Chương 1

Ù ... ù ... ù ...

Đang múc từng muỗng cơm bỏ vào miệng, con Chuột Lắt vụt buông cái muỗng, nó đứng vụt dậy, mặt tái mét đầy vẻ kinh hoàng, hét lên thất thanh, nó chạy đi tìm chỗ trốn và nấp đại dưới cầu thang lầu.

– Ha ... ha ... hi ... hi ...

Thằng Hiếu lẫn con Hòa ôm bụng cười ngặt nghẽo, trong lúc con Chuột Lắt sợ chết khiếp, úp mặt xuống nền gạch, toàn thân run bắn lên như là con thằn lằn bị đứt đuôi. Tiếng phi cơ bay trên bầu trời rền rĩ rồi xa dần ...

– Này, Chuột Lắt!

Thằng Hiếu đi lại kéo vai con Chuột Lắt, nó cười phá lên. Trời đất! Con Chuột Lắt sợ máy bay đến ... “tè” ra cả trong quần. Thấy thằng Hiếu lại gần, nó choàng dậy ôm cứng thằng Hiếu:

– Em sợ lắm, anh Hiếu ơi!

– Máy bay thôi, có gì mà sợ dữ vậy? Nhà ở gần phi trường, mày sợ hoài cho mày “tè” trong quần luôn.

Vẫn giấu mặt vào ngực thằng Hiếu, Chuột Lắt chưa dám dang ra. Tức mình, con Hòa đi lại, nó kéo Chuột Lắt ra một cách thô bạo:

– Mày mở con mắt cho to ra coi, máy bay bay qua, tao với anh Hiếu có sợ đâu. Mày làm cái gì mà chết nhát dữ vậy hả, đồ Chuột Lắt chỉ biết tối ngày chui trong hang kêu chít chít mà thôi.

Bị kéo mạnh ra, con Chuột Lắt lúc này mới mở mắt ra. Chiếc máy bay không còn bay gây ra những âm thanh rền rĩ nữa. Chén cơm nó đang ăn bị hất đổ tung.

– Cái gì vậy?

Bà Hiển ném mạnh cái giỏ lên bàn, mắt bà trợn to nhìn chén cơm đổ vụng vãi dưới đất.

– Tại sao như vậy hả Hiếu?

Con Hòa nhanh nhảu méc:

– Con Chuột Lắt sợ máy bay nên làm đổ cơm hết đó mẹ.

– Quá sức rồi! - Bà Hiển quát tướng lên - Lớp cơm ăn cơm đổ, ai mà nuôi cho nổi mày hả, đồ báo hại!

Bà lao lại tát mạnh một cái vào mặt con Chuột Lắt. Cái tát giận dữ, con Chuột Lắt té văng vào vách. Nó không dám khóc, đưa bàn tay hết vào miệng để ngăn tiếng khóc.

– Rồi mày định nằm vạ với tao hả, con khốn kia?

Bà định lôi con bé dậy đánh nữa. Thằng Hiếu hoảng hồn ôm con Chuột Lắt, nó dùng thân mình che cho con bé:

– Đủ rồi! Mẹ đánh gì dữ vậy? Tại Chuột Lắt nó sợ máy bay thôi mà.

– Máy bay thì có gì mà sợ! Đồ chết nhát! Sao mày không chết theo con gái mẹ mày luôn đi hả? Về đây báo cô tao, bởi vậy tao rớ tới đâu là thua tới đó.

– Cái gì ồn ào dữ vậy hả?

Thấy ông Hiển về đến là bà ta bù lu bù loa:

– Anh mau về đây mà xem, cơm ăn cơm đổ chịu sao cho nổi hả?

Ông Hiển mệt mỏi cởi chiếc nón công nhân để lên đầu tủ:

– Nó còn nhỏ, ăn cơm thì phải đổ chớ! Bộ nó lớn như bà với thằng Hiếu hay sao?

Ông thảng thốt nhìn gương mặt đỏ một bên của con Chuột Lắt:

– Bà đánh nó hay sao vậy?

– Tôi đánh dạy nó không được sao?

– Dĩ nhiên là được, nhưng đánh dạy tàn nhẫn kiểu của bà, tôi chịu thua. Bà nên nhớ, mẹ nó chết, nhưng nó về nhà này không phải ăn không của bà. Bà cư xử bạc đãi, mai mốt cậu Hai Bằng về, tôi ăn nói làm sao với người ta?

Bà Hiển bĩu môi:

– Năm cây vàng nuôi con nhỏ, ông nói nhiều quá hả? Nó ăn bao nhiêu năm nay rồi. Còn cậu Bằng, bao giờ thì cậu ta mới về để dẫn con quỷ nhỏ này đi?

Chỉ sợ là cậu ta sang Pháp, mê nước Pháp và con gái Pháp quá, không còn muốn về Việt Nam nữa.

Ông Hiển trừng mắt:

– Bà đã tiêu xài hết của con bé rồi phải không?

– Hết đâu mà hết.

– Nếu như vậy thì mua quần áo cùng với áo ấm cho nó mặc, trời sắp lập đông rồi đó. Bà có ở ác thì ở ác vừa vừa thôi, để đức cho thằng Hiếu với con Hòa với!

Bà Hiển nguýt chồng rồi bỏ đi vào trong. Hễ nói đến con Chuột Lắt là ông cứ bênh chằm chặp, làm cho bà càng thấy ghét cay ghét đắng con Chuột Lắt hơn nữa. Con bé đẹp quá, có điều nó ốm vì bị ngược đãi, nó đứng bên con Hòa cứ như là con thiên nga đứng bên con chim cú vậy.

Ông Hiển kéo con Chuột Lắt vào mình, ông bảo thằng Hiếu lấy khăn ướt cho ông lau mặt con bé, xót xa:

– Có đau lắm không con?

Đau lắm, nhưng con Chuột Lắt khôn ngoan lắc đầu:

– Dạ, không có đau đâu cậu.

Thằng Hiếu xen vào:

– Con mà không che chở cho Chuột Lắt, mẹ còn đánh nó nữa đó ba.

Con Hòa len lén cấu vào tay thằng Hiếu một cái:

– Anh bênh nó nghen, em méc mẹ cho mà coi.

Thằng Hiếu hất mặt:

– Mày giỏi quá hén!

– Hứ! Anh kêu em bằng mày, anh kêu con Chuột Lắt bằng em, đồ anh Hai không công bằng, em nghỉ chơi với anh luôn.

Ông Hiển phì cười, ôm cả ba vào lòng:

– Hiếu không được gọi Hòa là mày nữa. Còn Hòa, con phải biết thương Chuột Lắt, con hiểu không?

– Tại sao con phải thương nó? Nó hay xí ba của con. Tối, có khi ba còn ngủ với nó, bằng không công bằng.

– Con không được nói như vậy, hiểu không? - Ông Hiển nghiêm nét mặt - Cả ba đứa ba đều thương như nhau. Có điều Chuột Lắt còn nhỏ, làm nhỏ phải được thương nhiều. Huống chi Chuột Lắt không có ba mẹ ở gần, con phải ưu tiên hơn cho Chuột Lắt chớ!

– Không, con ghét nó!

Con Hòa giận dỗi xô ông Hiển ra, nó chạy vụt vào trong khóc ầm lên. Mặc kệ nó, ông Hiển nắm tay thằng Hiếu và con Chuột Lắt đi dài ra bờ sông. Gió chiều thổi xộc lên mùi bùn, thằng Hiếu đưa tay bịt mũi:

– Hôi quá, ba ơi!

Con sông đen ngòm, nó bị ô nhiễm bởi nước từ xưởng dệt thải ra.

Thằng Hiếu nhăn mặt:

– Ba ơi! Chừng nào nhà mình có tiền dọn đi chỗ khác ở nghe ba. Ở đây hôi quá!

Ông Hiển cười buồn. Biết bao giờ mới thoát ra khỏi cảnh nghèo. Ông làm công nhân và vợ chạy chợ. Vợ của ông mê những con bài đỏ đen thì biết bao giờ nhà mới khá được. Đôi lúc ông tự hỏi mình, sao ngày ấy ông lại có thể cưới cô ấy cho được, một cô vợ ông không tìm thấy được một điểm nào thích hợp với mình.

Rồi sinh con, cuộc sống gắn bó ông mãi mãi với một người phụ nữ mà ông không hề yêu.

Mà Cát Hương nào có hạnh phúc gì đâu. Khi cậu Bằng đi Pháp, cô sống trong chờ đợi mỏi mòn để rồi chết. Đời người phải chăng luôn là một cuộc phân ly.

– Mỏi chân không con?

Hiển âu yếm hỏi con Chuột Lắt, nó phụng phịu:

– Mỏi! Anh Hiếu ơi, cõng em đi!

Hiếu khom người xuống ngay, nó cõng con Chuột Lắt trên vai chạy lúp xúp giữa tiếng cười khúc khích của con Chuột Lắt, mỗi khi Hiếu nhảy tung lên.

Ầm ... ầm ... Âm thanh thật khủng khiếp, lẫn trong tiếng gió và tiếng cành cây chuyển mình. Con Chuột Lắt choàng dậy. Trời tối đen như mực và tiếng sét ầm ầm, ánh sáng của những tia chớp len qua cửa khiến nó sợ chết khiếp, toan hét lên, nhưng một cánh tay sờ trúng người nó và ôm chặt lấy nó.

– Đừng sợ .... có anh Hiếu nè!

Được Hiếu ôm, Chuột Lắt mừng rỡ bấu lấy:

– Em sợ quá, anh Hiếu ơi!

– Đừng sợ! Sấm sét mà có gì đâu há! Em ngủ đi sẽ hết sợ!

Mưa tạnh, giông gió hết ầm ầm. Hiếu ngồi dậy, cũng là lúc có điện lại. Ngọn đèn ngủ sáng lên. Hiếu mỉm cười buông Chuột Lắt ra:

– Thấy không, có gì đáng sợ đâu. Biết em sợ sấm sét, nên anh chạy ngay qua đây đấy. Sau này, mỗi lần sấm sét, em cứ ôm gối nói:

không sợ, không sợ, em sẽ không thấy sợ.

Chuột Lắt nhoẻn miệng cười:

– Ừ. Sau này em không sợ nữa. Cám ơn anh Hiếu nghen.

– Ừ. Nhưng mà cám ơn suông không chịu đâu.

– Cho anh Hiếu hôn lên cái lúm đồng tiền hả?

– Ừ.

Hiếu hôn nhanh một cái vào bên má có lúm đồng tiền. Xong, nó quay đầu chạy mau về giường ngủ của mình. Không hiểu sao nó thích hôn lên cái lúm đồng tiền trên má con Chuột Lắt kinh khủng, thích nhìn mắt con bé chớp nhanh.

Nhắm mắt lại, Hiếu đi vào giấc ngủ ...

– Anh Hai!

– Bàn tay lạnh ngắt và ướt nước véo vào má Hiếu, làm nó giật mình thức giấc, hét ầm lên:

– Lạnh quá! Cái gì vậy Hòa?

– Dậy đi học! Hứ! Má biểu em kêu anh dậy, em mới thèm kêu. Không thôi, cho anh đi học trễ luôn, không biết ơn còn la hét ầm ĩ.

Hiếu vươn vai ngồi dậy:

– Cám ơn nghen.

– Chiều nay, anh làm cho em một con diều nghen?

– Để xem có rãnh không.

– Hứ! Con Chuột Lắt nhờ là anh làm liền, bộ nó là ... vợ anh hả?

Hiếu trừng mắt:

– Nè, nói bậy bạ cái gì vậy? Mới bây lớn đã nói chuyện vợ vợ chồng chồng!

– Chứ không phải sao! Đêm hồi hôm, em thấy anh ngủ chung với con Chuột Lắt, anh còn “hun” nó nữa.

Hiếu giật bắn mình:

– Hồi nào?

– Còn hồi nào nữa, muốn em méc má không? Má biểu không có được ngủ chung con Chuột Lắt.

– Ngủ chung với mày để mày đái dầm ướt hết hả?

Xấu hổ, Thúy Hòa giậm chân:

– Nói người ta vậy đó hả? Không chơi với anh nữa, em xuống nhà méc má cho coi.

Hiếu vội vàng nhảy độp xuống giường:

– Chiều, anh Hai làm diều cho Hòa há!

Nghe nói làm diều, mắt con Hòa sáng lên:

– Ừ. Nhớ nghen!

Hiếu chạy xuống thang gác để vào phòng vệ sinh. Nó nhíu mày khi thấy Chuột Lắt dậy từ lúc nào, đang ngồi với thau quần áo đầy ắp.

– Ai bảo em giặt quần áo vậy? Em mà giặt sạch cái gì, để cho mẹ giặt.

– Thằng kia! Mày nói tao là con trâu hay sao vậy? Tao cho nó đi học là phước rồi, chuyện nhà nó phải làm chớ.

– Nhưng Chuột Lắt còn nhỏ xíu, má bắt nó làm cực quá vậy làm sao làm cho nổi?

– Không nổi cũng phải nổi, mày rõ chưa? Nó ăn cơm của tao, nó phải làm cho tao.

Hiếu nhìn mẹ bằng đôi mắt bất mãn:

– Vậy còn em Hòa, sao mẹ không bắt nó làm?

– Tao muốn như vậy đó.

Hiếu đánh răng rửa mặt nhanh chóng, xong nó nắm tay Chuột Lắt:

– Đi ăn cơm để còn đi học, muộn rồi. Trễ giờ, trường đóng cửa làm sao vào được.

Mặc kệ mẹ gườm gườm, nó kéo Chuột Lắt đứng lên. Bảy giờ rồi, hai đứa vội nuốt nắm cơm muốn mắc nghẹn luôn. Sau đó, cả hai cùng đi học. Gần đến cổng trường, Chuột Lắt cười:

– Cám ơn nghe, anh Hiếu.

Hiếu nhướng mắt:

– Cám ơn chuyện gì?

– Hồi tối, anh giúp em, rồi sáng nay nữa.

Hiếu mỉm cười. Giá như không phải là trường học, nó lại “yêu sách” đòi hôn cái lúm đồng tiền kia.

– Ê!

Con Hòa vừa chạy theo thằng Dũng vừa hát ầm lên:

“Dũng què đi lượm hột me.

Thấy đống cứt chạy te về nhà.

Má ơi, con lượm được chén chè ...”.

Quá quắt! Đây không biết là lần thứ bao nhiêu, con Hiếu thấy mặt thằng Dũng là hát ghẹo. Nó cầm cục đá lên, mím môi vung tay chọi mạnh vào con Hòa.

– Xí hụt!

Con Hòa nhảy qua tránh, cục đá bay thẳng vào đầu thằng Hiếu.

Cốp ... Thằng Hiếu ôm đầu quỵ xuống, máu chảy tràn qua kẽ tay và trên mặt nó. Con Hòa hoảng sợ đứng chết trân.

– Anh Hiếu!

Chuột Lắt sợ lắm, nó cố không khóc, lính quýnh ôm thằng Hiếu.

– Anh Hiếu ơi!

Rồi quýnh quáng chạy lại bên hàng rào bứt đại mấy lá cây sống đời, phủi bụi cho vào miệng nhai, rồi đắp lên vết thương để cầm máu lại.

– Anh nằm lên chân em nè, em đắp lá cây sống đời cho cầm máu lại.

Đau lắm nhưng được lo như thế này, cái đau như tiêu tan đi hết, thằng Hiếu nắm tay con Chuột Lắt:

– Không sao đâu, hơi đau đau thôi.

Xong, nó quay qua em gái:

– Giỏi hát ghẹo cái thằng cộc như chó lắm mà! May mà trúng vào đầu anh, chứ không thôi cho cái mặt mày như bị ong vò vẽ đốt rồi.

Biết lỗi, con Hòa cúi mặt:

– Anh Hai ơi! Đừng có méc ba nghen!

– Không được hát ghẹo người ta nữa đó! Con gái gì mà chẳng chịu nhu mì chút nào.

Lại nữa rồi! Giọng điệu của Hiếu y hệt như ba của nó, lúc nào cũng mang Chuột Lắt ra so sánh, làm cho nó ghét cay ghét đắng con Chuột Lắt. Nó giậm chân vùng vằng bỏ đi.

Chuột Lắt đỡ Hiếu ngồi dậy:

– Có về nhà được không anh? Hay là để em cõng anh.

Hiếu bật cười:

– Em ốm yếu nhỏ con, cõng anh đi có nước quăng anh té luôn quá.

– Em cõng được mà. Không tin, em cõng cho anh coi.

Hiếu lắc đầu:

– Anh hơi bị choáng thôi, đi được mà. Ôm cặp giùm anh đi!

– Dạ.

Hiếu ngồi dậy, nó nhăn mặt vì đau. Chuột Lắt lo lắng:

– Đau lắm hả anh?

– Ừ.

– Để em đi lấy cái khăn nhúng nước lau mặt cho anh.

Con Chuột Lắt mở cặp lấy cái khăn nhỏ, nó mở chai nước uống mang theo đổ lên cái khăn rồi lau mặt cho Hiếu. Một sự săn sóc kỳ diệu hơn cả bàn tay của mẹ, Hiếu sung sướng đón nhận.

– Lắt nè! Lớn lên anh và em sống hoài bên nhau, đừng bao giờ xa nhau nghen!

Không hiểu lắm lời của Hiếu, song Chuột Lắt cũng gật đầu:

– Thì em ở nhà anh hoài, ba em có từ Pháp về rước em cũng không đi.

– Thiệt không, em thề đi!

– Ừ thề. Em sẽ ở hoài nhà với anh, với cậu mợ, với chị Thúy Hòa.

Hiếu sung sướng hôn một cái vào má Chuột Lắt:

– Anh cũng vậy, anh cũng sẽ ở nhà mình suốt đời luôn.

Lần đầu tập nói yêu em.

Chưa ra tình ý chưa nên điệu vần.

Nâng đôi tà gió bâng khuâng.

Nửa câu thơ, đủ bần thần một đêm ...

Hiếu hý hoáy nắn nót viết, không được ý sau lưng anh, Thúy Hòa nhẹ nhẹ và nhón gót nhìn qua vai anh Hai, rồi đưa tay chộp mạnh tờ giấy:

– Em bắt quả tang anh Hai làm thơ cho con Chuột Lắt.

Thúy Hòa nói lớn quá, Hiếu hoảng hôn buông cây viết, bụm miệng em gái lại:

– Đại ma đầu phá rối, khẽ chứ!

– Hứ! Ai biểu anh méc má em đi chơi. Em sẽ méc anh ...

– Không được nói! Trả bài thơ lại cho anh Hai.

– Không!

– Mày ... coi chừng tao bạt tay đấy!

– Anh dám, em méc má luôn. Hèn gì lúc nào cũng bênh con Chuột Lắt chằm chặp. Nó đẹp quá trời luôn phải không? Em sẽ không méc má, nếu anh cho em ... năm chục ngàn.

Hiếu bật cười:

– Sợ luôn! Biết cách làm tiền quá trời.

– Không cho phải không?

– Cho.

Hiếu sờ tay vào túi áo lấy ra tờ giấy năm chục ngàn đồng:

– Nhà ngươi có muốn hơn cũng không có đâu. Trả bài thơ lại cho anh Hai!

Có năm chục ngàn, Thúy Hòa ném tờ giấy lên bàn, vừa đi thụt lùi ra cửa, vừa cười. Cô chọc anh trai:

Tặng em đôi phiến mây vàng.

Để che lúc nắng, để quàng lúc mưa.

Tặng em dăm hũ yaourt.

Ướp thêm cho giọng chanh chua càng bùi ...

Hiếu lắc đầu cười. Đó là bài hát anh viết chi Chuột Lắt hát. Cô bé có năng khiếu về văn nghệ, hát hay và múa giỏi. Lúc Hiếu còn đi học, anh cũng là tay trống “cự phách”.

Mới thoắt đó mà anh và Chuột Lắt đã lớn, cô đang ôn thi để thi vào đại học.

Nhưng có lẽ ước mơ chẳng thành, vì làm gì có khả năng mà học đại học, đến Hiếu còn phải bỏ học đi làm thợ điện, tối tối có mắt trong ban văn nghệ của quận.

Anh yêu Chuột Lắt. Bây giờ không ai gọi cái tên ấy nữa, mà bằng cái tên Cát Tường mỹ miều. Nhưng Hiếu vẫn thích gọi bằng cái tên thân quen đáng yêu đó, vẫn thường len lén say đắm nhìn cái lúm đồng tiền ngày xưa mình hay “lợi dụng” vòi vĩnh để được hôn.

Không hiểu Chuột Lắt có còn nhớ ngày nào đó cô hứa ở hoài bên anh, ở suốt đời. Ngày thơ ấu êm ấm ấy đã đi qua cho một tình yêu đến dịu dàng ...

– Cát Tường!

Bà Hiển hét lên như cái loa phóng thanh làm Cát Tường giật mình. Cô hoảng hốt xếp cuốn sách lại:

– Dạ, mợ gọi con.

– Tao không gọi mày thì gọi ai? Mày buôn bán cái kiểu gì vậy hả? Khách vào mày không hay, cứ chúi đầu vào ba cuốn sách đó. Tao xé một lần rồi chưa tởn hả?

Cát Tường sợ hãi giấu vội cuốn sách vào dưới gầm tủ, cô đứng lên đi ra ngoài. Thấy hai người khách vừa vào, Cát Tường cố vui vẻ:

– Dạ, chú muốn uống gì ạ?

– Cho hai cái soda chanh đi!

– Dạ.

Vẻ đẹp dịu dàng của cô gái làm Quý Hải nhìn theo. Anh kêu lên:

– Tôi tìm thấy rồi, anh Quân!

Lập Quân cau mày:

– Cậu tìm thấy cái gì?

– Nhân vật chính cho bộ phim ...

– Đâu? - Lập Quân nhìn theo hướng mắt của Quý Hải - Ý cậu muốn nói cô bé đó?

– Phải. Anh không thấy vẻ đẹp thuần khiết của cô bé sao?

– Nhưng cô ta không qua trường lớp, cậu liệu có được như cậu muốn không?

Chưa kể cái bà La Sát kia nữa.

Quý Hải bật cười. Lập Quân không nói nữa, vì Cát Tường đã bước ra. Đúng là cô bé xinh quá, như một viên ngọc chưa được mài giũa vậy. Đôi mắt to đên ẩn dưới hàng lông mi cao vút. Nước da bánh mật càng cho cô vẻ thu hút, một nét đẹp hoang dã của vùng rừng núi.

Cát Tường không hay mình là trung tâm điểm nhìn ngắm của hai người đàn ông, cô cứ tự nhiên mang thức uống đặt trên bàn.

– Ê!

Hiếu xuất hiện ở cửa, anh vẫy tay với Cát Tường, điều này không qua được mắt bà Hiển. Bà quát khẽ:

– Hiếu! Vào đây mẹ bảo!

– Dạ.

Hiếu vừa đi vừa gãi đầu:

– Gì nữa đây mẹ?

– Đi làm sao không về nhà, còn đến đây làm gì?

– Con muốn ... uống ly cà phê.

Bà Hiển lườm con trai:

– Chứ không phải mày lại ra đây rù rì với con Cát Tường?

– Mẹ dùng từ “rù rì” khó nghe quá đi!

Hiếu đi vào trong, anh tự pha ly cà phê cho mình. Ngoài này, Cát Tường vừa định quay lưng thì Quý Hải gọi:

– Này cô!

Cát Tường ngạc nhiên quay người lại:

– Dạ.

Đôi mắt của Cát Tường mở to. Đôi mắt đẹp quá. Trong một thoáng làm Quý Hải mê mẩn đến ngẩn ngơ.

– Em có muốn đóng phim không?

– Dạ .... - Cát Tường bật cười - Em mà đóng phim cái nỗi gì?

– Sao không! Nếu muốn thử, ngày mai đến hãng phim Hoa Hồng gặp tôi.

Quý Hải lấy trong túi ra tấm card visite đưa cho Cát Tường. Cát Tường nhíu mày đọc. Xong, cô bỏ vào túi áo và đi luôn vào trong.

Hiếu đã pha xong ly cà phê, anh đập nước đá bỏ vào, len lén nhìn về phía mẹ, anh cười rồi sà lại gần Cát Tường:

– Chuột Lắt! Tối nay có văn nghệ ở Nhà văn hóa quận đó, đi nghen!

Cát Tường nhăn nhó:

– Đi sao được mà đi, tối nào em cũng phụ mợ bán cho tới khuya.

Hiếu trợn mắt:

– Để anh nói với ba. Mẹ vừa phải thôi chứ. Sáng, em phải đi học, về đến nhà quăng cái cặp xuống là lớp nào nấu cơm, giặt đồ, chiều tối còn phải ra phụ bán quán cho đến mười một mười hai giờ khuya. Sức người chớ bộ sức trâu hay sao!

– Thằng quỷ! Mày nói tao cái gì?

Bà Hiển nắm tay Hiếu véo một cái mạnh. Hiếu nhăn mặt:

– Con lớn rồi, mỗi cái là mẹ véo tai. Mẹ có véo tai con một trăm lần, con cũng không phục mẹ.

– Sao?

– Mẹ bắt Chuột Lắt làm vừa vừa thôi chứ.

– Rồi mày đau lòng à? Nó không làm thì tao phải làm. Đẻ ra mày, cực khổ nuôi mày, mày báo hiếu tao như vậy hả?

– Con có làm gì bất hiếu với mẹ đâu. Con xin mẹ đối xử cho công bằng một chút. Tại sao con Hòa suốt ngày rong chơi, không làm gì hết, mà Chuột Lắt thì phải làm quần quật suốt ngày chớ?

Một cái véo tai nữa. Bà Hiển nghiến răng:

– Ai muôi con Chuột Lắt lớn khôn? Không có tao, nó được như ngày nay sao? Mày mà còn lộn xộn, tao ... gả chồng sớm cho nó luôn đấy.

Hiếu nhìn mẹ nảy lửa. Cát Tường vội đưa cho Hiếu ly cà phê:

– Anh uống đi rồi về nhà!

– Không uống!

Hiếu đi luôn ra đường, lòng ấm ức. Mười mấy năm nay rồi, mẹ của anh luôn có lối cư xử bất công như vậy. Anh bênh vực cho Cát Tường, rồi ba nữa, đôi khi ầm ĩ trong nhà rồi đâu cũng vào đấy, mẹ của anh vẫn không thay đổi. Có phải vì bà quá ganh ghét với mẹ của Cát Tường rồi chuyển qua đến đời con gái người ta?

Hiếu đi rồi, bà Hiển quay sang quát Cát Tường:

– Vì mày mà lúc nào trong nhà tao cũng có chuyện. Tao không hiểu cho đến lúc nào mới không nhìn thấy bộ mặt đáng ghét của mày nữa. Coi ai đó, mày ưng họ rồi theo họ luôn giùm tao.

Cát Tường cúi đầu. Cô biết là mợ mình nói như vậy chứ chưa chắc bà chịu gả cô đi vì ai sẽ làm công việc nhà. Chính nhờ cô mà quán nước này mấy năm qua mới thu hút được khách. Cô đã quá quen với những lời này, nên trở thành nhàm tai, có buồn cũng vậy thôi. Còn cha cô nữa, mười hai năm nay, ông định cư luôn ở xứ người, có lẽ ông đã quên mẹ cô, quên người thôn nữ từng được ông hò hẹn đã tin tưởng trao thân.

Ông có biết chăng, có một đứa con nhỏ mong mỏi mong mòn điều huyền diệu là một ngày nào đó nhìn thấy được cha mình. Ngày đó chắc không bao giờ có.

Mười giờ đêm, may là có ông Hiển, Cát Tường được cho về nhà. Đi ngang qua nhà văn hóa, tiếng hát, tiếng đàn từ trong vọng ra khiến Cát Tường quẹo ngay vào. Hiếu đang ngồi bên bộ trống, điệu nhạc kích động “phê” quá.

Anh gõ như điên, đầu cũng lắc lư theo nhịp tay. Cát Tường len vào, cô gọi khẽ:

– Anh Hiếu!

Hiếu nhìn lên, anh tươi ngay nét mặt:

– Vào đây, Lắt!

Nữa rồi! Không “Chuột Lắt” thì anh gọi cô bằng tên “Lắt” và nhất định không chịu sửa. Cô len vào gần hơn. Hiếu mỉm cười:

– Một lát, em lên hát một bài nha!

– Thôi đi, em đang mệt gần chết!

– Lấy ghế ngồi đi!

Cát Tường nhìn quanh. Có ghế trống đâu mà ngồi, đông quá. Cô lắc đầu và đứng cạnh Hiếu, nhưng rồi cô cũng bị tiếng đàn và tiếng trống quyến rũ, nên vỗ vai Hiếu:

– Anh Hiếu! Em lên hát nghe!

– Ừ. Để anh nói với thằng Khánh!

Cát Tường bước lên bục, tay cô cầm mi-crô. Có nhiều lần đi theo Hiếu, nên cô dạn dĩ. Trông thấy Cát Tường, những tiếng huýt sáo bên dưới, đồng thời tiếng nhiều người nhao nhao lên:

– Hát bài “Có một buổi chiều nào” đi, Cát Tường ơi!

Cát Tường mỉm cười, gật đầu. Cô hắng giọng nhẹ rồi cất cao giọng hát:

“Bỗng một ngày nào anh chợt nhận ra em.

Một người xa lạ tự nhiên quen.

Từ lúc ấy lòng anh như trẻ mãi.

Và lòng em cũng vô tình thơ dại.

Ta yêu nhau không một lý do nào.

Khắp đất trời mới mẻ lạ lùng làm sao ...”.

– Bis ... Bis ...

Tiếng “Bis ... Bis” yêu cầu hát tiếp ồn ào quá khiến Lập Quân ngước nhìn lên. Anh ngạc nhiên nhận ra cô gái buổi sáng trong quán cà phê, đúng hơn là anh nhớ nhiều đến đôi mắt của cô, đôi mắt nai tơ như ngơ ngác vậy. Giọng hát của cô cao vút trong vắt chợt làm anh rung động.

Ta yêu nhau không một lý do nào.

Khắp đất trời mới mẻ lạ lùng làm sao ...

Lập Quân đẩy nhẹ cửa phòng Quý Hải và bước vào:

– Cô gái hôm nọ có tìm anh không vậy?

– Không. Tôi định đi tìm cô ta đây. Hôm đó có nói gì được đâu.

– Anh biết tối qua tôi gặp cô ta ở đâu không? Ở Nhà Văn Hóa Thanh Niên quận. Cô ta lên ca, giọng ca khá tuyệt vời, có lẽ là nhờ ông anh vốn là một tay trống.

Quý Hải mỉm cười:

– Vậy nữa! Hay là trưa nay mình đi tìm cô ta đi. Tôi chọn được hai người nữa, nhưng sao vẫn muốn cô ta đóng vai chính cho bộ phim.

– Ừ, đi thử xem! À, để tôi lên gặp ông “bô” cái đã, không hiểu gọi có chuyện gì đây.

Lập Quân quay ra, anh đi lên lầu và gõ cửa phòng ba.

– Ba gọi con.

– Ờ. Con vào đây đi!

Ông Lập Bằng giấu vội bức tranh vào ngăn tủ. Ông đã trở về hai năm nay, và có ý tìm lại đứa con gái của mình. Nhưng vợ chồng Út Hiển đã dọn đi, ông không thể đăng tin trên báo tìm con, còn thám tử tư thì chẳng lần ra một chút tung tích nào.

Ông đóng ngăn tủ lại, đứng lên:

– Con và Quý Hải định bao giờ thì bắt đầu bấm máy cho bộ phim mới đây?

– Anh Hải chọn được ba người cho vai nữ chính, nhưng rồi ảnh đổi ý, muốn chọn người khác. Có điều cô này còn đi học phổ thông và chưa biết đóng phim là gì cả. Nhưng con nghĩ, biết đâu cô ta sẽ đóng phim được. Tối qua, tình cờ con gặp cổ hát trên sân khấu, cũng biết diễn xuất lắm.

– Vậy hả! Thử xem rồi gút lại để bắt đầu cho bộ phim mới đi.

– Dạ. Ba gọi con lên có chuyện gì nữa không ba?

– Không!

– Vậy con xuống nhà nghen ba!

Còn lại một mình, ông Lập Bằng lại mở ngăn tủ. Bức ảnh bán thân ngả màu vàng, ông còn giữ đây mà người của năm nào chỉ còn là một nắm đất lạnh lùng.

Có lẽ cô rất trông ông về, nhưng ông thì cứ mãi con chim bay đi, bay đi mãi trong bầu trời xanh.