Cơn giông chợt giật liên hồi rạch lên bầu trời xám xịt những tia chớp ngoằn ngoèo, gió cuốn tung mọi thứ rác rưởi, mấy cành lá chuối rách tả tơi và gãy giập. Rồi cơn bão ập tới gầm rít suốt đêm cuốn phăng đi bao công sức của con người, chỉ còn thấy cánh đồng mênh mông nước, cây cổ thụ bật cả gốc rễ nằm chỏng khoèo chắn ngang lối đi, đó đây những ngồi nhà bị lột mái. Ngôi nhà tranh lụp xụp của anh Thuần giờ còn lại bộ khung tre xiêu vẹo, trơ ra như bộ xương mặc sức cho gió mưa hành hạ. Chị Chiến - vợ anh gom lại số áo quần, mấy hủ sắn rồi khoai khô cho vào gánh rồi dắt díu ba đứa con lội nước chạy sang nhà bà ngoại.Cái lạnh buốt xương, cái đói đang sôi réo trong lòng anh Thuần là cơ may cho bệnh lao tái phát. Sau từng đợt ho sù sụ, mặt anh tái đi, đôi mắt lõm sâu, mờ đục. Ba thằng bé gầy nhom, mặt mũi nhem nhuốc ngồi co ro bên xó bếp hơ lửa, cạnh nồi khoai lang sôi lục bục. Gương mặt chúng thèm thuồng dại đi trong chờ đợi. Thằng cu lớn ra vẻ lo âu, nó ngồi gục đầu lên gối, tay cầm que củi vẽ lên đất những vòng tròn thật mơ hồ. Tội nghiệp thằng bé, từ dạo mẹ sinh thêm thằng út, nó chẳng mấy lúc được no, lại phải lang thang theo mẹ ra đồng bắt cào cào, châu chấu, lượm củi, mái tóc nó vàng đi vì nắng. Những bữa cơm dọn ra, chỉ thấy mấy quả dưa cà, một ít cơm bám quanh khoa sắn, mẹ nó bảo: "Con cố ăn phần mình đi, chỗ cơm này dành cho thằng út, mai mốt nó lớn, con sẽ ăn cơm". Nó ngồi yên lặng cố ăn qua bữa. Lời mẹ nó thường nhắc nhở trong bữa cơm như cầu nguyện, lần lữa ngày tháng qua đi, cuộc sống gia đình nó cũng chẳng khá lên chút nào.Trong đêm dài mùa đông, thằng bé nằm cuộn tròn lại và mơ thấy mình quây quần cùng gia đình bên mâm cơm đầy ắp thức ăn, mẹ nó cười nói huyên thuyên luôn tay gắp bỏ thức ăn cho con, gương mặt mẹ huyền diệu như bà tiên trong truyện cổ tích. Sau giấc mơ, thằng bé mở mắt ra rồi thở dài đánh thượt. Nó nằm nhớ lại cả năm, chỉ vào dịp giỗ chạp, lễ tết mới được cái vinh hạnh ấy. Thằng bé thường trốn sang nhà bên cạnh chơi, mỗi khi mẹ nó biết chuyện là rầy mắng: " Mầy không được sang đó, người ta giàu còn nhà mình thì... ". Nhưng con bé tóc tết đuôi sam tí tẹo ấy cứ lôi cuốn nó. Thằng bé thích nhất mấy con búp bê của con bé, nó có mái tóc màu nâu, đôi mắt xanh lơ trông mới đáng yêu làm sao. Con bé khoe đó là quà sinh nhật ba nó mua tặng. Thằng bé chau mày hỏi: sinh nhật là gì hở bé ? Con bé ngúng nguẩy rồi dí tay vào mũi thằng bé rồi nói: ơ... quê lắm ! Thế nhà cậu không có sinh nhật sao ? Có tiếng mẹ nó í ới gọi, thằng bé ba chân bốn cẳng chạy về nhà, vừa miên man nghĩ về sinh nhật. Khi vắng vẻ nó thường đứng nhìn trộm món đồ chơi của con bé được xếp ngăn nắp trong tủ kính, nó khát khao ước gì mình cũng có những con búp bê đẹp đẽ như thế. Nhưng dòng máu hiếu động, đàn ông trong còn người bé tí ấy lại bắt đầu hoạt động, nó cắt bẹ chuối vuông vức làm thân, xỏ que hương gài cọng chuối làm tay chân, tiếc rằng chỉ mấy ngày sau là con búp bê chuối của nó héo quắt lại, vàng ủng ra chẳng giữ được bao lâu.Dạo này, anh Thuần bệnh thêm trầm trọng, chị Chiến chạy vạy bán chỗ lúa non đưa chồng lên bệnh viện tỉnh. Thằng bé cán đáng thêm công việc, mình nó gầy rộp đi, mấy cái xương sườn cứ lộ ra. Thằng em nó chẳng ai chăm, cứ bò lê quanh nhà rồi ngủ vùi, tong tay còn nắm cả đất. Xong việc, tất cả chạy về, chị Chiến lau những giọt nước mắt còn sót lại trên gương mặt con rồi ủ nó vào lòng, chị ngồi thừ ra. Thằng bé lớn lên trong cơ cực, nó thường nhạy cảm và khôn trước tuổi. Ba nó chữa bệnh trở về, thỉnh thoảng hai vợ chồng lại ì xèo cãi nhau, thường cảnh nhà nghèo vẫn thế, thằng bé chẳng nghe được gì, chỉ thấy sau đó mẹ nó la toáng lên: "Số tôi nó khổ, không biết sinh thêm con nữa làm gì... ", không khí gia đình nặng trĩu, mẹ nó bồng thằng út vào giừơng, bữa cơm còn lại ba cha con đưa mắt nhìn nhau.Tết năm nay, gia đình nó có khá lên đôi chút, vụ mùa vừa rồi lúa được hơn. Thằng bé thì thầm với em nó: "Tí ơi, dạo này nhà mình có lúa rồi, vậy là đỡ đói rồi", nói rồi hai đứa rúc rích cười. đêm giao thừa, mẹ nó nấu bánh chưng, trong giấc ngủ say thằng bé bị mẹ lay dậy: "Dậy ! Dậy đi con ! Dậy đón giao thừa". Thằng bé dụi mắt nhìn lên bàn thờ khói hương nghi ngút, những chiếc bánh chưng xanh được xếp thành chồng cao, cả nhà vui vẻ bên nhau ăn bánh chưng, nghe mẹ kể chuyện Lang Liêu. Mồng 1 Tết, mẹ dẫn ba anh em đi chợ, mẹ hào phóng mua cho ba đứa ba con tò-he bằng bột, màu sắc sặc sỡ, nào là ông tướng cưỡi ngựa, bông hồng, con gà, con vịt béo tròn, thằng em mân mê cười tít mắt, còn nó thì chạy quanh nhảy chân sáo suốt buổi.Tết qua đi, tháng 3 lại về. Cả làng nó đều xơ xác, người gặp nhau như mất hồn, tất tưởi đi như ma đuổi, chỉ có cây mù u anh em nó hay trèo chơi là vẫn xanh tốt chẳng hề gì. Mấy hôm nay thằng bé cảm thấy mệt mỏi, đau lâm râm ở bụng, ba mẹ nó làm lụng suốt ngày đến đêm khi trong xóm lên đèn đã lâu mới về. Họ chẳng còn thời gian chăm sóc con cái. Cơn đau kéo dài suốt tháng, thằng bé cứ chịu đựng, chỉ có thằng em nó biết thôi, thằng bé dặn em: "Mày đừng nói với mẹ nghen, mẹ tốn tiền mua thuốc cho tao, nhà mình đói đó hiểu chưa", nghe đến đói, thằng em xanh mặt giữ kín chuyện ngay. Sự im lặng kéo dài mà cơn đau cứ âm ỉ tràn dần từ từ như nước đã vào bờ, cơn này sang cơn khác. Mẹ nó vẫn tất bật đi làm, cả mấy miệng ăn trông vào bàn tay chị, lại tiền thuốc men cho chồng lâu lâu trở bệnh, tiền nuôi con. Thằng bé cũng như tuổi thơ chị ba mươi năm trước. Năm tháng ấy chị không được đến trường, càng nghĩ càng dốc hết tâm lực cho các con. Công việc lôi chị vào vòng xóay, hết cắt hái lại làm cỏ, cứ thế miệt mài theo chu kỳ đồng áng và cuộc sống.Thằng bé biếng ăn, bữa cơm nó chỉ ăn vài miếng rồi đứng dậy, thấy vậy chị Chiến áy náy hỏi nó, nó bảo "Con ăn bên ngoài rồi, nên không muốn ăn nữa". Hôm nay, chị lại vát cuộc ra đồng, còn anh phải sang tận làng bên làm thợ hồ bất đắc dĩ. Bước chân đi sao chị cứ thấy nằng nặng, không hiểu có chuyện gì hay mình mệt, đang làm được mấy luống rau bỗng dưng chị thấy nóng ruột linh cảm thấy điều gì không hay, chị về nhà. Trong nhà có tiếng khóc, chị chạy vội vào thấy thằng bé đang quằn quại rên rỉ, mặt vả đầy mồ hôi bên cạnh thằng em đang khóc. Chị giằng lấy thằng bé, bế nó vào lòng vuốt ve, xoa đầu nó. Nhìn nó vật vã trong nỗi đau, chị tứa ra, chỉ vì mải lo sinh kế, chị bỏ bê anh em nó suốt ngày. Tấm thân tội nghiệp của thằng bé run rẩy, lẩy bẩy trong vòng chị như con chim non ướt sũng trong mùa mưa bão, bỗng dưa thằng bé rướn người lên rồi oằn xuống thét lên một tiếng: "Mẹ Ơi ! Con đau quá !". Chị run rẩy hỏi: "đau ơ đâu hả con ?". Không một tiếng trả lời, thằng bé lịm dần, hốt hoảng chị vác con lên, chạy tựa kẻ mộng du đến trạm xá, sau khi khám bác sĩ cho biết, thằng bé bị đứt ruột. Nó đã chết trên tay chị do chứng thương hàn để lâu không ai chăm sóc, mà ai rảnh chăm sóc cho nó cơ chứ. Nghe đến đó mặt chị biến sắc rồi ngã dụi xuống, chị vò đầu bứt tai trong cơn tuyệt vọng rồi thiếp đi. Khi tỉnh lại chị thấy mình nằm trên giừơng, hai thằng bé kêu khóc thảm thiết, anh Thuần ngồi đó bất đông, tấm lưng oằn xuống. Nỗi đau quá lớn đè nặng lên tạo thành dấu hỏi một kiếp người dưới nắng chiều. Chị ngồi cạnh đứa con thân yêu và hoang tưởng, thằng bé nằm yên bình thản, đôi tay gầy của nó để trên ngực, gương mặt trắng bệch, đôi mắt nhắm nghiền, đôi môi nhỏ bé nhợt nhạt hơi mím lại như thử thách đối với nỗi đau. Chị ngồi đó với đôi mắt ráo hoảnh thất thần, chị tự nói với mình đó chỉ là giấc ngủ của đứa con ngoan, sáng mai nó sẽ thức dậy gọi mẹ Ơi ! Nó sẽ đi bên cạnh chị như bao đứa trẻ khác.Anh Thuần cũng như mấy người đàn ông trong xóm lục tìm mấy mảnh ván, lát sau, họ đã đóng xong một chiếc hòm nhỏ. Anh ôm con đặt vào trong, nhưng chị đã giành lấy thằng bé, mắt chị long lên dữ dội, chị gào lên: "Con tôi ! Con tôi ! Trời ơi?!... " rồi chị ngã xuống bất tỉnh. Anh lại bế đứa con đặt vào chiếc hòm gỗ nhưng thân hình thằng bé dài hơn, anh lại đặt con ra chiếu, tháo chiếc hòm ra chắp thêm mảnh ván vào lần thứ hai thằng bé mới nằm gọn trong chiếc hòm. Trước khi cầm cái nắp đậy con lại, anh sợ phải chạm vào điều linh thiêng, anh lại nhìn con lần cuối, nước mắt trào ra dàn dụa, nấc từng tiếng khàn đục. Anh lay chị dậy mang con đi trong đêm tối mịt mùng, đêm tháng ba mưa lăng nhăng, hai người đi chậm rãi rồi gửi con vào lòng đất lạnh giá dưới ánh nắng của những que hương và tiếng khóc đứt ruột của người mẹ, tiếng ho khàn đục của ngừơi cha. Chị trồng trước nấm mồ một cây hoa mẫu đơn.Năm tháng đi qua, hoa mẫu đơn hết nở lại tàn. Từng chiều ngồi trước mộ con, người mẹ thành tấm bia đá lạnh ngắt, từng chùm hoa mẫu đơn đỏ lên trong ráng chiều sắp tắt như những đốm lửa cháy trong lòng chị. Hoa mẫu đơn vẫn đỏ thắm khát khao giữa vùng cát trắng khô cằn và nghiệt ngã nỗi khát khao của sự sống và sinh tồn.Vĩnh Mỹ, Phú Lộc, tháng 10.97