Chương 1
Con chưa muốn lấy chồng đâu, mẹ ơi. Mẹ ráng chờ con học thêm mấy năm nữa ra làm cô giáo, con sẽ phụ mẹ nuôi các em. Bây giờ con vẫn vừa học vừa làm thêm được mà mẹ.Đáp lại câu nằn nì cộng những giọt nước mắt ngắn dài của Khuê An là cái lắc đầu nhẹ nhàng nhưng cương quyết của bà mẹ. Bà vuốt vuốt mái tóc của đứa con gái đầu lòng, cất lời giải thích:− Đây không phải là chuyện muốn hay không muốn, mà bắt buộc phải làm, con hiểu chưa? Bà Thuận Phát, bà con của gia đình mình, ý bà ấy là muốn cưới con về làm dâu là để có người phục quản lý công việc buôn bán. Suy cho cùng, đây là điều tốt chứ có phải ép buộc gì con đâu.Nói đến đây, bà phải ngưng lại, quay mặt đi vì xấu hổ đã không nói hết sự thật với con.Bà vẫn nhớ như in những lời nói của bà Thuận Phát tâm sự với bà hôm bàn chuyện cưới xin.− Chị à! Tôi chỉ có một mình thằng Mẫn là con trai mà thôi, mấy đứa con gái lại gả đi hết rồi thì con dâu còn quý hơn cả con ruột nữa đấy. Chỗ chị em xa với nhau, quen thân đã hơn mấy chục năm rồi, không lẽ tôi xử tệ với nó hay sao mà chị lo?Bà Công – Mẹ của Khuê An - thần người ra, chép miệng:− Biết vậy nhưng con bé An còn nhỏ quá, sợ chưa đủ sức cáng đáng trách nhiệm làm dâu con, và làm vợ đâu. Hay là mình làm đám hỏi trước cho tụi nó đi rồi đợi thêm vài năm nữa Khuê An ra trường thì mình làm đám cưới?Bà Thuận Phát nóng nảy gạt phắt đi ngay:− Không được đâu. Nếu mà dùng dình được như vậy thì tôi đâu cần phải xuống đây nói chuyện với chị để làm gì? Để mấy năm nữa mới đám cưới thì tới chừng đó tôi mới nói chứ đâu cần phải lên đây nói chuyện với chị bây giờ.Thấy bà Công lặng người ra vì buồn, bà Thuận Phát cũng dịu xuống xuề xoà:− Chị thông cảm, đừng giận tui mà. Lúc này mệt mỏi trong người, có thêm nhiều việc phải lo lắng quá nên tôi hay gắt gỏng. Cũng tại già rồi, sức khoẻ lại kém đi hơn xưa, nên đâm ra thần kinh hay căng thẳng như vậy đó, có người đỡ đần thêm giúp là hết bệnh liền à.Thấy bà Thuận Phát nói tới nói lui rồi cũng nói lái về mục chính ban nãy, bà Công ái ngại cố ráng thuyết phục lần nữa sao cho bà ta khỏi phiền.− Chị để tôi hỏi lại cháu Khuê An coi sao, rồi quyết định nha chị. Chứ nó vừa đậu đại học sư phạm xong, tự dưng lại bắt nó bỏ đi lấy chồng, nghỉ ngang bỏ học, sợ nó không chịu đâu.Bà Thuận Phát cau mày:− Chị là mẹ thì nói con phải nghe mà thôi có đâu mà phải hỏi tới hỏi lui cho mệt quá vậy? Nếu nó không chịu thì thôi luôn vụ này à? Kẹt hết công chuyện của tôi rồi còn gì?Bà Công cũng buồn rầu nhìn người đàn bà giàu có trước mặt mình thấp giọng kể lể:− Chị Hường à! Tôi vẫn nhớ ơn chị đã giúp đỡ tôi mấy chục năm nay, từ hồi chồng của tôi mất đi tới giờ, nhờ chị mà tôi mới nuôi nổi mấy đứa con ăn học nên người. Tôi đâu dám quên đâu, nhưng chuyện này là hạnh phúc riêng của con gái tôi, thành ra tôi cần phải hỏi qua ý của nó một tiếng, chứ không phải là tôi không biết điều đâu chị à.Nghe người bạn thân tình từ thuở thiếu thời nói chuyện, bà Thuận Phát hơi ân hận vì sự lỡ lời của mình, nên bà ngồi yên không nói thêm gì nữa.im lặng một lúc lâu, bà Công lại hỏi khẽ bà Thuận Phát.− Trên thành phố thiếu gì chỗ xứng đáng, sao mà chị không cho thằng Mẫn tìm xem đám nào khá giả ở trên đó mà phải lặn lội xuống tận đây làm gì cho khổ sở vậy chị Hường?Bị chạm phải nỗi niềm sâu kín cố cất giấu trong lòng. Bà Thuận Phát lặng người đi một lúc lâu rồi nhìn thẳng vào mặt của bà Công, mím môi, hỏi bằng giọng sầu sầu:− Đặt trong trường hợp của chị là tôi, có thằng con trai nổi tiếng ăn chơi xả láng, hơn là chịu làm ăn thì chị có muốn rước mấy đứa con gái cùng loại đó về nhà để cho nó phá tan hết nhà cửa ra rồi cả nhà ra đường ăn mày hay không? Hay là chị chọn tìm một cô con dâu hiền lành, nề nếp lại chịu thương chịu khó biết chắt chiu vun vén cho nhà chồng chứ?Nhận được câu trả lời thẳng thắn và phũ phàng vào lúc mình không hề mong đợi vào lúc này, bà Công lặng người đi, không nói nên được lờinào, chỉ hướng ánh mắt van vỉ lẫn băng khoăn về phía bà Thuận Phát.Đón được những tia nhìn khắc khoải đầy tội nghiệp ấy, bà Thuận Phát như chùn lại, nắm tay bạn nói khẽ khàng:− Sự thật là vậy đó, Tú à. Tôi không quản lý nó nổi nữa rồi, mà chẳng lẽ cứ nhìn nó trơ mắt ếch ra để coi nó phá riết ở ngoài vậy sao? Chỉ còn biết cầu xin chị thương tôi mà tiến hành đám cưới, để cho thằng Mẫn sống có trách nhiệm hơn, lo tu tỉnh làm ăn thì là phúc ba đời của nhà tôi đó.Đã nói như vậy tức là hết lý hết tình rồi, chưa kể đến việc bà Thuận Phát (hay là bà Hường theo cách gọi của bà Công) đã hạ mình năn nỉ người bạn gái mấy chục năm của mình. Riêng chuyện gọi bằng tên hồi còn con gái của bà Công, tức là bà Thuận Phát đã khôn khéo gợi lại tình bạn thuở xa xưa của hai người với biết bao là kỷ niệm ấu thơ. Bị bao vây đủ thứ như thế, bà Công còn cách nào để chống đỡ lại được cơ chứ?Nhìn theo nét chuyển biến trên mặt của bà Công, bà Thuận Phát biết mình đã thành công đến chín mươi chín phần trăm rồi. Thừa thắng xông lên, bà tấn công luôn cho thắng lợi nắm hẳn trong tay:− Về làm dâu nhà tôi, có phải động tay động chân vào việc gì đâu mà chị sợ con Khuê An cực thân chứ? Người làm đầy nhà, ho một tiếng là họ quýnh lên rồi, lật đật chạy tới liền. Nếu như nó muốn học hành thêm gì, thì để ổn định đâu ra đó, còn son rỗi chưa con cái gì thì cứ việc mà đi học, đâu ai cấm cản gì chứ?Chính câu hứa hẹn này đã làm sụp đổ hoàn toàn bức tường chống đỡ của bà Công, bởi không còn lấn cấn chuyện học hành dở dang của con gái nửa, chứ bà hoàn toàn không nhận ra sự khôn khéo “nắm đằng chuôi” của bà Thuận Phát khi hứa sẽ cho Khuê An đi học lại nếu “còn son rỗi”.Có mấy khi vợ chồng mới cưới mà chậm có con đến độ để vợ được tung tăng ôm cặp đến trường học bao giờ không chứ?Cuối cùng rồi bà Thuận Phát ra về với lời hứa chắc chắn của bà Công:− Chị cứ chọn ngày làm lễ dạm hỏi đi, tôi sẽ sắp xếp đâu vào đó.Giờ đây, đối diện với con gái, bà Công xua qua một bên những chuyện còn đang lấn cấn để cố thuyết phục con xuôi ý bằng lòng:− Khuê An à. Bác gái đã hứa với mẹ rồi là sẽ cho con đi học lại mà. Nhà của người ta giàu có đầy kẻ ăn người ở, con không phải sợ cực đâu.Khuê An buồn so, hai tay ngồi bó gối, cố năn nỉ lần chót:− Con không hoàn toàn quen biết gì với anh Mẫn, rồi tự nhiên lấy người ta làm chồng khơi khơi vậy, đâu có tình cảm gì thì làm sao mà có hạnh phúc được hả mẹ?Bà Công cũng không biết nói ra sao trước sự thật hiển nhiên mà con gái vừa nên ra. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và uy thế của người mẹ, bà vẫn dễ dàng vượt qua bằng cách khuyên răn con:− Không quen rồi từ từ cũng quen mà thôi. “Thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”. Cả đời của mẹ đã cực khổ rồi nuôi chị em của con khôn lớn chỉ mong cho các con của mình sau này có chỗ tốt để dựa dẫm tấm thân. Gia đình bà Thuận Phát giàu có, nhân hậu, gã con vô đó thì mẹ cũng yên tâm. Chứ nếu mà để cho con tự chọn lựa rồi nếu gặp phải đứa không ra gì, thì bao công sức hy vọng lo lắng của mẹ hoá ra đổ sông đổ biển hết sao?Khuê An sợ nhất là nghe những lời kể lể khổ sở của mẹ mình, nhất là những lúc sau này khi cha đã mất đi. Cô luôn cảm thấy mình hoàn toàn phục tùng ý của mẹ mỗi khi bà giở chiêu bài đặc biệt này ra. Lần này, vấn đề đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến cả cuộc đời của cô, không cân nhắc sao được?Vì vậy, dù biết chắc là mẹ cô sẽ giận, cô vẫn khăng khăng giữ ý kiến của mình:− Ngày nào chưa tiếp xúc với Mẫn, ngày đó con chưa đồng ý lấy anh ta đâu. Mẹ thương con, ráng giúp cho con chuyện này với.Là người mẹ dĩ nhiên là bà Công không thể từ chối yêu cầu chính đáng này của con. Nhất là trong thâm tâm của bà vẫn còn một nỗi ám ảnh về tư cách của cậu con rễ tương lai theo nhữn glời thật của bà Thuận Phát.Ngẫm nghĩ một hồi, bà gật đầu bảo con:− Được rồi, để mẹ bàn lại với bà Thuận Phát.