏi Lan Hương:
– Trưa nay, em định đi ăn ở đâu vậy?
Lan Hương đáp rất lạnh lùng:
– Ở nhà.
– Vậy mà anh định rủ em đi ăn trưa.
Lan Hương lắc đầu:
– Xin lỗi, tôi không đi được. Anh đi một mình nhé!
Nhật dù có buồn trong lòng nhưng anh gượng cười, nói:
– Vậy cũng được.
Không được làm sao, dù biết rằng cô sẽ từ chối, nhưng anh vẫn rủ. Bởi anh đã yêu thầm cô rồi. Hai người đang nói chuyện Nghĩa Nhân bước ra, vẻ mặt anh thật là khó coi. Nhật cảm thấy ngần ngại nên rút lui. Lan Hương hỏi:
– Anh làm sao vậy?
– Có sao đâu.
Lan Hương cho hai tay vào chiếc túi áo blouse trắng, hơi nhún vai nói:
– Dường như anh kém vui.
Anh gượng cười:
– Tôi không sao.
Rồi anh bỏ vào phòng mình. Lan Hương bước theo:
– Có phải cha em đã nói chuyện gì với anh, đúng không?
– Em nghĩ giám đốc đã nói chuyện gì?
Lan Hương lắc đầu:
– Em không biết.
Nghĩa Nhân tần ngần nhìn cô:
– Điều này có lẽ em hiểu rõ hơn anh mà.
Lan Hương vênh mặt:
– Anh nói mới lạ, em làm sao mà biết được chứ?
Sợ cô lại chạy đi gặp giám đốc nên anh xua tay:
– Thôi đi, em không cần phải tìm hiểu làm gì đâu.
– Nhưng em muốn biết tại sao cha em lại đối xử với anh như vậy.
– Đây là điều bình thường thôi mà.
Lan Hương vẫn chưa thể chấp nhận lối trả lời của anh nên nói:
– Em thật sự không hiểu nổi anh.
Nghĩa Nhân cười cười:
– Chính anh còn không hiểu nổi mình nữa là.
Cả hai cùng cười. Lan Hương khoát tay rồi vội bỏ đi. Còn Nghĩa Nhân thì đi về các phòng để khám bệnh.
Mọi người ồ lên một tiếng khi thấy Thy Huyên xuất hiện. Cô mặc bộ vest màu đỏ chất liệu taffeta sáng bóng. Áo vest kiểu cài một nút, váy cùng bộ kiểu suôn trông cô thật là thanh lịch. Ánh Lan chọn lấy một xắc tay phù hợp với kiểu áo của Thy Huyên đưa cho cô rồi nói:
– Thêm cái này nữa mới đủ bộ của người ta.
Mọi người nhao nhao:
– Ôi, đẹp quá!
– Lộng lẫy ghê chưa?
– Ai mà không lé mắt.
– Ê! Tôi thấy mắt “bà” có lé đâu mà nói.
Mọi người cười cái rần. Thy Huyên giơ tay ra hiệu:
– Mình vẫn bình thường mà. Các bạn đừng làm mình mắc cỡ chứ.
Một cô bạn đứng ra trước mặt Thy Huyên, hỏi đùa:
– Huyên à! Ra tiệm nói làm sao mà mua được bộ đồ như thế?
Cô bạn khác lại chế giễu:
– Đâu phải ai cũng mặc đẹp thế đâu. Còn mi nữa, người tròn như hột mít làm sao mặc đẹp như thế được.
Lại một trận cười. Thy Huyên ra hiệu:
– Mọi người trật tự. Hôm nay tôi sẽ cùng anh Đạt đi công chuyện đó thôi.
Có tiếng xì xầm:
– Vậy có nên không?
– Cẩm Tú xuống mặt rồi kìa.
– Ai biểu không giỏi như người ta thì chịu thôi.
– Nói nhỏ thôi, coi chừng “bà ấy” nghe được thì uống nước lã đó.
– Hừ! Sự thật là vậy mà.
Cẩm Tú bước vào, thấy Thy Huyên rực rỡ như vậy, cô cũng cảm thấy ngạc nhiên. Liền hỏi nhỏ Liễu:
– Ê Liễu! Cô ta làm gì mà ăn mặc đẹp thế?
Liễu hất mặt mai mỉa:
– Cô ta và Sĩ Đạt chuẩn bị đi đâu đó.
Cẩm Tú ngạc nhiên, cô mở to mắt nhìn bạn:
– Đi mà đi đâu?
Liễu nhăn mặt:
– Ôi! Chuyện ấy mình đâu có biết. Muốn biết, mi hỏi cô ấy thì biết chứ gì.
Cẩm Tú ngoa ngoắt nói:
– Làm gì mà ta phải hỏi cô ta chứ.
Liễu khích lệ:
– À! Mi cứ gọi Sĩ Đạt hỏi sẽ biết thôi.
Cẩm Tú nổi giận nói:
– Làm gì mình phải hỏi cô ta. Không xứng đâu!
Mọi người đã tản ra làm việc, Thy Huyên cũng vào việc của mình. Cô chọn những chiếc xắc tay nổi bật nhất trưng bày ra tủ kính. Sĩ Đạt vừa cho xe dừng lại, anh chưa kịp bước lên khỏi bậc thang cuối cùng thì đã bị Cẩm Tú ngăn lại:
– Em muốn nói chuyện với anh.
Sĩ Đạt từ chối:
– Có chuyện gì tối hẵng nói. Bây giờ anh đang bận.
Cẩm Tú vẫn đứng chắn ngang lối đi của anh:
– Em không chịu.
Sĩ Đạt vẫn nhẹ nhàng:
– Anh đang có việc.
Cẩm Tú gay gắt hỏi:
– Việc gì mà giờ này anh mới tới chứ.
– Ừ thì anh còn phải sắp xếp chuyện nhà.
Cẩm Tú cảm thấy sự hờn dỗi dâng lên trong lòng:
– Có phải anh có việc gì phải làm hay không?
– Em biết rồi sao còn hỏi anh.
Cô nói gọn:
– Em đi với anh.
Sĩ Đạt lắc đầu từ chối:
– Không cần đâu, chuyện này em sẽ không giúp gì được cho anh đâu.
Cô nói lẫy:
– Phải vậy không, em thì không giúp được anh, còn nó thì có à?
Sĩ Đạt chau mày:
– Nó nào vậy?
Cẩm Tú nói to:
– Là Thy Huyên đó.
Sĩ Đạt cảm thấy khó chịu nói:
– Em nói gì kỳ thế?
– Có gì đâu mà kỳ, em nói gì anh hiểu mà.
Sĩ Đạt lắc đầu:
– Anh không hiểu gì cả.
Cô giận dỗi nói:
– Trước đây anh đi đâu cũng bảo em đi cùng. Còn bây giờ thì sao đây?
Sĩ Đạt phân minh:
– Em sao vậy? Anh và Thy Huyên chỉ đi có chút việc thôi mà.
– Mà là việc gì?
Sĩ Đạt vẫn không thể nói ra. Anh bảo:
– Có những chuyện anh đâu cần nói với em, em có hiểu hay không?
Cẩm Tú mở to mắt nhìn anh:
– Vậy sao? Anh làm cho em khó nghĩ quá. Chỉ vì có mặt của cô ta ở nơi này mà anh có thể đối xử với em như vậy đó sao?
Sĩ Đạt nhìn Cẩm Tú như trách:
– Em thật chẳng chịu hiểu gì cả. Anh mong em hãy nên cởi mở một chút đi.
Cô bật cười:
– Cởi mở ư? Anh bảo em phải như thế nào đây chứ?
Sĩ Đạt gợi ý:
– Em hãy như trước đây vui vẻ và hòa nhã với mọi người là được rồi.
Cẩm Tú vẫn phang ngang:
– Em sao mà anh bảo em phải như thế chứ?
– Em thay đổi một cách chóng vánh đó Cẩm Tú.
Cẩm Tú ấm ức nói:
– Người thay đổi chính là anh đó.
Sĩ Đạt ngạc nhiên:
– Anh thay đổi ư?
Cẩm Tú nói ngay:
– Từ lúc cô ta xuất hiện, anh chẳng xem em ra gì cả.
Sĩ Đạt nhăn nhó:
– Em nói gì kỳ vậy. Anh ...
Cẩm Tú xua tay:
– Anh khỏi cần phải giải thích. Em hiểu cả rồi.
Sĩ Đạt thở dài, anh nói:
– Thy Huyên là người đã giúp anh trong vấn đề tạo mẫu. Đáng lý ra em phải nên mừng cho anh mới phải chứ.
Cẩm Tú bật cười:
– Có phải em phải vỗ tay khen cô ta thì anh mới hài lòng phải không?
Biết nói chuyện với cô một hồi thì sẽ có chuyện cho nên Sĩ Đạt xua tay:
– Thôi, anh bận chuyện. Em vào làm công việc của mình đi.
Cẩm Tú dùng dằng bỏ đi. Thy Huyên bước ra:
– Hay anh cứ để cô ấy đi với anh cũng được.
Sĩ Đạt biết cô đã nghe hết mọi chuyện nên nói:
– Em đừng để ý đến lời của cô ấy. Chúng ta đi thôi.
Thy Huyên còn do dự:
– Em nói thật đó! Dự tiệc thôi mà, chị ấy đi cũng được.
Sĩ Đạt từ chối:
– Như vậy sao được? Em là người mà khách hàng đang chờ.
Thy Huyên liền nói:
– Thì anh cứ bảo Cẩm Tú cũng là người rất quan trọng.
Sĩ Đạt năn nỉ:
– Thôi đi Thy Huyên, anh rất cần sự có mặt của em đấy.
– Nhưng chị ấy không vui kìa.
– Mặc cô ta đi, chúng ta vì công việc làm ăn là chính.
– Em ngại quá!
Sĩ Đạt trấn an:
– Không có gì em phải ngại cả. Mọi chuyện rồi sẽ qua thôi. Em hãy vì anh làm một chuyện được không?
Thật tình là Thy Huyên không muốn có thành kiến với Cẩm Tú chút nào. Cô chỉ muốn mọi người cùng vui cả.
– Em giúp anh lần này thôi nhé! Mai mốt, anh tự đi với chị ấy đấy.
Sĩ Đạt nói như than:
– Em biết cả rồi còn làm khó anh làm chi. Thật ra thì Cẩm Tú đâu biết làm gì ngoài việc cô ấy đang làm đâu.
– Thì anh có thể chỉ bảo chị ấy mà.
Sĩ Đạt cười khì:
– Chỉ bảo mà được sao? Như em đó, ai chỉ em mà có làm được đấy.
Thy Huyên đáp lí nhí:
– Em thì khác rồi.
– Khác ở chỗ nào?
– Là lính của anh hẳn hoi.
Sĩ Đạt phải phì cười trước câu nói của cô:
– Cẩm Tú cũng thế thôi.
– Sao là vậy được. Chị ấy là người cận tim với anh đó.
Sĩ Đạt bật cười lớn:
– Thôi đi anh không dám bàn chuyện ấy đâu.
Thy Huyên bước ra ngoài, Sĩ Đạt bước theo trước ánh mắt giận dữ của Cẩm Tú.
Thy Huyên thật lòng không muốn gặp anh ta bao giờ. Vậy mà ... cô vẫn cứ gặp. Cô định quay lưng thì đã nghe tiếng anh ta:
– Làm gì mà lánh mặt tôi vậy, Thy Huyên?
Thy Huyên hất mặt bảo:
– Biết người ta không ưa rồi mà còn hỏi.
Dũng, người bạn đi cùng Nghĩa Nhân thấy lạ, hỏi:
– Người quen sao Nhân?
Nghĩa Nhân cười cười:
– Thì quen.
Dũng giục:
– Vậy thì mau giới thiệu cho tụi mình làm quen đi.
Thy Huyên quay mặt đi. Nghĩa Nhân cố tình nói to để chọc tức cô:
– À, đây là Thy Huyên, nhà thiết kế thời thượng đấy.
Dũng ngạc nhiên hỏi lại:
– Cậu nói cái gì. Cô ấy ...
– Ừ, nhà thiết kế giỏ đựng trầu của mấy bà già đó.
Dũng kêu lên:
– Trời đất! Thật vậy sao?
Thy Huyên nổi giận thật sự, cô liền trả đũa, nói với Dũng:
– Tôi thật đáng tiếc, người đẹp trai như anh mà kết bạn với một người mắt lé, đầu óc lại không được bình thường.
Dũng tròn mắt nhìn Thy Huyên trân trân:
– Sao cô lại nói với bạn tôi như vậy?
Thy Huyên hỏi lại:
– Bộ anh không nhận ra điều ấy à? Thật đáng tiếc cho anh.
Dũng hơi chột dạ:
– Sao cô có thể nói với bạn tôi như vậy?
– Tôi nói không đúng à?
Dũng đính chính:
– Tôi không thấy những cái mà cô vừa nói ở bạn tôi.
Nghĩa Nhân nheo nheo mắt nhìn cô:
– Không có cách gì để gỡ nên nói đại vậy sao?
Thy Huyên quay phắt, cô đặt chiếc xắc tay vào tay Dũng hỏi to:
– Anh hãy cho tôi biết đây là cái gì?
Dũng ngơ ngác chưa biết gì cả liền nói:
– Là xắc tay của phụ nữ.
Thy Huyên gằn từng tiếng:
– Anh thử nhận xét xem nó như thế nào?
Lật qua lật lại xem xét một lúc, Dũng gật gù nói:
– Đẹp. Rất lịch sự và quý phái cho các cô gái sành điệu khi chọn nó.
Thy Huyên vỗ tay rồi hất mặt về phía Nghĩa Nhân, nói:
– Đó, anh đã nghe kỹ hay chưa? Đây là người thông minh biết nhận xét một cách tinh tường đấy.
Không kịp để hai người phản ứng, Thy Huyên giật lấy xắc tay trên tay Dũng rồi nói tiếp:
– Cảm ơn anh đã có lời nhận xét tinh tường giúp tôi.
Rồi cô bỏ đi một nước. Mặt của Nghĩa Nhân nhăn như khỉ ăn ớt, anh trách bạn:
– Cậu bán đứng tôi rồi.
Dũng ngẩn tò te, anh đâu hiểu được gì:
– Chuyện là thế nào chứ?
Nghĩa Nhân cằn nhằn:
– Còn thế nào nữa, cậu làm cho mình phải ê mặt với cô ta rồi.
Dũng gật đầu:
– Ê, cũng phải, vì cô ấy quá đẹp.
– Cái gì?
Dũng lặp lại:
– Cô ấy đẹp nên chảnh cũng phải.
Lừ mắt nhìn bạn, Nghĩa Nhân tức muốn lộn ruột lên mà vẫn không làm sao có thể làm cho bạn hiểu ngay được:
– Vậy mà cô ta bảo cậu là thông minh mới là kỳ.
Dũng vẫn chưa hiểu gì nên nói:
– Cua gái theo kiểu của cậu bị mắng là phải lắm.
Nghĩa Nhân trợn mắt nhìn bạn anh hỏi:
– Ai nói với cậu là mình muốn cua cô ta chứ?
– Ủa! Chứ không phải vậy sao?
– Nhất định là không rồi.
Dũng cười hì hì:
– Vậy thì may quá!
Đến lượt Nghĩa Nhân ngạc nhiên:
– May cái gì cơ?
– Cậu có thấy cô ấy đẹp lắm không?
– Hoa đẹp thường có gai, cô ấy dữ vậy cậu không thấy à?
Dũng lơ mơ nói:
– Dữ cũng phải, ai lại tỏ tình kỳ thế.
Nghĩa Nhân vỗ mạnh lên vai bạn, anh cảnh báo:
– Này, cậu nên tỉnh lại một chút đi. Ai tỏ tình với cô ta chứ?
– Nếu không cậu thì là mình chứ còn ai nữa. Mình bị tiếng sét ấy đánh ngang tai rồi.
Nghĩa Nhân giậm chân đùng đùng, anh nói như hét vào tai bạn:
– Cậu làm ơn đi Dũng, cậu làm ơn tỉnh lại giùm mình đi.
Dũng cười hì hì:
– Thì mình vẫn tỉnh táo đây nè. Có điều cô ấy rất xinh xắn.
Nghĩa Nhân phàn nàn:
– Thấy ghét! Phải lúc nãy mình không rủ cậu cùng đi là được rồi.
Dũng chợt chỉ tay về phía Nghĩa Nhân:
– Ê! Lúc nãy cậu nói là cậu không có tỏ tình với Thy Huyên đó.
– Được rồi, thì ta không có. Nhưng cậu cũng nên tỉnh lại đi.
Dũng xua tay:
– Thì mình cũng đang tỉnh đây mà. Cậu làm sao vậy?
– Có cậu làm sao thì có. Thấy con gái người ta là con mắt mở hết lên rồi.
Dũng cười hề hề:
– Chẳng lẽ cậu không có.
– Dĩ nhiên rồi.
Dũng lại hỏi:
– Cô ta con cái nhà ai, hiện công tác ở đâu?
Nghĩa Nhân lắc đầu:
– Ta chịu thôi.
– Trời đất! Muốn quen người ta mà nhà ở đâu, cô ta tên gì, cậu cũng không biết nữa là sao?
Nghĩa Nhân lẩm bẩm:
– Quen hồi nào chứ?
Dũng cũng thấy lạ lẫm nói:
– Không quen, không tỏ tình mà cứ lẽo đẽo theo người ta mãi thế.
– Trời đất! Cậu nói gì mà khó nghe đến như vậy?
– Chứ không phải à.
Nghĩa Nhân định nói gì đó nhưng điện thoại của anh có tín hiệu. Anh mở máy ra nghe:
– Alô! Nghĩa Nhân nghe đây.
– Có đúng anh không?
– Tất nhiên rồi.
– Gặp em, anh không mừng à?
– Cô là ai?
– Hả! Mới đó mà anh đã quên em rồi hay sao?
Nghĩa Nhân hơi gắt:
– Thì phải nói là ai tôi mới biết.
– Hả! Còn xưng tôi với em nữa kìa! Vậy là anh quên em thật rồi!
Nghĩa Nhân thở dài:
– Xin lỗi, tôi không có thời gian để nghe cô tán gẫu đâu.
– Nếu anh đã quên em thật sự, quên cả xứ đầy tuyết rơi này thì đành thôi vậy.
Nghĩa Nhân kêu lên:
– Ôi, Trinh! Em đó sao?
Ngọc Trinh giận dỗi:
– Anh tưởng là ai chứ?
– Anh xin lỗi, giọng em nay khác đi nhiều quá!
Dũng xen vào:
– Ai nữa vậy mày?
Nghĩa Nhân nheo nheo mắt ra hiệu rồi nói với Ngọc Trinh:
– Em có khỏe không?
Ngọc Trinh phụng phịu:
– Không khỏe là vì lo nhớ anh đấy. Nhưng không ngờ là anh có thể quên em như vậy.
Nghĩa Nhân cười cầu hòa:
– Làm gì có chuyện quên em được chứ.
– Thật không?
– Tất nhiên rồi.
Dũng lại xen vào:
– Coi chừng cháy máy đó.
– Ai vậy anh?
Nghĩa Nhân đưa nắm đấm dứ dứ trước mặt Dũng:
– Thằng bạn của anh đấy. Thôi nghe, khi nào rảnh anh sẽ điện cho em.
– Anh hứa đó.
– Tất nhiên rồi.
– Em nhớ anh lắm!
Dũng giành nói:
– Anh cũng vậy, anh nhớ em ghê lắm. Mai mốt, anh sẽ đến thăm em.
Dũng cúp máy. Nghĩa Nhân kêu lên inh ỏi:
– Trời đất! Cậu dám ...
Dũng cười khà:
– Chắp cánh cho cậu đó thôi.
Nghĩa Nhân lắc đầu chào thua cái tính bông đùa của người bạn nối khố của mình.
Gần đến giờ nghỉ cuối ngày, Sĩ Đạt hỏi Thy Huyên:
– Ngày mai được nghỉ, em có ý định đi chơi đâu không?
Thy Huyên cười cười:
– Em cũng chưa biết. Nhưng có lẽ nên ở nhà ngủ một giấc cho no con mắt, anh ạ!
Sĩ Đạt cũng bật cười:
– Ai lại nói thế, bộ em luôn mất ngủ sao?
– Tất nhiên rồi! Em thức khuya lắm, em đâu sung sướng như anh nghĩ đâu.
Sĩ Đạt xua tay:
– Đừng nói oan cho anh, anh nào có nghĩ em như thế! Thôi được, để tháng sau anh nâng lương cho nhé!
Thy Huyên cười tủm tỉm:
– Em không có ý đó đâu.
Sĩ Đạt lại nói:
– Bộ em ghét Nghĩa Nhân lắm hay sao, Thy Huyên?
Thy Huyên đang vui, nghe anh nhắc đến tên con người đáng ghét ấy thì nụ cười vụt tắt:
– Em không muốn nhắc đến anh ta đâu.
Sĩ Đạt vội vàng nói:
– Anh xin lỗi! Nhưng anh biết tính của nó, khôi hài lắm, lại thích chọc tức người khác.
– Anh nói với em chuyện ấy làm gì?
Sĩ Đạt gãi gãi đầu nói:
– Nó vậy chứ hiền và tốt bụng lắm em ạ!
Thy Huyên phán một câu:
– Em đâu nói bạn anh tốt hay xấu, chỉ tại em không ưa vậy thôi hà.
Sĩ Đạt vẫn nói:
– Em chịu khó tìm hiểu thêm về nó một chút là em sẽ hiểu nó thôi.
Thy Huyên nhìn Sĩ Đạt nghi ngờ:
– Nhưng tại sao anh cứ lại nói tốt anh ta trước mặt em như thế?
– À thì ... bởi ... vì anh không muốn em hiểu lầm về nó thôi.
Thy Huyên hỏi:
– Anh không muốn em hiểu sai về anh ta chứ gì?
– Em hiểu rồi à?
– Dễ thôi mà anh.
Sĩ Đạt mừng ra mặt:
– Em không giận nó chứ?
Thy Huyên cố nén ấm ức vào lòng và cũng cố gắng lắm mới nói được câu:
– Vậy thì anh nên khuyên bạn của anh nên tránh mặt em và đừng gây phiền cho em là được rồi.
Sĩ Đạt lúng túng:
– Nhưng mà ... nhưng mà ...
Thy Huyên nhìn cử chỉ của anh, cảm thấy nó buồn cười, nhưng cô vẫn nghiêm nghị:
– Thật lòng em không thích gì cái tính của bạn anh đâu.
Sĩ Đạt đành nói:
– Vậy thôi, em hãy coi anh chưa nói gì cả nhé!
Nhìn thái độ của Sĩ Đạt hôm nay rất là lạ. Nhưng Thy Huyên vẫn vờ như không biết gì:
– Hai người định đi chơi ở đâu đây?
Sĩ Đạt ngớ ngẩn hỏi:
– Ai?
Thy Huyên nhìn anh cười cười:
– Thì anh và chị Cẩm Tú đó.
Sĩ Đạt thở dài:
– Anh vẫn chưa có dự định đi đâu. Em cũng thấy rồi, anh và cô ấy không hợp nhau.
Thy Huyên động viên:
– Anh nên chiều chị ấy một chút là được thôi.
Sĩ Đạt nhăn mặt:
– Chiều gì nữa bây giờ. Anh đối xử với cô ấy như vậy là quá lắm rồi.
Thy Huyên cười tủm tỉm:
– Em thì thấy anh chưa có đủ thành ý đâu.
– Gì mà chưa đủ thành ý.
– Ví dụ như rủ người đi chơi, tặng quà sinh nhật gì gì đó.
Sĩ Đạt lắc đầu:
– Chuyện này có gì khó khăn, nhưng vẫn chưa được cô ấy vui vẻ và hài lòng nữa.
Thy Huyên xua tay:
– Em cũng bó tay luôn. Nếu có thể anh hãy tìm hiểu thêm chị ấy vậy.
Sĩ Đạt than thở:
– Em biết rồi mà, Cẩm Tú luôn cố chấp và chẳng chịu lắng nghe ai nói cả.
Làm sao mà cô không hiểu được điều này. Nhưng mà nếu cô không vun đắp vào cho hai người thì cô vẫn sẽ còn bị Cẩm Tú nghĩ sai về mình.
– Nhưng được cái chị ấy hết lòng yêu anh rồi còn gì.
Sĩ Đạt gật đầu tán thành:
– Điều này thì anh biết. Nhưng mà có lúc anh thấy cô ấy có sự ích kỷ.
– Con gái thường vậy mà.
– Em cũng thế ư?
Thy Huyên bật cười rồi gật đầu xác nhận:
– Tất nhiên rồi. Vì em cũng là con gái mà.
Sĩ Đạt cũng cười sảng khoái:
– Thì ra con gái các cô ai cũng thế cả.
Thy Huyên giải thích:
– Anh à! Đó là vì tụi em yêu và muốn giữ người yêu lại cho mình thôi.
Sĩ Đạt biết mình không thể nói lại với Thy Huyên nên giả lả:
– Hết giờ làm việc rồi kìa!
Thy Huyên cười:
– Thì anh cứ về đi. Em còn bận một tí nữa mới về được.
– Nè, không nên trễ lắm đâu à!
Cô vẫn cười:
– Em biết rồi.
Sĩ Đạt đi rồi, Cẩm Tú xuất hiện trước mặt Thy Huyên:
– Cô thật biết cách lấy lòng con trai đó.
Thy Huyên miễn cưỡng tiếp lời:
– Sao chị lại nói thế? Tôi chưa làm gì phật ý của chị cả. Xin chị hãy nhẹ lời cho.
Cẩm Tú cười mai mỉa:
– Nếu không muốn người ta nghĩ sai về mình thì trước hết mình đừng nên lộ liễu.
– Xin lỗi, chị muốn nói gì tôi chưa hiểu.
Cẩm Tú ngồi xuống đối diện với Thy Huyên:
– Cô vờ ngây thơ hay lắm.
Thy Huyên cảm thấy khó chịu. Nhưng cô vẫn cố dằn lòng.
– Tôi xin nói với chị một câu, rằng tôi và Sĩ Đạt chỉ là quan hệ làm ăn mà thôi.
Bĩu môi, Cẩm Tú nói:
– Ai tin được điều đó chứ.
– Xin chị hãy tin tôi.
Cẩm Tú nói như chế giễu:
– Làm sao tôi tin tôi đây, khi mà càng ngày hai người luôn quấn quýt lấy nhau.
Thy Huyên mở to mắt nhìn cô:
– Chị ....
– Bộ tôi nói sai à? Bằng chứng là mới đây thôi, anh vừa hẹn với cô, đúng không?
Sự chịu đựng có giới hạn, Thy Huyên cảm thấy mình bị xúc phạm nên nói:
– Nếu đã như vậy thì chị đã nghe cả rồi còn gì, sao lại hỏi tôi?
Cẩm Tú lồng lên, mắt cô ta lộ nét giận dữ nói:
– Cô dám nói với tôi cái giọng đó sao?
Thy Huyên mở to mắt nhìn chị ta trân trân:
– Chị muốn làm gì tôi? Chị nên nhớ đây là nơi làm việc chứ không phải là giữa chợ.
Đã tức càng thêm tức hơn, Cẩm Tú đứng phắt dậy:
– Tôi có giết cô thì ở đây cũng chẳng ai cứu đâu.
Thy Huyên nghĩ mình cũng nên cứng rắn nên nói:
– Chị dám giết tôi không?
– Tôi dám đó.
– Chị đừng quên tôi vừa hẹn bạn tôi đến đấy.
Cẩm Tú cười gằn:
– Năm người bạn của cô, tôi cũng không sợ nữa.
Thy Huyên chép miệng, cô thở dài:
– Đúng ra Sĩ Đạt yêu chị nhiều lắm mới phải. Nhưng mà ...
Thấy cô ngập ngừng, Cẩm Tú điên lên:
– Cô muốn ám chỉ tôi điều gì?
– Chị vừa làm cho anh ấy quá thất vọng đấy.
Cẩm Tú nhìn chiếc điện thoại siêu mỏng đang mở ghi âm những lời của mình nói vào trong đó rồi. Cô càng thêm tức:
– Cô thật là bỉ ổi!
Thy Huyên cười:
– Chưa biết ai bỉ ổi hơn ai.
Rồi cô đứng lên nói tiếp:
– Chị là người ra về sau cùng thì phải chịu mọi trách nhiệm đấy.
Cẩm Tú giậm chân:
– Cô mau đứng lại!
Nhưng Thy Huyên đã bước ra khỏi phòng, đến nói chuyện gì đó với người bảo vệ rồi lên xe đi thẳng. Cẩm Tú nhìn theo mà trong lòng hậm hực.
Thy Huyên chuyền cho Bảo Ngọc chai nước rồi nói:
– Ở đây cũng lý tưởng ghê phải không mi?
Bảo Ngọc trề môi:
– Lý tưởng sao không chịu dẫn người ta đi, mà lại lôi mình đi theo.
Thy Huyên véo vào hông bạn:
– Nếu có người ta thì chắc chắn là không đến lượt của mi đâu.
Bảo Ngọc cười hì hì:
– Ừ hén!
Thy Huyên dựa vào gốc cây to, cô lim dim đôi mắt:
– Đúng là một ngày giải trí lý tưởng.
Bảo Ngọc véo von:
– Lãng mạn vô cùng. Nơi này nếu có hai người đang yêu mà ngồi đây mới lý thú.
Đưa cho bạn chiếc điện thoại:
– Gọi người ta đến ngay đi, đừng ở đó mà gợi chuyện mãi.
Bảo Ngọc lắc lư cái đầu:
– Anh ấy đi học rồi.
Thy Huyên ngồi lại rồi lườm bạn:
– Có vậy mới chịu nhận lời của mình chứ gì.
Bảo Ngọc gật đầu không chối:
– Tất nhiên rồi.
Thy Huyên chu môi:
– Vậy mà bảo luôn vì bạn.
Bảo Ngọc ôm vai bạn:
– Thì cũng có thời gian dành cho bạn bè mà.
– Mười lăm phút.
– Không! Nguyên ngày chủ nhật.
Thy Huyên ngồi xổm:
– Có mới nói nghe.
– Thì hiện tại chẳng phải tụi mình đang ngồi với nhau đây là gì.
Thy Huyên làm sao mà nói lại Bảo Ngọc, cho nên cô xua tay:
– Ta nói không lại mi đâu.
Bảo Ngọc cười hì hì:
– Còn anh chàng ấy sao rồi?
Thy Huyên bặm môi:
– Sao chổi ấy hả, thì còn ở trên trời chứ đâu.
Bảo Ngọc vịn vai bạn đứng lên:
– Không. Ý ta muốn nói đến cái anh chàng đã bảo mi là nhà thiết kế đồ cổ đó.
Thy Huyên nghe mà thêm giận:
– Đồ điên đó mi hỏi làm gì?
– Trời đất! Mi làm gì mà giận đến như vậy?
– Còn phải hỏi nữa, ta với hắn nhất định không đội trời chung.
Bảo Ngọc lườm bạn:
– Giận rồi nói cho dữ vào, mai mốt rút lại không kịp đó.
Thy Huyên hất mặt:
– Hổng dám đâu.
Bảo Ngọc giục:
– Uống đi! Hết lạnh uống không ngon đâu!
Thy Huyên uống một hơi nước rồi nói tiếp:
– Ta chưa thấy ai vô duyên như anh ta cả.
Bảo Ngọc nói:
– Ta nghĩ anh ấy cũng chỉ muốn chọc tức mi mà thôi.
– Gì mà chọc tức. Ta với hắn có quen nhau bao giờ.
– Thì không quen mới làm quen theo kiểu ấy.
Thy Huyên nhăn mày:
– Làm quen theo lối ấy chắc muốn ăn bạt tai hả?
Bảo Ngọc cười khì:
– Nhỏ cũng dữ ghê!
– Hiền để người ta ăn hiếp à?
Bảo Ngọc cười xòa:
– Ai dám ăn hiếp mi mới sợ.
Thy Huyên lườm bạn:
– Còn mi nữa, cũng muốn chọc ta nữa à?
– Không! Chỉ lấy làm lạ một chút thôi.
– Hừm! Mi đó, chỉ được nước chọc tức ta mà thôi.
Bảo Ngọc cười xòa:
– Ôi! Ai mà dám chọc tức mi chứ? Ta chỉ nói thật mà thôi.
Thy Huyên đứng lên:
– Tụi mình vào xem cá sấu chơi đi.
Bảo Ngọc chu môi:
– Cá sấu có gì mà coi chứ. Da sần sùi sợ muốn chết.
– Ai biểu mi đến gần đó làm gì. Tụi mình chỉ đứng ở xa mà nhìn thôi.
Bảo Ngọc lại nói:
– Đứng xa quá coi không đã.
– Hừ! Bảo sợ mà không chịu đứng xa. Nhỏ này mâu thuẫn ghê nhỉ.
Bảo Ngọc nắm tay bạn kéo đi:
– Vào đi!
Thy Huyên đi theo sự lôi kéo của Bảo Ngọc:
– Đi thì đi, mi làm gì kéo ta dữ thế.
– Mi sợ người ta bảo mình bị bạn bắt cóc à.
– Còn lâu.
Cả hai cùng cười. Khi đến gần hồ nuôi cá sấu, Thy Huyên kêu lên:
– Ôi! To quá mi nhỉ!
Bảo Ngọc gật gù:
– Chắc nuôi lâu lắm rồi đó.
Thy Huyên thấy một con miệng cứ há mồm ra mãi, cô khều nhẹ vai bạn:
– Nó há mồm như thế mà không mỏi miệng sao?
– Giống của nó thích nghi như vậy mà.
Thy Huyên phóng tầm nhìn ra xa, cô chép miệng nói:
– Ông chủ này chắc là giàu lắm đây.
– Ê! Có muốn làm con dâu của ông ấy không?
Thy Huyên cười rồi bảo:
– Có muốn cũng không được.
– Chắc là được mà.
Thy Huyên bảo đùa:
– Người ta đã có người yêu rồi thì sao?
Bảo Ngọc xua tay:
– Có rồi thì đã sao? Mới là người yêu thôi mà đâu phải sợ.
Thy Huyên lườm bạn:
– Nói nghe kỳ thấy mồ.
Bảo Ngọc đưa cho Thy Huyên một cây sào dài bảo:
– Mi chọc nó đi Thy Huyên.
Thy Huyên từ chối:
– Thôi, mình sợ lắm!
Bảo Ngọc chọc bạn:
– Dữ như chằn, người ta còn sợ. Con cá sấu sợ mi thì có.
– Hừm! Thảo nào nhỏ bạn tôi nó ghét cay ghét đắng cũng phải.
Nghĩa Nhân sừng sộ:
– Làm gì ghét tôi. Cô có thấy bảng gì đây không?
Thy Huyên gật đầu:
– Thấy thì sao? Còn không thấy thì sao?
Nghĩa Nhân lắc đầu chào thua một cô gái ngang bướng:
– Tôi thật sự nói không lại cô rồi.
Thy Huyên cười mai mỉa:
– Tôi nói đúng thì làm sao cãi được chứ!
Nghĩa Nhân nhìn cô như muốn nuốt chửng cô luôn:
– Nhưng tôi cấm cô không được chọc phá cá sấu.
Thy Huyên ngang bướng nói:
– Thế tôi vẫn làm thì sao?
Nghĩa Nhân thách thức:
– Cô thử làm xem!
Thy Huyên nói một cách cứng cỏi:
– Bây giờ tôi chán nên không thèm chọc nó nữa.
Bảo Ngọc cũng xen vào:
– Chơi thì cũng phải tùy hứng chứ lị.
Thy Huyên cằn nhằn:
– Làm như của riêng mình không bằng vậy?
Nghĩa Nhân hơi nghiêng người nhìn cô rồi nói:
– Giữa đường thấy chuyện bất bình thì nói thế thôi.
Thy Huyên bĩu môi:
– Chà! Chắc muốn được đưa lên gương người tốt việc tốt chắc!
Nghĩa Nhân trợn mắt định nói gì đó, nghĩ sao Nghĩa Nhân lại thôi.
Bảo Ngọc nói với Thy Huyên:
– Mất hứng rồi, tụi mình về thôi Thy Huyên.
Thy Huyên gật đầu:
– Ừ, tụi mình về! Gặp kỳ đà chán chết được.
Hai người nắm tay nhau ra khỏi cổng. Nghĩa Nhân nhìn theo mà trong lòng đầy tức giận. Người đẹp gì đâu mà chẳng biết thương yêu loài vật gì cả.
Buổi tối, Nghĩa Nhân gặp Sĩ Đạt, anh nói một hơi dài về chuyện gặp Thy Huyên:
– Cô ta thật là quá quắt!
Sĩ Đạt bênh vực Thy Huyên:
– Chắc là cô ấy không biết đó thôi.
– Dù không biết cũng không cần tỏ thái độ như thế.
Sĩ Đạt cười:
– Cậu chấp nhứt làm gì chứ?
Nghĩa Nhân xua tay:
– Cô ta chẳng hiểu lý lẽ gì cả.
Sĩ Đạt thở dài, anh bảo:
– Có lẽ cậu chưa đủ khả năng để chinh phục cô ta đó thôi.
– Thôi đi, cậu đừng có nói khích mình như thế.
– Khích cậu làm gì, có bản lĩnh thì cố lên đi.
Nghĩa Nhân tỏ ý bất cẩn:
– Ta cần gì mà phải chinh phục được cô ấy chứ.
Sĩ Đạt khơi gợi:
– Mọi người kháo với nhau rằng tim của Thy Huyên là tim sắt, nếu cậu chinh phục được là cậu thắng.
Nghĩa Nhân bĩu môi:
– Cần gì phải làm thế cho mệt xác.
– Thật sự cậu không rung động trước cô ấy à?
Nghĩa Nhân đá vào chân bạn:
– Nếu muốn thì cậu hãy thử xem thế nào.
Sĩ Đạt cười cười:
– Mình thì không có vé đâu.
Nghĩa Nhân trêu bạn:
– Sao mình thấy hai người luôn quấn quýt nhau mà.
– Đừng hiểu lầm, tụi mình chỉ quan hệ làm ăn thôi.
– Hừm! Lửa gần rơm có ngày phát cháy đó.
Sĩ Đạt đấm nhẹ vào lưng bạn:
– Giỏi suy diễn mà thôi.
Nghĩa Nhân lại bảo:
– Cô ấy mà xù lông nhím ra tụi mình chết chắc.
Sĩ Đạt lắc đầu giải thích:
– Không đâu, đó chỉ là cái vỏ bên ngoài của cô ấy mà thôi.
– Hử? Còn có ruột nữa à?
Sĩ Đạt cười:
– Tất nhiên rồi.
Nghĩa Nhân hỏi đùa:
– Vậy còn ruột của cô ta thì sao?
– Rất là tốt.
– Cậu có nói quá không?
Sĩ Đạt kể:
– Tất nhiên là không rồi. Mình nói có sách mách có chứng đàng hoàng đó.
Nghĩa Nhân thôi cười mà nói:
– Cậu kể xem.
– Cô ấy đang sống với người dì tật nguyền và bốn, năm đứa trẻ mồ côi.
Nghĩa Nhân vẫn chưa chịu tin:
– Có khi nào con của cô ta không đó.
Sĩ Đạt trợn mắt:
– Sao nghĩ kỳ thế? Cô ấy mới hăm mấy tuổi làm gì mà có con lớn thế?
Nghĩa Nhân nhìn bạn nghi ngờ:
– Sao cậu lại để ý kỹ đến như vậy?
– Có gì đâu cô ấy là nhân viên của mình đó thôi, phải tìm hiểu hoàn cảnh gia đình chứ.
Nghĩa Nhân bật cười:
– Sao cậu không tìm hiểu xem cô ta đã có chồng chưa và được tất cả mấy con?
– Có chứ. Cô ấy chưa chồng và tất nhiên chưa có con.
Cả hai cùng cười. Sĩ Đạt hỏi:
– Cậu còn thắc mắc nữa không?
– Còn ...
Sĩ Đạt hỏi:
– Còn chuyện gì nữa?
– Cha mẹ?
– Chết hết rồi.
Nghĩa Nhân ngạc nhiên đến tột độ:
– Cái gì? Cha mẹ mất hết rồi sao?
Sĩ Đạt nhìn thái độ của bạn rồi hỏi:
– Cậu có vẻ ngạc nhiên đến như vậy hả?
Nghĩa Nhân lắc đầu:
– À, không có gì. Chỉ tại tò mò một chút thôi.
– Người như cô ấy thật đáng thương đó. Không cha, không mẹ mà vẫn sống đàng hoàng tử tế.
Nghĩa Nhân nhìn bạn một cách nghi ngờ:
– Sao cậu lại biết rành đến như vậy? Có phải ...
Biết bạn muốn nói gì nên Sĩ Đạt ngăn:
– Nè, cậu không được có ý nghĩ sai lệch về mình như vậy đâu đó.
– Chứ không phải sao? Cậu làm gì mà rành người ta đến như vậy?
Sĩ Đạt buông tiếng thở dài:
– Có quan tâm hay là có ý nghĩ gì đâu, chẳng qua là mình có đọc sơ qua sơ yếu lý lịch của cô ấy mà thôi.
Nghĩa Nhân gật gù:
– Thì ra là như vậy. Nhưng tại sao Cẩm Tú lại ganh tị đến như vậy?
Sĩ Đạt than:
– Đàn bà, con gái mà, ai lại chả có tính đó mà nói.
Nghĩa Nhân hỏi thăm dò:
– Thế còn tình cảm giữa cậu và cô ấy đã đến đâu rồi?
Sĩ Đạt chẳng biết trả lời sao với bạn mình cho phải nữa:
– Mình cũng chẳng biết tình cảm hiện giờ của mình đối với Cẩm Tú là gì nữa.
Nghĩa Nhân bật cười:
– Sao cậu mâu thuẫn vậy? Hay con tim cậu lại có hướng khác mất rồi?
– Vậy thì không đâu.
Nghĩa Nhân chợt hỏi:
– Có thật cậu không có gì với Thy Huyên chứ?
– Nè, cậu bắt đầu biết nghi ngờ người ta từ bao giờ vậy?
– Thật lòng là mình cảm thấy đáng nghi lắm.
– Nghi chuyện gì?
Nghĩa Nhân nói thẳng:
– Giữa cậu và Thy Huyên.
– Nếu có vậy là tốt rồi.
Hiểu ý của bạn nên Nghĩa Nhân nói tiếp:
– Cẩm Tú tuy có yêu cậu thật, nhưng mẫu người ấy không đem lại hạnh phúc cho cậu đâu.
Sĩ Đạt nhìn bạn thông cảm:
– Có lẽ cậu nói đúng. Nhưng chuyện thế này rồi mình biết nói sao đây.
– Thà đau một lần cậu ạ.
– Đành vậy, nhưng mình lại không nỡ.
– Nghĩa là cậu vẫn có chút tình cảm với cô ấy.
– Ít nhiều gì thì cũng phải có chứ.
Nghĩa Nhân khuyên một câu:
– Nếu đã vậy thì thôi, cậu cũng nên cố mà chịu đi.
Sĩ Đạt giọng cam chịu:
– Chắc là như vậy.
Hai người cùng cười. Sĩ Đạt khuyên:
– Mình thấy Thy Huyên là một cô gái tốt, cậu cũng nên tranh thủ đi.
Nghĩa Nhân không một chút do dự mà nói:
– Chuyện gì đến ắt nó sẽ đến, gượng ép cũng không mấy tốt đẹp.
– Mình chỉ sợ có người khác lấn sân vậy là cậu đành ngậm bồ hòn đấy.
Nghĩa Nhân xua tay:
– Vậy cũng tốt. Cái gì không phải của mình tranh giành cũng bằng thừa mà thôi.
Sĩ Đạt lại rủ:
– Tụi mình ra quán lai rai chơi, ở nhà buồn quá.
Nghĩa Nhân do dự:
– Mình thì ngược lại, chỉ muốn ở đây thôi.
Sĩ Đạt cười chế giễu:
– Hôm nay chỉ muốn một mình ở đây thôi. Không có Thy Huyên đâu.
Nghĩa Nhân phì cười:
– Gặp nhau chỉ để chửi nhau mà thôi.
– Có khi những cái đó lại là nền tảng cho hai người đấy.
– Cô ấy ghét mình thấu xương luôn đó.
– Ai bảo cậu cứ chọc phá người ta làm gì.
– Thấy cô ấy ngồ ngộ nên muốn chọc cho vui thôi.
Sĩ Đạt trách:
– Ai đời dám chê kiệt tác của người ta là giỏ trầu của bà già chứ!
Nghĩa Nhân nghe bạn nhắc, nhớ lại mặt của Thy Huyên lúc ấy, anh bật cười lớn:
– Cũng hay hay đó chứ.
– Cô ấy có dấu ấn sâu sắc với cậu lắm.
Nghĩa Nhân cằn nhằn:
– Thì cô ấy cũng đổi tên mình đấy. “Bất Nhân”, cái tên nghe thật là không lương thiện tí nào cả.
Sĩ Đạt cũng cười theo bạn:
– Một kỷ niệm khó quên à.
– Mới hôm qua lại một trận xung đột cũng không kém phần sôi nổi đấy.
Sĩ Đạt hỏi:
– Thế cậu lại làm gì?
– Có gì đâu, cô ấy dùng cây thọc vào miệng cá sấu nên mình kêu to chứ gì?
– Có chuyện ấy sao?
– Thật ra, cô ấy không biết ao nuôi cá sấu là của mình nên nói thế.
Sĩ Đạt cảm thấy buồn cười chuyện của hai người:
– Cậu không thấy kỳ à?
– Chuyện gì?
– Ông trời làm xui khiến hai người gặp nhau trong tình huống thật trớ trêu.
Nghĩa Nhân suy nghĩ rồi cười một mình. Đêm ấy, họ thức thật khuya, ngồi tâm sự chuyện tình cảm của hai người.
Thy Huyên vừa về đến nhà thì bà Luyến lên tiếng:
– Thằng Quân nó chờ con lâu rồi đó.
Tuy không muốn chút nào nhưng Thy Huyên cũng cố hỏi:
– Anh ấy đâu rồi dì?
– À, nó xin phép dắt mấy đứa nhỏ đi ăn chè rồi.
Thy Huyên đến gần bà hơn:
– Dì đã ăn cơm chưa?
Bà Luyến nhìn cô âu yếm nói:
– Dì chờ con về cùng ăn cho vui. Thằng Quân nó mua thức ăn nhiều lắm.
Thy Huyên tần ngần một chút rồi nói:
– Nhận quà của người ta hoài, con cảm thấy ngại lắm dì ơi.
Bà Luyến thở dài:
– Thì dì cũng thấy như vậy. Nếu con thấy ngại thì hãy nhận lời cầu hôn của nó đi.
Thy Huyên giật mình. Cô ngẩng đầu lên nhìn bà:
– Không có tình cảm thì làm sao có hạnh phúc. Vả lại, con còn dì, còn mấy đứa nhỏ.
Bà Luyến lại buông tiếng thở dài:
– Chẳng lẽ con cứ ở vậy với dì với lũ nhỏ sao?
Thy Huyên gợi ý:
– Chuyện đó từ từ rồi tính dì ạ. Con cũng còn nhỏ mà.
Bà Luyến lườm cô:
– Còn nhỏ gì chứ. Đã hai mươi mấy rồi. Tuổi xuân qua nhanh lắm con ạ. Nó không chờ ai đâu.
Thy Huyên ôm lấy cánh tay dì, cô hơi nghẹn lời:
– Dì đừng lo, con có dì và lũ trẻ kia mà.
Bà Luyến ngó mông lung ra ngoài. Bà không lo làm sao được, Thy Huyên là con gái của anh trai mình. Sau lần bị tai nạn giao thông, anh chị qua đời, còn bà thì bị mất một chân, cũng may là còn có Thy Huyên đỡ đần chăm sóc; nếu không, bà sẽ sống ra sao đây. Qua trận đó, người yêu bà cũng lặng lẽ quay lưng không một lời từ giã. Nghĩ đến đây bà rươm rướm lệ. Đúng là đời bà thật đen đủi mà ...
Bà vuốt ve mái tóc Thy Huyên rồi nói:
– Thôi, vào tắm rửa rồi còn dọn cơm, chắc chúng nó sắp về rồi.
Thy Huyên vừa đứng lên thì bà lại nói tiếp:
– Thằng Quân nó tốt với con lắm đó.
– Con biết chứ dì.
– Vậy sao con còn do dự?
Thy Huyên nhìn bà, ngập ngừng:
– Dạ .... con ... con chưa muốn lấy chồng đâu ạ.
Giọng bà hơi nghiêm:
– Thằng Quân đã có nghề nghiệp ổn định, gia đình lại tử tế. Dì thấy nơi đó là nơi gửi thân tốt nhất.
Thy Huyên sợ bà buồn nên cô nhoẻn miệng cười:
– Vâng, con sẽ suy nghĩ, dì ạ.
Bà lườm cô:
– Còn suy nghĩ gì nữa? Hay là bên ngoài con đã có người yêu rồi.
Thy Huyên chớp mắt nhìn bà rồi lắc đầu:
– Dạ, không đâu ạ.
Câu hỏi của bà làm Thy Huyên có một chút gì đó xao động con tim. Có người yêu ư? Làm gì có. Chỉ có một tên luôn phá rối, chọc tức mình mà thôi.
Anh ta quá đáng với mình thì có.
– Không có mà suy nghĩ gì thế?
Cô giật mình quay lại:
– Dạ, không ạ.
Thy Huyên bỏ về phòng mình. Nước mắt làm cô thấy dễ chịu hơn. Tại sao cứ nhớ đến mấy lời anh ta chế giễu mình là trong lòng cảm thấy giận ghê lắm.
Người gì đâu chẳng lịch sự tí nào cả.
– Chị ơi! Ăn cơm!
– Chị ơi! Anh Quân chờ chị nè.
Thy Huyên đẩy cửa bước ra, tươi cười với bọn nhỏ:
– Gì mà như cái chợ vậy?
Tím giành nói trước:
– Mẹ Năm bảo chị ra nhanh đó.
Xuân thì lại nói:
– Anh Quân chờ chị kìa.
Thy Huyên lùa bọn trẻ ra ngoài:
– Được rồi, các em vào phòng ăn đợi chị một chút.
Bọn chúng nhao nhao:
– Nhanh lên nghe chị.
– Được rồi mà.
Thy Huyên chải tóc, trang điểm lại sơ sơ rồi bước ra ngoài. Mọi người đã ngồi vào bàn. Nhìn trên bàn nhiều thức ăn, Thy Huyên ái ngại nói:
– Anh lại mang thức ăn đến ư?
Quân nhìn cô thật nồng nàn, âu yếm nói:
– Lâu lâu cũng nên bồi bổ dinh dưỡng mà em.
Thy Huyên nhìn một lượt năm đứa rồi nói:
– Tụi nó cũng đâu thiếu dinh dưỡng.
Quân nắm tay cô kéo ngồi xuống, anh ân cần nói:
– Tụi nó không thiếu dinh dưỡng, nhưng mà em thì thiếu đấy.
Cô phì cười:
– Em thế này mà anh còn cho là thiếu sao?
Quân bảo:
– Dạo này em gầy đi rồi đó. Mặt cũng hốc hác nữa.
Thy Huyên định nói gì đó nhưng bà Luyến đã lên tiếng:
– Quân nói đúng đó con. Dạo này con thức khuya nhiều nên có phần hơi xanh xao một chút.
Thy Huyên bị bao vây nên đành nói:
– Thôi được rồi, con ăn nhiều hơn một chút là được chứ gì.
Mọi người vui vẻ ăn uống. Tím là đứa lớn nhất trong bọn trẻ, cho nên cô chủ động gắp thức ăn cho bà Luyến, Thy Huyên và cả Quân nữa. Thy Huyên hỏi Tím:
– Các em học hành ra sao rồi?
Tím nuốt vội miếng cơm trong miệng rồi nói:
– Dạ, mấy đứa nó học cũng tốt chị ạ!
Xuân khoe:
– Tụi em hứa với nhau là phải học giỏi để chị vui lòng. Nhưng mà ...
Thy Huyên chau mày hỏi:
– Sao mà còn nhưng mà gì nữa?
Tím thay lời Xuân:
– Dạ, còn thằng Tửng chẳng chịu học mà lo chơi thôi.
Nghe nhắc đến tên mình, Tửng mím môi lại, mắt nó mở to nhìn Tím:
– Chuyện của tao không cần mày lo đâu à!
Nghe nói thế, Thy Huyên lấy làm lạ hỏi:
– Tửng à! Sao em lại nói thế? Chẳng phải chị đã dạy em rồi sao?
Nó quay đi chỗ khác, nói:
– Tôi thích vậy đó.
Rồi nó buông đũa bỏ ra ngoài. Xuân nói:
– Mấy hôm nay tự nhiên cậu ấy giở chứng vậy đó chị.
Quân sợ Thy Huyên buồn nên an ủi:
– Chắc cậu ấy có vấn đề gì đó buồn thôi, em ạ!
Thy Huyên cảm thấy khó hiểu:
– Phải có lý do chứ anh?
Bà Luyến giục:
– Gì thì gì hãy ăn xong bữa đi rồi tính.
Rồi bà quay sang gọi:
– Tửng à! Vào ăn tiếp đi con.
Tiếng gọi của bà không được Tửng đáp lại. Tím nhìn Xuân rồi hai đứa đứng lên cùng một lúc:
– Để em đi tìm Tửng!
Còn hai đứa nhỏ nhất ngồi ăn một cách vô tư. Trong lòng Thy Huyên dâng lên một tình yêu thương dạt dào. Ánh mắt nó nhìn cô ngây thơ yêu thương:
– Dì và anh ăn đi. Em còn phải đi tìm Tửng.
Quân cũng bỏ đũa đi theo cô. Còn lại bà Luyến và hai đứa nhỏ. Bà chợt nghĩ Thy Huyên từ chối lấy chồng là vì đám trẻ này đây. Hơn ai hết, cô rất hiểu tình cảm của cô cháu gái mình hết lòng thương yêu bọn trẻ. Nó có thể hy sinh hạnh phúc của mình vì bọn chúng.
Cẩm Tú đứng chờ Thy Huyên một tiếng đồng hồ mà chẳng thấy cô đến.
Gặp Thanh đi vào, cô hất hàm hỏi:
– Sao không thấy Thy Huyên.
Thanh vốn không ưa gì Cẩm Tú nên đáp gọn:
– Không biết!
– Chị với Thy Huyên là bạn thân sao không biết?
Thanh hơi cau mày:
– Đâu phải chơi thân rồi cái gì cũng biết. Có khi ông chủ nhờ Thy Huyên đi đâu đó.
– Sao?
Cẩm Tú ngạc nhiên:
– Đi đâu chứ?
– Điều này tôi không rõ.
Cẩm Tú mở điện thoại cho Sĩ Đạt:
– Alô. Anh và cô ta đang ở đâu thế?
Sĩ Đạt biết cô muốn nói đến ai nên bực bội hỏi:
– Cô nào?
– Thy Huyên.
– Em hồ đồ vừa thôi. Anh đang ngồi nói chuyện với mẹ anh ở nhà đây.
Cẩm Tú biết mình đã lỡ lời nên chống chế nói:
– Giờ này mà cô ta vẫn chưa chịu đến làm việc.
Sĩ Đạt nói một cách rành rọt:
– Chuyện ấy em khỏi phải lo, Thy Huyên xin nghỉ vài hôm.
– Xin nghỉ ư?
– Em sao vậy?
Cẩm Tú giận dỗi:
– Anh đang đùa với em đó à?
Sĩ Đạt hơi bực:
– Có gì không, anh đang bận công việc với mẹ đây.
Cẩm Tú đành nói:
– Em xin lỗi. Nhưng mà ...
– Có chuyện gì em hãy nói mau đi.
– Tại sao Thy Huyên lại nghỉ nhiều đến như vậy?
Sĩ Đạt bực bội thực sự:
– Có rảnh thì em đi tìm cô ấy mà hỏi xem.
– Anh ...
Sĩ Đạt đã tắt máy, vậy mà Cẩm Tú vẫn còn gào lên:
– Anh giỏi lắm!
Tiếng hét của cô làm mọi người phải giật mình:
– Có chuyện gì vậy?
– Hổng biết.
Thanh cằn nhằn:
– Lại sắp nổi cơn điên nữa rồi!
– Vô duyên vô cớ.
Thanh lẩm bẩm:
– Ganh tị với nhỏ Thy Huyên.
Cẩm Tú nghe mọi người xì xầm biết là nói về mình, nên đổ quạu nói:
– Làm việc đi!
Có người than phiền:
– Làm việc với bầu không khí nặng nề thế này thật khổ.
– Phải chi có Thy Huyên ở đây thì hay biết mấy.
Thanh thấy lạ hỏi:
– Chi vậy?
– Thì có Thy Huyên ở đây, cô ta không thể nghi ngờ Sĩ Đạt đi chơi với Thy Huyên.
Thanh ưng ý nên nói:
– Hai người đi chơi với nhau thì đã sao? Họ thật đẹp đôi.
Cẩm Tú lừ lừ mắt bước tới:
– Không có chủ rồi không làm việc à?
Thanh bực bội hỏi:
– Chúng tôi đang làm việc, bộ cô không thấy à? Chỉ có cô là cứ đứng nhìn không làm mà thôi.
Cẩm Tú cảm thấy quê nên nói:
– Tôi đang chờ Sĩ Đạt có chuyện.
Mọi người thôi không thèm để ý đến cô ta nữa, mà chăm chú làm việc của mình.
Đến giờ cơm trưa, mọi người quây quần bên phần cơm của mình. Ánh Lan nói to:
– Ông chủ hôm nay đi chơi với Thy Huyên rồi.
Mọi người nhìn Ánh Lan. Cẩm Tú ngó cô:
– Có thì nói nghe!
Ánh Lan gật đầu:
– Tôi nói thật mà. Tôi gặp hai người trên đường.
Thanh thêm vào:
– Chắc là họ đi công việc chung đó thôi.
Ánh Lan còn nói:
– Hôm nay Thy Huyên ăn mặc rất là mốt đó.
– Trời ơi! Vậy mà anh ấy nói với mình là đang ở nhà nữa chứ! Cô ấm ức trong lòng nhưng không nói ra. Thanh lại nói tiếp:
– Nghe đâu Thy Huyên đang thiết kế một loại xắc tay mới nữa đó. Phải công nhận Thy Huyên giỏi thiệt. Cô ấy giúp cho ông chủ mình nhiều việc ghê.
– Vừa đẹp lại vừa tài nữa, hèn gì Sĩ Đạt không chiều chuộng sao mà được.
Nghe những lời chói tai ấy, Cẩm Tú càng thêm ghét vô cùng. Cô bỏ ra ngoài.
Thy Huyên cùng Sĩ Đạt chọn hết mặt hàng này đến mặt hàng khác, cô tỏ ý chưa hài lòng lắm nên nói:
– Còn chỗ nào mình chưa đi tới không anh?
Sĩ Đạt đề nghị:
– Mình tìm quán uống nước rồi bàn tiếp.
Hai người vào quán, Sĩ Đạt gọi nước. Thy Huyên hỏi anh:
– Sao anh không để Cẩm Tú cùng đi? Có khi chị ấy biết nhiều điểm hơn mình.
Sĩ Đạt lắc đầu:
– Có cô ấy càng thêm rắc rối mà thôi.
Thy Huyên tỏ ý không hài lòng:
– Em thấy anh nên gần gũi chỉ dẫn thêm, nhất định chị ấy sẽ tốt hơn.
– Em lúc nào cũng muốn tốt cho người ta.
– Không. Tốt cho anh đấy!
Sĩ Đạt hỏi sang chuyện khác:
– Mấy đứa nhỏ có làm phiền em nhiều không?
Thy Huyên gật đầu:
– Tất nhiên là có rồi anh ạ. Nhưng em giải quyết được.
– Mỗi đứa mỗi tính, em kham nổi cũng hay.
Thy Huyên tâm sự:
– Cũng không dễ chút nào đâu anh ạ. Lúc đầu cũng khó khăn lắm đó.
Sĩ Đạt nhìn cô thông cảm:
– Có lẽ chỉ có em là làm được chuyện ấy thôi.
Thy Huyên xua tay:
– Còn nhiều người nữa chứ anh. Có cả anh nữa đó.
Sĩ Đạt bật cười:
– Anh có làm được gì đâu.
– Anh đã giúp bọn chúng nhiều đó chứ.
Sĩ Đạt ngần ngại:
– Chỉ bỏ tiền thôi mà.
– Mấy ai được như thế.
Sĩ Đạt đưa nước cho cô:
– Em uống đi!
Cầm ly nước, Thy Huyên tâm sự:
– Tụi nó đáng thương quá anh ạ. Mặc dù mỗi đứa mỗi tính, và cũng không kém phần nghịch ngợm.
– Em cảm hóa được bọn chúng như vậy cũng là hay lắm rồi.
– Em đem hết tình cảm yêu thương dành cho tụi nó.
Sĩ Đạt chọc cô:
– Vậy còn tình cảm nào em dành cho đối tượng của mình?
Thy Huyên bảo đùa:
– Hết rồi anh ạ!
Sĩ Đạt nhìn cô đăm đăm:
– Em cũng nên nghĩ về mình nữa chứ.
Cô lắc đầu:
– Em không có thời gian dành cho mình đâu, anh ạ.
– Em nói vậy sao được, cũng nên dành thời gian cho mình đi chứ!
– Có lẽ không cần đâu anh ạ. Sau này lớn tuổi, mấy đứa nó sẽ nuôi em.
Sĩ Đạt cười khì:
– Em tính nghe gọn ghê nhỉ.
Thy Huyên cười khì:
– Một trong năm đứa, nhất định sẽ có.
Sĩ Đạt thầm khen cô gái trước mặt mình. Nhìn bề ngoài nghiêm nghị, khó khăn nhưng bên trong chất chứa một tình cảm bao la:
– Em cũng phải lo tương lai của mình đi. Tương lai của bọn trẻ chính là tương lai của em đó.
Sĩ Đạt nhìn cô đầy ái ngại:
– Đúng là mấy đứa nhỏ thật có phước.
– Tụi nó không cha không mẹ, sống nhờ vào tình thương của nhân loại, anh ạ!
Sĩ Đạt rất bằng lòng với ý nghĩ của cô. Đúng là một vị Bồ Tát sống đây mà.
– Em là vậy mà còn nói anh sao được, hãy để cho anh giúp một tay.
– Thì em đâu đã từ chối.
Sĩ Đạt đề nghị:
– Lần này anh sẽ tặng ba đứa lớn mỗi đứa một xe đạp, để đi học.
– Nhiều vậy anh!
– Nhiều đâu mà nhiều, rồi anh sẽ giúp chúng tiền học phí, rồi sách vở nữa.
Thy Huyên thoáng thấy Nghĩa Nhân cùng cô bạn rất xinh bước vào quán nước.
Sĩ Đạt đập mạnh lên vai bạn nói một câu trách móc:
– Có người yêu rồi mà giấu kỹ ghê nha.
Nghĩa Nhân nhìn xoáy vào bạn cũng nói:
– Ông có thua gì tôi đâu. Đã vậy mà còn bày đặt chối nữa.
Sĩ Đạt xoay vai bạn lại:
– Mình chối gì chứ?
Nghĩa Nhân cằn nhằn:
– Bí mật đi chơi với nhau mà còn nói mình.
Sĩ Đạt cười ngất:
– Làm gì có chuyện ấy. Tụi mình đi công việc chung thôi.
Nghĩa Nhân trề môi:
– Cậu làm như mình là con nít không bằng.
Sĩ Đạt dù có muốn cãi cũng không được, nên đành nói:
– Cuối cùng mình chỉ nói với bạn một câu, rằng Thy Huyên là một cô gái tốt.
Nghĩa Nhân mai mỉa:
– Thì mình đâu có nói là cô ấy xấu đâu. Trong con mắt của cậu thì cô ấy là đẹp nhất.
– Cậu mai mỉa mình đó à?
Nghĩa Nhân xoay xoay ly nước trong tay mình:
– Hiểu thế nào cũng được.
– Dường như bạn đang giận mình, đúng không?
Thúc cùi chỏ vào vai bạn, Nghĩa Nhân bật cười hỏi:
– Điên chắc? Làm sao phải giận cậu kia chứ?
– Vì Thy Huyên ư?
Nghĩa Nhân nhướng mày:
– Cậu nghĩ vậy à? Nói thật lòng là cậu rất xứng với cô ấy.
Sĩ Đạt đưa tay lên ngực bạn rồi hỏi:
– Xem tim bạn có được bình thường không?
Nghĩa Nhân nhướng mày:
– Vẫn bình thường, đúng không?
Sĩ Đạt bảo đùa:
– Tim đập hơi nhanh đó.
– Xạo ghê!
Cẩm Tú bước vào cùng với cô bạn của mình:
– Hello!
Nghĩa Nhân nói với Sĩ Đạt:
– Lôi thôi đến với cậu rồi!
Không thèm nói với bạn, Sĩ Đạt đón tiếp Cẩm Tú rất vui vẻ:
– Trùng hợp vậy.
Cẩm Tú hỏi Nghĩa Nhân:
– Tụi em có thể ngồi cùng bàn chứ anh?
Nghĩa Nhân nhún vai:
– Cứ tự nhiên. Sĩ Đạt gọi nước cho hai người đẹp kìa.
Cẩm Tú hỏi Sĩ Đạt:
– Anh không đến cửa tiệm sao?
Sĩ Đạt gãi gãi đầu:
– Định đi, nhưng bị kéo đến đây nè!
Cẩm Tú mím môi nhìn Nhân:
– Anh không được lôi kéo Sĩ Đạt của em đâu đó.
Nghĩa Nhân xua tay:
– Làm sao dám. Nhưng cô cũng nên đề phòng đấy.
Sĩ Đạt đấm nhẹ vào lưng bạn:
– Chết cậu đấy.
Mọi người cùng cười, Cẩm Tú lên tiếng dọa:
– Anh an tâm, em không để ai chia sẻ tình cảm của mình đâu.
Nghĩa Nhân nhìn Sĩ Đạt:
– Cậu nghe chưa kìa.
Trừng mắt nhìn bạn, Sĩ Đạt dọa:
– Cậu có tin mình cắt lưỡi của cậu không?
Nghĩa Nhân né người tránh cái dứ tay của bạn:
– Ối!
Sĩ Đạt nói với Cẩm Tú và cô bạn của cô:
– Em và cô ấy uống nước đi. Anh vừa uống rồi.
Nghĩa Nhân đứng lên:
– Xin phép về trước đây. Hai cô uống tự nhiên nhé!
Sĩ Đạt gật đầu:
– Về thì về đi.
Nghĩa Nhân kề tai bạn, dặn dò:
– Nhớ đừng gọi nhầm tên thì đổ nợ đó nhé!
Sĩ Đạt đánh nhẹ vào người bạn, dọa:
– Im mồm đi, đừng có ở đó mà ông Tám thì kỳ lắm.
Nghĩa Nhân cười mỉm rồi bước ra khỏi quán. Chưa kịp nổ máy xe thì anh nhận ra Thy Huyên cùng Bảo Ngọc đèo nhau trên chiếc xe đạp, đang cười nói vui vẻ với nhau.
Nghĩa Nhân rồ máy theo sau hai người. Thy Huyên giật mình cho xe tấp vào lề đường:
– Chạy xe kiểu gì thế?
Bảo Ngọc cũng giật thót người ôm lấy bạn:
– Ôi! Giật cả mình.
Nghĩa Nhân cười hì hì:
– Xin lỗi! Tôi không cố ý làm cho hai cô giật mình.
Bảo Ngọc bước xuống xe, mặt cô hầm hầm bảo:
– Bộ anh muốn hù chết người ta hay sao?
Thy Huyên thì lại khác, cô nắm tay Bảo Ngọc, nói:
– Mi nói làm gì với con người ấy, ỷ giàu có rồi coi người ta chẳng ra gì cả.
Nghĩa Nhân nhìn Thy Huyên một lát rồi nói:
– Tôi xin lỗi rồi mà!
Thy Huyên nguýt dài:
– Ai cần xin lỗi, mà hãy nên tôn trọng người khác một chút.
Nghĩa Nhân chế giễu:
– À, tôi nhớ rồi, nhà thiết kế mốt ạ!
Thy Huyên đỏ mặt vì bị anh ta cứ chọc quê mình mãi:
– Người gì đâu mà vô duyên không thể tả được.
Bảo Ngọc bấy giờ mới lên tiếng:
– Bộ anh cảm thấy chọc tức người ta như vầy là vui lắm ạ.
Nghĩa Nhân cười nhìn Bảo Ngọc, anh hỏi lại:
– Bộ tôi nói sai à? Chẳng phải bạn của cô là nhà thiết kế ư?
Thy Huyên kéo Bảo Ngọc lại:
– Thôi, mi nói làm gì với anh ta chứ.
– Cũng cần nói để anh ta biết chứ, làm gì cứ theo chọc phá mi mãi như thế chứ?
– Thôi, mặc anh ta đi! Tụi mình đi!
Bảo Ngọc cằn nhằn:
– Đi cái gì mà đi. Dù gì thì mình cũng nên nói để anh ta biết mà không còn chế giễu mi nữa.
Thy Huyên lắc đầu:
– Thôi đi mi, hãy mặc anh ta đi! Nói nhiều cũng thế mà thôi.
Thấy hai cô có vẻ giận thật sự, Nghĩa Nhân đã biết mình đùa quá trớn, nhưng vì tính tự kiêu trong mình quá lớn, cho nên anh lại nói tiếp:
– Hừm! Co càng rồi sao?
Thy Huyên nguýt dài:
– Tại tôi không thích tiếp xúc với người gỗ như anh.
Bảo Ngọc nói:
– Người ta thường nói không ưa nhau mà cứ gặp nhau như vậy sẽ trở thành oan gia của nhau đó.
Nghĩa Nhân bật cười:
– Vậy thì càng hay chứ còn sao?
Thy Huyên bĩu môi:
– Hay ư? Đúng là người gỗ mà. Đi Ngọc!
Nghĩa Nhân nheo nheo mắt với Thy Huyên, anh nói:
– Đấu khẩu nãy giờ khát nước chưa, tôi mời.
Thy Huyên mai mỉa:
– Ai thèm uống nước với người “Bất Nhân”, người gỗ chứ.
Nghĩa Nhân chẳng những không giận mà còn nói:
– Nhưng nó vẫn có trái tim và khối óc.
Thy Huyên cười cười:
– Nhưng mà trái tim và khối óc của người đó bị chó sói gặm mất rồi.
Bảo Ngọc hùa theo:
– Đúng lắm! Mi nói thật là chí lý đó.
Thy Huyên nói thêm:
– Thôi, về đi, kẻo “cô ta” hiểu lầm thì sinh chuyện đấy.
Cả hai cùng cười vang.
Nghĩa Nhân biết mình sẽ không đấu lại với hai người nên nói:
– Hai người thắng một người mà hay lắm sao?
Điện thoại của Nghĩa Nhân có tín hiệu. Thy Huyên mỉa mai:
– Đó! Mau về thôi, kẻo bà xã véo cho bầm đùi đấy.
Hai cô cất tiếng cười trong trẻo rồi cho xe vọt đi.
Nghĩa Nhân bặm môi nhìn theo. Tiếng điện thoại như thúc giục anh, bực mình anh mở máy:
– Alô!
– Anh làm gì mà không mở máy?
Nghĩa Nhân chau mày tỏ vẻ bực tức:
– Bận!
– Anh mà bận thật sao? Chẳng phải đang đùa với cô nào sao?
Nghe giọng cô ta, Nghĩa Nhân càng thêm bực, liền cúp máy khiến cho cô ta ấm ức, giận dỗi thế nào cũng mặc kệ.
Loay hoay mãi mà Thy Huyên vẫn chưa chọn được món quà nào vừa ý để đi dự sinh nhật của Bảo Ngọc. Nhỏ ấy chuyên gia là chê đồ nội, ưa chuộng hàng ngoại. Thật là khó chọn món quà vừa ý.
– Tôi chọn cái này.
Thy Huyên định quay lại cãi với người vừa lên tiếng thì cô chỉ biết mở to mắt nhìn anh ta:
– Lại là Bất Nhân.
– Chính tôi đây. Tôi muốn mua vật này.
Thy Huyên trả lời nhạt nhẽo:
– Tùy.
Rồi cô định bỏ đi, Nghĩa Nhân gọi lại:
– Nếu cô cần thì tôi nhượng lại.
Thy Huyên bĩu môi:
– Vô lý. Chính tôi chọn trước và nhường cho anh đó thôi.
Nghĩa Nhân suy nghĩ giây lát rồi nói:
– Thì bây giờ tôi nhường lại cho cô đó.
Thy Huyên lắc đầu:
– Điều đó không cần đâu. Tôi không thích nữa.
Nghĩa Nhân gọi cô chủ gói lại thật đẹp:
– Tôi muốn tặng cho một cô em gái nhân sinh nhật của nó.
Cô chủ cười khen anh:
– Anh thật tốt. Biết chọn quà xứng đáng cho em gái.
– Cám ơn cô!
Rồi anh đuổi theo Thy Huyên:
– Có vậy thôi mà cô cũng giận tôi nữa sao?
Thy Huyên nói mà không thèm quay lại:
– Ai thèm giận người dưng.
Nghĩa Nhân nói:
– Tôi nhớ là mình đã quen nhau đúng ba tháng mười ngày cộng thêm ba tiếng của buổi sáng chủ nhật này.
Thy Huyên kêu lên trong bụng:
“Trời đất ơi! Anh ta điên rồi hay sao vậy”.
– Vớ vẩn!
– Không đâu, tôi nhớ rất rõ đó mà.
Thy Huyên cảm thấy buồn cười vô cùng.
– Anh nói với tôi chuyện ấy để làm gì?
– Để cho biết mình không phải là người dưng nữa.
– Là bà con à.
– Không. Là bạn.
Thy Huyên quay quắt lại:
– Ai thèm làm bạn với người gỗ như anh chứ?
Nghĩa Nhân gãi gãi đầu:
– Không đâu, tôi có tim, có khối óc minh mẫn kia mà.
– Vậy sao! Nhưng tôi vẫn không thích là bạn của anh.
– Tại sao?
Thy Huyên lườm anh:
– Thì tại tôi không thích, thế thôi. Anh còn hỏi gì nữa không?
Nghĩa Nhân tỏ ra có thành ý:
– Tôi muốn mời cô ly nước để có thành ý xin lỗi.
– Chuyện gì nữa đây? - Thy Huyên nhìn sững vào anh - Tôi không uống.
– Tôi chẳng hiểu tại sao cô lại có thành kiến với tôi thế?
Thy Huyên cười nhạt:
– Anh không hiểu hay là anh làm ra vẻ ngây thơ cụ.
Nghĩa Nhân cũng nhìn cô:
– Tại sao lúc nào cô cũng nghĩ xấu về tôi mãi như thế?
– Thì anhvốn là vậy mà.
Nghĩa Nhân cười hiền:
– Tôi thấy mình đâu đến nỗi như thế.
– Trời! Tôi không thể hiểu nổi anh đó.
– Bây giờ thì tôi đi, được chưa?
Nghĩa Nhân như vẫn còn có thành ý nên nói:
– Thật lòng tôi muốn mời cô ly nước.
Thy Huyên vẫn lắc đầu từ chối:
– Tôi rất là bận. Và cũng không thể uống nước với anh.
– Cô đừng có như vậy mà Thy Huyên.
Thy Huyên hỏi lại:
– Vậy anh muốn tôi phải làm sao đây chứ?
– Ngồi uống nước như chúng ta là bạn vậy.
Thy Huyên lắc đầu kiêu hãnh:
– Không bao giờ. Tại sao tôi phải kết bạn với anh kia chứ?
Nghĩa Nhân hơi nghiêng người nhìn cô:
– Bộ tôi xấu đến vậy sao?
– Anh tưởng anh tốt và đàng hoàng lắm hay sao?
– Nhưng dù gì thì tôi cũng có thiện chí chịu xin lỗi cô.
Thy Huyên cảm thấy có gì đó buồn cười.
– Ai bảo anh làm như vậy, chỉ mất thời gian thôi.
– Đừng cố chấp mà!
Thy Huyên vẫn khăng khăng:
– Cám ơn lòng tốt của anh. Tôi không dám nhận đâu.
Nghĩa Nhân nhăn mày:
– Tôi phải làm sao thì cô mới chịu tha lỗi cho tôi?
Cô lắc đầu:
– Không cần đâu. Anh không quấy rầy tôi nữa là tốt rồi.
Trời ạ! Thế mới biết cô ta thật là khó khăn, nghiêm khắc đến như vậy. Nếu biết trước thế này thì anh ta không dại gì mà chọc tức cô.
– Cứ coi như mọi chuyện trước đây là tôi sai. Tôi xin lỗi.
Anh ta có thành khẩn thật không vậy? Dù có hay không thì mình cũng phải cho anh ta một bài học mới được.
– Nhưng với tôi, mọi chuyện đã in vào đầu thì khó quên lắm. Anh khỏi cần phải năn nỉ.
– Cô nói tôi là người gỗ, vậy cô là người gì đây? Đá chắc?
Thy Huyên nói giọng tỉnh queo:
– Thế cũng tốt.
Nghĩa Nhân nhăn mặt như khỉ ăn phải ớt:
– Cô sắt đá như vậy sao?
– Đó là bản tính trời cho, không thể thay đổi được.
Nghĩa Nhân bật cười lớn:
– Vậy sao! Vậy thì cô cứ ôm khư khư cái tính của cô đó đi, để mau trở thành gái già.
Không ngờ Thy Huyên lại nói:
– Có như thế thì không tới lượt anh phải lo đâu.
Nghĩa Nhân xua tay nói giọng bất cần:
– Ai thèm lo chi cho mệt.
Vừa lúc ấy Quân đi ngang qua, thấy Thy Huyên, anh ghé lại:
– Em đi mua sắm hả Thy Huyên?
Gặp Quân, Thy Huyên mừng lắm:
– Anh đến thật đúng lúc, mình đi uống nước anh.
Quân nhìn Nghĩa Nhân rồi hỏi:
– Em chưa giới thiệu cho anh hết về bạn của em.
Thy Huyên lắc đầu từ chối:
– Không, anh ta không phải là bạn của em.
Quân ngạc nhiên:
– Không phải à?
Nghĩa Nhân cười, nói một cách thản nhiên:
– Dù gặp nhau một nghìn lẻ một lần rồi, nhưng chúng tôi vẫn chưa là bạn, anh có tin không?
Quân lắc đầu:
– Làm sao mà tôi hiểu được?
Thy Huyên kéo Quân đi:
– Mình đi anh!
Quân lên xe:
– Em uống nước ở đâu?
– Đi rồi sẽ biết.
Nghĩa Nhân nheo mắt nhìn theo. Anh biết dù cô ta cố tình muốn trêu chọc anh thì rõ ràng Quân không là gì của cô cả.
– Làm gì mà thừ người ra vậy cậu ấm?
Nghĩa Nhân cười khì:
– Cô kỹ sư thiết kế của cậu đấy mà.
– Cô ấy làm sao?
– Vừa ở đây đi.
Sĩ Đạt nghi ngờ nhìn bạn:
– Lại chọc giận cô ấy nữa rồi chứ gì?
Nghĩa Nhân cười khì:
– Vậy cậu bảo mình phải làm gì khi gặp cô ấy?
Sĩ Đạt xua tay:
– Thật tình thì mình chẳng thể nào hiểu được cậu cả.
– Ngược lại thì mình cũng thế thôi. Yêu người ta thì bảo đại là yêu đi, còn bày đặt dông dài nữa.
Sĩ Đạt đấm nhẹ vào lưng bạn:
– Nếu yêu được thì còn nói gì nữa chứ.
– Nghĩa là cậu cũng chưa thể hi vọng?
– Ừ.
– Vậy cũng phải.
– Nghĩa là sao?
– Cô ấy có người yêu rồi.
– Là ai?
– Anh ta tên là Quân.
Sĩ Đạt lẩm bẩm:
– Quân ư? Có thể nào là vậy?
– Cậu nói gì vậy?
Sĩ Đạt lắc đầu:
– Không có gì.
Nghĩa Nhân chọc bạn:
– Thất vọng rồi còn chứ gì nữa. Người ta có người yêu rồi.
Sĩ Đạt im lặng. Anh không bao giờ tin chuyện ấy. Thy Huyên không hề có tình cảm với Quân. Có thể cô ta chỉ lòe Nghĩa Nhân mà thôi.
Mọi người đã đến đông đủ. Bảo Ngọc đảo mắt nhìn mãi vẫn không thấy Thy Huyên. Nhỏ này sao muộn vậy chứ?
– Sinh nhật vui vẻ.
– Ơ hay! Sao trễ thế?
Thy Huyên nhoẻn miệng cười:
– Xin lỗi, có sự cố.
Ngọc giục:
– Thôi, vào bàn đi!
Thy Huyên ngần ngại:
– Ngồi ở đâu?
Bảo Ngọc đẩy bạn đến cạnh Sĩ Đạt:
– Mi ngồi cạnh anh Đạt nhé!
Thy Huyên liền vui vẻ:
– Được thôi.
Đạt nhích lại:
– Em ngồi đi Huyên.
Thy Huyên vừa ngồi xuống, còn hai chiếc ghế trống cạnh cô:
– Xin lỗi, tôi ngồi được không?
Sĩ Đạt “ồ” lên một tiếng:
– Ồ! Có cậu nữa sao? Cứ tự nhiên!
Nghĩa Nhân ngồi xuống, anh gật đầu chào Thy Huyên:
– Chào bạn!
Thy Huyên lắc đầu quay đi chỗ khác. Cô thắc mắc tại sao lại có mặt anh ta ở đây chứ? Biết bạn sẽ hỏi nên Bảo Ngọc nói:
– Ảnh là bạn thân của anh Hai mình đấy.
Thy Huyên gật đầu:
– Không sao, mặc anh ấy.
Bảo Ngọc tuyên bố lý do, rồi bữa tiệc diễn ra:
– Mời các bạn tự nhiên!
Tiếng chén đũa, ly tách chạm nhau, rồi tiếng cười nói vui vẻ tạo thành một âm thanh hỗn độn. Nghĩa Nhân để vào chén Thy Huyên một miếng thịt to:
– Xin mời cô!
Thy Huyên từ chối rồi để trả lại miếng thịt và vào chén Nghĩa Nhân, cô nói một cách nhã nhặn:
– Xin biếu lại anh.
Nghĩa Nhân cười gượng gạo:
– Cô vẫn chấp nhặt chuyện cũ sao?
Cô lắc đầu, đáp:
– Không đâu! Tôi chỉ thực hiện theo lời ông bà ta thường nói thôi.
Nghĩa Nhân ngạc nhiên hỏi:
– Ông bà ta nói sao?
Thy Huyên cười cười:
– Là “muốn ăn gắp bỏ cho người” ấy mà.
Nghĩa Nhân cười lớn:
– Cô nghĩ vậy thật à?
– Tất nhiên rồi.
Sĩ Đạt xen vào:
– Thôi đi, đã ngồi cùng bàn nghĩa là bạn của nhau rồi đó. Từ nay đừng có mâu thuẫn nữa.
Thy Huyên từ chối:
– Vậy thì không được.
– Tại sao?
Thy Huyên mím môi:
– Tại em không thích.
Sĩ Đạt ngăn:
– Anh thấy Nghĩa Nhân có thành ý lắm mà.
Thy Huyên cười tủm tỉm:
– “Bất Nhân” chứ có Nghĩa Nhân đâu.
Sĩ Đạt lại khuyên:
– Đừng nên cố chấp, hãy thêm bạn để bớt thù đi em ạ!
Thy Huyên vẫn nói:
– Nhưng với anh ta thì em không thể được.
Sĩ Đạt vẫn cố khuyên:
– Tuy bề ngoài nó như thế nhưng thật ra tình cảm của nó luôn đong đầy.
Thy Huyên bật cười:
– Tại sao anh lúc nào cũng nói tốt cho anh ta vậy?
– Thì nó tốt thật mà.
Thy Huyên nhìn anh trân trân. Cô mím môi hỏi:
– Có phải vì sợ chị Cẩm Tú hiểu lầm cho nên anh ...
Sĩ Đạt đưa tay ngăn:
– Em đừng hiểu lầm như vậy. Anh chưa bao giờ sợ Cẩm Tú một điều gì cả.
– Thế tại sao anh cứ khăng khăng bảo em phải kết bạn với anh ta chứ?
– Vì anh thấy nó thật lòng với em mà thôi.
Cô vẫn nói:
– Anh thật sự không hiểu mâu thuẫn giữa em và anh ta đâu.
Sĩ Đạt gật gù:
– Anh hiểu chứ. Nó là thằng bạn nối khố của anh mà. Nhưng có điều ...
– Sao anh ngập ngừng?
Sĩ Đạt bày tỏ:
– Đó chỉ là lớp vỏ bên ngoài thôi, em ạ!
– Em không thể tin được đâu. Năm lần bảy lượt anh ta luôn làm em bực mình.
– Cá tính của nó là như vậy mà.
Thy Huyên phản ứng:
– Ngược lại thì em không thích điều đó đâu.
Nghĩa Nhân thấy hai người thì thầm to nhỏ với nhau mãi, anh hơi bực bội nói:
– Hai người say sưa đến nỗi quên hết tất cả mọi việc xung quanh rồi à?
Sĩ Đạt vỗ vai bạn:
– Làm gì có chứ.
Nghĩa Nhân cằn nhằn:
– Muốn nói chuyện riêng thì cũng nên chờ lúc ra về đi.
Thy Huyên bặm môi mở to mắt nhìn anh:
– Anh có nghe thấy gì không, Sĩ Đạt?
Sĩ Đạt cười hì hì:
– Đó chỉ là ...
Thy Huyên ngắt ngang lời anh:
– Vậy đủ rồi mà anh.
Thy Huyên đứng lên, Sĩ Đạt nắm tay cô kéo xuống:
– Đừng thế mà Thy Huyên.
– Em muốn về sớm một chút.
Nghĩa Nhân nói khích:
– Cô ấy muốn về, cậu cứ đưa cô ấy về đi.
Sĩ Đạt nhăn mặt nhìn bạn, anh rủa thầm trong đầu:
Thằng quỷ này điên thật mà. Mình ra sức vun đắp thì nó lại đạp phá.
– Cậu thật là ...
Nghĩa Nhân nhìn bạn, hỏi:
– Sao, mình đã nói sai à?
Sĩ Đạt gượng cười:
– Thì đúng.
Sĩ Đạt đi theo Thy Huyên:
– Thy Huyên!
Thy Huyên quay lại:
– Anh nên ở lại, tiệc còn đang diễn ra mà.
Sĩ Đạt bước lại gần hơn:
– Anh đưa em về rồi sẽ quay lại.
Thy Huyên từ chối:
– Em về một mình được rồi, anh nên quay vào vui với bạn bè đi.
– Nhưng mà ...
Cẩm Tú xuất hiện, cô xen vào:
– Cô ấy nói vậy thì cũng đúng thôi anh còn bận bịu làm gì?
Sĩ Đạt vô cùng ngạc nhiên:
– Sao lại ở đây, Cẩm Tú?
Cẩm Tú cười nhạt:
– Sao em không thể ở đây chứ? Em phải có để tìm ra một sự thật.
Sĩ Đạt nhìn cô:
– Sự thật gì chứ?
Cô bật cười lớn:
– Anh có thật sự không hiểu à?
Sĩ Đạt đâm bực bội:
– Em đừng có nói với giọng điệu đó được không?
Cẩm Tú thôi cười mà nhìn anh đăm đăm:
– Vậy anh muốn em nói như thế nào mới đúng? Anh dạy cho em đi!
Sĩ Đạt vô cùng thất vọng, anh lắc đầu rồi buông tiếng thở dài:
– Em thật không hiểu gì cả.
Cẩm Tú lại cười nhạt:
– Đúng là em không hiểu đâu, vì hai người quá kín đáo mà.
Thy Huyên bỏ đi. Cô thật không thể nào hiểu nổi thái độ của Cẩm Tú. Biết làm sao cho chị ấy hiểu đây?
– Tôi đưa cô về được chứ?
Tiếng của Nghĩa Nhân làm cô giật mình:
– Anh này làm người ta hết hồn.
Nghĩa Nhân cười lớn:
– Cô mà cũng nhát vậy à?
Thy Huyên cho xe chạy nhanh hơn:
– Anh không được chạy theo tôi đó.
– Ê! Đây là đường công cộng, ai muốn đi đâu là tùy thích mà.
– Hừm ...
Nghĩa Nhân cho xe chạy song song với cô, anh gợi ý:
– Tiệc còn dài, sao về sớm vậy?
– Tại không thích.
Nghĩa Nhân cười:
– Cô không thích sự có mặt của tôi phải không?
– Biết rồi mà còn hỏi.
– Nhưng tôi có làm gì đâu mà cô không thích tôi?
Thy Huyên đáp bừa:
– Thì tại không ưa thế thôi.
Nghĩa Nhân phì cười:
– Cô giận dai đến như vậy sao?
– Tôi nói rồi, tôi không thèm giận người dưng.
Nghĩa Nhân vẫn cho xe chạy song song với cô:
– Tôi xin được đưa cô về nhà nhé?
– Không được. Tôi không có tiền để mướn vệ sĩ đâu.
– Miễn phí.
– Không cần.
Thy Huyên không cho xe chạy về nhà, mà cô chạy quanh quẩn mãi trên các con hẻm nhỏ, mặc cho Nghĩa Nhân cứ bám theo sau mình.
Buổi sáng, Thy Huyên đến nơi làm việc. Sĩ Đạt đã đến tự bao giờ, anh đang nói chuyện với Cẩm Tú. Thấy cô, anh cười vui vẻ:
– Em đến rồi à?
– Vâng!
– Ngồi xuống đây, chúng ta bàn công việc một chút.
Cẩm Tú nguýt dài:
– Có cần phải trân trọng vậy không?
Sĩ Đạt không để ý đến câu nói của Cẩm Tú:
– Ngày mai chúng ta sẽ xuất hàng với số lượng lớn, em đến sớm giúp anh chứ?
Thy Huyên từ chối khéo:
– Chị Cẩm Tú giúp anh được rồi. Ngày mai em bận rồi.
Sĩ Đạt tỏ thái độ tiếc:
– Vậy à!
Thy Huyên nói với anh:
– Xin anh đừng làm cho em phải khó xử.
Sĩ Đạt nghiêm giọng:
– Đây là chuyện làm ăn, em không cần phải lo đâu.
Thy Huyên lắc đầu:
– Từ nay em chỉ có mặt những lúc cần thiết mà thôi.
– Em nói vậy là sao?
Thy Huyên tâm sự:
– Em còn lo cho lũ trẻ nữa, anh ạ. Anh nên thông cảm cho em.
Sĩ Đạt nhìn cô:
– Em cố tình muốn tránh mặt anh chứ gì?
Thy Huyên nhìn anh:
– Em chỉ muốn tốt cho anh mà thôi. Đừng để chị Cẩm Tú phải hiểu lầm.
Sĩ Đạt gật gù:
– Anh hiểu tính của em rồi. Chúng ta trong sáng thì sợ gì. Mình hiểu nhau mà Thy Huyên.
Cô mỉm cười:
– Mình hiểu nhau thì có ích gì chứ anh. Chị Cẩm Tú hiểu mới dễ chịu.
Sĩ Đạt ôm đầu:
– Chẳng biết đến khi nào cô ấy mới chịu hiểu đây?
Thy Huyên khuyên:
– Anh nên quan tâm đến chị ấy nhiều hơn nữa.
– Anh có bỏ bê gì cô ấy đâu. Chẳng qua là vì cô ấy chẳng muốn chịu hiểu mà thôi.
– Hiểu mà, nếu anh chịu quan tâm một chút là được rồi.
Cẩm Tú đã bỏ ra ngoài từ lâu. Sĩ Đạt nói với Thy Huyên:
– Anh mời em cơm trưa có được không?
Thy Huyên từ chối:
– Cám ơn anh, em có hẹn rồi.
– Vậy à!
Sĩ Đạt tiếp tục làm việc của mình. Cẩm Tú cặm cụi tiếp tục công việc còn dang dở.
– Hello!
Đạt ngẩng đầu lên kêu to:
– Trời! Ai vậy ta?
Nghĩa Nhân cặp tay với một cô gái, lên tiếng:
– Ta chứ còn ai.
Sĩ Đạt đứng lên cười rạng rỡ:
– Làm gì mà ăn mặc kiểu cách đến như thế này?
Nghĩa Nhân rùn vai:
– Bình thường thôi mà.
Sĩ Đạt nhìn cô gái:
– Cô này là ...
Nghĩa Nhân cố nói to:
– Đây là Mỹ Lan bạn gái tôi.
Sĩ Đạt gật đầu chào:
– Xin chào Mỹ Lan!
Mỹ Lan chúm chím môi hồng:
– Chào anh!
Nghĩa Nhân bước lại bên Thy Huyên, hất mặt hỏi:
– Khách đến mà không chào hàng à?
Thy Huyên ngẩng đầu lên bảo:
– Tiệm chúng tôi có rất nhiều người. Vả lại có ông chủ tôi tiếp rồi còn gì.
Nghĩa Nhân mím môi:
– Nhưng cô là nhà thiết kế thì ít ra cũng đứng ra thuyết trình chứ?
Thy Huyên cười nhạt:
– Đấy là quy định của chúng tôi, xin quý khách vui lòng.
Mỹ Lan lựa lựa chọn chọn một hồi rồi tỏ thái độ chê bai:
– Em chẳng lựa chọn được cái nào ưng ý cả. Thô và không có gì là thời trang cả.
Sĩ Đạt cười lấy lòng:
– Cô nói cũng đúng thôi, vì cô là Việt kiều mà. Nhưng hàng nội cũng không kém chất lượng đâu.
Thy Huyên đứng lên, cô cầm xắc tay, nói:
– Chị nói cũng đúng đấy. Nhưng cái này chỉ dành cho những người biết sử dụng nó kìa. Còn chị chắc không xứng đáng với nó đâu.
Nghĩa Nhân nhìn cô trân trân:
– Hừm! Buôn với bán mà nói kiểu vậy đó à?
Thy Huyên nhìn anh như thách thức:
– Tôi nói vậy mà phật lòng quý khách ư?
– Vậy cô cho là lịch sự à?
– Rất ư là lịch sự.
Nghĩa Nhân tức giận nói với Sĩ Đạt:
– Nhân viên của cậu là vậy à?
Sĩ Đạt đâu thể để Thy Huyên thiệt thòi nên nói:
– Cô ấy nói như thế đâu có gì là sai?
– Cậu ...
Thy Huyên thấy có một đoàn người vào cửa hiệu, nên nói rất to:
– Chị Thanh ơi, ra giúp cho chị Cẩm Tú kìa. Hôm nay khách đông lắm.
– Được rồi.
Thy Huyên cũng giục Sĩ Đạt:
– Anh ra giúp em một tay luôn.
Vừa nói, cô vừa đẩy anh ra ngoài. Cô nói:
– Nên làm cho khách hài lòng đi anh.
Vậy là Thy Huyên cười cười nói nói vui vẻ với khách. Nghe giọng nói ngọt ngào lịch sự của cô với khách, Nghĩa Nhân rất đỗi ngạc nhiên. Phút chốc cô bán gần hết cả mấy lố hàng. Sĩ Đạt đưa cho cô ly nước:
– Em uống nước đi. Mồ hôi ra nhiều rồi kìa.
Thy Huyên cười hài lòng:
– Buôn bán cũng nên vất vả một chút chứ anh.
Sĩ Đạt nói như vuốt ve:
– Ngày nào cũng như thế này chắc làm giàu luôn quá.
Thy Huyên nói như cố tình để Nghĩa Nhân nghe:
– Cũng còn một số ít người chuộng hàng ngoại, anh ạ!
– Có lẽ là như vậy.
– Thực tế có.
Sĩ Đạt cười:
– Thì cũng đúng thôi.
Thấy Nghĩa Nhân nhìn mình, Thy Huyên lại nói:
– Anh còn có nhã ý mời cơm trưa em không?
– Tất nhiên là có rồi.
Xem đồng hồ, Thy Huyên nói:
– Em đói rồi. Anh có cùng đi với em không?
Sĩ Đạt nói nhanh:
– Tất nhiên là đi rồi.
Sĩ Đạt quay sang hỏi Nghĩa Nhân:
– Cậu có hứng thú đi ăn cùng chúng tôi không?
Thy Huyên liền nói:
– Người sang trọng đâu thể đi ăn bụi với tụi mình, anh khéo hỏi thì thôi.
Mỹ Lan xen vào:
– Tất nhiên rồi. Tôi quen ăn ở nhà hàng sang trọng.
Nghĩa Nhân dù muốn dù không cũng phải nói:
– Tất nhiên rồi. Anh sẽ đưa em đến nhà hàng sang trọng nhất.
Mỹ Lan cặp tay anh:
– Đi thôi! Mất cả buổi chẳng tìm được cái vừa ý.
Thy Huyên vẻ mặt kém vui nhìn cô ta. Thấy được điều đó nên Sĩ Đạt bảo cô:
– Ta đi thôi em.
Nghĩa Nhân cùng cặp tay Mỹ Lan đi ra:
– Đi em!
Mỹ Lan bây giờ mới thể hiện nỗi bực bội của mình:
– Anh với cô ấy làm sao vậy?
Nghĩa Nhân đáp tỉnh:
– Có làm gì đâu.
Mỹ Lan phụng phịu:
– Anh không thể qua được mắt của em đâu.
– Qua mắt gì chứ?
– Hai người có tình ý với nhau phải không?
Nghĩa Nhân cười:
– Làm gì có. Chẳng lẽ em không thấy gì sao?
Mỹ Lan phán một câu:
– Hai người đang yêu nhau đúng không hả?
– Gì mà yêu nhau chứ! Gặp nhau chỉ để gây gổ mà thôi.
– Đó là biểu hiện của tình yêu.
Nghĩa Nhân cười:
– Trời! Em cũng có kinh nghiệm vậy sao?
Mỹ Lan giận dỗi:
– Em không đùa với anh đâu.
– Thì anh cũng đâu có đùa. Anh không có hân hạnh để được cô ta yêu đâu.
Mỹ Lan cười mai mỉa:
– Anh đừng có nói nữa. Thái độ của hai người đã cho em biết điều đó mà.
Nghĩa Nhân khoát tay:
– Người ta đã có người yêu rồi mà.
Mỹ Lan chu môi hỏi:
– Dường như anh đang buồn.
– Sao anh buồn chứ?
Mỹ Lan muốn giận cũng không giận được. Dẫu biết rằng cô yêu anh ấy thật nhiều, nhưng cô chưa được anh đáp lại một cách nồng nhiệt.
– Chừng nào em trở qua bên ấy?
Mỹ Lan nhìn anh:
– Anh mong em đi đến vậy à?
– Anh chỉ sợ ảnh hưởng đến công việc làm ăn của em thôi.
Mỹ Lan ấm ức:
– Anh chỉ nghĩ đến công việc thôi à?
– Thì anh lo cho em thôi mà.
Mỹ Lan bỏ đi một nước, Nghĩa Nhân phải chạy xe theo. Anh biết Mỹ Lan yêu mình nhưng anh vẫn chưa có gì gọi là yêu. Anh chỉ xem Mỹ Lan như là bạn mà thôi.
Bà Luyến đón tiếp Nghĩa Nhân rất vui vẻ. Bà xem anh như một vị ân nhân tốt:
– Cậu làm cho tôi xúc động quá. Nếu được cậu giúp đỡ thì mấy đứa nhỏ đỡ khổ.
Nghĩa Nhân cười hiền từ:
– Cháu chỉ muốn giúp dì một phần nhỏ, có gì đâu.
Bà Luyến mấp máy đôi môi:
– Thời buổi này hiếm có người chịu ra tay giúp người nghèo lắm cậu ạ.
Nghĩa Nhân lắc đầu:
– Có thể họ chưa được biết đó thôi. Cháu nghĩ sẽ có nhiều người lắm đó!
Bà Luyến cười cởi mở:
– Cậu nói vậy là tôi mừng.
– Cháu sẽ mời mọi người đến đây để ủng hộ dì.
Bà Luyến thở dài:
– Thấy tụi nó lăn lóc vất vả mà thương. Cha mẹ bỏ rơi, tôi đưa chúng về mà nuôi.
Nghĩa Nhân hứa hẹn:
– Từ nay cháu sẽ giúp dì một tay. Dì an tâm đi.
Bà Luyến gật gù:
– Vậy cũng tốt. Các bạn của Thy Huyên cũng có đến đây ủng hộ rất nhiệt tình.
Nghĩa Nhân đưa bà phong bì:
– Dạ, cháu gửi dì để lo cho các em.
Bà Luyến đưa đôi tay run run đón nhận:
– Xin nhận ở cậu tấm lòng tốt.
Nghĩa Nhân nựng nịu hai gò ma phúng phính của út Mén và bé Mai.
– Thôi cháu về. Mai mốt cháu lại ghé qua.
Bà Luyến gật gù lia lịa:
– Được rồi. Cám ơn cậu nhiều lắm đó.
Nghĩa Nhân về rồi, bà Luyến còn tần ngần đứng nhìn theo. Mạnh thường quân trẻ tuổi đi một chiếc xe Toyota mui trần, cậu ta chắc là giàu lắm.
Quân cho xe dừng trước cổng. Thấy bà, anh liền lên tiếng:
– Dì chờ ai thế?
– Con có thấy chàng trai trẻ vừa lái chiếc xe mui trần đi không?
Quân ngơ ngác:
– Xe mui trần nào ạ! Con có thấy gì đâu?
– Vậy à!
– Có chuyện gì sao dì?
Bà Luyến lắc đầu:
– À không! Cậu ấy đến đây trao cho dì phong bì này vừa mới đi.
Quân cầm phong bì dày cộm, anh mở ra nhìn.
– Ôi! Tiền đâu mà nhiều thế này?
Bà Luyến kể:
– Cậu ấy vừa đưa cho dì, bảo ủng hộ mấy đứa nhỏ.
Quân ngạc nhiên hỏi:
– Nhưng sao cậu ta biết mà tìm đến giúp đỡ?
Bà Luyến mù tịt nên nói:
– Dì cũng không biết.
Quân nhìn vào trong:
– Mấy đứa nhỏ vẫn chưa về hả dì?
Bà Luyến chợt nhớ nên giật mình:
– Ờ, con nhắc dì mới nhớ. Mấy đứa sao hôm nay về trễ như thế này chứ?
Quân định đi tìm thì bị bà Luyến ngăn lại.
– Chắc là tụi nó còn ở lại để làm vệ sinh.
Quân nhìn đồng hồ rồi nói:
– Thy Huyên chắc không về ăn cơm rồi.
Bà Luyến than phiền:
– Con nhỏ cứ tham việc, chẳng chịu nghĩ về bản thân gì cả.
Quân nói đỡ cho cô:
– Chắc khách hàng mời cơm trưa đó thôi!
Bà Luyến lại nói:
– Lúc này dì thấy nó đi sớm về trễ, mặt mày hốc hác quá!
Quân an ủi:
– Công việc bận rộn nên cô ấy mới thế.
– Dù gì thì cũng nên nghĩ đến sức khỏe của mình.
Quân biết điều bà lo lắng cũng hợp lý. Anh cũng cảm thấy xót xa khi nhìn Thy Huyên ngày một xanh xao.
– Con cũng khuyên cô ấy rồi. Nhưng Thy Huyên vì thương mấy đứa nhỏ mà thôi.
Mãi một lúc sau, Tửng, Xuân và Tím mới về. Bà Luyến lo lắng:
– Sao mà về trễ thế?
Tím thay mặt hai đứa, nói:
– Dạ, tụi con gặp một anh tốt bụng mời đi ăn.
Xuân khoe:
– Những món ăn anh ấy gọi ngon ơi là ngon.
Tửng cũng góp phần:
– Chưa bao giờ được ăn ngon như hôm nay đấy ngoại.
Bà Luyến lẩm bẩm:
– Ai mà tốt bụng như vậy?
Quân nhìn bà rồi nói:
– Có khi nào là anh ta không dì?
Bà Luyến quay sang hỏi Tím:
– Cậu ta là người như thế nào?
Tím chớp mắt suy nghĩ rồi nói:
– Anh ấy cao to, người trắng, mà đẹp trai.
Tửng xen vào:
– Đẹp trai hơn anh Quân hả?
Xuân gật gù:
– Ừ, to khỏe đẹp hơn.
Quân làm bộ giận:
– Người ta mới cho các em ăn một bữa ăn ngon là đã phản bội anh rồi sao?
Tửng chống chế:
– Không! Dù sao anh Quân cũng là người tốt nhất.
Tửng bảo:
– Anh kia mới tốt.
Xuân dàn hòa:
– Cả hai anh đều tốt.
Mọi người cùng cười. Bà Luyến nhìn mấy đứa nhỏ, nói:
– Thôi vào tắm rửa đi!
Tửng chần chừ chưa muốn đi:
– Ngoại? Con muốn ...
Bà Luyến nói ngạc nhiên:
– Con muốn gì thì nói đi!
Quân vỗ vai nó:
– Em muốn nói gì?
Tửng hơi cúi đầu:
– Con muốn lãnh vé số bán thêm buổi tối.
Bà Luyến nhìn nó trừng trừng:
– Sao con lại có ý nghĩ đó?
Tửng se se vạt áo:
– Dạ, con ... con ...
Tím gay gắt:
– Cậu lại làm sao nữa rồi.
Xuân cũng lo lắng:
– Gì vậy Tửng?
Tửng rơm rớm lệ:
– Con muốn nhiều tiền để đi tìm mẹ.
Tím hỏi:
– Nhưng biết mẹ cậu ở đâu mà tìm?
– Mình không biết, nhưng cố gắng tìm sẽ gặp.
Bà Luyến bàng hoàng nhìn nó:
– Con định đi tìm mẹ ư?
Quân nắm chặt tay nó:
– Mẹ em ở đâu chẳng ai biết được, làm sao mà tìm.
Xuân bảo:
– Ở đây cũng sướng vậy.
Tửng bặm môi:
– Nhưng ...
Bà Luyến hiểu nỗi lòng của một đứa trẻ sống thiếu vắng tình thương yêu bao la của mẹ. Bà ôm nó vào lòng dỗ dành yêu thương như đứa cháu ruột của mình.
Thy Huyên cầm phong bì tiền mà trong lòng thắc mắc. Anh ta là ai mà tặng số tiền lớn đến như vậy.
– Anh ta là ai?
Quân thấy Thy Huyên mải suy nghĩ nên nói:
– Anh ấy là ai cũng được, người ta có lòng tốt muốn góp sức thì mình nhận.
– Nhưng ít ra mình phải biết người ta là ai.
Quân khuyên:
– Có nhiều nhà hảo tâm người ta không muốn lộ danh phận, em ạ!
Thy Huyên gật đầu:
– Thì em biết điều đó mà. Nhưng em vẫn cảm thấy áy náy làm sao ấy.
Bà Luyến lên tiếng:
– Không cần phải lo đến như vậy con ạ. Cứ nhận lòng tốt của người ta đi.
Thy Huyên hỏi Quân:
– Mình làm gì với số tiền này?
Quân bảo:
– Em mua sắm quần áo. Rồi có thể được, mua cho mỗi đứa một chiếc xe đạp tốt hơn.
Xuân sáng mắt mừng rỡ:
– Ôi! Từ nay mình có xe đạp mới để đi rồi.
Tím trừng mắt nhìn nó:
– Em thấy chị nên để dành tiền này để làm vốn mua bán.
Tửng cũng góp ý:
– Em muốn bán vé số, chị cho em nhé!
Thy Huyên nhìn những đứa trẻ ngây thơ mà lòng dâng lên một cảm xúc lạ:
– Thôi, hãy để cho chị suy nghĩ kỹ đã. Các em vào đi.
Thy Huyên đi song song cùng Quân, thở dài hỏi:
– Anh thấy em nên làm gì với số tiền này?
Quân hơi dừng lại:
– Anh thấy em nên tự giải quyết thì hơn.
Thy Huyên mím môi suy nghĩ. Hay là mở tiệm tạp hóa cho dì và mấy đứa trông coi.
– Mình bán tạp hóa nghe anh.
Quân dừng hẳn, anh nhìn cô:
– Bán tạp hóa vất vả cả ngày, rồi ai trông coi đây.
– Dì và mấy đứa nhỏ.
– Tụi nó còn học mà em. Anh thấy là em nên gửi ngân hàng.
Thy Huyên lặp lại:
– Gởi ngân hàng à?
– Đúng vậy.
Thy Huyên nhẩm tính rồi nói:
– Lãi đâu có bao nhiêu.
– Lời ít nhưng mà nó bảo đảm hơn.
Thy Huyên có vẻ bằng lòng:
– Anh tính vậy cũng được. Ngày mai, anh lo chuyện ấy giúp em với.
Quân từ chối:
– Em sao vậy? Em gởi tiền thì em đi, anh làm sao mà gửi giúp em.
– Thì anh đứng tên là được chứ gì.
Quân cười:
– Em không sợ anh à?
– Thôi đi, em giận anh bây giờ. Tính vậy đi nha!
Quân nhìn cô:
– Tối nay em đi chơi với anh nhé?
Thy Huyên từ chối:
– Tối em có rảnh đâu mà đi chơi với anh. Em còn hai đứa nhỏ.
– Đôi lúc em nên dành cho mình ít thời gian giải trí chứ.
Thy Huyên trầm ngâm suy nghĩ. Mình đi chơi thì được rồi, nhưng để cho dì lo cho hai đứa nhỏ thì tội lắm.
– Em biết. Nhưng mà hoàn cảnh, anh đã thấy rồi đó.
Quân thở dài:
– Anh thật không hiểu nổi em. Gì thì gì cũng nên nghĩ cho bản thân mình chứ.
Thy Huyên hờn trách:
– Ở nơi làm việc thì em sợ anh Sĩ Đạt trách, bây giờ đến lượt anh.
Quân cười cầu hòa:
– Tụi anh chỉ muốn tốt cho em mà thôi.
Cô cười hiền:
– Em hiểu rồi. Cho nên em đâu đã giận gì các anh đâu.
– Vậy thì tối nay đi với anh một lần được chứ?
– Thì đi. Nhưng ...
– Nhưng gì nữa?
Thy Huyên nói:
– Anh điện rủ thêm Bảo Ngọc cho vui.
Quân cố nén tiếng thở dài vào lòng:
– Thì để anh gọi.
– Bây giờ anh về đi, em còn lo tí việc nữa.
Quân cười hì hì:
– Đuổi khéo anh đó à?
– Không. Em bận thiệt đó.
Quân cùng cô trở vào nhà. Anh lấy nón rồi nói:
– Tranh thủ đi sớm nghe.
Thy Huyên nói đùa:
– Hên xui!
Quân ra về. Bà Luyến gọi Thy Huyên lại nói:
– Con coi làm sao đừng để Quân nó chờ lâu, tội nghiệp.
Thy Huyên chưa hiểu ý bà, cô hỏi:
– Chờ cái gì lâu hả dì?
– Thì chờ con lấy chồng đó.
Thy Huyên bật cười.
– Chuyện anh ấy cưới vợ thì đâu có liên quan gì tới con?
– Con nói lạ. Nó thương con nhiều lắm đó.
Thy Huyên ôm cánh tay dì, nũng nịu nói:
– Con sẽ chẳng lấy chồng đâu. Con nuôi dì và mấy đứa trẻ suốt đời luôn.
Bà Luyến đẩy nhẹ cô ra:
– Thôi đi cô, tôi không cần cô phải lo cho tôi đến như vậy đâu.
Thy Huyên cười hì hì:
– Nhưng con phải lo mà thôi. Dì không đuổi con được đâu.
Tiếng bà thở dài nghe nao lòng.
– Con cũng lớn rồi đâu thể vì dì và mấy đứa nhỏ mà bỏ qua tuổi xuân được.
Thy Huyên đứng lên, cô vẫn cố từ chối:
– Sống như dì vậy, chẳng phải sung sướng hơn không?
Bà Luyến nhìn sững vào đứa cháu gái thân yêu của mình. Nó làm sao hiểu được nỗi khổ tâm trong lòng bà suốt bao nhiêu năm qua. Nỗi khắc khoải trong lòng của bà trong suốt bao năm đã làm cho trái tim của bà như biến thành đá mất rồi.
– Dì khác, con khác. Ngày xưa vì hoàn cảnh, dì mới lỡ làng như vậy.
Thy Huyên vẫn cứ khăng khăng:
– Lập gia đình rồi chồng rồi con, khổ lắm dì ơi.
– Đành là vậy, nhưng con không thể nào cãi lại số trời được.
Cô lại ôm vai bà:
– Con đã quyết định rồi dì ạ!
– Con quyết định gì chứ?
Cô cười cười:
– Con sẽ ở vậy với dì luôn.
Bà Luyến kêu lên:
– Thôi đi nha, con không được có ý nghĩ thế đâu.
Thy Huyên đứng lên, cô phụng phịu nói:
– Bộ dì muốn đuổi con đi khỏi nhà này sao?
Nghe đau lòng khôn tả, bà Luyến xua tay:
– Sao dì lại muốn đuổi con chứ? Dì không mượn con phải khổ mà thôi.
– Làm gì mà khổ hả dì?
– Lớn tuổi đơn độc, buồn tẻ lắm con ạ!
Thy Huyên thôi không nói gì thêm nữa. Cô gọi điện cho Bảo Ngọc, hẹn tối đi chơi với Quân.
– Ôi! Hôm nay sao thế, rủ mình đi chơi nữa kìa.
– Có đi không thì nói?
– Đi, nhất định là phải đi rồi. Dễ gì được mi rủ như thế.
Thy Huyên gắt lên:
– Mi đừng có lộn xộn, ta xù thì ráng chịu.
Bảo Ngọc cười lớn:
– Ta không nói nữa đâu. Mà muốn biết mi rủ ta đi chơi với mục đích gì?
Thy Huyên nói đùa:
– Thì để giới thiệu người yêu cho mi đó, chịu chưa?
Bảo Ngọc kêu to:
– Thôi! Đừng có xí gạt ta đó nha! Đừng để ta mừng hụt, buồn lắm đó.
Thy Huyên hứa chắc:
– Được rồi mà. Thôi, chuẩn bị cho xinh đẹp đi, tối ta đến rước.
Bảo Ngọc cười giòn rồi cúp máy. Thy Huyên cũng mỉm cười một mình.
Hai người cứ đổ qua đổ lại với nhau. Nghĩa Nhân bảo:
– Cậu đúng là dở hơi, chuyện có vậy mà cũng không biết.
Sĩ Đạt thì lại nói:
– Yêu thì bảo là yêu đi, còn bày đặt màu mè, có ngày mất trắng.
Nghĩa Nhân trề môi:
– Làm gì có chuyện ấy. Với ta, cô ấy không thoát khỏi đâu.
Sĩ Đạt xua tay:
– Cậu làm ơn đừng có chủ quan giùm đi.
Nghĩa Nhân cười khan:
– Làm gì mà có chuyện chủ quan ở đây chứ?
– Thế còn Mỹ Lan thì sao?
Nghĩa Nhân xua tay.
– Đừng có đem Mỹ Lan vào đây.
– Tại sao không được. Mình không thích cậu bắt cá hai tay đâu.
Nghĩa Nhân bật cười lớn:
– Bắt cá hai tay ư? Nè, cậu đang lo lắng chuyện gì đấy?
Sĩ Đạt nói giọng nghiêm khắc:
– Mình không muốn cậu đùa giỡn với Thy Huyên như vậy.
– Ơ hay, Thy Huyên là gì của cậu mà cậu bênh vực cô ta chăm chăm vậy?
Sĩ Đạt nhìn bạn chăm chăm:
– Là gì cũng được, nhưng mình không thể để cậu làm khổ người ta.
Nghĩa Nhân bảo:
– Tôi và cậu chưa biết ai sẽ là người sẽ làm khổ cô ta đây?
– Sao cậu lại nói thế?
Nghĩa Nhân chắc lưỡi:
– Thì hãy nhìn kỹ vào sự thật sẽ rõ.
– Cậu nói gì tôi không hiểu.
Nghĩa Nhân hất mặt bảo:
– Hãy nhìn Cẩm Tú thì rõ.
Sĩ Đạt chợt hiểu:
– Cô ấy dám làm gì chứ?
Nghĩa Nhân cười khó hiểu:
– Làm gì thì cậu sẽ biết thôi mà. Đến lúc ấy thì đừng có nhăn nhó với mình.
Sĩ Đạt nói vẻ tự nhiên:
– Mình không tin Cẩm Tú có thể làm bậy.
Nghĩa Nhân chợt nghiêm giọng:
– Nói như vậy là cậu không hiểu tí gì về phụ nữ cả.
Sĩ Đạt hơi căng thẳng:
– Mình không thể tin.
– Được thôi, từ từ cậu sẽ thấy.
Sĩ Đạt thở dài:
– Cẩm Tú đúng là hơi ương ngạnh, khó chịu hiểu lý lẽ.
Nghĩa Nhân trách:
– Biết vậy sao cậu còn thân thiết với Thy Nguyên để làm khổ người ta kia chứ?
Sĩ Đạt kêu lên:
– Ôi hay! Sao hôm nay cậu có vẻ quan tâm đến Thy Huyên như vậy chứ?
Nghĩa Nhân lộ vẻ bối rối:
– Ôi! Thì thấy cảnh bất bình nên lên tiếng vậy mà.
Đưa tay vào ngực bạn, Sĩ Đạt hỏi giọng chế giễu:
– Thằng bạn có trái tim gỗ của tôi biết rung động tự bao giờ thế?
Đẩy tay bạn ra, Nghĩa Nhân cằn nhằn:
– Làm như chỉ một mình cậu là biết rung động trước phái đẹp thôi à?
Sĩ Đạt cười hì hì:
– Thì ra là vậy. Mình hiểu cậu rồi đó nha!
Nghĩa Nhân trở giọng:
– Cậu định nói chuyện quái quỷ gì nữa đây?
Sĩ Đạt chưa kịp nói thì Thy Huyên và Bảo Ngọc xuất hiện:
– Xin chào!
Bảo Ngọc vừa chào vừa bước nhanh đến tủ trưng bày xắc tay, cô reo lên:
– Những cái này trông cái nào cũng đẹp cả!
Thy Huyên cười khì vào tay bạn:
– Đến bây giờ mi mới nhận thấy sao hả?
Bảo Ngọc xỉ tay bạn:
– Anh ta tại sao có mặt ở đây?
Thy Huyên hơi mỉm cười:
– Hãy cứ tự nhiên, cứ xem như anh ta chẳng có mặt nơi này là được rồi.
Bảo Ngọc cằn nhằn:
– Có là có làm sao xem như không được đây?
– Mi cứ thả lỏng, cứ tự nhiên thoải mái.
Rồi Bảo Ngọc chợt thấy bộ mặt phù thủy của Cẩm Tú.
– Mi nhìn chị ta kìa.
Thy Huyên phớt lờ:
– Kệ cô ta đi!
– Mi làm việc với bầu không khí như thế này chẳng dễ chịu tí nào cả.
Thy Huyên cười cam chịu:
– Đành chịu thôi. Ta quen rồi.
– Trời ơi! Mi làm sao vậy? Tại sao phải ép mình như thế?
– Vì Sĩ Đạt tốt với mình.
Bảo Ngọc nhăn nhó:
– Tốt thì đã sao, anh ấy có thể giúp cho mi được gì?
Thy Huyên hiểu suy nghĩ của bạn nên nói:
– Còn dì và mấy đứa nhỏ, mình không thể bỏ chỗ này mà đi đâu.
– Nhưng làm với một áp lực như thế này, mi kham làm sao nổi đây?
Thy Huyên nói buông xuôi:
– Thì đã sao?
– Đến một lúc nào đó mi nhận ra thì đã muộn rồi.
Thy Huyên cười buồn:
– Mi làm gì mà bi quan đến như vậy?
– Bi quan à? Mi nhìn cô ta kìa.
Thy Huyên cười:
– Cứ bận bịu vào công việc của mình, nhìn sắc mặt người ta làm gì?
Sĩ Đạt bước lại gần hơn:
– Hai cô nói gì mà vui vẻ thế?
Bảo Ngọc nhìn Sĩ Đạt dọa:
– Thy Huyên làm ở đây bị áp lực quá lớn, anh có thấy không?
Sĩ Đạt nhìn Thy Huyên:
– Em có thấy thế không, Thy Huyên?
Thy Huyên còn đang bối rối thì Nghĩa Nhân bước tới:
– Ai dám làm gì cô ta mà bảo là áp lực.
Bảo Ngọc nhìn Nghĩa Nhân đăm đăm:
– Anh biết gì mà nói.
– Tôi ư?
– Đúng vậy. Anh lúc nào cũng đùa lên sự đau khổ của người khác cả.
Nghĩa Nhân đưa đẩy:
– Hai cô làm chuyện quá đáng, bảo tôi sao không nói.
Thy Huyên nắm tay bạn:
– Mi làm ơn đi, đừng nói gì thêm nữa làm gì.
Nghe ồn ào, Cẩm Tú bước ra:
– Sao, cửa hàng biến thành chợ mất rồi à?
Sĩ Đạt ngăn lại:
– Em nói gì mà khó nghe như vậy Cẩm Tú?
Cẩm Tú bực bội:
– Anh chẳng thấy họ quá đáng lắm sao?
Bảo Ngọc quắc mắt nhìn cô ta:
– Ai làm gì mà chị bảo là quá đáng chứ?
Nghĩa Nhân xua tay:
– Cậu phải giải quyết cho êm đẹp kìa, Sĩ Đạt!
Sĩ Đạt nói với Cẩm Tú:
– Em làm ơn vào trong giùm anh đi!
Cẩm Tú giận dỗi:
– Anh thì lúc nào cũng bênh vực cho cô ta cả.
Thy Huyên cũng thấy ấm ức:
– Xin lỗi chị, Sĩ Đạt chưa khi nào bênh vực cho tôi, vì tôi chưa làm gì sai trái cả.
Bảo Ngọc cằn nhằn:
– Mi đó, vậy mà cứ khăng khăng đòi ở lại đây mà làm.
Cẩm Tú quay lại:
– Cô đừng tưởng tôi không hiểu cô muốn gì ở đây.
Nghĩa Nhân cười to:
– Ôi! Vậy là Cẩm Tú thông minh nhất rồi?
Sĩ Đạt lừ mắt nhìn bạn:
– Thằng quỷ! Đổ dầu vào lửa hả?
– Thì cũng đúng thôi!
Thy Huyên giận dỗi nắm tay Bảo Ngọc kéo đi:
– Đi thôi Bảo Ngọc!
Nghĩa Nhân ngăn lại:
– Sao lại đi?
Thy Huyên bĩu môi:
– Thấy mặt anh là phát ngán rồi.
Thy Huyên bỏ đi. Sĩ Đạt quạu quọ:
– Vừa bụng chưa thằng quỷ!
Nghĩa Nhân cười hì hì rồi bỏ đi. Mặc cho Sĩ Đạt dọn dẹp cuộc chiến tình lâm li ...