Thoạt đầu là một khu vườn. Tuổi thơ là một khu vườn. Khu vườn không có tận cùng, không rào giậu ranh giới, trong xào xạc tiếng lá, ánh vàng bởi nắng mặt trời, trong đó bóng râm chuyển sang màu sáng lục, những cây thông nghìn tầng - từ tán lá đầu tới chót vót ngọn cao; ở phía nam có giếng nước, phía bắc từng khóm hồng bạch xen lẫn những cây nấm, phía tây là những bụi đũm hương muỗi, phía đông - những cây việt quất, những tổ ong đất, bờ dựng đứng, hồ nước to và những cây cầu nhỏ.
Trong bụi dạ lan hương Ba Tư hoa tím đỏ toa? hương ngào ngạt con mèo đang vờn chú chim sẻ. Chúng tôi cũng từng vớ được một con sẻ như thế. Ai đó làm bong lớp da trên cái đầu xấu xí như đồ chơi của nó. Một cái mặt chim đau khổ. Chúng tôi may cho nó một cái mũ trùm tí xíu từ một mẩu đăngten, một chiếc áo sơmi trắng xinh xinh, và chôn nó trong một chiếc hộp đựng kẹo sôcôlạ Cuộc sống bất tận. Chỉ có những con chim là chết thôi.
Trong bốn cái nhà nghỉ liền kề không có rào ngăn - muốn đi đâu thì đi. Cái thứ năm là ' nhà ở hẳn hói nằm tách riêng ra một chỗ, có rào giậu xung quanh, trong đó (có cái gì nhỉ) thím Veronika Vinkenchievna, một người đàn bà tóc vàng, cao lớn, xinh đẹp, sau khi mở toang các cửa ngoài hiên để cho tháng bảy lọt vào, ngồi xay đám dâu tây làm mứt, phần để nhà ăn, phần bán cho hàng xóm. Một vẻ đẹp ngồn ngộn óng ánh vàng màu táo chín! Đám gà mái lông trắng quanh quẩn bên đôi chân nặng nề của thím, đám gà tây vươn những bản mặt trâng tráo từ đám ngưu bàng, con gà trống lông màu xanh - đỏ ngoẹo đầu nhìn chúng tôi: Bọn bay muốn gì, mấy con nhỏ? ' Chúng cháu muốn mua dầu . Những ngón tay của bà thương gia to đẹp xục vào đám dâu đỏ tươi ứa máu. Lá ngưu bàng, cân, giỏ.
Có một lần cũng với bàn tay đỏ máu như thế nữ hoàng đi từ nhà kho đi ra, mỉm cười nói: ' Tôi vừa thịt một con bê con... '.
Chú Pasa là chồng của người đàn bà ghê gớm ấy, già rồi - đã 50 tuổi, người bé nhỏ, hay ngượng nghịu, làm kế toán ở Leningrad. Chú dậy từ 5 giờ sáng, chạy qua núi, qua đồng để kịp chuyến tàu hoa? mười phút tàu điện, sau đó luồn hai cái ống vải đen vào hai bên tay áo và ngồi vào cái ghế cứng màu vàng. Những cánh cửa bọc vải sơn dầu, tầng hầm ám khói thuốc, ánh sáng nhợt nhạt, những tủ sắt và những tờ hoá đơn - đó là công việc của chú. Một ngày xanh ngắt vui vẻ, ầm ĩ trôi qua, chú lại ngược trở về: Cái tàu điện sau chiến tranh cũ kỹ, nhà ga quẩn khói ban chiều, mùi cháy khét, những bức tường bao, đám dân nghèo xác, những chiếc giỏ; gió đuổi những cánh giấy nhàu nát trên sân ga vắng vẻ. Mùa hè đi xăngđan, mùa đông đi ủng dạ, chú Pasa vội vã đi về khu vườn của mình, về với thiên đàng, nơi từ mặt hồ phảng phất sự tĩnh lặng ban chiều, về với ngôi nhà, nơi trên chiếc giường mênh mông có bốn cái chân bằng thuỷ tinh, nữ hoàng to lớn đang chờ chú.
Từ tháng năm cho tới tháng mười bị những cơn mất ngủ hành hạ, thím Veronika phong phanh trong chiếc áo ngủ trắng vải thô, đứng rõ lâu trong vườn, tay cầm cây cào trông giống thần Neptune - Thuỷ tề, lắng nghe tiếng chim đêm, hít thở hương nhài thơm ngát.
Đêm đi về phía trước, ngôi nhà lặng lẽ sẫm dần sau lưng, còn ở phía trên - mái nhà, ống khói giống như chiếc sừng, con quay gió, mặt trăng, bơi qua khu vườn, qua giấc ngủ, khẽ tròng trành, mang theo chú Pasa tới đất nước của tuổi thanh xuân đã mất, đất nước của những ước nguyện chưa thành, rồi sau đó Veronika quay vào nhà, người lạnh toát, nặng nề, vướng vào đôi chân bé nhỏ của chú...
... Này, tỉnh dậy đi, chú Pasa! Veronika chết rồi.
Chú Pasa đi đi lại lại trong ngôi nhà trống trải với cái đầu trống rỗng, sau đó tỉnh lại, tươi tốt dần, ngoái nhìn, nhớ lại, xua đuổi những kỷ niệm, chờ đợi và dẫn về một người thu vén giúp việc nhà - em gái ruột của Veronika, cô Margarita, cũng đẹp đẽ, trắng trẻo, to lớn, tóc vàng như thế. Và rồi cho tới tháng bảy cô ấy sẽ cười trong khuôn cửa sổ tràn ngập ánh sáng, cúi xuống thùng nước mưa, thấp thoáng trong đám cây phong bên hồ ngập nắng mặt trời.
Ôi, cái tuổi xế chiều của ta...
Còn chúng tôi thì chẳng nhận thấy gì, chúng tôi đã quên Veronika, chúng tôi đang có mùa đông, bệnh quai bị, trận lụt và những mụn cơm, tôi được may chiếc áo lông mới, một cô ở ngoài sân vuốt vuốt chiếc áo nói: ' Cừu non!'.
Vào mùa đông các chú lao công dán lên bầu trời đen sẫm những ngôi sao vàng, rải những mảnh kim cương tí xíu lên những lối đi dẫn vào trong sân về hướng thành Peterbourg. Trèo lên những cái thang phía ngoài sân, họ chuẩn bị những món quà bất ngờ cho sáng sớm hôm sau: Bằng những bút lông tinh tế họ vẽ đuôi chim thiên đường ánh bạc lên những ô kính cửa sổ.
Tới khi tất cả chúng tôi đều chán mùa đông thì họ xúc nó lên chiếc xe tải chở ra ngoài thành phố, đẩy những đống tuyết gầy còm vào những hố đất, trộn đám tuyết thành một thứ cháo màu đen sền sệt cùng với những mầm của giống cây dại hoa vàng. Thành phố trong vài ngày hồng hào, cứng cáp và ồn ã.
Rồi từ chốn đó, từ phía chân trời xa tít tắp, mùa hè xanh mướt mùa ngọc bích lướt khướt chạy về, nói cười ầm ĩ, phất lá cờ sặc sỡ, cùng với những con kiến và những bông cúc dại màu trắng.
Chú Pasa cho một bà cụ cũ kỹ cùng với đứa cháu gái béo ị thuê tầng áp mái; chúng mời tất cả bọn trẻ hàng xóm đến chơi và đãi chúng món mứt.
Chúng tôi treo người lên hàng rào xem cảnh bà già lạ cứ mỗi tiếng đồng hồ lại mở toang cánh cửa sổ tầng áp mái, gọi với vào:
- Bánh với sữa có muốn ăn không?
- Cháu không muốn.
- Có buồn đái ỉa không?
- Cháu không buồn.
Chúng tôi nhảy lò cò, chữa những vết sước bằng nước bọt, đào những hầm chứa của, lấy dao cắt những con giun đất bò ra lúc trời mưa, nhòm trộm bọn bà già giặt những chiếc quần hồng bên hồ, và tìm thấy trong bếp của chú Pasa bức ảnh chụp một gia đình người nào tai cũng to kỳ quặc với dòng chữ đề ' Kỷ niệm, để nhớ mãi, năm 1908'.
' Chúng mình tới nhà chú Pasa đi!' . ' Có điều cậu phải vào trước' . ' Không, cậu ấý... ' Cẩn thận, có bậc đấý . ' Tối quá tớ chẳng nhìn thấy gì' . ' Bám vào tớ' . Chú ấy có cho chúng mình xem phòng ở không nhỉ?' . ' Cho xem, có điều phải uống trà trước đã'.
Những chiếc thìa nhỏ, dao ăn nhỏ cán xoáy cắm trong những bình nhỏ. Món mứt anh đào. Trong bóng chiếc chao đèn màu da cam ấm áp cô Margarita nhẹ dạ đang cười. Này, uống nhanh lên, chú Pasa biết rồi đấy, chú ấy đang đợi, chuẩn bị mở toang cánh cửa vào cái hang của Alađanh. Ôi gian phòng! Ôi những giấc mơ con trẻ, ôi chú Pasa - Vua Salomon! Đang giữ chiếc sừng Sung Mãn (#1) trong bàn tay hùng mạnh của người! Đoàn lạc đà với những bước chân ma quái đi ngang qua ngôi nhà của người và làm mất hút những kiện hàng của thành Baghdad trong chạng vạng chiều hè! Nhìn xem kìa những chiếc đồng hồ quý chưa kìa, mà chữ số đồng hồ không giống chữ số của ta đâu nhé, mà kim đồng hồ lại là hình con rắn! Còn những cái kia lại có hình những bông hoa ' Xin đừng quên nhé!' . Ôi, kìa, kia kìa, nhìn xem kìa! Phía trên mặt đồng hồ có gian phòng bằng kính kìa, trong ấy, đứng đằng sau cái bàn bằng vàng một ông bạn nhảy mặc áo đuôi tôm, tay cầm miếng bánh kẹp thịt bằng vàng, bên cạnh một bà cũng bằng vàng tay cầm cái cúp vàng - cứ tới giờ điểm chuông là bà ấy lại vớ lấy cái cúp đặt trên bàn - sáu, bảy, tám... Cây dạ lan hương ghen tức dòm qua kính cửa sổ, chú Pasa ngồi sau chiếc dương cầm và chơi bản xônát Ánh trăng. Chú là ai, hả chú Pasả...
Cứ chơi đi, cứ chơi đi chú Pasa! Hãy làm đế vương trong chốc lát, làm chàng hoàng tử bị yểm bùa, làm chàng trai ngôi sao toa? sáng, ai đã ban cho chú quyền uy đối với chúng cháu, lũ trẻ bị bỏ bùa, ai đã tặng cho chú đôi cánh trắng đằng sau lưng vậy, ai đã nâng mái đầu bạc của chú tới tận trời chiều, ai đã đăng quang bằng những đoá hồng, ai đã loé sáng bởi ảnh thạch miên, ai đã làm xao động trăng đêm thoảng gió?...
... Thôi, xong rồi. Chúng mình về đi. Chẳng tiện nói với chú Pasa những lời cửa miệng: ' Cảm ơn' . Đáng ra phải nói cầu kỳ, văn hoa hơn: ' Xin đa tạ chú' . - ' Không dám, không đáng phải đa tạ'.
' Này, cậu có để ý trong nhà họ chỉ có mỗi chiếc giường không?' - ' Thế Margarita ngủ ở đâu nhỉ? Trên gác xép à?' - ' Cũng có thể, nhưng mà trên đó có bà cháu cái đứa béo ị cơ mà' - ' Thế có nghĩa cô ấy ngủ trong kho chứa hạt giống, hay ở ghế dàí - ' Biết đâu họ ngủ chung trên cái gường có chân bằng kính?' - ' Ngốc ạ, họ không phải là vợ chồng' - ' Có cậu ngốc thì có. Nhỡ họ là nhân tình thì sao?' - ' Thế mà cũng đòi, nhân tình chỉ có ở Pháp thối . ' Ờ nhỉ. Có thế mà mình cũng không nghĩ rá.
... Cuộc sống vội vã thay bóng cho chiếc đèn thần Alađanh. Nhờ có mẹ, chúng tôi đã xâm nhập được vào cái góc thử có gương ở hiệu may quần áo người lớn, nơi bác thợ may hói đầu đo những vòng cong đáng xấu hổ, vừa đo vừa lẩm bẩm: ' Cảm phiền' . Chúng tôi ghen tị với bọn con gái đi tất nilông và tai đục lỗ. Chúng tôi vẽ bậy vào sách giáo khoa: Pushkin đeo kính, Majakovskij thêm bộ ria mép, còn Chekhov - trên cái hình thể được thiên nhiên ban tặng ấy - một bộ ngực vừa to vừa trắng.
Mùa thu bước tới bên chú Pasa, vả thẳng vào mặt chú. Mùa thu ơi, người cần gì? Dừng lại hẵng, người sao vậy, làm thật đấy à?... Những chiếc lá úa tàn, ngày tối sậm lại, Margarita còng xuống. Những con gà trắng đã nằm trong đất, những con gà tây thì bay về phương nam ấm áp, còn con chó vàng thì nằm ôm chú Pasa nghe gió bấc gào rú. Mấy đứa con gái đâu rồi, có đứa nào mang cho chú Pasa cốc chè Ấn Độ không đấy! Chúng cháu lớn nhanh làm sao. Còn chú, dù sao, chú cũng đã đầu hàng, chú Pasa ơi! Những ngón tay chú run rảy, đầu gối sụm xuống. Làm sao chú lại thở như huýt sáo vậy? Cháu biết, cháu đoán ra: Ban ngày thì mờ mịt, ban đêm lại tỉnh táo nghe rõ tiếng loảng xoảng của những thanh sắt chắn lò. Chuỗi mắt xích đang dần biến mất...
Chú thích:
(1-) Theo Cựu ước, Vua Salomon có chiếc sừng màu nhiệm từ đó chảy ra nhiều của cải.