Mười tám tuổi, giã từ quê nội Nha Trang tôi về Cần Thơ ở với bà ngoại. Cả bà nội và bà ngoại hồi ấy đối với tôi đều khắc nghiệt. Một đứa con gái mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống với bà nội rồi bà ngoại suốt một thời thơ ấu, tôi như một cái cây tự phát mà lớn, chẳng ai chú ý gì đến những biến chuyển trong tâm hồn hay thể xác của tôi. Hai mươi tuổi, tôi lấy chồng. Tôi quyết định lấy chồng chỉ vì cái tát và một câu nói của bà ngoại khi tôi đi chơi về khuya:

- Con gái con đứa, đi chơi đêm có ngày chẳng ra gì.

Đêm đó, nằm vắt tay lên trán, tôi điểm lại hết trong trí nhớ của mình những người đang theo đuổi, tán tỉnh tôi. Đầu óc của một đứa con gái hai mươi tuổi, nhiều tự ái đối với gia đình, nhiều kiêu hãnh đối với những đứa con trai vây đuổi xung quanh, chỉ có một ý nghĩ duy nhất là làm thế nào ra khỏi nhà bà ngoại một cách kiêu hãnh. Kiêu hãnh ở đây có nghĩa là có xe đưa, xe rước; có pháo nổ đì đùng; có áo dài, khăn cưới.

Trong số các ứng cử viên trong ý nghĩ của tôi lúc đó, Hùng là nhân vật sáng giá nhất: cao, to, đẹp trai, con nhà giàu, lớn tuổi hơn tôi và ít nhất là Hùng chỉ tán tỉnh tôi bằng những ánh mắt nhìn là lạ chứ không như những đứa con trai khác với những lời tán hươu, tán vượn. Ngày hôm sau, tìm đến Hùng, chẳng cần dông dài, tôi

nói thẳng:

- Nếu anh thương tôi, ngay ngày mai anh đến nhà tôi và xin phép cưới tôi, còn nếu không ngày mốt tôi sẽ về Nha Trang.

Trong ngày hôm ấy, Hùng cuống quýt thuyết phục gia đình. Và ngay ngày hôm sau, một lễ dạm ngõ đã xảy ra đúng như cái kịch bản tôi xây dựng trong đầu đêm trước.

Cuộc hôn nhân không thành công ngay đêm đầu sống chung. Tôi không chịu đựng nổi những sự va chạm thô bạo về mặt thể xác giữa hai người khác phái. Ngần ấy tuổi nhưng thưở đó chưa hề có một đứa con trai nào hôn tôi. Tôi chưa hề biết đến những âu yếm, vuốt ve của người yêu, làm sao tôi đủ tinh tế để thấy được những cố gắng và sự thất bại của Hùng khi không chinh phục được tôi. Những ngày sau đó, mọi cố gắng của Hùng đều vô ích. Tôi luôn luôn có một cảm giác sợ hãi khi đêm về phải đối diện với chồng mình. Từ đó, Hùng thay đổi dần dần. Những ân cần chiều chuộng đối với tôi ngày càng thưa, và cho đến một ngày tôi bắt gặp Hùng với một người con gái khác, lúc đó tôi đã có hai đứa con và một cái bào thai chưa đầy hai tháng. Cho dù cuộc sống vợ chồng với Hùng vẫn đầy cảm giác sợ hãi nhưng không hiểu sao tôi là một người đàn bà mắn con. Năm đó tôi hai mươi lăm tuổi.

Hai mươi lăm tuổi, tôi chưa lường được cuộc sống trước mắt sẽ như thế nào với cảnh phải nuôi con một mình. Sau khi ra toà ly dị, Hùng đi vượt biên. Tôi một mình với hai đứa con nhỏ: đứa lớn năm tuổi, đứa nhỏ ba tuổi. Cái bào thai trong bụng tôi đành quyết định phải bỏ. Nhưng định mệnh đã giữ nó lại, tôi buộc phải bước xuống khỏi cái bàn trong nhà hộ sinh bởi vì lúc đó tôi đói quá. Người ta sợ tôi không đủ sức chịu đựng, nhưng chủ yếu là do tôi sợ chết, tôi sợ hai đứa con nhỏ sẽ bơ vơ.

Cái đói, cái nghèo thực sự đến với mẹ con tôi. Con tôi ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Tôi lầm lũi buôn gánh, bán bưng. Trước mắt tôi lúc đó chỉ có những đứa con, mấy mẹ con tôi chỉ có một con đường duy nhất: Phải sống cho dù thế nào. Không ngờ cái bào thai trong bụng tôi lại là bào thai đôi. Tôi đẻ liền một lúc hai đứa mà không hề biết rằng mình đã mang chúng trong vòng chín tháng mười ngày. Sự vất vả vì công việc, sự thiếu ăn của tôi đã khiến chúng chỉ có mỗi đứa một ký tư khi ra đời Những tháng ngày sau đó, chỉ có toàn nước cháo với muối cho chúng vì tôi không đủ sữa và không có tiền mua đường cho con ăn, nhưng không hiểu sao chúng vẫn lớn, vẫn lăn lóc mỗi ngày với tôi cùng quán bánh bèo trước nhà. Mấy mẹ con tôi sống dựa dẫm vào nhau. Tôi nhin vào chúng để thấy mình phải sống, chúng dựa vào tôi vì chúng chỉ là những đứa trẻ con...

Rồi số phận cũng đã mỉm cười với tôi trong lúc cùng cực nhất. Người ta đến thuê nhà tôi để làm trạm thu mua lương thực. Lúc đó, vì đói quá tôi chỉ biết yêu cầu người ta cho gạo đủ ăn mà không hề suy tính rằng tiền thuê nhà lẽ ra cũng không phải nhỏ. Cuộc sống bắt đầu đổi khác, tôi dẹp gánh bánh bèo thay bằng một tủ thuốc lá. Hồi ấy, thuốc lá người ta lót tay cho trạm thu mua dùng không hết, bán rẻ lại cho tôi. Ai muốn nói nhỏ gì với người trong trạm, chỉ cần nói với tôi. Cuộc sống thay đổi dần. Đó là năm tôi hai mươi chín tuổi.

Một thời gian, trạm thu mua lương thực giải thể. Lúc đó, tôi đã có một số vốn kiến thức về buôn bán gạo. Những người lái buôn ngày trước thỉnh thoảng đến nhà tôi và hỏi thăm một vài kinh nghiệm. Tôi quyết định đi buôn gạo. Người đàn bà với một nhan sắc khá mặn mòi, không có chồng ràng buộc bao giờ cũng thành công hơn những người khác trong lĩnh vực buôn bán, và cũng chỉ bởi vì tôi có một quyết tâm quá lớn: phải có những gì tốt đẹp nhất cho những đứa con. Tôi lầm lũi mà đi, những cuộc mua bán đều được trả giá sòng phẳng. Tôi bất chấp mọi nguy hiểm, bất chấp mọi lời gièm phạ Trước mắt tôi, đồng tiền to tát quá, tôi phải có nó, có nó thật nhiều để bù lại cho những ngày đói khổ. Có những khi hai giờ sáng, tôi đã một mình với chiếc xe Honda đàn ông từ Cần Thơ đi Vũng Tàu, rồi từ Vũng Tàu về Cần Thợ Cuộc sống cứ như thế, một người đàn bà với một quyết tâm sắt đá: chỉ lo con mình bị đói. Đứa con gái ngây thơ ngày nào sống với một bà nội khắc nghiệt không còn hiện hữu trong tôi. Tôi nhìn xuống mà đi, tôi học thuộc những bài học của trường đời, những bài học không bao giờ có trong sách vở và những lời giáo huấn của bà nội hay bà ngoại.

Thời gian trôi qua, tôi không hề biết soi gương trong mười năm. Năm tôi hai mươi sáu tuổi người ta hỏi tôi có mấy đứa con, tôi im lặng. Năm ba mươi sáu tuổi, có người hỏi tôi mấy đứa con, tôi nói tránh đi: "Hỏi để cộng con anh với con em hay sao?"

Ba mươi sáu tuổi, tôi bắt đầu có những gì tôi muốn: Nhà cửa xây cất lại, con tôi không những có quần áo đẹp để mặc mà có cả đàn organ để chơi, còn có cả những bữa tiệc sinh nhật... Những người đàn ông bắt đầu nhìn ngắm tôi. Lúc này tôi không còn lầm lũi bước đi nữa mà bắt đầu nhìn thẳng, đầu hơi ngẩng cao. Cũng bởi vì ánh mắt săm soi hay chiêm ngưỡng của những người đàn ông mà tôi bắt đầu tập soi gương trở lại. Cơ thể một người đàn bà sinh nở sớm bao giờ cũng lấy lại sự săn chắc hơn những người đàn bà sinh đẻ muộn. Nhìn vào gương, tôi tìm gặp lại những nét duyên xưa. Bây giờ thì tôi đã thoa? nguyện. Bốn đứa con gái xinh đẹp, chúng biết thương tôi, hiểu những gì chúng có được ngày hôm nay mẹ chúng đã phải đổi bằng tất cả những năm tháng tuổi trẻ với bao mồ hôi, nước mắt... Bây giờ thì tôi có thể trả lời rằng tôi có mấy đứa con. Nhưng đến lúc tôi sẵn sàng trả lời một cách thật tình, thì hình như chẳng còn ai hỏi nữa!

***

Biển buổi chiều gió mạnh dần lên, mặt trời đang chầm chậm, mệt mỏi trở về nhà, chuẩn bị đi ngủ, chấm dứt một ngày toa? sáng. Vẫn còn đường chân trời phân chia hai màu xanh ngăn cách nước và mây. Trên một kè đá nhỏ có hai người đàn bà ngồi nhìn ra biển trò chuyện. Cát trắng mịn màng dưới chân họ chạy dài đến từng con sóng đuổi xô nhau không hề biết mệt. Ngày xưa, họ đã từng có một thời tuổi trẻ giống nhau, nhưng trong vòng thời gian hai mươi lăm năm xa cách, mỗi người đã đi trên những lối đường riêng. Thời gian đã làm thay đổi cách xưng hô, nhất là ở cái ngưỡng không già, không trẻ. Cách xưng hô thân mật ngày xưa đă nhường cho những lời khách sáo.

- Kể vể cậu đi, bao nhiêu năm qua rồi còn gì, nay cậu sống thế nào?

- Những gì mà cậu đã trải qua, đối với mình kinh khủng quá. Cuộc sống của mình khá bình yên: học hành, ra trường, đi làm, lấy chồng, sinh con... chẳng có gì đáng kể...

-...

- Thế rồi từ đó đến giờ cậu có quen ai khôngl

- Có. Khi mình đã có tất cả: nhà cửa, xe cộ, tiền bạc, đột nhiên đôi lúc mình thấy buồn, thấy rỗng. Những ngày khốn khổ không bao giờ mình có cảm giác đó. Thế rồi có nhiều người đến với mình, nhưng chẳng người nào còn tự do, ai cũng có vợ con đùm đề và mình rất tỉnh táo để biết rằng, họ đến chưa chắc vì tình yêu. Nhưng mình lại tập yêu, tập tìm lại những cảm giác của một người đàn bà, để rồi sau đó tất cả là sự hụt hẫng, trống vắng. Mình cũng tập uống rượu, tập say, tập hư đốn để xem khi con người hư đốn nó sẽ như thế nào. Cuối cùng mình vẫn không thể nào làm được một người hư đốn. Hình như tâm hồn mình đã quá chai sạn. Cuộc đời đã dạy cho mình nhiều quá. Bây giờ những đứa con gái của mình đã lớn, ra đường đã có những chàng thanh niên cúi đầu chào bác rất lễ phép. Hình như mình đã không còn trẻ nữa.

Gió thổi mạnh hơn, buổi chiều chỉ còn lại vạt nắng nhỏ trên đỉnh một hòn đảo phía xạ Sóng đuổi nhau vào bờ, rồi lại rủ nhau kéo ra, ầm ì, đùa giỡn. Một vài chiếc thuyền nhỏ trôi lênh đênh trên mặt nước giống như những chiếc thuyền giấy đang thả trôi. Đám thanh niên đá banh trên bờ cát rủ nhau về, một vài cặp tình nhân phủi cát đứng lên. Chiều đã muộn. Tôi rủ Ngà xuống biển, thói quen ngày xưa của hai đứa học trò nhỏ, mỗi khi có giờ nghỉ rủ nhau lang thang ra biển lội nước và đi bộ dọc theo bờ biển. Tôi nhìn kỹ khuôn mặt Ngà, một khuôn mặt già hơn so với số tuổi bốn mươi hai, mái tóc thả dài đang rối đi vì gió. Ngà đang tự cho rằng mình già trong khi đó bao nhiêu năm rồi tôi vẫn còn những cảm giác của ngày nào. Nhiều khi tôi cứ nghĩ rằng: mình chưa kịp lớn nữa làm sao cảm nhận được cái già, có phải vì cuộc sống của tôi quá đỗi bình yên(?). Còn Ngà, trên gương mặt đẹp phảng phất những nỗi thống khổ của thời gian, đó là sự chịu đựng của người đàn bà đã đi qua nhiều năm tháng trong cuộc đời với rất nhiều nỗi đau phải cất giữ một mình, không có đáy mắt của người đàn ông nào để được tự soi mình vào đó. Nước xô mạnh dưới chân rồi lại kéo ra biển để lại một cảm giác trống rỗng dưới bàn chân. Mỗi một ngày qua chẳng lẽ không cho thời gian ghi lại gì trên gương mặt? Tại sao tôi cứ buồn hoài. Có phải khi con người không đối diện với sóng với gió của cuộc sống cũng lại thấy mình buồn. Đối với tôi, nỗi buồn là cái gì đó mơ mơ, hồ hồ, cho tôi không nắm bắt, lửng lửng lơ lơ, không đi đến tận cùng của sự việc.

ánh chiều đã tắt, đường chân trời không còn nữa, biển và trời hoà với nhau thành một khối màu xanh đen. Những ngọn hải đăng đã được thắp lên, những chiếc thuyền giấy đã trôi về tận phương nào. Những con sóng đứng đầu, bướng bỉnh không bao giờ biết ngủ vẫn xạc xào dưới chân tôi và Ngà đang im lặng bước đi. Tôi đang cố tìm cho mình một câu giải đáp, một lý lẽ để cảm thấy mình đang rất hạnh phúc, nhưng cứ thấy như mình đang đi lòng vòng trong một con đường cụt. Tự nhiên tôi muốn khóc, khóc cho một dồn nén nào đó muốn thoát ra mà không thoát được. Cảm giác trống rỗng của con người thấy mình vừa thoát ra khỏi một giấc ngủ với đầy mộng mị bủa vây lấy tôi. Không hiểu bây giờ Ngà có còn đủ cảm xúc để nhận ra điều gì là hạnh phúc, điều gì là đau khổ trong quá nhiều những sự kiện đã trải qua trong cuộc đời? Tôi và Ngà vẫn còn quá trẻ để nghĩ đến những buổi chiều tà. Riêng tôi, tôi cứ đi tìm hoài cho mình một điều gì đó, có đáng trách không khi tôi cứ tự mãi dằn vặt mình?

***

Ba tháng sau, Ngà điện thoại cho tôi trong một đêm mùa hè nóng nực, báo tin đứa con gái lớn sắp lấy chồng. Tôi nhẩm tính số tuổi con bé:

- Tại sao lại lấy chồng sớm thế?

- Cháu nó muốn vậy.

- Chồng con bé thế nào?

- Một người đàn ông bằng tuổi mình.

Tôi sợ tôi lại có những đêm mất ngủ để suy nghĩ. Một cuộc hôn nhân chênh lệch hai mươi tuổi không là gì cả, nhưng liệu số phận có làm cho Ngà dứt được những khổ đau. Liệu có bao giờ đó là một bản sao? Tôi điện thoại cho thầy giáo cũ của tôi và Ngà báo tin Ngà sắp sửa làm sui. Tôi nghe một tiếng thở dài qua điện thoại:

- Hôm trước Ngà có nhờ thầy luận giùm lá số tử vi cho con bé đầu.

Tôi hỏi dồn theo thói quen của một người đàn bà:

- Đường chồng con ra sao?

- Ôi, cũng lận đận lắm!

Tôi biết chắc chắn tối nay mình sẽ bị mất ngủ. Tôi sẽ buồn, rất buồn. Tôi nhớ lại cái dáng thanh mảnh và khuôn mặt thật xinh tươi của con bé. Tôi không muốn nó bước vào cuộc sống hôn nhân khi còn quá trẻ như thế. Tôi thật sự không muốn. Tôi muốn gọi điện thoại cho cháu để nói rằng thời gian rồi sẽ qua và tuổi trẻ cũng sẽ từng ngày mất đi, con còn quá trẻ để trói buộc vào một cuộc sống gia đình, tuổi thanh xuân qua đi mau lắm, có biết bao việc cần phải làm... Nhưng có lẽ tôi sẽ chỉ thở dài, mỗi người có mỗi suy nghĩ, mỗi lý lẽ để sống. Đó chỉ là suy nghĩ, lý lẽ của riêng tôi.

Hết