Tập 1

Chiếc Iunova đời mới của đoàn hàng mỹ nghệ xuất khẩu Thành phố đang chầm chậm chuyển bánh. Những con đường đầy nước và “ổ gà” do cơn mưa đầu mùa để lại như tô thêm vẻ đẹp thôn quê.

Ngồi trên xe gác chéo chân, anh chàng cứ huýt sáo vang tha hồ ngắm cảnh hai bên đường.

Soạt! - Chiếc xe băng qua một vũng nước. Đưa mắt nhìn ra cửa kính, anh thấy một cô gái với bộ áo bà ba toàn trắng đang đứng nhăn nhó.

Bước ngay xuống xe, anh lại gần hỏi cô:

– Cô có sao không?

Cô gái cau mày:

– Còn sao với trăng gì nữa? Bộ anh không nhìn thấy gì hả?

– Tôi xin lỗi ... tại ...

Cô gái cúi xuống nhìn bộ bà ba toàn trắng đã được điểm thêm vài hoa văn khác thường.

– Không có xin lỗi ... xin phải gì cả. Tôi không cần.

– Là cô nói đó nha?

Nói xong, anh chàng định quay mặt bước đi nhưng cô gái nói theo.

– Anh làm tôi thế này mà còn bỏ đi là sao?

– Tôi có làm cô thế nào đâu? Chỉ tại ...

– Anh còn định đổ lỗi cho ai? Không lẽ tại tôi ...

Anh chàng mỉm cười:

– Nhưng thật sự là tôi không cố ý làm cô như thế.

– Anh không cố ý nhưng là cố tình đúng không?

Đưa mắt nhìn đăm đăm cô từ trên xuống dưới rồi từ dưới lên trên, anh chàng che miệng cười:

– Nếu tôi cố tình thì có lẽ cô sẽ trở thành “con tắc kè bông” đẹp đẽ rồi chứ không phải ...

– Anh nói gì? Ai là “tắc kè bông” chứ?

– Không thích “tắc kè bông” thì tôi sẽ đổi thành “tắc kè hoa” chịu chưa?

Cô gái nhăn mặt:

– Tôi không thích bông hoa hay màu mè gì cả. Anh khỏi phải nói này nói kia ...

Anh chàng khoanh tay đứng nhìn:

– Nhưng chuyện đã như thế rồi, cô nói tôi phải làm sao đây?

– Lịch gì cũng biết mà không biết lịch sự chút nào? Vậy mà cũng bày đặt đi xe hơi, ăn mặc model.

Nghe cách nói dí dỏm của cô gái, anh nheo nheo mắt nhìn cô:

– Anh vậy đó ... ăn mặc model nhưng cũng đâu có bằng ai kia.

– Anh định nói tôi đó hả? Bộ hồi đó giờ chưa thấy “người đẹp” hả?

– Người đẹp. Cô nghĩ sao mà tự tin quá vậy?

Cô gái vênh mặt:

– Anh không có mắt thẩm mỹ hay sao vậy?

Anh chàng lè nhè giọng:

– Tôi thấy cô “đẹp lạ” thì đúng hơn. Ai đời mà đi khen tắc kè bông chứ?

Cô gái hậm hực:

– Không nói chuyện đó nữa. Anh phải chịu trách nhiệm về chuyện đã làm bẩn áo tôi.

– Thì ra là vậy? Sao nãy giờ không chịu nói sớm làm tôi phải nói nhiều lời như thế.

Thấy anh lấy ra một cái bóp, cô tức không thể tả, nhưng cố gượng gạo:

– Xem ra, anh cũng có chút lịch sự đấy nhỉ.

Cầm tờ giấy bạc polime trên tay, anh chàng nhướng mày:

– Bao nhiêu đây là được rồi chứ gì?

– Tôi nghĩ bao nhiêu đó chỉ đủ mua một chai Dr Thanh cho anh thôi.

Lấy thêm vài tờ, anh lớn tiếng:

– Tôi nghĩ chiếc áo cô đang mặc trên người không quá bao nhiêu đâu? Cô muốn bao nhiêu cứ nói!

Cô nắm chặt hai bàn tay lại, giọng run run:

– Nhiêu đó đủ rồi.

– Xem ra, cô cũng giống như những cô gái quê khác, không hơn không kém.

Cô nghe tim đập thình thịch, máu trong người dồn dập chảy về tim.

– Tôi nói đủ là đủ để mua thuốc cho anh đó. Anh nói nhiều quá không chừng bị .... đau bụng à.

– Cô ... cô thật ra cô muốn gì, cô nói đi!

Cô gái giọng thản nhiên nói:

– Anh làm bẩn áo tôi thì bây giờ tôi làm lại như thế với anh. Đơn giản thế thôi.

– Cô hay lắm!

Anh chàng định nhanh chân trốn chạy, không ngờ một vũng nước ngay sau lưng:

– Ầm ... Bịch ...

Cô gái cười hí hửng:

– Hì ... Thấy chưa ... “gậy ông đập lưng ông” mà.

Anh chàng quê đến đỏ cả mặt:

– Cô đừng có vội cười tôi. “Cười người hôm trước, hôm sau người cười”.

– Thì cứ đợi đến hôm sau đi há.

Nói rồi, cô gái tiện tay nắm lấy một tảng đá ven đường ném ngay vào vũng nước chỗ anh đang đứng cho nước văng tung tóe lên bộ đồ anh đang mặc.

– Cô làm gì vậy?

– Thì trả lại anh đó. Lúc nãy là tự anh té mà.

– Cô đúng là ...

Cô gái ngắt lời anh:

– Anh không được nói con gái quê thế này thế kia, chứ nếu không thì ...

Cô nhướng mắt nhìn về phía anh, anh tròn xoe đôi mắt đáp lại:

– Cô dám làm gì tôi nào? Đúng là con gái quê mà.

– Thì anh hãy đợi mà xem con gái quê thế nào? Đồ ... công tử bột.

Anh chàng nhìn lại mình mà nhăn nhó thật khó coi:

– Tôi thế này vừa lòng cô rồi chứ.

Cô gái cười tít:

– Thì anh cũng là một con tắc kè bông, hoa đâu có thua gì tôi.

Anh chàng nhìn bóng cô xa dần ... xa dần ... mà vẫn còn đứng trơ người. Giờ thì anh mới hiểu hết cảm giác của cô gái kia khi bị bất ngờ là như thế nào? Tức không thể tả.

Tại đêm khai mạc lễ hội dừa Bến Tre, đoàn hàng mỹ nghệ xuất khẩu Thành phố Hồ Chí Minh cũng náo nức tham gia.

Tấn Trường, một anh chàng bảnh bao, cao to hiện đang làm giám đốc một công ty xuất khẩu hàng mỹ nghệ. Anh được ban tổ chức mời làm MC cho buổi biểu diễn hôm nay.

Anh chắc giọng vang lên:

– Tiết mục tiếp theo của chương trình đó là một bài hát nói về sứ xở Bến Tre.

Tiết mục “Dáng đứng bến tre” do cô Tiểu Bí trình bày.

Tiểu Bi ngồi bên trong mà thơ thẩn hẳn ra. Cô lẩm bẩm:

– Ở đâu ra anh chàng MC mắt nhắm mắt mở vậy ta?

Mọi người vỗ tay rầm rộ chào đón nhưng vẫn chưa thấy ai biểu diễn. Chợt có giọng nói vang lên:

– Xin mời cô “Tiểu Bí”.

Anh biên đạo tiết mục lại gần nhắc:

– Đến tiết mục của em rồi kìa, Tiểu Bi ...

– Người ta tên Tiểu Bi mà giới thiệu Tiểu Bí ... không biết đọc hay sao đó?

Tiểu Bi ấm ức không thể tả nhưng vẫn gượng gạo bước lên sân khấu biểu diễn.

Thế rồi, tiết mục cũng thành công tốt đẹp. Mọi người đều hết lời khen ngợi một giọng hát triển vọng như cô.

– Cô ơị .... cho tôi hỏi.

Tiểu Bi quay người lại, cô ngạc nhiên:

– Là ... anh. Sao giống quá vậy? Không lẽ mình bị hoa mắt sao ta?

– Tôi bảo đảm là cô không bị hoa mắt đâu. Tắc kè bông đâu có hoa ở mắt.

Tiểu Bi chu môi nói:

– Thi ra là anh. Đúng là “oan gia ngõ hẹp”.

– Tôi cũng đâu có muốn gặp lại cô đâu. Mất công ...

Cô nhìn anh đăm đăm làm anh khó chịu:

– Làm gì mà nhìn ghê vậy? Bộ định “ăn thịt” người ta hay gì?

– Nếu ăn được thì tôi đã ăn rồi, không đợi anh phải nói.

– Vậy chứ sao cô nhìn tôi làm gì?

Tiểu Bi châm chọc:

– Tôi nhìn xem mắt anh có bị làm sao không?

– Làm sao là làm sao? Vẫn bình thường mà.

Cô dẫu môi nói:

– Bình thường? Nếu vậy chắc tại anh không biết đọc chữ đúng không?

Tấn Trường thở hắt ra:

– Tôi xin nhấn mạnh với cô là tôi rất bình thường. Cô lại muốn kiếm chuyện gì nữa đây?

Tiểu Bi chống tay lên hông:

– Vậy sao anh lại giới thiệu nhầm tên trước mọi người chứ?

– Làm sao tôi biết? Tôi chỉ đọc theo kịch bản thôi mà.

– Hay là anh định chọc cho tôi quê trước mặt mọi người, phải không?

Tấn Trường gãi đầu:

– Cô đừng có vô lý như thế. Tôi có biết cô tên gì đâu mà chọc cô. À, mà Tiểu Bi ... Tiểu Bí gì đó chứ gì?

Tiểu Bi nghiến mạnh hai hàm răng lại:

– Đã nói là không phải Tiểu Bí mà.

– Ờ, thì Tiểu Bi. Có vậy mà cũng làm khó tôi nữa sao?

Tiểu Bi nhanh miệng hỏi:

– Vậy chứ anh tên gì?

– Cô hỏi làm gì?

– Thì anh cứ trả lời tôi đi. Hay là không biết tên của mình?

Anh nhẹ giọng nói:

– Tấn ... Trường.

Tiểu Bi cười khì lên:

– Tấn Tường ... Hì hì ...

– Không phải Tấn Tường mà là Tấn Trường. OK?

Cô mím môi lại nói:

– Ai kêu lúc nãy anh nói nhầm tên tôi làm chi.

– Cô định ăn miếng trả miếng hay sao vậy? Tôi đã nói là không cố ý mà.

Tiểu Bi ngang bướng:

– Thì tôi cũng đâu có ý đâu. Tại tôi bị “nói ... ngọng” mà.

– Chịu thua cô luôn đó.

Tiểu Bi lí nhí nói:

– Vậy mà cũng bày đặt làm MC. Cũng may là không có chuyện gì, chứ nếu không, chắc tôi phải bỏ xứ mà đi quá.

Tấn Trường lấp lửng:

– Tôi thấy tên Tiểu Bí cũng khá hay mà ... sao cô không chịu?

– Vậy tôi gọi anh là ... Tấn Tường ... Tấn Tượng được không?

– Tất nhiên là không.

Cô chép miệng:

– Thấy chưa! Thì tôi cũng vậy đó. Mà này, nếu muốn làm MC thì làm ơn nhìn cho rõ rồi nói nha.

Tấn Trường ngạc nhiên khi gặp một cô gái quê chính hiệu trong chuyến đi này. Anh mỉm cười vu vơ một mình.

Từ sáng sớm, Tiểu Bi đã loay hoay chuẩn bị mọi thứ chu đáo cho hôm nay.

Tại lễ hội năm nay, Tiểu Bi đã đăng ký ngay một gian hàng ẩm thực để trổ tài.

Nghe tiếng bước chân chạy thình thịch, Tiểu Bi không cần nhìn, cô đoán ngay:

– Sao giờ này mi mới sang phụ ta vậy Út Nhỏ?

Út Nhỏ thở hổn hển:

– Thì ta đã cố gắng tranh thủ dữ lắm rồi đó. Bộ mi không thấy ta còn nôn hơn mi sao?

Tiểu Bi cười cười:

– Mi mà tranh thủ mới lạ à. Làm như ta không biết mi “ăn no, ngủ kỹ”, nhất nhà sao?

– Nhỏ này! Thì bây giờ ta sang đây rồi nè.

– Vậy mi ngồi chơi xơi nước đi, chứ ta đã làm xong rồi.

Út Nhỏ vênh mặt nói:

– Vậy thì ta không khách sáo nha.

Nói rồi, Út Nhỏ bước lại chiếc ghế bàn ngồi, cô nhịp chân mỉm cười. Tiểu Bi nhìn cô:

– Bộ mi định ngồi đó làm “bà ngoại” hả Út Nhỏ?

Út Nhỏ nhìn cô cười:

– Ai kêu mi nói không cần ta giúp làm chi? Mau năn nỉ đi.

– Thôi mà, năn nỉ mà. Không lẽ mi đành lòng ngồi chơi xơi nước mà để ta vất vả thế này sao?

– Ta cũng nôn nóng suốt đêm chứ bộ. Nếu không thì ta đâu có qua sớm làm gì?

Tiểu Bi nhướng mày:

– Nôn nóng hay là mơ mộng đến hoàng tử nào vậy, công chúa Út Nhỏ?

Út Nhỏ nhanh chân lại gần cô:

– Người ta nôn nóng thật chứ bộ. Không tin hả? Nè, nhìn đi!

– Nhìn gì?

Út Nhỏ chỉ tay vào đôi mắt mơ mọng, cô nhăn mày:

– Thấy chưa? Nhìn ta y như con gấu trúc Bắc cực luôn rồi nè.

– Hì! Giống thiệt đó Út Nhỏ. Hay là chút nữa mi xin vô đoàn xiếc làm đi Út Nhỏ.

Cô véo vào tay Tiểu Bi một cái thật ra trò:

– Xiếc này! Còn không mau làm cho gấu trúc ta một ổ bánh thật to đi.

– Vậy gấu trúc Út Nhỏ muốn ăn gì? Tiểu Bi này xin được “phục tùng”.

Út Nhỏ nói ngay:

– Mi làm mà không ngon. Ta biết mi là đầu bếp số một của khách sạn ngàn sao mà.

– Thôi đi! Cho ta xuống đi ... ở trên mây hoài ngại lắm.

Út Nhỏ chợt nhớ ra, cô hỏi:

– À, sao hôm biểu diễn, mi làm gì mà như người mất hồn vậy?

Tiểu Bi ấm ức:

– Vậy mới nói ... chỉ tại cái anh chàng đáng ghét kia mà ta mới ra nông nỗi như thế đó.

– Anh chàng nào vậy ta? Anh ta có ga-lăng không?

– Nhỏ này! Làm như ai cũng biết ga-lăng như thần tượng của mi vậy?

Út Nhỏ thắc mắc:

– Mà anh ta đã làm gì mi? Đừng nói là đang “trồng cây si” mi nha!

– Làm gì có! Có cho anh ta thì Tiểu Bi này cũng ...

– Cũng ... lấy đại chứ gì.

Tiểu Bi thè lưỡi:

– Có mới nói đó nha.

Chuẩn bị mọi thứ đã sẵn sàng, Tiểu Bi cười toe. Út Nhỏ thì tò mò:

– Kể ta nghe đi mà. Chút nữa ta đi ra hàng ẩm thực với mi.

Tiểu Bi chậm rãi tường thuật lại cuộc “chạm trán” đầy lý thú với Tấn Trường. Tiểu Bi vẫn còn cảm thấy ấm ức trong lòng, cô lí nhí nói:

– Đúng là đáng ghét mà ... dám chê con gái quê này kia hả?

Út Nhỏ thì mỉm cười thích thú:

– Ước gì được gặp mặt anh ta há.

– Chi vậy?

– Thì ta giúp mi cho anh ta một bài học và nhớ đời chứ gì?

Tiểu Bi gật gù:

– Phải vậy chứ? Nhưng mà không gặp vẫn tốt hơn.

– Sao vậy? Bộ mi sợ anh ta à?

– Làm gì có! Tại ta không muốn gặp lại gương mặt đáng ghét kia thôi.

Từ trong nhà, bà ngoại Tiểu Bi bước ra khẽ nói:

– Hai đứa còn ở đây xì xầm gì đó? Sao không mau ra “Làng Ẩm thực” đi con.

Tiểu Bi nhanh miệng:

– Dạ, con đi liền bây giờ đây, bà ngoại.

Bà ngoại Ba nhìn theo bóng cháu khuất dần mà mỉm cười hiền hậu. Một nụ cười hy vọng vào ngày mai.

Hôm đó, tại “Làng Ẩm thực”, một trong những chương trình hấp dẫn, mọi người đua nhau trổ tài và thưởng thức đặc sản xứ dừa Bến Tre.

Trong tất cả các gian hàng, nổi bật hơn hẳn là gian hàng của hai cô gái trong bộ bà ba trắng khăn rằn.

– Tiểu Bi! Mi đúng là đầu bếp số một nha.

Mọi người không thể chối từ tài nghệ ấy. Ai nấy đều tỏ ra vui vẻ, khen ngợi cô. Cô lên tiếng:

– Cám ơn mọi người đã ủng hộ. Chúc mọi người ngon miệng.

Út Nhỏ cũng thơm lây:

– Nhỏ này coi vậy mà cũng tài quá há. Ta cũng có phụ mi nữa đó nha.

– Thưa công chúa, Tiểu Bi này sẽ không quên ơn công chúa đâu mà.

– Phải vậy mới được chứ. Hì hì ...

Tiểu Bi thì nhanh tay đáp ứng yêu cầu của khách, còn Út Nhỏ thì tranh thủ giới thiệu sản phẩm.

– Út Nhỏ! Vừa vừa thôi, đừng có “bắn” mạnh như thế. Nổ chết người à.

Út Nhỏ cười khì:

– Lâu lâu mới có cơ hội để “nổ” mà. Vả lại, ta “nổ” giùm ngươi chứ có phải ta đâu mà sợ.

– Nhỏ này! Ta đâu phải pháo đâu mà nổ ghê vậy.

– Thì có mới nổ chứ, nếu không thì nổ làm gì?

Quay mặt sang nhìn Tiểu Bi, Út Nhỏ chợt ngạc nhiên khi thấy cô cứ đứng trơ người ra nhìn ai đó đăm đăm:

– Không phải chứ! Mình có nhìn nhầm không ta?

Út Nhỏ ngạc nhiên hỏi:

– Mi nhìn ai mà chăm chú vậy lại còn lầm bầm ... lẩm bẩm gì đó.

– Tiêu rồi, Út Nhỏ ơi!

– Chuyện gì? Sao lại có tiêu, tỏi, ớt gì đây?

Tiểu Bi che miệng nói khẽ:

– Tới rồi! Hắn kìa!

– Ai? Làm gì mà che mặt lại, bộ sợ người ta đến xin chữ ký hả?

Tiểu Bi nháy mắt:

– Anh chàng đó đó.

– Thì sao? Đừng nói là mi mắc nợ hắn nên định trốn nợ đó nha!

Cô lắp bắp:

– Mi thật là ... Anh chàng oan gia hôm trước đó, thưa tiểu thư.

Út Nhỏ giật cả người:

– Là ... ảnh hả? Bình tĩnh ... bình tĩnh ...

Anh chàng Tấn Trường sau một vòng dạo quanh khắp “Làng Ẩm thực”, anh vô tình dừng chân tại một gian hàng ẩm thực khá đông khác.

– Xin lỗi ... tôi muốn hỏi bánh này là do ai làm? Tôi ...

Tiểu Bi đang đứng xoay mặt vào trong, cô hít một hơi dài rồi quay ra cười:

– Chào!

– Là ... cô. Đừng nói tất cả món này là do cô làm nha!

– Nếu là tôi thì làm sao?

Tấn Trường ngồi ngay vào bàn:

– Thì tất nhiên là tôi phải thử xem tài nghệ của cô rồi.

Tiểu Bi định không đồng ý cho anh ta nếm thử dù chỉ một lần. Nhưng Út Nhỏ lên tiếng:

– Xin hỏi anh muốn dùng món gì?

– Vậy cô có thể giới thiệu cho tôi biết những món này là gì không?

Út Nhỏ cũng ậm ừ cho qua:

– Đây là đặc sản bánh lá dừa của Bến Tre, chuối chưng, rồi bún riêu cua biển thật đặc biệt được lấy từ biển Thừa Đức đó nha.

Tiểu Bi véo nhẹ tay cô:

– Mi làm gì mà nhiệt tình quá há.

– Nhỏ này! Có dịp “trả chiêu” mà lại.

Thấy anh chàng cứ ngó tới ngó lui, Tiểu Bi gằn hỏi:

– Anh đến đây để “ngó” hay để ...

– Nhưng hai cô có làm gì cho tôi đâu? Tôi cũng đang đói lắm đây.

Út Nhỏ khì cười:

– Vậy anh ăn ... bún riêu cua biển đi há. Tiểu Bi, mau làm đi cưng.

Nói rồi, hai cô thì thầm mà cười vui ra mặt.

Một lát sau, Tiểu Bi nhanh tay đem ra một tô bún riêu cua biển thật đặc biệt:

– Mời anh ... tôi đã cố gắng để làm ra tô bún riêu hấp dẫn như thế đó.

Tấn Trường tươi ra mặt:

– Cám ơn nha. Sao tôi lại có duyên với cô thế nhỉ?

Út Nhỏ mỉm cười:

– Anh mau ăn cho nóng đi, ở đó mà nhìn nhỏ Bi làm gì.

Vốn là một cô gái cũng có những “tuyệt chiêu” nấu ăn, Tiểu Bi luôn sáng tạo vào món ăn của mình bất cứ một loại gia vị gì mình thích.

Nhìn tô bún riêu nóng hổi, khói bốc nghi ngút mang theo một hương vị riêng. Tấn Trường chép miệng:

– Ôi, chu choa! Thơm quá! Chưa ăn mà đã thèm rồi đó. Tiểu Bi, cô cũng tài quá nhỉ!

Tiểu Bi cười toe:

– Anh cứ khen tôi hoài ... thử đi rồi mới biết chứ.

Không chần chừ, Tấn Trường nhanh tay đưa ngay một muỗng vào miệng.

Anh hét lớn:

– Cay quá!

– Anh sao vậy? Mọi người ăn có sao đâu mà anh bức xúc quá vậy?

Nhìn vẻ thích thú của Tiểu Bi, anh tức tối:

– Cô ... dám ... bỏ ớt vô tô của tôi hả? Sao cô lại làm như thế với tôi? Bắp “tóe lửa” luôn rồi nè.

– Anh có cần uống nước không? Ở đây cũng gần bờ sông đó.

– Cô đừng có chọc tức người vô tội như tôi nha.

Tiểu Bi cười khà khà:

– Anh vô tội à? Làm gì có chuyện “địch” thành “bạn”.

– Ý cô nói tôi là “địch” đó hả?

– Còn phải hỏi! Không lẽ anh là bạn của tôi?

Tấn Trường không quen ăn cay, anh che miệng hít hà:

– Sao cô thù dai dễ sợ. Đúng là ...

– Anh định nói đúng là con gái quê chứ gì? Anh nhìn lại mình xem, lúc này anh giống khỉ mắc phong lắm đó.

Anh tức đỏ cả mặt nhưng chẳng biết làm gì hơn đành “nuốt cay chịu thua”.

– Cô ... hãy đợi đấy.

Tiểu Bi nhìn anh lắp bắp che miệng mà thích thú vô cùng. Thật là đáng đời anh chàng “công tử bột”.

Ở nhà, bà ngoại Ba cứ nôn nóng không yên. Bà cứ đi ra đi vào ngõ để đón Tiểu Bi về. Hai bà cháu sống quấn quýt bên nhau nên bà ngoại đã dành cho Tiểu Bi tất cả những điều tốt đẹp nhất.

– Ủa! Ngoại, sao ngoại lại ra đây làm gì?

Cứ ngở Tiểu Bi, bà bước ra xem. Thấy Minh Dân, bà kéo tay anh nói:

– Bà ra đón Tiểu Bi.

– Tiểu Bi chưa về nữa sao bà?

– Ừ. Con không có ra ngoài đó xem sao Dân?

Minh Dân gật gù:

– Dạ, con định sang đây với ngoại xem sao?

– Ngoại có làm sao đâu. Thì đi tới đi lui vòng vòng đó thôi chứ có làm gì đâu.

Anh dìu bà vào nhà. Nhìn dáng bà lom khom mà lòng anh xôn xao:

– Thấy ngoại ở một mình nên con sang thăm. Mà ngoại ở nhà phải cẩn thận nha ngoại.

Bà hiền hậu:

– Ngoại biết rồi, Cũng may nhờ có con thường xuyên sang thăm ngoại, chứ nếu không chắc ngoại cũng chỉ quanh quẩn một mình.

Tiểu Bi cũng đành lòng không đậu khi để ngoại ở nhà một mình, nhưng không như thế thì biết làm sao?

– Tiểu Bi không có ở nhà thì con sẽ thay Tiểu Bi chăm sóc cho ngoại mà.

– Như vậy thì vất vả cho con lắm.

– Ngoại đừng nói vậy. Ngoại là ngoại của Tiểu Bi thì cũng là ngoại của con mà.

Bà vỗ tay lên người anh, cười:

– Định làm cháu ngoại của bà, phải không?

Minh Dân gãi gãi đầu:

– Dạ, con ... con ...

– Ngoại luôn xem con như cháu ngoại của bà rồi nhưng không biết cái duyên đó dài, ngắn ra sao?

Minh Dân vốn là anh chàng thật thà mang đậm nét đặc trưng của người dân quê. Anh quyết định không lên thành phố học đại học, mà ở lại quê vừa học vừa chăm sóc cho bà ngoại Ba.

– Con luôn là con cháu của ngoại trừ khi ngoại không muốn nhận con thôi.

– Cái thằng này!

Minh Dân gạn hỏi:

– Hay là con sang đây ở với ngoại luôn nha.

– Nhưng con còn phải lo học hành. Vả lại, còn nhà cửa ở bên đó thì ai lo hả con?

Dân lo lắng:

– Dạo này hay có gió mạnh, ngoại nhớ đóng cửa cẩn thận nha.

– Ngoại biết mà.

Thấy cánh cửa sổ hơi lỏng ra, Minh Dân nhanh tay sửa lại cửa. Anh luôn lo lắng, chăm sóc cho bà những lúc ốm đau, trở gió.

– Anh Dân!

Tiếng Út Nhỏ hét lớn làm anh suýt hốt hoảng:

– Ủa! Tiểu Bi về rồi à?

– Dạ. Anh Dân đang làm gì vậy?

Bà ngoại chậm rãi:

– Nó đang sửa lại cái cửa cho ngoại.

– Anh Dân có cần em giúp không?

Anh khẽ nói:

– Không có gì đâu. Chuyện nhỏ thôi mà.

Không thấy Út Nhỏ nói gì, Tiểu Bi hỏi:

– Sao nín thinh vậy công chúa?

– Nghỉ chơi anh Dân luôn, Em hỏi anh mà anh không trả lời, anh chỉ hỏi nhỏ Bi thôi à.

Minh Dân ấp úng:

– Tại ... anh chưa kịp hỏi thôi mà.

– Vậy sao! Vậy mà em cứ tưởng anh quên em rồi chứ.

Tiểu Bi nói giúp anh.

– Út Nhỏ là “số một” rồi mà, sao có thể quên được, đúng không anh Dân?

– Ờ thì ... ờ ...

– Út Nhỏ chọc anh Dân đến nỗi lắp bắp luôn rồi kìa.

Bà ngoại nói thêm:

– Thôi, hai đứa đừng “ăn hiếp” cháu ngoại của bà mà.

Tiểu Bi ngạc nhiên:

– Ngoại! Sao ngoại lại nói vậy? Anh Dân có chịu làm cháu ngoại của ngoại không đó.

– Sao lại không chịu? Thằng Dân nó nói với ngoại rồi mà.

– Nhưng con không chịu đâu.

Minh Dân khì cười:

– Anh không có giành ngoại của em đâu mà.

Tiểu Bi nịnh ngoại:

– Con không biết đâu đó. Ngoại là ngoại của một mình con thôi à.

– Nhỏ này! Nhõng nhẽo với ngoại sao?

– Tại hôm nay con đang vui mà. Ngoại biết không, mọi người ai cũng khen con làm món ăn ngon hết đó.

Bà ngoại Ba cười tủm tỉm, vui không thể tả.

Buổi tối, nhìn ngọn đèn leo lét trước gió mà lòng Tiểu Bi ray rứt không nguôi. Nhìn những con đom đóm bay lập lòe, Tiểu Bi sung sướng khi được về quê. Đúng là về quê thật tuyệt.

– Tiểu Bi về quê rồi chừng nào trở lên thành phố?

Cô nhẹ giọng:

– Vài hôm nữa em mới đi.

– Vậy à! Sao không ở với ngoại một, hai tuần rồi đi.

– Em sắp thi nên ... phải đi sớm.

Minh Dân khẽ giọng:

– Chắc Bi nhớ ngoại lắm, đúng không?

– Nhớ thì nhớ mà cũng biết làm sao hơn hả anh?

– Bi đừng lo, anh Dân sẽ chăm sóc ngoại thay Bi mà.

Tiểu Bi nghe chạnh lòng, cô lí nhí:

– Nếu không có anh Dân chắc em cũng không biết làm sao nữa.

Minh Dân từ từ nói:

– Thì giúp qua giúp lại có sao đâu.

– Nhưng Bi đâu có giúp anh Dân được gì đâu.

– Có chứ. Tại Bi chưa giúp đó thôi.

Tiểu Bi ngồi lắc lư trên chiếc võng được mắc giữa hai cây ổi ngoài sân.

Hương thơm thoang thoảng của ổi chín làm Tiểu Bi phải hít hà thật sâu.

– Hay để Bi giúp anh ăn sạch sành sanh mấy trái ổi kia nha.

Minh Dân ngồi gần đó lên tiếng:

– Vậy à! Vậy để anh giúp Bi hái chúng há.

– Em cũng hái được mà.

– Nhưng con gái không được leo trèo. Vả lại Bi là dân “xì phố” rồi mà còn leo trèo làm gì.

Tiểu Bi chu môi nói:

– Anh Dân chọc em không hà. Em có phải dân “xì phố, “xì teen gì đâu.

– Nói vậy mới “oai” chứ.

Cô nhìn những chú đom đóm, cười:

– Nhưng dù sao thì em cũng là con gái quê lên “xì phố” mà.

Bi thích ở thành phố hay ở quê?

– Tất nhiên là ở quê rồi. Tại vì ở dưới quê có đom đóm nè, có ngại nè. Với lại, có anh Dân rồi Út Nhỏ nữa nè.

Minh Dân bật cười:

– Vậy à! Vậy để anh bắt đom đóm cho Bi nha.

– Anh Dân có làm được không đó? Em không có ép à nha.

– Chuyện nhỏ mà ...

Nói rồi, Minh Dân tiện tay bắt ngay vài chú đom đóm nhỏ:

– Anh Dân hay thật nha!

Tiểu Bi thích thú cười suốt, anh cũng vui lây:

– Anh ở quê mà, chuyện cỏn con như thế này anh “dư sức qua cầu”.

– Nãy giờ anh Dân toàn là giúp em không hà. Hay để em giúp lại anh nha.

Anh lại gần hỏi:

– Em định giúp anh chuyện gì?

Tiểu Bi nheo nheo mắt:

– Em sẽ kể chuyện cười cho anh Dân nghe nha?

– Vậy thì giúp anh được gì đâu?

– Thì em giúp anh cười ... cười ... cười ... đó mà.

Minh Dân chọc cô:

– Như vậy thì mất công anh cười lắm. Hay là em chuyển sang đuổi muỗi cho anh có lẽ tốt hơn đó.

Tiểu Bi cười toe:

– Em cũng ngồi đây mà có thấy con muỗi nào đâu. Tại anh có duyên với nó đó.

Minh Dân gằn giọng:

– Chắc tại muỗi nó “ghét” anh thì đúng hơn.

– Không ... tại nó thấy anh Dân ú ù u nên giúp anh giảm ú ù u ... đó mà.

– Em thật là ... dễ làm cho người ta mất công cười quá đi.

Tiểu Bi rất thích nói chuyện với anh Dân. Hai người “đụng độ” là tiếng cười sẽ tràn ngập khắp nơi.

Buổi sáng, Tâm Giao vừa mới thức dậy. Cô đi ngang qua phòng anh Hai thì nghe có tiếng động bên trong. Chợt nhớ ra anh Hai Tấn Trường không có ở nhà, cô hốt hoảng la toáng lên:

– Cha, mẹ ơi! Có trộm ...

Cả nhà vội vã chạy ra xem. Ông Tấn Minh hỏi ngay:

– Trộm đâu con?

Tâm Giao lắp bắp nói:

– Con nghe có tiếng động trong phòng của anh Hai đó ba.

Bà Giao Mai thì thập thò ngoài cửa:

– Không lẽ giờ này mà có trộm sao?

– Mẹ này! Ăn trộm thì lúc nào mà chẳng được hả mẹ?

– Nhưng nhà mình có gì đâu mà ăn trộm hả con?

Tâm Giao phì cười:

– Mẹ nói vậy chứ tên trộm kia đâu có biết gì? Hắn muốn lấy gì mà không được?

Ông Tấn Minh xua tay:

– Thôi, hai mẹ con đừng ở đó mà “bứt dây động rừng”.

Nói rồi, ông nhè nhẹ vặn núm cửa bước vào. Vừa bước vào, mọi người đều hét lớn:

– A ... trộm!

Tâm Giao sợ hãi ôm chầm lấy ba, cô run giọng:

– Ba ơi! Bắt nó đi, ba.

Ông cười:

– Bắt ai hả con?

– Dạ, nó ... đó ba.

– Tấn Trường vừa tắm xong. Anh đang mệt mỏi nhưng thấy cô em gái như thế, anh lại gần nói:

– Mở mắt ra xem ai đây nè!

– Không ... xin mấy người đừng có ăn trộm nhà tôi. Tôi chẳng có gì đâu?

Ông Tấn Minh bật cười:

– Con gái của ba à. Ổn rồi con ...

Bà Giao Mai vỗ nhẹ vai cô:

– Tên ăn trộm này quen lắm đó con. Con xem thử đi.

Tâm Giao mở to đôi mắt ra xem:

– Là ... anh Hai. Sao anh Hai lại ở đây?

– Nhỏ này! Đây là phòng của anh Hai mà.

– Làm em cứ tưởng nhà mình có trộm không à.

Bà Giao Mai mỉm cười nhẹ:

– Thấy chưa? Mẹ đã nói rồi mà ... giờ này làm gì có trộm mà con sợ.

– Nhưng con có biết anh Hai là ... tên trộm đâu? Con “phòng bệnh” như vậy là tốt lắm chứ bộ.

Ông Tấn Minh véo má cô:

– Chứ không phải con “lo xa” sao?

– Ba này! Lo xa vậy mới “phòng bệnh” được chứ.

Tấn Trường nhìn cô đăm đăm:

– Anh Hai mà dám nói “tên trộm” hả? Suýt chút nữa làm anh bị bắt oan rồi thấy chưa?

– Ai biểu anh Hai về mà không chịu báo trước cho em làm chi?

Ông Tấn Minh hỏi thêm:

– Mà sao con về sớm vậy? Đi dự lễ hội vui không con?

– Dạ, tại con sẵn tiện nên theo xe của đoàn về luôn.

Tâm Giao lè nhè chọc anh:

– Vậy mà em tưởng anh Hai ở dưới đó theo “đội quân tóc dài” luôn rồi chứ.

– Nhỏ này! “Đội quân tóc dài” chắc không có vé cho anh đâu.

Cô cười tít mắt:

– Hì! Vậy thì “đội quân tóc ngắn” có vé cho anh chứ gì.

Ông Tấn Minh gằn tiếng:

– Chuyến đi tốt cả chứ, con trai?

– Dạ, tạm ổn. Nhưng mà mình cũng cần phải học hỏi người ta, đúng không ba?

Bà Giao Mai gạn hỏi anh:

– Con thấy Bến Tre thế nào?

– Dạ, đúng là “số một” đó mẹ. Mà người dân ở đó cũng chất phác, thật thà nữa.

Tâm Giao liền nói nhanh:

– Thế anh Hai không chịu “kiếm” chị Hai Bến Tre đi. Đi có vài ngày mà muốn quên thành phố rồi hả?

– Em đừng nói anh! Thử đi rồi biết!

Cô lẩm bẩm:

– Không biết trong chuyến đi ai đã “cướp” mất hồn của anh Hai thế nhỉ?

– Nhỏ này! Làm gì có ai. Em làm như con gái Bến Tre dễ bị chinh phục bởi trai thành phố lắm vậy?

Bà Giao Mai cười tươi:

– Hai anh em vắng nhau mới ba ngày mà làm như một vòng thế giới vậy đó.

Tâm Giao nũng nịu:

– Mẹ này? Hai anh em người ta “tình thương mến thương” mà.

Cả nhà lại có dịp nói chuyện với nhau. Hai anh em Tấn Trường, và Tâm Giao thì cứ quấn quýt lấy nhau suốt.

Tâm Giao đang ngồi hóng mát trên chiếc ghế bằng gỗ ngoài sân. Cô đang nghe nhạc với chiếc máy MP3 nên chẳng để ý gì đến mọi thứ xung quanh.

Đưa mắt nhìn một vòng, cô chợt nhận ra có ai đó đang định leo qua cổng nhà mình.

– Chị kia? Định làm gì vậy?

Cô gái có vẻ rất sành điệu, ăn mặc model như một ca sĩ nổi tiếng. Cô lên tiếng:

– Thì tôi đang định vào xem cô ra sao thôi?

– Tôi làm gì mà cô phải vất vả như thế. Cực khổ cho cô quá nhỉ.

Theo phép lịch sự, Tâm Giao lại gần mở ngay cánh cửa.

– Cám ơn ...

– Không có gì.

Cô gái nói nhanh:

– A ... thì ra là cô không sao.

– Ý cô là sao?

– Lúc nãy tôi tưởng cô có gì. Cũng may cô vẫn bình thường. Hên quá!

Tâm Giao nổi cáu:

– Có gì là có gì?

Cô gái mỉa mai cô:

– Tại tôi kêu cô mấy lần mà không thấy cô phản ứng gì hết nên chỉ nghi ngờ thôi mà.

– Vậy ra tôi là người phải nghi ngờ cô mới đúng đó.

Cô hỏi ngay:

– Tôi làm gì mà cô nghi ngờ tôi?

– Cô còn hỏi. Tự dưng sao lại vô nhà tôi làm gì mà còn nói tôi thế này thế kia là sao?

Cô gái xưng danh:

– Tôi là Khiết Ngân, bạn gái của anh Tấn Trường.

Tâm Giao hết sức ngạc nhiên:

– Bạn gái ... của ... anh ...

– Cô làm gì mà lắp ba lắp ba vậy? À, mà chắc cô là người làm trong nhà nên chẳng biết tôi là ai, đúng không?

Tâm Giao tức không thể tả, cô cáu gắt nói:

– Người làm? Cô mới đúng là không biết người biết ta gì hết đó?

– Vậy chứ cô là gì trong nhà này? Anh Tấn Trường chỉ có một người em gái, mà nghe đâu cô ấy rất dễ thương, chứ không phải ...

Tâm Giao mạnh miệng:

– Dễ thương hay không thì mặc kệ người ta, cô khỏi phải nói nhiều làm gì.

Khiết Ngân ra vẻ một tiểu thư thùy mị nết na. Cô nhè nhẹ đưa tay lên vuốt tóc:

– Thôi đi! Cô là ai kệ cô, tôi không cần biết.

– Vậy cô đến đây làm gì? Nói nhanh đi, đừng vòng vo nữa.

Khiết Ngân diệu dàng:

– Anh Tấn Trường có ở nhà không?

– Sao lại hỏi tôi chuyện này. Cô là bạn gái mà không biết người yêu mình đang ở đâu à?

Bị Tâm Giao cho mấy đòn hạ “nốc ao”, đối thủ liền chuyển sang chiêu mới:

– Bạn gái chứ đâu phải em gái. Cô làm ơn gọi em gái anh Trường ra đây đi mà.

– Khỏi phải gọi, tôi thừa sức trả lời câu hỏi của cô mà.

– Có mới nói nha!

Tâm Giao mệt mỏi vì cô nàng tiểu thư này:

– Muốn hỏi thì hỏi đi, tôi không thích dài dòng.

Khiết Ngân nhẹ giọng:

– Cô có thể cho tôi gặp anh Trường, được không?

Tâm Giao lắc đầu:

– Không!

– Sao vậy? Tôi có chuyện này muốn nói cho anh biết thật mà. Cô làm ơn đi.

– Ảnh có ở nhà đâu mà gặp.

Khiết Ngân hỏi tới:

– Vậy chứ ảnh đi đâu?

– Làm sao tôi biết. Ảnh muốn đi đâu thì đi.

Khiết Ngân có vẻ chán nẳn, đã mấy ngày nay anh không một tin tức cho cô.

– Vậy cô có biết khi nào anh Trường về không?

– Khi nào ảnh thích thì sẽ về. Tôi đâu phải là chiếc camera để theo dõi ảnh đâu.

Khiết Ngân phụng phịu:

– Sao lạ vậy ta! Sao ảnh lại “mất tích” thế này nhỉ?

Tâm Giao thở dài hỏi:

– Chuyện gì đến thì sẽ đến thôi mà ...

Bước ra về mà lòng còn ở lại, Khiết Ngân thơ thẩn như người đang “trốn nợ”. Cô lủi thủi bước từng bước một trên con đường đầy chông gai và thử thách.

Cầm chiếc điện thoại di động trên tay, Tấn Trường chợt nhớ ra mấy chục tin nhắn và hàng loạt cuộc gọi nha của Khiết Ngân. Vì lo công việc mà mấy ngày nay anh có nhớ gì đến cô đâu?

Anh vội vàng gọi lại cho cô, chưa kịp nói tiếng nào thì Khiết Ngân đã sụt sùi:

– Em đang ở ngoài cổng nhà anh nè. Anh mau đến đây với em đi.

Vội tắt máy, anh nhanh chân chạy ù ra cổng:

– Sao em lại đứng đây?

– Không đứng đây thì biết đứng đâu? Sao anh lại muốn tránh mặt em vậy, anh Trường?

Tấn Trường ôm chặt cô vào lòng:

– Anh xin lỗi. Anh không cố ý làm em buồn đâu mà.

Được anh cưng chiều, cô càng tỏ ra nũng nịu:

– Anh phải đền cho em mới được đó nha.

– Ừ, anh biết rồi. Mà sao em không vô nhà anh, đứng đây làm gì?

Cô nhanh miệng nói:

– Em có vào, nhưng con bé người làm nó cứ nói là anh không có ở nhà.

– Người làm nào? Nhà anh chỉ có bà Bảy giúp việc thôi chứ có con bé nào đâu?

– Anh nói sao? Vậy cô ta là ai?

Tấn Trường suy ngẫm một hồi rồi mỉm cười:

– A ... con bé Tâm Giao đó mà. Chắc nó định đùa cho em vui thôi.

– Vui gì nổi mà vui. Trời nắng chang chang như vậy mà nỡ nào cho em đứng sững ngoài này. Thật là ...

– Thôi, em đừng trách nó làm gì. Anh sẽ đền cho em mà.

Khiết Ngân thích thú:

– Chỉ có anh là hiểu em nhất thôi.

Tấn Trường kéo tay cô.

– Thôi, vào nhà đi em!

– Em không vào đâu! Em sợ lại phải “đụng hàng” với con bé đó lắm.

Anh chần chừ:

– Vậy thôi mình đi cà phê há.

– OK!

Bước vào một quán cà phê gần đó, Khiết Ngân kéo ngay ghế lại gần sát bên anh:

– Sao mấy ngày nay anh không liên lạc với em?

Tấn Trường nói ngay:

– Anh bận công việc.

– Bận gì thì bận nhưng cũng phải nhớ đến người ta một chút chứ.

– Thì anh có nhớ ... chút chút mà.

Cô chu môi:

– Nhớ ... mà vậy đó. Đợi người ta đến tận nơi năn nỉ mới chịu ra.

Tấn Trường khì cười:

– Công việc ngập lên đến tận mây xanh kia kìa, em còn trách anh làm gì.

– Lại công việc ... phải không đó?

– Vậy chứ em muốn anh nói thế nào em mới chịu tin đây?

Khiết Ngân nhìn anh nói vu vơ như muốn chọc anh:

– Hay là nói đi công việc nhưng thật ra là đi với “nhỏ” nào, đúng không?

– Em thật là ... hay là em định ghen với công việc hả?

Khiết Ngân xụ mặt xuống ra vẻ thất thểu:

– Anh còn nói! Nếu anh không như vậy thì em ... đâu có “ghen bóng ghen gió” thế này.

– Anh hiểu mà ... Nhưng em phải tin anh chứ.

Cô lại nói:

– Em tin anh thì ai tin em đây?

– Thì anh tin em là OK rồi chứ gì?

Khiết Ngân tò mò hỏi:

– Anh đi công việc gì? Ở đâu? Anh định đi với ai?

Tấn Trường chậm rãi nói:

– Em làm gì mà, như đang “điều tra tội phạm” vậy?

– Thì anh là “tội phạm” của em mà.

– Anh đi Bến Tre tham dự lễ hội dừa Bến Tre.

Cô gằn giọng hỏi:

– Sao anh không cho em đi cùng?

– Anh đi công việc chứ có phải đi chơi đâu mà em đòi đi theo làm gì?

– Thì em làm “trợ thủ đắc lực” cho mà.

Tấn Trường véo nhẹ vào mũi cô:

– Phải không đó?

– Nhưng mà em không muốn có lần sau như thế đâu anh.

Anh mỉm môi cười:

– Anh biết rồi.

– Em sẽ luôn sát cánh bên cạnh anh, một tấc không đổi, một ly không rời ...

anh chịu không?

Trong đầu anh hiện lên một hình ảnh khá thú vị:

một cô gái “tắc kè bông”.

trong bộ bà ba thật dễ thương nhưng cũng rất dễ ghét.

Anh thầm nghĩ:

– Sẽ không có lần thứ hai đâu em.

Về đến cổng, vừa thọc tay vào tui quần lấy ra chiếc chìa khóa, Tấn Trường vừa hát nhí nhố với vẻ vui mừng ra mặt. Bất chợt, ngẩng đầu lên, anh hốt hoảng:

– Em làm gì thế?

Tâm Giao mở ngay cánh cổng, cô nghiêm giọng:

– Thì ra mở cổng cho anh Hai chứ gì?

– Sao hôm nay lạ vậy ta?

– Có gì đâu mà lạ. Cũng thường thôi mà.

Tấn Trường phì cười:

– Sao biết anh về mà ra mở cổng vậy?

Tâm Giao dẩu môi:

– Người ta đợi anh từ nãy giờ mà.

– Sao lại đợi anh làm gì? Anh đâu có thiếu nợ em đâu mà đợi.

Cô tiến lại chiếc ghế gỗ ngồi phịch xuống, giọng quạu quọ:

– Anh Hai vừa mới đi đâu về vậy?

Anh ngạc nhiên hỏi lại:

– Sao hôm nay lại “điều tra” anh ghê vậy?

Tâm Giao cau có:

– Anh vừa đi với “cái bà đó đó”, đúng không?

– “Bà đó đó” nào? Anh có biết ai là “bà đó đó” đâu?

Cô chậc lưỡi:

– Chậc! Thì cái bà Khiết Ngân hay Khiết Nga gì đó.

Anh cười:

– Ờ ... thì Khiết Ngân chứ “cái bà đó đó” nào.

– Nhưng em thích gọi như thế đó thì sao?

Tấn Trường nhìn cô:

– Sao hôm nay lạ vậy? Bộ có ai chọc em, đúng không?

– Anh Hai còn phải hỏi. Thì cái bà đó đó chứ ai!

Tấn Trường hỏi thêm:

– Mà sao lại gọi người ta như thế. Biết đâu mai mốt người ta là chị Hai của em thì sao?

– Không đời nào!

– Nhỏ này! Lại đây anh sờ trán xem!

Cô giẫm chân phụng phịu:

– Em có gì đâu mà phải sờ trán.

– Sờ cho chắc cú thôi mà.

Cô đưa ngay trán ra, nói:

– Nè! Có sao đâu!

Tấn Trường đặt tay lên trán cô, rồi lại đặt lên trán mình. Anh nhẹ giọng:

– Ờ há! Cũng thường thôi mà!

– Thấy chưa? Em có sao đâu. Những gì em nói hoàn toàn là sự thật chứ bộ.

Tấn Trường ra hiệu:

– Suỵt! Em có quyền giữ yên lặng, nhưng những gì em nói sẽ làm bằng chứng trước tòa. Ok!

Cô mỉm cười:

– Anh làm gì mà hình sự hơn em nữa vậy.

– Vậy mới “oai” chứ? Mà sao, có chuyện gì em nói đi!

Tâm Giao ấm ức nói:

– Thật sự mà nói thì em không thích cái bà đó đó chút xíu nào cả.

– Sao vậy em? Chị ấy chọc em gì rồi phải không?

– Thì đó đó ...

Anh cười tít:

– Chứ không phải em chọc chị đó đó sao?

– Em chọc? Có mới nói nha!

– Thôi, bỏ đi em. Anh cũng chẳng biết phải “xử” thế nào nữa. Em làm anh khó xử quá đi.

Nghe cách anh Hai nói, Tâm Giao đoán ngay:

– Chắc là bà đó đó nói cho anh nghe rồi chứ gì?

– Ờ, thì có. Nhưng mà ...

Cô xua tay nhanh:

– Thôi khỏi, em hiểu rồi, anh Hai lúc nào mà chẳng bênh cho cái bà đó đó.

– Thôi nha Giao! Anh đã nói là bỏ rồi mà.

Cô tức muốn bóp nát mọi thứ trong tay. Giọng hậm hực, cô lí nhí nói:

– Sao bỏ được hả anh? Ly nước đã vơi một phần rồi làm sao trở lại đầy như lúc đầu được chứ?

Anh cũng không biết phải làm gì hơn, anh nói cho vui:

– Thì mình cho thêm đường vào rồi thêm chanh nữa là OK, đúng không?

Tâm Giao chu môi:

– Dù có cho thêm cả ký lô đường cũng chẳng ngọt lành gì đâu.

– Hôm nay bày đặt giận hờn nữa sao, cô nương?

Cô nhạt giọng nói:

– Làm gì có. Hơi đâu mà giận “người dưng”, đúng không anh?

– Ờ, vậy đi há!

Tâm Giao tức không thể nói. Nhưng biết đâu “oan gia thành bạn” thì sao?

Trở lên thành phố, Tiểu Bi cảm thấy bất an khi để ngoại ở quê một mình.

Càng thương ngoại bao nhiêu, cô càng cố gắng học bấy nhiêu.

Buổi học vừa kết thúc, Tiểu Bi nhanh chân bước vội ra. Chợt cô đứng sựng lại khi nghe có tiếng gọi:

– Tiểu Bi! Đi đâu mà nhanh thế?

Cô quay người lại, nói nhanh:

– Ta đi siêu thị mua vài thứ.

Lan Nhi bước vội theo:

– Vậy sao không nói sớm. Ta cũng định đi siêu thị nè.

– Mi đi nữa hả? Vậy thì đi mau!

– Cứ từ từ! Bộ mi sợ siêu thị hết hàng bán cho mi sao?

Tiểu Bi nguýt cô:

– Từ từ thì biết khi nào mới đến siêu thị hả?

– Nhỏ này? Từ từ thì cháo cũng nhừ à.

Tiểu Bi bước đi:

– Thời gian là vàng, là bạc đó nhóc.

– Vàng, bạc đâu chẳng thấy mà chỉ toàn là mưa, nắng không à.

– Mi có đi không mà sao đứng chôn chân ở đó hoài vậy?

Thấy Tiểu Bi đã lại nhà xe, Lan Nhi nói lớn:

– Bộ mi định cưới con ngựa trời đi hả?

– Chứ sao! Coi vậy chứ nó khỏe lắm đó.

– Thôi, nó khỏe nhưng mà ta không có khỏe.

Tiểu Bi mỉm cười:

– Vậy mi đi xe của mi đi.

– Nhưng mà ta thích đi ngựa trời với mi à.

– Chứ không phải dạo này xăng lên giá sao? Mi sợ tốn xăng chứ gì.

Lan Nhi cười tươi:

– Là mi nói chứ ta không có nói à nha.

– Thôi được rồi! Lên đây ta “đèo” cho.

Chiếc mini Trung Quốc chầm chậm tiến thẳng đến đích. Đã lâu mới có dịp đi xe đạp, Lan Nhi ngồi sau cứ cười buốt. Cô thích thú:

– Tuyệt thật đó! Đi xe đạp còn tiện hơn cả đi xe máy nữa đó.

– Sao ngộ vậy? Mi “khác người” quá nha.

Lan Nhi giải thích:

– Có gì đâu. Đi xe máy đâu có được ngắm cảnh như thế này. Vả lại, khi kẹt xe thì cũng dễ “xử” nữa.

– Mi hay quá há! Chút nữa kẹt xe ta cho mi “xử” nha.

– Chuyện nhỏ! Cứ để đó!

Tiểu Bi đang lái xe thật “khí thế” chợt có một đám đông từ phía trước đang hỗn loạn. Thì ra là một vụ đánh nhau. Vất vả lắm hai cô nương mới thoát ra khỏi đám đông ấy.

Tiểu Bi rên rỉ:

– Bộ hết chỗ đánh nhau hay sao mà ra đường vậy ta?

– Nhỏ này! Chỗ nào đánh mà không được.

Tiểu Bi lên giọng:

– Mi hay quá há. Có giỏi thì xin vô làm trọng tài đi.

– Thôi, xin thua đi. Nhưng mà để mai mốt ta sẽ mở “câu lạc bộ đánh nhau”.

há Bi.

– Mi nhớ ghi thêm điều kiện này nữa nha.

Lan Nhi hỏi ngay:

– Điều kiện gì? Phải hấp dẫn mới được à nhá.

Tiểu Bi vừa nói vừa cười:

– Thì đánh nhau “một mất một còn” sẽ được giảm năm mươi trăm tiền thuê sân đánh. Hì hì ...

Lan Nhi vỗ tay lia lịa:

– Được đó? Như vậy bảo đảm sẽ có rất nhiều “địch thủ” đến đó.

Vừa nói xong câu, chợt “ầm” một cái, chiếc SH nâu đỏ từ phía sau vượt lên ép “con ngựa trời” ngã lăn ra đường.

– Lan Nhi! Mi có sao không? Sao nằm im thin thít vậy hả?

Lan Nhi ê ẩm cả người:

– Tiểu Bi! Bây giờ là ban ngày hay ban đêm vậy?

– Ban ngày. Mi đứng lên đi. Mi mà “sứt mẻ” chỗ nào, ta không biết phải làm sao để đền cho mi nữa đó.

Cũng may, cả hai nàng đều “hạ lộ bình an”. Lan Nhi lầm bầm nói:

– Nhìn họ kìa! Thấy ghét chưa? Bộ sợ té hay sao mà ôm chằm chằm phát sốt luôn à.

Tiểu Bi không kịp nhận ra mặt họ nhưng cô nàng ngồi sau với bộ đầm đỏ ngắn để lộ đôi chân trần thật hấp dẫn. Cô chu môi nói:

– Chắc họ sợ bị gió thổi bay nên ôm cho chắc đó mà.

– Đúng là “đáng ghét” dễ sợ.

Tiểu Bi an ủi:

– Xem như mình “xui” đi. Có “xui mới có “hên” chứ?

Vừa bước vào cổng siêu thị, Tiểu Bi chợt sáng hẳn mắt ra. Lan Nhi thì mừng rỡ:

– Đúng là trời cao có mắt mà.

– Chính xác! Bộ đầm đỏ đó có “hóa thành tro” ta cũng nhận ra.

Thật không ngờ, “oan gia ngõ hẹp” hai cô nàng nhận ra chiếc SH nâu đỏ lúc nãy cũng đang có mặt tại siêu thị.

Lẳng lặng bước theo sau, Lan Nhi khẽ nói:

– Phen này mi sẽ biết tay ông.

Thấy họ vừa rời khỏi xe, Lan Nhi kéo tay Tiểu Bi bước lại gần. Hai cô nương lom khom thực hiện theo kế hoạch đã định sẵn.

Đứng dậy, Tiểu Bi mỉm cười:

– Tiêu đời mi rồi nhe.

Lan Nhi phủi tay sành sạch:

– Để xem ai lợi hại hơn ai! Chịu khó dẫn bộ đi nha cưng!

Nói rồi, chiếc SH nâu đỏ giờ chỉ còn lại một bánh duy nhất còn đầy hơi, còn một bánh thì xẹp lép. Hai cô nàng, mỉm cười trong chiến thắng.

Ngồi trong quán nước gần đó, hai cô nàng cứ đưa mắt quan sát xung quanh. Lâu lâu mới có ngày vui như thế nên cả hai rất phấn khởi về “thành tích”.

của mình. Thật là ngoài sức tưởng tượng.

Lan Nhi tặc lưỡi:

– Ôi chu chua! Thích thật đó!

– Nhỏ này! Mi có biết hôm nay tụi mình làm toàn là việc gì đâu đâu không à.

Cô cười:

– Chuyện này là “chuyện đại sự”, mình phải ra tay nghĩa hiệp chứ?

– Nhưng mà ta đói bụng rồi nè.

– Đói cũng phải ráng nhịn, anh hùng không được sợ đói nghe chưa?

Tiểu Bi nhăn nhó:

– Nhưng anh hùng cũng phải ăn mới sống được chứ!

– Vậy ta hỏi mi ăn để sống hay sống để ăn hả?

– Ôi, thôi thôi! Cái gì ma ăn rồi sống, sống rồi ăn. Rắc rối!

Lan Nhi chọc cô:

– Bộ mi định “chưa đánh đã thua” sao?

– Ai nói ta thua? Nhưng mà ta không muốn “đánh”.

– Sắp ra trận rồi. Không lẽ mi định cho ta làm “nữ tướng” lẻ loi sao?

Tiểu Bi nhíu mày:

– Mi có thấy là ta với mi “rảnh” quá không? Tự nhiên rồi làm mấy cái chuyện vô bổ này.

– Sao lại vô bổ? Mi hãy đợi mà xem màn kịch này hay lắm đó.

– Bộ mi định làm trò cười cho thiên hạ sao?

Lan Nhi nũng nịu:

– Không ... mình sẽ thủ vai diễn viên quần chúng thôi.

Tiểu Bi cười cười:

– Nhưng ta thấy làm như thế là đủ rồi. Người ta đâu có tội gì mà.

– Nhỏ này! Làm thì phải cho tới. Ai mượn tự chuốc vạ vào thân làm gì?

– Nhưng mà ...

Lan Nhi phụng phịu nói:

– Không nhưng ... nhị gì hết. Mi không tham gia thì để ta.

Tiểu Bi thấy cô có vẻ hơi khó chịu. Thấy cô cương quyết, Tiểu Bi cũng đành xuôi theo ý trời. Trời đang nắng sắp “thiêu rụi” mọi thứ nhưng hai nàng vẫn chịu khó theo dõi đối tượng.

Chợt, Tiểu Bi vui lên:

– Mi xem kìa! Hình như ...

Khoảng cách vẫn còn khá xa nên chưa thể nhìn thấy mặt nhau.

– Chính xác rồi ... hành động.

Lan Nhi ngụy trang trong chiếc áo rộng thùng thình vừa mượn của một chú xe ôm gần đó. Chiếc khẩu trang cùng chiếc nón kết khiến ai cũng khó mà nhận ra.

– Lan Nhi! Nhìn mi giống ... thật đó.

– Giống cái gì? Vậy mới hay chứ?

Tiểu Bi cười:

– Thì giống ... “giang hồ tỷ tỷ” đó.

Đeo cặp kính đen vào ngụy trang cho Tiểu Bi, cô nói:

– Thì mi cũng là ... “giang hồ muội muội” rồi đó.

Nói rồi, Lan Nhi thực hiện vai diễn của mình. Cô diễn xuất đến nỗi ai cũng phải ngạc nhiên. Trong màn kịch này, cô thủ vai một tên “cò sửa xe” thật chuyên nghiệp:

Anh chàng đi chiếc SH có vẻ lịch sự hơn cô gái đi cùng:

– Cám ơn “anh” trước nha.

Lan Nhi bật cười nhưng cố nén khi nghe gọi bằng “anh”. Cô phụ đẩy xe đến một tiệm sửa xe gần đó.

Ngoài ông chủ tiệm hơi già ra, còn có một anh thanh niên đeo kính đen đang phụ giúp. Anh lên giọng:

– Anh đến vá vỏ xe hả?

Tấn Trường nói ngay:

– Không biết! Tự nhiên sao lại xẹp bánh thế nhỉ?

Lan Nhi nhanh miệng nói:

– Thì hên xui thôi. Biết đâu chiếc xe nó “trở chứng” thì sao?

– Anh làm ơn nhanh nhanh giúp tôi với, tôi đang có việc gấp lắm.

Tiểu Bi cười cười:

– Dạ, anh chị đợi em một tí thôi. Bảo đảm sẽ xong ngay mà.

Lan Nhi ra hiệu cho Tiểu Bi, cô hiểu ngay ý, liền kéo dài thời gian cho anh biết cảnh chờ đợi là thế nào.

Khiết Ngân cau có:

– Biết sửa xe hay không vậy, làm gì mà cả tiếng đồng hồ vẫn chưa xong vậy hả?

Lan Nhi xen vô nói:

– Người ta đang sửa mà. Phải từ từ chứ.

– Thôi, mình đi sang tiệm khác sửa đi anh.

Tấn Trường dịu giọng:

– Từ từ đi em!

Tiểu Bi nhìn anh chàng đó thật kỹ một lần nữa. Cô chợt thay đổi nét mặt:

– Không lẽ là ... anh ta sao?

Cô nhướng mắt:

– Xe này thủng hai lỗ, phải ...

– Anh cứ thay vỏ cho tôi đi. Nhanh nhanh một chút giùm tôi.

Nhìn cô gái đi cùng cứ quấn quýt lấy anh như dây trầu quấn lấy thân cau, Tiểu Bi lẩm bẩm:

– Nhìn thật chướng mắt quá đi.

Lan Nhi cười tủm tỉm:

– Anh làm ơn sửa nhanh nhanh giùm, chứ thôi tôi chịu không nổi đâu.

Tiểu Bi cau mày:

– Rồi, xong rồi đó. Anh chị làm ơn cho tôi xin hai trăm.

Tấn Trường lên tiếng:

– Hả? Hai trăm?

– Hai lỗ thủng thì hai trăm, chưa tính tiền công nữa đó.

Khiết Ngân nói nhanh:

– Thôi, trả cho họ đi anh.

Lan Nhi nói vô:

– Có hai trăm mà cũng “keo” nữa hả?

Hai nàng vui vẻ ra mặt, còn hai người họ thì khó chịu ra về. Đành phải chấp nhận theo ý trời.

Tâm Giao đang ngồi trước cổng, nghe tiếng xe, cô vội ra mở cổng. Thấy Khiết Ngân cùng đi với anh Hai, cô hầm hầm gương mặt thật lạnh lùng:

– Anh Hai!

Tấn Trường nghiêm mặt:

– Còn không mau mở cổng cho anh đi!

– Anh Hai cũng có chìa khóa mà, sao không mở đi.

– Nhỏ này! Lâu lâu mới làm giùm anh một việc mà cũng nhăn nhó nữa.

Anh nhìn cô đăm đăm làm cô cũng nghe theo một cách máy móc.

– Thôi được rồi, để người ta làm mà.

– Biết vậy thì tốt.

Cô đưa mắt nhìn Khiết Ngân, lườm lườm. Khiết Ngân hỏi lại:

– Làm gì mà nhìn chị đăm đăm vậy? Chị đâu có thiếu nợ cưng đâu.

Tâm Giao gằn gằn giọng:

– Ai thèm nhìn chị hồi nào? Chị đâu có mắc nợ tôi là tôi mắc nợ chị thì đúng hơn đó.

Tấn Trường xua tay:

– Hai người có yên không thì bảo!

– Anh nói chị yên đi thì em đâu có nói làm gì.

Khiết Ngân nói ngay tiếp theo lời cô:

– Chị có nói cưng gì đâu?

– Chị không nói nhưng tôi thừa sức hiểu mà.

– Vậy thì cưng là người hiểu chị nhất đó Giao à!

Tâm Giao dẩu môi nói:

– Tôi hiểu chị còn hơn anh Hai tôi nữa kìa.

– Vậy sao! Không ngờ Tâm Giao lại “tài” đến thế há.

– Cũng thường thôi.

Tấn Trường quạu quọ:

– Hai người “rảnh” quá há! Mỗi người nhịn một câu thì có sao đâu.

Khiết Ngân mỉa mai:

– Nhịn là nhục đó anh.

– Là chị nói đó nha. Chứ tôi không muốn gây chuyện với chị làm gì, chỉ giỏi tốn hơi thôi.

– Cưng đừng có nói chị như thế. Hay là cưng ganh tị với chị hả?

Tâm Giao nghe giọng xấc xược của cô mà tức không thể nói. Cô gằn tiếng:

– Ganh tị? Tôi làm gì phải ganh tị với chị chứ?

– Ai biết được? Biết đâu cô ganh tị với sắc đẹp của tôi thì sao?

– Mắc cười chị quá? Đang nằm mơ hả?

Tấn Trường hết gặp chuyện “xì” xe, giờ lại gặp chuyện “phụ nữ”. Anh chịu đựng:

– Hai người cho tôi xin được không?

Khiết Ngân nũng nịu với anh:

– Anh xem cô em gái của anh kìa. Em có làm gì đâu mà cô ta cứ ăn hiếp em kìa.

– Ai mà ăn hiếp được chị chứ.

Tấn Trường lắc tay:

– Tâm Giao đi vô nhà. Còn Khiết Ngân đi về.

– Thôi, anh khỏi đưa em về. Em sẽ đi taxi ...

Tâm Giao vênh váo:

– Taxi không biết có chịu chở chị không mà nói ...

– Nhỏ này! Bộ im lặng không được sao?

Khiết Ngân vừa ngoảnh mặt đi, vừa nói lại:

– Im lặng là vàng đó cưng.

– Không cần chị phải nói đâu. Xí!

Bước vội vào nhà, Tấn Trường ngã lăn ra ghế xa-lông giữa phòng khách.

Anh thở dài:

– Sao hôm nay giống ngày “tận thế” vậy nè trời.

Tâm Giao lại gần:

– Sao vậy anh Hai? Thấy anh vui vẻ lắm mà.

– Vui gì nổi mà vui. Mới bị xì xe, mà còn gặp toàn là gì đâu không à.

Cô tò mò hỏi thêm:

– Là chị ta chọc anh, đúng không?

– Không phải. Gặp mấy anh “cò” mồi sửa xe suýt chút “trắng tay” rồi.

– Rồi sao?

Anh chậm rãi:

– Thay có cái ruột xe mà hai trăm ngàn đó.

– Hai trăm? Ai mà “chém” dữ vậy?

– Thì đó ... vậy mới tức chứ.

Cô tặc lưỡi nói:

– Chậc! Mà thôi, anh Hai xem như “bo” cho người ta đi.

Tấn Trường cằn nhằn:

– Sẽ không có lần thứ hai đâu em.

– Thì vậy mới rút kinh nghiệm được chứ? Gặp em hả, em sẽ cho hắn biết tay?

– Em hay quá há!

Tấn Trường gắc tay lên trán suy ngẫm, anh không thể ngờ ...

Sáng hôm đó, Minh Dân bước vội bước vàng sang thăm ngoại. Anh vừa mới cắm câu được mấy con cá lóc nên đem sang cho bà. Vừa đi, anh vừa mỉm cười một mình thích thú:

– Ngoại ơi! Ngoại xem con đem cho ngoại đây này.

Vẫn không thấy bà lên tiếng trả lời, anh nhanh chân bước vào trong. Thấy bà đang nằm co ro trên chiếc giường bé nhỏ anh lại gần sờ vào trán bà:

– Dân hả con?

Nghe ngoại nói nhẹ giọng, anh lo lắng:

– Hình như ngoại bị bệnh rồi thì phải?

– Bệnh người già thôi mà con.

– Hay là để con đưa ngoại đi khám bác sĩ nha ngoại.

Minh Dân thấy bà như thế, anh không biết cách chăm sóc cho lắm nên hơi lo ngại:

– Con đừng lo. Ngoại có bệnh gì đâu mà phải đi bác sĩ?

Anh khuyên bà:

– Không! Con thấy ngoại nóng lắm. Nóng hơn trán con nhiều ... nhiều mà ...

Thấy anh lo lắng ra mặt, bà gượng nói cho bớt lo:

– Ngoại không sao ... tại trời nóng nên ngoại mới nóng thôi.

– Nhưng mà con lo cho ngoại lắm.

– Cái thằng này! Ngoại thấy con đem cho ngoại con cá là ngoại mừng lắm rồi.

Minh Dân chợt nhớ ra:

– Cá con mới cắm câu đó ngoại. Hay để con xuống nấu cháo hành cho ngoại nha.

– Ừ, ngoại cũng đang hèm một tô cháo cá lóc rau đắng đây.

Anh cười:

– Nhưng mà mùa này không có rau đắng, vậy con nấu cháo cá lóc hành cho ngoại nha?

Vừa nấu cháo, anh vừa suy nghĩ một mình:

– Không biết có nên đưa ngoại đi bệnh viện không ta?

Chợt có tiếng từ phía sau vang lại:

– Hù ...

– Út Nhỏ sang thăm ngoại hả?

Cô mím môi nói khẽ:

– Sao hôm nay ngoại khác khác với mọi ngày thì phải.

– Hình như là vậy đó.

– Hèn chi ... em sang hỏi ngoại mà ngoại vẫn nằm im thin thít à.

Anh Dân lo lắng:

– Không biết ngoại bệnh thế nào rồi nhỉ?

Út Nhỏ ngạc nhiên hỏi:

– Ngoại bệnh hả anh?

– Ờ, vậy chứ Út Nhỏ không thấy sao?

Cô gãi đầu, nói khẽ:

– Em thấy nhưng mà em không biết ...

– Con gái gì mà còn “tệ” hơn con trai nữa.

Chính những lời nói thật lòng, chân thật đã khiến con tim cô không chỉ giận mà càng thương nhiều hơn.

– Tại em tưởng ngoại ngủ chứ bộ?

Anh cao giọng nói:

– Em làm như ngoại mê ngủ nướng như em vậy đó?

– Em có ngủ nướng hồi nào?

– Không ngủ nướng sao tới bây giờ mới qua. Ngoại bệnh rồi kìa thấy chưa?

Út Nhỏ nhanh miệng:

– Vậy sao anh còn đứng đây?

Minh Dân thản nhiên trả lời cô:

– Thì ... nấu cháo cho ngoại.

– Ý em là sao không đưa ngoại đến bệnh viện mà ... mà ...

Anh gật gù:

– Ờ há! Không đi khám thì biết bệnh gì mà chữa trị.

Út Nhỏ nhếch mép:

– Xem ra khám bệnh cho ngoại xong rồi phải khám cho anh luôn quá.

– Anh khỏe như ... voi mà khám làm gì?

– Ai nói anh khỏe? Anh “chậm tiêu” quá à.

Bước lại gần ngoại, Minh Dân nói khẽ:

– Ngoại ráng dậy ăn chút cháo đi ngoại.

Út Nhỏ nhẹ nhàng đỡ bà lên, cô sờ tay lên trán bà nói:

– Sao ngoại nóng thế ạ?

Bà gượng gạo nói:

– Bà ăn hết tô cháo của thằng Dân thì sẽ khỏe lại ngay mà.

– Chút nữa con sẽ đưa bà đến bệnh viện để kiểm tra.

Bà khẽ giọng nói:

– Hai đứa đừng cho Tiểu Bi nó biết bà bị bệnh nha kẻo nó lo mà sinh bệnh.

Út Nhỏ nhìn bà, một ánh mắt hiền từ đáp lại. Cô cảm nhận được thứ hơi ấm lạ kỳ đó.

– Dạ, tụi con hứa. Nhưng mà ngoại phải ráng khỏe lại thì mới được chứ.

Ngoại từ tốn nói:

– Thằng Dân đưa cho ngoại tô cháo đi con.

Nhìn ngoại cố lấy lại sức để mọi người không phải lo cho bà. Nhưng anh đã quyết định.

– Con về lấy xe, còn Út Nhỏ sẽ soạn đồ cho ngoại. Mình đi khám bệnh nha ngoại.

Bà lão nhăn nhó:

– Tội nghiệp cho hai đứa quá! Bà thật là ...

– Thôi mà ngoại, ngoại mà như thế thì tụi con càng lo hơn đó.

Út Nhỏ nhẹ giọng năn nỉ:

– Ngoại mau khỏe lại, còn nấu chè đậu xanh nước cốt dừa nữa chứ. Tụi con “ghiền” món đó của ngoại rồi nè.

Bước qua tuổi đã ngoài bảy mươi, bà ngoại Ba ngày càng già yếu dần.

Nhưng nỗi cô đơn, lạnh lẽo cũng không chiến thắng nỗi lòng bà vì tình thương con cháu. Một tình thương vô bờ bến.

Đã hai ngày nay, Minh Dân luôn ở bên cạnh chăm sóc, lo lắng cho bà. Dù không muốn nhưng căn bệnh cao huyết áp ở người già vẫn làm bà mệt mỏi.

Trong căn phòng vắng vẻ của bệnh viện, nỗi cô đơn càng được dâng cao hơn.

– Ngoại ngủ không được sao?

Bà nhìn mọi thứ xung quanh:

– Ở đây lạ chỗ nên bà không ngủ được. Hay là con đưa ngoại về nhà đi Dân.

– Dạ, đâu có được, ngoại. Bác sĩ chưa cho về sao con dám được ngoại “trốn viện” ạ.

Bà chậm rãi nói:

– Con thử đi xin bác sĩ đi Dân.

– Con thấy ngoại ở đây sẽ tiện hơn, có y tá bác sĩ chăm sóc. Vả lại, con cũng ở đây với ngoại mà.

– Nhưng ngoại nhớ nhà lắm, con à.

Minh Dân cũng một phần nào hiểu tâm trạng của người già. Hai ngày nay ở bệnh viện nhưng bà cứ nhắc chuyện hỏi thăm nhà cửa.

– Ngoại ráng khỏe đi, rồi con đưa ngoại về mà.

Bà kéo tay anh:

– Ngoại ở đây thì cực cho con quá?

– Có gì đâu ngoại. Bộ ngoại không xem con là cháu của ngoại sao?

Bà nhìn anh, hiền hậu:

– Nhưng thấy con như vậy bà thương con lắm.

– Con làm sao cũng được, miễn là ngoại thương con như con cháu là đủ rồi ạ!

– Cái thằng này! Bộ định ở đây với ngoại luôn sao?

Minh Dân mỉm cười:

– Ngoại ở đâu thì con ở đó. Ai biểu ngoại là ngoại của con làm chi.

Từ ngoài cửa, Tiểu Bi vừa bước đến. Nghe tiếng hai bà cháu trò chuyện, cô khẽ nói chen vô:

– Ai định giành bà ngoại của Tiểu Bi vậy ta?

Bà ngoại vui vẻ:

– Tiểu Bi hả con?

– Dạ, ngoại khỏe không ngoại?

– Ngoại có gì đâu mà khỏe hay không khỏe?

Cô lại gần khẽ nắm chặt đôi tay nâu sần vì bao phen “sóng gió” của cuộc đời.

– Ngoại không khỏe thì ngoại cứ nghỉ đi ạ!

– Tiểu Bi à! Sao con lại về đây? Con sắp thi rồi mà?

– Dạ, Út Nhỏ cho con hay. Con lo cho ngoại nên về thăm ngoại nè.

Minh Dân nói nhỏ:

– Ngoại sướng rồi nha, có cháu về thăm nữa kìa.

Bà vui hẳn ra:

– Tiểu Bi về là ngoại khỏe ra liền đó con.

Tiểu Bi cười cười:

– Vậy mà lúc nãy con nghe ngoại nói có đứa cháu nào nữa đó mà.

– Nhỏ này! Thằng Dân cũng là cháu của ngoại chứ bộ.

– Thấy chưa? Ngoại có thương con đâu, ngoại chỉ nhắc đến “cháu ngoại thân thương” của ngoại không à.

Minh Dân lên tiếng:

– Tiểu Bi về là ngoại mừng lắm đó chứ anh ở đây với ngoại mà có thấy ngoại cười đâu.

– Chắc tại anh Dân chọc ngoại há ngoại? Để con “xử” tội ảnh cho ...

Bà véo nhẹ tay cô:

– Thằng Dân nó chưa “xử” con là may rồi đó. Ở đó mà ...

– Con làm gì mà ảnh đòi “xử” con vậy ngoại?

Minh Dân trả lời vui:

– Ai biểu em chọc ngoại của anh làm gì?

– Ai nói ngoại của anh ngoại của Tiểu Bi chứ bộ.

Bà ngoại Ba dường như đã khỏe ra rất nhiều. Dù không muốn cho Tiểu Bi biết nhưng được gặp mặt cô là liều thuốc “vô giá” đối với bà.

Tiểu Bi đưa ngoại về nhà đi con.

Cô nhẹ giọng:

– Nhưng ngoại đã khỏe đâu mà đòi về.

– Ngoại khỏe rồi. Con không thấy ngoại cười sao?

Minh Dân lại gần, khẽ an ủi:

– Ngoại cứ ở đây mà nghỉ cho khỏe. Nhà cửa để con lo cho mà ... ngoại yên tâm đi ngoại.

Nhìn vẻ gầy yếu xanh xao của bà, Tiểu Bi cảm thấy rất lo lắng. Cô tự trách bản thân mình:

– Tại con mà ngoại mới như thế. Con xin lỗi ngoại.

Cô tựa đầu vào ngực bà, một hơi ấm lan tỏa thật yêu thương.

– Con có làm gì đâu mà nói như vậy? Ngoại buồn à?

– Ngoại phải nghỉ ngơi cho mau khỏe, rồi con sẽ đưa ngoại về mà ...

Suốt mấy chục năm nay, bà ngoại Ba không rời khỏi quê hương lấy một ngày. Hai bà cháu đã quen sống trong ngôi nhà ấm ấp ấy, nên ở bệnh viện, với bà như một xứ sở khác mới lạ.

Chiếc ghế đá bệnh viện cô đơn giữa một vùng trời vắng lặng. Ngồi tựa đầu vào nó và suy nghĩ về một điều gì đó thật xa xăm, Tiểu Bi như lặng người trong một thế giới khác ...

– Hù!

Đang thả hồn bay lơ lửng thì giọng nói ồm ồm của Út Nhỏ đã “đánh thức”.

cô:

– Nhỏ này! ở đâu ra mà lù lù xuất hiện đúng lúc vậy?

Út Nhỏ cười khanh khách:

– Vậy mới hay chứ.

– Không dám hay đâu, tài lanh thì có.

– Ta làm gì mà tài lanh hả nhỏ kia?

Tiểu Bi nói lẫy:

– Người ta đang mơ mộng, tự nhiên ở đâu xuất hiện.

– Ai kêu mi mơ mộng làm chi? Mà phải “Bạch mã hoàng tử” không vậy?

Tiểu Bi chọc bạn:

– Thì đó. Ta vừa mới gặp được mặt ảnh thì bị mi phá đám rồi đó.

Út Nhỏ ngồi gần cô, cố lớn giọng nói:

– Vậy mi có cần ta mua cho thuốc ngủ không?

– Chi vậy? Ta vẫn còn “ăn ngon, ngủ yên” mà.

– Không! Mua để mi mơ đến “Bạch ngựa hoàng tử” của mi đó.

Tiểu Bi nguýt cô thật dài:

– Xí! Ai thèm!

– Vậy thì đỡ tốn chứ có sao?

Tiểu Bi chu môi nói:

– Người ta đang trĩu đầy tâm sự đây nè, vậy mà mi còn chọc ta nữa.

Út Nhỏ choàng tay qua vai cô, nói:

– Vậy thì mi cứ trút hết tâm sự vô ta đi.

– Mi làm như mi là ... gì gì đó không bằng.

Út Nhỏ gãi đầu, cô dịu giọng:

– Thì ... cứ xem ta là “cái thùng rác” đi.

– Vậy ý mi là những suy nghĩ của ta sắp nói đều là “rác” đó hả?

Út Nhỏ toe miệng cười:

– Ta không có nói à. Tại mi suy nghĩ lung tung chứ bộ.

– Nhưng mi có chịu nghe ta trút hết tâm sự không mà nói.

– Tất nhiên là được rồi. Mi cứ tha hồ mà trút đi.

Tiểu Bi lặng người thật lâu rồi nói khẽ:

– Út Nhỏ này! Cám ơn mi nhiều ... nhiều nha.

– Sao hôm nay lại khách sáo vậy? Ta có làm gì đâu mà cám ơn.

Tiểu Bi chạnh lòng:

– Ta thật đáng trách đúng không Út Nhỏ?

Út Nhỏ vỗ nhẹ vai cô nói:

– Nhỏ này! Suy nghĩ lung tung gì thế?

– Nhìn ngoại như thế mà ta chẳng làm được gì cả. Ta thật là ...

Út Nhỏ cản lời cô:

– Mi mà còn nói như thế là ta nghỉ chơi với mi luôn đó.

Tiểu Bi nghiêm giọng nói:

– Nếu ta không lên thành phố học thì hay biết mấy. Phải chi ...

– Nhưng ngoại không muốn mi như vậy đâu. Chính ngoại đã chọn con đường tốt nhất cho mi mà.

Tiểu Bi nói ngay:

– Nhưng con đường đó sẽ làm ta xa cách ngoại rồi còn gì.

– Chính vì vậy ta mới suy nghĩ nè. Không lẽ ta nhìn ngoại như thế mà yên lòng sao?

Út Nhỏ khẽ nói:

– Ta hiểu mà ... nhưng tại hoàn cảnh như thế chứ có ai muốn đâu.

Tiểu Bi lấp lửng:

– Hay là ... ta về dưới này ở với ngoại luôn há Út Nhỏ.

– Vậy còn chuyện học hành của mi thì sao? Bộ mi định bỏ cuộc giữa chừng hả?

Tiểu Bi suy ngẫm:

– Vậy chứ mi nói ta phải làm sao đây?

Út Nhỏ nhanh miệng nói:

– Thì cứ như bây giờ vậy nè. Mi vẫn học ở thành phố, còn ta vẫn là ta.

– Nhưng ... như vậy thì ...

– Không nhưng nhị gì cả! Mi thật là vớ vẩn!

Tiểu Bi ngả đầu vào vai bạn, giọng nũng nịu:

– Út Nhỏ đúng là thiên thần của Tiểu Bi này mà ...

– Nịnh dễ sợ. Mi đúng là mồm mép.

Tiểu Bi thật hạnh phúc khi có một người bạn như Út Nhỏ. Mọi chuyện buồn đều được cô nàng hóa giải bằng chính trái tim nhân hậu của mình.

– Người ta nói tốt cho mà không chịu, vậy bây giờ ta nói xấu à.

– Mi dám? Thiên thần này sẽ hóa thành thiên lôi bây giờ.

Một tình bạn đơn sơ nhưng đậm chất tình. Một nỗi niềm lo lắng nhưng đậm chất nghĩa.

Dù không muốn nhưng rồi Tiểu Bi cũng phải trở lên thành phố. Lúc này, cô cảm thấy mình cần phải làm một cái gì đó theo đạo nghĩa.

Ngày thi tốt nghiệp cũng đã cần kề. Biết bao tâm huyết và sự hy vọng của hai bà cháu cũng đã sắp thành hiện thực.

– Ủa! Lan Nhi! Sao lại “phi thăng” đến “túp lều tranh” này vậy kìa?

Lan Nhi vừa thở vừa nói:

– Còn không mau mở cổng? Bộ định cho ta “chết cháy” hả?

Tiểu Bi nhanh chân ra mở cổng, phụ đẩy chiếc Attila Elilabeth qua bậc thềm.

Cô lầm bầm:

– Nhỏ như con thỏ vậy mà bày đặt đi “cưỡi voi” làm chi.

Lan Nhi một cô gái với thân hình nhỏ nhắn, gương mặt tròn với mái tóc ngố thật đáng yêu. Trông cô cứ như một con búp bê biết cử động.

– Nhỏ này! Bộ mi không biết qui luật “bù trừ” hả?

Tiểu Bi nhếch mép:

– Nhỏ thì “cưỡi kiến” hay là “cưỡi ngựa trời” như ta đó, bày đặt “bù” với lại “trừ”.

– Mi chẳng biết gì về “điện” cả. Vậy cũng nói.

– Vậy mi biết gì về “điện”, nói ta nghe thử đi!

Lan Nhi tiến lại gần bình nước lọc, cô vừa uống vừa giảng giải:

– Nghe nè! “Bù trừ” có nghĩa là “ta bù, nó trừ” ... à, mà không! “Ta trừ, nó bù” đó. Hiểu không?

Tiểu Bi ngơ ngác như chú nai vàng đạp trên lá mùa thu.

– Hiểu ... mà không hiểu. Mi nói thì mi hiểu chứ ta ... “pó tay”.

– Ờ ... thì có gì đâu. Ý ta là “ta nhỏ, xe to” còn “ta to, xa nhỏ” vậy đó.

Tiểu Bi tặc lưỡi nói:

– Hiểu rồi ... ý mi là “bù qua trừ lại” đó phải không.

– Chính xác.

Thấy cô vênh mặt, Tiểu Bi liền chọc ngay:

– Vậy mà ta cứ tưởng chiếc xe là “thiên thần”, còn mi là “ắc quỷ” đó chứ.

Đang nhịp nhịp chân, nghe Tiểu Bi nói, cô hơi sựng lại ngay:

– Gì chứ? Sao lại “dối lòng” như thế?

– Ta nói thật lòng đấy chứ có “dối lòng” hồi nào.

– Cho mi thắng đó, nhưng mà hãy đợi đấy nha cưng.

Thấy Tiểu Bi cứ cười cười chọc quê, cô bước đi thật mạnh qua một số mặt hàng Tiểu Bi vừa làm như muốn trút bớt giận. Tiểu Bi chu môi:

– Thôi nha! Ai làm thì người đó chịu, đừng có chọc đến “cục vàng” của tôi nha.

Lan Nhi dẩu môi:

– Ai thèm! Ai làm thì người đó chịu, là mi nói đó nha.

Tiểu Bi đang ngồi sửa lại mấy tấm thảm được dệt từ xơ dừa, chợt Lan Nhi bất ngờ ập đến chọc léc cô. Cả hai cười ra nước mắt vì cô nàng Lan Nhi tinh nghịch:

– Thôi tha cho ta đi mà.

– Mi chịu đầu hàng chưa?

Tiểu Bi không thể chịu nổi cảnh chọc léc, cô đưa hai tay lên nói:

– Đầu hàng ... rồi nè.

– Phải vậy chứ?

Tiểu Bi thở phào:

– Ủa! Mà mi tới đây là để chọc phá ta vậy thôi đó hả?

Lan Nhi cười cười:

– Đâu có! Ta đến đây để ăn bánh lá dừa mà.

– Bánh đâu mà ăn. Muốn ăn thì phải lăn vô bếp kìa.

Lan Nhi nhỏ nhẹ:

– Cho ta ăn đi mà. Từ hôm qua nay ta canh mi về dữ lắm chứ bộ.

– Canh ta về làm gì? Ta đâu phải tù binh của người đâu.

Cô nhanh miệng nói sang chuyện khác:

– Ta qua đây hỏi thăm bà ngoại chứ bộ.

– Phải không? Vậy xem ra bánh lá dừa này phải cho anh hàng xóm rồi.

Lan Nhi sáng hẳn mắt:

– Thôi mà ... Ta giúp mi làm, không lẽ mi đành lòng đem cho anh hàng xóm.

– Thôi đi cô. Cô giúp tôi “xơi” hết đi rồi mới có sức mà “nói” chứ.

Lan Nhi vừa giúp cô vừa ăn. Nhìn những sản phẩm do chính tay mình làm ra thật hạnh phúc biết bao.

Tiểu Bi thật khéo tay đó nha. Chắc mọi người sẽ phải tranh nhau mà đấu giá đó.

Tiểu Bi vui vẻ nói:

– Nhỏ này! Không có công làm mà có sức nói quá há.

– Thì nhờ ... món bánh lá dừa của mi đó thôi.

Và rồi, chỉ trong một ngày, hai nàng đã tung ra hàng loạt các sản phẩm do chính mình làm ra. Niềm vui nho nhỏ nhưng khó mà diễn tả.

Bước vào công ty, Tiểu Bi tỏ ra rất thích thú vì sắp được giới thiệu sản phẩm của mình. Nhìn gương mặt tự tin ấy, mọi người cứ ngỡ cô là một nhân viên chính thức của công ty.

Dọc theo hành lang, nhìn thấy phòng của giám đốc, Tiểu Bi sáng hẳn gương mặt. Nhẹ gõ cửa, cô khẽ giọng nói:

– Hy vọng thần tài sẽ đến với mình.

Như thông lệ, anh chàng giám đốc gằn giọng lên tiếng:

– Mời vào!

Hít sâu vào một hơi, Tiểu Bi đẩy nhẹ cánh cửa bước vào.

– Dạ, chào giám đốc.

Anh chàng đang ngồi trên chiếc ghế dựa và quay mặt ra cửa sổ. Anh ngắn gọn nói:

– Có chuyện gì cứ để trên bàn làm việc của tôi.

– Dạ, không! Tôi có chuyện muốn trao đổi trực tiếp với giám đốc đó chứ.

– Lại công chuyện.

Tiểu Bi không ngần ngại nói ngay:

– Nếu không có công chuyện thì tôi đến gặp giám đốc làm gì.

– Có chuyện gì, cô mau nói đi!

Nhìn thái độ của anh, cô lẩm bẩm:

– Bộ tưởng làm giám đốc thì ngon lắm sao?

Anh chợt lên giọng:

– Cô muốn nói gì thì cứ nói đi, chứ đừng có nói sau lưng tôi như thế.

Tiểu Bi lấy tay che miệng lại:

– À, không! Tôi chỉ tò mò sao giám đốc lại đối xử với khách hàng như thế ạ.

– Đối xử thế nào thì mặc tôi. Cô đến đây để bình luận tôi đó hả?

Tiểu Bi cố hạ giọng:

– Tại tôi chỉ muốn nhìn mặt giám đốc thôi mà.

– Tôi rất bình thường, chả có gì để nhìn cả.

Cô lên giọng:

– Có ai nói chuyện mà không thèm nhìn mặt nhau đâu chứ.

– Thì cô cứ nói đi, tôi không nhìn nhưng tôi nghe rất rõ mà.

– Nhưng tôi không muốn nói “sau lưng” giám đốc đâu ạ.

Anh chàng vẫn cứ trơ người ngồi yên, anh chỉ hơi cáu:

– Tôi không có nhiều thời gian đâu nha.

Tiểu Bi khịt mũi:

– Tôi thấy anh đang thả hồn theo mây gió chứ có làm gì đâu mà không có thời gian.

– Ai nói cô ta đang “thả hồn”?

– Thì thực tế đã chứng minh rồi đó.

Anh chàng hằn học:

– Cô có một phút để nói.

Tiểu Bi tức không thể tả, nhưng nếu cứ tranh cãi với anh ta thì ...

– Đây là những sản phẩm mỹ nghệ được làm từ dừa, xin giám đốc xem qua.

– Trước khi tôi xem, thì cô cứ giới thiệu sản phẩm của mình đi.

Tiểu Bi tha hồ “quảng bá” hình ảnh cây dừa Bến Tre. Nhìn những sản phẩm của mình, cô mong muốn chúng sẽ làm rạng danh cho quê hương mình.

– Giám đốc thấy sao? Tuyệt chứ?

Anh phì cười:

– Tôi cứ ngỡ cô đang dẫn chương trình đó chứ?

Nói rồi, anh chàng quay mặt lại mỉm cười một cách thật đắc ý. Tiểu Bi như đứng chôn chân:

– Là ... anh giám ... đốc hả?

– Làm gì mà ngạc nhiên vậy? Chẳng phải muốn nhìn mặt tôi sao?

Tiểu Bi nhớ lại những điều đã gây ra với anh. Cô hơi lo:

– Đừng nói là giám đốc định trả thù tôi đó nha.

– Trả thù? Tôi như vậy mà trả thù cô đó hả?

Tiểu Bi lấp lửng:

– Vậy chuyện này giám đốc nghĩ sao? Đây là những sản phẩm tuyệt hảo chứ?

– Ồ, không! Tôi nghĩ cô đừng nên tự tin quá như thế.

Nói rồi, anh chàng giám đốc cầm cái này nhận xét, lấy cái kia nhận xét, anh cho rằng chúng không đủ tiêu chuẩn “lọt” vào mắt xanh của anh. Tiểu Bi chán ghét vì anh chàng cứ nói đủ điều.

– Vậy anh định trả bao nhiêu?

– Vậy chứ cô muốn bao nhiêu?

Cô dẩu môi:

– Không cần phải nói nhiều ... như thế.

Anh chàng giám đốc đặt ngay lên bàn mấy tờ giấy polime “to đùng”.

– Nhiêu đó ... đủ rồi chứ?

Lần nào gặp anh, Tiểu Bi cũng “đụng chạm” đến vấn đề nan giải này. Cô xụ mặt:

– Nếu tôi không cần tiền thì anh đừng mơ mà có được chúng.

– Đó là cái giá phải trả thôi, Tiểu Bi à.

Nếu không vì bà ngoại đang bị bệnh ở quê thì có cho cô vàng cô cũng không bán. Tiểu Bi đành bấm bụng bán cho anh, mặc cho nỗi tự ái đang dâng lên cuồn cuộn.

– Giám đốc gì chứ? Hứa mà không giữ lời!

– Tôi không giữ lời chuyện gì?

– Nói không trả thù người ta mà vậy đó.

Anh chàng nhướng mắt:

– Làm dở ẹc thì chịu đi, ở đó mà trách ai?

– Xí! Vậy chứ đỡ hơn “giám đốc” mà không “dám làm”. Đồ keo kiệt!

Nói rồi, Tiểu Bi tức giận bỏ đi một mạch. Cô tức giận không thể tả.

Tấn Trường đang thích thú nhìn ngắm những mẫu sản phẩm vừa mới “ép giá” được. Anh tỏ ra vui mừng, vì “món nợ” ngày xưa đã được trả một cách bất ngờ.

Đang mỉm cười vu vơ chợt có tiếng từ phía sau nói tới:

– Thưa giám đốc, đang trong giờ làm việc sao giám đốc lại thơ thẩn vậy?

Anh ngạc nhiên khi thấy ông Tấn Minh đang khoanh tay đứng ngoài cửa:

– Ba! Ba đến hồi nào sao không vào?

– Ba sợ làm con “mất hứng” đó mà.

Anh cười toe:

– Có gì đâu ba. Cười để xả stress thôi mà ba.

– Vậy mà ba cứ tưởng mới trúng được hợp đồng nào chứ.

– Ba này! Chuyện làm ăn thì từ từ cũng xong mà.

Ông bước lại chiếc ghế giám đốc, ngồi xuống và xoay một vòng:

– Con thấy làm giám đốc thế nào?

– Thế nào là thế nào hả ba?

Ông chợt mỉm cười:

– Ba hỏi vậy thôi chứ ba biết con trai của ba là “số một” mà.

– Con là “số một” thì ba cũng là “number one” chứ bộ.

– Thì nhà mình thật có phúc nên mới có hai cha con mình đó.

Tấn Trường nhanh miệng:

– Người ta nói con hơn cha là nhà có phúc mà ba.

– Vậy ý con là ... con ... hơn.

– Dạ, không! Con đâu dám!

Ông nhìn anh nói ngay:

– Xem ra “đủ lông đủ cánh” rồi há. Chắc không cần ba nữa đâu, đúng không?

– Dạ, đâu có! Không có ba thì làm sao có con.

Ông vỗ vào vai anh khẽ nói:

– Vậy mà ba cứ tưởng giám đốc không cần ông già này nữa chứ.

Tấn Trường khéo nói:

– Cho dù ba có thành ông cụ .... già thì con cũng là con của ba mà.

Đưa mắt hướng sang những sản phẩm mỹ nghệ đang đặt trên chiếc ghế sô pha, ông lại gần xem:

– Chà! Xem ra, giám đốc của ba thật “có mắt” đó nha.

Tấn Trường hỏi theo:

– Ba thấy sao? Tuyệt chứ?

– Rất tuyệt! Đơn giản nhưng rất hợp với thị hiếu thẩm mỹ.

Thấy ông gật gù khen ngoại, Tấn Trường nói ngay:

– Con biết ngay ba sẽ thích mà.

– Những thứ này do ai làm vậy con?

Anh nói nhanh:

– Dạ, là của một cô gái.

Ông ngạc nhiên:

– Ba muốn gặp mặt cô gái đó. Con gọi cô ấy lên đây đi.

– Dạ, cô ấy không phải nhân viên của công ty mình ba à.

– Vậy sao! Ai mà tài thế nhỉ?

Tấn Trường mỉm cười thích thú:

– Con thấy cô ấy cũng thường thôi mà ba.

– Thường sao được hả con? Người ta tài như thế mà cho là thường sao được?

– Nhưng cô ta đâu có biết giá trị của sản phẩm do mình làm ra. Con chỉ tốn có chút bạc lẻ để mua chúng thôi à.

Ông Tấn Minh cảm thấy hơi khó hiểu:

– Sao lại như vậy? Không lẽ cô ta hiền vậy con?

– Cổ mà hiền gì, ba ơi? Là địch thủ của con mà ba bảo hiền.

Ông hiểu ngay ý anh:

– Bởi vậy nên mới ăn hiếp con người ta, đúng không?

– Con có ăn hiếp người ta gì đâu ba.

– Sao lại không! Con còn nói như vậy được sao?

Anh chống chế:

– Có gì đâu ba. Ai kêu cô ta không đòi giá lên làm gì.

– Nhưng mình là công ty lớn, con làm ăn như thế thì ra gì nữa.

Tấn Trường vẫn giữ ý mình:

– Con biết chứ ba nhưng với cô ta thì đúng là như thế.

– Ba không biết giữa hai đứa đã xảy ra chuyện gì nhưng công ra công, tư ra tư.

Anh hơi khó chịu:

– Tại sao ba vì một người không biết mặt mũi ra sao mà nói con như thế chứ?

Ông Tấn Minh giọng thẳng thừng:

– Nhưng ba thấy như thế là không ổn ... con ép người ta hơi quá rồi đó.

– Con nghĩ chuyện này có gì đâu mà ba lại nổi nóng với con như thế.

– Ba không nổi nóng, ba chỉ nói với con như thế thôi. Tùy con.

Ông Tấn Minh không ngờ con trai mình lại như thế. Nói rồi, ông hầm hầm gương mặt bỏ ra về. Ông không muốn hai cha con phải tranh luận vì bất cứ ai, bất cứ chuyện riêng gì.

Vừa mới ngồi xuống ghế, chợp mắt suy nghĩ lại một số chuyện. Tấn Trường chợt nổi nóng vô cớ. Ngoài cửa, tiếng gõ cửa dồn dập đến nổi inh tai mọi người.

– Từ từ! Ra ngay!

Bước vội ra mở cửa, anh hầm hầm gương mặt góc cạnh của mình khiến người ta phải lo sợ.

– Anh làm gì mà cứ như “ thiêu đốt” người ta vậy.

Cô nàng Khiết Ngân nũng nịu bước vào. Tấn Trường ngó lơ sang nơi khác:

– Anh có làm gì đâu.

– Nhìn anh cứ như “ông Táo” đang rực lửa, vậy mà nói là không có.

– Anh mà là “ông Táo” thì em sẽ là “bà Táo” chứ có gì đâu.

Khiết Ngân dẩu môi nói:

– Em có nói chịu là “bà Táo” hồi nào?

– Làm em nói đó nha. Anh không ép.

Cô nheo mắt nhìn anh:

– Bộ anh không biết “ông Táo” có tới “hai bà Táo” hả? Em không chịu đâu.

Tấn Trường khì cười một cách thoải mái:

– A ... thì ra là vậy! Không muốn anh có thêm ai khác chứ gì?

– Ai khác là ai? Anh có tin là em “cắt đứt dây chuông” với anh luôn không?

Tấn Trường như quên hẳn cơn giận khi có cô người yêu bên cạnh. Đúng là vị ngọt của tình yêu.

– Em đâu phải là Lan, còn anh đâu phải Điệp đâu mà “cắt đứt dây chuông”.

hả em?

– Vậy thì em “cắt đứt dây liên lạc” với anh luôn cho coi.

Tấn Trường mỉm cười:

– Không chịu làm “bà Táo” thì làm “bà Tám” đi. Anh thấy được đó em.

Khiết Ngân cong môi nói:

– Có tài chọc người ta quá ha.

– Anh có chọc em đâu. Là em chọc anh thì có.

– Em chọc anh gì chứ? Tự nhiên lại đổ cho em à.

Anh nhìn cô thân thương:

– Thì em chọc anh “buồn cười” chứ sao?

Khiết Ngân lại gần khẽ xoa xoa bóp bóp lên vai anh:

– Xem ra em cũng có tài quá há anh.

Tấn Trường gật gù:

– Tài ... lanh ... tài ... lẹ .... chứ gì?

– Ủa! Mà ai đã dám “kinh động” đến anh vậy? Anh nói em biết đi, em “xử”.

cho.

Tấn Trường mím môi:

– Em dám không? Người này anh còn phải sợ đó.

– Anh nói đi. Khiết Ngân này chỉ sợ trời sợ đất chứ chả có sợ ai cả.

Với một cô gái có cá tính mạnh như Khiết Ngân thì chuyện gì cô cũng nói được, nhưng làm thì ...

– Vậy anh nói à nghe. Là ... ba của anh đó.

Cô lấp lửng:

– Ba ... anh? Em ... em ...

– Còn đòi “xử” nữa thôi?

– Nếu vậy thì em xin ... thua.

Anh gằn giọng:

– Chuyện gì đâu không à, tự nhiên ba anh lại nói anh đủ chuyện hết. Thật là ... cũng tại “con tắc kè bông” kia.

Khiết Ngân ngạc nhiên hỏi:

– Bộ công ty mình có nuôi “tắc kè bông” hả anh?

Tấn Trường khẽ cốc nhẹ vào trán cô:

– Làm gì có!

– Vậy chứ sao?

Nói rồi, anh chầm chậm kể lại câu chuyện đầy lý thú với “cô nàng tắc kè bông” kia.

– Em thấy có tức không chứ?

– Cô ta đúng là ... sao lại dám ăn hiếp phu quân của em chứ?

Tấn Trường hơi lo lắng:

– Sao em chưa sang Nhật lo chuyện hợp đồng? Ba anh nói ...

– Em mới về có hai tuần này, hai tụi mình còn chưa ...

Anh gằn giọng nói ngay:

– Nhưng em về đây như thế, hai bác bên ấy sẽ lo cho em thì sao?

– Em nói là đi sang đây để bàn chuyện làm ăn mà.

Tấn Trường nhìn cô:

– Bên anh sắp có những mẫu mới, hy vọng là hai công ty sẽ hợp tác.

– Bây giờ em không muốn bàn chuyện đó ... em chỉ muốn ...

Nói rồi, cô ôm chầm lấy eo anh rồi liên tục trao cho anh những nụ hôn nóng bỏng, cuồng nhiệt.

Chợt ông Tấn Minh bước vào phá hỏng giây phút lãng mạn của họ.

– Ba xin lỗi ... ba để quên mắt kính nên trở lại lấy.

Ông vừa bước ra khỏi phòng, Khiết Ngân lại tiếp tục trao cho anh những vị ngọt của tình yêu.

Mới sáng sớm, Minh Dân đã chuẩn bị mọi thứ để mang vào thăm ngoại.

Nhìn anh hăm hở bước vào, bà ngoại Ba vui ra mặt:

– Dạ, chào ngoại!

Bà mỉm cười nói:

– Ngày nào cũng thưa rồi chào, ra rồi vô với ngoại chắc mệt lắm hả con.

– Có gì đâu mà mệt hả ngoại. Con khỏe như voi thế này mà ngoại nói.

Nói rồi, anh đặt chiếc cà-men lên kệ bàn, mỉm cười hớn hở. Ngoại ngạc nhiên hỏi:

– Hôm nay con lại trổ tài cho ngoại ăn món gì nữa đây?

Anh vui vẻ nói ngay:

– Ngoại có công nhận là ngày càng con nấu ăn ngon ... ngon không?

– Thì cũng nhờ ngoại cho nên con mới được gặp ông Táo hàng ngày đó chứ.

Anh ngạc nhiên:

– Ngoại này! Người tầm thường đâu có dễ gì được thưởng thức món ngon của con đâu.

Bà ngoại Ba gật đầu nói khẽ:

– Ờ ... vậy bà ngoại thật là có phúc, đúng không con?

Anh nhẹ đỡ bà dậy, rồi đưa ngay cho bà một tô cháo nóng hổi:

– Cháo cá lóc, rau đắng nóng hổi vừa thổi vừa ăn đây ... mời ngoại.

– Chà! Chưa ăn mà đã thấy ngon rồi nha!

Minh Dân khoe tài:

– Ngoại biết không con cá này nó bướng bỉnh lắm nha ngoại.

– Bướng bỉnh làm sao đâu, nói ngoại nghe coi.

Anh lên giọng kể lại:

– Con bắt được nó rồi cái nó cứ lung tung nhảy hết chỗ này đến chỗ khác, cũng may ...

Nói tới đây, anh buột miệng cười toe, ngoại đang ăn ngon lành chợt dừng lại hỏi:

– Rồi sao? Làm thế nào con bắt lại được?

Anh vừa nói vừa diễn tả:

– Nó đang nhảy lạch bạch, tự nhiên cái rồi bị “nốc ao”.

– Sao kỳ vậy? Nó bị gì hả con?

– Dạ, thì đang nhảy không nhìn trời, nhìn đất nhảy vô lửa ... “chết queo” luôn.

Bà ngoại không buồn cười vì chuyện con cá mà nghe cách anh kể bà không thể không cười:

– Hèn gì cháo cá lại thơm như vậy?

– Thơm gì hả ngoại?

– Thì chẳng phải nó bị nướng trước rồi mới nấu cháo sao con?

Anh chợt gật gù:

– Ạ .... vậy là cháo cá lóc nướng trui phải không ngoại?

– Chỉ có con mới có thể làm những món “lạ” này thôi đó.

Nhìn bà thật lâu, anh ngạc nhiên hỏi:

– Hôm nay ngoại có gì đó cũng “lạ” à nha.

– Ngoại ăn món “lạ” của con thì phải “lạ” thôi.

Anh tò mò hỏi thêm:

– Ngoại nói con biết đi? Ngoại có sao không ngoại?

– Ngày mai là ngoại sẽ không còn được thưởng thức tài nghệ của con nữa rồi. Con lấy thêm cho ngoại đi Dân.

Minh Dân cảm thấy lạ, anh hỏi:

– Có phải ngoại chê con nấu ăn tệ hơn vợ thằng Đậu nên ...

– Cái thằng này! Làm gì có!

– Chứ sao ngoại nói vậy?

Bà nhìn anh ấu yếm, một ánh mắt thật hiền hậu làm sao:

– Ngày mai, ngoại sẽ về nhà đó con.

– Bộ ngoại định “trốn viện” về nhà hả ngoại? Ngoại không sợ bác sĩ ...

Bà nói vui theo anh:

– Ngoại không sợ. Bộ con sợ hả Dân?

Anh lắp bắp:

– Nhưng ngoại đã khỏe đâu mà về.

– Sao lại không? Ngày mai bà được xuất viện rồi mà.

Minh Dân vẫn còn hơi ngờ ngợ:

– Thật hả ngoại? Ngoại đừng “trốn viện” nha ngoại.

– Ờ ... cái thằng này! Con làm như ngoại thích trốn viện vậy.

Anh gãi đầu chần chừ:

– Vậy là ngày mai ngoại được tự do rồi nghen.

Bà cười:

– Ngoại mừng còn hơn được giải phóng nữa đó con.

– Ngoại mừng, con cũng mừng nữa.

– Con mừng vì khỏi phải vất vả nữa phải không?

Anh ngại ngần đáp:

– Dạ, đâu có. Con thấy ngoại khỏe nên con mừng vậy thôi.

Hai bà cháu với hai gương mặt nhưng đều có chung tâm trạng vui sướng thật khó tả.

Bà ngoại Ba đang chuẩn bị thu dọn mọi thứ. Khi biết ngày mai được xuất viện, bà mừng không thể nói. Nỗi nôn nao trong lòng bà làm cho mọi thứ cứ đảo lộn hẳn lên.

– Ngoại! Bộ ngoại định thu dọn hành lý chuyển phòng hả ngoại? - Út Nhỏ vào tới, cô ngạc nhiên hỏi.

Bà ngước mắt lên nhìn cô, nói:

– Út Nhỏ hả? Ngoại chuẩn bị thu dọn đi ...

– Ngoại đi đâu? Không lẽ ngoại trốn viện sao?

Bà đưa tay lên miệng ra hiệu nói khẽ:

– Con nói nhỏ thôi ... làm gì mà xanh mặt, xanh mày vậy?

Út Nhỏ chưng hửng ra mặt:

– Sao lại trốn viện vậy ngoại?

– Nhỏ này! Sao cứ nói ngoại trốn viện hoài vậy?

Cô khẽ hỏi:

– Vậy chứ sao ngoại dọn đồ?

Bà ngoại vừa nói vừa mừng:

– Ngoại được ... ra viện mà.

Út Nhỏ mừng rỡ, hét lớn:

– Ngoại ra viện? A ... a ...

Hai bà cháu ôm nhau la hét, mọi người đều dồn ánh mắt nhìn hai bà cháu:

– Suỵt nhỏ thôi con!

Út Nhỏ cười cười:

– Tại con mừng quá đi.

– Con làm mọi người nhìn mình kìa.

Út Nhỏ nhìn xung quanh, cô mỉm cười vu vơ rồi chợt nhăn nhó lên:

– Ui ... da ... da ...

– Sao vậy con?

Cô méo mó, lắp bắp giọng:

– Con ... đau bụng.

– Ăn trúng cái gì rồi phải không con? Hay là bị ....

– Con bị “Tào Tháo” đuổi từ sáng giờ.

Bà ngoại đưa cho cô chai dầu gió xanh. Bà khẽ hỏi:

– Con đau dữ không Út Nhỏ? Để ngoại thoa dầu cho con nha!

– Dạ, không sao đâu ngoại. Con ... con ... đi ...

Nói rồi, cô nhanh chân ôm bụng chạy ngay vào toa-lét. Một lúc sau, cô bước ra, vừa chậm chạp bước từng bước, vừa lầm bầm:

– Ôi! Sao lại thế này? Bủn rủn tay chân hết rồi!

Minh Dân nhìn cô, cười:

– Khỏe chưa Út Nhỏ?

Cô dẩu môi nói chậm rãi:

– Khỏe gì ... nổi mà khỏe. Không thấy sao?

Bà ngoại nói khẽ với cô:

– Lại đây, ngoại thoa dầu cho nè, Út Nhỏ.

Như chợt nhớ ra, Út Nhỏ chợt lên giọng nói:

– Không lẽ con ăn trúng món chè đậu xanh nước cốt dừa của anh Dân ...

– Thôi nha! Không có chuyện “đổ thừa” đâu nha!

– Thật mà!

Minh Dân khẽ nhìn ngoại:

– Chè đậu xanh hôm qua con nấu cho ngoại mà ... sao Út Nhỏ lại ...

Bà hiền giọng:

– Ờ, thì hôm qua bà không có ăn, Út Nhỏ lại nên bà đưa cho nó.

Út Nhỏ nheo nheo đôi mắt to tròn lại nhăn nhó:

– Anh Dân “chơi xấu” quá đi.

– Ai kêu Út Nhỏ “tham ăn” quá làm gì.

– Hứ! Tại bỏ ... phí nên người ta mới giúp giùm thôi mà.

Anh cười:

– Phải không đó? Chứ không phải chè ngon nên mới xơi nhiều sao?

Cô hếch mũi:

– Làm gì có ... Ôi ... da ... da ...

Bà ngoại kéo ta cô lại gần:

– Đau lắm hả con? Đáng lẽ là ngoại đau mới phải ...

– Sao ngoại lại nói vậy? Ngoại mà đau thì con xử anh Dân cho ngoại xem.

Minh Dân mỉm cười:

– Tại cái “bụng” em “xấu” đó, chứ anh cũng ăn mà có sao đâu.

Út Nhỏ lí nhí nói:

– Ý anh Dân là cái “bụng” anh “tốt” chứ gì?

– Còn phải nói? Ai như em ...

– Phải không đó?

Bà ngoại mỉm cười khi nghe họ tranh luận. Bà chắc giọng nói:

– “Cái bụng” hai đứa đều “tốt” cả, chỉ có “cái bụng” của ngoại là ...

Út Nhỏ ngắt lời bà:

– Là ... “số một” luôn phải không ngoại?

Minh Dân chọc cô:

– Hay tại Út Nhỏ nói ... nhiều quá, gió vô ... đau bụng đó.

– Em có nói gì đâu mà anh Dân nói em nói nhiều?

– Ờ, đâu có nói ... mà anh nghe muốn “ngộp” luôn rồi nè.

Không khí bệnh viện đông vui hẳn lên. Ba bà cháu đã mang đến tiếng cười thật hạnh phúc cho mọi người xung quanh.

Con đường quen thuộc hàng ngày chợt trở nên xa lạ hẳn ra. Về đến nhà mình mà hình ảnh anh chàng giám đốc kia cứ hiện lên trong “bộ nhớ” của cô.

Thật là dễ ghét mà.

– A! Tiểu Bi! Mi về rồi à?

Tiểu Bi phụng phịu lê từng bước chân chậm chạp:

– Ờ ... thì về chứ ở đó làm chi.

– Sao mi lại về sớm thế? Thành công rồi, đúng không?

Nhìn Lan Nhi vui ra mặt khiến lòng cô đau như thắt:

– “Thành công” gì chứ? “Thành quạ” thì đúng hơn.

Lan Nhi chưng hửng nhìn cô:

– Là sao? Mi đừng có nói “đen” như thế!

– Thì ta cũng đang “đen” như “cò quạ” nè.

– Rồi ... hiểu luôn! Có chuyện gì, đúng không?

Tiểu Bi đang tiu nghỉu chợt hầm hầm gương mặt:

– Cái đồ đáng ghét mà.

Lan Nhi đứng phắt dậy nói nhanh:

– Sao lại nói ... ta đáng ghé chứ? Ta có làm gì đâu?

– Nhỏ này! Thường ngày mi thông minh lắm mà?

– Tất nhiên, Đó là sự thật mà nhưng ...

Lan Nhi nói như hiểu ý:

– Vậy cũng nói.

– Thế rồi, Tiểu Bi uống ngay một ngụm nước rồi từ từ kể lại cho Lan Nhi nghe. Cô nàng cũng tức không thể ngờ.

– Sao? Mi nói anh ta là giám đốc hả?

Tiểu Bi gật đầu lia lịa:

– Ờ ... thật đó.

Lan Nhi thở dài:

– Không lẽ mi có duyên với anh ta ... dữ vậy sao?

– Ta nghĩ ta “mắc nợ” anh ta thì có. Biết vậy ...

Lan Nhi hỏi ngay:

– Bộ mi hối hận về những gì đã gây ra cho anh ta sao?

Tiểu Bi hếch mũi nói:

– Ta còn muốn cho anh ta phải “vừa cười vừa khóc” nữa kìa.

– Tiếc là lúc đó ta không giúp được gì cho mi. Tội nghiệp mi quá đi.

Tiểu Bi nhíu mắt nói:

– Nhìn vẻ mặt đắc ý của anh ta thật là dễ ghét mà.

Lan Nhi nói thêm:

– Bộ tưởng làm giám đốc thì ngon lắm sao?

– Nhưng mình biết làm gì hơn, tại người ta là giám đốc mà.

– Nhưng ép người như thế thật là ... khó coi mà.

Tiểu Bi mím môi:

– Ai biểu mình chọc anh ta trước làm gì?

– Nhỏ này! Đừng nói là “nản chí anh hùng” rồi nha.

– Đâu có! Tại ta không muốn liên quan đến anh ta nữa chứ bộ.

Lan Nhi tiếp lời cô:

– Vậy mà ta cứ tưởng mi định làm ... “anh hùng giấy” chứ?

– Tại anh ta chưa biết chuyện mình xì bánh xe của anh ta, chứ nếu không thì ...

– Thì mi không “toàn vẹn” trở về chứ gì?

Tiểu Bi mỉm cười:

– Xem ra, tụi mình “đụng” phi thứ thiệt rồi đó.

Lan Nhi vênh mặt nói:

– Ta không cần biết anh ta là thứ thiệt hay thứ gì. Ta chỉ muốn cho anh ta một bài học thôi mà.

Tiểu Bi chọc cô:

– Đó! Bộ mi không thấy ta vừa được một bài học đó hả?

– Thấy! Nhưng thất bại ... là mẹ thành công mà.

– Ta cũng biết chứ. Nhưng biết đến khi nào ta mới thành công đây chứ?

Lan Nhi sờ trán cô:

– Có phải mi không vậy? Làm gì mà như mất hết sức sống vậy?

– Ta cũng không biết tại sao nữa. Ta ... ta ...

Lan Nhi véo nhẹ vào má cô:

– Chắc tại ... anh ta làm mi “sợ” đúng không?

– Ai sợ anh ta hồi nào?

– Không sợ thì phải “kiên cường” lên chứ?

Tiểu Bi chậc lưỡi:

– Mi nói hay thật đó. Làm như ...

– Ta cò làm gì đâu, mà ta ... “đói” đó.

– Mi muốn đi đâu “xơi” đây?

Lan Nhi reo la:

– A ... Tiểu Bi đúng là hiểu ý bạn bè ghê nha.

– Đi xả xui thôi mà, chứ ta không có lòng hảo tâm đâu nha.

Vừa đi hai nàng vừa reo vang khẩu hiệu:

– Cố lên! Cố lên ...

Và mong là điều tốt lành sẽ đến vơi họ.

Ông Tấn Minh từ trên lầu bước xuống rồi lại đi tới đi lui trong phòng khách. Nhìn vẻ mặt của ông lúc này ai cũng có thể nhận ra ông đang lo lắng chuyện gì đó.

– Ba! Ba cứ đi tới đi lui hoài, con chóng mặt lắm luôn rồi đó.

Ông quay người lại nhìn Tâm Giao chăm chăm:

– Ba đâu có nói con phải ra đây nhìn ba mà than với thả hả?

– Dạ .... thì không! Nhưng sao ba lại đi tới đi lui thế này?

Ông thẳng giọng:

– Ba có việc ...

– Việc gì vậy ba? Mà sao con thấy “mệt” cho ba giùm đó.

– Ờ ... thì ba đang tập vẫn động mà. Có “mệt” gì đâu.

Tâm Giao mỉm cười:

– Con nhớ là lúc sáng ba tập thể dục rồi mà.

– Tập rồi, tập nữa có sao không?

– Thì ... tốt thôi. Ba thật là ...

Ông gằn giọng hỏi:

– Con định nói ba thế nào? Đừng có ngồi đó chỉ huy như huấn luyện viên của ba chứ?

Tâm Giao đứng bật dậy, cô gãi gãi đầu:

– Con đâu dám làm huấn luyện viên của ba. Tại con thấy ba thật là ... “tài”.

nên ra xem thôi mà.

Nói rồi, cô định bước vào nhà bếp nhưng ông Tấn Minh gọi giật lại:

– Tâm Giao! Con có biết anh Hai con đi đâu mà giờ này vẫn chưa về không?

Cô ngạc nhiên trả lời:

– Ba tìm anh Hai hả ba? ảnh ...

Ông nói nhanh:

– Ba chỉ hỏi cho biết vậy thôi. Nếu con không biết thì thôi.

– Ba tìm anh Hai thì cứ lên phòng ảnh mà tìm. Ảnh ... đang ở trên đó đó.

Ông Tấn Minh hỏi tiếp:

– Bộ anh Hai con về rồi sao? Có chắc không đó? Sao ba không thấy?

– A ... thì ra là nãy giờ ba đi tới đi lui là để chờ anh Hai về.

– Con lên phòng nói anh Hai xuống đây gặp ba.

Tâm Giao vừa đi vừa quay mặt lại nhìn ông nên chẳng chú ý đến phía trước có gì.

– Hù!

– Anh Hai ... làm người ta suýt ngất rồi nè.

Tấn Trường nheo mắt hỏi:

– Đi đâu mà không nhìn trước, nhìn sau vậy?

– Thì ... đi tìm anh chớ gì? Ba gọi anh kìa!

Tấn Trường chậm rãi bước lại gần ông:

– Ba tìm con có chuyện gì vậy ba?

Ông nhìn thẳng vào mắt anh:

– Con về hồi nào sao không sang phòng ba?

– Con cũng mới về thôi mà ba. Hai cha con mình gặp nhau từ lúc mặt trời mọc rồi đến mặt trời lặn luôn đó.

Ông nghiêm giọng:

– Con còn nói với ba như thế hả? Bộ ba không nói chuyện với con được sao?

Tấn Trường biết ngay ông đang có chuyện gì muốn nói với anh. Anh gạn hỏi:

– Ba cứ nói đi, con nghe.

Ông nghiêm mặt nói:

– Con cũng biết ba định nói chuyện gì, đúng không?

– Con không biết mình đã làm gì khiến ba buồn, ba cứ nói con ...

– Còn hỏi chuyện gì nữa sao? Ba không muốn chuyện riêng cứ đem vào công ty.

Tấn Trường hiểu ngay:

– Dạ, con hiểu nhưng mà ...

– Ba còn chưa nói đến chuyện con ép giá người ta. Rồi lại còn yêu yêu ...

thương thương trong công ty nữa chứ.

– Chuyện cô gái kia là tự cô ta muốn bán sản phẩm cho mình còn chuyện ...

Ông nói ngay:

– Chuyện đó chẳng tốt đẹp gì đâu.

Tấn Trường cau mày:

– Ba thật là ... lạc hậu. Ba nhìn người nước ngoài mà xem.

– Ba là vậy đó. Mình là mình, người ta là người ta, sao lại so sánh như vậy.

Anh suy ngẫm thật lâu rồi nói:

– Con sẽ làm theo ý ba.

– Ba nghĩ con nên xem lại mình đi. Dạo này ba thấy con hơi thay đổi rồi đó.

– Con biết mình đang làm gì mà ba.

Ông nói lặp lại:

– Ba không muốn có chuyện tương tự xảy ra trong công ty như thế nữa. Con hiểu ý ba chứ?

Tấn Trường chợt thay đổi hẳn nét mặt. Anh thoáng suy nghĩ về những điều ông vừa nói. Có lẽ anh đã thay đổi như lời ông nói chăng?

– Dạ, con hiểu. Sẽ không có chuyện đó xảy ra.

Ông trầm giọng:

– Ba nói như thế không làm con khó xử chứ?

– Có gì đâu ba. Là con sai mà.

Ông Tấn Minh khẽ gật gù khi nghe con trai mình nói thế. Còn với Tấn Trường, không biết anh nghĩ gì mà lại nói những điều như thế.

Tại quán ăn “Ngon Miệng” thực khách cảm thấy thật dễ chịu ngay từ cái tên “Ngon Miệng”. Ở thành phố này không dễ gì tìm được một quán ăn bình dân ngon như thế.

– Ôi, chu choa! Nhìn đã phát thèm ăn rồi nha.

Nhìn hai tô bún bò Huế nóng hổi, khói bốc lên nghi ngút làm hấp dẫn những ai chưa được thưởng thức nó.

– Ai mà chẳng biết Lan Nhi là người sành ăn số một mà, đúng không?

Lan Nhi mỉm cười:

– Mi quá khen rồi đó.

– Đúng là như vậy mà ... Thôi ăn đi, nói nhiều quá.

Lan Nhi đưa ngay vào miệng một muỗng thật đầy. Cô hít hà:

– Sao cay quá vậy ta?

Tiểu Bi cười toe:

– Vậy mới gọi là bún bò Huế chứ? Nếu không cay thì ai muốn gọi bún bò gì mà chẳng được.

– Không hiểu sao người Huế hay ăn cay thế nhỉ?

Tiểu Bi chọc cô:

– Mi đi mà hỏi người ta kìa.

– Không lẽ chạy đi hỏi:

chị ơi sao chị lại ăn cay thế? Chắc lúc đó ta bị người ta cho ăn roi luôn quá.

Tiểu Bi cười như chưa được cười bao giờ:

– Mi thật là có khiếu ... đó nha.

– Nhìn mi cười là ta biết mà, ta không phải là “anh hề” đâu đó.

– Thì mi là ... chị hề chịu chưa?

Lan Nhi nhớ lại:

– Hình như lúc trước mi có nói ở quê mi có món bún riêu cua, đúng không?

Tiểu Bi gật đầu:

– Ờ, thì có. Mà sao?

– Nó cay giống như món này không?

Cô khì cười:

– Không! Nhưng tô đặc biệt thì có.

– Mi nói gì mà lạ vậy? Lúc có lúc không, ta chẳng hiểu gì cả.

Tiểu Bi thở ra thật mạnh:

– Thì tô đặc biệt của anh chàng giám đốc đó, mi nhớ chưa?

Lan Nhi la ré lên:

– A ... nhớ rồi! Nhưng mà ta không thích cái tô đặc biệt đó đâu nha.

– Thôi, lo ăn đi, nguội hết rồi kìa.

Tiểu Bi chợt im bặt tiếng, còn Lan Nhi vừa ăn vừa hít hà. Chợt cô nàng tròn mắt nói không nên lời:

– Nhìn ... nhìn ...

Tiểu Bi ngước mặt lên hỏi:

– Ngon mà ... bộ mi ăn cay không quen hả? Tô của mi hết ớt rồi khỏi nhìn.

– Không phải ... nhìn kìa.

Đưa mắt hướng theo tay cô, Tiểu Bi chợt hốt hoảng:

– Có phải không vậy? Oan gia ngõ hẹp ... hẹp dữ vậy nè.

Lan Nhi tụm đầu vào cô:

– Mi không phải lo. Để ta!

– Mi định bày trò gì nữa? Thôi đi, mình tha cho hắn đi, nhỏ ơi.

– Tha sao được mà tha. Anh ta tự “sa vô hũ nếp” chứ bộ.

Tiểu Bi xua tay:

– Nhưng mà ta đã nói là không muốn liên quân đến anh ta nữa mà.

Lan Nhi nói vô:

– Bộ mi không nhớ vẻ mặt dễ ghét của anh ta sao?

– Nhớ ... thì sao, mà không nhớ thì sao?

– Vậy mi có muốn nhìn vẻ mặt nhăn như khỉ của anh ta không?

Tiểu Bi cười cười:

– Muốn ... nhưng mà lần này ta không hành động được không?

Lan Nhi búng tay cái tách:

– OK! Mi chỉ việc ngồi yên mà xem khỉ làm xiếc nè.

Nói dứt câu, Lan Nhi tiến hành theo kế hoạch cô đã suy nghĩ. Kéo nhẹ chiếc ghế, cô khẽ giọng:

– Xin lỗi, tôi có thể ngồi cùng bàn với anh không?

Tấn Trường lịch sự:

– Cô cứ tự nhiên.

– Ủa! Mà anh đi có một mình hả?

– Vậy chứ cô đi mấy mình?

Lan Nhi nhanh miệng:

– Tôi ... đi với ... à, không! Một mình, cũng không sao. Mà anh đang ăn gì vậy?

– Tôi chưa gọi nhưng nếu cô thích thì mình cùng gọi.

Lan Nhi khoát tay:

– À, không! Tôi không ăn! Anh tự nhiên đi. Mà anh ăn gì tôi gọi cho?

Tấn Trường ngạc nhiên:

– Cô không ăn sao lại đến đây làm gì?

– Tôi ... tôi chưa đói. Chút nữa đói tôi sẽ gọi mà.

Tấn Trường không khách sáo. Anh đang đói nên tô phở bò nóng hổi vừa đem ra, anh đang cầm ngay:

– Vậy tôi ăn trước nha!

Lan Nhi nói nhanh:

– Khoan đã! Anh có thể ... sang bên đó lấy giùm tôi bảng thực đơn, được không?

Anh chàng chỉ bước vào bước, nhưng khi quay mặt lại thì cô gái kia cũng đã biến mất. Anh ngồi xuống bàn rồi từ từ thưởng thức ...

– A ... cay ...

Biết ngay mình bị lừa, anh liền đứng phắt dậy. Vừa cay, vừa tức ... càng tức thì càng ... cay ...

Ra khỏi cổng Lan Nhi tỏ ra đắc thắng về kế hoạch tuyệt hảo của mình.

Mọi chuyện có vẻ đã thành công tốt đẹp và anh chàng kia có dịp làm trò hề cho hai cô nương thưởng thức.

– Mi thật là giỏi đó nha!

– Cũng thường thôi mà.

Tiểu Bi nói thêm:

– Không biết anh ta thế nào rồi há?

– Mi lo cho anh ta thì quay trở lại đi.

– Ta chưa muốn bị “xử” đâu. Lại đó cho bị hắn “trả chiêu” hả?

Lan Nhi chọc cô:

– Vậy mà ta cứ tưởng mi lo cho hắn ta chứ!

– Tưởng ... gì? Mi chỉ có tài tưởng ... voi thì có.

– Nhìn mặt hắn lúc đó thật giống con khỉ dể sợ.

Tiểu Bi cũng cười tít mắt:

– Nếu có xe đạp, ta đưa hắn làm xiếc rồi. Tiếc thật!

– Ờ, tiền bán vé không cũng đủ cho hai tụi mình ăn cả chục tô bún bò rồi há!

Tiểu Bi ngoái cổ ra phía sau nhìn:

– Không biết anh ta có đuổi theo mình không nhỉ?

Lan Nhi chu môi nói:

– Nếu đi “trâu già” của ta thì khỏi phải lo rồi.

– Ở, cũng may là “con ngựa trời” của ta ở nhà, chứ nếu không thì khó mà thoát à.

– Mi yên tâm đi. Anh ta có cánh cũng không tìm được mình đâu.

Tiểu Bi nói vui:

– Không biết giờ này anh ta đang ra sao há? Chắc chắn là anh ta sẽ quậy mấy đầu bếp cho coi.

Lan Nhi nói khẽ:

– Mi nhắc anh ta làm gì? Chắc là anh ta vừa đi vừa thè lưỡi ra cho đỡ cay đó.

– Mà mi cũng quá lắm đó. Cho vài muỗng thôi, tự nhiên cho cả hũ ớt luôn.

– Mi xót ruột hả? Anh ta ăn chứ mi có ăn đâu mà nói.

Chiếc xe đang từ từ chuyển bánh, thì ngay lập tức chiếc SH nâu đỏ từ phía sau vượt lên chặn ngay xe hai nàng lại:

– Xin chào!

– Lan Nhi! Sao mi lại chào anh ta? Bộ mi quên anh ta là ai hả?

Tấn Trường đưa tay ra chặn, anh hét lớn:

– Xuống xe! Tấp vào lề!

Lan Nhi vênh mặt:

– Anh đâu phải là cảnh sát giao thông đâu mà ra lệnh như thế hả?

Anh gằn giọng:

– Tôi có chuyện muốn nói với hai cô. Hai cô có nghe không vậy?

Lan Nhi nói khẽ:

– Tiểu Bi! Ôm chặt ...

Tiểu Bi hiểu ý, cô siết chặt eo cô. Tấn Trường tinh mắt, anh nhảy vô. Lan Nhi chưa kịp rồ ra thì cả ba đã ngã lăn ra đường.

– Hai cô định bỏ trốn hả? Đâu có dễ!

Tiểu Bi đau muốn tóe lửa, nhưng thấy Lan Nhi nằm bất động, cô lo lắng:

– Lan Nhi! Mi có sao không vậy?

Cô nàng vẫn cứ nằm im thin thít. Tấn Trường lại gần nói:

– Để tôi xem ... tôi cũng là bác sĩ nghiệp dư đó nha.

Anh chàng không chần chừ nắm lấy tóc mai của cô nàng giật thật mạnh:

– Anh làm gì mà mạnh tay quá vậy?

Tiểu Bi khẽ hỏi:

– Mi không sao chứ?

– Không sao!

Tấn Trường nhìn hai cô như muốn tóe lửa:

– Định bày trò gì nữa đây? Lần này không dễ đâu nhá.

Lan Nhi lớn tiếng nói:

– Anh bày trò thì có. Nếu tụi này không có võ thì đã bị anh làm “tan xương”.

rồi.

– Cô tưởng tôi không biết hả? Cô có hóa ra tro thì tôi cũng nhận ra cô mà.

Tiểu Bi kéo tay Lan Nhi:

– Mặc kệ anh ta. Mình đi thôi.

– Ai cho hai người đi. Sao cô lại dám nói bạn mình trả thù tôi chứ?

Lan Nhi chen vô nói:

– Là tôi làm. Tiểu Bi không có.

– Hai người đoàn kết quá nhỉ. Vậy thì cùng lên đồn công an với tôi.

Tiểu Bi nhẹ giọng:

– Anh có cần làm như thế không?

– Cần chứ! Tôi làm như thế đó thì sao?

Lan Nhi nói lại:

– Vậy thì đi. Tự nhiên người ta đang chạy xe, anh nhảy vô làm trầy xe hết rồi, chưa kể tội anh cản trở giao thông nữa kìa.

Tấn Trường khoanh tay, nhịp chân:

– Nếu hai cô không chọc phá tôi trước thì đâu có chuyện gì xảy ra.

– Tôi chọc anh thì tôi sẽ đền. Còn chuyện anh tông vào xe tôi thì anh phải ...

đền lại. OK?

Tiểu Bi thích thú:

– Như thế thì nhẹ cho anh rồi còn gì.

Tấn Trường nghĩ thầm:

– Phen này hai người không thoát khỏi tay tôi đâu.

Tấn Trường chẳng hiểu vì sao cô gái kia lại đụng độ với anh như thế. Nhưng lần nào anh cũng bị bại trận. Còn lần này ...

Không khí của bệnh viện thật vắng lặng. Có thêm ba người mà náo nhiệt hẳn lên. Nhất là lan Nhi, cô nàng cứ nhất định không chịu tha cho anh ta.

– Bác sĩ à! Tôi bị nặng lắm đó. Bác sĩ khám kỹ kỹ nha.

Tiểu Bi kề sát tai cô nói:

– Mi đừng có làm quá như thế, không khéo lại phải nằm lại ở đây luôn à.

Cô hếch mũi:

– Như vậy thì càng tốt chứ sao? Ta muốn cho hắn ta biết thế nào là chọc tổ ong.

– Mi là tổ ong đó hả? Vậy sao không cho anh ta một bài học đi.

Tiểu Bi cằn nhằn:

– Chọc người ta mà người ta không sao còn mình thì vô bệnh viện.

Lan Nhi dẩu môi nói ngay:

– Mi còn nói ... ta đau muốn xỉu rồi nè.

Tiểu Bi nhăn nhó:

– Sao vậy? Mi mà có làm sao ta đền chắc không nổi đâu.

– Ai mượn mi đền. Là anh ta làm mà.

– Ta đã nói là đừng liên quan đến anh ta nữa mà.

Lan Nhi lầm bầm:

– Anh ta đúng là ... con quạ đen xấu xí mà.

– Mi mà còn nói nữa là anh ta cho mi thành con khỉ khô luôn đó.

– Sao lại là khỉ khô.

Tiểu Bi nói chậm rãi:

– Mi ... cho anh ta ăn ớt ... thì bây giờ anh ta đòi cho mi ăn ớt lại kìa.

Lan Nhi rên rỉ:

– Mi cũng biết là ta không ăn cay được mà.

Tiểu Bi đưa mắt nhìn xung quanh:

– Ủa! Mà anh ta đi kiểm tra miệng sao lâu quá vậy ta?

– Không biết có chuyện gì không nữa. Ảnh mà có gì chắc ta cũng như thế thôi.

Tấn Trường khoanh tay đứng tựa lưng vào tường:

– Hai cô tính sao? Đừng nói là dám làm mà không dám chịu nha.

Lan Nhi cứng cỏi:

– Ai nói không dám chịu hồi nào? Ai làm thì người đó chịu, sợ anh hả?

Tiểu Bi tò mò:

– Anh không sao chứ?

– Cô nghĩ tôi có sao không? Bị ăn phải cả kí lô ớt mà nói là không sao hả?

Lan Nhi thở dài:

– Thôi ... tiêu rồi.

Tấn Trường nhanh miệng:

– Cô không phải ăn tiêu đâu, tôi vừa mua một kí lô ớt kia kìa.

– Hả! Một kí lô? Sao ít vậy?

– Vậy tôi sẽ mua thêm.

Lan Nhi hét lớn:

– Bộ anh định ... mua hết ớt ngoài chợ luôn đó hả?

– Tôi mua chứ cô có mua đâu mà lo.

Tiểu Bi lên tiếng nói:

– Cũng đâu có cần mua nhiều như thế chứ?

– Cần sao không? Nếu ăn không hết thì tắm với ớt cũng tốt mà.

– Cái gì? Tắm ... anh nghĩ sao mà đối xử với chúng tôi như thế?

Lan Nhi khóc rưng rưng:

– Anh làm như thế coi chừng không có con trai để nối dõi đâu đó:

Anh cười phì:

– Sợ rồi sao? Mới bắt đầu trò chơi thôi mà.

Lan Nhi tức tối:

– Anh mau đưa đây! Bộ tưởng tôi sợ anh sao?

Tấn Trường bước lại gần, anh vừa lắc đầu vừa nói:

– Không cần cô phải ăn.

– Tôi biết mà. Anh là người tốt, đúng không?

Anh chỉ tay vào Tiểu Bi:

– Cô ...

– Tôi làm sao?

– Cô sẽ ăn hết số ớt này.

Tiểu Bi đứng chôn chân một chỗ, giọng run lên:

– Là ... tôi? Sao lại là tôi hả?

– Tôi thích như vậy đó thì sao?

Tiểu Bi nhìn anh bằng ánh mắt tóe lửa:

– Đúng là ... dễ ghét mà.

Anh chắc giọng:

– Tôi đã có lòng đưa hai cô vô đây kiểm tra là tốt lắm rồi đó. Cô muốn gì nữa? Còn không mau ...

– Vậy tôi xin cám ơn lòng tốt của anh nha. Anh thật là tốt đó.

Tiểu Bi định bước lại rổ ớt đỏ tươi kia thì anh chàng liền nhanh tay lấy ngay.

– Thôi đi! Cô định bắt đền tôi đến khi nào mới thôi hả?

Tiểu Bi tròn xoe đôi mắt:

– Vậy là sao?

– Cô ăn hết số ớt này không biết tôi phải đưa cô đến đâu nữa.

– Xem ra, anh cũng không đến nỗi không có con trai, đúng không?

Anh hơi quê:

– Mong là chúng ta sẽ không có duyên làm ông sui, bà sui ...

Lan Nhi mỉm cười:

– Vậy mà anh làm tụi tôi suýt ngất hết rồi nè.

– Cô yên tâm đi. Đây là bệnh viện mà.

Nhìn anh ta bước đi không một lần nhìn lại, cũng không một lời chào mà hai nàng đều ngẩn người. Đúng là ... dễ ghét mà.

Từ trên lầu bước xuống, vừa đi vừa huýt sáo vang, Tấn Trường vui ra mặt.

Anh diện cho mình một chiếc quần kaki trắng cùng chiếc áo sơ mi sọc ca rô trắng đen thật ấn tượng.

– Chào Tâm Giao!

Cô đang đọc sách nhưng nghe giọng thích thú liền gạn hỏi:

– Anh Hai đi đâu mà diện quá vậy.

– Anh đi công chuyện.

Tâm Gao đưa mũi hít thật lâu:

– Đi công chuyện mà cũng thơm quá há.

– Nhỏ này! Tặng người ta không xài cũng nói, mà xài cũng nói là sao?

Cô ngạc nhiên hít mạnh một hơi thật dài:

– Ủa, vậy hả! Đây là chai nước hoa em tặng anh hôm sinh nhật đó hả?

Anh hếch mũi:

– Chứ còn gì nữa? Tặng nước hoa mà cũng sến nữa.

– Không dám đâu! Tháng lương của em đi đứt luôn đó.

– Vậy em thấy thế nào?

Cô nói nhanh:

– Tất nhiên là hàng hiệu rồi.

– Không ... phải nước hoa, mà là anh ...

– Anh hả? Anh Hai là OK mà.

Tấn Trường ngồi phịch xuống cạnh bên cô:

– Phải vậy chứ.

– Anh Hai đi chơi với bà Cát Tiên, đúng không?

Anh véo mũi cô một cái thật đau:

– Đoán mò ... nè!

– Vậy chứ anh Hai đi đâu? Ai kêu không chịu nói.

Anh nghiêm giọng:

– Anh ra sân bay tiễn một người bạn.

– Là bà Cát Tiên chứ gì?

– Ờ, lần này chính xác rồi đó.

Tâm Giao hốt hoảng:

– Đưa tiễn người yêu mà vui vẻ ghê há.

– Vậy chứ sao? Em đừng có sến quá như vậy.

Cô dẩu môi nói:

– Ít ra cũng phải khóc thút thít như vậy nè.

Nhìn cô em gái diễn tả mà anh bật cười thật to:

– Em làm như anh Hai đang đóng cải lương không bằng.

Bà Giao Mai từ trên lầu bước xuống, nghe tiếng anh cười, bà hỏi:

– Đứa nào đòi đóng cải lương đó?

Tâm Giao nhanh miệng:

– Mẹ! Là anh Hai đó mẹ. Mẹ thấy anh Hai làm được không mẹ?

Bà cười:

– Mẹ nghe cải lương là mẹ khoái liền à. Anh Hai con mà đóng mẹ càng khoái chứ sao.

Tấn Trường gãi đầu:

– Hai người chọc con. Vậy thôi, con đi đây.

Bà gằn hỏi:

– Đợi mẹ vào lấy cái túi quà đã.

– Mẹ đi đâu? Con ... đi ...

Tâm Giao lí nhí:

– Mẹ nói em vô gọi anh Hai xuống chở mẹ đi chùa mà em quên nói.

– Nhưng mà anh đang ...

– Em còn phải đến công ty. Mẹ kêu anh Hai đó.

Đưa mắt liếc nhìn chiếc đồng hồ, anh nhăn nhó:

– Nhưng như thế thì anh sẽ trễ mất.

Tâm Giao lý giải:

– Không lẽ tiễn người yêu quan trọng hơn chở mẹ đi chùa.

– Em giúp anh đi mà Giao, một lần thôi.

– Nhưng mẹ đi chùa phải có anh Hai mới được.

Bà Giao Mai bước ra:

– Con phải đi với mẹ, Tâm Giao nó còn phải đến công ty.

Tấn Trường chậm rãi nói:

– Tại sao phải có con đi mới được vậy mẹ? Hay mẹ nói chú Ba tài xế đưa mẹ đi cũng được mà.

Bà nghiêm giọng:

– Mẹ muốn con đi với mẹ.

– Nhưng con ...

Tâm Giao nhẹ giọng:

– Thôi, anh Hai đi với mẹ đi. Mẹ cầu duyên cho anh Hai đó. Đi đi!

Bà hỏi tiếp:

– Con có việc gì mà có vẻ quan trọng hơn chuyện đi với mẹ vậy?

Tâm Giao nói giúp:

– Dạ, đâu có. Tại anh Hai nhà mình mắc cỡ đó mẹ.

– Ai mà chẳng phải xem tuổi để mà còn lấy vợ sinh con đúng không?

– Mẹ nói đúng đó anh Hai. Anh chở mẹ đi đi.

Tấn Trường đành phải chấp nhận theo yêu cầu của bà. Với anh, mẹ là người đã vất vả lo cho anh từng ly từng tý. Và tất nhiên, những gì bà nói anh đều tôn trọng.

Trên đường về, bà Giao Mai cứ liên tục nghĩ đến chuyện vui theo như lời tiên sư đã nói. Thế rồi, bà mỉm cười thật thích thú suốt cả đoạn đường dài.

Két ...

Tiếng thắng xe làm bà giật mạnh người. Bà siết chặt eo anh rồi hốt hoảng lên giọng:

– Cẩn thận con ơi!

Chiếc xe đang từ từ lăn bánh chợt đụng phải một con chó đang băng ngang qua đường.

– Mẹ! Mẹ có sao không?

– Mẹ không sao. Con có bị làm sao không?

Anh khẽ nói:

– Dạ, con không sao đâu. Cũng may là hai mẹ con mình có “võ”, chứ thôi ...

Bà thở mạnh ra nói:

– Thôi đi ông. Mau chở mẹ về nhà đi. Mẹ .... mẹ ....

– Mẹ đừng lo. Lần này con sẽ cẩn thận mà.

Ngồi phía sau, bà lên tiếng:

– Con làm gì mà cứ như người mất hồn vậy?

Anh ngắn gọn trả lời:

– Mẹ hỏi thì con sẽ không tập trung lái xe đâu đó.

– Vậy con lo tập trung lái xe đi. Mẹ không muốn ...

Một lúc sau, vừa về đến cổng, bà Giao Mai liền thở phì nhẹ nhõm:

– Mẹ yên tâm rồi chứ. Tại con chó nó ...

Bà mở cổng bước vào:

– Về đến nhà, mẹ mới hết lo đó. Ngồi sau lưng con mà mẹ đâu có dám ... mở mắt đâu.

Tâm Giao nghe tiếng bà, liền chạy ra mừng:

– Ủa! Sao mặt mẹ xanh như tàu lá chuối vậy? Còn anh Hai nữa, sao ... kỳ vậy?

Bà lắc đầu:

– Mai mốt có đi đâu, con chở mẹ đi nha Tâm Giao, chứ anh Hai con ...

– Sao vậy mẹ? Bộ anh Hai con không muốn chở mẹ sao?

– Không phải! Tại mẹ sợ nó rồi.

Tâm Giao xụ mặt:

– Ôi! Vậy con sẽ là osin cho mẹ sao?

– Làm osin cho mẹ bộ không tốt sao?

Tấn Trường nghênh mặt:

– Là mẹ nói đó. Em không được làm mẹ buồn đó nha.

– Biết rồi! Biết rồi ...biết rồi.

– Phải vậy chứ! Tại mẹ không muốn đi với anh chứ anh đâu có nói gì đâu nha.

Tâm Giao chọc lại anh:

– Xem ra, có người đã bỏ lỡ buổi chia tay mất rồi.

Anh nói vu vơ:

– Biết đâu hôm nay không gặp, ngày mai sẽ gặp thì sao?

Bà Giao Mai nhẹ giọng:

– Hèn gì anh Hai con như người mất hồn vậy. Suýt chút nữa là con chó ... tiêu rồi.

Tấn Trường nói nịnh:

– Mẹ không lo cho con, mà còn lo cho nó nữa.

Tâm Giao cười cười:

– Anh Hai là một tay lái “số một” nha.

– Còn chọc nữa sao? Tất cả cũng tại em đó!

– Sao lại là tại em?

Anh giải thích ngay:

– Nếu em chở mẹ đi thì đâu có chuyện gì, đúng không?

– Tự nhiên cái đổ lỗi cho người ta à.

Bà Giao Mai khẽ nói:

– Mẹ biết ngay mà! Hai đứa sẽ không “thèm” bà lão này đâu.

Tâm Giao ôm chặt bà:

Mẹ .... tụi con có nói gì đâu. Ủa! Mà mẹ lên chùa xem ... thế nào? Chừng nào cưới vợ cho anh Hai vậy mẹ?

Nghe con hỏi, bà thích thú nói:

– Con biết không? Tiên sư nói nhà mình sẽ có tin vui đó con.

– Tất nhiên là anh Hai cưới vợ, đúng không mẹ? Như vậy nhà mình đều vui luôn ...

Tấn Trường cốc nhẹ trán cô:

– Vui không? Anh có vợ, em vui lắm hả?

Tâm Giao nháy mắt:

– Em vui cho anh thôi mà.

– Không ai mượn! Mà biết đâu tin vui đó là của em thì sao.

– Thì ... sao cũng được mà.

Bà Giao Mai mỉm cười thật hiền hậu. Cả nhà vui vẻ nói chuyện bên nhau ...

Một mùa thi nữa cũng đã qua. Và thế là Tiểu Bi lại có dịp về quê cùng ngoại. Con đường làng quen thuộc ngày nào giờ đây chỉ còn là kỷ niệm.

Đang bước từng bước chân trên thảm cỏ xanh rờn, cô chợt nghe có tiếng gọi:

– Bi! Bi ...

– Mi gọi ai vậy Út Nhỏ?

Cô rà thắng xe chầm chậm:

– Thì mi chớ ai.

Tiểu Bi hỏi tiếp:

– Mi đi đâu vậy?

– Thôi, ta về à.

– Nè, khoan đã! Nỡ lòng nào để người ta ung dung dạo bước thế này sao?

Út Nhỏ thắng ngay xe lại:

– Có lên không thì bảo.

– Lên chứ, sao lại không!

Út Nhỏ cằn nhằn cô:

– Biết vậy cho mi thả bộ về nhà luôn, không thêm rước.

Tiểu Bi ngồi sau siết chặt eo cô:

– Mi dám không? Mà sao mi không bỏ ta thả bộ đi, chở ta về làm gì?

– Đừng có chọc tức ta à nha. Coi chừng ta cho xuống ruộng nằm à.

Tiểu Bi nhẹ giọng:

– Mi có tin là về nhà ta xử mi không?

– Sao bây giờ không xử mà phải về nhà?

– Xử bây giờ rồi đi bộ về hả?

Vừa về tới nhà, Út Nhỏ liền than vắn thở dài với ngoại:

– Đèo nó về mà cũng không nói cám ơn nữa kìa ngoại.

Bà cười:

– Để ngoại cám ơn con giùm nó nha, Út Nhỏ?

Tiểu Bi lên tiếng:

– Xì! Chở có một đoạn mà than. Còn bao nhiêu ta chở không ...

– Ngoại thấy chưa? Con đi rước nó mà nó còn chọc con nữa kìa.

Tiểu Bi lại gằn ngoại, cố khẽ nắm lấy đôi tay bà:

– Ngoại khỏe không ngoại?

– Nhỏ này! Ngoại khỏe mà.

Út Nhỏ ngồi phịch xuống:

– Mi mà thấy ngoại cười là biết rồi đó. Hôm bữa ngoại xuất viện đó, trời ơi ...

ngoại vui hết biết luôn.

– Con cũng vui vậy, đâu phải có mình ngoại vui đâu đúng không?

Tiểu Bi xoa xoa tay bà:

– Lần này về con sẽ chăm sóc cho ngoại nhiều thật nhiều luôn.

– Con thi xong chưa? Được không con?

– Dạ được, ngoại. Tiểu Bi mà ngoại.

Bà ngoại vuốt nhẹ mái tóc cô:

– Ngoại nghe con về là ngoại mừng lắm. Ngoại có nấu cho con mấy trái chuối kìa.

Út Nhỏ nhanh miệng:

– Ngoại nấu chuối cho con hả ngoại?

Tiểu Bi hếch mũi nói:

– Ai nấu cho mi hồi nào?

– Xí! Vậy ta không thèm nói tin vui này cho mi luôn.

– Tin gì mà nhìn mi vui dữ vậy Út Nhỏ?

Cô lại gần ngồi cạnh ngoại:

– Không nói cho nó biết luôn há ngoại.

Tiểu Bi chọc vui:

– Chắc là mi trúng số, đúng không?

– Ta đâu có tốt số như vậy chứ.

– Hay là có Bạch mã hoàng tử nào đến tìm mi hả?

Út Nhỏ véo nhẹ tay cô:

– Ta chứ không phải như mi đâu.

– Vậy chứ là chuyện gì? Năn nỉ mà, nói đi nhỏ.

Út Nhỏ đưa mắt nhìn sang ngoại rồi nhìn xung quanh ngồi nhà. Cô chắc giọng vang lên:

– Từ nay mi sẽ không còn ở trong ngôi nhà này nữa.

Tiểu Bi choáng váng:

– Sao vậy ngoại? Sao Út Nhỏ lại nói như thế hả ngoại?

Bà ngoại từ tốn nói:

– Mình sẽ được ở trong nhà mới đó con. Mình được xây nhà tình thương rồi, Bi à!

Không kềm được dòng xúc cảm đang dâng lên, cô rươm rướm nước mắt khóc. Út Nhỏ lau mắt cho bạn:

– Gì vậy, sao lại khóc chứ?

Bà ngoại khẽ ôm chặt cô vào lòng:

– Nín đi con!

– Ngoại nói đúng đó Bi. Chuyện vui mà, sao mi lại khóc chứ?

Tiểu Bi gượng nói:

– Con mừng lắm, ngoại ơi! Từ nay, hai bà cháu mình sẽ có nhà mới rồi hả ngoại?

Bà nhẹ giọng:

– Ờ ... bà cũng mừng lắm.

– Là thật hả ngoại. Không phải con đang mơ chứ?

– Là thật! Không có mơ đâu con!

Nhìn hai bà cháu vui mừng, không ai không thấy cảm thương cho họ. Một căn nhà mơ ước sắp trở thành hiện thực.

Buổi tối, Minh Dân đem sang cho ngoại mấy con cá lóc đồng thật hấp dẫn.

Hai nhà chỉ cách nhau vài mảnh ruộng nên ngày nào Minh Dân cũng lặn lội sang cùng ngoại.

– A! Anh Dân sang nè ngoại!

Thấy Út Nhỏ mừng, anh cười:

– Ngày nào mà ngoại chẳng thấy mặt anh, chỉ có ...

– Tiểu Bi đang ở dưới bếp đó.

– Anh có nói gì đâu mà Út Nhỏ giới thiệu.

Cô lấp lửng:

– Thì người ta ... nhìn mặt là biết liền à!

Bà ngoại đang ngồi ăn trầu trên chiếc bàn nho nhỏ. Bà nói ra:

– Tiểu Bi nó cũng trông con sang chơi từ sáng giờ đó.

Minh Dân hơi ngượng, anh mở túi ra khoe ngoại:

– Con đem cho ngoại mấy con cá ăn lấy thảo nha ngoại.

Bà cười khẽ:

– Con cứ đem cho ngoại hoài, không biết khi nào ngoại mới trả xong.

– Ngoại nói vậy là không nhận con là cháu của ngoại rồi.

Út Nhỏ lại gần, cô nhận ngay cái túi trên tay anh:

– Để xem. A! Anh Dân đem cá cho ngoại nè. Còn mấy con khô này cho ai vậy ta?

Minh Dân ngượng nên đứng yên thin thít. Tiểu Bi từ dưới bếp bước lên nói:

– Anh Dân đem khô cho mi đó.

– Sao mi biết?

Cô cười toe:

– Thì mi cũng là “con khô” mà.

– Phải không? Hay người ta đem khô cho ai đó đó?

Tiểu Bi dẩu môi:

– Không tin mi hỏi ảnh đi phải không anh Dân?

Minh Dân lắp bắp nói:

– Ờ, thì ... cho ai cũng được mà.

– Thấy chưa “con khô”. Mau đi nướng mấy con khô cho ta thưởng thức đi.

– Thôi để anh làm cho. Út Nhỏ với Tiểu Bi nói chuyện đi.

Tiểu Bi nhanh miệng:

– Mọi người thưởng thức tài nghệ của Tiểu Bi trước đi.

Út Nhỏ reo lớn:

– A ... có chè ăn rồi nha.

– Chè mè đen nước cốt dừa tới đây. Xin mời.

Bà ngoại Ba mừng không thể nói. Rồi đây, ngôi nhà mới sẽ tràn ngập niềm vui và niềm hạnh phúc.

– Mấy đứa ăn thử đi. Món mới đó.

Trời đã đến khuya, sương đêm cũng đã lạnh hơn nhưng lòng người thì vẫn luôn ấm áp.

– Thấy ngoại vui như vậy. Bi cũng vui không kém luôn đó.

Út Nhỏ choàng tay qua vai bạn:

– Nhỏ cũng vui nữa. Anh Dân có vui không?

– Tất nhiên là có rồi.

– Nhớ lại ngày xưa, ba anh em mình thường ra đồng thả diều, thích thật đó.

Tiểu Bi ngậm ngùi không kém:

– Bi nhớ có lần Út Nhỏ bị trật chân vì mê chạy theo con diều. Anh Dân phải cõng nhỏ xa ơi là xa luôn.

– Ước gì:

Cả ba cùng ngồi bên nhau nói chuyện ngắm sao. Không có gì thú vị bằng.

– Nhưng bây giờ tụi mình đã sắp già mất rồi ... tiếc thật hả Út Nhỏ?

Út Nhỏ nhìn cô cười:

– Già đâu mà già.

– Bi thấy nôn nao làm sao đó? Hình như ngủ cũng không được nữa.

– Có nhà mới nên vui đó mà.

Minh Dân từ từ lên tiếng:

– Không sao đâu. Tụi này sẽ ở bên cạnh giúp Tiểu Bi mà.

Út Nhỏ khẽ gật đầu theo:

– Phải đó. Mi mà lo xa quá coi chừng thành “con khô” như ta à.

– Bộ mi lo xa lắm hả Út Nhỏ?

Minh Dân gãi gãi đầu:

Út Nhỏ lo mai mốt Tiểu Bi có nhà mới rồi, không biết có cho Út Nhỏ sang chơi không đó?

Tiểu Bi bật cười:

– Hai người đừng có “trẻ con” như vậy?

– Nhưng mi chỉ trả lời câu hỏi của anh Dân?

Cô nói ngay:

– Tiểu Bi này lúc nào cũng xem hai người là bạn ... tốt nhất mà.

– Vậy sao mi còn lo lo chuyện gì.

Tiểu Bi mím môi nói:

– Nỗi buồn vu vơ thôi mà.

Hình như tận sâu trong lòng cô, một nỗi buồn vu vơ nào đó cứ vây lấy cô.

Cô thầm nghĩ:

– Tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn.

Trong phòng Tấn Trường vẫn còn đang say sưa ngủ. Trong khi đó cô em gái Tâm Giao cô chạy lên chạy xuống xem chừng anh Hai. Đứng ngoài cửa phòng, cô quyết định:

– Lần này là lần thứ ba rồi đó, không gõ cửa là hết cơ hội đó nha Tâm Giao.

Nghĩ rồi, cô tiện tay mở ngay núm cửa, bước nhanh vào:

– Ai vậy?

– Anh Hai! Dậy đi mà!

– Có chuyện gì mà vô tìm anh sớm vậy?

Tâm Giao kéo ngay chiếc chăn đang quấn trên người anh. Cô nói lớn giọng:

– Tất nhiên là có chuyện mà.

Tấn Trường vẫn còn đang say ngủ. Suốt đêm qua anh lo chuẩn bị cả đêm mà không tài nào chợp mắt. Mới vừa ngủ thiếp đi thì bị cô nàng vây lấy, anh cằn nhằn:

– Chuyện gì để sáng rồi nói. Anh đang ngủ mà.

– Cái anh này! Sáng rồi ... dậy mau đi mà.

Anh hé mở đôi mắt nhìn ra cửa sổ, trời vẫn còn mờ mờ hơi sương.

– Còn sớm mà ... cả đêm qua anh không được ngủ rồi đó.

– Bộ anh không nhớ hôm nay anh phải đi đâu sao?

Tấn Trường ồm ồm nói:

– Nhớ ... thì đi.

Anh chàng vẫn chưa chịu thức. Thấy vậy, Tâm Giao hét lớn:

– Cháy ...

Anh bật ngồi dậy, mở to mắt nhìn xung quanh:

– Cháy đâu? Em thật là phiền quá!

Cô cười:

– Anh ngủ cũng không xong với em đâu. Mau dậy đi?

Tấn Trường trở mạnh người, anh khó chịu:

– Làm ơn đi! Có chuyện gì?

– Thì chuyện ... anh Hai đi Bến Tre đó.

– Ờ, thì sao? Có chuyện đó thôi mà cũng làm phiền người ta nữa.

Cô nói ngay:

– Tại anh Hai cứ nằm lên nằm xuống hoài nên em mới ...

– Thôi được rồi! Định nói anh mua kẹo dừa Bến Tre cho chứ gì? Chuyện nhỏ!

Tâm Giao chu môi, cô kéo tay anh nũng nịu:

– Không phải chuyện đó.

– Vậy chứ em muốn sao?

Cô chậm rãi từng tiếng:

– Em muốn đi với anh Hai.

Tấn Trường ngạc nhiên hỏi lại:

– Đi đâu?

– Thì đi Bến Tre với anh Hai chứ đi đâu.

Anh thẳng giọng nói:

– Anh đi làm công chuyện chứ không phải đi “ngoạn thủy du sơn” đâu à!

– Em biết, bởi vậy mới xin đi theo nè!

Anh nhăn nhó:

– Không được! Em xuống dưới đó làm gì? Anh đi là đủ rồi.

– Thì ... em phụ một tay một chân cũng xong mà.

– Vậy thì tốt nhất là em ở nhà đi. Anh làm một tay một chân cũng xong.

Tâm Giao năn nỉ anh:

– Cho em đi với. Không giúp của cũng giúp sức mà anh.

Tấn Trường xua tay:

– Em đi theo chỉ giỏi làm phiền anh thôi chứ giúp được gì.

Tâm Giao mau miệng:

– Sao lại không? Em theo bảo vệ cho anh cũng tốt mà.

– Thôi đi cô. Anh đâu phải “con nít” mà theo bảo vệ?

– Em chưa biết “mặt mũi” Bến Tre ra sao mà. cũng phải đi cho biết đó biết đây chứ?

Tấn Trường đứng phắt đây, anh uể oải bước thật nhanh vào phòng tắm.

– Anh nói không là không nghe chưa?

Tâm Giao phụng phịu ngồi phịch xuống giường:

– Em phải làm sao thì anh Hai mới chịu cho em đi?

Anh nói vọng ra:

– Không làm sao cả! Anh cho đi thì ba mẹ cũng chẳng cho đi đâu – Ai nói? Ba mẹ cho em đi rồi. Chuẩn bị từ tối giờ mà anh Hai lại không cho đi.

Anh hỏi lặp lại:

– Có thật là ba mẹ cho đi rồi không?

– Thật mà ... thôi, em về phòng chuẩn bị đồ đạc nha. Anh Hai nhớ đợi em đó.

Tấn Trường gọi giật lại:

– Tâm Giao.

Nhưng có lẽ cô nàng hơi nhanh hơn nên chẳng còn nghe tiếng anh gọi. Mọi chuyện dường như đâu lại vào đấy.