Ngày ...tháng ...năm...

Anh yêu thương,

Em đã khóc hết nước mắt từ khi anh Hiển đến báo tin là anh đã không trở về sau cuộc hành quân vào vùng đất địch. Em bỏ ăn, bỏ ngủ, người ốm gầy như bộ xương biết đi. Mà kỳ thi Tú Tài lại sắp đến. Biết là em không thể nào tập trung luyện thi được, ba mẹ cũng thông cảm không trách mắng gì, nói chỉ mong sao em đừng buồn quá mà sinh ra đau ốm. Em không đến trường mà cứ đến những quán café, quán kem quen thuộc. Ở nhà em cứ buồn vì nhớ anh, mà đến những chỗ anh hay đưa em đi, những lần anh về phép, thì những nơi ấy lại càng làm em nhớ anh hơn. Nhớ đến tê tái cả người anh ạ!

Hôm kia, người nhà của anh được báo là không hy vọng anh sẽ trở về. Mẹ anh nói sẽ có một buổi lễ cầu siêu cho anh ở chùa. Bà cũng nói thêm để hồn anh đi cho thanh thản. Em không đồng ý với gia đình của anh. Sao mọi người buông xuôi nhanh chóng như vậy? Anh chưa trở về, là có thể họ còn bắt anh làm tù binh, sao không ai nghĩ như thế chứ? Em không dám giận người thân của anh đâu, em chỉ buồn vì lối đối xử của họ với anh thôi. Anh là ruột thịt của họ mà! Ừ, có cho em là người dưng đi, có đưa ý kiến, cũng không ai thèm để ý! Nhưng dù gì em cũng là người yêu, là hôn thê của anh, mình đã làm lễ hỏi, chỉ còn chờ ngày lành tháng tốt sau khi em thi Tú Tài và anh xin được phép là làm đám cưới. Em vẫn còn nhớ nét mặt nhìn em lạnh như tiền của mẹ anh. Hình như bà hài lòng một điều gì? Vì thấy em hốc hác quá? Em quay quắt khôn nguôi trong nỗi nhớ anh, em xấu xí là vì nhớ anh. Chứ có phải xưa nay em xấu xí như vậy đâu.

Anh ngủ ngon. Em cũng cầu mong cho em được ngủ yên là được rồi.

Ngày...tháng...năm...

Anh ơi, sao tên của anh không có trong danh sách tù binh được trao đổi đó. Không thể nào được! Họ đã bỏ sót tên của anh, phải không anh? Một cái tên oai hùng như thế! Nguyễn Anh Dũng. Cái gã thư ký đánh máy đã ganh tị với anh vì anh có một cái tên thật xứng đáng với người lính nhảy dù, còn tên gã thì tầm thường. Em chắc chắn là như vậy đó anh!

Em nghẹn ngào hỏi ba, sao anh Dũng không về trong đợt trao đổi này? Ba lắc đầu, không trả lời câu hỏi của em mà nói vết thương rồi có lúc phải lành, nỗi đau rồi có lúc cũng sẽ phôi phai, con nhỉ? Em trả lời trong tiếng nấc, cùng với nước mắt nước mũi chảy dài. Có ngày đó, không ba? Bao giờ?

Ngày...tháng...năm...

Nắng vẫn gay gắt. Phượng nở rộ sân trường. Em rớt hai kỳ thi. Không học thì làm sao làm bài được hở anh? Em đã ráng đến trường thi để làm gì? Để chờ may rủi à? Trên trang giấy cho bài vạn vật, em nguệch ngoạc viết đầy tên anh! Ông thầy chấm thi nào đó nhìn bài nộp của em mà nghĩ, chắc của một tên học trò mát dây tình si nào đây?

Rồi cơn mưa đổ xuống. Cơn mưa mùa hè. Thi cử không được gì cả, em như điên khùng trong biển nhớ. Em xách xe chạy trong cơn mưa đổ, người em ướt mem, về nhà em ốm lạnh, lên sốt. Làm mẹ lo cuống lên. Em mê man. Chỉ nghe được tiếng hoảng hốt của mọi người trong nhà. Và em thiếp đi.

Em thấy anh về trong giấc ngủ của em. Anh vẫn oai hùng, da mặt vẫn rạm nắng, hai cánh tay anh vẫn lồi lên hai bắp thịt. Anh giang rộng hai tay ôm em vào lòng. Em vui quá, người em run lên, nhưng mà nước mắt của em vẫn cứ chảy dài. Em trách anh, trách nhiều lắm. Sao anh đi lâu quá? Họ đã làm gì anh? Anh biết không? Mẹ anh vẫn không thích em, nên lâu lắm rồi em không đến nhà anh, em không biết thêm gì nữa về anh, phải chấp nhận là anh đã ra người thiên cổ, nhưng thâm tâm em, em không cho là như vậy. Em kể lể. Rồi em giựt mình thức giấc. Em tiếc nuối thời gian gặp gỡ quá ngắn ngủi, em cố ngủ lại để mong gặp anh, em kêu, em ngủ tiếp đây, anh đừng đi vội, chờ em, em còn có nhiều chuyện muốn nói với anh. Bạn em, cái con bạn thân từ hồi hai đứa còn đi học tiểu học đó, nó nghe đâu mà nói...Duyên à, chuyện không phải vậy đâu, Như nghe phong phanh..anh Dũng có vợ rồi. Em kêu to, la nó, mi có điên không? Anh Dũng nào mà lấy vợ được? Nó im thin thít, thấy em nói có lý quá. Anh đánh giặc mất tích, anh chưa trở về, người yêu của anh là em thì còn dở sống dở chết vì thương nhớ anh đây thì làm gì có chuyện lạ đời như thế! Nó nói bên nhà anh Dũng nói như vậy.

Em nhờ người thân đi kêu con bạn. Em hỏi nó, thật không? Nó hỏi thật không cái gì? Em kể về giấc mơ. Nó la em, đi mơ toàn chuyện gì đâu, và bảo chứng tỏ là tâm thần em không ổn.

Ngày...tháng...năm...

Mấy tháng rồi anh nhỉ? Em vô ra nhà thương mấy bận. Ôi! Trái tim yếu đuối của em, nó đang làm khó làm dễ em. Bác sĩ khuyên em phải nghỉ ngơi, nói mình chỉ có một trái tim thì mình phải biết quý trọng nó, phải không nào? Em không được đọc sách nhiều nữa. Em buồn bực lắm, vì đó là sở thích của em mà anh. Em vẫn lén đọc Anh Chi Yêu Dấu. Có lần bị cô y tá bắt gặp, em cuống quít đem dấu dưới gối, nhưng cô cười thông cảm, dặn đọc ít ít thôi.

Đám bạn đến thăm em hằng ngày. Rủ đến cả đám, rồi kéo về cả đám, làm em buồn thiu sau khi tụi nó ra về. Em kêu sao tụi bay không thay phiên nhau đến, để lúc nào tao cũng có bạn cho đỡ buồn?

Em buồn buồn nhìn ra ngoài cửa sổ. Hai hàng cây me trên lối đi trong bệnh viện, những nhánh lá đan nhau, tỏa rộng, che gần như hết bầu trời, chỉ còn hé chút mảng màu xanh. Buổi chiều mát, mẹ em hay đưa em đi bộ trên lối đi này. Hôm nay, Mẹ nói, con à, thằng Duy có viết thư thăm và gửi quà cho con. Duy lo lắng cho con lắm. Em không nói gì, mắt mơ màng nhìn về phía xa xa. Hẳn anh còn nhớ anh Duy? Anh Duy là con của dì Khanh, bạn học thân thiết của mẹ em. Anh Duy đang du học bên Mỹ. Thuở anh còn ở nhà, anh hay đến nhà em để thu tiền hụi giùm cho mẹ anh ấy. Anh Duy hiền, ít nói, nước da trắng. Mẹ thường nói nó nhát như con gái. Em biết mẹ quý mến anh ấy lắm, vì mẹ quý mến dì Khanh. Em chưa thấy ai là thân thiết với nhau như mẹ và dì Khanh. Dũng ơi, anh đừng có nghĩ bậy bạ ghen tương gì nha! Anh Duy không là gì của em đâu, em chỉ coi anh ấy như một ông anh thôi. Anh mà ghen thì chuyện gì em cũng không đi kể cho anh nghe nữa.

Ngày...tháng...năm...

Nam Vang rơi vào tay CS. Cả tháng nay, ba đang tìm đường đưa gia đình đi ra nước ngoài. Không cần biết nước nào sẽ nhận mình, miễn là chạy khỏi VN. Mỹ, Úc, Gia Nã Đại. Ba chạy lung tung tới các tòa đại sứ, tới những nhà người quen.

Em ghé nhà Thư. Mẹ nó trìu mến bảo em, cháu lên chơi với Thư, nó đang ngồi hóng mát ở trên sân thượng. Em lên thì thấy nó ngồi bất động trong bóng đêm. Nó đang buồn lo cho anh Thế, người yêu của nó, không biết tàu của anh ấy đang lênh đênh nơi đâu. Em an ủi, lính thủy thì có chi lo. Chúng em nói về tình hình đang sội động, về thành phố Nam Vang mất rồi, và lo không biết Saigon có bị cùng số phận hay không, và chừng nào. Rồi hai đứa không nói gì, ngồi bên nhau nghe tiếng đại bác nổ ầm ầm rất gần, những đóm hỏa châu sáng rực trên nền trời. Chúng em có cùng tâm sự vì có người yêu đều là lính chiến. Em kể với nó là ba đang lo chỗ đi. Nó buồn rầu nói, nhà Thư không tính chi cả, vì chỉ có mẹ góa không biết gì, chị Thu có thể sẽ đi bên chồng của chị ấy, đang chờ giấy tờ của người em trai anh ấy đang ở bên Gia Nã Đại gửi về. Xuất giá thì tòng phu, chị đâu thể nào ở lại lo cho cả gia đình của mình được. Mẹ Thư cũng biết vậy. Từ ngày bố Thư mất, chị là cánh tay mặt đắc lực của mẹ Thư. Chị phụ mẹ lo cho các em. Không có chị, mẹ sẽ lao đao. Nhưng thôi, tới đâu hay tới đó, Thư không muốn nghĩ ngợi gì nhiều, nhức đầu quá!

Đêm đã khuya. Thư đứng lên nhắc em về, nói, Thư sẽ đưa Duyên về nửa đoạn đường. Anh nhớ không hẻm đường nhà Thư và hẻm đường nhà em nằm gần nhau, có thể đi tắt đường trong, mà đi đường này thì còn gần hơn nhiều, nên em nói không cần. Thư vẫn khăng khăng đòi đưa, rồi chợt nói:

− Không chừng đêm nay là đêm cuối mình gặp nhau!

− Sao Thư lại nói như vậy? Đâu có gì chắc là gia đình Duyên sẽ đi được đâu!

− Duyên và gia đình đi bình an! Đến nơi, nếu tình hình còn chưa có gì, thì nhớ viết thư về cho Thư biết tin. Cẩn thận giữ gìn sức khỏe, nhé Duyên!

Ở ngay nhà bác Năm Bán Quán, hai đứa chia tay. Em đi tiếp đoạn đường, và Thư quay đầu đi về nhà nó.

Ngày...tháng...năm...

Anh yêu,

Không dè đó là lần cuối em gặp Thư thật. Em ra đi vội vã, không kịp đem tặng Thư cái tủ đầy sách của em, vì em biết nó cũng quý sách như em. Tiếc quá, em cũng đâu thể nào mang theo được. Em chỉ có thể mang theo trong người cuốn nhật ký này thôi. Mỗi người chỉ được một cái xách tay nhỏ, nên em bỏ nhật ký vào, rồi lại lấy nhật ký ra, nhưng cuối cùng thì em nghĩ em có thể bỏ lại những thứ khác, chứ bây giờ không còn gì là quý đối với em, ngoài cuốn nhật ký này, anh đã mua cho em kỳ về phép sau cùng, đi xa em lại càng cần nó cho có bạn. Và em cũng không quên cuốn album nhỏ có hình của anh và em. Mẹ nhắc nhở chừng chừng, con ơi, họ dặn đừng mang gì theo, mang nhiều nặng nề, họ không cho đi đó con.

Chắc khi Thư đến nhà em thì biết ngay là gia đình em đã ra đi rồi. Hẳn là khi đó Thư buồn lắm. Hóa ra Thư đã nói lời chia tay rồi, mà em thì chưa nói gì với nó cả! Không dè lại có cơ hội đi sớm hơn mình mong đợi.

Chỉ biết được trong vòng ba tiếng đồng hồ, em cũng không kịp đến chào người nào trong gia đình của anh. Em tiếc là đã không gặp Quỳnh Như, em gái út của anh. Cô ấy là người duy nhất mà em cảm thấy dễ chịu khi gần gũi, có lẽ vì hai đứa em cùng lứa tuổi với nhau. Anh Hùng thì nghiêm, em lại ít có dịp nói chuyện, nên em cũng không rõ anh ấy cổ võ hay đồng ý chuyện chúng mình yêu nhau. Chị Quỳnh Uyên, chị Quỳnh Dung, rõ ràng là lâu nay các chị không ưa em, em không mong gặp, nhưng thật bụng là cũng muốn đến chào, vì biết có bao giờ gặp lại nữa đâu. Cả mẹ của anh, cho phải phép, anh nhỉ?

Em ra đi mà cõi lòng vừa vui vừa buồn. Vui vì gia đình em đã may mắn thoát ra khỏi nước VN. Buồn vì em đi mà không có anh đi cùng. Khi anh về, em vẫn nghĩ là anh sẽ về, anh không gặp được em, chắc là anh buồn lắm đó. Em nhủ thầm, đến nơi, em sẽ viết thơ ngay về cho Quỳnh Như, rồi anh sẽ biết em ở đâu mà liên lạc.

Tân Sơn Nhất. 7 giờ tối, mặt trời sắp lặn , đỏ rực. Máy bay C41 cất cánh đưa một đoàn người di tản mỗi lúc mỗi xa dần VN. Có một bà vợ đi với hai cô con gái. Còn ông chồng mang cấp bực trung tá thì chỉ đưa vợ và hai con lên phi trường, rồi đi về, vì ông không muốn bỏ nhiệm sở vào lúc này, vì Miền Nam đâu đã mất. Em thấy mấy mẹ con họ đều buồn. Ra đi mà không đầy đủ như vậy, tránh sao khỏi buồn. Người đi, kẻ ở sao vui cho được!

Một người lính Mỹ nhờ người dịch cho mọi người biết là sẽ qua Clark Base, Phi Luật Tân. Em nghĩ giống cảnh ngày trước người Hung Gia Lợi cũng đi tị nạn như thế này. Em nghĩ đừng buồn đến đâu thì cũng có tổ chức Hồng Thập Tự ra đón, giúp đỡ mình. Mà đúng như vậy. Máy bay vừa đến, đám tị nạn vừa bước xuống phi trường thì đã thấy hai hàng dài người HTT đưa tay đón hành lý và dẫn mình vô hành lang đợi. Nơi đó, họ đem đến sandwich, bánh ngọt, nước uống cho mình đỡ lòng. Rồi lớp người tị nạn được đưa về Tent City, nơi những căn lều đơn sơ vừa được dựng lên vội vã.

Ngày...tháng...năm...

Anh yêu thương,

Em nghe mất nước khi đang ở Guam. Ngày 30 tháng tư. Mọi người xúm lại quanh cái máy truyền thanh của ông cụ Nghị- Ông đi với người con dâu và đứa cháu nội. Thế là mất thật rồi! Ai đó đã lên tiếng than như vậy. Và có người lập lại, mất thật rồi. Em thì lại không có cảm giác gì. Có lẽ với em, nó đã mất từ ngày em bỏ nước ra đị..

Anh ơi, anh đang ở đâu? Em nhớ anh, thật nhớ anh!

Em ra ngồi bờ đá. Trời nóng thật nóng. Sóng vỗ mạnh vào bờ vách. Như đập vào lồng ngực em đau nhói. Em thấy em thật nhỏ bé. Tương lai em sẽ ra sao? Chắc chắn là em cũng nên cùng với mọi người trong gia đình phải cố gắng nhiều ở nơi xứ lạ quê người. Em không được đau yếu. Em không được buông xuôi. Ba mẹ sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Em không nên để cho ba mẹ vì em mà phải lo lắng thêm nữa...

Người đàn ông ngưng đọc, lòng đang cảm xúc mạnh, nhưng rồi anh cố nhoẻn miệng cười nói với người phụ nữ đang tựa đầu vào vai anh. Nhật ký dài quá, như một trường thiên tiểu thuyết, hôm nay anh đọc tới đó, rồi mai, mốt đọc tiếp. Người đàn ông trung niên tóc đã điểm sương đó là Dũng của mười sáu, mười bảy năm về trước. Và người phụ nữ, không ai khác hơn là Duyên, chủ nhân của cuốn trường thiên nhật ký này. Vài năm nữa là Duyên tới tuổi 40 rồi. So với cô gái trẻ viết những trang đầu của cuốn nhật ký này, Duyên bây giờ có một vẻ đẹp chín chắn, mặn mà. Duyên vẫn độc thân. Có từ hôn một lần. Duyên đính hôn với Duy sau hai năm qua Mỹ nhưng rồi thấy mình không yêu Duy nên Duyên từ hôn. Nói như người xưa là Duyên đã có hai đời chồng, vì Duyên cũng đã từng đính hôn với Dũng.

Cuối cùng thì họ đã tìm thấy nhau. Như có một phép lạ nào. Chuyện là như thế này: có một ngày như thường lệ người cháu của cô Duyên ra quán uống café và gặp một người khách lạ được bạn đưa đến quán chơi. Người khách từ tiểu bang khác đến, đến chơi vùng này vì qua mục Tìm Thân Nhân của báo Vietnamdaily Online, người khách và ông bạn của ông ở đây đã tìm ra được nhau. Họ mừng quá không sao kể xiết! Họ là bạn học ngày xưa ở trường CVA, Saigon.

Qua câu chuyện họ nói với đám khách uống café ngồi chung bàn, Tuấn biết sơ về người đàn ông này, về nhà vô tình hỏi cô Duyên, nghe nói ngày trước, chú Dũng đi lính Mũ Đỏ, không biết chú ấy có quen với cái ông mà cháu vừa gặp trong quán café không? Tuấn cho cô biết...ông ta chừng đó tuổi, cao chừng cỡ đó, ông nói giọng miền đó, ông nói ông không hút thuốc khi có người mời thuốc, cũng lạ cô à, cháu tưởng mấy ông HO ông nào cũng hút thuốc. Ông ta chưa từng lấy vợ, ở Cali có người làm mai cho ông một bà làm nails mà bả ỷ có tiền ăn nói phách lối quá, ổng chịu không được, tự động rút lui. Cười cười, thằng Tuấn nói tiếp. Tự nhiên, cái thằng Hoài, bạn cháu nói nhỏ vào tai cháu, làm mai cho cô của mày đi. Nói tới đây, thằng Tuấn hơi né tránh, sợ đứng gần thì bà cô sẽ “bụp cho nó một cái. Chợt nhớ ra một chi tiết khác, Tuấn nói tiếp:

− Trước 75 là trung úy đó cô!

Người phụ nữ nghe tới đoạn nói người đàn ông không hút thuốc, thấy trái tim của cô bỗng dưng đập nhanh, vì cô nhớ mãi là ...Dũng không hút thuốc! Dũng cũng là trung úy. Chẳng lẽ nào? Chẳng lẽ nào người chết đi sống lại?

Duyên hỏi dồn:

− Cháu có biết tên ông ta là gì không? Có nghe ai kêu là gì không? Có ai tên Dũng không?

Tuấn lắc đầu:

− Cũng không để ý! Cháu có thể hỏi. Nhưng không phải tên... Dũng đâu cô ơi, vì cháu không nghe ai kêu tên ấy! ...À...à, cháu nghĩ là mình có thể gọi hỏi cái chú mà thỉnh thoảng cháu gặp trong quán café.

Nói xong thì Tuấn mới chợt nhớ là Tuấn không biết số phôn, chốn ở của người đó, mà chờ đến ngày hôm sau để gặp nơi quán café thì lâu quá, Tuấn sợ cô nôn nao, nên nó hỏi bạn nó là thằng Hoài, thằng Hoài ngồi ở quán đều hơn, có thể biết mọi chuyện và dò hỏi được.

Thì ra người đàn ông mới đến thành phố này là Dũng thật. Không ngờ quả là người xưa! Thế là tình cũ không rủ cũng tới. Ai cứ hát ...mười năm không gặp, chứ ở đây là cuộc tình gần hai mươi năm không gặp! Chỉ ngỡ ngàng phút đầu thế thôi, không có gì rối rắm cả, nhờ may mắn là cả hai đều chưa có ràng buộc nào. Nếu anh đã có vợ và em, em cũng đã có chồng? Thì khi đó sợi tơ lòng của họ mới là rối rắm!

Dũng hôn lên khuôn mặt đẫm nước mắt của người xưa:

− Anh không có nhật ký. Nhưng từ từ anh sẽ kể cho em nghe quãng đời gian nan của anh.

Họ có nhiều thì giờ để kể cho nhau nghe chuyện những năm họ đã mất nhau. Bây giờ, họ phải giữ chặt cái hạnh phúc mà họ vừa tìm lại được. Hạnh phúc đến muộn. Cảnh đời đã về chiều. Ôi! Như hạt nắng cuối ngày mong manh, mong manh. Dù vậy, vẫn đẹp!

− Mình sẽ không rời xa nhau một phút, một giây nào nữa, nha anh!