Tập 1
Với tay vào trong chốt lại cánh cổng nhỏ trước một căn nhà xinh xắn. Vừa mới ghé ngồi lên chiếc xe đạp Trung Quốc màu nho chín, Tiểu Loan đã nghe giọng gọi giật ngược của Điệp Phi: − Chị Loan! Chờ em với. Cô nàng đang đứng bên trong cánh cổng sắt của ngôi biệt thự cao sang cạnh nhà Tiểu Loan, áo quần đã chỉnh tề từ lúc nào. Đôi môi hồng cong lên hối người giúp việc: − Lẹ lên đi chị Sáu. Chị làm gì mà như rùa bò vậy? Tra chìa khóa vào ổ khoá, chị Sáu ái ngại nhìn Điệp Phi, buông giọng: − Nhưng... cô hai đi đâu để tôi còn thưa lại với ông bà? Lập tức đôi mắt bồ câu quắc lên dễ sợ: − Sao chị lắm chuyện vậy? Hổng lẽ mỗi lần bước ra khỏi nhà tôi phải trình thưa với chị à? Chị người làm giấu vội tia nhìn bất mãn, giọng chị ân nhẫn thấy mà phát tội: − Tôi đâu dám vậy cô hai. Chẳng qua là vì... ông bà dặn tôi sáng nay đừng để cô hai ra khỏi nhà. − Dặn cái con khỉ. Chị đóng cổng lại lo vô nhà làm công chuyện đi. Tôi đi tới đâu sẽ gọi điện cho ba mẹ tôi biết tới đó. Thấy Điệp Phi cứ nói chuyện giằng co mãi với chị Sáu, Tiểu Loan sốt ruột. Cô lùi chiếc xe đạp của mình, nhích ngược lại một chút, rồi nhìn vào cánh cổng cao, hai trụ tạc hình đôi chim bồ câu và thả lung linh những chùm hoa giấy đỏ, cất giọng nhỏ nhẹ: − Điệp Phi! Gọi chị chi vậy? − Chờ em chút xíu mà. Bộ chị hông thấy em còn phải dắt xe ra nữa hay sao? Vừa nói Điệp Phi vừa hí hửng dắt chiếc xe to kềnh ra khi chị Sáu bất lực đứng nép qua một bên cách cổng nhường đường. Thấy vậy, Tiểu Loan lại lên tiếng: − Cưng định đi đâu vậy? − Đi với chị chứ đi đâu? − Nhưng... chị phải đi bán hàng tiếp thị mà. − Chị bán thì chị bán, em theo thì em theo. - Điệp Phi bướng bỉnh. − Theo sao được. Đi bán cực lắm, với lại... − Em có bán đâu mà cực với khó? − Vậy thì Điệp Phi để chị tranh thủ đi sớm nghe. Chiều về chị còn bài vở nhiều lắm nữa. Hất gương mặt kênh kiệu lên, Điệp Phi buông giọng báng bộ: − Cái chị này. Lúc nào cũng học học. Học hoài già khụ, chị có biết hay không? − Không học thì làm gì? Em không thấy ba mẹ chị cực khổ thế kia chỉ với một ước mong duy nhất được nhìn chị ăn học tới nơi tới chốn hay sao? − Đi riết thì cũng phải tới chốn tới nơi chứ có lạc đường đâu mà chị sợ? Đôi môi hồng lại trề ra, Điệp Phi dài giọng: − Chị học hoài bởi vậy có thằng con trai nào dám "để mắt" tới đâu. Cho chị biết con trai nó hông thích có bồ là "con mọt sách" như chị đâu, cho dù chị có đẹp như tiên. − Kệ họ đi. Chị phỉa lo học cái đã. − Vậy sao chị hông ở nhà học còn bày đặt đi bán hàng tiếp thị làm gì? − Chỉ vì chị muốn tự kiếm thêm tiền mua sách vở, phụ giúp với gánh lo của cha mẹ chị mà thôi. − Được rồi, để em nói ba em tăng lương tài xế cho ba chị. Đừng lo. Bây giờ chị dắt giùm chiếc xe đạp cà rịch cà tàng của chị vô nhà đi. Em chở chị đi. Tiểu Loan giẫy nãy: − Hông được đâu. Điệp Phi! Em đừng đùa nữa. Chúc em đi chơi vui vẻ. Chiều về chị em mình nói chuyện. Bây giờ bye nhe? Bàn chân Tiểu Loan vừa đặt lên pê-đan, bánh xe đạp chưa lăn được vòng nào đã bị Điệp Phi nắm yên sau giật mạnh: − Cái chị này. Em sẽ nói với ba em là ba của chị rút bớt xăng trong xe ra bán cho bà Tư Mập đó. Gương mặt Tiểu Loan vụt tái đi. Sao cô chợt thương quá cho nỗi nhọc nhằn và thân phận của cha mình. Cô lắp bắp: − Điệp Phi! Có chuyện... đó thật à? Hồi nào vậy? Đã cúi rạp mình trên yên chiếc Win, Điệp Phi bỗng cười rũ rượi: − Trời ơi! Em mới giả bộ hù chị đã điếng hồn rồi. Gương mặt Tiểu Loan chợt giãn ra, dù khoé mi cô chợt rân rấn nước: − Không có phải không? Điệp Phi tỉnh bơ: − Dĩ nhiên là không có rồi. Nhưng nếu em mách lẻo như vậy ba em sẽ tin ngay. Tiểu Loan cúi mặt, giọng cô buồn tênh, cay đắng: − Và ba chị sẽ mất việc chớ gì? − Nếu chị sợ thì cho em theo với. Em chỉ hứng lên thích đi cùng chị bửa nay thôi. Mai mốt chị có năn nỉ em cũng chả thèm. Mím môi, Tiểu Loan nhìn thẳng vào gương mặt đẹp não nùng của Điệp Phi. Cô không dám tin rằng gương mặt đó, được mang trong người dòng máu của một người cha nhân từ và một người mẹ dịu hiền lại có thể có một trái tim vô tâm đến vậy. Nén lòng nuốt giận, Tiểu Loan nhẹ giọng: − Chị chiều em. Nhưng không phải vì sợ em thóc mách để cho cha chị bị mất việc đâu. Vấn đề là... chị sợ bác bên nhà sẽ hoang mang về... mức độ trung thành với chủ của cha chị mà thôi. Phẩy tay, Điệp Phi bất cần: − Rồi. Sao cũng được. Nói tóm lại em muốn mình làm cô sinh viên đi "quảng cáo hàng dỏm" một bửa xem sao.Ngồi một mình trong phòng khách, Nhật Duy cảm thấy buồn ngủ quá. Công ty gì đâu mà chờ gần những 15 phút không thấy một bóng người. Ý là... giám đốc đã hẹn trước với anh. Có tờ báo ai đó để sẵn trên bàn. Nhật Duy mở ra đọc. Nhưng... những dòng chữ trước mắt cứ nhảy múa lung tung như thách thức, trêu cợt anh. Đã bảo mà. Không quen uống rượu mà cái thằng Mẫn này ác thật. Nó cứ kéo Nhật Duy đi hết nhà hàng này tới vũ trường nọ để chơi cho biết với người ta sau khi nó may mắn lãnh được giải thưởng độc đắc từ mấy tờ vé số. Hai ly rượu martine từ thuở "cha sinh mẹ đẻ" tới giờ chưa từng được nếm qua vẫn làm Nhật Duy nghe ngầy ngậy. Biết sao hơn khi không thể khác đi, vì cái hẹn đã lỡ hẹn rồi. Chán qua! Nhật Duy nghĩ thầm trong bụng: − Ừ, có lẽ cứ nhắm mắt ngủ đại một giấc sẽ hay hơn. Vừa có thể như rút ngắn thời gian chờ đợi, vừa tranh thủ... để có thể tỉnh táo hơn một chút. Chưa được bao lâu, cảm giác nhột nhột ở vai làm Nhật Duy bực mình mở mắt. Đứng trước mặt anh là hai cô gái trẻ. Một đoan trang thuỳ mị mang dáng dấp hoa đồng cỏ nội, và một ngang tàng bướng bỉnh kiêu kỳ hết nói. Mỗi người một vẻ, nhưng có lẽ đều "mười phân vẹn mười". Còn chưa tỉnh hồn thì Nhật Duy đã nghe ngay một giọng nói hách dịch cất lên: − Ê, dậy đi. Ngủ gì kỳ vậy? Trời ơi! Người gì đâu mà đẹp như nàng Tấm từ quả thị chui ra. Nhật Duy dụi mắt mình lia lịa. Anh đo mắt tự hỏi trong giấc ngủ hớ hênh không biết bộ dạng anh giống con giáp nào trong mười hai con giáp. Dịch chiếc bìa sơ-mi ra khỏi đùi, đặt vội lên chiếc bàn nhỏ của bộ salon. Nhật Duy lúng túng sửa lại thế ngồi. Bàn tay anh vờ sửa lại cà-vạt trên bâu áo, hắng giọng: − Dậy để làm gì? − Để mua giúp mấy chai sữa rửa mặt này chớ làm gì. Anh này hỏi lạ. Cô gái tóc dài cúi gầm mặt, còn cô toác ngắn tỉnh rụi, cât giọng ngang ngang: − Sữa tốt lắm đó. Nhật Duy bối rối khoát tay: − Nhưng... tôi đâu có xài loại sữa này. − Biết là hông xài rồi, nhưng mua tặng bồ nhí thì cũng được đó chớ. − Tôi... làm gì có bồ nhí mà tặng? − Không bồ nhí thì bồ lớn. Mua đại đi. Nhưng tôi nói trước, nếu bồ anh thuộc loại "xoàng" thì tặng được, chứ thuộc loại "xịn" thì hông nên đâu. Tròn xoe mắt, Nhật Duy buông giọng: − Sao ha? Cười ngất, cô tóc ngắn lém lỉnh: − Sửa dỏm quá chớ sao? − Ủa, sao cô mới bảo là sữa tốt lắm mà? − Thì tốt... đối với hạng người trung trung. Còn hạng "cao cấp" thì ai mà thèm rớ tới.Nhếch môi, Nhật Duy bỗng nhìn cô gái bằng cái nhìn rất bạo. Anh châm chích: − Như cô thì thuộc hạng cao cấp hay trung trung? Dẫu môi hồng, cô gái hất cao gương mặt bầu bĩnh, giọng tỉnh bơ: − Tui hả? Dĩ nhiên là thuộc hạng cao cấp rồi. Nhật Duy bỗng xoa cằm cười tủm tỉm: − Vậy thì mời cô đi chỗ khác bán, nếu tôi có mua quà tặng bồ nhí thì bồ nhí của tôi lại thuộc hang "cao cấp" hơn cô ít ra là một bậc. Nãy giờ im lặng, bây giờ Tiểu Loan bỗng níu kéo áo Điệp Phi. Cô đang nghe nóng rực hai tai và chỉ mong sớm thoát khỏi nơi này. Thật không làm sao mà chiều nổi những "yêu sách nghịch mùa" của Điệp Phi. Thế nhưng, liếc sang Tiểu Loan, Điệp Phi nhanh nhẩu: − Chị để em. Nếu em không buộc hắn mua giúp chị mấy chai sữa này, em thề không phải là người. Tròn mắt nhìn Điệp Phi, Nhật Duy giấu tiếng hừ nhẹ trong cổ họng: − Trời ơi! Cô có biết đây là nơi làm việc hay không chớ? − Biết chớ sao không? Đui hay sao mà không đọc được tấm bảng to tổ bố treo sờ sờ ở trước cổng công ty? − Vậy thì ra lẹ đi, nếu không muốn bị bảo vệ đuổi. − Anh cứ mua giùm mấy chai sữa đi rồi tui sẽ ra liền. Miệng nói, Điệp Phi kéo Tiểu Loan tới sát bên mình, cô nhanh tay rút từ chiếc rổ linh kinh chai lọ kia ra hai chai sữa hai màu đặt mạnh trên bàn trước mặt Nhật Duy. Anh vừa tức cười, vừa bực mình nhướng đôi mày rậm, gắt bừa: − Tôi đã nói rồi. Bồ tôi không xài thứ này, mua làm gì? − Thì mua tặng "tớ gái" của bồ anh. Được lắm đó nghe. Lắc đầu ngao ngán, Nhật Duy nhăn mặt: − Cô này quái thật, đã bảo không mua. Nhật Duy đứng lên liền sau câu nói, anh vờ hăm dọa: − Có lẽ tôi phải đi mời bảo vệ cơ quan thật.Tiểu Loan quýnh quáng lên. Còn Điệp Phi cứ tỉnh bơ. Cô nhún vai, cười ngất: − Thách anh đó. Ai mà dám đuổi tôi? − Cô là cái giống gì mà không ai dám đuổi. − Sinh viên đi bán hàng tiếp thị. Nhật Duy chau mày trợn mắt, song anh lại ngồi phịch trơ lại xuống ghế, nhún vai, bất lực: − Thôi được. Bao nhiêu? Xem như tôi "cúng cô hồn sống" cho rồi. Đúng là một buổ sáng xúi quẩy. Tức điên lên được, nhưng Điệp Phi thì dằn xuống, cười gượng gạo: − Buổi sáng tươi hồng thì có. Thôi thây kệ, ráng chịu hắn đi. Miễn sao lấy được "oai" với chị Tiểu Loan bởi lời phán chắc nịch vừa rồi là được. Lạng quạng một hồi biết đâu hắn đổi ý thì sao? Ai chớ... cái gã này thì có triển vọng như vậy lắm. Quýnh lên, Điệp Phi níu áo Tiểu Loan giật giật: − Bao nhiêu chị Loan? Tiểu Loan khổ sở nhỏ giọng khẩn khoản: − Kỳ lắm Điệp Phi à. Nghe lời chị về đi, để chị đi chỗ khác bán. Em chàng ràng ở đây một hồi bác mà phát giác ra thì đố khỏi ốm đòn. Lời hăm dọa của Tiểu Loan dường như có làm Điệp Phi nao núng, song cô nói cứng: − Em hông sợ ba đánh đâu. Chỉ sợ biết đâu chú Tám tưởng chị "bày đầu" rủa chị te tua thì cũng tội. Chớp ngay câu nói của Điệp Phi, Tiểu Loan nài nỉ: − Biết tôi nghiệp chị thì về đi. Chị năn nỉ cưng mà. − Thì về chớ ở đây làm chi? Nhưng cũng phải lấy tiền rồi mới đi được chứ. Tiểu Loan bối rối cụp mi. Cô thấy khó xử quá trời. Nhưng biết làm sao để lung lay được quyết tâm "nắng mưa bất thường" của Điệp Phi đây? Tiểu Loan đành tiu nghỉu. − Chai màu xanh mười lăm ngàn, chai màu tím mười ba ngàn. Cô thấy quê với Nhật Duy quá trời quê. Vừa quê vừa tội nghiệp. Bởi vì nhìn thái độ và nghe những lời chối từ của anh, Tiểu Loan nghĩ rằng biết đâu chừng anh cũng đang gặp... khó khăn về tài chính. Nếu thế thì ép buộc anh ta mua mấy thứ xa xỉ này có giống như lũ yêu nhền nhện ép Tam Tạng ăn mặn hay không? Nhưng Điệp Phi đã nhất định. Cô nhét đại hai chai mỹ phẩm chết tiệt ấy vào túi áo trên áo sơ mi của Nhật Duy rồi tỉnh bô tính toán: − Mười lăm cộng mười ba là hai tám. Rồi tổng ộcng là hai mươi tám ngàn. Nhật Duy cau có nhìn cô. Anh hơi nhóm người lên một chút để rút chiếc ví ở túi quần tây. Ngần ngừ một chút rồi Nhật Duy thận trọng rút ra tờ giấy năm chục ngàn xếp phẳng phiu đặt vào tay của Điệp Phi, nói lẫy: − Đó. Trả năm chục ngàn đó. Khỏi thối luôn cũng được.Cầm tờ giấy bạc trơ tới trơ lui, Điệp Phi hỏi thật bất ngờ: − Có khi nào là tiền giả hay không vậy? Vừa mới ngồi trở lại, gương mặt ngầu lên, Nhật Duy bật dậy như chiếc lò xo: − Cô nói cái gì? Lặp lại xem! Điệp Phi nhún vai, le lưỡi: − Tôi chỉ "cảnh giác" chút thôi mà, hổng phải thì thôi. Tại anh "hào phóng" bất ngờ quá buộc lòng tôi phải hoang mang chớ vì sao nữa. Mấy sợi gân hai bên thái dương Nhật Duy giật liên hồi. Sao anh muốn tát cho con nhỏ trời đánh này mấy cái tát thẳng cánh quá trời. Bụm miệng, Điệp Phi cười khúc khích: − "Thuận mua vừa bán" thôi. Tiền thừa tôi thối lại anh đàng hoàng. Ai lấy làm gì hai mươi mấy ngàn của anh cho mang tiếng? Chỗ tiền đó chỉ đủ để tôi ăn kem ở mấy xe cà rem bán dạo. Mà... tôi thì làm gì có thể ăn uống bụi bặm như vậy được? Nói rồi, mặc Nhật Duy tức sôi lên, Điệp Phi nhanh nhảu kéo vội Tiểu Loan ra ngoài. Khi cơn giận xẹp xuống rồi, Nhật Duy mới giật mình hú vía. Sém chút nữa trưa nay anh đã phải nhịn đói vì không còn một đồng ten nào mua dĩa cơm bình dân, ăn đỡ khi mẹ vắng nhà. Đã thất nghiệp mà còn xúi quẩy gắp lũ... yêu nhền nhện. Rã rời, Nhật Duy nhón lấy hai mươi hai ngàn bỏ vào túi áo. Tay anh lại chạm phải hai chai sữa cồm cộm. Nhưng dường như cảm giác bực bội đã bổng dưng biến mất tự lúc nào.Chờ thêm năm phút nữa, Nhật Duy gần như nín thở khi nghe tiếng guốc gõ lộc cộc dưới hành lang mỗi lúc một gần hơn. Và rồi "cà lơ phất phơ" trước cửa là vạt áo dài rực rỡ màu vàng hoa cúc. Cô gái có mái tóc suông dài và thân hình "hết sẩy" ló mặt vào phòng hỏi vội: − Anh kiếm ai vậy? − Dạ giám đốc. − Giám đốc bận họp rồi. Anh vui lòng chờ nghe. Nhật Duy nghe thót tim. Anh bất lịch sự đấm nhẹ vào thắt lưng mấy cái. Hiểu ý hay cảm thông không biết, cô gái che miệng khúc khích cười" − Sao hả? Bộ nãy giờ anh đợi lâu lắm rồi hả? Bực bội, Nhật Duy giơ cánh tay có chiếc đồng hồ cũ mem, cổ lỗ sĩ lên trước mặt giọng thẳng thừng: − Chính xác là tôi đã đợi đúng một tiếng đồng hồ cộng năm phút lẻ. Nếu như không phải vừa từ nhà bếp bước ra, Thy Cúc đã mắng xối xả vào mặt con người lộn xộn này rồi. Nhưng... rõ ràng là công ty bửa nay làm việc xuề xoà quá. Cô bèn hỏi Nhật Duy bằng chất giọng quan tâm: − Xin lỗi. Anh có hẹn trước không vậy? Liếc Thy Cúc một cái, Nhật Duy trả lời cụt ngủn: − Sao lại không? Mím môi, Thy Cúc dằn cơn tức. Hắn quen thế nào với giám đốc mà có vẻ phách lối quá trời. Trong lúc Thy Cúc còn đang phân vân thì Nhật Duy tỉnh bơ nói tiếp: − Cơ quan gì đâu thấy phát rầu. Cái điệu này tôi thà thất nghiệp chắc còn hơn phải chui vào đây làm việc. Ngắm nghía Nhật Duy kỹ hơn một chút, quần hean bạch thếch, cũ mèm. Chiếc sơ mi dái tay không biết màu trắng hay màu cháo lòng nữa. Cà-vạt thì lỗi thời, thắt lệch lạc và bê bối quá. Không biết nên đánh giá anh ta như thế nào nữa bây giờ? Nhìn bề ngoài là đủ biết nghèo. nếu không muốn nói là người nghèo kiệt xác. Song giọng nói thì lại tỏ vẻ bất cần và chảy tràn kiêu hãnh thì sao? Tài năng ư? Có tài thì để người khác đánh giá. Huênh hoang quá thường chỉ là thứ "thùng rỗng kêu to". Thy Cúc hỏi thẳng thừng: − Anh hẹn giám đốc có việc gì không? − Tôi đến nhận việc. - Nhật Duy cau có trả lời. Ngon thật! - Thy Cúc thầm nghĩ. Đi xin việc làm mà phách lối thế kia thì ai mà thèm nhận cho vào làm chớ. Song cái vẻ câng câng lạ lùng của Nhật Duy lại làm cho Thy Cúc cảm thấy ớn quá trời.Trong một lúc không ngờ, nhịp nhịp mấy ngón tay trên thành ghế, Nhật Duy bỗng ngước nhìn Thy Cúc, nhưng vẫn là cái nhìn không thân thiện chút nào. − Cô làm gì ở đây? Nhếch môi, Thy Cúc cũng lạnh lùng: − Thư ký riêng của giám đốc. Nhật Duy thinh lặng. Nhưng dường như cặp môi anh hơi nhếch lên một chút. Không hiểu sao như trong âm sắc giọng nói của Thy Cúc bỗng thoáng rung: − Anh thông cảm. Bữa nay là ngày cuối tuần. Lại có giỗ ở nhà phó giám đốc, cánh đàn ông kéo đến đó hết rồi. Chỉ còn lẻo tẻo vài người ở lại trực công ty. Buồn quá, bọn em vừa rút ra sau nhà bếp lể ốc bươu chấm nước mắm xa ớt. Thích ghê. − Cô ăn xong chưa? Nhật Duy nghiêm mặt hơi tỉnh bơ. Gương mặt thoáng hồng, Thy Cúc cười bẽn lẽn: − Xem như xong cũng được. Mà chưa xong cũng được. − Nghĩa là sao? − Rổ ốc chưa cạn. Buồn buồn và hứng lên em có thể lể ốc tiếp tục. - Thy Cúc tinh nghịch trả lời. Nhật Duy bỗng cười bằng cái nhếch môi. Dù anh không thấy bực mình trước sự tự nhiên quá đáng của cô gái trẻ không quen này. Cô ta đẹp. Đẹp quá! Phải công nhận là như vậy. Thư ký riêng của một giám đốc tuổi quá tứ tuần lúc nào cũng kè kè sát cánh nhau bên công việc thì liệu bà giám đốc ở nhà có thể làm "loại ớt không cay" hay không nhỉ? Nghĩ thì là như vậy, song giọng nói của anh lại vô cùng lãnh đạm: − Nói tóm lại, bây giờ xin cô vui lòng trả lời giùm tôi là tôi có thể gặp giám đốc được chưa? − Được. Nhưng... chính xác là anh hẹn giám đốc hay giám đốc hẹn anh? − Giám đốc hẹn tôi. Nhật Duy lại chúi mũi vào tờ báo. Đã bực càng thêm bực, ngay khi ấy bỗng có tiếng chuông điện thoại reo. Thy Cúc bước vôi đến bên máy. Guơng mặt cô chợt sáng lên: − Dạ có...− Dạ... dạ... nhưng để cháu hỏi lại xem. Bịt một đầu ống nghe, Thy Cúc hỏi vội: − Anh... gì đó ơi? Anh tên là gì vậy? Đôi mày hơi cau lại, Nhật Duy vẫn chẳng thèm ngước nhìn lên, giọng anh cụt ngủn: − Nhật Duy. Thy Cúc lại nói vào máy: − Dạ, Nhật Duy chú Phan ơi! Rồi cô bỗng gật đầu lia lịa: − Mời ảnh lên liền hả chú? Dạ cháu hiểu, cháu hiểu. Buông máy xuống, Thy Cúc yểu điệu bước đến gần Nhật Duy. Giọng cô như một giai điệu rộn ràng buổi sáng: − Mời anh theo tôi. Giám đốc đang đợi anh ở trên phòng tự nãy giờ. Đấy là ngày đầu tiên Nhật Duy đến gặp ông Vũ Đặng Phan - giám đốc công ty hàng mỹ nghệ xuất nhập khẩu thành phố.Ngay ngày hôm sau, Nhật Duy chính thức trở thành một phụ tá đắc lực của ông. Với khả năng, trình độ và cả những sáng kiến độc đáo của Nhật Duy, công ty Bình Minh bắt đầu được cải tiến dần dần đến khó ngờ. Việc làm ăn đang đà thuận lợi và phát triển, điều đó cùng đồng nghĩa Nhật Duy đang là một con người đưọc trong dụng và ưu đãi. Gõ gõ tẩu thuốc ở đầu ngón tay cho tàn thuốc rơi xuống đất, ông Phan bảo vợ: − Phải chi con Điệp Phi nhà mình được như con Tiểu Loan nhà chú Tám thì hay quá. Con gaí người ta... Vẫn chăm chú nhìn vào những hào quang quyến rũ toát ra từ chiếc kính xem hột, bà Phan ngắt lời chồng: − Em đã nói rồi mà, anh cưng chiều cho lắm, đố khỏi con gái anh hư. Ông cười sang sảng: − Làm gì hư được. Con gái nhờ đức cha. Mẹ nó lại đàng hoàng tử tế như em. − Nhưng anh thấy nó có đàng hoàng tử tế như em không cái đã.− Nó chỉ hơi xí xọn, lóc chóc một chút thôi mà. Dù sao con cũng còn con nít. Đặt chiếc kính xuống bàn, lồng vào tay chiếc nhẫn xoàn lấp lánh, bà Phan liếc yêu chồng một cái: − Con nít cái nỗi gì. Con người ta ở tuổi nó đã gả chồng được rồi. Đấy, bên nhà chú Tám đấy, nghe đâu bữa nay con Tiểu Loan lại có đám nào đến xem mắt đấy. Con nhỏ thiệt là đẹp người, đẹp nết. − Chớ con bà có ế ẩm gì đâu? Nó nhỏ hơn con Tiểu Loan tới ba tuổi lận. Lại còn đẹp sắc sảo hơn, bà hông thấy nó bước ra đường là lập tức có một cái đuôi dài bám theo à? Chỉ tại mình chưa đánh tiếng đó thôi. Bà Phan xoay chiếc nhẫn trong tay rồi ngắm nghiá vẻ hài lòng. Cái nghề nhàn hạ của bà quả thật được trời giúp vận, dù không mánh khoé, thủ đoạn, bà vẫn kiếm được những khoản lời rộng rãi góp thêm vào công ty mỹ nghệ thủ công của chồng với số vốn kếch sù, để cho đứa con gái cưng duy nhất mặc sức vung tiền, xum soe, hưởng thụ... Mà phải vậy thôi, cực khổ cả đời cũng chỉ vì con. Con không hưởng thụ thì để cho ai hưởng? Bà chỉ hơi buồn bã, không sinh được cho chồng một đứa con trai để có thể kế tục sự nghiệp vẻ vang của dòng họ Vũ. Nhưng suy cho cùng cũng chẳng sao. Cầu trời bà sẽ được một con rể xứng đáng để bà trao hết cho nó, vừa gia tài vừa con gái. Ông Phan chợt hắng giọng cắt đứt suy nghĩ miên man của bà: − Anh nói rồi, nhất định phải cho Điệp Phi vào đại học y khoa. Anh thích con gái sau này trở thành bác sĩ hơn là lao vào công việc kinh doanh như anh với em. Nhọc nhằn, thủ đoạn và đôi khi phải man trá nữa. Say sưa với viễn ảnh tương lai, ông mềm giọng tiếp: − Anh sẽ mở riêng cho con một bệnh viện tư thật lớn. Mình cũng chẳng cần tiền nhiều nên có thể cho con chữa bệnh làm phúc cho nhưng người nghèo. Bà buồn thiu: − Nhưng con Điệp Phi nhà mình nó có thích học y đâu? Vả lại, anh hãy nhìn lại xem. Lóc chóc như nó thì làm sao thực hiện câu: "Lương y như từ mẫu" được. − Lóc chóc không phải là bản tính cố hữu của nó. Thời gian sẽ làm cho con chững chạc ra thôi. Em yên tâm. Bà Phan khổ sở: − Nhưng... em nói với anh rồi. Điệp Phi không chịu thi vào đại học y khoa. − Không chịu cũng phải chịu. Anh đã tìm được người tới tận nhà kềm cho nó học thêm rồi. Người ta vì tình cảm mà giúp đỡ chớ chẳng phải vì miếng cơm manh áo đâu. Quan trọng là chổ đó đó.− Ai vậy anh? − Chậc... thì cậu Nghĩa, con trai duy nhất của chị Tuyết Trinh chớ còn ai nữa. − Em nghe hình như cậu ta đã tốt nghiệp bác sĩ rồi mà. Thì giờ đâu... Ông Phan ngắt vội lời vợ: − Thì vậy anh mới nói. Em không thích có được một thằng con rể hiển vinh như vậy à? Bà Phan âu yếm nhìn chồng. Bà hiểu rồi ẩn ý sâu xa từ sự xếp đặt của ông. Bao giờ bà chẳng tin tưởng vào sự cắt đặt đâu vào đấy của chồng? Nghĩ tới ngày con gái bước lên xe hoa theo một người chồng xứng đáng về mọi mặt, sao mà bà vui quá đỗi là vui... Nghĩa sáng trai, có địa vị lại thành đạt trong xã hội. Anh thuộc hạng đàn ông bay bướm rất tế nhị, nhất là trong vấn đề giao tiếp. Khuyết điểm duy nhất ở Nghĩa là có... hơi ba hoa tí xíu. Nhưng biết đâu với một số người nào đó, đấy lại là yếu tố cần thiết ở một con người lịch lãm? Có thể Điệp Phi cũng hơi chao đảo một chút trước chàng trai này. Song, vẫn thú vị hơn nếu anh dẫn cô tới một buổi dạ tiệc nào đó hơn là bắt cô vùi đầu vào ba mớ kiến thức khô khốc và mắc nghẹn. Đi với Nghĩa thì khỏi lo bị ai chê. Xứng đào xứng kép vô cùng. Ít ra thì Điệp Phi này cũng phải có một người tình như vậy chớ. Chiếc xe hơi màu đỏ chót đang bóp kèn tin tin ngoài cổng. Rồi tiếng cửa xe đóng sầm lại liền sau đó. Bà Phan đứng lên gọi với ra sau bếp: − Chị Sáu ơi, mau ra mở cổng giùm tôi, rồi lo giùm nước uống chu đáo nhé. Ông Phan cũng vụt tươi hơn nét mặt: − Nhà mình được ơn trời gặp toàn hồng phúc. Nhắc người cũng y như nhắc tiền nhắc bạc. Bàn tay chàng trai vừa mới bước qua ngưỡng cửa, ông nheo mắt vỗ vai Nghĩa, yêu thương nói: − Bác cám ơn Nghĩa quá. Sao? Cháu thấy Điệp Phi có triển vọng chớ? − Dạ, Phi rất thông minh. Nhưng thưa bác, có lẽ vấn đề là cần suy nghĩ lại. Thật tình cháu thấy chì... bác cũng nên để Phi được tự do theo học ngành cô ta yêu thích. − Nó thích nghệ thuật vẽ và điêu khắc chớ gì? Bác thấy... chẳng được gì với những thứ lãng mạn đó đâu. càng không nên khi Điệp Phi là một đứa con gái vừa ngỗ ngáo, vừa bướng bỉnh, vừa lãng mạn mộng mơ. Bắt nó thực tế là vừa con ạ. Nghĩa vụt cười xoà. Anh có vẻ miễn cưỡng mộ tí khi lỉnh hội ý kiến của ông Phan, suy cho cùng thì cả hai hướng đi ấy cho Điệp Phi đều không cần thiết. Anh thấy cho vợ của mình sau này ở nhà lo chuyện chăm sóc chồng con lại hay hơn. Nhưng đó là chuyện tương lai, anh và Điệp Phi có duyên nợ hay không ai mà biết được? Có đều bây giờ anh cảm thấy hạnh phúc khi được cô mặc nhiên công nhận như một người tình.Điệp Phi đang từ trên lầu đi xuống. Cô lí lắc đến nao lòng với bộ đồ lửng màu hồng phấn điểm những chấm tròn đen. Điệp Phi đang từ trên lầu đi xuống. Cô lí lắc đến nao lòng với bộ đồ lửng màu hồng phấn điểm những chấm tròn đen. Vừa thấy Nghĩa, Điệp Phi đã sà xuống ngồi cạnh bên mẹ, nũng nịu: − Mẹ à, chiều nay không học đâu. Anh Nghĩa nói đưa con đi đặt áo sinh nhật. Bộ mẹ quên là còn tuần lễ nữa đã tới sinh nhật con rồi hay sao vậy? − Mẹ làm sao quên được chứ. Quay sang Nghĩa, bà Phan lại cười hiền: − Sao hả Nghĩa? Có đúng là con cho phép Điệp Phi nghỉ học chiều nay không vậy? Bà Phan vừa dứt câu, Nghĩa chưa kịp trả lời, Điệp Phi đã cong cớn đôi môi: − Không phải chiều nay thôi đâu mà dài dài con mới chịu. − Sao hư vậy Điệp Phi? Con lại ngán học rồi à? - Ông Phan chợt lên tiếng. − Đúng vậy ba à. Nhất là học với anh Nghĩa. Chúng con chỉ thích... hôn nhau thôi thì học hành gì nổi nữa. Trời hỡi! Con gái, ăn với nói. Suýt tí nữa không kềm chế được bà Phan đã tát cho Điệp Phi một cái. Song ông Phan thì lại khác, ông như có vẻ thích thú trước bộc bạch hồn nhiên và báng bổ của cô. Giọng ông sôi nổi: − Ông thầy nghĩ sao về cô học trò quá quắt của mình đây? Đến bây giờ gương mặt Nghĩa vẫn còn đỏ ửng. Nhưng anh không thấy giận Điệp Phi chút nào. Có lẽ đó là giải pháp hay, và nếu tiếp tục dạy mà thành quả đạt được biết chắc mười mươi chẳng được là bao nhiêu, Nghĩa càng ê mặt với ông bà Phan hơn nữa. Vả lại, có thích thú gì khi anh lại phải vắt óc bươi xới lại mớ kiến thức vừa nhẹ nhàng quăng bỏ sau 8 năm trời để cầm được mảnh bằng bác sĩ trong tay. Nghĩa đâu có yêu nghề, anh chỉ ưa cái "địa vị" của một ông bác sĩ. Tài năng và lương tâm quăng vào xó tối đi. Con người sống trước tiên là hãy hưởng thụ cho mình.Lừng khừng, Nghĩa ngắc ngứ: − Có lẽ Điệp Phi nói đúng, thưa hai bác. Thật sự thì chúng con đã yêu nhau. Con không nỡ nghiêm khắc bắt Điệp Phi nhét vào đầu những thứ mà cô ta không thích. − Có nghĩa là sao? Ông Phan thoáng cau mày thất vọng: − Vậy bây giờ cho nó học mỹ thuật à? Điệp Phi chợt xen vào: − Con cũng hết muốn học mỹ thuật rồi ba à. − Chớ con muốn học gì? Ông Phan trầm mặt hỏi. Điệp Phi tỉnh bơ: − Không học gì cả. Chỉ thích đi chơi suốt mà thôi. − Con suy nghĩ kỹ càng trước khi nói với ba điều đó chưa hả Điệp Phi? Bà Phan thất vọng nhìn con gái. Sao trời lại ban cho nó một nhan sắc diễm lệ thế kia còn tính tình thì... Bà lại xua vội những trăn trở, bức xúc trong lòng. Nghênh mặt, Điệp Phi cong cớn môi hồng: − Dạ kỹ rồi chớ. Mà đâu phải mình con nghĩ vậy. Anh Nghĩa cũng đồng ý với con như vậy nữa mà. Giọng nhẹ mà sắc, bà Phan nhìn thẳng vào mặt Điệp Phi: − Nghĩa nói sao? − Ảnh nói mai mốt cưới nhau rồi ảnh chỉ thích cưng con như trứng mỏng. Ảnh không thích đàn bà con gái phải bon chen ngoài xã hội. Như là mẹ ảnh đó. Hổng "kết mô-đen" chút xíu nào. Nghĩa sượng ngắc nhìn bà Phan, nhưng liền đó, anh cười xoà giải thích: − Dạ, là do cách diễn đạt của Điệp Phi thôi. Ý con thì... con gái học bấy nhiêu thôi cũng đủ rồi, thưa bác. − Nhưng Điệp Phi chưa đầy hai mươi tuổi. Nếu có gả chồng cho nó, bác cũng chưa thể gả bây giờ. Vậy thì thì giờ trống để nó lông bông có ích gì? Học được cái gì hay cái nấy.Ngừng một chút, bà lại tiếp: − Vả lại, bác cũng không muốn con gái bác sau này chỉ là một cô vợ chỉ biết làm quấn chân chồng. Ít ra nó cũng phải có một công việc riêng của nó. Và mọi việc đều phải trông chờ vào chuyện học. Học cả đời còn chưa đủ nói chi nó chỉ mới vừa tốt nghiệp cấp ba? Nhìn Nghĩa với một chút nghiêm khắc khó ngờ, giọng bà lại mênh mông: − Cuộc đời dâu bể biết đâu mà lường trước được. Mọi caí đều có thể trở thành phù du, nhất là tiền của. Bác cũng sắp già rồi. Chỉ mong để lại cho con đức độ, tài năng và sự hiểu biết mà thôi. Sau câu nói, mắt bà lại trở nên xa vắng. Dường như có một chút u uẩn nào trong đôi mắt ấy. Như trong chính lời nói vừa rồi của bà chợt đánh thức một kỷ niệm buồn của quá khứ mà thôi. . Quăng cây bút bi đã dập nát đầu lên bàn cái cộp. Vẻ cau có bực bội chưa tan mất. Điệp Phi lại phải tức điên lên khi tiếng chuông reo ngoài cổng. Cô làu bàu trong miệng: − Hãm tài! Câu nói chưa dứt, Điệp Phi đã sững người khi lù lù ngoài cổng, hắn đang dẫn chiếc Honda đam vô sân. Chiếc xe cũ mèm thấy bắt ghê, ai mà thèm lấy? Vậy mà cũng lom khom vặn khoá, Điệp Phi ném ra sân tia nhìn khinh khỉnh. Nhún vai một cái, Điệp Phi cho cả hai chân lên bàn. Cố làm như thể không hề bận tâm vì sự xuất hiện bất thình lình của con người cô không chờ mong ấy. Điệp Phi nhịp nhịp chân hát theo một cách yêu đời bản "Alibaba" phát ra từ máy. Quăng mẹ những bài tập chết tiệt ấy đi. Như con lật đật, Điệp Phi bước đến bên điện thoại, cô quay số gọi Nghĩa: − Alô. Em đây. Anh Nghĩa ơi, chiều nay tan sở anh đến nhà làm bài tập giùm em nhé. Rồi chiều nay mình còn đi nghe nhạc sống nữa chi.− Hả? Ui da... là dì Tuyết Trinh à? Con xin lỗi. Anh Nghĩa đâu rồi hả dì? − ... Quê quá, dằn ống nghe, Điệp Phi dẫu môi: − Đi cũng không nói trước cho người ta biết. Chị Tiểu Loan cũng không có ở bên nhà. Thôi dẹp, cũng không cần thiết. Ngu sao tự đày đoạ mình vì những con số rối mù. Nhật Duy ngồi tự nhiên ở salon. Anh thờ ơ chúi mũi vào một tờ tạp chí. Không muốn nghe, không muốn thấy thì cũng đã nghe và thấy hết rồi. Khi Điệp Phi trở lại, anh thản nhiên ngó lên, trầm giọng: − Xin lỗi, phiền cô cho tôi gặp ngài giám đốc chút xíu. − Kiếm ba tôi à? Điệp Phi hỏi trỏng với nét mặt căng căng. Nhật Duy nhếch môi cười gật đầu thay câu đáp. Liếc anh một cái, Điệp Phi kênh kiệu. Cô nói ngắn gọn: − Ba tôi bệnh. − Dạ. Tôi biết. Tôi muốn lên phòng thăm chú Phan một chút có được không? Suy nghĩ rồi Điệp Phi cao giọng: − Thăm người ốm à? Anh có biết phép xã giao thông thường hay không vậy? − Dạ biết. − Thế, nho, cam, táo, đường, sữa... đâu? Anh đi thăm người bệnh với hai bàn tay không vậy đó à? − Dạ. Hai bàn tay không với một tấm lòng. đến nhà người giàu có, cao sang tôi ngại mang xách đùm đề lắm. Nhưng... tôi có mua cho bác mấy thứ kẹo ngậm với trần bì, xí muội... Hy vọng bác thích. − Mấy thứ đó ba tôi hổng thích đâu. Nhưng không sao, có gì tui "tiêu thụ" giùm ba cũng được. Anh muốn lên gặp ba hả? Được, để tôi gọi chị Sáu dắt anh lên. Nhưng... lịch sự hơn lần sau vào nhà tôi nhớ gõ cửa nhé. − Hồi nãy tôi có nhấn chuông rồi. − Nhấn chuông là giai đoạn đầu. Gõ cửa là giai đoạn thứ hai. Nhưng nhớ gõ nhè nhẹ thôi. Đừng có động mạnh như là khua thùng thiếc vậy. Nhật Duy vờ cúi rạp mình: − Vâng. Nhờ cô dạy tôi mới biết những thủ tục cần phaỉ có khi bước vào "cổng quan". Chớ thuở nào giờ tôi chỉ quen ra vào mấy căn nhà ọp ẹp với ký túc xá chật chội.Cười nhẹ, Điệp Phi nghiêng người gọi lớn: − Chị Sáu ơi! Chị ra đây cho em nhờ một chút coi. Chị Sáu chạy ra ngay khi hai tay ướt mèm của chị chùi lia lịa vào quần: − Cô hai gọi tôi? − Chị dẫn anh này cho ảnh lên phòng thăm ba em đi. Nhưng chút xíu thôi nghe. Chị ở đó chờ rồi dắt ảnh xuống luôn. Đi thăm người bệnh mà "cà kê dê ngỗng" thì bực bội cho người ta lắm. Lẹ đi, còn ủi đồ chiều nay em đi chơi nữa đó. Chị Sáu đâu còn lạ gì tính nết của Điệp Phi, nhưng chị ái ngại quá khi nhìn Nhật Duy. May mắn làm sao, ngay lúc ấy ông Phan vừa bước xuống bậc thang cuối. Trông ông hơi mệt mỏi phờ phạc với bộ pyjama mặc nhà màu khói nhạt. Thấy Nhật DuyUy ông lên tiếng thật vui: − Cậu Duy đó à? Hay quá. Tôi cũng vừa định xuống điện cho cậu đây. − Hôm nay chú đỡ được chút nào không? − Ừ đỡ. Chỉ hơi nhức đầu và ngầy ngật chút thôi. Có thể mai tôi đến công ty được rồi. Cậu cứ thay tôi điều hành mọi việc nhé. − "Hả" - Suýt chút nữa Điệp Phi đã buột miệng buông ra tiếng đó. Cô có nghe lầm hay không vậy? Hắn giữ phận sự gì ở công ty mà có thể thay cha điều hành công việc chứ? Chỉ tay lên một ghế salon lớn, giọng ông Phan rổn rảng vui: − Ngồi. Ngồi đi cháu. Chị Sáu à, cho chú cháu tôi xin bình trà nóng nhé. Rồi nhìn mặt ghế bừa bộn giấy, tập, sách, vỏ kẹo... Ông Phan gắt nhẹ Điệp Phi khi cô đang đứng ngây người gần đó. − Điệp Phi à. Con dọn bàn sạch sẽ chỗ ba nói chuyện với anh Duy coi. Sao trên phòng không học mang tùm lum xuống đây vậy? Vừa bực tức gom tập sách lại, Điệp Phi vừa cong cớn: − Ở trên phòng "ngộp" quá, con làm hoài hổng ra bái tập, mang xuống đây đổi chổ thử xem sao. Ai dè, cũng làm hổng được tuốt. Con vừa gọi điện nói anh Nghĩa tới làm cho con nhưng ảnh đang bận thực tập ở bệnh viện nào rồi. Con đang bực gần chết đây mà ba còn la nữa. Còn mảnh giấy nhỏ rớt lại ở cuối bàn, Duy vụng về nhặt vội giúp Điệp Phi. Giọng anh bỗng nhát gừng: − Dạ không sao. Cháu chỉ trao đổi với chú chừng năm phút thôi. Cháu về để chú còn nghỉ.− Năm phút thì được cái gì? Ông Phan bỗng thân tình vỗ vai Duy. Rồi giọng ông chợt yêu thương: − Ít ra cũng là năm mươi phút. Ở lại đây dùng cơm với chú. Thím mày trưa nay kẹt sinh nhật sinh nhiếc ở nhà bạn bè rồi. Cười hệch miệng, ông tiếp luôn: − Sẵn đây chú giới thiệu cho anh em biết nhau luôn. Điệp Phi nó là con gái duy nhất của chú đó. − Điệp Phi à! Anh Nhật Duy đã tốt nghiệp kỹ sư, hiện nay Nhật Duy giúp ba rất nhiều trong vai trò cố vấn ở công ty đó. Điệp Phi tròn mắt, rồi cô châm chích tỉnh bơ: − Vậy mà con cứ tưởng anh ta là bảo vệ cơ quan chớ. Ông Phan nhìn con gái nổ đom đóm. Không dằn được, ông hét lớn trước mặt Nhật Duy: − Hỗn! Thật chẳng ra làm sao cả. Điệp Phi à, ba mẹ cho con ăn học để làm gì mà con ăn nói cái kiểu mất dạy như vậy chứ? Nhưng Điệp Phi hoàn toàn chẳng nao lòng chút nào trước sự giận dữ của cha. Cô thản nhiên nói tiếp ý nghĩ của mình: − Cha làm gì mà giận dữ như vậy chứ. Cha nhìn kỹ mà xem, công ty Bình Minh của cha là một công ty tiếng tăm, bộ ba muốn sập tiệm sao mà thu dụng một "cố vấn" có cái bề ngoài nhếch nhác, luộm thuộm như anh ta vậy? Một cố vấn kỷ thuật hay cố vấn gì gì đó cho giám đốc ít ra cũng phải đừng có lóng ngóng vụng về khi xỏ vào người chiếc veston chứ. Rồi mặc kệ bờ môi tím tái vì giận của Nhật Duy, Điệp Phi thản nhiên "kê" luôn một vố: − Hay là anh thử làm "kỹ sư đào mỏ" xem có khấm khá hơn được chút nào không? Giàu có chút đi để "chấn chỉnh" lại cái "bộ vó" cho được mắt, chừng đó rồi... Không để Điệp Phi nói hết câu, ông Phan giận dữ liệng cái gạt tàn thuốc lá trên bàn bể nát: − Im ngay. Điệp Phi! Con còn tiếp tục nói thêm một lời quá đáng nào nữa đừng tưởng rằng ba không dám cho con ăn đòn nhe, dù dang có mặt ai cũng vậy. Quay sang Nhật Duy, ông cố nhẹ giọng: − Đừng giận em. Nó quen thói được cưng chiều từ nhỏ. Nói năng chẳng ý tứ chút naò. Có lẽ đó là sai lầm của chú trong việc giáo dục con.Nháy mắt với Nghĩa một cái, Điệp Phi nhảy chân sáo lên những bậc thang lầu. Câu hát véo von cũng nhaỷ theo từng bước chân nhí nhảnh đầy hoan hỉ: − Alibaba... Ali... Nghĩa thấp thỏm ngồi chờ ở phòng khách. Anh chợt giật mình khi nghe giọng gọi chị Sáu như là... nhà cháy của Điệp Phi: − Chị Sáu ơi! Chị Sáu! Bỏ hết công việc, chị Sáu chạy lên lầu mà vẫn còn chưa muốn kịp. − Chị Sáu! − Dạ. Gì hả cô hai? Chiếc miệng chị đang méo xệch khi nhìn thấy một đống quần áo ngồn ngộn dưới sàn nhà. Ngay bên cạnh cửa tủ mở toang hết cỡ. Mớ quần áo này chị đã ủi kỹ xếp phẳng phiu vào mấy ngăn tủ rồi mà. Điệp Phi nhăn nhó: − Chị có thấy chiếc quần màu hồng của em đâu hông? − Tôi xếp ở ngăn để riêng đồ dài của cô đó mà. Tay chỉ đống áo quần vương vãi dưới chân mình, Điệp Phi giậm chân tức tối: − Em xốc ra hết rồi mà có thấy gì đâu? Chỉ tòan là những chiếc cũ không hà. Chị Sáu vừa ngán ngẩm, vừa khổ sở nhìn thấy đống đồ chị đã phải mòn lưng ngồi ủi cả buổi trời. Bây giờ nó đã nhăn nhúm, bừa bộn như đống đồ sida trải bán ở chợ trời. Vậy là đi đứt một buổi để lo dọn lại nữa rồi.Rán dắn nỗi tức lẫn nỗi đau, chị Sáu nhẹ giọng: − Cô có đến cả lố chiếc quần màu hồng lận. Tôi đâu biết cô tìm chiếc nào đâu? − Chiếc màu hồng có viền đăng ten kìa. − Chiếc nào lại không viền? − Sao chị ưa xốc hông em quá vậy? Tìm giúp em lẹ lên đi, anh Nghĩa đợi em dưới nhà kìa. − Hay nếu cô gấp thì mặc đại chiếc này đi. Chị Sáu nhón đại một chiếc đưa ra trước mặt của Điệp Phi, song cô nàng tức tối giật phăng ném mạnh xuống đống quần áo ngồn ngộn: − Đã bảo không. Nếu mặt thì em đã mặt lâu rồi. Kêu chị lên đây làm gì? − Tôi thấy chiếc đó cũng màu hồng và cũng mới tinh vậy. Lại đẹp nữa. − Chiếc em mới mua chiều hôm qua có cột nơ ở bên hông, mô-đen lắm. Chị sáu ngồi xổm bên đống đồ rầu rĩ. Nồi canh chắc đang sôi sùng sục dưới bếp, chị chợt nhảy nhổm lên khi nghe Điệp Phi vỗ trán rồi nói gần như hét: − Em nhớ ra rồi! Trong hộc tủ bàn học. Thôi chị xuống bếp làm tiếp đi. Chỉ chờ có vậy, chị Sáu đi như chạy khỏi phòng. Trái tim chị đang rên lên thống khổ: − Lạy chúa! Ôi, sao chị đến điên mất vì cô chủ nhỏ lơ đễnh, kiêu kỳ và đỏng đảnh này đây. Xoay một vòng trước gương, Điệp Phi thấy hài lòng quá sức. Có lẽ đây là chiếc áo cô vừa ý nhất trong tủ quần áo đủ thứ loại của mình. Màu mận chín làm tôn nước da trắng bóc của Điệp Phi. Kiểu dáng mô-đen, đường may sắc sảo. Thật đúng với câu "tiền nào của nấy".Nhớ lúc thử áo, cô chủ tiệm may quen đã bỏ nhỏ vào tai của Điệp Phi: − Mặc áo này vào, kép của em không "xỉu" chị giải nghệ liền. Xỉu thì chắc làm gì tới nổi. Nhưng ít ra cũng " hồn xiêu lạc phách". Khi Điệp Phi từ trên lầu đi xuống, vẻ ngẩn ngơ của Nghĩa chảy tràn nỗi đam mê đã khẳng định cùng Điệp Phi điều đó. Không nhịn nổi, anh lao tới bế thốc cô lên xoay tròn một vòng chóng mặt − Em đẹp và hấp dẫn quá trời, Điệp Phi ơi! Nữ hoàng của anh ơi. Điệp Phi la oai oái. Thả cô xuống, cầm tay cô đặt lên ngực mình, Nghĩa thở than: − Trái tim của anh lại đập lỗi nhịp nữa rồi nè. Em có thấy không Phi? Thấy thì thấy rồi đó. Anh yêu cô mà. Cảm giác thật lạ lùng khi bàn tay anh bạo dạn nắm tay cô đặt lên ngực anh. Đứng sát bên nhau, hít vào mũi mùi mồ hôi đàn ông gay gay, Điệp Phi biết mình yêu Nghĩa mất rồi. Trái tim anh đập thình thịch trong lồng ngực rộng. Trái tim Điệp Phi cũng rộn ràng lên chớ bộ im lìm được hay sao? Thật không! − Không biết - Nhưng Điệp Phi sung sướng quá. Gương mặt cô phủ vội một màu hồng. Vạn tuế sắc đẹp. Vạn tuế sự giàu sang sung sướng. Vạn tuế hạnh phúc tình yêu. Cảm ơn ba mẹ đã tạo nên vóc nên hình cô bởi sự kết tinh của một tình yêu diễm tuyệt. Cảm ơn dì Tuyết Trinh đã bất ngờ mang đến cho cô một Nghĩa tuyệt vời. Anh đúng là một người tình "hết sẩy". Cô sung sướng và kiêu hãnh với mối tình này quá đỗi. Bởi vì... Nghĩa hẳn phải tuyệt hơn Sơn về dung mạo. Hơn Khải về vật chất, hơng Đông về gia cảnh. Nói chung là anh gallant hết ý, anh tán tỉnh thật "nghề", anh hơn đủ thứ những cái đuôi dài ngoằng đã và đang bám theo cô. Và quan trọng hơn là anh "xài" rất đúng ngôn ngữ của một người đàn ông lịch duyệt trong giới thượng lưu. Cho bọn họ "de" hết đi Nghĩa ạ. Em đã chọn anh rồi. Người yêu lý tưởng của em ơi!Thi rớt Đại Học Y Khoa rồi Điệp Phi buồn năm phút. Đã bảo mà, người ta không thích mà ba mẹ cứ bắt học là sao? Thế là xong, cho ba mẹ "vỡ mộng" đi. Đừng có ép con nhỏ Điệp Phi này nữa. Xì! Sung sướng một đời cần gì phải là bà bác sĩ? Nếu như ba mẹ muốn, Điệp Phi vẫn thừa khả năng để làm "bà bác sĩ" ăn theo với cái tên Nguyễn Chí Nghĩa kia mà. Ừ. nhưng mà dường như là Điệp Phi vẫn còn thích yêu hơn thích cưới. Con gái có một thời hà. Bay nhảy cho đã có phải sướng hơn cột chặt đời mình bên cạnh một người chồng với đủ thứ ràng buộc của lễ nghĩa và khuôn phép hay không chớ? Đang ngồi chống tay lên cằm mê man nghĩ mông lung, Điệp Phi chợt thấy hình như Tiểu Loan đang thập thò trước cổng. Cô thả vội hai chân xuống đất. Không cần dép, chạy miết ra ngoài, nghiêng đầu qua khung cửa sắt: − Chị Tiểu Loan! Tìm em hả? − Ừ. Chị nói với em chuyện này. − Khoan nghe. Chị chờ để em kêu chị Sáu ra mở cửa. Tiểu Loan vội khoát tay: − Thôi đừng. Để chị Sáu làm công chuyện đi. Chị chỉ nói chuyện với em chút xíu thôi. − Chị hổng vô nhà chơi với em sao? Em đang buồn muốn chết đây nè. − Chị biết Phi buồn rồi. Nhưng cố vui lên đi, ráng học lại cho đàng hoàng thì thi đậu chớ gì. − Ai nói với chị em buồn vì thi rớt? − Thế... Phi buồn chuyện gì? − Anh Nghĩa kìa... trời ơi! Ảnh đi công tác tới ba ngày lận, hổng có ai chở em đi chơi em buồn đến héo ruột héo gan nè. Tiểu Loan cười cười: − Chuyện đó thì chị chịu.Mặc dù Tiểu Loan đã ngăn, nhưng đang say chuyện mà cứ bị cánh cổng sắt "án ngữ", Điệp Phi bực tức gọi lớn vào trong: − Chị Sáu ơi! Chị chết ở ngoài sau rồi hay sao vậy? Mở cửa giùm em cái! Nhanh lên! Đang xách xâu ống nhựa cuộn tròn định mang ra trước sân chuyền nước tưới hoa, nghe Điệp Phi gọi, chị Sáu lại cuốn cuồng tìm xâu chìa khoá. Cánh cổng vừa hé ra, Điệp Phi đã lôi Tiểu Loan như chạy vào sân: − Đi, vô chơi với em chút đi mà. − Nhưng... chị đang bận dở nấu cơm bên nhà. Điệp Phi vô tư đến tỉnh bơ: − Thì một chút chị nấu tiếp có sao đâu. Tròn mắt nhìn Điệp Phi, Tiểu Loan vụt cười xoà: − Đúng là tiểu thư không làm động móng tay có khác. Nấu cơm thật mà cưng làm như đang chơi nhà chòi vậy. Nhỡ cơm khét hết cưng có ăn đòn thế chị được không? Ngây người một chút, rồi Điệp Phi vụt hiểu ra. Đôi má hồng lên, Điệp Phi đập mạnh vàp vai Tiểu Loan một cái: − Chị này! Làm em quê hả? − Chị nói thật đó, đâu có chọc quê cưng. − Vậy thì... chị nói lẹ đi, tìm em làm chi vậy? − Rủ Phi sáng mai về quê chơi với chị. − Xa không? − Gần lắm. − Đi chừng mấy cây số lận? − Đúng mười lăm cây. Sáng đi chiều về nhưng nói hờ, nếu như trời mưa thì ở lại một đêm sáng mốt mới về. − Đi bằng gì? − Xe đạp.Điệp Phi gần như nhảy nhổm. Hàng mi rậm của cô chớp liền mấy cái rồi ngước vụt hoang mang: − Mười mấy cây số mà đi bằng xe đạp? Chị có khùng không vậy? − Chị đi hoài chớ gì. Có thể mới đi lần đầu cưng thấy hơi lâu đó. Nhưng chỉ đến... bận về thôi thì đã có cảm giác rất gần rồi. − Ngồi xe đạp đi xa như vậy... ê mông lắm. Thôi, chắc em hổng đi đâu. Nhưng... hổng đi thì ở nhà làm gì bây giờ? Cái gì cũng chán hết rồi. bạn bè đứa thì đậu ngành này, đứa thì đậu vô ngành kia, tụi nó hí hửng thấy mà... bắt ghét. Làm như là ở tuổi tụi nó bây giờ mục đích duy nhất để đi đến tương lai là... học vậy. Mấy đứa thi rớt thì không màng đến chuyện đời. Chỉ lo khóc sưng cả mắt. Eo ơi, đúng là một lũ mắt toi. Sao tự dưng Điệp Phi thấy chán quá trời. Không lẽ đi chơi với Sơn, với Khải hay với Đông? Xì, lũ con trai đã từng si mê Điệp Phi như đếu đổ ấy chẳng biết sao từ lúc nghe cô tuyên bố "công nhận" Nghĩa là "kép ruột" của mình, đã tự động dạt xa cô như là sợ... vi khuẩn sida vậy. Trời ơi! Nghĩ tới đâu Điệp Phi càng giận Nghĩa tới đó. Bộ hết lúc đi công tác rồi hay sao mà chọn ngay thời điểm người yêu bé nhỏ của mình đương buồn thúi ruột vậy mà không biết nữa. Sau câu nói của Điệp Phi, rồi nhìn vẻ miên man nghĩ ngợi của cô, Tiểu Loan tiu nghỉu: − Em không thích đi thôi, vậy chị về nấu cơm nghe. − Bộ giận em hả? − Đâu có. − Hổng dám đâu. Nhìn là biết chị giận em rồi. − Chị đã bảo không rồi mà. Thôi cưng vô nhà đi. Nói chị Sáu khoá cổng lại giùm chị. Tiểu Loan vừa quay bước thì Điệp Phi đã quýnh quáng lên: − Chị Tiểu loan. − Gì hả?− Đi như vậy có vui không? − Vui thì vui lắm rồi đó. nhưng chị không biết là Điệp Phi có cùng ý thích như vậy không? − Sao lại không? Chị em mình thân nhau lắm mà. Chị thích là em sẽ thích hà. Cười cười, Tiểu Loan chớp mắt nhìn Điệp Phi như thể thấu suốt đến từng ngỏ ngách trong tâm hồn của cô bạn nhỏ: − Không chắc chắn lắm đâu. Nhưng... chị cứ muốn Điệp Phi thử đi một lần cho biết. − Đi thì đi chứ sợ ai. Nghênh mặt, Điệp Phi bỗng trả lời không do dự. Cái tính bất thường vụt trỗi dậy trong cô. Nhìn Tiểu Loan một cái, Điệp Phi yêu sách: − Nhưng phải đi bằng xe của em cơ! Tiểu Loan nghiêm mặt: − Không được. Đi xe đạp của chị. Bởi vì ngoài chị em mình ra còn còn có thêm mấy người bạn nữa cùng "tháp tùng". Tất cả đều đi bằng xe đạp. − Hả? Điệp Phi tròn mắt như thể cô vừa nghe chuyện từ một hành tinh lạ. Tiểu Loan rúc rích cười: − Em biết mà. Bạn bè của chị nghèo lắm. Họ làm gì có "xế nổ" mà lượn lờ như em vậy? Nhưng... xe đạp tà tà vào sáng sớm hoặc những buổi chiều tàn khi trong lòng không có gì vướng bận thú vị lắm Điệp Phi ơi! Rồi cưng sẽ thấy, lời chị nói chẳng sai đâu. Điệp Phi bỗng tư lự nhìn lên giàn hoa giấy. Màu hoa đỏ in trên màu mây trắng và nền trời xanh yên ả. Bộ cuộc đời này có lắm thú vui hay sao nhỉ? Đúng là tạo hóa ưu đãi con người quá chừng chừng.Bình minh tươi sáng đây đó khắp nơi Trời xanh thắm tươi Bao vật đều reo cười Ngàn mây thướt tha Êm đềm trời hoa... Lời ca vẫn thường vang vang mỗi sớm trên chiếc máy phóng thanh ở ngã tư đường thốt nhiên bay vèo tới đậu vào đầu của Điệp Phi (??!!??). Công nhận vui thật chứ. Chị Tiểu Loan đạp xe "nghề" ghê chớ bộ. Nào giờ Điệp Phi chỉ quen phóng xe vòng vèo thành phố vào những buổi chiều hoặc khi thành phố đã lên đèn. Nơi cô đến là những câu lạc bộ vui chơi, những quán ăn nhộn nhịp, những buổi ca nhạc với sân khấu ngập đèn màu, những sinh nhật linh đình, hoang phí, ồn ào và... nặng tính chất khoe khoang của giới thượng lưu. Rồi ăn uống, lạng lách, khiêu vũ, cặp kè phá phách hoặc đỏm dáng theo hạng tiểu thơ, công tử nhà giàu. Kể ra cũng chẳng phí một buổi sáng không được ngủ nướng. Điệp Phi thích quá, phồng mũi hít hít mãi. Cô ngắm chán mắt những cây cối lùi dần lại phía sau theo màu mạ non trải dài tận cuối chân trời. Dù có hơi... ê mông thật nhưng đi chơi kiểu này lại sướng hơn ngồi du lịch đời mới, cảm giác cũng mới lạ hơn ngồi Dream, Win... với tốc độ... xé gió. Mấy sợi tóc của Tiểu Loan bay bay ra sau quẹt vào mũi Điệp Phi làm cô nghe nhột nhột. Nghịch ngợm, Điệp Phi đưa một ngón tay lên xoay xoay rồi quấn tròn lọn tóc của Tiểu Loan. Ngồi phía trước chở Điệp Phi hơn ba cây số rồi. Nói sao thì nói cũng mệt thấy mồ. "Con nhỏ coi vậy mà nặng ác chớ bộ". Tiểu Loan thầm nghĩ. Trước cô một đoạn, Trúc Nhã với Hồng Đào, Mỹ Trang với Quỳnh Tiên đang rôm rả chuyện gì không biết, chúng nó khua tay trong không khí giống như là Tề Thiên múa thước bảng vậy. Thở sâu một cái, Tiểu Loan gọi lớn: − Tụi bây. Chờ tao với. Hai chiếc xe lập tức dừng lại. Mặc dù tụi nó đâu có thấm mệt. Nãy giờ vẫn vậy, được một đoạn lại đổi đứa này chở đứa kia. Chỉ tội cho Tiểu Loan... cô gò lưng một mình mà chở con nhỏ Điệp Phi đỏng đảnh. Dù vậy, Tiểu Loan không hề hối hận khi rủ được Điệp Phi tham gia chuyến đi này.Đã vậy mà khi xe mới vừa ngừng thì Điệp Phi lại nhảy phóc xuống đường trước hơn ai hết. Cô phủi phủi chiếc quần ống suông màu trắng vì bụi bám rồi đề nghị: − Kiếm chỗ uống nước đã chị Loan, em khát quá trời. Cả bọn kéo vào chiếc quán lá lụp xụp bên đường, gọi sáu ly nước dừa tươi. Ghế ngồi là những khúc củi to dưới tán cây trứng cá rụng đầy sân những trái chín tròn tròn, đỏ đỏ... Ngượng ngùng một chút rồi Điệp Phi nhún vai, móc xắc lấy chiếc mùi xoa trắng tươi trải lên... cái ghế dã chiến. Đọc được những ánh nhìn... thiếu thiện cảm của mấy đứa bạn ném về Điệp Phi. Tiểu Loan hơi hối hận. Sao hồi sáng này cô lại không góp ý với Điệp Phi về cách ăn mặc cho một chuyến đi chơi... xa và bụi bặm thế này nhỉ? Một lần nữa Tiểu Loan ái ngại nhìn chiếc quần tây trắng toát, cái áo lửng màu kem mỏng dính có thắt nơ phía sau lưng giống như... đuôi khỉ của Điệp Phi. Và nữa... hai cái tay áo phồng ra đầy những ren luồn kim tuyến lấp lánh. Đẹp quá! Kiêu sa quá! Nhưng chắc chắn là chẳng thích hợp chút nào khi ăn mặc như thế này về miệt đồng quê. Đó là chưa nói đôi giày gót cao cả hai tấc mà đế giày đế giày chỉ nhỏ bằng một hòn bi đang ôm gọn đôi chân nhỏ nhắn với những ngón chân bóng nước sơn hồng. Lạy trời! Nếu như con đường dẫn vào nhà ngoại hôm nay khô ráo thì không nói làm gì. Chớ nếu gặp sình non thì... Chắc là Tiểu Loan khóc luôn cùng Điệp Phi quá chừng đi. Thôi lỡ rồi. Cũng tại con nhỏ chỉ quen đi chơi ở những chỗ sang trọng. Một lần cho biết "phong trần gió bụi" với người ta. Tiểu Loan chợt thương quá khi nhìn hàng mi cong cụp xuống, chiếc miệng đang chúm chím vào cái ống hút nhỏ xíu thọc sâu vào vỏ trái dừa tươi của Điệp Phi. Trời ơi! Ngây thơ, thánh thiện - một vẻ đẹp chết người.Sáu đứa con gái vừa tới chợ huyện thì xui xẻo trời lại đổ mưa. Mưa bất tử thật đó chớ. Mấy hôm nay trời quang mây tạnh nên có đứa nào để ý nghe "dự báo thời tiết" làm gì. Chui hết vào một quán hủ tiếu, Tiểu Loan hào phóng gọi sáu tô. Dù gì cũng phải lót bao tử trước cho chắc ăn. Từ đây vô nhà ngoại còn phải lội bộ một quãng gần cây số lận. Đang đói mà Tiểu Loan lại nuốt hổng vô. Nhìn Điệp Phi hì hụp húp nước súp một cách ngon lành, Tiểu Loan không dám ngờ là con nhỏ cũng... ngoan hiền đó chứ. Eo ơi! Vậy là điều lo sợ đã thành sự thật. Sau cơn mưa này thì con đường đất vô nhà ngoại sẽ trơn trợt chết người. Cô với bốn con "tiểu yêu" kia thì có gì đâu mà ngán. Còn nhỏ Điệp Phi, làm sao mà cõng nó nổi đây? Để nó đi một mình à? Có lột giày cao gót ra bám mạnh mấy ngón chân vào đất, con nhỏ chắc cũng "chụp" được gần chục "ếch" để chút nữa mặc sức xào lăn. Còn Điệp Phi thì vẫn vô tư. Tới giờ phút này thật ra cô vẫn chưa thấy nản chút nào. Nhưng khi cả ba chiếc xe đạp đều được dắt hết vào gởi nhờ ở nhà của một người quen thì chiếc miệng gần như mếu với ánh mắt hoang mang của Điệp Phi vụt chiếu vào từng người người một. Thấy vậy, Tiểu Loan giải thích một cách khổ sở: − Phải đi bộ một đoạn mới tới nhà ngoại chị. Bây giờ Phi cởi đại giày ra để chị xách cho, nắm chặt tay chị đi từ từ nhé. − Cái gì? Đi chân trần trên đất sình thế này à? Trời ơi! Khiếp, chắc em hổng dám đi đâu? Điệp Phi mếu xệch nhìn vào bộ quần áo mình. Rồi cô ngó xuống đôi chân. Nhưng... nếu không đi thì bất lịch sự quá chừng đi... Còn đã lỡ dại trót nghe lời rủ rê tai hại của Tiểu Loan thì đánh "liều" vậy. Lúc này đây tự nhiên Điệp Phi thấy ghét Tiểu Loan kinh khủng. Đã biết người ta là "cành vàng lá ngọc", thế mà... Dở khóc dở cười, Điệp Phi đành cuối xuống tháo giày. Trúc Nhã, Hồng Đào, Mỹ Trang với Quỳnh Tiên bạn của chị Tiểu Loan dường như đang xì xầm với nhau một cách khó chịu. Rõ ràng các cô nàng đó cảm thấy khó gần quá trời với cô tiểu thư đỏng đảnh nhà ta.Tinh tế đọc được điều đó, Tiểu Loan đưa mắt ngó bạn, đề nghị: − Hay là tụi bây cứ đi trước đi. Vô trước giúp ngoại với mẹ tao được chừng nào hay chừng nấy. Cũng trưa rồi... Giọng Mỹ Trang khinh khỉnh: − Bỏ mày đi sau với Điệp Phi à? − Ừ. Hổng sao đâu. Đi một khúc, nhỏ sẽ quen dần thôi. Tiểu Loan nói vội khi cô tránh ánh mắt trách phiền của bạn. Quỳnh Tiên ngần ngừ: − Ai lại bỏ bạn trong lúc "hoạn nạn" như vậy? Tụi bây có nhớ câu chuyện ngụ ngôn về hai người bạn hay không? Nhã Trúc ngoa ngoắt chen vào: − Chắc không sao đâu. Đoạn đường này đâu có chó sói, mà bọn mình cũng chưa tới nỗi trèo tuốt lên cây ngó xuống để mặc bạn mình sợ đến chết khiếp luôn. Hồng Đào thì mặt mày sáng rỡ lên: − Đúng đó. Bọn mình đi trước còn hơn. Vô giúp ngoại với bác vặt lông gà lông vịt cũng có ích vậy. Và điều quan trọng là... biểu ai ai đó chèo xuồng ra đón Tiểu Loan với Điệp Phi là chắc ăn nhất. Ừ nhỉ! Sao Tiểu Loan không nghĩ ra nhỉ? Đúng là tại đầu óc ngu ngốc của cô thích "quan trọng hoá" vấn đề thôi.Dù vậy, vì tự ái và háo thắng, Điệp Phi cũng đã rán đi được một khoảng đường, cô níu gần muốn rách chiếc áo có những chùm hoa tím màu trái nho của Tiểu Loan mà mấy lần suýt làm rách toạt áo cô vì... chụp ếch. Có lẽ "giao liên" đã tới nơi rồi, Tiểu Loan nghe nhẹ cả người khi từ xa một chiấc xuồng ba lá vừa trờ tới do một người con trai đội nón lá đứng chèo. Một bàn tay của hắn ta chợt giơ cao làm "tín hiệu" - Chắc là thằng Tuấn con bà Ba Đực ra đón giúp cô với Điệp Phi rồi. Thở phào một cái, Tiểu Loan kéo Điệp Phi xuống đứng đợi sát mé sông, nơi có chiếc cầu bắt dưới mé bằng thân dừa đẽo nấc. Quái quỉ! Buổi sáng hôm nay lại gặp nước ròng mới chết. Nỗi nhẹ nhàng chưa kịp thấm sâu vào hơn trong suy nghĩ, Tiểu Loan đã lại phải ngán ngẩm nhìn thân cầu trơn tuột dẫn xuống lòng sông cạn nước lờ đờ mấy đám lục bình. Đoạn đường ngắn ngủn "trần ai" này sẽ còn xảy ra chuyện gì đây với một đứa con gái chỉ quen sống trong nhung lụa, hương hoa, lầu cao với trăm thứ tiện nghi vật chất và hiện đại? Phen này thì chắc ăn Tiểu Loan sẽ phải chuẩn bị hai cái lỗ tai để chút nữa nghe ba mẹ "dũa" về cái tội cô đã dám làm chuyện động trời khi kéo cô tiểu thư đài các, kiêu sa, con gái cưng duy nhất của ông bà chủ một công ty tiếng tăm lừng lẫy trên thương trường đi tới một nơi "khi ho cò gáy" như vầy. Nhìn bộ quần áo trắng đã lem luốt sình của Điệp Phi, Tiểu Loan ân hận quá. Đúng là: cô lớn đầu mà hổng nên thân, toàn bày trò lắt léo gì đâu. Nhưng... nếu suy cho cùng thì Tiểu Loan cũng đâu có tội gì. Dù sao thì trong tiệc vui nho nhỏ mừng cô tốt nghiệp Đại học có mặt Điệp Phi vẫn vui và có ý nghĩa đấy chứ. Sau cơn mưa, dù con đường lầy lội, nhưng những hoa nắng chợt lung linh, lung linh...Chiếc xuồng tấp vào bờ. Không chỉ một mình Điệp Phi trợn mắt, há mồm khinh ngạc mà cả Tiểu Loan cũng không thể nào ngờ. Gã con trai đứng trước mũi xuồng chính là Nhật Duy. Trời ơi! Ở đâu ra và ai dạy anh ta "hoá thân" làm anh chàng chèo xuồng hay như vậy? Chẳng lẽ là một Trương Chi hiện đại? Anh làm gì mà có tiếng sáo "thiên phú" để một tiểu thư Mỵ Nương phải luỵ lòng mà mang bệnh thất tình? Vớ vẩn nữa đi. Cả Tiểu Loan lẫn Điệp Phi không hẹn mà cùng đưa tay dụi mắt. Thật chớ không phải là giấc mơ đâu. Mỉm cười, Duy ném chiếc nón lá đang đội trên đầu xuống lồng xuồng. Đến lúc này anh mới giật mình nhớ tới hai ống quần vẫn đang xắn lên cao quá gối. Còn chiếc áo thun ba lỗ khoác trên người? Lấy gì để lịch sự che đi vẻ hớ hên trần trụi của mình đây chứ? Lúc nãy quỉ tha ma bắt gì mà anh vội vàng tới nỗi chẳng kịp khoác lên người chiếc sơ-mi. Có nằm mơ Nhật Duy cũng không dám nghĩ Điệp Phi dám lặn lội tới nơi này. Cô ta có thể lí lắc đi bán giùm Tiểu Loan hàng tiếp thị, có thể bày trăm trò nghịch ngợm khó ngờ. Nhưng không thể mang bộ cánh trắng thiên thần của một tiểu thư đến tận nơi đây cho dính đầy bùn đất. Nắm đại một nhánh bần để ghìm cho xuồng khỏi chao nghiêng, Nhật Duy bỗng bối rối đến vụng về. Khi sợi xích sắt đã được anh cẩn thận cột vào thanh cầu. Duy bước thoăn thoắt theo dọc thân dừa lên bừa. Bãi sình non dưới mé sông lấp ló những hang còng. Những con vật giống hệt con cua nhưng bé xíu đang trườn mình trên lớp bùn nhão nhoẹt, mịn màng, êm ả đó... Điệp Phi đang bối rối mím môi ấm ức nhìn cây cầu trơn tuột. Cô muốn khóc quá trời khi những ngón chân hồng ngày nào cùng đến tiệm làm móng mài dũa, sơn phết đang bám đầy bùn đất đồng quê.Khi đã đứng bên cạnh Tiểu Loan với Điệp Phi, Nhật Duy lại cười tỉnh rụi rồi trầm giọng: − Anh theo chú Tám vô đây từ sớm lận. Trời ơi, đâu ngờ Tiểu Loan rủ được Điệp Phi đi. Chớ nếu biết anh đã... Đang cụp mi, nhìn đám cỏ lông gà, Điệp Phi hất cao mắt nhìn Duy. Bản chất ương bướng và kênh kiệu lại trỗi dậy trong cô. Hổng lẻ bây giờ cô lại ngốc ngếch đòi về? Mà về làm sao được mà về chớ hả? Dài giọng, Phi tiếp lời Duy: − Chớ nếu biết có tui vô thì anh hổng đi chớ gì? Điệp Phi hả hê nhìn Duy khi cô vừa nói xong một câu ngốc ngếch. Vụt cười, Duy bảo: − Sao kỳ vậy? Có cô thì có. Mắc mớ gì tôi lại phải bỏ phí một tiệc vui đầy ý nghĩa thế này? Cách trả lời châm chích của Nhật Duy làm Điệp Phi quê quá. Nhưng cô đã mau mắn "gỡ gạc" được ngay: − Tôi quên mất. Hình như anh thích đi "lông nhông" để "kiếm ăn" lắm mà. Nhật Duy vẫn còn chưa hiểu: − Cái gì kiếm ăn? − Thì tới những chỗ không ai mời, bất kỳ là đám ma, đám giỗ, đám cưới hay sinh nhật... Nói chung là những chỗ có tiệc tùng và có đãi ăn. Không biết Nhật Duy tức sôi lên hay không mà Điệp Phi thích cố tình chọc anh thêm nữa: − Đến những nơi đó dĩ nhiên là có ăn rồi. Nhất là đến trong trường hợp hông được mời lại càng... đỡ tốn kém hơn vì khỏi phải mang theo bao thư hay quà cáp gì ráo. Liếc Điệp Phi một cái rồi Nhật Duy thản nhiên nói tiếp: − Có điều... chỉ hơi phải bẽ mặt một chút thôi chớ gì. Đúng là... cô khi người quá lắm. Con gái của ngài giám đốc ạ, dù sao bây giờ tôi cũng xin đính chính chút xíu. Hôm nay tôi có mặt ở đây là vì... chú Tám và cũng vì... tình cảm của một người anh đối với Tiểu Loan. Tin hay không tuỳ cô. Tôi thấy chuyện chẳng có gì quan trọng. Không thèm nhìn đến Điệp Phi lần nữa, Nhật Duy xoay người nói với Tiểu Loan: − Đưa giỏ xách với đôi giày của "cô chủ nhỏ" đây anh mang trước xuống xuồng cho. Em đi tay không xuống cho dễ Tiểu Loan à. Khéo đó, cầu trơn lại không có tay vịn.Em quen rồi. Lo là lo cho Điệp Phi thôi. − Điệp Phi hả? Ừ. Em đi xuống xuồng trước đi. Cứ để Điệp Phi đó cho anh. Một câu nói lửng lơ. Tiểu Loan thoáng ngạc nhiên nhưng rồi cô ngoan ngoãn bước xuống xuồng ngồi đợi. Mấy tháng quen nhau qua giao tiếp xem như đồng nghiệp giữa Duy với cha mình, Tiểu Loan thật sự rất mến Duy và xem anh như một người anh ruột thịt. Điệp Phi thì đang tức tối quá trời. Câu nói vừa rồi của Duy vô tình hay cố ý xốc hông vừa khiêu khích cô đây? - Để Điệp Phi đó choa nh. Trời ơi câu nói vừa như mệnh lệnh vừa như... như cái gì không biết nữa. Có điều cô cảm thấy giống như là Nhật Duy xem cô không bằng hạt cát. Đã vậy, mà Duy lại nói tiếp tục tỉnh như không: − Dù sao anh cung tập gallant với phụ nữ một chút để khỏi bị mang tiếng cù lần. Điệp Phi à! Nếu sợ té, cô có thể nắm chặt tay tôi rồi bước theo tôi từng bước một. Không sao đâu, đường dơ nên cầu chỉ hơi trơn chút xíu thôi. Như có lửa trong mắt, Điệp Phi cong môi đốp chát: − Còn lâu. Tôi như vầy... mà đi nắm tay anh à? Sau câu nói, cô vội vã quay mặt đi chỗ khác. Nhật Duy đành thở ra một cái. Anh nhún vai rồi bỏ mặc Điệp Phi bước xuống cầu. Đôi giày dính đầy đất bùn của Điệp Phi bị anh xâu lại xách cùng tay với cái giỏ cắng phồng của Tiểu Loan. Điệp Phi khó chịu lườm anh một cái. Trong đầu cô vụt hình thành ngay những ý nghĩ... suy diễn. Tiểu Loan đi dễ dàng qua. Nhật Duy đi cũng đâu có khó khăn gì. Với lại, cây cầu đã được người ta đẽo sẵn những chỗ lõm vừa lòng bàn chân thế kia, bước cẩn thận làm sao mà té được? Trượt patin Điệp Phi đã đạt hạng "siêu", không lẽ bây giờ cô đành chịu thua cây cầu dễ đi gấp trăm ngàn lần cầu khỉ? Cho hắn lên mặt dạy đời chắc? Nghĩ vậy, Điệp Phi cắn môi bước đại xuống cầu. Nhật Duy thấy rồi mà anh lờ đi như không thấy. Phải cố lắm anh mới khỏi bật cười khi tưởng tượng bàn chân nhỏ nhắn với những ngón sơn hồng đang run run bám ch8ạt thân cầu. Bước thứ nhất. Ổn. Nấc thứ hai. Qua. Bước nữa. Từ từ... rồi bước nữa... Bỗng... − Ái da...Duy quýnh quáng ném mạnh chiếc giỏ của Tiểu Loan có đôi giày cao gót ở quai xách xuống lòng xuồng. Chiếc xuồng hơi lắc lư và như phản xạ, Tiểu Loan cũng hét lên: − Anh Duy! Vừa vặn, duy xoay người lại. Hơi lảo đảo một tí nhưng may quá anh đã nắm kịp tay Điệp Phi giữ cô đứng lại vững vàng. Hú hồn! Chút xíu nữa thôi cô đã bị rớt xuống bãi sình non kinh khiếp đầy những hang còng đó rồi còn gì nữa. Tiểu Loan thở phào đưa tay vuốt ngực. Đúng là lần này tởn tới già, Tiểu Loan sẽ không dám xúi giục, rủ rê Điệp Phi đi chơi xa như vầy nữa. Cô ngồi lại xuống xuồng lụm lại từng quả táo bị rơi ra từ giỏ. Còn Điệp Phi khi đã gượng đứng vững lại được rồi. Hú ba hồn chín vía, xong cô chợt giận dữ giật bàn tay ra khỏi tay của Nhật Duy để ngông nghênh bước xuống xuồng. Thật vô tình chứ không hề cố ý, khi thấy một chân của Điệp Phi đã đặt được lên mũi xuồng rồi. Duy nhẹ nhàng cúi xuống gỡ sợi xích ra... Vậy mà lại xui xẻo làm sao. Chẳng biết Điệp Phi bước xuống xuồng thế nào mà khi Tiểu Loan cùng đứng lên đi đến định nắm tay Điệp Phi kéo ngồi vào giữa thì chì chiếc xuồng lại chao nghiêng làm cô rơi tõm xuống lòng sông... Tiếng thét chới với của cô bỏ lại làm Tiểu Loan với Nhật Duy lại kinh hoàng thêm lần nữa. − Á... Quýnh quáng nhảy vội theo Điệp Phi, Nhật Duy đã lôi được cô từ dưới sông lên ướt như chuột lột. Bộ đồ màu trắng của cô đẫm màu sình của con nước cạn còn tồi tệ hơn chiếc sơ-mi màu cháo lòng Duy đang mặc vào lần bị cô "quay" như dế để chào mời và giới thiệu sản phẩm tiếp thị dùm chị Tiểu Loan. Mím chặt môi, Nhật Duy dằn cơn tức khi đã kéo cô được lên xuồng. Sao anh chợt muốn tát cho cô một cái siểng niểng quá trời đi. Đã bảo mà, chỉ giỏi kiêu kỳ và bướng bỉnh không phải nơi phải lúc. Để mặc cho Tiểu Loan lo rối rít, Nhật Duy thản nhiên bước lại mũi xuồng. Anh giật mái chèo vẽ một vòng lăn tăn xuống mặt sông. Làm sao anh dám nhìn cô với bộ đồ mỏng dính đang dán sát vào người. Làm sao anh dám nhìn cô khi anh cũng đang bị ướt mem mà phải "thi gan cùng tuế nguyệt" làm gã chèo xuồng chớ? Bên tai anh giọng của Tiểu Loan như một giai điệu ngỡ ngàng lạc lõng: − Có sao không hả Điệp Phi? Cô bé nín lặng ngồi co ro, môi mím chặt môi ở giữa lòng xuồng, những giọt nước ướt mèm từ trên mái tóc rỏ xuống gương mặt bầu bĩnh đang tiu nghỉu đến tội nghiệp.Vậy mà trong cái vẻ ẩn nhẫn, bất đắc dĩ ấy, thằng khờ vẫn nhận ra phảng phất chút gì đó giống như là ngạo mạn và... kênh kiệu. Đến suốt đời, Điệp Phi vẫn không quên chuyến đi chơi dại dột và chết tiệt này đâu. Một góc lặng lẽ ở chỗ nào đó của trái tim, Điệp Phi bỗng rên lên: − Nghĩa ơi! Anh đang bay bướm ở chỗ nào. Có biết Điệp Phi của anh đang khổ sở lắm không? Anh đang xem bệnh cho ai đó, có biết con bé yêu quí nhất đời anh cũng đang muốn bệnh rồi hay không vậy? Bước được lên nhà Tiểu Loan, Điệp Phi đi không muốn nổi. Bộ quần áo ướt mem lại thêm tóc tai rũ rượi của cô làm mọi người ùa ra vây lấy hỏi han. Điệp Phi chỉ muốn được chui xuống đất cho rồi. Cô nhìn mọi người bằng đôi mắt hằn học rồi theo Tiểu Loan đi thay quần áo. Người ở đây sao mà lắm chuyện vậy không biết nữa. Phép lịch sự tối thiểu chẳng biết họ cất đằng nào? Liếc sơ qua bộ dạng người ta là đủ biết rồi, lờ đi cho người ta đỡ quê mới phải, cứ vây lấy hỏi, hỏi miết là sao? Chả bù với Nhật Duy, từ lúc vớt được Điệp Phi từ dưới sông lên, hắn bị hà bá làm cho tịnh khẩu hay sao mà chẳng mở miệng nói một câu nói. Cũng không hỏi vậy - như mấy chị bạn của Tiểu Loan đó. Tưởng là lạnh lùng xa cách mà gặp chuyện như vầy mấy chị lại xử sự hết sức là khéo léo. Nếu như chị Mỹ Trang không kịp thời "giải vây" cho cô khỏi mấy mụ hàng xóm nách con tới nhìn Điệp Phi thiếu điều như muốn bóc từng mảnh vải trên người cô ra thì chắc là Điệp Phi kiếm đá chọi cho họ bể trán, u đầu, thậm chí lòi cả hai con mắt họ ra mới đã nư giận và ghét của cô. Nằm được lên giường rồi, Điệp Phi thấy nhẹ hẳng người. Mùi dầu gió bà ngoại Tiểu Loan xức cho cô cay đến... xé mũi, nóng đến... cháy da vậy mà vẫn không sao ngăn được cái lạnh đến phát run ở tận đâu trong xương trong tuỷ. Điệp Phi bệnh thật rồi. Trán cô đang hâm hấp nóng. Cô chợt thấy cho đáng đời chị Tiểu Loan khi chị bị chú Tám "dũa te tua" trước mặt nhiều người về cái tội dám rủ "cô chủ nhỏ" đi chơi cho cớ sự xảy ra như vậy.Chú Tám còn nói với chị Tiểu Loan khi kẽ răng chú nghiến lại thấy mà phát ớn: − Ông bà chủ mà biết được, sẽ lột da con đó Tiểu Loanoa ơi là Tiểu Loan. Cần gì phải đến ba với mẹ cô? Ngay bây giờ Điệp Phi cũng muốn "lột da" chị đây nè. Ai biểu? − Không ngờ lù khù như chú Tám mà tâm lý ghê đi. Điệp Phi cảm thấy hả hê làm sao khi thấy chị Tiểu Loan phải cụp mi tránh vội tia nhìn nghiêm khắc và lời mắng gậin dữ của cha. Chị lẳng lặng ngồi bên mép giường kéo tấm chăn đắp ngang người cho Điệp Phi, mắt buồn rười rượi. Nhật Duy bấy giờ mới lấp ló ở cửa phòng. Anh ngoắt Tiểu Loan ra, trao cho cô mấy viên thuốc và ly nước trà bốc khói. Anh nói nhỏ gì đó với Tiểu Loan rồi bước vội ra ngoài, chẳng thèm hỏi thăm Điệp Phi đến nửa lời. Tức quá, Đphi nhắm mắt ngủ say. Nhưng ngủ gì được khi ở nhà ngoài mọi người cười nói râm rang và chén đũa ly tách khua nhau. Giọng chú Tám sang sảng và đầy hoan hỉ: − Mời bà con. Chỉ là bữa cơm đạm bạc cùng ông bà thôi mà. Luôn tiện mừng con Tiểu Loan nhà tôi vừa tốt nghiệp xong đại học. Điệp Phi lắng tai nghe ngóng. Lẫn trong những tạp âm đó, cô vẫn nhận ra loáng thoáng giọng trầm trầm của Nhật Duy. Không hiểu sao cô rất tò mò muốn nghe anh nói những gì. Nhưng ngay lúc ấy chị Loan đã lay vai cô, nhẹ giọng: − Điệp Phi! Điệp Phi! Dậy uống thuốc đi. Ráng hết bệnh để chiều còn về chứ. À, thì ra bây giờ chị sợ rồi. Lúc rủ đi chị hăm hở lắm mà. Còn nói hờ nếu mưa thì ở lại một đêm. Bây giờ cảm thấy Điệp Phi này chỉ làm "quấn chân" của chị thôi, lại dụ khị để tống về cho rảnh mắt. Chị nhớ cho điều ấy. Mai mốt chị đừng có hòng mà rủ được con nhỏ Điệp Phi này đi chơi đâu nữa. Về thì về chớ. Ai mà ham ở lại đây làm gì? Điệp Phi này chớ có phải là anh chàng Nhật Duy nghèo kiết xác kia đâu mà "lợi dụng thời cơ" để được ăn ké một bữa ăn chỉ giống như " đám giỗ bà chằn". Nhưng muốn về thì cần phải hết bệnh ngay tức khắc. Ý nghĩ ấy làm Điệp Phi tung chăn ngồi ngay dậy. Cô định vốc hết vốc thuốc trong tay Tiểu Loan vào bụng, mặc dù thường ngày cô sợ thuốc vì đắng gần chết.Ừ. Còn phải tỉnh táo chớ. Thuốc của anh chàng Nhật Duy này mua thì làm sao tin tưởng được? Nhỡ hắn oán thù cho Điệp Phi uống thuốc bậy bạ gì đó rồi "giở trò" thì chắc tiêu đời Điệp Phi luôn. Có lẽ tinh tế đoán được cái nhìn hoài nghi của Điệp Phi, hay là chị Tiểu Loan đã được hắn "tinh ma" rù rì cho trước nên chị đưa thuốc vẫn con nguyên trong "bao bì" với hàng chữ đang ký kiểm duyệt đàng hoàng. Tưởng gì. Bốn viên tiffy trong vỉ màu xanh lá cây y chang như trong tivi quảng cáo. Trời ơi! Mua thuốc ngoại mắc tiền hổng mua, lại đi rinh về loại thuốc Thái Lan giá bèo như cám. Trề môi một cái, Điệp Phi liệng mạnh vỉ thuốc xuống bàn bên cạnh ly nước trà còn nghi ngút khói. Cô với tay lấy cái túi xách để ở đầu giường moi ra một nắm tiền đặt vào tay của Tiểu Loan rồi nói một hơi: − Chị làm ơn đi mua giùm em mấy viên thuốc cảm thứ nào mắc nhất kia. Ừ quên, nhớ lấy loại nhập đàng hoàng. Nhớ thêm một chai nước khoáng. Chai lớn à nghe, mua giùm em một lố khăn luôn. Hồi sáng chị hối quá làm em quên mang xấp khăn ở nhà theo rồi. Tiểu Loan nhìn nắm tiền lẫn lộn giấy lớn và giấy nhỏ trong tay mình. Dường như chị thở ra mấy cái rồi miễn cưỡng đứng lên: − Nhưng... Điệp Phi phải chờ hơi lâu đó. − Sao vậy? - Chị mua liền giùm em hổng được sao? Bộ chị bận chuyện gì à? − Không phải. Nhưng những thứ Điệp Phi đòi chị phải ra tận ngoài chợ huyện mới có bán. Do dự, rồi Điệp Phi đành gật nhẹ. Cô lại nằm xuống kéo chăn trùm kín lên đầu. Cái chăn dày mo, cứng ngắc làm cô lại khó chịu. Trời ơi, chả bù với ở nhà: chăn êm, nệm ấm. Điệp Phi bực dọc kéo chăn lò đầu ra... Chiếc giường không có nệm lại làm cô đau lưng gần chết. Đành vậy. Đợi thì đợi. Còn hơn uống mấy viên tiffy đó làm sao mà hết bệnh được để về? Điệp Phi ứa nước mắt khép mi lại. Cô ngủ lúc nào cũng chẳng hay.Mãi đến khi Điệp Phi nghe bên vách hè một giọng cô gái ỏng ẹo hết chỗ chê, cứ như là giọng của chị Mỹ Trang thì phải. − Anh Duy! Cho em đi. Nhờ em chỉ anh mới thấy mà. Chùm mận đó khuất trong tán lá, anh mắc lo bị kiến vàng cắn làm sao mà thấy được. Giọng Duy ấm nồng không chịu được: − Anh thấy chia đều là công bằng nhất. Nhã Trúc giẫy lên: − Trời ơi! Chùm mận đẹp như vậy mà anh biểu bứt ra chia, uổng lắm. Thôi vậy em tình nguyện "nhịn" cho. Đứa nào lấy thì lấy đi. Hồng Đào chu môi: − Vậy sao tụi mày tranh với nhỏ Mỹ Trang làm gì? Cho nó đi. Mình ăn mận trong rổ kia cũng đủ rồi. Mấy trái càng xấu xí cái vẻ ngoài ăn càng "phê" hơn nữa. Quỳnh Tiên báng bổ: − Mày chịu ăn mấy quả chim ăn còn thừa chắc? − Ừ. Ai chê lại tao chịu. Lấy dao dạt bỏ chút xíu thôi, mấy quả đó nuốt tới đâu "đả miệng" tới đó. Nhật Duy cười ngất, anh nói rất tự nhiên: − Nhỏ Hồng Đào này khôn thấy mồ. Đúng là chừa mấy quả mận chim ăn trước thì khỏi chê rồi. ... Điệp Phi nhíu mày tung chăn ngồi dậy. Cô nghe giọng Duy nói với Tiểu Loan: − Tiểu Loan à, em vào thăm xem Điệp Phi có đỡ được chút nào không? − Mới đây em rờ thấy trán nó hết nóng rồi. Mua thuốc về thấy nó ngủ khò nên em không gọi.− Ừ. Chắc hổng có sao đâu. Chỉ tại cô ta bị giật mình lúc rớt xuống sông thôi. Có khi lát nữa thức dậy cho Điệp Phi ăn tô cháo cá nóng hổi rắc tiêu vô là hết bệnh liền. Nghe vậy Điệp Phi chu môi. Cô cố nén một tiếng "xì" dài ngoằng. Trên chiếc ghế nhỏ đặt cạnh giường cô, chai nước khoáng lọai bự nhất, lố khăn giấy tempo thơm thơmvới mấy viên Panadol bọc trong giấy kiếng bạc, một chai dầu gió xanh loại nhập và xấp tiền lẻ đã đặt ngay ngắn tự lúc nào. Thoáng hài lòng, Điệp Phi định đưa tay bốc thuốc uống. Nhưng trời hỡi! Cơn choáng bất ngờ làm cô tức chảy nước mắt và sợ điếng hồn. Điệp Phi nằm phịch trở lại gối. Vậy là không uống Panadol được rồi. Chắc là Điệp Phi bị bệnh nặng lắm. Phải gọi bác sĩ thôi. Nhưng... bác sĩ thì gọi ai là đáng tin hơn "bác sĩ người yêu" - Nghĩa của cô. May quá, Tiểu Loan vừa bước vào, cô cất tiếng: − Điệp Phi dậy rồi đó hả? Chị múc cháo cá cho cưng ăn nhe. − Thôi, em hổng ăn đâu. − Sao vậy? Uống thuốc đi. Chị mua rồi đó, uống thuốc cảm ưa bị sót ruột lắm. Cưng phải ngoan ngoãn ăn cháo vô mới chịu nổi chứ. − Thuốc cảm đó chắc uống hổng được đâu chị Tiểu Loan à. − Sao vậy? Chị mua chỗ quen đó. Họ lấy thuốc nguyên xi của thân nhân họ ở nước ngoài gởi về mà. − Nhìn là em biết rồi. Nhưng bây giờ sao em chóng mặt quá. Chị gọi điện thoại cho anh Nghĩa giúp em đi. − Anh Nghĩa à? Nhưng anh ta đi công tác biết đâu mà gọi. − Chị gọi về nhà dì Tuyết Trinh hỏi.Rồi hất mặt chỉ xấp tiền trên ghế, Điệp Phi hỏi: − Chị mua gì mà tiền còn nguyên vậy? − Ờ... chị chỉ mua khăn giấy cho Phi thôi. Mấy thứ kia người ta cho chứ hổng chịu lấy tiền. − Thì chị bỏ đại lại đó. Mấy cái thứ lặt vặt đó mà nhận không của người ta làm gì cho mất công mang nợ? Mãi đến hôm nay Tiểu Loan mới thấy hết bản chất khi người quá lắm của Điệp Phi. Cô có "trèo đèo" hoặc "lợi dụng" gì không trong ý nghĩ của cô nàng khi kết thân và xem Phi như một đứa em tinh thần nhỉ? Mím môi thinh lặng, rồi Tiểu Loan cố nói giọng nhẹ tênh: − Thôi vậy. Phi ráng ăn miếng cháo, chị sẽ đi gọi điện ngay cho Nghĩa. − Cũng được. Nhưng... chị nhớ nói anh Nghĩa xuống liền để rước em về nghe. Rước bằng xe du lịch, chớ em chóng mặt lắm, hổng ngồi Dream được đâu, nguy hiểm lắm. Nhật Duy đã đứng ở cửa phòng tự lúc nào. Anh đã nghe hết câu chuyện của hai cô gái. Trên tay anh tô cháo thoáng chao nghiêng. Mùi tiêu như cay cay mắt và xốn xang một chút nơi tim. Ngần ngừ một chút, Duy hắng giọng: − Loan ghi cố điện thoại đi, anh ra chợ gọi cho. Dù sao em cũng cố ép Điệp Phi ăn chút xíu cháo đi rồi tính. Loan gật. Cô xé tờ giấy ở một cháo sách cũ trên ngăn kệ ghi lại số điện thoại ở nhà dì Tuyết Trinh nào đó trao cho Duy và đón tô cháo nóng ở tay anh. Lướt qua tờ giấy, Duy bỗng ngập ngừng: − Như vầy thì khó lắm. Khi Nghĩa xuống được tới đây thì ít gì cũng đã xế chiều. Đó là anh nói trường hợp dì Tuyết Trinh liên lạc được với Nghĩa liền. Và ở một nơi nào đó, Nghĩa tức tốc về liền. Tìm được nhà ở nông thôn đâu có dễ và mau như ở thành phố vậy.Điệp Phi ấm ức nhìn anh, cô gắt: − Không gọi Nghĩa thì sao? Anh muốn cho tôi chết à? Ngắc ngứ một chút, Nhật Duy ngập ngừng: − Tôi đưa cô về cho chú Phan. Về đến nhà rồi cô tự liên lạc vớ Nghĩa của cô. Được chứ? Điệp Phi vẫn mím chặt môi. Nhật Duy tiếp: − Nếu cô đồng ý cách giải quyết đó thì chỉ khoảng hơn nửa giờ sau cô đã có thể có mặt tại nhà mình rồi. − Nhưng... anh định đưa tôi về bằng cách nào mới được? − Đưa tất cả các cô về luôn chớ không phải một mình Điệp Phi đâu. Này nhé, bao một chiếc đò máy để đưa các cô ra chợ. Sau đó, bao hẳn một chiếc xe bốn bánh đưa luôn các cô về thành phố, tận nhà của mỗi người. Được chứ? − Nhưng... đi xe đò hỗn tạp lắm. (??!!??) Rồi còn kẹt mấy chiếc xe đạp giữ ngoài chợ nữa chi? − Xe đạp thì chất hết lên mui. Còn bao hẳn một chiếc xe chỉ có các cô với nhau thôi thì coá gì đâu mà phức tạp. Nếu như Điệp Phi mệt, cô vẫn có thể thoải mái nằm dài riêng một băng nệm về đến tận nhà. Nghe cũng chí lý, cũng giản đơn, cũng tiện... nhưng dù sao có Nghĩa đến tận nơi đón riêng cô về vẫn sướng hơn nhiều. Giọng Duy lại vang lên như thúc giục: − Sao, cô đồng ý chứ? Đành phải đồng ý chứ biết sao bây giờ? Chậm trễ... lỡ ra Điệp Phi tắt thở chết ở đây rồi sao? Bây giờ cô đang chóng mặt đến nỗi không thể gượng ngồi dậy được trước mặt gã con trai cà khịa đó đây nè. Bặm môi, Điệp Phi gật đại, khi giọng cô chợt rưng rưng: − Chịu. − Chịu thì ngoan ngoãn ăn chút cháo cho tỉnh người đi. Trong lúc cô ăn cháo tôi sẽ chạy đi kiếm ngay một chiếc đò đây. Trước lúc bước ra, Nhật Duy còn bày đặt chu đáo nói với Tiểu Loan: − Vậy em nói các bạn thay đồ sẵn chuẩn bị về luôn Loan nhé. Tiểu Loan dạ nhỏ. Cô cúi xuống tô cháo múc một muỗng thổi thổi rồi đút tận miệng Điệp Phi. Cô há môi nuốt ực một cái. Quái lạ! Cáho gì mà ngon pahỉ biết. Chép chép miệng như em bé thèm sữa, Điệp Phi ngoan ngoãn nuốt từng thìa cháo Tloan ân cần bón cho mình. Loáng một cái, tô cháo cạn vèo.Tiểu Loan mừng quýnh. Cô đặt cái tô không lên bàn rồi lấy chai nướt suối rót một ly: − Phi uống nước nghe? − Dạ. Không biết sao tự nhiên Điệp Phi ngoan như vậy nữa. Mồ hôi vã ra! Phi nghe nhẹ cả người và có thể đứng dậy tự đi thay quần áo. Cơn chóng mặt biến đâu mất như có phép màu. Điệp Phi nhìn thấy Tiểu Loan tủm tỉm cười. Cô lờ đi, lấy lược gỡ tóc. Chuyến về cô sẽ mặc quần tím sậm, áo tím hoa cà. Phi có kinh nghiệm rồi, mặc mấy màu hơi tối này nhỡ ra có bị dơ hay nói xui xẻo có bị lọt xuống sông lần nữa cũng đỡ quê. Không biết sao Điệp Phi chợt đỏ mặt khi nhớ lại cái khoảnh khắc ngắn ngủi cô với bộ đồ trắng ướt nước nằm gọt trong đôi tay của Nhật Duy, nếu Nghĩa của cô mà biết được chuyện này thì anh sẽ phản ứng ra sao nhỉ? Dường như có tiếng "tạch... tạch" vẳng đến từ một góc xa nào đó. Tiểu Loan sáng mắt lên: − Chắc anh Duy gọi được đò rồi. Điệp Phi cứ nằm đi, khi nào đò cập bến chị sẽ dìu cưng xuống. Chị cũng phải đi thay đồ để theo Điệp Phi về luôn đây. Nhưng bây giờ Điệp Phi hết muốn nằm rồi. Cô có cảm giác đã khoẻ ra. Ngồi trên mép giường đung đưa chân nhỏ, Điệp Phi rộn ràng nói với theo Tiểu Loan: − Ngoại chị nấu cháo ăn ngon ghê. Chị học cách nấu đi. Hôm nào em có bị bệnh nữa chị bày chị Sáu nấu cho em ăn chị Loan nhé. Cầm bộ quần áo trên tay chưa kịp thay, Tiểu Loan dừng lại tủm tỉm cười: − Hổng phải Ngoại chị nấu. − Vậy chị nấu hả? − Anh Duy nấu đó. Anh tự đi mua cá lóc rồi về nấu cho Điệp Phi ăn đó. − Thật hả? − Thật. Chị hổng có gạt em đâu. Trời ơi! Sao bây giờ, Điệp Phi ước gì mình móc họng moi được hết tô cháo ấy ra ngoài để chó xà mâu ăn bỏ ghét. Nhưng... làm sao được, cô vớt vát: − Vậy mà em tưởng ngoại nấu nên đâu có dám chê. Chớ thật ra... cháo tanh rình hà. Tới bây giờ em còn muốn ói nữa nè. Tiểu Loan ranh mãnh, cô vờ quính quáng: − Thôi đừng ói. Ráng nuốt ngược lại đi. Chính nhờ tô cháo đó mà em hết chóng mặt đó. Moi nó ra, không khéo cưng lại đòi đi "cấp cứu" nữa bây giờ.Ấn mạnh ngón tay xuống mấy con chữ, Thy Cúc dắn dỗi nhìn lên màn hình vi tính. Đầu óc cô hôm nay sao lạ lùng quá? Căng cứng như một dây đàn. Làm sao biết được sẽ rộn lên chuỗi âm thanh gì nếu như ai đó vô tình khẽ chạm vào? Vậy đó. Cô vừa nghe Nhật Duy từ chối thẳng thừng với giám đốc. Rằng anh chẳng thích cô theo làm gì cho vướng bận trong chuyến công tác ba ngày tới đây ở Vũng Tàu. Rằng anh rất ngại đi xa cùng với một nhân viên nữ mà lại ở cách đêm. Thì thôi, không đi càng khoẻ. Nhưng... thật tình Thy Cúc không hiểu được lòng mình. Gã đàn ông đó có gì lôi cuốn mà cô cứ phải "rụng rời" nghe tim mình chao đảo? Tại sao cô phải tìm đủ cớ để có được những khoảnh khắc dù ngắn ngủi được tiếp cận bên anh. Nếu bảo yêu thì sao? Chọn Tuyên có phải sướng hơn không? Anh là một người tình rất tuyệt và nếu lấy anh làm chồng, Thy Cúc cũng nở mặt nở mày và sung sướng một đời. Làm bà giám đốc trong chính công ty của chồng mình hông sướng hơn Thy Cúc phải làm thư ký riêng cho ông Phan hay sao chớ? Tuyên đã đeo đuổi Thy Cúc hơn hai năm nay rồi. Họ gặp nhau trong một tiệc chiêu đãi ở nhà hàng giữa công ty Bình Minh của ông Phan và công ty Rạng Đông do Tuyên làm giám đốc. Cái tên rạng Đông cũng có thể hiểu là một buổi sáng tươi hồng vậy. Và rõ ràng công ty của anh ta đang là một công ty ăn nên làm ra thấy rõ. So sánh, Bình Minh vẫn còn thua xa lắc xa lơ. Tuyên đã choáng ngợp ngay vẻ đẹp của Thy Cúc ngay lần gặp gỡ đầu tiên. Ngồi bên cạnh nhau, rõ ràng họ như hai vì sao sáng đẹp nhất bầu trời. Ông Phan vẫn thường hay đùa như vậy những lúc ông vui. Và vẫn chờ mong có ngày hai hàm răng... già của ông được cắn ngập miếng thịt đầu heo béo ngậy. Bằng kinh nghiệm của kẻ lõi đời ông tin chắc rằng sớm muộn gì một cô gái chưa từng biết yêu là gì như Thy Cúc nhất định có ngày sẽ nghe tim mình rung động trước Tuyên thôi. Biết đâu chừng "thuyền tình" cũng đã cập bến mơ rồi. Nếu như Tuyên đừng hấp tấp ôm hôn cô vào buổi chiều mưa giăng hôm đó. Để hụt hẫng, ngỡ ngàng... Và rồi sự cận kề, tiếp xúc với Nhật Duy trong công tác bất giác làm Thy Cúc có sự so sánh giữa hai người đàn ông, chẳng giống nhau về bề ngoài và tâm tính. Nhật Duy rõ ràng thua xa Tuyên về mọi phương diện. Nhưng sao cô cứ phải nghe lòng mình nghiêng ngả trước vẻ thờ ơmà vô cùng gần gũi của anh. Duy sống xuề xòa mà nghiêm túc. Giản dị mà không dễ dàng một chút nào. Anh hoà đồng với tất cả mọi người, nhưng lại luôn biết dừng lại ở một lằn ranh nhất định. Duy nghèo mà tự phụ. Anh bằng lòng và kiêu hãnh với cái vẻ bề ngoài kiết xác của mình. Duy khác xa Tuyên về vẻ hào nhoáng, những thứ mà người ta đánh giá nôm na là tác phong đạo đức. Và sự lịch duyệt của giới đàn ông phong lưu trí thức. Cô đã rất dễ nhận ra đằng sau cái vẻ hơi bê bối, phớt đời của anh là những tình cảm rất... người. Đối với Thy Cúc, đây lại là điều đáng trân trọng hơn những lời nói màu mè nặng kí mà rỗng tuếch của Tuyên.− Cộc... cộc... Hai tiếng gõ cửa nhẹ nhàng và rồi một gương mặt đàn ông ló vào. Thy Cúc chợt ngeh tim mình đập rộn lên... là anh à? Mỗi ngày vẫn không thấy mặt nhau, không biết Nhật Duy có biết hay không những lộn xộn đang xảy ra trong trái tim hồng con gái? Cười ruồi với cô một cái, Nhật Duy bước hẳn vào phòng, anh nói ngắn gọn: − Cô Thy Cúc! Cô có khách. Thy Cúc miễn cưỡng đứng lên. Nhật Duy thảnh nhiên bước về bàn mình kéo ghế ngồi. Hôm nay chú Phan lại không được khoẻ. Qua tuổi bốn mươi, sao con người dễ bệnh khi trái gió trở trời quá không biết nữa. Giở xấp hồ sơ ra, Nhật Duy chợt ngước lên khi thấy Thy Cúc vẫn còn đứng đó. Cô như có vẻ lưỡng lự trước một quyết định nào đó của mình. Nhật Duy hơi nhướng mày một chút, rồi hỏi như cho có hỏi: − Sao cô không ra gặp Tuyên đi? Anh ấy chờ cô lâu rồi đó. Biết ngay mà. Gíc quan thứ sáu của phụ nữ có khi còn tinh vi hơn cả... hệ thống vi tính nữa. Thy Cúc tắt máy, cô ái ngại nhìn Duy khi đã được bếit rõ kẻ đến tìm cô. − Bộ anh Duy đã nói với anh Tuyên là em đang làm việc trong phòng à? Không ngước lên, đôi mày rậm của Nhật Duy bỗng giao nhau, anh bắt bẻ: − Không làm việc trong phòng thì cô đi đâu chớ hả? − Công vệic của em... đâu có đòi hỏi phải ngồi hoài một chỗ. Có khi em phải theo giám đốc đến một cơ sở nào đó thì sao? Duy bỗng gắt: − Sao hôm nay cô lắm chuyện vậy? Không biết Tuyên của cô thì sao, chớ còn tôi thì... Phẩy tay một cái, Nhật Duy có vẻ bỡn cợt: − Tôi chúa ghét người yêu của mình bày trò ỡm ờ, õng ẹo... − Sao hả?Thy Cúc lắp bắp gần như bị ngọng. Thở thật sâu để dằn xúc động, mãi sau cô mới bật được thành lời. Tiếng "em" ngọt ngào bay đi đâu mất. − Tôi mà ỡm ờ, õng ẹo à? Anh có lầm không vậy? − Chớ còn gì nữa? Hẹn hò nhau thì cứ ra gặp Tuyên đi chớ. Cô yên tâm, soi mói và thọc mạch chuyện riêng của người khác không phải là cá tính của tôi đâu. − Tôi hẹn với Tuyên hồi nào? − Chuyện riêng của cô, tôi đâu có thắc mắc làm gì? Thôi cứ ra gặp Tuyên đi. Rồi cười cười, Duy tiếp: − Nếu như hai người cô cần đi tới một nơi... riêng tư nào đó thì cũng cứ tự nhiên. Nếu giám đốc Phan có hỏi, tôi sẽ lựa lời giải thích giùm cho. − Nhưng... Thy Cúc gần như khổ sở, thật ra thời gian gần đây cô hoàn toàn muốn tránh mặt Tuyên. Một phần Thy Cúc cũng muốn chứng tỏ với Nhật Duy rằng... cô vẫn còn tự do hoàn toàn... trong tư tưởng. Nghĩa là... Thy Cúc còn tự do yêu và tự do lựa chọn đối tượng cho mình. Bởi cô đã âm thầm tìm hiểu. Cuộc sống độc thân của Nhật Duy chứng tỏ rằng anh... chưa thuộc về một người con gái nào, dù là thuộc về chỉ một nửa trái tim. Anh say mê công việc, bù đầu vào những dự tính tương lai. Rõ ràng anh không có những buổi hẹn hò, cũng chẳng màng tới cái vỏ ngoài lôi thôi lếch thếch của mình. Anh thích hoà mình vào những cuộc vui chung không riêng với một đối tượng nào nhất định. Tại sao cô và Duy không thể yêu nhau chứ? Thy Cúc đâu có phải là một đứa con gái trèo đèo, vọng tưởng tới cuộc sống tương lai với những ngọt ngào huyền hoặc? Cô thích một cuộc sống khép kín, an phận, bằng lòng và hạnh phúc trong bổn phận làm vợ của mình bên cạnh một người chồng chịu thương chịu khó. Tại sao cô và Nhật Duy không thể cùng chung tay xây đắp một ngày mai yên ả, ước mơ bình dị với hạnh phúc lứa đôi? Mặc Thy Cúc bối rối và tỏ ra khó chịu khi Tuyên tìm đến tận công ty. Nhật Duy đã bị hút vào một tài liệu tham khảo riêng tư nào đó. Mãi như sực nhớ, giọng anh bỗng mang âm sắc hơi nằng nặng: − Tôi vừa trò chuyện với Tuyên ngòai phòng khách và đã hứa sẽ chuyển ngay lời của Tuyên cho Thy Cúc. Không lẽ cô không nể tôi chút nào sao? − Không phải là như vậy.Cơn giận dữ bị đẩy lùi, Thy Cúc trở nên dịu dàng hơn: − Thật tình em không muốn gặp Tuyên chút xíu nào. Nhật Duy, anh co thể nói giúp... Duy bỏ cái bút bi trên tay xuống, anh bỗng bất ngờ nhìn sâu vào mắt Thy Cúc với tất cả vẻ quan tâm: − Sao vậy? Hai người giận nhau à? Cúc bỗng muốn nổi sùng trở lại: − Không có chuyện giận hờn giữa hai người... chẳng là gì với nhau đâu. − Cô không nói lẫy chứ? Ức quá, Thy Cúc muốn khóc quá trời. Duy thật sự không thấy gì hay cố tình gán cô với Tuyên như vậy? Cúc bỗng cảm thấy không cần nữa. Vừa rồi cô chỉ ngu ngơ muốn chứng tỏ với Duy rằng, cô đâu có "cặp" với Tuyên như lời mọi người trong công ty đồn đãi. Nhưng Thy Cúc là của riêng Tuyên hay không? Hay thậm chí sẽ là của riêng bất kỳ gã đàn ông nào khác. Rõ ràng điều ấy chẳng là điều bận lòng đối với Nhật Duy. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc anh chẳng hề yêu cô một tí nào. Đúng vào cái khoảnh khắc không ngờ nhất thì Nhật Duy lại lên tiếng: − Ra gặp Tuyên đi. Cô không muốn cũng cứ gặp. Tình cảm... trắng phải ra trắng mà đen phải ra đen. Nếu cô không thích thì chẳng ai ép cô cả. Tạo hoá ban cho con người cả một kho ngôn ngữ. Người còn hào phóng cho mỗi chúng ta biết cách cảm nhận ở những biểu hiện dù nhỏ nhất ở người đối diện. − ... − Tôi thật sự xem cô như một cô em gái nên mới khuyên cô như vậy. Đừng chạm vào tự ái của một người đàn ông đang yêu. Nhất là khi họ lại yêu... đơn phương và sâu sắc như Tuyên vậy. Thí dụ không gặp cô ở đây, bây giờ, Tuyên vẫn có thể gặp cô chút nữa khi tan sở chẳng hạn, hay là tối nay ở nhà cô. Đâu có ai cấm anh ta điều đó. Tránh né chẳng giải quyết được gì cả. Chỉ uổng phí những gì đáng ra ta sẽ được.Trời ơi! Vậy thì Nhật Duy đâu có vô tình như Thy Cúc tưởng. Anh đã đọc suốt được hết rồi những gì lộn xộn trong trái tim yêu u ẩn của cô. Anh có đùa giỡn với Thy Cúc hay không vậy? Yêu chớ đâu phải là công việc. Lý lẽ của con tim chớ đâu phải là lý lẽ của cái đầu. Dễ dàng lắm hay sao khi phải "thay đổi" nhịp đập rộn ràng ở tim mình. Đúng. Tội gì cô phải lánh mặt và né tránh Tuyên? Thy Cúc ngúng nguẩy bước vội ra khỏi phòng khi Nhật Duy lại lặng lẽ và thờ ơ chúi đầu vào công việc. Trái tim cô gái đẹp rực rỡ nhưng ước mơ luôn luôn chân thành và giản dị bỗng rên lên: "Tình yêu ơi..." Cái gì đó như một nỗi tê đắng nhẹ ập vào tim hồng con gái. Nhật Duy chợt ngẩng lên. Tiếng guốc khua đã khua xa và ngừng lại. Có lẽ Thy Cúc đã gặp Tuyên rồi. Đúng hay không khi cô ta từ chối một tình yêu cháy bỏng đam mê và tất cả những gì giống như hào quang lấp lánh có từ Tuyên? Có điều trái tim yêu của Thy Cúc đã sai lầm nếu như cô chọn Duy rồi đó. Tại sao Cúc lại ngốc nghếch và ngu xuẩn vậy? Chắc giống anh rồi. Không cùng cha cùng mẹ sinh ra mà lại cùng sự khờ dại giống nhau. Cũng như cô, tại sao Nhật Duy lại đem lòng yêu cô ấy? Một cô gái chẳng vừa ý anh chút xíu nào. Phách lối kênh kiệu, bướng bỉnh, gai góc mà lại vô ý vô tứ nữa. Cô ta chỉ biết có mình và hưởng thụ những vật chất do cha mẹ cực khổ làm ra một cách huyênh hoang tự đắc. Cô ta xem xự ưu đãi của tạo hoá và cuộc đời dành cho mình như là một điều đương nhiên phải vậy. Thật buồn cười và cay đắng. Một gã con trai như anh mà đột ngột lại vướng vào bệnh "tương tư thất tình" mới chết. Giả sử như có một điều nghịch lý nào đó xui cho cô gái ấy cũng yêu anh... thì tình yêu sẽ đi tới đâu? Anh - một phó giám đốc trên danh nghĩa, có cấp bằng, trí thức, trình độ và bản lĩnh hẳn hoi. Nhưng suy cho cùng đấy chỉ là một "hư danh". Một sự đổi chác để cuối tháng anh lại xoè tay nhận những đồng lương trả công từ chủ. Suất lương ấy đem về nhập vào suất lương giáo viên của mẹ. Hai mẹ con lại lặng lẽ sống cuộc sống đạm bạc bên nhau với những khoản chi tiêu dè xẻn. Nhật Duy không muốn nghĩ tiếp nữa. Mẹ anh không đời nào chấp nhận một cô gái như cô ấy là dâu, mặc dù gai đình anh nghèo thật. Còn Nhật Duy... có lẽ muôn đời anh chẳng bao giờ dám thổ lộ tình yêu ấy, nếu như anh không muốn miệng lưỡi thế gian và có lẽ cả ba mẹ cô ta nữa gán cho anh hai cái từ khủng khiếp là... "đào mỏ". Điện thoại chợt reo vang. Chiếc bàn Thy Cúc đang trống trơn không có người ngồi. Máy móc, Nhật Duy bước đến bên máy. Sau chuyến đi chơi ở nhà chú Tám về và những sự việc xảy ra ngày hôm ấy, sao tự nhiên Nhật Duy thấy rã rời. Rã rời...Vừa mới dắt chiếc Win to kềnh từ ngoài cổng vào, Điệp Phi chợt hết hồn khi nghe cha lớn tiếng với mẹ: − Không nói nhiều nữa, kể từ hôm nay em phải ở nhà suốt những lúc vắng mặt tôi. Điệp Phi le lưỡi rụt vai. Cô cố gắng dựng chống xe thật êm để còn chuồn lẹ: − Hổng lẽ cha đang ghen? Ông già ác thiệt. Vòng bên hông để vô nhà sau, Điệp Phi khều chị Sáu đang lúi húi bên rổ rau củ: − Chuyện gì hả chị Sáu? Ngừng tay, chị nhìn Điệp Phi với cái nhìn là lạ, bởi cô đang khoác lên người bộ quần áo kỳ dị hệt "người rừng": − Ông la bà vì để cho cô đi chơi suốt đó. − Nhưng em đi chơi với chị Tiểu Loan chớ với ai đâu? − Tôi đâu có biết nhưng dường như là ông đang giận lắm đó. Vừa rồi ông đã ném cả một bình trà nóng xuống sàn nhà. Còn bà thì chỉ dám ngồi khóc rấm rức thôi. Thinh lặng một chút, thảy củ cà rốt đã gọt vỏ xong vào cái rổ màu hồng, chị Sáu tiếp: − Cô lên phòng lẹ lên đi. Ông mà xuống đây bất tử gặp cô tôi chỉ sợ cô bị quật cho vài roi là cái chắc. Rụt vai, Điệp Phi cười khúc khích: − Ba mà dám đánh em à? − Sao lại không? Thường khi có khi nào lớn tiếng với bà đâu? Điệp Phi lại lè lưỡi nhìn chị Sáu, cô đang cảm nhận nỗi thi vị tuyệt vời thấm vào tận tim gan, sau chuyến đi chơi với Nghĩa từ Vũng Tàu về mà ba mẹ hoàn toàn không hay biết đây nè, vậy mà xử làm sao khi ông gì lại ngầu bất tử. Hay là cha đã phát giác ra rồi?Cảm thấy hơi ớn ớn Điệp Phi chạy tuốt lên lầu. Cũng dám lắm chớ chơi sao. Nếu như cha mà biết cô đã hư hỏng và liều lĩnh dám đi chơi xa với Nghĩa như vậy. Lại còn dám nói dối là đi với chị Tiểu Loan. Khác với dự đóan của cô lần về nàh chị Tiểu Loan ở dưới quê, tưởng khi phát giác ra chuyện xui xẻo đã xảy ra với Điệp Phi như vậy, ba mẹ sẽ nóng lòng cô con gái cưng mà đổ hết tội lỗi lên đầu chị Tiểu Loan chớ. Ai ngờ ông lại tủm tỉm bảo bà: − Có sao lâu lâu cũng nên để cho nó tiếp xúc với những tình huống đó. Đi với ai thì lo, chớ đi với con Tiểu Loan thì được. "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" mà. Bà rầu rĩ chen vào: − Nhưng với ai kìa. Còn Điệp Phi thì trời hỡi! Em thấy nó có sáng ra chút nào đâu. − Từ từ, ngày một chút mà em... Vậy thì lâu nay Điệp Phi đi chơi với Tiểu Loan hai ngày. Buổi sáng sớm ngày hôm qua cô đã nhất định đòi cho được Tiểu Loan quần áo chỉnh tề sang xin phép ba mẹ cô mà. Không lẽ cái chị Tloan này chơi ác? Đã "rù rì" khai hết với ba mẹ cô rồi? Suy cho cùng Điệp Phi có đi chơi xa với Nghĩa như vậy cũng có sao đâu chớ? Cô và Nghĩa đã công khai hoá tình cảm trước mọi người rồi còn gì nữa? Chẳng phải ba mẹ đã ngấm ngầm khuyến khích? Và dì Tuyết Trinh cũng đẹp dạ vun đắp cho tình cảm giữa cô với Nghĩa hay sao? Ôi! Mệt quá. Thây kệ ổng bả đi, cô với Nghĩa đã xảy ra chuyện động trời nào đâu mà sợ? Anh chỉ mới hôn cô sơ sơ, và chỉ hôn nhẹ lên má cô thôi mà. Trút bỏ bộ quần áo đầy bụi đường xa đại dưới sàn nhà. Điệp Phi đi vào phòng tắm. Cô nghịch ngợm để nước từ vòi sen mơn man, mơn man trên. (??!!) Tắm đã rồi, Điệp Phi nằm chuồi ra giường, công nhận là chị Sáu này làm việc được nên giường của Điệp Phi lúc nào cũng sạch sẽ thơm tho. Vậy mà hết tháng này chị đã nghỉ việc rồi, chị bảo về quê lấy chồng. Trời ơi! Lấy chồng gì ở cái tuổi bốn mươi chớ? Trời ơi! Chị làm chi Điệp Phi không biết, chớ còn cô thà ở đợ cho nhà giàu còn sướng hơn lấy một người chồng quê màu chơn chất, tương lai mắm chắc trong tay là rồi đây chị sẽ phải lam lũ suốt ngày phơi mình dưới những cơn mưa tầm tã, cấy lúa gieo mạ, tưới rẫy xúc tép, mò tôm rồi lôi thôi hết nách một bầy con lem luốc và bẩn thỉu...Điệp Phi chợt rùng mình. Cô lại nhớ tới hình ảnh và ánh nhìn của mấy người đàn bà gần nhà ở quê chị Tiểu Loan ngày hôm ấy lúc cô từ dưới xuồng bước lên với bộ đồ còn ướt lôi ngoi, chán ơi là chán! Rồi đương không cô vụt nhớ tới Nhật Duy... Nhật Duy! Nhật Duy! Hắn là cái giống gì mà cứ tình cờ hay cố ý xuất hiện bên cô như ma quỷ ám. Ngay cả chuyến đi chơi tít ngòai Vũng Tàu với người yêu, cô cũng lại chạm mặt với hắn là sao? Ngồi mấp mé ở bãi biển nghịch cát, Điệp Phi hổng dám ra xa hơn nữa. Quả thật tới bây giờ cô vẫn còn bị ám ảnh bởi nước, nói đúng ra là cái lần bị rớt xuống sông và uống nước sình no bữa đó. Nghĩa đang đứng ngoài xa, nước biển dâng tới cổ anh, chỉ còn l1o cái đầu, nhìn từ xa giống hệt như anh đang bị chôn sống giữa một biển nước xanh mênh mông bát ngát. Mà chôn sống cái nỗi gì? Anh bỗng đưa tay ngoắc cô, cười cười. Điệp Phi ngúng nguẩy lắc đầu lia lịa. Rồi phản xạ tự nhiên, cô bỗng đưa mắt ngược lại lên bờ khi tiếng cười nắc nẻ của cô gái nào đó vừa bỏ lại. Đâu biết là tiếng cười của cô nào. Một tốp con gái tới gần năm đứa. Đứa nào đứa nấy đẹp hết xảy với những bột đồ tắm thật bạo và thân hình hết chổ chê. Đến Điệp Phi mà còn ngơ ngẩn, nói chi bọn đàn ông con trai. Gần như có mấy vốc nước và cả những vốc cát nữa của bọn con trai sàm sỡ và tinh ma ném với theo, lại những tiếng cười rũ rượi, rồi tiếng làu bàu chửi rủa của một cô nào đó trong bọn họ. Điệp Phi nhìn lại mình, cô vẫn còn kín đáo và thơ nâgy quá với bộ đồ tắm bằng thùn hoa che kín ngực và một phần phía dưới đùi. Ngay khi đó giọng Nghĩa bỗng rất gần: − Anh tập cho em lội. Điệp Phi! Ngoan nào. Cô bỗng rùng mình một cái, gương mặt bỗng phủ một màu hồng tuyệt đẹp. Nghĩa của cô đẹp trai và sang phải biết. Không thể cảm nậnh vẻ đẹp của anh như vẻ đẹp của "chàng Vọi" được, dù rành rành anh đang đứng giữa biển khơi. "Chàng Vọi" xưa rồi. Bây giờ con gái kết mô-đen kiểu khác, cới tuýp con trai khác. Nhưng để cho anh giúp cô tập lội à? Hổng được đâu. Dù bác bỏ nhưng sao Điệp Phi cũng bị mắc cỡ, e thẹn như thường, cô chỉ ham vui một chút thôi, chứ nếu phaỉ thân mật với Nghĩa hơn thì chưa thể được.Đắp thêm một vốc cát nữa cho thành hình thù hệt như toà lâu đài bé xíu trong truyện cổ tích thần tiên, Điệp Phi cong cớn môi hồng: − Thôi em sợ lắm, hổng thích lội đâu. − Có anh mà! − Có anh nhưng rủi em bị ngộp nước, anh đâu có ngộp thế cho em được? Nghĩa nín cười. Trong trí anh chợt thoáng qua hình ảnh tưởng tượng hôm nào. Cú điện thoại từ nhà anh gọi về tức tốc. Ai ngờ có gì đâu? Cô người yêu bé nhỏ của anh chỉ bị hú hồn vì lọt sông thôi. Và cũng có thể vì bị giật mình mà tim mới đập lộn xộn lung tung như vậy. Rồi cơ thể buồn buồn cũng đổi thay nhiệt độ chút xíu thôi. Cũng phải. Nhà giàu đứt tay cũng phải hơn hẳn ăn mày đổ ruột. Nghĩa cắt cớ ngồi xổm xuống bên cạnh Điệp Phi, kề tay cô bỏ nhỏ: − Anh chớ có phải anh chàng phụ tá giám đốc cù lần ở công ty Bình Minh của cha em đâu mà sợ? Làm sao mà em có thể bị rớt xuống nước khi có anh bên cạnh, ngoại trừ trường hợp anh muốn... nhận chìm em cho bỏ ghét. Đấm vào lưng anh mấy cái, Điệp Phi xô Nghĩa té nằm dài trên cát: − Ghét em hả? Nghĩa la oai oái, miệng anh méo xệch thanh minh khi lồm cồm ngồi dậy được: − Sao em kết tội cới người khác một cách vô duyên vậy? Anh nói ghét em hồi nào đâu chớ? − Chớ ai vừa mới nói sẽ nhận chìm em cho bỏ ghét hả? − Ngốc thật. Bỏ ghét là thương đứt ruột đó bé ơi! Phi lại nhéo anh một cái đau nhảy nhổm: − Xịt anh ra đi, người gì đâu mà miệng lưỡi trơn còn hơn thoa mỡ nữa. − Vậy đó mới vừa với em. Gai góc quá Điệp Phi ơi!Rồi mặc cho chỗ đông người, Nghĩa bất ngờ kéo sát cô vào lòng hôn đanh chụt lên đôi má nựng nịu phúng phính đầy lông tơ của cô một cái. Điệp Phi đẩy mạnh anh ra, Nghĩa cười ngất rồi nói: − Không tập lội thì thôi, anh tắm nữa. Nhưng nếu như anh có đột ngột nổi hứng tập cho cô gái nào khác bơi thì em đừng có đổ quạu, nghe chưa? Bỏ lại tiếng cười, Nghĩa phóng xuống nước, bơi vụt ra xa. Điệp Phi bỗng thẹn thùng ửng hồng đôi má. Cô lại cúi xuống với cái trò chơi trẻ thơ của mình. Toà lâu đài bằng cát Điệp Phi xây một cách công phu đã đổ sụp hết rồi. Nó đã bị bẹp dí vì khi nãy Điệp Phi xoay mình qua nhéo Nghĩa một cái cho "đã tay" cô. Và... đợt sóng biển xô bờ bất ngờ cũng vừa cuốn trôi đi hết, chẳng còn lại một dấu vết gì. Thốt nhiên có gót giày ai đó dường như hơi ngập ngừng giữa những gót giày của đàn ông. Điệp Phi chợt ngẩng lên. Cô tròn mắt và rồi, nhếch môi một cái, nghênh mặt ngó mông ra ngoài biển tìm kiếm Nghĩa. "Hắn đi đâu vậy kìa?" - Điệp Phi tự hỏi, cô chợt cảm thấy hơi quê thi hắn làm như chẳng quen biết với cô. Hai tay thản nhiên đút vào túi quần, hắn lại lững thững bước tiếp những bước chân nhàn nhã trên bãi biển cùng với hai người đàn ông nữa. Dường như họ đang trao đổi với nhau một đề tài gì đó. Trời hỡi! Mấy tháng được nghiễm nhiên cân nhắc lên chiếc ghế phó giám đốc rồi. mà sao cái vẻ cù lần của hắn vẫn chưa tẩy sạch. Thảo nào người ta nói " Rắn lột da trăm lần thì vẫn hoàn kiếp rắn". Ai đời đi chơi biển mà áo sơmi đóng thùng, cravatte thắt vắt vẻo cho gió biển bay bay, rồi còn giầy tây bóng lộn... Nghênh mặt Điệp Phi thấy ở ngòai kia Nghĩa vừa hụp đầu xuống nước, xong anh nhô đầu lên vuốt mặt một cái rồi lại vùng vẫy giữa biển nước xanh rờn. Điệp Phi lại buồn buồn, cúi xuống với mấy vỏ ốc, mấy con sò, nhưng lần này chẳng hiểu sao vốc cát đáp hoài mà chẳng ra một hình thù nào cả.Nghĩa vừa lên tới. Anh nhìn cô thật ấm: − Thôi đừng chơi nàh chòi nữa, về khách sạn tắm đi. Sau đó anh với em đi ăn, chịu không Phi? Điệp Phi nghe lời liền, cô cũng đang chán bãi biển một cách ngang xương và đói bụng quá trời rồi. Ai dè đâu vừa xé một miếng khô mực nhai nhóp nhép, Điệp Phi chưa kịp thưởng thức chút hơi bia theo cách rủ rê của Nghĩa: − Em uống đại chút xíu bia đi, ăn khô mực đúng mốt là phải uống bia, chớ ai đời nhai khô rồi đi tu nước ngọt. Duy xuất hiện, anh chìa tay ra xin bắt tay Nghĩa rồi "rù rì" gì đó không biết nữa. Tức lý, Điệp Phi xé thêm miếng khô nữa rồi đưa mắt ngó mông lung bãi biển về đêm, cô chợt có cảm giác nhai khô như nhai giấy. Đến bây giờ, khi cái hứng bất tử đã qua rồi, Điệp Phi mới thấy hoang mang lo sợ. Quả thật cô hư quá và cũng quá đỗi liều nếu như ba mẹ mà biết được... Ôi! Phi không thể nghĩ tiếp nữa đâu. Tự nhiên, Điệp Phi nghe lòng mình rối rắm. Sau bữa ăn này, cô và Nghĩa sẽ về khách sạn. Trời ơi! Sao mà lúc hí hửng nghe theo lời rủ của anh, Điệp Phi chưa hề nghĩ đến tình huống khó xử này? Có vô duyên không chớ, khi là con gái mà Nghĩa là đàn ông con trai. Ai mà biết được chuyện gì với chuyện gì dù hồi chiều này Nghĩa đã chu đáo đăng ký nhận hai phòng có giường rộng ở chung vách với nhau. Không biết Nhật Duy nói gì, cô chỉ nghe Nghĩa cười ngất rồi miễn cưỡng gật đầu: − Tí nữa, ở đây về tôi sẽ ở suốt trong phòng thôi. Anh muốn sang phòng tôi lúc nào mà chả được? − Vậy thì hay quá, chúc hai người vui vẻ nhé. Tôi còn phải lo cho xong vài việc nữa, không có anh chắc là đêm nay tôi đành ngủ bụi. Duy đi rồi, Điệp Phi cắn môi giận dỗi, cô hỏi Nghĩa: − Anh quen hắn à! − Ừ thì cái lần em bị té sông ấy. Hắn đã tự tìm đến để làm quen với anh mà. Bĩu môi khinh bạc, Điệp Phi hất cao nét mặt: − Hắn nói gì với anh vậy Nghĩa? Hớp một ngụm trà, Nghĩa cười cười: − Chuyện đàn ông, em thắc mắc làm gì? Đại khái là hắn than xui xẻo vì không có chổ nghỉ qua đêm. Hắn bảo đi công tác hai người mà ông bạn kia thuộc dạng "hũ chìm". Mới có giờ này đã chết dí trong căn phòng đăng ký chung với cái mùi chua lòm khó ngửi vương vãi khắp chiếu chăn.− Thì nằm tạm dưới nền nhà mà ngủ, cho chừa cái tội ngu. Mướn khách sạn về công ty thanh tóan tiền lại cho chớ bộ bắt hắn chịu sao? Trùm chi mà trùm dữ vậy? Nghĩa vừa dứt câu, Điệp Phi đã đốp chát liền như vậy, vẻ kẻ cả và bao dung, Nghĩa cười độ lượng: − Thôi kệ, rồi hắn sẽ có kinh nghiệm hơn. Dù gì giường anh cũng rộng, anh đã hứa với hắn rồi, như vậy biết đâu càng hay. Vì anh sẽ không làm phiền em được. − Anh cho hắn ngủ chung à! − Chỉ mấy tiếng đồng hồ thôi. Bốn giờ sáng nay hắn đã dậy và tức tốc trở về công ty rồi và anh với em cũng phải lo trở về sớm chớ. Nếu như em không muốn phải kiếm tàu mo để bó cái mông lại chuẩn bị chịu đòn. Điệp Phi cười hì hì. Tự dưng liều quá, Nhật Duy ở đâu ra "cứu bồ" cô đúng lúc thế này? Vậy là sau khi ăn uống no nê, Điệp Phi đòi Nghĩa đưa đi dạo biển. Xong đâu đấy cô có thể yên tâm rút về căn phòng lạ, cài kín cửa ngủ một giấc ngon lành tới sáng mà không sợ bị Nghĩa quấy rầy và léng phéng. Bửa nay Nhật Duy cà khịa đúng lúc ghê. Sau lần này Điệp Phi tự nhủ lòng cô sẽ chín chắn hơn, dù sao cô với Nghĩa cũng đã có lễ nghi nào chính thức cho phép thân mật quá đáng đâu? Nghĩa bỗng giục khi thấy Điệp Phi bất ngờ như đắm chìm vào suy nghĩ riêng tư nào đó. − Sao! Em đang nghĩ gì vậy Điệp Phi? Cô bỗng giật mình bối rối: − Đâu có! Ừ mà em nghĩ, nếu có ngủ chung với Nhật Duy thì anh làm ơn đừng có lây dùm cái vẻ cù lần của hắn. Em sẽ nghỉ chơi anh ra luôn. Nghĩa cười ngất, vẻ sung sướng của anh lại chảy tràn ra giọng nói: − Làm gì có chuyện đó được, em yêu!Điệp Phi bỗng tung chăn ngồi dậy. Dưới nhà tiếng máy xe của cha cô vừa giận dữ vụt ra khỏi cổng. Rồi xa dần, xa dần, Phi bỗng ngeh tiếng hồi hộp làm sao khi liền đó bước chân mẹ đang tiến dần đến cửa phòng cô. Chuẩn bị tư tưởng để trả lời theo kiểu vấn đáp đi. Điệp Phi bỗng mím chặt môi, khôn gphải là chị Tiểu Loan đâu, là hắn chớ không phải ai khác. Chắc chắn mười mươi rằng Nhật Duy đã lẽo đẽo kể lại chuyện gặp cô và Nghĩa ở Vũng Tàu với cha rồi. Cái ơn Duy đã cứu cô thoát khỏi tình trạng rối rắm đêm qua, Điệp Phi chưa kịp trả, anh ngu ngốc chọ cho cô nổi giận nữa rồi. Thật đúng là đồ "quỷ ám" mà. Quả đoán chẳng sai mà. Ai chớ nhỏ Điệp Phi này thì thông minh khỏi nói. Cái cách xô mạnh cửa phòng hôm nay của mẹ đã đủ biết bà đang giận điên lên rồi. Tội nghiệp, có lẽ ba mắng mẹ nhiều lắm thì phải. Cũng tại Điệp Phi thôi. Mà làm sao tại Điệp Phi được chớ? Cô đã sắp đặt đâu vào đấy cả rồi. Tất cả nhất định là do Nhật Duy thôi. Đàn ông con trai gì nhiều chuyện không chịu được. Chuyện như vầy làm sao Điệp Phi "cho qua" được chớ? Trái tim đánh lô tô, Điệp Phi bỗng run lên khi mẹ quắc mắt nhìn cô giận dữ. Đã vậy mà bà vẫn không quên cúi nhặt bộ quần áo Điệp Phi vừa thay ra vứt đại dưới sàn nhà, vắt tạm vào thành ghế tựa. Giai điệu mở đầu nghe đã đủ chết người rồi: − Trời hỡi! Con với cái. Sau lời than oán, lập tức đôi mắt bà toé lửa nhìn Điệp Phi đang co ro ở một góc giường. Sao mẹ nỡ nhẫn tâm không nhìn thấy con gái mẹ đã biết lỗi và ngoan ngoãn đến như vầy không biết nữa. − Điệp Phi! Con trả lời ngay cho mẹ biết. Hai ngày qua con đi đâu? − Thì... con đi chơi với Tiểu Loan. Sao mà mẹ... mau quên quá vậy? Chớ hổng phải sáng hôm qua chị Tiểu Loan qua xin mẹ và mẹ đã đồng ý cho con đi hay sao chớ? − Lẻo mép! Điệp Phi vừa dứt lời, cô đã nhận cái tát như trời giáng của mẹ. Trời ơi! Đây là lần đầu tiên mẹ đánh cô. Rõ ràng cũng tại vì hắn mà ra. Thù này, Điệp Phi hứa với lòng dù có chết cô cũng phải trả cho xong mới chết. Giọng bà Phan chợt run lên: − Trời ơi! Mẹ đâu có ngờ con hư đến vậy. Nếu biết mày như thế này, lúc vừa mới đẻ ra tao thà bóp chết cho rồi.Đã vậy, mẹ còn mày với tao nghe muốn rụng tim luôn. Nhìn mẹ bây giờ sao hung dữ quá trời. Chắc hẳn máu trong người bà đang phải sôi đến cả trăm độ xê chớ chẳng vừa đâu. Tay ôm má đau, Điệp Phi cúi xuống thinh lặng. Đáng lẽ như vậy mẹ phải thấy thương Điệp Phi lắm mới phải chứ. Ai dè bà lại tiếp tục chì chiết cô không tiếc một lời: − Ba mày nói cũng phải. Ổng phải đi một chút. Chứ nếu ở nhà, ổng sẽ giết chết mày ngay. Đồ con gái hư. Đến nước này thì Điệp Phi ức lòng quá đỗi. Cô phải giải thích với mẹ thôi: − Sao mẹ nói kỳ vậy? Con hư chỗ nào đâu? − Không hư mà dám đi chơi với trai mấy ngày liền, còn dám nói dối với mẹ cha là đi chơi với Tiểu Loan nữa chớ? Cúi đầu, Điệp Phi lí nhí: − Thì con đi chơi... với anh Nghĩa. Đi chơi cho vui chớ, hư gì mà hư. Mẹ làm gì phải quýnh quáng lên như vậy chứ? − Thế... đêm qua con ngủ ở đâu? Bà Phan bỗng dịu giọng hơn một tí. Nhưng vẻ lo âu vẫn in đậm trên gương mặt bà. Bà tự nhủ với lòng. Từ từ dằn xuống, ngọt ngào biết đâu con gái mình sẽ nghe ra. Vậy mà bỗng nghe giọng Điệp Phi tỉnh rụi: − Khách sạn. Bà Phan không thể bình tĩnh được nữa rùi, quýnh quáng bà hỏi vội: − Vậy... còn Nghĩa? − Cũng khách sạn. − Trời ơi! Nói mau cho mẹ biết. Đã xảy ra chuyện gì rồi hả Điệp Phi? Điệp Phi thật thà kể lại: − Ảnh đòi tập cho con lội. − Rồi sao nữa? − Con đâu có chịu. Me hổng thấy là con sợ bị ngộp nước lắm hay sao? tại mẹ không biết đó chứ, lỡ uống mấy hớp nước sông hôm đó con đã... tởn tới già rồi. Nếu như trong lòng không có gì rối rắm, bà Phan không nén được tiếng cười trước lời bộc bạch chân thành của Điệp Phi. Ngặt nỗi, bây giờ bà đang canh cánh một nỗi lo thì làm sao mà cười cho nổi. Vậy mà Điệp Phi cứ đỏ mặt thẹn thùng rất dễ thương: − Với lại... Bà Phan càng sợ đến thở chẳng ra hơi. Nhíu mày, bà gắt nhẹ: − Với lại làm sao?− Với lại kỳ thấy mồ đi. Ai mà chịu để cho ảnh ôm cứng con dưới nước giữa thanh thiên bạch nhật như vậy được? Điều làm đầu óc bà Phan căng thẳng đã giảm được chút nào đâu. Nhìn Điệp Phi thật nghiêm, bà gằn từng tiếng một: − Không ôm cứng dưới nước giữa thanh thiên bạch nhật, chắc con chịu ôm cứng trong một căn phòng riêng ấm cúng ở khách sạn chứ gì? Buộc lòng phải đay nghiến con gái mà bà Phan đau đến thót ruột, thót gan. Trời ơi! Bà sẽ sao đây nếu như sự thật Điệp Phi... Như hiểu được nỗi lòng của mẹ, Điệp Phi rúc rích cười: − Làm sao mà... ôm cứng với nhau trong phòng cho được? Mẹ tưởng con gái của mẹ là đồ bỏ đi hả? Như cởi được tấc lòng, bà Phan mừng quýnh quáng. Nhưng Điệp Phi lại xụ mặt, nói tiếp một hơi: − Mẹ biết không, lại cũng tại Nhật Duy thôi. Vui chưa được bao nhiêu, Điệp Phi lại làm bà Phan hồi hộp đến suýt rụng tim rồi. Không ngăn được nỗi lo, bà lại hỏi dồn dập: − Sao lại có Nhật Duy ở đây nữa? Nhật Duy làm sao? Điệp Phi cong môi, cô ôm chiếc gối ôm vào lòng, dụi cằm xuống lớp vải phi mát mịn và bóng mượt rồi thật thà nói tiếp: − Mẹ xem có ai ngu hơn anh ta nữa hay không. Ai đời công ty cử hai người đi công tác mà anh ta chỉ thuê có một phòng chung ở khách sạn để ngủ qua đêm. − Rồi sao nữa? Mặt đột nhiên trắng bệch, bà Phan lắp bắp không thành tiếng. Bà ngồi phịch xuống mép giường Điệp Phi và đưa tay bóp trán. Đến bây giờ bà mới biết có con gái lớn, lòng mẹ không lúc nào ngớt canh cánh một nỗi lo. Vậy mà tỉnh bơ, Điệp Phi lại bĩu dài môi khinh bạc: − Gặp anh bạn đi chung xỉn rượu, chiếm hết giường còn ói mửa tùm lum, Nhật Duy xin qua ngủ nhờ chung giường với anh Nghĩa. Thở hắt ra một cái, bà Phan như cất đi được tảng đá ngàn cân đè nặng buồng tim bà tự nãy giờ. Điệp Phi lại cười, rồi đột nhiên gương mặt cô đanh lại: − Đã phá đám con với anh Nghĩa như vậy mà hắn còn thèo lẻo mách với ba con. Để rồi mẹ xem con gái của mẹ sẽ "chơi đẹp" cho hắn biết lễ độ với người ta.Tròn mắt bà Phan nhìn sững Điệp Phi, như thể bà không tin nỗi điều vừa nghe được từ chính miệng con gái của bà: − Con định "chơi đẹp" ai vậy hả Điệp Phi? − Nhật Duy chớ còn ai nữa. − Cậu ta có oán thù gì với con chứ? − Như vậy mà mẹ bảo con không thù oán. Nếu như Nhật Duy không mách lại với ba là gặp con đi chơi với Nghĩa ở Vũng Tàu thì làm sao ba biết được mà la mẹ. Rồi mẹ tức quá lại la con chứ? Bà Phan cười, nhưng mắt bà vụt buồn rười rượi: − Không phải Nhật Duy nói cho ba con đâu. − Chớ sao ba biết? Chị Tiểu Loan à? Môi Điệp Phi chợt mím lại tức tối. Trái tim cô lại sôi lên khi liếc sang ngôi nhà bên cạnh. Lúc này Điệp Phi lại cảm thấy ghét Tiểu Loan. Hiểu ý bà lại cười không thành tiếng, giọng bà hiu hắt: − Nghĩa nói, nó gọi điện từ Vũng Tàu về cho dì Tuyết Trinh, bảo là đang đi chơi biển với con. Dì Tuyết Trinh lại gọi điện thoại hỏi ba con có đúng thật là đã cho con đi chơi xa như vậy với Nghĩa hay không đó mà.