Hạt Cát Nhỏ Nhoi - Chương 01:Bến bờ

Giới thiệu:

Trong cuộc đời, ai cũng có một người mẹ. Mẹ sinh ra, nuôi nấng, dạy dỗ và hy sinh tất cả vì ta nhưng không phải ai cũng hiểu được tấm lòng và tình yêu vô bờ bến của mẹ. Đôi lúc, ta trẻ thơ và vô tâm nhưng vẫn ngỡ mình đã đủ sâu sắc để thấu hiểu về mẹ… “Hạt cát nhỏ nhoi” - câu chuyện trong tập truyện cùng tên - chính là những tâm sự, ray rứt của một người con về sự hời hợt, nông nổi của mình trước bao la tình mẹ…

Những khoảng khắc kí ức lặng lẽ nơi tâm trí; những tháng ngày thơ ấu gửi lại vùng quê núi đồi; những nhân vật, những người ruột thịt có thể đã hòa vào cát bụi nhưng vĩnh viễn không thể trở thành cát bụi… Qua ngàn lần tan vỡ, lại ngàn lần hàn gắn, những ước mơ thiếu thời run rẩy như ánh sao mờ giải giáp bóng đen phiền muộn và gợi nhắc ban mai hi vọng… “Những đêm châu chấu”, “Hoa trường xuân vẫn nở”, “Cây thông mưa trên núi Triệu Hoa”, “Hổ phách”… và Hạt cát nhỏ nhoi, những truyện trẻ - thơ của một người luôn mơ thấy mình là trẻ - nhỏ.

***

Hôm ấy, bố dắt con đến lớp. Giữa đường, chợt nghĩ ra, con bảo: “Bố về đi! Con tự đến trường được mà!”. Con nằng nặc đuổi bố về. Con vùng vằng khỏi tay bố. Buổi học đầu tiên trong đời, con thấy như mình đã thật lớn. Xúng xính áo quần mới, chiếc túi sách nằng nặng đeo ngang người, mũ lá rộng vành trên đầu, lũn cũn và hăm hở, con băng qua đường tới lớp. Con không thích mọi người nhìn thấy bố đưa con đi. Con muốn tự mình làm được một điều gì đó thật khác với bè bạn trang lứa của con.

Nhưng con đã đi học muộn. Sân trường vắng hoe. Từ mỗi lớp học vọng ra lời thầy cô giáo giảng bài, tiếng thước gõ trên bảng, nghe nhịp nhàng, kỷ luật và trang nghiêm. Con run lên khi vấp vào bậc thềm lớp học. Hành lang rộng, dài và trống trải. Con đã nhận ra lớp của mình, nơi căn phòng có hai cánh cửa xanh hôm tựu trường bố chỉ, đang mở rộng ra kia. Tự nhiên một nỗi sợ hãi âu lo chưa từng có bỗng choán ngợp khắp tâm hồn con. Con cảm thấy mình thật bơ vơ, lạc lõng đến tủi thân. Bất giác, con quay đầu trở lại! Bố! Bố đã đứng ở phía sau con từ lúc nào, con đâu có hay. Mỉm cười hiền hậu, độ lượng, chở che và trìu mến, bố bảo: Bố ở đây! Bố chỉ đứng ở chỗ này thôi! Con đừng sợ! Vào lớp đi. Cô và các bạn đang chờ con đấy!”. Con chạy nhanh vào lớp. Cô và các bạn đứng cả dậy vỗ tay đón chào con. Không để mọi người phải mất thì giờ, phấn khởi, sung sướng và vội vã, con mở cặp, run run giở trang sách đầu tiên có hình chú gà trống ngẩng cao đầu kiêu hãnh. Chợt cậu bạn cùng bàn giật áo và thì thào với con: “Bạn sướng quá đấy! Được bố đưa đến tận cửa lớp học. Lại còn được bố đứng ngoài canh cho nữa chứ”.

Con liếc ra cửa sổ. Dưới gốc bàng xa xa, bố đang đứng đó trông về phía con. Trong ánh nắng trong vắt của buổi sáng mùa thu, con nhìn thật rõ, dáng hình bố yêu thương như tạc vào khoảng trời xanh thẳm. Đầy tự tin, hãnh diện và an tâm, cùng các bạn con gào toáng lên theo giọng đọc của cô giáo: O... ò... ó... o. Gà trống gáy: ò... ó... o...

*

... Con đau lắm. Tự nhiên, bên trong ống chân con như có đàn kiến bò lại qua. Chúng cắn con suốt ngày đêm. Khó chịu, nhức nhối và đau buốt. Người con càng trở nên gầy yếu. Rồi xanh mét. Cho đến khi con không thể bước đi... Bố cõng con vào bệnh viện. Nhìn ánh mắt bố đọc kết quả xét nghiệm, con lơ mơ đoán nhận điều bất thường, khủng khiếp đang đến với mình. Con cứ bám chặt lấy bố khi bố bế con vào phòng giải phẫu. Con thấy, mình như đang bị giết. Cái chết với con là nỗi sợ hãi, đau đớn có thật. Nó trĩu nặng và bóp nghẹt trái tim con. Con khóc. Con khóc thút thít. Con khóc òa lên khi nghe được những âm thanh loảng xoảng, lanh canh lạnh lẽo từ trong phòng mổ vọng ra...

... Nhưng bố đã lau nước mắt cho con. Bố kể: “Hồi nhỏ, ở nhà quê, bố trèo cây, cao lắm. Không may bị ngã xuống đất. Đầu đập đánh "bốp" vào cục đá, vỡ toang ra. Máu chảy đầm đìa, mê man bất tỉnh. Nhưng lúc ấy, bố biết chắc sau này sẽ gặp được một em bé như con. Thế là, dù đau đớn và sợ hãi vô cùng, nhưng nhất định bố không thể chết được. Sao lại có thể chết dễ dãi như thế cơ chứ? Bởi vậy, con cũng không thể nào vì sợ đau quá mà chết đi. Bởi nếu con bỏ đi thì bố sẽ biết làm bố của ai? Khi già rồi, bố biết sống cùng ai...?”. Thế là con lại bình tĩnh gạt nước mắt và nhoẻn miệng cười. Con tự trèo lên băng ca. Cô y tá đặt lên mũi con chiếc ống thở. Rồi tay con nhói lên. Ai đó hỏi: “Cháu tên gì nào? Cháu con ai? Một cộng một là mấy?...”. Con muốn trả lời thật đúng, con muốn kể về bố thật nhiều. Nhưng khi ấy, có một bóng đen rất nặng nề, thật trĩu nặng, trĩu nặng dần dần trùm lên lồng ngực bé nhỏ của con. Con mê đi...

Hai mươi tám viên gạch hoa vuông! Khoảng cách ấy với con như là vô tận. Sau nhiều lần phẫu thuật, bác sĩ nói rằng, nỗi đau thể xác của con sẽ dần qua thôi nhưng có thể con sẽ không bao giờ đi lại bình thường được nữa. Suốt đời, con sẽ phải gắn bó với đôi nạng gỗ cao cao này.

Bố đưa con ra ngoài hành lang. Giằng khỏi tay con đôi nạng, bố quát: “Đi lại đây nào!”. Bố chỉ ở trước con có hai viên gạch hoa thôi. Nhưng con lần mãi vẫn chưa tới nơi. Thế mà khi con sắp lại gần rồi. Bố liền lui xuống. Con cũng nhích lên. Tay bố dang rộng ra đón chờ con. Con muốn sà nhanh vào vòng tay bố quá. Con như sắp ngã quỵ xuống. Con muốn con có thể bay đi. Da thịt con bị kéo căng ra. Các khớp xương khô kiệt, tê dại. Mồ hồi đầm đìa trên trán con. Mồ hôi ướt nhòa mái tóc con... Chưa lúc nào, con lại thấu hiểu nỗi thiệt thòi của kẻ tật nguyền đến thế. Chưa lúc nào, con ao ước có được đôi chân lành lặn và khỏe mạnh đến thế. Và cũng lúc ấy, con nhận ra mình vô cùng tồi tệ và bất lực thế nào. Con thất vọng. Con mỏi mệt. Con cầu cứu bố. Nhưng bố vẫn đứng ở rất xa. Bố vẫn chỉ vẫy tay thôi. Bố vẫn bảo: “Con làm được đấy. Thử lại lần nữa. Con sẽ thấy con đi được ngay. Thật đấy. Không khó đâu!”.

... Có một điều gì đó rất mạnh mẽ ùa vào trái tim con. Như khỏe lên, quên hết mọi đau đớn, con cất bước đi về phía bố. Một lần hai mươi tám viên gạch hoa vuông. Hai lần. Và nhiều lần hơn nữa. Mồ hôi ướt đầm dấu chân con. Mồ hôi cũng ướt nhòa đôi tay bố. Sau nhiều ngày, con đã đi lại được. Đúng bố ạ, con có thể làm được!

Nhưng con thật yếu quá. Con có nhiều bệnh quá. Có thể vì thế bố càng thương con hơn. Nhưng cũng có thể vì thế mà nhà mình lại càng nghèo hơn. Bố không có thời gian ở nhà. Bố phải làm thêm nhiều việc. Niềm đam mê của bố là hội họa. Nhưng bố không vẽ nữa. Bố thành thợ sơn. Bố trèo lên những giàn giáo cao ngất giữa ngã tư phố chợ. Cả ngày dưới nắng lửa gay gắt, bố phết lên những tấm pa-nô khổng lồ các khối màu sặc sỡ. Rồi bố đến hiệu ảnh, quán cơm, tiệm cắt tóc, nhà trọ... Bố bài trí, trang hoàng và điểm tô. Hoa và lá. Chim thú và cỏ cây. Những nụ cười cởi mở và các cô gái xõa tóc yêu kiều. Ánh sáng rực rỡ và sắc màu chói lọi... Bố đã vẽ tất cả. Bố tạo ra tất cả. Thật vừa ý chủ nhà. Thật hài lòng người thuê. Bố đã làm việc nhiều lắm. Bố đã phải làm tất cả để có thật nhiều tiền. Cho con và vì con.

Suốt cả ngày bố vất vả và dãi dầu là thế, vậy mà tối đến, thay bộ quần áo hắc mùi dầu vẽ, rửa vội đôi tay dính màu nhòe nhoẹt, ăn uống qua quít vài ba bát cơm, bố lại phải dỗ con học bài, phải kể chuyện để ru con ngủ. Mà con lại thường rất hư. Con hay khóc và đòi hỏi bố thật nhiều. Đôi lúc, không tìm ra cớ gì để vòi vĩnh, con lại mon men đến gần bố. Con nhổ tóc sâu cho bố. Con đấm lưng cho bố bớt mỏi. Con hát cho bố nghe. Nhưng bố chẳng biết được đâu, đấy chính là "kiểu cách" của con, con làm thế là để "dễ nói năng", là để bố dễ xiêu lòng chiều theo ý muốn của con. Những câu chuyện của bố đã có nhiều người kể cho con nhưng chuyện của họ không hay bằng bố kể. Biết bao nhiêu khảo dị với nhiều tình tiết mà mỗi ngày thêm bí ẩn, thú vị và thân thiết hơn. Con gối đầu lên cánh tay bố. Con ôm lấy cổ bố. Con vuốt ve chiếc cằm cưng cứng râu và gò má ram ráp nắng của bố. Con áp chặt tai vào lồng ngực vạm vỡ của bố. Con lắng nghe, từ nơi đó tiếng đập thình thịch, thình thịch của trái tim. Con cười khúc khích, con cười phá lên vì thích thú. Con thút thít và con nức nở bởi thương quá... Bác thợ săn bắn nhầm chú hươu cha. Bà tiên hóa phép biến bác thành con hươu. Nhưng bác thợ còn phải trở về nhà vì ở nơi ấy có cô con gái của bác đang ốm nặng. Cô bé đang chờ lẵng hoa ở cánh rừng kỳ diệu mà đang đêm bác phải kiếm tìm. Nhưng khi người cha về đến cửa, bầy chó nhà lại không nhận ra ông chủ trong hình hài mới. Chúng vẫy đuôi ngỡ ngàng và miệng sủa ing oang lên khiến bác thợ săn - chú hươu không thể vào nhà lần cuối tạ từ những người ruột thịt được nữa. Đặt lẵng hoa thần trước bậc thềm ướt đẫm sương, gửi gắm lại những nguyện ước thánh thiện, bác lặng lẽ trở lại cánh rừng, trong vắng lặng âm thầm... Con ôm chặt lấy bố. Con nghe vọng từ xa thẳm tiếng lá rừng xào xạc rơi buổi đêm. Con nghe thấy bước chân nhẹ êm và quả cảm. Thấy đôi mắt sâu thẳm đau đáu ngước nhìn lên. Cỏ cây và chim muông. Con người và thú vật. Nụ cười và nước mắt. Là muôn vàn hình bóng hữu hình và hư vô đan xen, gắn bó trong thế gian mênh mông bi tráng này.

... Con dắt bố đi. Hành lang rộng quá! Những viên gạch hoa trông vuông vức quá! Và căn phòng trắng sực mùi ê te mở toang ra. Người ta dặn con ngồi ngoài. Sau khung cửa kính mờ, bố vẫn cười, bố vẫy tay nhắn nhủ con một điều gì đó. Một điều gì bố ơi! Con cắn chặt môi ngước nhìn hoàng hôn phản chiếu trên khung cửa kính trước mặt. Hoàng hôn đỏ ối. Một màu đỏ bầm đau nhức nhối. Bố ơi, con lớn nhiều rồi. Con đã học, làm việc và yêu thương. Con đã hiểu, để có được một chỗ đứng cho mình trên mảnh đất vốn dĩ chật hẹp và khô cằn này quả là quá khó khăn. Và cũng thật khó làm sao để tìm được một tri âm trong thế giới đông đúc này. Nhiều khi, sự đau khổ, niềm tuyệt vọng, những thất bại và đổ vỡ cay đắng siết chặt lấy trái tim ốm yếu của con. Phút giây bi thảm sau cùng, hơn một lần, con ao ước được chết. Nhưng cũng chính ở giây phút buồn thảm cuối cùng ấy, không hiểu sao con lại thấy mình nhỏ lại, thật bé như ngày nào. Con không ngoái đầu trở lại nữa bởi sau con, không có ai đứng đó chở che. Con cũng không nhìn về phía trước, bởi nơi ấy, cũng chẳng còn ai như bố dang tay đón chờ. Nhưng con hiểu, con đã có lỗi thật nhiều. Sự thất vọng của con, niềm đau khổ của con, sự muộn phiền của con, trước cuộc đời bố đâu có ý nghĩa gì. Con chỉ là một hạt bụi nhỏ nhoi, bất lực, vô định bay trong đời. Có ai bảo con sống là dễ đâu. Nhưng bố đã nói với con, đừng dễ dãi buông xuôi. Ít ra, trong rất nhiều bất hạnh, con vẫn còn có cho riêng mình một bến bờ để quay về và cất bước ra đi. Con nhìn qua đáy hoàng hôn. Sâu mãi trong căn phòng trắng là màu đỏ ngột ngạt nhức nhối ngưng đọng trên băng ca. Bố ơi, chẳng ai có thể nói dối con được mãi. Bố bị bệnh đã lâu. Bệnh của bố hiểm nghèo lắm. Có lẽ cũng chẳng còn bao lâu nữa. Nhưng bố ơi, con đã quen sống với bố rồi. Đã quen với bóng hình và suy nghĩ về bố. Con chỉ lớn lên thôi. Chỉ ra vẻ can đảm, chỉ giả vờ tự tin thôi. Bởi con mãi vẫn chỉ là đứa bé con cô đơn, rất cô đơn. Con chỉ có bố mà thôi. Bố ơi, bố đừng chết bố nhé!