Chương 1

Khi những người U Ni ở vùng biên sau mấy tháng trời đông giá, ngồi trong nhà đánh cuốc, sửa dao, đan lát bước ra khỏi căn nhà đất đầy kín như cái kén, đặt vai vào cổ trâu, đi những đường cày đầu tiên, hoặc rủ nhau đi bán công khắp các nơi trong vùng thượng huyện Bát Xát thì hoa gạo bắt đầu nở.

Khắp đất nước, có lẽ không ở đâu hoa có cung màu đẹp tuyệt như ở đây. Ở đây, trời xanh trong văn vắt, thanh lọc đến kỳ hết vẩn bụi và mắt người nhìn được vào tận cõi vô cùng. Ở đây, sau một mùa đông giá lạnh, xo ro, cây bung nở hết mình cái sức tích tụ bao tháng ngày.

Suốt một rẻo biên giới, trên những nương lúa đã bỏ hóa, hoa gạo rừng rực cháy đỏ một vệt dài tít tắp. Trong cái ngẫu hứng tài tình của tự nhiên ấy, ta cứ nghĩ tới một sự sắp xếp cố tình của con người. Ối chao, thì ra thiên nhiên cũng muốn tham gia vào đời sống con người. Biên giới không chỉ hoạch định bằng cột mốc. Mà còn bằng cây cỏ. Và như vậy, những hạt gạo, đuôi xòe lông tơ từ một miền nảo miền nào theo gió tán tới đây, giống như một hiện tượng chim đậu đất lành, lại như là có ý thức hẳn hoi trong việc xác định ranh giới quốc gia.

Đất vắng, rộng, thật là thung thổ hợp với loài gạo. Gạo ưa hạn, chịu sáng, quen chịu đựng mọi khắc nghiệt. Cho đến bây giờ thì gạo đã thật sự có những hàng đại thụ, thân hai ba người ôm, mùa xuân này, nghềnh ngàng các nhánh ngang vùng vẫy, đốt đuốc trên bầu trời. Chẳng có thứ cây nào mà lại hào phóng sắc đỏ đến thế. Và hoa thì vừa to vừa lực lưỡng đến thế. Kỳ lạ, bông nào bông ấy bằng cái cốc vại một. Mỗi bông đậu trên cành trông không khác một đốm lửa, phấp phới vẫy gọi những đàn sáo từ xa đến thưởng ngoạn cái đẹp của chính mình. Bọn sáo vô tư, líu lo, nhẩy nhót, đôi lúc vô ý đánh gẫy một bông hoa. Nhưng, hoa chỉ giật mình trong chốc lát, trên đường rơi nó đã kịp thời giữ thế cân bằng quay tít như cái chong chóng năm cánh hoa dầy.

ông Lý A Lừ, người làng San Cha Chải áp quả núi cao có cột mốc biên giới, vào mùa hoa gạo nở, là vác cái rìu, đeo con dao, tạm biệt bà vợ trẻ, ra đi. Ông Lừ đi làm thuệ Như tất cả những người ở vùng cao heo hút nghèo đói này, cấy lúa xong là đem thân đi đục đá, phá ruộng, xây nhà, thu hái lâm sản thuê, cho tới tháng mười, vào vụ gặt, mới quay trở về làng, lúc ấy cũng là lúc cây gạo trụi lá.

Thời gian để lại dấu chân trên cây gạo.

Với ông Lý A Lừ hiền lành, chất phác và kham khổ, cây gạo còn có một mối quan hệ gắn bó hơn. Xưa nay, cây gạo là loại cây cho thứ gỗ kém cỏi lắm. Bộp đến mức cho vào bếp người ta cũng chê là chỉ tổ khói. Nhưng, sự ra đời đã có một biến đổi đến bất ngờ, vào mùa xuân ấy bỗng nhiên loài gỗ nọ trở thành một đối tượng để kiếm tìm. Thì ra đã có một phát minh. Một nhà chế biến gỗ làm một thí nghiệm: họ xẻ ván gạo, cho xuống nước ngâm, ngâm cho kỳ mùn gỗ ra, rồi mang lên phơi, thì ôi chao, thứ gỗ bộp nọ đã biến thành loài tứ thiết, không biết cong vênh là gì. Và rắn đanh đến mức đinh tây đóng vào cũng nhụt!

Nhà chế biến gỗ nọ là người hàng năm vẫn thuê ông Lừ hạ cây, xẻ ván, đem chuyện đó ra kể. Ông Lừ kêu:

- Thế thì lên làng tôi. Làng tôi nhiều cây gạo lắm.

- Có to không?

- Không biết nó mọc từ bao giờ. Tôi nghe các cụ già kể: từ thời lập quốc, cây gạo bắt đầu mọc rồi. Giờ to lắm.

- Vậy thì vụ xuân tới tôi sẽ lên và bác làm giúp tôi nhé.

Vụ xuân này chính là vụ hạ gỗ đã hẹn hò đây.

Nhưng, cuộc hò hẹn của người thợ chặt hạ và nhà chế biến nọ đã không thành. Vừa quay vào đóng cửa, ông Lý A Lừ nghe thấy tiếng mõ gỗ, mõ tre khua động từ nhà lý trưởng Tráng Vân Đạ Đó là mõ gọi họp toàn thể dân làng. Chẳng còn cách nào, vốn người gắn bó với việc làng nước, ông Lừ bước vào nhà cất rìu, dao rồi ra bãi chơi đầu làng. Trong cái lều nhỏ ở giữa bãi chơi, lý trưởng Tráng Vân Đa mắc cái áo dạ xám, đội mũ lưỡi trai dạ đen, đứng với mấy người lính lệ mới từ huyện về. Người làng lục tục đến, người đến trước ngồi trên những tảng đá nổi, người đến sau ngồi trên cái đu quay, trò chơi còn sót lại từ ngày hội gà ma thú của cả bản.

- Mọi người đến đủ cả chưa?

Lý trưởng Đa bước ra khỏi lều, chống tay lên sườn, cố cho dáng to ra và bệ vệ, để hợp với lời nói hách dịch:

- Cả làng nghe cho rõ rồi theo mà làm. Mùa này từ hôm nay, trai làng, ông già không ai được đi bán công nơi xa nữa. Huyện vừa có giấy sức về đây. Việc này hệ trọng hơn mọi việc. Vua nước An Nam ta sắp vào thăm bản ta, tổng tạ Bởi vậy, làng phải cắt cử người sửa đường, sửa cầu, và ra huyện khiêng kiệu rước Đức Kim thượng về.

Lý trưởng Đa chưa dứt lời, vùng đất đã như có đàn sáo bay tới. Chưa bao giờ San Cha Chải vang động đến như thế vì một cái tin do lý trưởng Đa nói ra.

*

ông Lừ là người đi bán công xa nhà bản, ông lại đã gặp, đã làm việc với người Kinh, chính là nhà chế biến gỗ nọ, nên bếp lửa nhà Lừ đông người tới chơi nhất.

- Vua là thế nào, ông Lừ?

- Vua là người to nhất nước An Nam mình.

- Tôi cứ nghĩ, ta chỉ có một ông vua là Tráng Vân Đa.

- Ông Đa là vua cái nước nhỏ San Cha Chải ta thôi.

- Còn nước An Nam ta?

- Ối! Tôi đi ra huyện mất hai ngày đường. Người Kinh từ dưới xuôi lên mua gỗ đi từ kinh đô lên bằng tàu thuyền, bằng xe ngựa tới huyện này mất hơn nửa tháng. Như vậy, tính từ hàng cây gạo trên núi...

- Sao lại hàng cây gạo?

- à, ở chỗ bắt đầu là nước ta, ông giời gieo xuống một thứ cây ra hoa đỏ để đánh dấu, để ta dễ nhớ. Từ đó ra đến biển... rồi ra nữa... Rộng vô kể, ta đi ngày qua ngày, tuần qua tuần...