Người ta phần đông quả quyết rằng phàm là truyện ngắn thì nó nhất thiết phải có ý nghĩa giáo dục. Nhưng bao giờ cũng cứ có những anh chàng kỳ quặc, phần nhiều lại chính là các nhà văn chứ không phải ai khác lại không chịu phục tùng cái chân lý ấy một cách tuyệt đối. Những người như thế quả quyết rằng có một số truyện ngắn, mặc dầu chẳng dạy dỗ độc giả được gì nhưng chúng cho họ thấy cái đẹp của một hạt cát tý xíu nào đó có thể khúc xạ ánh sáng mặt trời và biến nó thành vô vàn cầu vồng và hào quang đủ màu đủ sắc.

Có một lần ngồi trên lan can đá một con đường cái miền Krưm, tôi đã bàn đến chuyện ấy với một nhà văn có tuổi là người quen của tôi.

Ngay trước mặt chúng tôi, trên vệ đường đá răm thoai thoải, những bụi kim tước chỉ nở hoa như những tia nước vàng dày đặc, còn sau chúng tôi, như một vực thẳm màu xanh, Hắc Hải lấp lánh bốc khói. Biển đuổi vào bờ hàng ngàn con sóng bạc đầu nho nhỏ.

Những con sóng đi xiên xiên tứ phía đông nam bờ và vì thế tiếng sóng vỗ bờ đổ xuống bãi tắm không thành từng đợt thẳng ầm ĩ mà là sự đột nhập đều đều của những con sóng nhỏ chênh chếch.

- Tiếng sóng vỗ bờ này giống tiếng chân vịt Acsimét – Nhà văn có tuổi nói. Ngày trước ông là một kỹ sư và vì thế ông thường sử dụng trong cuộc sống cũng như trong văn của ông lối so sánh kỹ thuật.

Bên trên những bụi kim tước chi, những khu vườn nho kéo dài trên những khúc ngoặt lởm chởm đá lửa. Ở đó, các thiếu nữ đội khăn vuông trắng buộc rất thấp, sát lông mày, đang làm việc. Gió thổi phần phật những gấu váy mỏng bạc màu của họ.

Một cô trong đám thiếu nữ vừa chạy vừa nhảy trên đường cái và rẽ dần xuống biển. Cách chúng tôi mấy bước, cô vấp một cái, ngã xuống, vập chân vào đá rất đau rồi vùng dậy, nhảy lò cò về phía lan can.

Cô gái ngồi xuống bên chúng tôi, khe khẽ xuýt xoa vì đau qua hai hàm răng nghiến chặt. Cô cố nhấc cái chân bị thương lên, dùng hai tay ghì chặt lấy nó rồi bối rối cười lên khanh khách. Cô cố gắng làm ra vẻ không có chuyện gì xảy ra và vết thương kia chẳng có gì đáng chú ý. Nhưng trong đôi mắt tái nhợt của cô, chúng tôi biết rằng cô đau lắm.

Tôi lại chỗ con suối nhỏ chảy qua đường, con suối đã kịp rửa sạch trên mặt đường nhựa một giải cát sạch to hạt, dấp ướt chiếc khăn tay và đưa cho cô gái. Cô cảm ơn tôi và nhăn mặt, lấy chiếc khăn ướt buộc lại những ngón chân bị thương.

- Vẫn cứ đau. – Cô than phiền bằng một giọng biết lỗi – Cháu rõ thực là ngốc!

- Cô ngồi yên! – Nhà văn già nghiêm nghị bảo cô ái – Chúng tôi sẽ hãm chiếc xe đầu tiên qua đây và đưa cô về Mixkhorơ, vào bệnh viện.

- Cần gì phải thế! – Cô gái van vỉ - Tốt hơn hết là cháu cứ ngồi lâu lâu một chút. Chả biết chừng tự nó khỏi cũng nên.

Chúng tôi đồng ý.

Cô gái người gầy gò trong bộ áo cũ, ngắn, trước kia màu xanh lá cây nhưng giờ đã ngả sang màu xám. Cô nhìn xuống cái chân đau, không ngước mắt lên và vì thế chỉ trông rõ đôi hàng mi dài và đen của cộ Mấy món tóc màu hạt dẻ xỏa ra ngoài chiếc khăn vuông trắng.

- Cô ở đâu? – Nhà văn già hỏi.

- Cả đội chúng cháu ở trong lều. – Cô gái đáp – Kia kìa, sau vườn nhọ Chúng cháu làm việc trong khu vườn nho ấy.

Cô ngước mắt lên và tôi ngạc nhiên thấy lông mi và tóc cô màu sẫm. Tôi đã chờ đợi được nhìn thấy một đôi mắt tối, nhưng mắt cô lại có màu xanh lá cây tươi và chúng long lanh đến nỗi tưởng chúng bị phủ một màng hơi ẩm của nước mắt.

Hai đầu gối cô bị đá răm làm xước và trên đó trông rõ những vết máu lấm tấm

Để chúng tôi khỏi chú ý đến cái chân đau của cô, cô gái nói:

- Hoa kim tước chi… đẹp quá đi mất!

- Nó giống cái gì, - nhà văn hỏi, - cô có biết không?

- Chịu, cháu không đoán được đâu

- Thế thì tôi sẽ nói cho cô nghe.

Tôi tin chắc nhà văn ngay lúc ấy sẽ dẫn ra một sự so sánh nào đó rất là kỹ thuật, nhưng ông ta chỉ nhìn về phía hoa kim tước chi, nghĩ một lát rồi nói:

- Nếu ta lấy những hòn sỏi của biển cả mà ném vào trong nước vàng thì ta sẽ có những tia nước, vọt lên tung toé, như thế đấy. Có đúng vậy không?

- Vâng, đúng thế. – Cô gási nói khẽ. – Câu nói của bác giống như những vần thơ của một nhà thơ haỵ Cháu rất yêu thợ Nhưng bây giờ cháu chẳng có thời giờ mà đọc thơ nữa.

Cô gái kể cho chúng tôi nghe rằng năm trước cô tốt nghiệp phổ thông ở một tỉnh lỵ nhỏ bé vùng Pôntapsina, rằng cái tỉnh lỵ ấy tên là Khôrôn và tỉnh lỵ ấy có một dòng sông nhỏ ấm áp hai bên bờ mọc đầy cỏ tên chảy bên cạnh. Cô nói rằng cha cô đã mất từ lâu, còn mẹ cô - một y tá – thì bận đến nỗi không còn có thời giờ dành cho tình yêu đứa con gái duy nhất, tức là cô, Lêlia. Cô kể rằng sau khi học xong cô quyết định trở thành một nhà chọn giống thực vật và vì thế bây giờ cô đang thực tập sản xuất tại những vườn nho miền Krưm. Công việc đó khó khăn và tinh tế, loại nho ở vườn họ làm tính tình lại đỏng đảnh, nhưng cái chính là công việc đá ghê lắm.

- Công việc làm sao? – Nhà văn ngạc nhiên hỏi lại.

- Đá ghê lắm. Đất chẳng khác gì đá, rễ nho cũng rắn như đá, chung quanh, đá bị mặt trời hun đốt phả hơi nóng hầm hập. Lúc đầu cháu khổ vì nóng, thậm chí phát khóc lên. Ấy thế mà bây giờ cháu lại đâm ra yêu cái nóng ấy, giờ đây cháu có cảm giác như nó làm cho đất đai đẹp thêm. Nhưng khoảng thời gian thú nhất chính là lúc cái nóng dừng lại lúc gần tối, nó bắt đầu giảm dần đi một cách khó nhận thấy và không khí trở nên yên lặng, có thể nói là dịu dàng, đến nỗi cháu cảm nhận cháu thực hạnh phúc.

- Đúng thế đấy, cháu hạnh phúc, - cô nhắc lại và hơi đỏ mặt. - Ở trường cháu, bà hiệu trưởng cứ căn dặn mãi là không được để cho mình dễ xúc cảm, nhưng giờ đây cháu đã hiểu ra như thế thật là ngốc. Cháu đoán được rằng các bác là nhà văn. Ở đây, ở Ianta, các bác có trại nhà văn. Nhà văn phải hiểu mọi sự vật một cách bình tĩnh hơn và tốt bụng hơn những người khác. Vậy thì, các bác hãy nói cho cháu nghe: Chẳng lẽ làm một con người tốt bụng và biết cảm thấy một cách mạnh mẽ tâm tính người và cái đẹp chung quanh lại là không tốt hay sao? Ấy thế mà người ta cứ buộc cháu vào cái tội dễ xúc cảm, thậm chí đôi lần cả ở đây, trong đội lao động nữa. Cháu có lỗi gì khi ở trước mặt kia, cả ngọn núi Aiu- Đgiơ đang đắm mình trong khói xanh, lẫn với trời xanh đến nỗi tưởng như nó hoà tan trong đó? Mà cái đó làm cho tâm hồn cháu cảm thấy sung sướng. Sung sướng đến nỗi ngay lập tức cháu bắt đầu nghĩ ra đủ mọi chuyện để cho cháu còn được sung sướng hơn nữa. Thí dụ như mới đây thôi, cháu vừa đọc được trong một cuốn sách cũ những chữ ”phương xa màu da trời”. Và cháu tự nhủ: “Núi Aiu- Đgơ không phải đắm mình trong bóng tối màu xanh mà là màu xanh da trời? Hay là màu xanh da trời nhạt?” Cháu không biết nên gọi thế nào cho đúng hơn và hay hơn. Rồi cháu bắt đầu tưởng tượng ra cháu đang trèo lên đỉnh núi, chung quanh cháu, những bông mận hoang trắng như hoa tuyết nhỏ bé đang rơi, còn biển thì đang nghiêng ngả ở xa mãi dưới kia, nó ném những tia nắng phản chiếu lên những dốc đứng. Và cháu thèm được hoà tan trong cái ánh sáng và màu xanh Hắc Hải ấy, đến nỗi cháu còn muốn, nếu cháu có phải chết thì cháu sẽ chỉ chết nơi đây.

Cô gái tự nhiên bối rối và nín lặng

- Như thế hẳn là ngốc lắm. – Cô nói. – Các bác tha lỗi cho cháu. Và xin các bác đừng cười cháu.

- Không đâu! – Nhà văn trả lời. – Chúng tôi không cười cô đâu, mặc dầu cô cũng có buồn cười thực đấy. và rất đáng yêu như thế. Bao giờ cô đi lấy chồng?

- Cháu chẳng bao giờ lấy chồng đâu! – Cô gái vội vã ngắt lời ông.

- Mọi cô gái đều nói như thế. – Nhà văn phá lên cười - Cả cô nữa. Bởi vì cô chưa yêu. Tôi ghen với cô đấy. Thực thế! tôi ghen với cô vô cùng. Như tôi ghen với người chưa đọc Epgêni Ônêghin, nhưng sắp sửa đọc cuốn đó. Cô đã đọc Chiếc vòng ngọc thạch của Kuprin chưa? Chưa à? Thế thì hay lắm. Mất gì tôi cũng bằng lòng để được theo dõi cô khi cô đọc truyện ngắn tuyệt diệu đó. Để tôi xem đôi mắt cô tối lại và rưng rưng lệ, để xem cô chau mày và cắn môi như thế nào, xem cô bất thần mỉm cười ra sao.

- Tại sao bác biết cháu đọc những cuốn sách hay như thế?

- Con tôi đọc sách y như vậy đấy! Còn tình yêu – cái tình yêu chân chính trong sáng và giản dị như bất cứ bông hoa dại nào, như bông mận hoang trắng và khiêm tốn kia - nhất định sẽ đến. Mặc dầu cô muốn hay không. Tôi hiểu tôi nói gì.

- Nói chuyện với bác đến là thú vị! – Cô gái nói. - Đấy, thế là chân cháu không còn đau lắm nữa rồi. Cháu có thể đi bộ đến tận Mixkhorơ được rồi.

Nhưng cô chưa đi được ngay, hay nói cho đúng hơn, nếu không dùng gậy. chúng tôi liền đứng hai bên cô và cô gái quàng tay lên vai chúng tôi, khập khiễng, đôi lúc co hẳn một chân lên, bắt đầu nhẹ nhàng rón bước đi xuống.

Chúng tôi đưa cô đi thận trọng như mang một báu vật. Mà thực vậy, đó là một báu vật sống, bám đầy bụi đất đỏ miền Krưm, báu vật sống này e thẹn, với đôi mắt bối rối màu xanh lá cây. Có lẽ tôi đã nghĩ một cách hơi văn hoa rằng mỗi mẩu đất mà đôi chân nhỏ bé đi dép của cô đặt xuống phải là một mẩu đất qúy báu đối với chúng tôi, những ông già. Mẩu đất ấm áp ấy đã được tuổi trẻ chạm tới. Tuổi trẻ là cái duy nhất, vì nó chúng ta đã sống và làm việc trong rất nhiều những năm gian khổ và đôi khi không xứng với cô ta.

Liệu thanh niên có biết đến điều đó không? Tôi nghĩ. Liệu cô gái này có biết đến điều đó không? Cuộc sống sẽ mất hầu hết ý nghĩa, nếu như tuổi trẻ không biết đến công việc của những thế hệ trước mình.

Và cô gái hình như cũng đoán ra tôi nghĩ gì. Đặt lại cánh tay trên vai tôi, cô khe khẽ chạm lòng bàn tay cô vào má tôi, và trong sự cọ sát vô tình ấy tự nhiên tôi cảm thấy niềm âu yếm. Mà có thể đó chỉ là tôi cảm thấy như vậy thôi, chuyện đó thường xảy đến với tôi. Tôi nhớ đến những câu thơ của Lugốpxkôi. “Tôi cần một giấc ngủ trượt sâu, tôi cần một tiết tấu cao tần…”

Hẳn là trong đó ẩn náu sự sáng suốt chân chính của những nguyện vọng cuộc sống hàng ngày. Tôi nghĩ. Nó đấy, giấc mơ trượt sâu màu anh da trời của những khoảng không, sự dao động của bóng tối mỏng manh trên biển cả bao la, cái rung rinh nhè nhẹ khó nhận ra của ngôi sao đầu tiên bên trên những ngọn núi. Tôi trỏ cho cô gái và nhà văn già nhìn ngôi sao, và chính tôi cũng không hiểu vì sao tôi lại nói:

- Hẳn đó chính là cái ngôi sao mà ánh sáng của nó đã mạ bạc những thung lũng mùa xuân.

Nhà văn già trả lời tôi một cách đơn giản:

- Tôi thích sống!

Còn cô gái thì nói rằng ngày hôm nay đối với cô là một ngày đẹp, đẹp lắm, mặc dầu chính cô cũng không hiểu vì sao.

Vâng, truyện ngắn này chỉ có thế. Trong đó không có ý nghĩa giáo dục gì, nhưng có lẽ nó có cái “hạt cát” duy nhất có thể đem lại cho con người dù chỉ chút ít niềm vui và buộc họ phải mỉm cười, mà lần này không phải tìm trong câu chuyện ngắn củn ấy một ý nghĩa sâu xa.

Hết