Chương 1
Mưa rừng! Cái từ gợi cảm muôn năm ấy nó theo Lãng Hương từ ngày còn ngồi ghế nhà trường. Thời áo trắng, đa số tụi con gái lãng mạn như cô thì thường làm thơ, ép hoa phượng vào trang sách. Lãng Hương thì ngược lại, cô thích nghĩ về mưa rừng, mặc dù rừng xa tít ở tận đâu đâu chứ đâu có ở gần một cô gái đồng bằng miền Tây sông Hậu như cô. Vậy mà cô cứ thích tưởng tượng tới cảnh mưa rừng. Chỉ hai từ thôi, mà gợi lên trong lòng cô không biết bao nhiêu là cảm xúc. Và cô đã tưởng tượng ra đủ thứ. Không ngờ, tất cả những cái ngược đời như thế phải chăng đã vận vào cô, để giờ đây ngồi một mình bên khung cửa nhỏ của một trạm xá vùng cao nguyên nhìn mưa rơi mà thổn thức liên hồi.Những giọt mưa nặng như một cái tát nghiêng mặt lá làm cô có cảm giác như lá đau lắm. Nhưng sau cái chao nghiêng, lá lại ngẩng lên hứng tiếp những giọt trời uy hiếp. Dù vậy, nhưng cô chưa thấy có cây thấp nào bị bật gốc rời đất mẹ. Sức sống và sự sống bắt nó phải cố gắng vượt qua như con người chăng?Cô nhói lòng, nhớ tới con bạn thân mà giờ đây không biết nó ra sao. Kỳ lạ thật! Hai đứa cùng một tuổi, học cùng lớp, thân yêu nhau như ruột thịt chưa chắc đã bằng.Tên nó là Trầm Sương, con gái một ông giáo nghèo quê ở Đồng Tháp. Nó và cô có rất nhiều cái đáng nhớ về nhau. Nhưng có một điều Lãng Hương không thể nào quên được, đó là lần hai đứa đi học sớm, vào một ngôi chùa cạnh trường học ngồi dưới bóng cây bồ đề thật mát để ôn bài, ăn chua và nói lén thầy cô rồi cười hí hí. Bất ngờ có một vị sư già tướng tá rất phương phi từ trong chánh điện đi ra, tay lần chuỗi, mắt như nhắm lại.Khi đi gần tới chỗ hai đứa ngồi, vị sư già bỗng dừng lại nhìn hai cô chăm chú, hồi lâu rồi mỉm cười hỏi:– Hai con là chị em à?Trầm Sương mau mắn:– Thưa thầy, không phải! Tụi con là bạn thân thôi.– Vậy à! Đứa nào lớn, đứa nào nhỏ? Dạ, hai đứa con cùng tuổi. Không có đứa nào lớn, đứa nào nhỏ hết. Thầy hỏi chi vậy?Vị sư không trả lời mà lại tiếp tục hỏi:– Tụi con tuổi gì? Có nhớ ngày sanh không?– Dạ không! Chỉ nhớ tuổi thôi. Tụi con tuổi chó.Vị sư lần tay bấm tính một hồi, rồi lắc đầu bỏ đi sau câu nói:– Tội nghiệp! Đường tình duyên hai đứa chẳng ra gì. Nhưng cũng may nhờ có chút phúc đức ông bà nên cuối cùng không đến nỗi nào.Tuổi nhỏ chưa biết gì nghiệp duyên hay số phận. Nhưng càng lớn lên, lời nói của vị sư già ngày ấy như ứng nghiệm quá rõ ràng.Đường tình của Trầm Sương quả nhiên đầy chông gai trắc trở.Ba Trầm Sương là một giáo viên, nơi quê nghèo, đã xây dựng cuộc đời, đã sống một cuộc sống tưởng chừng như hoang dã. Ông nhổ từng cọng bông súng mà đem bán để có thêm chút gạo, dầu đắp đỗi mà nuôi cái lý tưởng ... khùng điên.Đồng nghiệp của ba Trầm Sương - những nhà giáo chịu không nổi cái thời cơm áo khó khăn, đã bỏ nghề - mắng ông như thế. Một phần cũng vì cái đam mê kỳ lạ:mê sách. Không có tiền mua sách mới ở tiệm sách, thì ông la cà ở lề đường mua sách cũ, sách hạ giá, những cuốn sách mà ông yêu thích.Bị chê trách, ông không bao giờ giận bạn. Ngược lại, nụ cười hiền vẫn nở trên môi dù ở bất cứ đâu, kể cả trong cái lớp học mùa lũ vách lá phập phều, giày dép nổi trôi, bụi phấn từ bảng đen rớt xuống làm cá tưởng mồi đớp vội.Ngày mẹ Trầm Sương bỏ hai cha con về với đất cứ tưởng là ông không thể nào vượt qua bao nhiêu thứ rệu rã tâm hồn thể xác. Còn Trầm Sương chắc phải bỏ học. Ngờ đâu, cô đơn vất vả bằng trời bão lũ thế nào, ông cũng không bỏ con, bỏ lớp cho “hồn giáo án giục vang hồi trống. Rõ lòng nhau trong bão tố phong ba”.Trầm Sương học giỏi, thông minh, mang nhiều kỳ vọng của ông. Thế hệ sau phải cao hơn trước. Ông thường nói với nó như vậy. Và nó cũng đã từng hứa với ông sẽ cố gắng học hành, tiếp nối mơ ước đổi đời của cha. Hoặc nếu không gì đi nữa thì cũng nuôi dưỡng được cha mình khi tuổi già sức yếu.Nhưng nó không làm được như lời đã hứa khi tình yêu xuất hiện vào năm thứ hai đại học ngành kiến trúc. Nó yêu một chàng kỹ sư cao lớn đẹp trai, mang dáng vẻ con nhà giàu, luôn ga lăng với những cô gái đẹp. Bị cuốn hút vào “cuộc tình ru” quá sớm, nó đã say đắm chàng trai không chê vào đâu được - là con út trong một gia đình nề nếp giàu có nổi tiếng từ xưa tới nay. Một gia đình có nếp sống vừa cũ vừa mới, của những thế kỷ trước còn sót lại không nhiều. Ba nó biết được, buồn rầu biến sắc. Ông nghẹn ngào khuyên con:– Con sai rồi con ơi! Đang học mà đòi nghỉ lấy chồng là sao? Chưa có gì bảo đảm tương lai, sợ rồi con sẽ ân hận làm lở cuộc đời cho mà coi. Con nghĩ lại đi!Nhưng một con sơn ca bay chưa hết vòng đời, chỉ biết ríu rít khi nắng mai chạm ngõ thì lời của ba nó có thấm vào đâu. Hơn nữa, anh chàng Thường Quân – người yêu nó - có chiếc miệng ngọt mật và dẻo lắm. Anh ta hứa sẽ bảo bọc yêu thương nó suốt đời. Anh ta không cần nó làm gì cả. Chỉ cần nó sống trong gia đình đúng bổn phận vợ hiền con thảo là anh ta hạnh phúc lắm rồi. Nghe nó kể mà Lãng Hương cũng thấy lây cái dạt dào hạnh phúc. Thời buổi này ít có gia đình nào mà được ở không. Đa số phụ nữ lấy chồng rồi phải cũng lo cơm áo tiếp chồng “hộc xì dầu”. Vậy mà Trầm Sương sướng quá ...Lãng Hương nghĩ vậy. Nhưng sau đó cô mới biết Trầm Sương đã ôm quả bóng màu tình yêu, và sự ngây ngô mà bước vào một thực tại tưởng chừng như thiên đường lại hóa ra là địa ngục. Về làm dâu, Trầm Sương từ một cô gái tự do biến thành như một con nô lệ, đi đứng nói năng khuôn phép rồi thành khúm núm mất hết tự chủ bản thân. Nó cảm thấy không còn tồn tại trong cái không khí đầy uy hiếp, từ những cây cột gỗ mun ôm một vòng tay không giáp, hoành phi câu đối liễn đều sơn son thếp vàng. Những cái thau đồng rửa mặt sáng loáng, ô trầu, ly nhạo, khay trầu rượu khảm xà cừ từ đời tông tổ nào, bây giờ tự tay nó phải lau chùi hằng ngày cho bóng thêm, trên cái bàn thờ luôn rực rỡ đèn hoa.Uy nghi sống động nhất là ông cha chồng - vị lãnh đạo tối cao - mệnh lệnh thường phát ra từ đôi mắt, hay cái “hừ” lạnh lẽo. Tầm cỡ như vậy, nên ông không cần gì phải hạ mình lắng nghe hay tìm hiểu khuất tất gì đó của gia đình.Mẹ chồng nó thay ông xử lý mọi việc. Bà ta là một người biết giấu mình trong cái dịu dàng lịch sự, thường rêu rao không thiên vị đứa nào, nhưng lại là đồng minh ngầm với cái miệng thẻ thọt của bà chị chồng ở góa của nó. Bà ta hay rình rập mọi người, và mỗi khi bắt gặp Thường Quân có cử chỉ an ủi hay có chút quà gì cho Trầm Sương là lập tức bà ta tâu ngay với mẹ chồng nó. Những phiên họp giáo huấn gia đình được thực hiện đến nơi đến chốn, toàn là những giọng điệu phủ đầu:– Đừng có cưng chiều vợ quá, để nó leo lên đầu lên cổ nghe.– Đừng có đảo lộn trật tự gia đình coi hổng được đâu.– Nhà này không ai chấp nhận cái thứ sống đảo lộn văn hóa đâu nghe.Bà chị góa lừ đừ mà lời nói ngầm còn bén hơn đường gươm Nguyên Bá:– Ăn ở cho dễ thương một chút mới có tuổi thọ đó.Trầm Sương rùng mình! Câu nói của bà ta là có ý gì? Có phải muốn răn đe Trầm Sương vì cô đã phát giác ra được cái nguồn tham lam đục khoét, mang bộ mặt nhân từ tin cậy. Bà ta nắm quyền thu chi gia đình, cha mẹ anh em trong nhà đều phải nạp khẩu phần ăn, theo mức lương cao thấp. Thường Quân cũng phải nạp phần ăn của Trầm Sương. Hai đứa cháu con người anh chồng còn đi học, cha mẹ chúng không được ngoại lệ. Chị ta đã ăn bớt tiền chợ, bỏ túi riêng, gửi vào sổ tiết kiệm của mình. Có lần dọn dẹp phòng Trầm Sương đã bắt gặp cuốn sổ chị ta bỏ quên trên giường. Dường như linh cảm biết cái quỹ đen của mình bị phát hiện, bà ta càng câm ghét Trầm Sương. Trầm Sương viết thư cho Lãng Hương, kể lể hết nỗi khổ của nó phải gánh chịu trong gia đình của Thường Quân, mà anh ta vì nhu nhược, vì cái hiếu đạo quá đáng đã không làm được gì cho nó, ngoài lời an ủi suông.Ngoài Lãng Hương ra, nó không còn biết than thở với ai về cái khổ của một con dâu nghèo bị khinh khi đày đọa với công việc phủ đầu:xách giỏ cho bà chị đi chợ, nấu ăn, hầu hạ cơm nước cả nhà, quét tước nhà cửa, sân trước vườn sau - những nơi dơ bẩn nhất cũng phải chu toàn sạch sẽ. Một cái tàn thuốc rớt trong nhà vệ sinh cũng chết. Nó khóc thầm không biết bao đêm. Thường Quân thì cứ một mực năn nỉ nó:có thương anh ta thì cố gắng chịu đựng cho êm đẹp trong ngoài. Nếp sống gia đình đã vậy rồi, nếu có thay đổi gì khác sẽ làm tổn thương rất nhiều người.Ba Trầm Sương biết được thực trạng của con gái, ông đau lòng lắm. Ông không ngờ thời buổi này mà còn có một gia đình với lối sống cổ xưa quá đáng.Ông không muốn tới vì nhiều lý do, nhưng nhớ con quá ông đành bấm bụng ...Ông cặp nách mớ rau cá đặc sản quê hương tới thăm con gái. Cái ông sui nghèo là nhà giáo quèn, nhà quê thật ra không đáng giá gì trong mắt ông sui nhà giàu có vai vế trong xã hội. Nhưng kẹt chút lễ nghĩa bắt buộc ông phải ngồi lại thưởng thức cá lóc nướng trui, chuột ướp chao nướng đậu bấp cũng hấp dẫn lắm. Trầm Sương rất sợ sệt cái không khí không được ngang bằng, vì nó quen với cái khúm núm trước ông cha chồng quyền uy. Còn ông giáo già ba nó thì lại tỉnh bơ vào cuộc. Khi mở màn, ông tự nhiên móc trong cái túi nhỏ ra một xị rượu màu vàng sậm rót ra hai cái ly nhỏ, lừng thơm, hai tay bưng mời ông sui:– Rượu Phú Lễ đặc sản Bến Tre đó anh. Tui qua thăm người bà con bên đó họ cho, anh thử coi được không!Trầm Sương kêu trời thầm ... Nó trách ba mình thiệt là ... Đã biết cha chồng nó chỉ quen uống Johny Walker, Hennessy, Martin nút đen, nút trắng còn không thèm uống, vậy mà còn đưa cái thứ ấy chi cho người ta cười thêm nhục. Quả nhiên như nó đoán, cha chồng nó dùng một tay đẩy nhẹ ly rượu ra và nói:– Xin lỗi, tôi không quen thứ này. Cảm ơn.Rồi ông kêu Trầm Sương mang chai rượu nhập nguyên xi ra khui, tiếng nổ nghe cái bóc, nút văng, bọt bắn. Ba Trầm Sương lé mắt. Ông ta rót một ly nhỏ mời lại:– Anh thử đi, coi bằng Phú Lễ của anh không!Ba Trầm Sương hai tay đón nhận, nếm thử một miếng rồi cung kính trả lại:– Cảm ơn anh, thử chút cho biết thôi, chứ gu bền bỉ không gì bằng Phú Lễ.Xin anh cứ theo sở thích của anh. Còn tui thì cứ Phú Lễ của tui mà say tới bến.Cả hai cùng thoải mái với vị thế riêng của mình. Nhưng khi cha chồng Trầm Sương thấm đậm rồi, ông bỗng nhiên trở thành một con người khác. Ông nói huyên thuyên đủ thứ chuyện trên đời ... chuyện thế giới Đông Tây tầm cở ngôi sao lịch sử, kinh tế, làm ba Trầm Sương cứ phải banh mắt, dỏng tai, miệng cứ “dà ... dà ...” sợ theo không kịp.Cuối cùng, ông ta kết thúc một câu cứng khừ:– Con người ta cần phải học nhiều, phải biết đó biết đây, phải bắt kịp đà tiến hóa hôm nay mới xứng đáng là người có kiến thức để dạy dỗ con cháu mình.Ba Trầm Sương lại “dà ... dà” tỏ ra thán phục sự uyên bác của ông. Rồi ông giáo quèn lái câu chuyện sang mùa màng mưa nắng, đất đai ruộng vườn theo cái tầm hẹp của ông.Rồi đột nhiên ông hỏi một câu:– Nghe nói Phong Điền quê anh có giống cam mật và dâu Hạ Châu ngon lắm. Cam mật thì tui biết rồi. Còn dâu Hạ Châu xuất xứ của nó ở dâu, hay tự Phong Điền có giống ấy hả anh?Cha chồng Trầm Sương hơi lúng túng rồi nói:– Cái đó cái đó.Ba Trầm Sương làm bộ như vô tình chậm rãi nói:– Tui nghe nói trước đây Phong Điền không có giống dâu ngon này. Nguồn gốc tha hương của nó là nhờ anh em ông Lê Văn Minh và ông Lê Văn Ngữ đem từ miệt dưới nào đó của vùng châu thổ nên mới đặt cho nó cái tên là Hạ Châu và bây giờ đã trở thành một loại đặc sản ngon của Phong Điền, giống như nhãn Châu Thành, xoài Cao Lãnh của Đồng Tháp tui vậy.Cha chồng Trầm Sương lạnh mặt xuống, bưng ly “ngoại nhập” ngửa cổ ực một hơi rồi “khà” ra đầy sung mãn. Ba Trầm Sương cũng lặng lẽ bưng ly Phú Lễ của mình đánh “trót” một hơi cạn sạch, nhưng không nuốt vội, ông ém lại trong cổ họng như thói quen để cho mùi vị quê hương thấm trong máu thịt sâu nồng mới đã.Có vậy thôi mà không hiểu sao từ đó ba Trầm Sương không hề tới thăm con gái nữa. Cho tới ngày ông đứt mạch máu chết đột ngột không thấy mặt con để dặn dò trăng trối điều gì. Trầm Sương viết thư cho Lãng Hương khóc lóc kể lể nỗi cô đơn trong căn nhà không có chỗ nào là chỗ của cô cả. Cô rất muốn có một nơi để thờ cha, người thân cuối cùng duy nhất. Nhưng hoàn cảnh của nó hiện giờ có khác gì một kẻ vong thân. Hằng ngày lau chùi cái bàn thờ nhà chồng mà nhớ cha mình, nước mắt rưng rưng. Nhớ nhất là hình ảnh ba nó với mặt mũi luốc lem màu tro khói vì mới cùng bà con lao vào cơn lửa, dập tắt đám cháy rừng tràm không biết từ đâu gây thương tích cho tràm chim có biết bao nhiêu quần xã thiên nhiên hiếm quý, cần được bảo tồn. Càng nhớ hơn, những buổi hai cha con dắt nhau đi rình chim Sếu, giống hạc quý có chiếc đầu đỏ mỏ dài, sang trọng nhờ bộ lông màu da, và cái dáng đi đủng đỉnh khoan thai gợi mở về một cảnh sống hòa bình an lạc.Những chiều trên bãi năn rụi vàng, để giúp Trầm Sương có bài học thực tiễn về thức ăn chim Sếu, ba nó còn dùng những ngón tay chuyên cầm phấn, biến thành những mũi dùi thiện nghệ, thọc sâu xuống đất mềm, moi lên một chùm rễ và củ năn kim nhỏ cỡ bằng hạt bắp, có màu đen như củ cỏ cú đưa cho nó. Nó đón nhận và hít cái mùi đất phèn mà nó quen từ hồi lẫm chẫm biết đi.Những kỷ niệm và tình yêu bị chôn vùi từ ngày lấy chồng, bây giờ mất cha rồi, nỗi nhớ cứ hè nhau thúc bách. Cô như chợt tỉnh thức sau giấc ngủ năm tháng quá dài, để quyết định phải đổi thay, không thể tiếp tục chịu đựng trong căn nhà có quá nhiều sức ép. Nó thẳng thừng xin ra riêng. Đúng là cái tin trời long đất lở đối với gia đình chồng nó. Một phiên họp gia đình được hình thành trong bầu không khí oi nồng ngột ngạt như bầu trời trước cơn bão lớn. Rồi thì đao to búa lớn tứ phía bổ vào nó:– Cái gì? Cô xin ra riêng à? Trời đất! Con dâu Út mà đòi ra riêng.– Giỗ tốt cha mẹ ai lo?– Đừng hòng! Hễ ra riêng thì coi như thôi luôn thằng Út. Tao không cho về nữa đâu. Đừng có nằm mơ!– Cơ ngơi này là của Thường Quân. Bất quá cha mẹ anh em coi quản lý giùm cho nó thôi.– Cha mẹ mãn phần là nó lo gánh vác hết. Cô định trốn trách nhiệm phải không?Trầm Sương cắn môi gần tứa máu để ém tiếng khóc. Người ta nói chuyện quyền lợi nghe mà phát ham. Nhưng thực tế mấy năm qua nó được cái gì, ngoài cái quần quật như một con ở. Có ai nghĩ tới nỗi đau không có chỗ thờ cha của nó mà dành riêng cho nó một góc để lặng thầm tưởng niệm?Lãng Hương cũng rất là căm phẫn và viết thư ngay cho bạn. Cô nói như hét:– Còn cái thằng chồng bạc nhược của mày? Nó câm rồi à?Trầm Sương lại tỉ tê. Lãng Hương thấy như cô chép miệng lắc đầu tâm sự tiếp:– Anh ta không dám nói gì cả. Chỉ năn nỉ mọi người. “Vợ con chỉ mới xin thôi. Nếu ba má và các anh chị thấy không tiện, để con khuyên cô ấy”.Nhưng Trầm Sương cho biết:Vô ích! Cho dù anh ta có nói gì thì Trầm Sương càng nhất quyết ra đi. Nó viết thư để lại cho Thường Quân hẹn khi nào chính tay nó tạo được một căn nhà riêng - nhỏ nhoi cũng được - nó sẽ gặp lại Thường Quân. Bằng không, coi như tình nghĩa chấm dứt mặc dù nó rất yêu chồng, nhưng không thể nào chịu nổi sự hủy hoại nó của gia đình chồng.Nó trốn về An Giang nương tựa với cậu em họ ở nước ngoài về thành lập công ty may mặc xuất khẩu. Cậu ấy thu nó làm công nhân, bố trí công việc thích hợp vừa học vừa làm. Nó ghi danh trở vào Đại học Kiến trúc học tiếp chương trình dang dở.Vất vả trong cảnh vừa học vừa làm kiếm ăn có lúc tưởng sức nó không chịu nổi. Thường Quân cũng không phải là người không yêu vợ. Chỉ tội hơi nhu nhược, và quen với nếp sống “đặt đâu ngồi đó” của cha mẹ quá đáng nên không dám bảo vệ vợ công khai.Nhưng khi Trầm Sương bỏ đi rồi, anh ta lén lút về An Giang bù đắp và an ủi nó ... Nhờ vậy mà Trầm Sương đã vượt qua được những ngày gian khổ để cuối cùng nó cũng đạt được kết quả như ý:có bằng kiến trúc, tay nghề khá vững, nhiều sáng tạo. Nhờ cậu em là một doanh nhân trẻ thành đạt, có nhiều uy tín, giới thiệu nó thiết kế nhiều công trình thu nhập khá cao. Sau mấy năm chịu khó, nó đã có điều kiện thực hiện căn nhà mơ ước. Căn nhà hiện đại do chính tay Trầm Sương thiết kế, giám sát và điều khiển công trình xây dựng ngay trên cái nền nhà cũ của ba nó ngày xưa.Lãng Hương nghĩ là nó hạnh phúc lắm. Cô viết thư chúc mừng nó. Nhưng nó lại thở than tiếp:“Con người thật lạ! Có lẽ lạ nhất là tao. Lúc bị nhà chồng đối xử tệ bạc, tao hận họ lắm. Tao quyết tâm phảỉ trả thù đời. Nhưng mà cái ngày tao mời bà con tới dự tiệc tân gia thì lại khác”.Hôm đó người nhà chồng nó - theo lời nó - cũng có mặt khá đầy đủ. Họ đến không phải để chúc mừng, mà vì thắc mắc tò mò. Khi chứng kiến sự thật, họ đã lộ ra lòng ghen ghét và ganh tị. Nó đã vuột khỏi tầm tay của họ mà! Nhìn họ nó cũng không giấu được sự hả hê ngạo nghễ trong lòng. “Từ nay, hết đứa nào dám khinh khi coi thường tao nữa. Banh mắt mà nhìn đi ...”. Nó cũng liếc sang chồng nó mà hách dịch thầm:“Từ nay đừng có sợ người ta mà không dám bên vực vợ nữa nghe! Cũng may anh là người có tình nghĩa thủy chung ... Nếu không thì bây giờ ...”.Cái hiu hiu tự đắc của nó đang ở đỉnh cao, chợt rơi rụng khi nhìn vào bức ảnh của ba nó ở giữa bộ lư bàn thờ đèn bông rực hở. Đôi mắt ông như buồn rầu cụp xuống. Luồng mắt âm thầm dẫn dắt nó về cõi thâm sâu nào đó, làm cho nó sờ sợ như bước lệch, hẫng hụt phạm phải một sai lầm rất có lỗi với cha.Không phải mới bây giờ, mà từ khi nó mở mắt chào đời, đã thấm đẫm tình yêu của mẹ, thấm đẫm lời dạy về nếp sống “cây có cội, nước có nguồn” của cha. Tất cả đều nằm trong cội nguồn văn hóa sâu xa của Việt Nam mình. Đó là truyền thống gia đình, liên hệ trong đại gia tộc, một nét đẹp Việt Nam nằm trong nét đẹp văn hóa Á châu. Một căn nhà chung cho hai ba thế hệ. Có lộn xộn gì cũng “giận thì giận mà thương thì thương” chín bỏ làm mười.Thật khác với phương Tây, không có căn nhà chung cho hai ba thế hệ. Thậm chí người cùng một nhà mà không có dịp nói chuyện với nhau, hay ăn chung một bữa cơm. Cha mẹ đi làm sớm khi con chưa thức dậy hoặc về trễ thì con đã ngủ rồi. Tình yêu phôi phai. Nghĩa tình lợt lạt. Cha mẹ già thì đẩy vô Viện dưỡng lão. Nghe nói có một bà già người Đức, muốn khắc bia mộ cho một con chó với nội dung:“Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của niềm hy vọng độc nhất của đời tôi.”.Trầm Sương rùng mình nghĩ đến cái cô đơn của con người! Nó nghĩ về cái lõi cốt của cuộc sống là tình yêu. Có tình yêu thật tâm thật dạ, chịu thiệt thòi bản thân một chút dù hoàn cảnh có khe khắt đến đâu, chắc cũng phải khác đi.Huống hồ “một giọt máu đào, hơn ao nước lã”. Nó nghĩ rằng:Gia đình chồng nó tuy là một gia đình còn nặng về phong kiến, coi trọng hình thức và tôn ti đẳng cấp quá đáng. Đó là môi trường thuận lợi phát triển tinh thần nịnh trên đá dưới, trọng giàu khinh nghèo. Nhưng nó không thể nào quét sạch trơn quá khứ, cắt đứt mọi liên hệ gia đình. Thương chồng phải lụy cùng chồng, câu nói ấy tuy xưa nhưng vẫn đúng. Yêu Thường Quân, Trầm Sương nỡ nào làm cho anh ta thành con bất hiếu, theo vợ bỏ mẹ như đa số người ta từng làm.Không được! Trầm Sương quyết không làm như vậy. Nó nhất định lấy truyền thống gia đình, liên hệ trong đại gia tộc đang là điểm son văn hóa của mình như ba nó - ông giáo già - đã từng dạy dỗ. Vị thế của nó giờ đây đã khác, nó sẽ không rời cái đại gia đình nhà chồng nó. Nó vẫn ở đấy, rồi liệu cách dung hòa thực tế mà biến cải gia đình ấy thành một gia đình mớí, tình yêu thương là chính.Lãng Hương cảm thấy Trầm Sương liều lĩnh. Thoát ra được rồi sao còn trở lại. Nhưng Lãng Hương liền tự trách mình thật ích kỷ, chỉ biết lo chạy lấy thân thì còn gì đáng nói. Trầm Sương thật dũng cảm và khác người. Nó hơn hẳn mình. Cô nghĩ vậy, khi đọc tiếp thư của Trầm Sương. Nó cho biết khi quyết định như thế rồi nó liền đứng lên đến trước mặt cha mẹ chồng của nó đang ngồi cạnh nhau trong buổi lễ mừng nhà mới. Nó nói:“Thưa ba má, tha cho con cái lỗi cãi ba má ra riêng. Cũng như tất cả những gì trước đây con đã làm cho ba má và các anh chị không vui. Tuy bây giờ con đã có gia đình riêng, nhưng con không đám quên bổn phận mình trong đại gia đình. Con sẽ thu xếp để thường xuyên có mặt bên gia đình ba má như trước đây. Dù vợ chồng con có hoàn cảnh sống mới, nhưng không thể nào tách khỏi sự yêu thương đùm bọc của ba má và các anh chị được. Xin ba má hãy tin con. Bây giờ đã tới giờ lành, xin ba má hãy đốt nhang đầu tiên cúng giùm nhà mới. Nhờ đức ba má, vợ chồng con sẽ gặp nhiều may mắn, tốt đẹp”.Thái độ chân thành của Trầm Sương làm nhiều người cảm động ... Cả nhà chồng cũng nhìn nhau như không ngờ được, cái khoảng cách ngấm ngầm mà họ tưởng rồi đây hoàn cảnh mới sẽ đào sâu thêm nữa ... nhưng mà mọi người thật không ngờ căn phòng bỗng trở nên im lặng đặc biệt. Không gian như đóng khung, thời gian như ngừng trôi để nghe tiếng dép bước theo chân của ba má chồng Trầm Sương tiến về phía bàn thờ, đón nhận nén nhang từ tay Thường Quân chồng nó đốt kính cẩn đưa ba má. Hai ông bà cùng bước đến bàn thờ chính giữa nhà, khom mình xá thật trang trọng trước ba Trầm Sương. Hai ông bà đã lâm râm khấn vái điều gì không rõ. Nhưng khi cái xá cuối cùng những cây nhang được cắm lên, hai ông bà quay lại nhìn con dâu bằng ánh mắt và vẻ mặt khác thường mà Trầm Sương chưa hề thấy bao giờ. Trầm Sương rưng mắt nhìn cha. Hai cha con dường như “tương thông tâm linh” nên nó như mơ hồ nghe được lời cha dạy:“Điều tốt đẹp không đến với mỗi con người, nếu chúng ta không tự đi tìm kiếm nó. Chỉ cần có quyết tâm tha thiết, lòng nhân ái và bao dung là con sẽ “được” nhiều hơn “mất”, dù cuộc sống có muôn ngàn chông gai trắc trở”.Lãng Hương rất phục nghị lực và ý chí bao dung của con bạn thân mà ngày xưa không biết căn cứ vào đâu, thấy gì ở ngoại hình hai đứa, mà vi sư già nói như chơi mà lại đúng nghiệm vào cuộc đời hai đứa, tình duyên không ra gì.Nhưng Trầm Sương dù có lận đận ban đầu, nhưng nó cũng được Thường Quân thương yêu, có được nhà riêng. Nếu ích kỷ một chút thì Thường Quân và nó đã thoát khỏi cái đại gia đình phong kiến của nhà chồng, sống cuộc sống riêng chắc là hạnh phúc. Nhưng nó không đành dứt áo ra đi vì bao liên hệ huyết thống thâm sâu với chồng nó, với cái đẹp của người con gái Việt Nam - vợ hiền dâu thảo, mà xã hội vật chất hôm nay đã tẩy xóa đi rất nhiều.Không biết bây giờ nó ra sao? Gia đình nhà chồng nó thay đổi thế nào?Nhưng dù sao trên chặng đường đời nó cũng tốt số hơn mình. Lãng Hương nghĩ vậy, và tự nhiên nước mắt cay xót cho thân phận tuôn trào, cùng lúc với cơn trở chứng của đất trời. Sấm sét chợt nổi dậy, mưa tuôn đổ nhiều hơn tạt qua cánh cửa sổ mà Lãng Hương ngồi nhìn mưa gió nhớ dĩ vãng nãy giờ không biết đã bao lâu.Cô đứng lên kéo cánh cửa sổ gài chặt, nhưng những cơn gió giật, cứ “kéo co” với cô ... Đúng lúc đó, bên ngoài cửa cái đóng chặt vang lên tiếng chửi:– Mẹ kiếp! Bà vợ ông Trời bộ đi đánh tứ sắc hay sao mà ổng nổi dịch xối xả gió mưa khủng khiếp vầy nè. Ráng một chút nữa chắc cái máy ảnh tao tiêu đời.May mà gặp cái lều hủi này! Hổng biết có người không!Lãng Hương phát giận cho cách nói năng của một tên ngang ngược nào đó.Dù gì thì cái trạm xá của cô tuy lợp lá đơn sơ nhưng bên trong sạch sẽ ngăn nắp, vinh dự cho một bản làng hẻo lánh, có người mình người dân tộc sống chung.Dù không được đầy đủ tiện nghi, nhưng nhờ có nó mà bà con vùng cao nguyên hẻo lánh này đỡ được nhiều lắm. Những chứng bệnh thông thường không cần phải ra huyện, chỉ đến đây cô cho thuốc là khỏi ngay. Nhất là đàn bà thai nghén, cô đã giúp họ chăm sóc sức khỏe, theo dõi thai nhi, chỉ cho họ cách ăn uống bồi dưỡng. Nhờ vậy mà nhều đứa trẻ nơi hiu quạnh này được sinh ra một cách an toàn. Người địa phương rất mến thương cô. Vậy mà cái gã nào đó vừa tiếng chê bai đây là cái lều hủi, thật đáng giận.Cô rời cửa sổ nhảy xuống giường chạy nhanh tới cửa cái, mở banh hai cánh cửa cây, phần dưới kín mít, phần trên có những chấn song quá đầu người. Khi cánh cửa vừa được mở ra hai bóng người từ ngoài nhảy vọt vô trong nhà theo cơn gió thốc, kéo theo cơn mưa xông thẳng vào làm nền xi-măng ướt mem một khoảng khá dài. Cô còn đang kinh ngạc lúng túng ... thì một trong hai người đàn ông nhào ra đóng sầm hai cánh cửa lại, rồi quay lại nhìn cô còn đang giương to cặp mắt vừa nhìn vừa thối lui.Cái gã cao to ấy mặc đồ ý giả bốn túi màu xám ngoài bộ đồ tây đen bạc bụi đã bị ướt nhiều chỗ. Mái tóc hơi dài mang nét nghệ sĩ như đang “chửi cha” cặp mắt tinh ranh như coi trời đất bằng vung ấy thật dễ ghét. Bạn anh ta có vẻ lịch sự hơn. Trong khi anh ta lo phủi chùi cái máy ảnh đã được bọc kỹ trong cái túi du lịch thì bạn anh ta nhìn cô, nói:– Chúng tôi làm phiền cô, xin cô cho tá túc đỡ. Cái kiểu mưa giông như vầy, chắc chúng tôi không thể nào đi đâu được nữa.Bình thường Lãng Hương rất tốt bụng, hay giúp đỡ người gặp hoàn cảnh khó khăn. Nhưng hôm nay, giúp đỡ hai người đàn ông này biết đâu sẽ bất lợi cho mình, nếu họ là đàn không lương thiện. Biết đâu họ là dân buôn lậu, buôn bán thuốc phiện gì đó thì sao? Có gì đảm bảo tội lỗi không lợi dụng hình thức đàng hoàn. Trông họ thật giống dân ký giả, nhưng ai cấm kẽ lang thang đội lốt ký giả để mưu đồ bất chính.Cô bỗng cười khẩy, khi nhớ lại câu chửi ban đầu:– Bây giờ thì khác rồi! Còn hồi nãy tôi nghe như có ai đó chê chỗ này là cái lều hủi phải không?Anh chàng đáng ghét kia đáp trả tỉnh bơ:– Tôi nói đó! Bộ không giống sao? Có điều tôi không ngờ bên ngoài xập xệ vậy mà bên trong cũng được lắm, ngăn nắp, sạch sẽ. Nhất là không ngờ chủ nhân lại là một cô gái còn quá trẻ. Sao cô đi tu sớm vậy?Lãng Hương trợn to mắt:– Anh nói cái gì? Ai đi tu?Anh ta cười khoái trá:– Ở chỗ vắng vẻ như vầy có khác gì thiền môn đâu, còn hổng chịu tu nữa sao?Anh kia thấy bạn mình quá đáng, vội nhíu mày nhăn mặt:– Vĩnh Khanh! Mày sao vậy?Rồi anh ta day qua Lãng Hương, nói:– Cô tha lỗi cho. Tính bạn tôi vậy đó. Hay nói giỡn nói vui chứ không có ác ý gì đâu.Lãng Hương không chịu nổi cái vui gì mà xúc phạm người ta như vậy. Cô muốn tống cổ hai người ra mưa gió cho bõ ghét. Cái nơi vắng vẻ này rất thưa thớt nhà cửa. Nếu đi sâu vào trong mấy trăm thước nữa mới có được ít căn nhà, hoặc lội ngược ra chỗ ủy ban xã cũng mất hơn cây số. Đi đâu ra ngoài cái trạm xá của cô, nhất định cũng bị ướt như chuột lột. Thật là bất lợi cho cái máy ảnh kỹ thuật số mà nãy giờ anh ta cứ săm soi, bao bọc thật kỹ. Còn cái máy di động đắt tiền nữa. Cả hai vật là tài sản anh ta cần bảo quản hơn cái sanh mạng anh ta đó mà ra khỏi đây, bị mưa ướt thì ... a ha! Vái trời à! Nước vô đi! Thật đáng đời cho anh chàng miệng “bô” làm phách. Biết anh ta thuộc thành phần nào mà chứa chấp. Dù ngoài trời còn mưa nhiều lắm, cũng mặc kệ tìm cách khéo léo tống cổ anh ta đi đi.Cô nhỏ nhẹ với bạn anh ta:– Các anh ở đây đêm nay, riêng bản thân tôi thì không có gì trở ngại. Nhưng khổ nổi trạm xá chỉ có một cái giường dành cho sản phụ. Lỡ có người tới sanh phải làm sao đây? Chẳng lẽ để các anh nằm dưới nền xi-măng thì kỳ quá.Giọng cô nhỏ nhẹ, tình cảm như thế mà thật không ngờ, khi cô nói xong anh chàng Vĩnh Khanh đùng đùng xách cánh tay người bạn quát lớn:– Đi, Khương Lâm! Người ta không cho ở thì mình đi. Chết cũng đi! Đời tao rất ghét năn nỉ người ta!Nhưng Khương Lâm lại rất trầm tĩnh nguội lạnh, anh cười:– Cái thằng này, nóng nảy quá trời! Cái tính gì mà kỳ cục. Cô ấy cũng nói thật thôi mà.– Nói thật?Anh ta cười khẩy và chiếu cặp mắt ngời sáng nhìn Lãng Hương, khiến cô có cảm giác bị lật tẩy trần trụi. Anh ta cười giòn:– Cô có thể nhờ cái lốt dịu dàng bên ngoài mà che giấu cái ranh ma bên trong, đối với mấy thằng khờ thì được, hay là đối với thằng bạn Khương Lâm chưa từng trải của tôi cũng được lắm đó. Còn đối với tôi thì hơi khó đó. Cô còn non nớt lắm. Cô tưởng là tôi không “đọc” được thâm ý của cô sao?Lãng Hương vừa lo sợ vừa e ngại. Cô đã gặp “khắc tinh” rồi. Cô cảm thấy cái anh chàng kỳ khôi nhưng rất thông minh này, cho cô một cảm giác gì lạ lắm.Vừa sợ, vừa đau, vừa thích thú. Dù gì cô cũng là phụ nữ, phải nhỏ nhẹ, tôn trọng cô một chút mới phải chứ. Đàng này trong mắt anh ta dường như phụ nữa là kẻ thù truyền kiếp của anh ta vậy.Cô cảm thấy tự ái ngẩng cao mặt hỏi:– Anh đọc được gì trong đầu tôi?Vĩnh Khanh hứ một tiếng không thèm nhìn, đáp:– Không phải cô muốn tống cổ chúng tôi đi à? Cô mượn cớ chật chội, nhà có một cái giường dành cho sản phụ nằm. Nói cho cô biết! Bộ cô tưởng tôi ham nằm trên mấy cái giường tanh hôi mùi máu ấy đến quỷ còn phải chạy đó lắm hả?Lãng Hương bị anh nhục mạ, giận run người nói lớn:– Ông đừng có nói bậy nghe. Quỷ nào chạy cái mùi máu tanh hôi đó? Hay con người ai cũng từ chỗ đó mà ra?Vĩnh Khanh cười ha hả:– Trời ơi! Cũng miệng lưỡi dữ chứ! Nhưng tôi nhắc cho mà nhớ. Không phải Mộc Quế Anh đẻ giữa trận tiền, nhờ kỵ máu đẻ mới phá được trận của bàng môn tả đạo đó sao?Lãng Hương chịu hết nổi cách nói năng sống sượng giễu cợt của Vĩnh Khanh, chỉ muốn tống cổ anh ta đi ngay nên cô không cần giữ ý tứ:– Ông đi đi! Tôi không cần ông ở đây nhắc tuồng tích gì hết á.Vĩnh Khanh chẳng những như không coi lời cô ra gì, mà càng tiếp tục lì lợm đáng ghét hơn:– Đi chứ ở đầy làm quái gì! Ở chỗ đẻ đái này xúi quẩy lắm! Sẽ bị “mất mùi”.con trai, còn cô sẽ đứt tim mạch mà chết, mất công tôi trình báo công an.Lãng Hương lớn giọng quắc mắt:– Tại sao tôi phải chết?– Chết vì lo sợ tụi này là ăn cướp, cướp tài sản của cô.– Tôi nghèo lắm có tài sản gì mà cướp!– Cái bàn đẻ bằng inox kìa! Đó không phải là tài sản độc nhất của “bà mụ non” đang ôm giữ khư khư đó sao?Đến nước như vậy, Lãng Hương quả không phải là đối thủ chai lì móc họng của anh ta. Cô bật khóc lên và kể lể:– Anh mắng chửi tôi, cái gì cũng được ... tại sao anh lại nhục mạ cái nghề hộ sản của tôi chứ?