Có bao giờ bạn thử nhặt sỏi để tính xem mình đã phạm bao nhiêu lỗi lầm chưa? Còn tôi cho đến bây giờ, tôi cũng không biết phải nhặt nhiều thế nào mới đủ nữa vì những lỗi lầm của tôi rất nhiều và tôi không còn nhớ rõ. Dù sao thì trong tôi vẫn còn khắc ghi một hòn sỏi rất lớn hay nói đúng hơn là một lỗi lầm đã làm tôi vô cùng hối hận mà tôi sẽ thuật lại cho các bạn nghe.

Tôi vốn sinh ra trong một gia đình nghèo. Tuy không phải thiếu ăn, phải chạy vạy từng bữa, nhưng cũng không phải có của ăn của để, có nhà cửa sang trọng, đồ dùng tiện nghi gì. Ba tôi vẫn là một người công an mẫu mực. Tuy làm việc đã hơn hai mươi năm rồi mà ba tôi cũng chỉ là một cán bộ nghèo với đồng lương ít ỏi. Ngày ngày ba phải đạp xe cọc cạch đến sở làm. Còn mẹ tôi là một người nông dân một nắng hai sương, phải lao động vất vả trên thửa ruộng do ông bà tôi để lại. Dầu vậy, ba mẹ tôi vẫn lo toan cho ba anh em tôi đến lớp một cách đầy đủ như bao bạn bè cùng trang lứa.

Trong lớp, tuy là một học sinh giỏi nhưng chưa bao giờ tôi được nhận học bổng dành cho học sinh nghèo học giỏi vì tôi không dám nhận là nghèo và luôn tỏ ra là con nhà khá giả. Tôi sống giả tạo như thế cho đến một ngày kia... một sự kiện đã đến với tôi.

Đó là một ngày thứ bảy, cô giáo chủ nhiệm bị bệnh nên chúng tôi được nghỉ hai tiết cuối. Cả lớp rủ nhau đến nhà tôi chơi. Tôi sợ các bạn biết được gia cảnh thật của mình nên khéo léo từ chối rồi đạp xe nhanh về nhà. Nào ngờ khi về đến nhà thì... các bạn tôi đã lần lượt tới. Tôi không nói chắc các bạn cũng hiểu được những gì diễn ra trong cuộc "viếng thăm" đó.

Sau khi các bạn về rồi lòng tôi như có ngọn lửa bên trong và cảm thấy buồn vô kể. Ước gì căn nhà lá của tôi bỗng chốc trở thành nhà lầu như nhà của bạn Thùy Dung, người bạn ngồi cạnh tôi nhỉ? Trời ơi! Các bạn ấy sẽ nghĩ gì về tôi. Rồi đây các bạn ấy sẽ khinh thường tôi. Những câu hỏi tại sao liên tục trong đầu tôi. Tại sao ba không là một giám đốc như ba của Dung? Sao mẹ không là một kĩ sư hay bác sĩ? Tại sao tôi lại sinh ra trong gia đình này? Tại sao và tại sao? Trong phút chốc tôi cảm thấy dường như chính ba mẹ là người làm cho tôi phải khổ.

Trời cũng về chiều, mẹ tôi từ cánh đồng trở về nhà, nhìn thấy tôi hai mắt đỏ hoe, mẹ lo lắng hỏi:

- Con bị sao vậy?

- Con bị khinh thường vì nghèo, cũng tại ba mẹ. Con ghét ba mẹ lắm!

Tôi bực dọc trả lời rồi lên giường nằm. Đến bữa cơm tôi cũng không chịu ăn. Thật tội nghiệp cho mẹ tôi lúc đó. Sau một ngày lao động vất vả, dãi nắng dầm mưa, về đến nhà lại phải đối diện với thái độ của tôi. Tôi thấy hai mắt mẹ đỏ hoe, nhưng mẹ không nói gì.

Sáng thứ hai, tôi bước vào lớp mà tâm trạng thấp thỏm lo sợ. Vừa đến lớp, không khí và cảnh tượng khác hẳn với tôi nghĩ. Các bạn tụ tập thành từng nhóm bàn tán to nhỏ gì đó. Còn Thùy Dung thì đang úp mặt khóc nức nở. Hỏi ra thì mới biết ba Dung đã bị bắt giam vì tội lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản Nhà nước, và mẹ Dung cũng đã bỏ Dung mà ra đi. Tôi bỗng rùng mình, khi nghĩ đến trước đây, lắm lúc, tôi cũng từng ao ước ba mẹ Dung là ba mẹ tôi. Nếu như tôi ở vào hoàn cảnh của Dung, tôi cũng sẽ xấu hổ và đau đớn lắm. Tôi cảm thấy thương cảm cho Dung vô cùng. Không! Ba ơi! Mẹ Ơi! Ba mẹ hãy cứ là một cán bộ công chính liêm minh, một người nông dân tay lấm chân bùn. Con không oán ba mẹ nữa mà trái lại con rất tự hào về ba mẹ của con.

Trống tan trường vừa dứt, tôi vội lấy xe đạp thật nhanh về nhà vì tôi muốn xin lỗi mẹ, muốn nói hết tâm sự của mình cho mẹ hiểu. Tôi chạy một mình ra cánh đồng trong lúc trời đổ cơn mưa. Trước mắt tôi, mẹ đang khom người cấy mạ, tấm lưng nhỏ bé của mẹ như hứng hết những giọt mưa rơi xuống, bất giác, tôi cảm thấy trên môi có vị chan chát. Không biết đó có phải là nước mắt của tôi rơi hay là nước mưa, chỉ biết khóe mắt tôi cay xè. Mẹ Ơi! Hãy tha lỗi cho con, tha lỗi cho một đứa con gái dại khờ chưa hiểu được tấm lòng bao la của ba mẹ. Bài học về công cha nghĩa mẹ con đã bập bẹ từ lớp một thế mà giờ đây con vẫn chưa hiểu thấu. Hãy tha lỗi cho con!

Võ Thị Mỹ Trân (9A1 - THCS Hùng Vương,Thị xã Sa Đéc - Đồng Tháp)