Hai rương vàng

    

oàng hôn đã xuống từ lâu trên đất Hải Sinh!

Người ta khó lòng nhận ra đâu là chỗ bầu trời và biển cả gặp nhau. Trời - biển cùng chung một màu, cùng chung một thế giới: thế giới hoàng hôn! Tuy nhiên, trong khung cảnh tranh tối tranh sáng đó, người ta vẫn nhận ra một mảnh đất nhỏ, chạy dài như một doi cát biển ở trên mặt đại dương bao la.

Đúng vậy, đó là một hải đảo! Một hải đảo cằn cỗi...

Sự hiện diện của đời sống sinh vật trên hải đảo này quả thật là hiếm có. Họa hoằn lắm, người ta mới thấy có một vài loại chim hậu điểu, ghé tạm chốc lát trên đường thiên di của chúng, hay một vài con đồi mồi lên phơi nắng mà thôi. Ở một địa điểm hẻo lánh chết chóc như vậy, thấy được một sinh vật đã là khó khăn lắm rồi, huống hồ thấy một con người! Thế mà ở đây, người ta lại bắt gặp một đứa bé! Thật là một điều quá sức tưởng tượng - một điều đáng ngạc nhiên.

Quả thật vậy! Người ta đã gặp một đứa trẻ - đúng hơn là một cậu trai - tuổi độ mười ba thôi! Nó đang cuộn mình nằm cạnh một tảng đá. Tóc nó đánh bím lại thành một cái đuôi ngắn, mình mang một chiếc áo sơmi bằng len, chân đi một đôi giày đã bạc màu và rách nhiều chỗ. Trông dáng nó nằm thật thiểu não.

Trong khi hoàng hôn đang buông xuống từ từ thì nó vẫn còn thiu thiu ngủ. Nhưng bỗng nhiên, nhiều tiếng động đã lôi nó dậy. Nó nhớn nhác nhìn quanh, tự hỏi :

- Tiếng động gì thế nhỉ? Tiếng sóng vỗ chăng? Không, tiếng động mạnh và dứt hẳn mà, đâu có kéo dài như tiếng sóng vỗ vào bờ?

Và nó nhận ra một cách thật tài tình :

- A! Phải rồi! Tiếng cót két của một thuyền buồm đang thả neo! Có lẽ nào? Trời sai đến giúp mình chăng?

Nghĩ thế rồi, nó co giò chạy một mạch đến bên một bờ đá cách xa đó một quãng. Chợt nó thấy một hình ảnh gì lờ mờ ngoài kia. Nó lẩm bẩm :

- Một chiếc thuyền? Một chiếc thuyền buồm!

Nỗi lo sợ xen lẫn nỗi vui mừng đến xâm chiếm tâm hồn nó. Nó dựa mình vào tảng đá, hồi hộp theo dõi mọi hình ảnh đang diễn ra trước mắt. Bỗng nó nín thở :

- Cái gì vậy nhỉ?

Một chiếc xuồng con đang được hai người đàn ông khỏe mạnh hì hục đẩy lên bờ. Sau đó, họ khiêng ra hai cái rương. Mỗi người một cái, bỏ lên vai, tay cầm thêm chiếc xẻng, lẳng lặng bước lên bờ. Không biết rương đựng những gì nhưng xem ra nặng thật vì nó thấy lưng hai người còng xuống, bước những bước chậm chạp, uể oải. Theo sau họ, có một tên khác dáng đi bệ vệ, tay xách một chiếc đèn bão. Ánh sáng cây đèn lung linh, yếu ớt, chiếu sáng một khoảng cát nhỏ hẹp. Trông thấy cảnh tượng đó, thằng bé nghĩ thầm :

- Người đi sau có lẽ là một tên cướp đang dẫn bọn em út đi chôn của châu báu vừa cướp được chứ gì?

Nó hồi hộp theo dõi một cảnh tượng hiếm có...

* * * * *

Ba người vẫn lặng lẽ tiến lên dốc một cồn cát. Họ vượt qua đỉnh đồi thấp rồi lại tụt xuống phía bên kia và dừng lại ở một khoảng đất khá bằng phẳng. Nó nghe tên chỉ huy ra lệnh :

- Chỗ này!

Vừa nói, hắn vừa lấy tay chỉ xuống một chỗ trên mặt cát :

- Đào một hố sâu cỡ 1 mét rưỡi thôi. Nhanh lên mấy chú!

Vừa nghe vậy, hai tên kia vội bỏ hai chiếc rương xuống và không hề đáp lại một tiếng, họ lúi húi làm việc như những người câm, có lẽ vì họ quá sợ uy quyền viên tướng cướp chăng?

Tên chỉ huy cũng bỏ đèn xuống đất chạy lăng xăng chỉ trỏ. Nhờ ánh đèn, thằng bé có dịp quan sát tên tướng cướp: hắn cỡ người trung trung, nhưng vẻ mặt dữ tợn, nghiêm khắc và khó hiểu... Hắn mặc một áo thủy thủ ngắn, đầu đội một chiếc nón lông chim làm cho mặt hắn tối sầm lại. Dáng điệu đứng của nó mới hách làm sao! Hai chân dang rộng ra, tay vòng ra trước ngực, nhưng tay phải vẫn không rời khẩu súng lục đen ngòm đeo lủng lẳng ở dây lưng bên hông trái. Thằng bé chăm chú nhìn một cách say mê dường như không chớp mắt... Bỗng nhiên, tên tướng cướp vỗ tay mấy cái nghe chan chát :

- Được rồi! Dừng lại ngay!

Hai người kia vội rút cuốc xẻng lên và quay lưng lại khiêng hai cái rương bí mật bỏ xuống hố. Xong xuôi đâu đấy rồi họ dùng cuốc xẻng lấp hố lại. Thằng bé thấy họ đã thấm mệt vì trên trán, trên lưng họ, mồ hôi đổ ướt dầm dề thấm lan ra cả một mảng áo!

Trong khi đó, tên cướp đang đứng lặng lẽ nhìn họ làm việc, tay phải vẫn nắm chặt báng súng. Cái nhìn có vẻ đầy bí mật làm thằng bé thoáng có một ý nghĩ đen tối, khiến nó phát run lên trong lúc mắt nó vẫn không rời bàn tay phải của tên cướp.

- Dĩ nhiên, tên cướp không muốn cho một người thứ hai nào biết kho tàng của nó chôn giấu ở đây. Đằng này, ít lắm là đã có hai người biết sự bí mật này...

Thằng bé không dám nghĩ gì thêm nữa, chờ xem tên cướp sẽ xử trí ra sao. Dù sao, nó cũng cảm thấy lo âu vì ý nghĩ vẩn vơ đó.

Hố đã lấp đầy. Trong khi hai người kia còn tiếp tục lấy xẻng là là trên mặt hố cho phẳng lì giống mặt cát xung quanh thì bỗng tên cướp tiến lại gần phía sau lưng họ và... đoàng... đoàng... hai mũi tên lửa từ nòng súng bay ra và hai cây thịt nặng nề rơi xuống không kịp nhìn lại một lần cuối bộ mặt tàn ác, phản bội của một kẻ mình đã làm công cho.

Tên tướng cướp lạnh lùng đút súng vào bao và cầm chiếc đèn bão lầm lũi bước đi. Tuy hãi hùng và căng thẳng vì cảnh tượng vừa xảy ra, thằng bé vẫn dán mắt theo bước đi của tên cướp, lúc đó đang tiến lên đồi cát. Thằng bé định bụng khi hắn ta xuống đến bờ thì nó sẽ chạy theo xin xỏ, lạy lục cho nó lên thuyền rời khỏi hải đảo đầy chết chóc này. Nhưng khi tên cướp lên đến đỉnh đồi thì đột nhiên, thằng bé thấy hắn dừng lại, miệng thốt ra những lời nguyền rủa, trong khi tay cầm chiếc đèn chao qua chao lại như ra một dấu hiệu gì. Thằng bé lẩm bẩm :

- Ông ta ra dấu hiệu gì vậy nhỉ?

Tò mò, thằng bé phải giương cổ lên quan sát. Nó chợt hiểu: tên cướp nổi giận vì bọn thuộc hạ đang cố sức đẩy thuyền ra khơi căng buồm dông chạy, khi vừa thấy bóng lão lóe lên ở đỉnh đồi...

Tên cướp vội để cây đèn bão xuống đất chạy thật nhanh về phía bờ, nhưng hắn phải dừng lại thở hổn hển vì chiếc thuyền buồm đã mất hút ngoài kia rồi!

Không một chút do dự, thằng bé vội bỏ tay lên miệng :

- Hú... hú... hú...

Nó không sợ hãi như hồi nãy vì nó chợt hiểu rằng giữa nó và tên tướng cướp kia đang có một mối liên hệ nào đó: cả hai đang ở trong cùng một hoàn cảnh, hoàn cảnh của những kẻ bị bỏ lại trên hải đảo! Vừa nghe tiếng hú, nhanh như cắt, tên tướng cướp xoay mình một vòng, tay rút súng ra quát lớn :

- Ai? Ai?

Có tiếng đáp lại rụt rè, sợ sệt :

- Dạ thưa ông, xin đừng bắn cháu ạ! Cháu cũng là một kẻ bị bỏ lại như ông. Cháu hiện có một chiếc thuyền nhỏ. Nếu ông muốn đuổi theo bọn họ thì cháu xin giúp một tay!

Tên cướp vẫn sừng sộ như muốn trút xuống trên đầu thằng bé lạ lùng tất cả những nỗi bất bình của hắn :

- Mày có thuyền?

Thằng bé vẫn nhỏ nhẹ :

- Dạ, một chiếc thuyền buồm nhỏ thôi ạ!

Tên cướp gật gù lẩm bẩm một mình :

- Phải đuổi theo bọn vô lại đã dám lường gạt tao!

Rồi chợt nhớ ra điều gì, hắn cười lớn :

- Ha... ha... bọn nhãi con lầm... lầm to... tưởng phỗng tay trên, tưởng ngồi mát ăn bát vàng... Ha... ha...

Bỗng nó quay phắt lại :

- Nhưng mà mày là ai?

Chẳng nói chẳng rằng, thằng bé cắm đầu chạy lại đằng kia lượm cây đèn rồi tiến về chỗ cũ. Lúc đầu, tên cướp tỏ vẻ chưng hửng vì không thấy thằng bé trả lời câu hỏi của nó, nhưng rồi nó cũng hài lòng. Thằng bé vừa chạy lại, chưa kịp bỏ đèn xuống đã vội lên tiếng :

- Thưa ông, cháu tên là Oai, từ hải đảo Hoàng gia bên xứ Giamaica trôi dạt đến đây!

- Vì sao mầy lại trôi dạt đến hải đảo này?

- Thưa ông, cháu đang đi trên một thương thuyền thì bị bão đánh đắm, cháu may mắn sống sót với chiếc thuyền nhỏ kia và lênh đênh trên biển cả tám ngày rồi sau cùng dạt vào đây!

- Một mình?

- Thưa ông, vâng! Khi tàu ngộ nạn thì cháu đang đứng hóng mát trên boong tàu nên đã may mắn thoát nạn. Thật ra là nhờ một cái phao cấp cứu mà cháu vớ được. Nhưng sau đó, cháu thấy một chiếc thuyền con cũng thuộc loại cấp cứu, cháu cố lội tới và trèo ngay vào. Vả lại cái phao cháu đã bị lủng nhiều chỗ rồi nên không thể dùng lâu được! Cho đến lúc này, cháu vẫn để mắt tìm xem có ai sống sót không, nhưng chẳng thấy. Có lẽ vì lúc đó, các hành khách thì mải lo say sưa ở phòng ăn, còn các thủy thủ, chỉ có độ năm, mười người lo máy móc, lúc đó còn kẹt ở hầm máy ra không kịp.

Tên cướp lại hỏi :

- Thuyền mày có dự trữ nhiều đồ ăn không?

- Dạ, ít ít thôi, nhưng còn nước ngọt!

Rồi chợt nhớ ra điều gì, nó reo lên :

- À, thưa ông, thuyền vẫn còn mái chèo ạ! Cháu không quen sử dụng nhưng với ông thì chắc là quá rành!

Tên cướp - như vừa được gãi đúng chỗ ngứa - ngửa mặt lên trời cười tự đắc :

- Ồ! Mầy không biết tao là thuyền trưởng à? Thuyền đâu rồi?

Thằng bé chỉ về phía đằng kia :

- Dạ cháu cột ở phía bên kia hải đảo, cạnh một bờ đá!

Tên cướp ra lệnh :

- Dẫn đường cho tao ngay đi mày!

- Dạ!

* * * * *

Sau khi xem xét chiếc thuyền con một lúc, tên cướp lẩm bẩm:

Cũng dùng được nếu khéo tay. Đồ dùng vẫn còn tốt! Dư sức đi vòng quanh thế giới!

Nghe vậy, thằng Oai reo lên thích thú :

- Cám ơn Trời! Chúng ta có thể thoát khỏi nơi này được! Thật là may cho cả hai!

Tên cướp đá vào một thùng gỗ, càu nhàu :

- Chỉ có chừng này nước thôi à?

- Dạ, chừng ấy cũng quí lắm rồi ạ! Hải đảo này làm gì có giọt nước ngọt nào đâu?

Nó vò đầu, tiếp tục nói một cách bâng quơ :

- Chả biết chỗ nào có nước ngọt ở gần đây không nhỉ?

- Không!

Tên cướp trả lời cộc lốc, vì nó biết rằng ít lắm phải vượt hàng trăm hai lý nữa may ra mới tìm được một vài ốc đảo!

Thằng Oai khẩn khoản :

- Thưa ông, vậy thì chúng ta nên khởi hành ngay, kẻo hết nước ngọt thì nguy lắm đấy! Hải đảo này quả là tử địa!

Tên cướp không đồng ý :

- Bây giờ đi chưa được đâu! Mầy không biết chứ cần phải coi thời tiết đã chứ! Vì thế, mầy đem thuyền giấu đi đã kẻo bọn hải tặc thấy được thì khốn cả lũ!

Thằng Oai ngây thơ hỏi:

Bọn hải tặc nào thưa ông? Có phải bọn thuộc hạ của ông hồi nãy đó không? Họ nổi loạn chống ông à?

Tên cướp xem ra không chú ý gì đến câu hỏi cay cú của thằng Oai, lão vừa khịt mũi vừa đáp :

- Bọn sứa biển đó làm được trò trống gì! Tao sẽ giết chúng như giết sâu bọ!

Sau đó, hắn ngồi bệt xuống đất, tựa lưng vào thùng nước, giở chiếc nón lông chim ra quạt lấy quạt để.

Thằng Oai lại có dịp quan sát tường tận hơn: hắn ta có chiếc đầu tròn, hơi dài như quả trứng vịt, bóng nhẵn gần hết. Yên lặng một lát, tên cướp lại lẩm bẩm :

- Tao đoán chắc đêm nay thế nào cũng có chuyện!

Thằng Oai chẳng hiểu ý tên cướp muốn nói gì cũng ngớ ngẩn xen vào :

- Dạ, chuyện gì, thưa ông? Có thể cho cháu biết được không? Hay là ông tính ngồi đây chờ bọn họ tới thì thanh toán?

Tên cướp nổi giận :

- Ăn nói đàng hoàng mầy! Con nít mà chơi leo hả?

Thằng Oai sợ hãi, im thin thít! Tuy nạt nộ thế nhưng trong thâm tâm, hắn cũng thấy thương hại thằng bé vì nó đang cùng chung một hoàn cảnh, một tâm trạng mà! Lão quay lại xoa đầu thằng Oai ra chiều thân mật, như hối hận về cử chỉ nóng giận hồi nãy.

Tự nhiên thằng Oai đâm ra có thiện cảm nhiều với tên cướp. Nó trở nên hăng hái, tin tưởng vào người ngồi bên cạnh, hy vọng ông ta sẽ dẫn dắt nó ra khỏi hải đảo cằn cỗi này. Tâm hồn nó tràn ngập nỗi vui mừng như thể cây khô bị hạn hán gặp một trận mưa rào vậy! Nó líu lo kể :

- Ba tôi là Thuyền trưởng chiếc Hoa Hồng - tàu chuyên môn chở hàng hóa, thư từ, chạy đường hải cảng Hoàng gia xứ Giamaica đến Luân Đôn.

Tên cướp xem chừng có vẻ chú ý đến câu chuyện của thằng bé. Hắn đang nằm dài tựa đầu lên thùng nước, lấy nón đậy mặt lại. Vừa nghe thằng Oai kể đến đó, hắn giật mình ngồi dậy cắt đứt câu chuyện :

- Mầy vừa nói gì... gì... Hoa Hồng đó?

Thằng Oai vô tư :

- Dạ, cháu nói ba cháu trước đây là thuyền trưởng chiếc Hoa Hồng!

Tên cướp định nói tiếp cái gì đó, nhưng nghĩ sao hắn lại nằm dài xuống, lấy nón đậy mặt rồi nói vọng lại :

- À... à... Tao nghe lờ mờ mầy nói... Hoa Hồng gì đó, tao cứ ngỡ là mầy nói đến cô em gái của tao vì nó cũng tên là Hoa Hồng! Rồi sao nữa? Mầy đang đáp tàu đó mà bị đắm à?

- Dạ, cháu đáp thương thuyền khác chứ! Vì tàu ba cháu đâu còn nữa, nó đã bị mất tích cách đây hơn một năm rồi!

Tên cướp lại bật mình ngồi dậy hỏi dồn :

- Mất tích?

- Dạ, mất tích một cách kỳ lạ. Cho rằng tàu bị bão - không đúng - Vì thời tiết vào mùa hè năm đó rất tốt. Cho rằng tàu bị đắm vì trận hải chiến nào đó, điều này cũng không đúng vì theo chỗ cháu biết thì xứ Giamaica không hề gây chiến với một lân bang nào cả!

Tên cướp nói vọng lại :

- Biết đâu, tàu ba mầy đã gặp chuyện không may trên biển cả, như bị một trái thủy lôi nào đó nổ tung chẳng hạn!

Thằng Oai sụt sùi kể lể :

- Cháu không tin là ba cháu đã gặp chuyện bất trắc! Người ta cũng đã đưa ra nhiều giả thuyết mà má cháu vẫn không tin. Má cháu nói là trong nhiều đêm bà đã nằm mơ thấy tàu ba cháu đã bị một bọn cướp đánh đắm! Và dĩ nhiên là cháu cũng tin như vậy!

Tên cướp giật mình :

- Bị cướp đánh đắm hả?

Thằng Oai vẫn chậm rãi :

- Thưa ông, vâng! Như ông biết thì trong chuyến đi đó, ngoài hàng trăm kiện thực phẩm xuất cảng, tàu ba cháu còn mang theo một mật thư của nhà cầm quyền xứ Giamaica đến cho chính phủ Anh quốc trong đó có một tấm ngân phiếu 500.000 Anh kim để trả nợ cho một ngân hàng bên đó mà chính phủ Giamaica vay mượn trước đây.

- Sao mầy biết rõ vậy?

- Thật ra, khi tàu ba cháu nhổ neo thì cháu đang ở nội trú tại một trường Trung học, nhưng về sau má cháu đã kể lại cho cháu nghe như vậy.

- Mầy kể tiếp đi!

- Thế rồi tàu đi biền biệt, không đến nơi cũng như không thấy trở về. Không riêng gì gia đình cháu mà hầu như tất cả mọi người đều xôn xao và ngong ngóng trông tin! Vì sự mất tích chiếc tàu này gây ra nhiều thắc mắc, nó bùng ra như thể một trái bom nổ trong giới hàng hải. Gia đình cháu có đăng báo hỏi thăm tin tức trong cả gần một tháng trời, trong nước cũng như ngoài nước, nhưng tuyệt nhiên không có một kết quả nào. Về phần chính phủ Giamaica, họ còn cho in hình ba cháu trong một bố cáo gởi đi khắp xứ và cả bên Anh quốc nữa để truy tầm, nhưng cũng không mang lại một tin tức gì dù là mong manh, khả dĩ có thể men theo đó mà tìm ra gốc ngọn... Tất cả những cố gắng đó đều tỏ ra vô hiệu quả, không một ai tìm thấy tung tích gì về chiếc tàu cả! Và sau đó, dư luận lại gán cho ba cháu những trọng tội, khiến cho gia đình cháu, nhất là má cháu hết sức đau khổ. Họ cho rằng ba cháu đã âm mưu bán mật thư cho một tổ chức chống chính phủ để lấy vàng và bị thủy thủ đoàn nổi lên chống lại, nhưng tất cả đều bị giết. Dĩ nhiên, theo họ thì ba cháu cũng thủ luôn tấm ngân phiếu... và đánh đắm tàu... Họ không trưng ra được một bằng cớ nào dù chỉ một cái cỏn con. Họ chỉ dựa vào những luận cứ vừa vu vơ, vừa giản dị, là chuyến tàu đó quan trọng vì có mang mật thư và một số hàng trị giá bạc triệu... Thế thôi! Quả thật, đó là những lời đồn đãi có ác ý, vì họ nghĩ rằng ba cháu đã hành động do lòng tham! Nhưng họ không biết cho rằng ba cháu đã có hơn 10 năm giữ chức vụ thuyền trưởng. Và trong chức vụ đó, ba cháu đã chỉ huy biết bao nhiêu chuyến tàu xuất ngoại quan trọng và trị giá hàng triệu... triệu Anh kim không kém chuyến tàu cuối cùng đó? Người ta đã nghi oan cho ba cháu và chắc ông cũng biết đó là một điều rất nhục nhã cho một vị thuyền trưởng! Tên tuổi ba cháu đã bị vết nhơ ngàn đời không thể rửa sạch, nếu...

Tên cướp ngắt lời :

- Người ta nghi thì mặc kệ người ta chứ, lo gì. Mà tao hỏi, chính phủ có kết tội ba mầy như vậy không đã?

Dạ, thưa ông, về phía chính phủ thì mãi đến nay họ vẫn chưa có thái độ gì, vì họ chưa tìm ra được manh mối nào cả, nhưng biết đâu sau này...

- Sau này thì sao?

- Dạ, biết đâu sau này, họ chẳng kết tội ba cháu, trong trường hợp họ tìm ra xác chiếc tàu chẳng hạn!

- Thì như vậy không đúng hay sao?

- Dạ không, cháu quả quyết là không! Vì ba cháu là một người rất thanh liêm và trọng danh giá gia đình, như má cháu đã thường nói với cháu!

Tên cướp cật vấn :

- Thế hồi nãy mày nói gì mà... “rửa sạch vết nhơ” đó?

Thằng bé tiếp, giọng nghẹn ngào :

- Dạ, chính vì cháu không muốn người ta kết tội ba cháu một cách bất công, nên cháu nghĩ rằng vết nhơ của ba cháu không thể rửa sạch được nếu không tìm ra được mật thư, hay một bằng chứng nào khác. Và cháu nguyện sẽ đem cả cuộc đời của cháu để rửa hận cho ba cháu và gia đình. Dĩ nhiên rửa hận không có nghĩa là lấy mạng đổi mạng như người ta thường làm. Đối với cháu, rửa hận là tìm cho ra bằng chứng để cho mọi người biết rằng ba cháu không phải vì tham vàng bạc mà bán rẻ danh dự của một vị thuyền trưởng!

Dưới ánh sao đêm, tên cướp nhe hai hàm răng trắng bệch, cười mỉa mai :

- Bán mật thư để lấy vàng, ba mày thật bất tín. Còn mày, mày sẽ làm gì để rửa vết nhơ cho ba mày?

Thằng Oai tức giận và buồn tủi vì câu nói khiêu khích đó, nhưng châu chấu làm sao đá nổi voi, nó đành nén bụng :

- Làm sao cháu nói trước được? Nhưng cháu đã quyết chí như vậy và hằng cầu khẩn Trời giúp đỡ cho!

- Mày cũng tin vào Trời Đất nữa à?

- Dạ tin chứ! Trên đời này ai lại không tin vào Trời? Má cháu thường nói Trời tuy ở trên cao, nhưng vẫn có con mắt theo dõi hành động của mọi người: ai ở hiền sẽ gặp lành, ai ở ác sẽ gặp dữ!

- Thôi đi mầy! Ngồi nghe mầy nói chuyện luân lý mãi, tao thấy nhức cả óc! Nhưng tao khen cho mầy đó! Miệng lưỡi mầy can đảm thật. À mà tao quên hỏi mầy: làm sao mà mầy bỏ nhà ra đi được? Mầy còn nhỏ thế này, sao má mầy lại cho mầy đi?

Thằng Oai nghe nhắc đến má nó, tự nhiên nó ứa nước mắt, sụt sùi kể :

- Cháu có một người bà con làm nghề buôn bán, thường đi đây đi đó để mua hàng... Kỳ nghỉ hè vừa rồi, cháu nảy ra một ý tưởng táo bạo: lợi dụng kỳ hè nghỉ được ba tháng, cháu sẽ theo chân người bà con đó trong vài chuyến tàu, để dò la tin tức ba cháu, may ra có nghe thấy gì không. Thế rồi, cháu đem ý kiến đó ra trình bày với má cháu để xin phép đi. Ban đầu, má cháu nhất định không chịu, vì cháu còn nhỏ dại, hơn nữa cháu là đứa con độc nhất của ba má cháu. Nếu cháu có thế nào, thì má cháu làm sao mà sống được... Nhưng lòng mong muốn rửa vết nhơ cho ba cháu thúc giục, nên cháu cứ lẽo đẽo theo xin hoài. Cháu trình bày với má cháu là cháu đi một công đôi việc: vừa đi dò la tin tức ba cháu, vừa làm một chuyến du lịch để học hỏi thêm. Cháu cũng kể cho má cháu nghe câu chuyện anh Mã-Khắc trong cuốn “Vạn dặm tìm mẹ”... Tuy còn nhỏ tuổi hơn cháu, nhưng vì lòng thương yêu mẹ, Mã-Khắc đã vượt qua bao nhiêu dặm đường từ nước Ý qua tận Phi Châu tìm mẹ và anh ta đã thành công. Dĩ nhiên, Trời đã giúp anh, nhưng tự anh cũng phải nuôi một ý muốn mãnh liệt đã chứ... Cháu nài nẵng mãi và cũng nhờ người bà con cam kết bảo lãnh lo cho cháu được an toàn. Cuối cùng, má cháu chấp thuận cho cháu lên đường.

Không may, cuộc hải trình của cháu vừa mới khởi hành được hơn một tuần, chưa cập bến một hải cảng nào, thì chiếc tàu cháu đi bị bão giữa biển khơi, người bà con của cháu bị chìm mất xác, còn cháu... thì ra nông nỗi này! Cháu bị sóng đánh trôi dạt vào hải đảo khốn khổ này! Cháu nhớ má cháu hết sức, không biết má cháu lúc này ra sao?

Tên cướp ngồi nghe thằng Oai kể lể, hắn tỏ vẻ cảm động :

- Mầy còn nhỏ mà can đảm thật! Tao khen mầy! Mầy quả là con gà tơ có trái tim sắt. Nhưng mà mầy thấy không? Mầy tin vào Trời mà Trời có phù hộ gì cho mầy đâu? Mầy ra đi chưa tìm được manh mối gì thì đã bị trôi vào tử đảo này rồi! Thôi, thế là hết, con ạ! Mầy dọn mình chết đi là vừa!

Thằng Oai nhìn lên trời, nét mặt đanh lại :

- Không! Cháu tin là Trời vẫn thương giúp cháu thành công trong việc này, tuy rằng cháu phải trải qua nhiều gian khổ. Ngày mai sẽ ra sao, cháu không biết, nhưng cháu tin rằng Trời biết. Trời sẽ cảm thương mà giúp cháu...

Tên cướp la lên :

- Thôi đi mầy! Mầy cứ nhắc đến Trời hoài làm tao điên lên được! Tao thì tao chẳng tin gì ở trời đất hết, nhưng tao sẽ tự lực trả thù những đứa nào đã làm hại tao! Mầy thấy bọn nhóc con, bọn ăn cháo đá bát, đã đánh lừa tao, vất tao lại như vất một con chó đói vậy! Tao cảm thấy thật hổ thẹn và nhục nhã!

Ngừng một lát, tên cướp tỉ tê kể :

- Cách đây mấy tuần, bọn chúng tìm cách gây sự với tao. Vì dù sao, chúng cũng chỉ là em út! Nguyên do cũng chỉ vì chúng muốn chia phần cái rương vàng của tao. Thật ra, thì đó là gia tài riêng mà tao đã tốn bao nhiêu mồ hôi và cả máu nữa để gầy dựng!

Thằng Oai hình như vẫn không hiểu gì, nó ngây thơ hỏi lại :

- Chắc ông không chia phần cho họ chứ gì?

Tên cướp không để ý gì, tiếp tục cắt nghĩa :

- Vàng bạc đó là của ăn cướp được, tao đã chia phần đồng đều rồi. Dĩ nhiên, phần tao phải nhiều hơn chút đỉnh chứ! Tao là chủ mà! Nhưng chỉ trong có mấy ngày, chúng đã tiêu xài hết, thật đúng là “của thiên trả địa!” Xong lại quay ra muốn chia phần lần nữa, chúng dòm ngó của tao, tao không chịu. Tao phải cất giấu ở dưới sàn tàu, ngay cạnh cửa ra vào phòng riêng của tao. Tao cất của hay lắm! Vì trước kia tao nguyên là thợ đóng sàn tàu nên tao biết nhiều chỗ cất giấu của cải kín đáo lắm. Tao nhớ lại và tao phải tự tay gỡ một miếng gỗ trên sàn tàu rồi gắn chặt hai rương vàng vào đó và đóng ván lại như cũ. Sau đó, để đánh lừa bọn chúng, tao đóng hai cái rương giống hệt hai cái kia rồi nện cát vào thật đầy, khóa lại, giả vờ sai hai tên nô lệ khiêng lên chôn trên hải đảo này! Để cho có vẻ đúng sự thật, tao buộc phải thanh toán hai tên nô lệ kia. Phải làm vậy, chứ sao! Vì tao muốn địa điểm chôn vàng chỉ có mình tao biết thôi!

Tên cướp lại cười ra chiều đắc ý lắm :

- Mấy không tin cứ lại đào lên xem, trong rương chỉ toàn là cát không thôi!

Thằng Oai cũng cười xòa :

- Nhưng bây giờ, ông không còn làm chủ được các rương vàng thật kia nữa!

- Sao lại không? Bằng mọi cách, tao sẽ tìm lại được. Không sớm thì muộn thế nào tao cũng về lại tàu của tao. Và lúc đó, bọn nhãi con sẽ biết tay tao!

Nghe tên cướp nói đến đó, thằng Oai mừng rỡ ra mặt :

- Như vậy, chắc chúng ta sẽ thoát khỏi hải đảo hoang vu này nhỉ?

Tên cướp cười lớn tiếng :

- Thế hồi nãy, mầy không nghe tao nói gì à?

- Dạ, thưa cháu quên mất rồi ạ!

Tên cướp chỉ tay về phía chiếc thuyền con :

- Tao nói là có thể dùng chiếc thuyền nhỏ này chạy vòng quanh thế giới cũng còn được nữa, huống hồ đàng này...

- Vậy chúng ta nên bắt tay vào việc đi chứ? Gió đang thuận chiều mà! Phải khởi hành sớm để còn mong đuổi kịp bọn kia chứ?

- Mầy khỏi lo chuyện đó!

Nói xong, tên cướp ngửa mặt lên trời quan sát. Thằng Oai cũng bắt chước nhìn lên và thấy vô số vì sao đang lấp lánh trên nền trời xanh thẳm như những hạt kim cương gắn trên một tấm thảm nhung vậy.

Sau khi hết nhìn trời, nhìn sao rồi nhìn biển cả, tên cướp mới quay lại nói :

- Được, tốt lắm! Đừng phí thì giờ nữa! Mọi sự đều sẵn sàng rồi chứ?

Oai hăng hái đáp :

- Dạ, xong cả rồi ạ! Có gì đâu!

Một lần nữa, tên cướp cầm chiếc đèn bão đi lại phía chiếc thuyền con xem xét mấy quai chèo, buồm... Xong xuôi, hắn ra lệnh :

- Tháo dây, kéo nó ra! Tao cầm chèo lên trước!

Thằng Oai lội xuống nước nghe bì bõm, cố sức đẩy thuyền ra. Mãi đến khi nước ngập tới bụng, nó mới dừng lại và sửa soạn nhảy lên thì bỗng nhiên nó khựng mình lại khi nghe tiếng quát của tên cướp :

- Đứng lại đó mầy!

Giọng tên cướp nghe sắc bén như dao, không niềm nở, thân mật như lúc nãy. Nó ngạc nhiên hết sức! Qua ánh đèn, nó nhìn thấy khẩu súng ác nghiệt, đen ngòm đang ló ra nhắm vào đầu nó! Nó chợt hiểu, nhưng vẫn cố làm ra vẻ ngây thơ, lắp bắp hỏi :

- Ông... ông... làm gì vậy?

Tên cướp, vẻ mặt thật đanh ác, dõng dạc :

- Hoặc tao, hoặc mầy một đứa ở lại, một đứa đi. Nhưng chắc không phải là tao ở lại rồi đó!

Thằng Oai cảm thấy trời đất như quay tít mù, mồ hôi đổ ra như tắm, hai hàng nước mắt tuôn chảy. Nó nức nở van lơn :

- Nỡ nào ông bỏ cháu ở lại sao? Tội nghiệp cháu mà!

Tay vẫn giữ nguyên tầm súng, tên cướp lạnh lùng nói :

- Nước ngọt chỉ vừa đủ dùng cho một người thôi! Mầy biết chứ? Tao sẽ bỏ mầy ở lại đây, hoặc giết mầy bằng khẩu súng này. Tùy mầy chọn! Hoặc chết nhanh với một viên đạn hoặc chết chậm vì khát nước!

Mắt thằng bé đỏ ngầu vì quá giận dữ: nó không còn giữ lễ độ như trước nữa. Nó mắng tạt vào mặt tên cướp :

- Không! Không! Tôi không bao giờ muốn chết vì bàn tay phản trắc của ông!

Tên cướp vẫn lạnh lùng, không hề tỏ vẻ nóng giận vì câu mắng chửi của thằng bé. Nó làm như không nghe thấy gì cả. Nó hạ giọng :

- Này bé con! Tao đã nghĩ đến mầy từ buổi đầu cơ! Tao nghĩ có thể đem mầy cùng đi, nhưng vì số nước ngọt có hạn! Không lẽ cứu mầy để cùng chết cả hai à?

Thấy còn nước còn tát, thằng Oai vội quả quyết :

- Tôi xin biếu ông số nước ngọt đó. Tôi thề sẽ không đụng đến dù chỉ một giọt!

Tên cướp cười lắc đầu :

- Tao cũng muốn tin lời hứa của mầy lắm. Nhưng mầy là người với đầu đen máu đỏ, mầy cũng muốn sống chứ? Tao cũng vậy! Lỡ mầy quật ngược thế cờ, ẵm hết nước thì sao?

- Nhưng thà chết trên thuyền còn hơn ngồi đây đợi chết khát à? Vì ông dư biết rằng đảo này làm gì có nước, hay có thuyền bè nào ghé vào đây bao giờ đâu?

- Thì biết vậy, nhưng gọi là có chút an ủi may ra có thần thánh nào tới cứu mầy chăng? Vả lại, tao cũng không muốn mầy ngồi chung thuyền với tao, không phải vì sợ hết nước ngọt mà vì...

Nói đến đây tên cướp bèn hạ giọng xuống chỉ vừa thằng Oai nghe thôi :

- Vì... tao là kẻ thù không đội trời chung với mầy!

Thằng Oai đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nó không hiểu ất giáp gì về câu nói đó. Nhưng tên cướp, sau khi ngừng một giây nuốt nước miếng, lại chậm rãi tiếp :

- Chính tao đã đánh đắm chiếc Hoa Hồng năm xưa của cha mầy!

Thằng Oai nghiến răng lại, nghe ken két :

- Ông... ông... đã giết cha tôi ư?

- Không! Ba mầy đã chiến đấu và chết như một chiến sĩ dũng cảm. Đến nay, tao vẫn còn thầm phục ông ta. Quả đúng là một viên thuyền trưởng hiếm có!

Thằng Oai thét lên :

- Im đi! Đừng mỉa mai người quá cố nữa! Cám ơn ông đã cho tôi biết điều đó nếu quả đúng sự thật! Bây giờ, xin ông hãy cút đi cho rảnh mắt tôi!

Tên cướp vẫn bình tĩnh, chậm rãi :

- Hãy khoan! Tao tưởng là mầy cần phải biết chứ, dù mầy sắp chết, mầy cũng cần phải biết, biết để được an ủi phần nào công lao mầy bấy lâu đã vào sinh ra tử để tìm tung tích ba mầy!

Nghỉ một lát, hắn lại tiếp :

- Sự thật đúng như thế! Hôm ấy, chúng tao đang cần thực phẩm vì lênh đênh trên biển cả đã mấy ngày mà chưa ghé bờ mua được vì tàu đang bị trục trặc máy móc. Tụi tao cảm thấy lo ngại thì chợt thấy một tàu lạ ở đằng xa, bèn ra dấu hiệu báo nguy. Tàu lạ nhận được những tín hiệu cấp cứu liền tiến lại gần và tụi tao thay vì nhận một số thực phẩm cứu trợ vừa đủ, đã ào ào tràn lên tàu cướp sạch, chẳng những thực phẩm mà còn luôn cả vàng bạc, hàng hóa nữa.

Vừa nghe đến đó, thằng Oai quên cả sợ, chỉ thẳng vào mặt tên cướp :

- Các người thật là giống tàn bạo! - Và nay lại đến lượt ông đền ơn cho tôi đó ư?

Tên cướp vẫn không tỏ vẻ giận dữ gì :

- Mầy đừng nóng, tao còn kể tiếp nữa chứ! Thực phẩm thì tụi tao vơ sạch. Sau đó, có một tên em út phóng hỏa đốt chiếc tàu để phi tang. Lâu lắm, tao cũng không còn nhớ xác tàu hiện nằm ở chỗ nào nữa! Tuy vậy, tao vẫn cảm thấy hơi lo âu sợ chuyện đổ vỡ thì sẽ nguy đến tính mạng. Chi bằng, để chắc ăn, phải thủ tiêu luôn bọn em út, nhất cử lưỡng tiện, vừa giữ bí mật vừa lấy được vô số thực phẩm khỏi sợ ai chia phần cả. Đành phải hy sinh vậy chứ sao! Tụi em út, mầy thấy hôm qua đó, là bọn mới được tao thu dụng mấy tháng nay thôi! Tao mà về lại thì thế nào bọn đó cũng chết với tao! Toàn là bọn du thủ du thực cả!

Thằng Oai lại nghiến răng, lẩm bẩm :

- Trời có mắt! Ác lai ác báo! Thế nào cũng có ngày tên cướp này bị bắt mà chớ!

Tên cướp hình như không nghe thấy gì, hắn lại khàn khàn tiếp :

- Nghe đây bé con: Tao có cướp được một phong bì nơi tay viên thuyền trưởng. Bấy lâu nay, tao cố giữ kín, tuy đã mở ra xem rồi, nhưng không hiểu vì nhiều hình vẽ chằng chịt. Bây giờ, tao đã hiểu và đối với tao, nó không có giá trị gì, kể cả tấm ngân phiếu. Vì tao đâu có lãnh được số tiền đó? Mà thật ra, tao cũng không dại gì mà vác mặt tới lãnh, tuy cũng muốn hết sức! Dù sao, tao vẫn cất giữ nó, vì biết đâu chẳng nhờ nó mà một tên đầu trộm đuôi cướp như tao có thể dùng để tự cứu đầu mình khỏi lìa cổ! Chắc mầy cũng hiểu ý tao muốn nói gì chứ? Nhưng tao sẽ không làm như vậy nữa! Mật thư hiện còn ở trong phòng tao, và khi về lại tàu cũ, tao sẽ lấy ra đem gởi tất cả cho nhà cầm quyền xứ Giamaica! Đó là phần việc của tao phải làm, gọi là để trả lại tiền chiếc thuyền nhỏ này cho mầy!!!

Mầy bằng lòng chứ? Tao dàn xếp như vậy là ổn thỏa rồi đó nghe!

Nói xong, hắn híp mắt cười ra vẻ thích thú về sáng kiến vừa rồi. Một lát sau, hắn lại lên tiếng hối thúc thằng Oai :

- Nào! Giờ mầy chọn đường nào? Ăn kẹo đồng hay lên bờ?

Đứng trước họng súng tàn ác, thằng Oai tuy giận sôi gan, ước chừng có thể ăn tươi nuốt sống kẻ đã giết ba mình, nhưng đành bất lực lủi thủi lên bờ, nước mắt ràn rụa! Tuy thế, nó vẫn còn bám lấy một hy vọng mong manh là may ra sẽ có ai tới cứu chăng? Và nó sẽ phục thù cho người cha thân yêu của nó.

Lên đến bờ, Oai ngoái cổ lại nhìn chiếc thuyền con đang từ từ rời bến, trong lòng quặn đau như đứt từng khúc ruột! Chỉ một thoáng sau, chiếc thuyền xa d6a2n rồi khuất hẳn trong bóng tối dày đặc. Oai thầm nghĩ :

- Không lẽ đời mình chấm dứt từ đây sao?

Chua bao giờ nó cảm thấy chán chường và thất vọng như lúc này! Biết làm gì đây, ngoại trừ ngồi nhìn trời, nhìn đất chờ Thần Chết đến? Còn gì khủng khiếp cho bằng tình cảnh một người đang chờ chết. Oai sợ hãi, ngủ thiếp đi...

Sáng hôm sau, khi trời đã sáng hẳn, Oai tìm cách chôn hai xác chết hôm qua. Nó thầm nghĩ :

- Họ là những kẻ xấu số! Nhưng dù sao cũng còn sung sướng hơn tình cảnh nó hiện tại. Nhờ hai phát đạn thi ân, họ đã ra đi một cách yên lành, nhanh chóng, không hận thù - chứ đâu có đau đớn và hãi hùng như tâm trạng nó bây giờ?

Đến xế chiều, để giết thì giờ, nó moi cát lấy hai rương vàng lên xem, nhưng chỉ thấy rương đựng toàn là cát, đúng như lời tên cướp đã nói với nó đêm qua. Nó không thấy thất vọng vì còn lòng dạ nào! Giả sử hai rương kia có chứa đầy vàng bạc thật sự thì cũng đem lại cho nó ích lợi gì trong hoàn cảnh này. Vì biết dùng những thứ đó đổi chác cho ai? Dù chỉ đổi lấy một ít giọt nước ngọt cũng không có!

Buổi sáng ngày thứ hai, cơn khát lại càng hành hạ thằng bé một cách dữ dội. Nó không biết làm gì hơn là ngồi đếm những đợt sóng biển đang đập vào bờ để tìm cách quên đi cơn hấp hối càng lúc càng gần kề! Miệng nó ngậm mãi một hòn sỏi đến nỗi lưỡi bị bỏng lên thật là đau đớn! Nó thầm lạy Trời sao cho có một trận bão tới. Tới gần hay xa cũng được, miễn có bão là tốt rồi. Bảo tới xa thì hy vọng sẽ có thuyền bè ghé đảo để tránh bão, và nó sẽ được cứu sống ; bão gần thì nó sẽ hứng được ít nước ngọt!

Nó khát quá đến nỗi quên cả đói!

Ngày lại ngày... Thấm thoắt, cơn hấp hối của nó đã kéo dài qua ngày thứ tư rồi. Ôi! Bốn ngày mòn mỏi trông chờ... trông chờ một phép lạ! Cơn khát vẫn đeo đuổi nó, vẫn hành hạ nó... Nhiều lúc, nó tưởng chừng có thể phát điên lên được! Những khi đó, nó chạy ào xuống biển, lấy tay chụm lại uống vài ngụm nước mặn, mặc dầu nó cũng biết càng uống thì càng khát thêm! Quả thật là nguy kịch!

Bây giờ, cơn khát lại đến hành hạ nó. Nó bò bằng hai tay hai chân. Bò được một quãng rồi nằm ngất xỉu, tỉnh lại rồi nó lại tiếp tục bò, cứ thế không mấy chốc, nó đã lết tới tảng đá hôm trước...

Trời đã về chiều. Thằng Oai chắp tay nhìn lần cuối cùng về phía chân trời tím - màu tím đầy tang thương và chết chóc... Nó cảm thấy tấn thảm kịch đời nó sắp hạ màn... Chính trong giờ phút cuối cùng này, nó cảm thấy nhớ má nó hết sức. Nó nghĩ đến những ngày còn sống bên người mẹ thân yêu! Nó hối hận vì có lúc đã làm cho má nó sầu khổ vì nó! Nó ước ao được gặp má nó một lần cuối cùng để xin má nó tha lỗi cho, nhưng muộn quá rồi! Nó bật khóc tức tưởi, những giọt nước mắt nóng hổi lăn tròn trên hai gò má hốc hác, đen đủi vì gió biển! Nhưng nước mắt nó cũng đang cạn dần... Và nó thiếp hẳn đi...