Chương 1

Hoàng hôn buông xuống trên cánh đồng lúa chín, thành một màu vàng rực rỡ. Gió chiều thổi mênh mang, không gian dần thẫm màu, khi những tia nắng cuối cùng khuất dần nơi cuối chân trời.

Nghi Xuân thẩn thờ bước trên con đường đê dẫn về nhà mình, lòng cô thấy buồn rười rượi. Chiếc nón lá của cô đội chao nghiêng theo cơn gió chiều, làm cho mái tóc dài của cô tung bay theo.

Màu nâu của chiếc áo bà ba Nghi Xuân đang mặc chìm lắng trong buổi chiều tà, nét đẹp chân quê dịu dàng. Ở Nghi Xuân hộ đủ nét diễm lệ kiêu sa như đóa hải đường.

Mãi suy nghĩ, Nghi Xuân không hay phía sau cô, Trung Nghị lẽo đẽo theo sau. Anh không vượt lên mà muốn chậm rãi nối gót để ngắm Nghi Xuân. Cái dáng thanh mảnh diễm lệ ấy, từng đi vào cơn mơ của anh.

A ... a ... Trung Nghị vờ đằng hắng cho Nghi Xuân quay lại, thế mà cô vẫn cứ đi. Anh vượt lên và vờ tông vào cô. Nghi Xuân giật mình, cô kêu lên:

– Úi da! Té ...

Nhận ra Trung Nghị, cô lườm anh:

– Đụng người ta suýt té nè. Đường đê lớn chớ đâu có nhỏ anh Nghị. Mà anh về hồi nào vậy?

– Anh mới về. Chạy vào nhà em, mẹ em nói em ra đây, nên anh đi ra đây.

– Vậy mà tông vào người ta, làm em tưởng thằng cha ... cà chớn nào định ăn so đũa, tính ...

– Tính sao?

– Đánh chớ sao.

Trung Nghị phì cười:

– Thì đánh đi! Anh theo em cả con đường mà em không biết. Mơ mộng gì dữ vậy?

– Em mơ gì đâu. Chỉ tại ...

– Chỉ tại gì nào?

– Không thèm nói cho anh nghe.

Giọng Nghi Xuân trở nên tếu tếu:

– Em đang hồi hộp trông chờ vào một phép mầu của bà tiên trong chuyện cổ tích, không phải để hóa thân thành con thiên nga xinh đẹp hay trở nên giàu có, mà em mong một điều ...

– Đỗ vào đại học đúng không?

Mắt Trung Nghị say đắm và tha thiết, trong lúc Nghi Xuân nhìn xa xa.

– Cũng có. Anh biết em suy nghĩ gì không? Từ hôm lên thành phố thi và trở về, ngày nào em cũng đếm từng phút từng giây để em biết mình có đỗ vào đại học không. Đối với em, đó là điều quan trọng nhất.

Trung Nghị trêu:

– Hơn cả việc gặp hoàng tử và đi lấy chồng sao?

Nghi Xuân mỉm cười:

– Dĩ nhiên rồi! Hôn nhân tuy quan trọng cả đời, song tiến thân bằng con đường học vấn quan trọng gấp ngàn lần nữa chứ. Nếu muốn đổi đời, cần phải có kiến thức và bằng cấp, không thể nào sống mãi ở vùng quê nghèo nàn này được, nơi đây có muốn đổi đời cũng không được. Em cũng không muốn chôn vùi cuộc đời mình ở miền quê nghèo này.

Trung Nghị thoáng buồn, tuy nhiên anh vẫn giữ giọng bình thản:

– Sao em lại nói như thế? Chính vùng quê nghèo nàn này đã nuôi em khôn lớn cho đến tận bây giờ. Nơi đây người xưa gọi là đất thép Củ Chi, ba em cũng ngã xuống trên miền đất nghèo này. Em mới đi Sài Gòn và ở không bao nhiêu ngày mà đã thay đổi cách nhìn là lối sống nhanh như thế sao? Nơi này là nơi chôn rau cắt rốn là nơi em lớn khôn kia mà.

Nghi Xuân trở nên tự lự:

– Thú thật, từ lúc đi Sài Gòn và tận mắt chứng kiến cuộc sống tiện nghi, con người đông đảo , giàu có đó, em chợt thấy vùng quê này buồn và tẻ nhạt làm sao ấy. Em muốn được như họ. Tại sao cũng là con người với nhau, mà người dư ăn dư mặc, người rách rưới đói khổ. Có người suốt ngày ăn chơi cũng có tiền tiêu, người làm quần quật như mẹ em đó, mà nghèo túng vẫn nghèo túng.

Nghi Xuân cương quyết:

– Vì thế em nhất định phải thay đổi số phận của mình bằng con đường học vấn.

Trung Nghị gật đầu:

– Em có chí vươn lên như thế, anh rất mừng. Anh chỉ khuyên em một điều:

sự giàu sang nào cũng có cái giá phải trả của nó. Không ai làm giàu chân chính mà sớm toại nguyện. Chúng mình là dân quê, cuộc sống thị thành không thích hợp cho lắm. Còn việc học, nếu em đỗ vào đại học là cơ hội mở mang kiến thức, nhưng chọn Sài Gòn là nơi tiến đến đỉnh danh vọng giàu có, anh chưa từng nghĩ đến.

Nghi Xuân bĩu môi có ý không hài lòng:

– Xì! Ở đây có gì đâu mà anh lưu luyến dữ vậy? Nơi này quả thật đã nuôi em khôn lớn, nhưng mẹ em cũng phải tảo tần cực khổ mới kiếm được tiền nuôi em.

Năm nay em mười tám tuổi rồi, em không muốn mẹ em cực khổ vì em nữa. Em biết, em và anh mà nói chuyện với nhau, là luôn không đồng quan điểm với nhau.

Tuy nhiên, Nghi Xuân cười:

– Nhưng em luôn muốn làm bạn với anh.

Câu nói của cô làm cho Trung Nghị thở vào nhẹ nhõm. Trung Nghị thích điều này ở Nghi Xuân, cô biết dừng lại đúng lúc.

Anh yêu cô, và tình yêu cứ lớn dần theo ngày tháng, anh vẫn rụt rè giấu kín mối tình của mình.

Hai người bước song song nhau, bóng họ in dài trên con đường đê. Chỉ có trái tim Trung Nghị bồi hồi khi ở gần người con gái mình thầm yêu, còn Nghi Xuân cô đang mơ màng về vùng đô thị phồn hoa, có đông đảo người, các cuộc vui và tiện nghi của cuộc sống.

– Nghi Xuân ơi! Em có nhà không, Nghi Xuân?

Trung Nghị vuốt ve con mực đang chồm lên ngực anh vì mừng. Anh gọi tên Nghi Xuân bằng âm điệu giục giã và hớn hở.

Bà Đông đi ra:

– Trung Nghị hả? Nghi Xuân nhà bác lên xóm trên. Hay cháu vào nhà chờ, có lẽ nó cũng sắp về rồi.

– Vâng, thưa bác.

Trung Nghị đẩy con mực ra để bước vào nhà. Bà Đông ngồi xuống ghế vừa la con mực, rồi quay sang Trung Nghị :

– Hình như cháu có chuyện vui?

– Dạ, tin vui của Nghi Xuân đó bác. Nghi Xuân đã trúng tuyển. Cháu đi nhận phiếu báo điểm và giấy trúng tuyển của Nghi Xuân, nên vội chạy về báo tin cho bác và Nghi Xuân.

Bà Đông mừng rỡ:

– Có thật không? Nghi Xuân nghe tin này, nó mừng phải biết. Bác mừng quá! Mấy ngày nay, Nghi Xuân cứ thấp thỏm mãi, bác sợ nó thi trượt rồi tuyệt vọng.

Ngừng đi một chút như để trút gánh nặng, bà vui vẻ:

– Bây giờ bác nghe nhẹ cả người đó. Nghi Xuân mà đi Sài Gòn học, có cháu học ở đó, bác rất yên tâm. Bác có thể nhờ cháu giúp đỡ Nghi Xuân được không?

Trung Nghị gật đầu:

– Dạ, bác cứ yên tâm. Nếu bác không gởi, thì phận làm anh như cháu cũng giúp Nghi Xuân.

Bà Đông cảm động:

– Cháu nói như vậy, bác an lòng rồi. Đất Sài Gòn lắm cạm bẫy, có cháu lo cho Nghi Xuân thì còn gì bằng.

Bà nhìn ra đường băn khoăn:

– Sao đến giờ này, con bé ... cũng chưa chịu về? Nó đi hỏi tin tức về thi cử đó.

Con mực đang nằm dưới đất vụt nhảy xổ ra, bà Đông mỉm cười:

– Mới nhắc nó đã về tới. Nó sẽ mừng lên cho cháu xem.

Trung Nghị đứng lên:

– Để cháu trêu Nghi Xuân, bác đừng nói gì cả bác nhé.

– Nghi Xuân cho xe đạp chạy vào leo lên thềm nhà, cách chạy xe nghịch ngợm và ba gai. Cô kêu lên khi thấy Trung Nghị :

– Ủa! Lại về nữa à?

Bà Đông lắc đầu:

– Con gái mà chạy xe kiểu gì vậy, Nghi Xuân? Trung Nghị đợi con nãy giờ đó.

– Có việc gì vậy anh Nghị?

Nghi Xuân thả rơi người trên ghế, cô đưa chân đạp nút quạt máy:

– Nóng ghê!

Trung Nghị cúi đầu, anh thích tính cách trẻ con vô tư của cô, nhưng đôi lúc cách vô tư của cô thành vô tâm khiến anh đau lòng.

Lấy vẻ buồn buồn, Trung Nghị lên tiếng:

– Nghi Xuân này! Em đừng buồn nếu như ... kết quả không tốt. Thua keo này, mình bày keo khác nghe.

Nghi Xuân ngồi ngay lại, cô nhíu mày nhìn Trung Nghị :

– Có phải có kết quả rồi không anh Nghị?

– Ừ. Năm nay không được thì sang năm ...

Nghi Xuân tái mặt, tay chân cô run rẩy:

– Có nghĩa là em rút rồi, phải không? Trời ơi! Anh nói mau đi chớ!

Quay sang mẹ, nước mắt Nghi Xuân chực trào ra:

– Con rớt rồi, phải không mẹ?

Cô òa khóc lên:

– Không thể nào ... em rất tự tin em sẽ đậu, tại sao lại rớt? Anh có rút giấy báo điểm giùm em không?

– Có, đây nè.

Trung Nghị hết còn dám đùa nữa khi nhìn thấy Nghi Xuân khóc, anh rút tờ giấy trong túi ra:

– Em đọc đi. Học tài thi phận mà, em đừng buồn. Nếu như anh có phép mầu, anh sẽ biến đổi từ không hóa có cho em Nghi Xuân! Nếu anh là ông tiên, anh cho em điều ước, em ước gì nào?

– Em ước đỗ đại học lên Sài Gòn đi học chung với anh. Nhưng ước mơ đó không thực hiện được nữa rồi.

Trung Nghị đổi giọng ... ông tiên:

– Này cô bé Nghi Xuân! Ta là ông tiên sẽ biến ước mơ của cô thành sự thật.

Hô biến! Em đậu đại học rồi Nghi Xuân.

Nghi Xuân giận dỗi:

– Anh chọc quê em hả?

– Đâu có. Xem giấy báo trúng tuyển và phiếu báo điểm của em đi.

Nghi Xuân giật phăng tờ giấy trên tay Trung Nghị , cô chăm chú đọc, rồi hét toáng lên:

– A, trúng tuyển! Con trúng tuyển rồi mẹ ơi!

Đang hét, sực nhớ, Nghi Xuân im bặt, cô giương đôi mắt liếc Trung Nghị:

– Anh nói đi!

Trung Nghị vờ vĩnh:

– Anh biết gì đâu mà nói.

– Nè! Đừng có giả bộ nghe, tại sao em đậu mà anh dám nói em rớt, làm cho người ta phải khóc.

– Ai biết em mau nước mắt dữ vậy?

– Tội của anh không thể tha thứ.

Trung Nghị vờ rụt vai lại sợ sệt:

– Anh nói em thi rớt hồi nào. Anh chỉ nói năm nay không được thì học lại sang năm, học tài thi phận.

– Hừ! Mẹ làm chứng cho con đi, anh Nghị nói con thi rớt.

Bà Đông phì cười:

– Nó đùa với con thôi.

– Hừ! Đùa ... đáng ghét! Làm cho người ta phải khóc. Nhưng thôi, đang vui em tạm tha tội cho anh. Hãy đợi đấy! “Quân tử báo thù mười năm không muộn”.

Trung Nghị nhăn nhó phân bua:

– Bác xem Nghi Xuân ăn hiếp con chưa? Mai mốt về Sài Gòn đi học, tha hồ ăn hiếp con cho mà coi. Vậy thôi ... cháu không thèm hứa với bác.

Nghi Xuân chống nạnh bắt nạt:

– Anh hứa cái gì với mẹ em nào?

Bà Đông cười:

– Mẹ nhờ nó khi con lên Sài Gòn học, nhớ chăm sóc con giùm mẹ.

– Ừ.

Trung Nghị gật đầu:

– Anh cam tâm tình nguyện chăm sóc và lo lắng cho em.

– Con có bổn phận phải nghe lời Trung Nghị, không được cãi hay bắt nạt ... .

Trung Nghị nháy mắt:

– Em thấy chưa Nghi Xuân. Mẹ em giao quyền “sinh sát” cho anh. Từ rày về sau, em mà cãi lời anh là ...

– Là sao?

Nghi Xuân cong môi:

– Dám đánh hôn? Nghỉ chơi luôn. Cho anh năn nỉ gãy lưỡi luôn. Xí ... í ...

Chưa thôi, cô còn lao vào ngắt nhéo Trung Nghị . Trung Nghị chạy vòng vòng quanh bà Đông:

– Bác ơi! Cứu con ...

Bà Đông cười vang. Bà mơ một ngày Trung Nghị và Nghi Xuân thành chồng vợ. Một người như Trung Nghị , nhất định sẽ mang lại hạnh phúc cho Nghi Xuân. Ước mơ của bà chỉ đơn giản như thế.

Mọi việc đều suôn sẻ nhờ có Trung Nghị . Anh đã học năm thứ nhất ở đại học, ngành công an nên mọi giấy tờ nhập học và ngay cả tiền thuê phòng trọ cho Nghi Xuân đều do Trung Nghị lo chu đáo hết. Nghi Xuân háo hức chờ đợi một tương lai tươi sáng. Tâm trạng của người lần đầu tiên sống xa nhà luôn chiếm đầy tâm hồn Nghi Xuân. Nhưng rồi cũng hòa được với cuộc sống mới, mọi bỡ ngỡ lo âu ban đầu tan biến, nhường chỗ cho sự thích nghi hòa hợp với cuộc sống mới.

Trường của hai người cách nhau khá xa, tuy nhiên Trung Nghị vẫn tìm đến.

Một ngày không gặp Nghi Xuân, anh thấy thiếu thiếu điều gì đó. Tình yêu trở nên tha thiết hơn bao giờ hết.

Vừa tan học đi ra, nhìn thấy Trung Nghị , Nghi Xuân vội chạy nhanh ra:

– Anh không có giờ học hay sao mà đến trường đón em?

– Anh có học chứ, tan học anh chạy xe qua đây ngay.

– Có chuyện gì không anh? Trời nắng quá. Chắc mê con gái kinh tế rồi phải không?

Trung Nghị cười:

– Anh đến rủ em đi ăn cơm. Đi nghen!

Nghi Xuân kêu:

– Ở trường anh học, không có chỗ bán cơm sao?

– Có, nhiều nữa là khác.

– Quán cơm ở đó không ngon?

Nghi Xuân hóm hỉnh vừa trêu vừa tấn công Trung Nghị , còn Trung Nghị cứ thật thà như đếm:

– Chẳng những cơm ở đó ngon mà còn rẻ nữa kìa.

– Vậy sao anh không ở bên đó ăn cơm mà lại đạp xe gần mười cây số giữa trưa nắng sang đây rủ em? Ở đây quán nào cũng mắc, cơm lại dở, ăn không ngon chút nào.

– Cho nên anh mới đạp xe sang rủ em đi ăn cơm nè.

– Không lẽ mỗi khi ăn, em lại đạp xe sang chỗ của anh?

– Thì anh sang đón em, rồi cùng ăn cho vui. Ăn cơm một mình buồn nuốt không vô, với lại anh sợ em đi một mình bọn ... con trai chọc em, em không dám ăn, rồi nhịn đói, học không nổi.

Nghi Xuân có vẻ cảm động, Trung Nghị thường quá chu đáo đối với cô, tuy nhiên cô cố tình phủ nhận tình cảm này.

– Có phải anh lo cho em vì mẹ em đã nhờ anh?

– Cũng có, mà cũng vì ... vì ...

– Vì sao?

Nghi Xuân hỏi cắc cớ, Trung Nghị bí quá đỏ mặt:

– Tại vì em nói là cơm bên đây không ngon lại mắc, anh lo cho em mà.

– Nói đi nói lại cũng vì lời hứa với mẹ em mà thôi.

– Anh ...

Trung Nghị gãi đầu, đây là cơ hội ngàn năm cho anh nói lên nỗi lòng của mình, vậy mà anh cứ ấp a ấp úng mãi. Nghi Xuân phát bực, người đâu cù lần quá trời, cố tạo cơ hội cho cũng chẳng dám nói. Ai ăn thịt ăn cá anh ta hay sao.

Cô nghiêm mặt lại:

– Đùa với anh thôi! Anh vì nguyên do nào cũng được, miễn sao mỗi ngày anh cứ sang dẫn em đi ăn và trả tiền giùm em ... number one.

Mặt nghiêm lại mà câu nói không nghiêm. Trung Nghị tươi lên:

– Có sao đâu. Anh có tiền mà, với lại mỗi ngày gặp em, anh yên tâm hơn.

Hồi nhỏ, chúng mình quen có bên nhau, em hay đòi đi thả diều, lúc về bắt anh cõng chứ chẳng thèm đi.

Nghi Xuân cắc cớ:

– Bây giờ em đòi cõng ... cõng em nghen.

– Nếu em dám, anh cũng dám.

Nghi Xuân phì cười:

– Thôi, chở em đi ăn cơm đi nè, em đói lắm rồi.

Cơ hội đi qua, Trung Nghị mắng thầm mình:

tại sao mình vòng vo tam quốc thế chứ, chỉ mỗi ba chữ “Anh yêu em” thôi mà cũng chẳng dám nói.

Thở dài, anh ấn mạnh bàn đạp cho bánh xe lướt nhanh qua các con đường đang đông nghịt vào buổi trưa. Bàn tay Nghi Xuân vịn hờ bên hông anh, cho Trung Nghị thêm cảm xúc.

Ngày hai lần, Trung Nghị vẫn hay qua đưa Nghi Xuân đi ăn. Anh gởi gắm tâm tư tình cảm của mình trong những giọt mồ hôi thấm ướt vai áo, trong từng miếng ăn, ly nước, và ngay trong quyển tập cuốn sách, anh lặn lội khắp Sài Gòn, tìm mua cho Nghi Xuân làm tài liệu tham khảo.

Anh chăm sóc Nghi Xuân chu đáo, từng viên thuốc khi cô kêu nhức đầu và chiếc áo ấm khi trời se lạnh.

Nghi Xuân đón nhận và cho đó là lẽ thường tình. Cô dành cho anh một tình bạn thân thiết như vậy thôi. Cũng có đôi lúc cô cảm động vì sự chu đáo của anh, nhưng đi xe đạp ăn cơm quán cóc và bộ đồng phục Trung Nghị mặc không phải là điều mơ ước của Nghi Xuân. Cô đang mơ một thế giới đầy màu sắc, khi nhìn những chiếc “A-móc”, Dylan ... chở những cặp tình nhân thật mốt chạy vụt qua mình, cô muốn mình được như họ.

Phòng trọ của Nghi Xuân trọ bốn người, cô ở trên gác với Gia Lâm. Gia Lâm quê tận Quảng Nam xa xôi. Họ bắt đầu thân nhau.

Tối nay, sau khi ngồi còng lưng, Nghi Xuân đứng lên làm vài động tác thư giãn. Gia Lâm nhìn lên:

– Xong rồi à?

– Ừ, buồn ngủ quá, có lẽ đi ngủ sớm một bữa. Hôm nay không hiểu sao thấy buồn ghê gớm vậy?

– Sao?

– Chán đời!

– Chán đời?

Gia Lâm phì cười:

– Cậu có anh Nghị lo cho từng chút mà còn chán. Hai tuần về nhà một lần.

Còn tớ, nửa năm học chưa dám về một lần, nhớ nhà quá cũng đành bấm bụng chịu.

– Thì đó, chán đời vì điều đó đó. Mình học còng lưng, ăn sáng gói xôi một ngàn, có khi thèm tô phở không dám ăn, còn người ta xài tiền ào ào. Sao có thể bất công như thế. Mình muốn có thật nhiều tiền.

– Muốn có nhiều tiền, cậu phải cố gắng học, bằng cấp chính là bệ phóng cho cậu kiếm tiền. Thành công nào cũng phải có cái giá của nó.

– Cậu nói y như anh Trung Nghị , chán ghê!

– Anh Trung Nghị theo mình thấy, ảnh rất yêu cậu.

Nghi Xuân lơ đãng:

– Thế à? Mình chỉ xem anh ấy như một ông anh, một người bạn. Cũng có lúc mình xao xuyến vì những điều anh ấy làm cho mình, nhưng mình suy nghĩ rồi, tương lại của mình không nên có anh ấy.

– Tại sao? Cậu không yêu anh ấy?

– Ừ. Trước tiên mình muốn tập trung cho việc học.

– Học và yêu đâu có sao, miễn đừng quá sa đà. Anh ấy chọn ngành công an, ảnh là người có chuẩn mực, cậu chê sao?

– Không phải mình chê, nhưng anh ấy không phải là mẫu đàn ông lý tưởng cho mình chọn lựa. Mình muốn người mình yêu phải là chồng mình, có sự nghiệp và có nhiều tiền. Mình mồ côi cha từ nhỏ khi ông hy sinh vì làm nhiệm vụ. Cậu nghĩ đi, một tháng mẹ lãnh lương của ba có vài trăm ngàn. Để nuôi mình về Sài Gòn ăn học, mẹ mình phải rất cần kiệm và nhọc nhằn mình không muốn cho mẹ phải chịu nhiều vất vả nữa.

Gia Lâm cau mày:

– Cậu đòi hỏi có cao không đấy? Biết đâu sau này anh Nghị ra đời, cũng một bước “lên đời” thì sao?

– Ảnh đổi đời là phần phước của ảnh, chuyện đó lâu quá. Còn mình đang tuổi trẻ, tại sao không biết tận dụng tuổi trẻ của mình?

– Bằng sắc đẹp của cậu?

– Cũng có thể, khi mà bằng cấp và trí thức không thay đổi được số phận.

Gia Lâm lắc đầu, cô không đồng tình với những điều Nghi Xuân vừa nói.

Cô chấm dứt màn tranh luận:

– Cậu nên nhớ, đôi khi không phải cậu muốn mà được, có những số phận người ta muốn vượt lên, nhưng không phải được đâu.

Nghi Xuân không cãi lại. Cô tự nhủ; Cô sẽ vượt lên tất cả để đến mục đích.

Cô sẽ tìm cơ hội cho mình.

Cuộc thi hoa khôi sinh viên đem lại cho Nghi Xuân sự thăng hoa, khởi đầu cho ước mơ làm giàu của cô. Cô trở nên nổi tiếng trong giới sinh viên, một vài lần hình ảnh cô được lên trang báo.

Khi cô xuất hiện, những tiếng xì xầm vang lên:

– Hoa khôi sinh viên toàn thành phố đấy. Xinh thật!

Bài thơ viết trên bảng đề tặng Nghi Xuân, có kẻ thuộc lòng và cả Nghi Xuân nữa:

“Có một ngày lọ lem thôi xấu xí.

Lên ngôi vua, đội mũ niệm bằng vàng.

Lệnh truyền xuống nghe chừng đơn giản vậy.

Mà anh hùng hào kiệt phải dạ ran.

Đố tên nào dám nói một tiếng không.

Khi lọ lem quay lại nhìn một cái ... ”.

Chính điều này là cho Nghi Xuân tự mãn, cô phớt lờ tất cả. Ở đây không có chàng hoàng tử mà cô muốn tìm cho hoàng tử vẫn chưa xuất hiện. Anh là ai?

Đi với Nghi Xuân bây giờ, Gia Lâm luôn bị làm phiền. Không hiểu Nghi Xuân có thấy phiền, chứ còn cô, quá nhiều rồi. Ngày nào ong bướm cũng ve vãn, hoa và quà chất đầy trên gác trọ. Nghi Xuân quên bẵng Trung Nghị khi anh không hề để lại một chút gì trong trái tim nhiều tham vọng của cô, và việc học cũng bắt đầu xao lãng. Nghi Xuân đi chụp ảnh đăng báo và hẹn hò với những anh chàng doanh nghiệp trẻ.

Chiều này Nghi Xuân đi nữa, Gia Lâm lên tiếng:

– Anh Nghị bảo anh sẽ đến chở cậu về nhà đó.

Nghi Xuân khó chịu:

– Mình đã nói không về rồi mà.

– Cậu thay đổi nhiều quá rồi, Nghi Xuân.

– Làm con người, mỗi ngày cũng phải có thay đổi chứ. Lịch sử nhân loại cũng vậy, đâu ai muốn sống mãi chậm tiến. Bây giờ người ta phóng vệ tinh lên đến sao hỏa rồi bạn của tôi ơi.

– Mình chỉ muốn nhắc nhở cậu. Anh Nghị rất buồn cậu.

– Chịu thôi. Anh ấy có con đường của anh ấy, mình có con đường mình lựa chọn.

– Tàn nhẫn lắm Nghi Xuân!

Nghi Xuân thản nhiên:

– Không có mình, anh ấy cũng phải đạp xe đi về gần hai mươi cây số một lần vậy. Với lại mình muốn cho anh ấy đừng hy vọng gì ở mình, mình không yêu anh ấy.

Có tiếng xe bên dưới nhà và tiếng kèn bấm ba tiếng và được Nghi Xuân cho cái hẹn sau hai tuần lễ vất vả đeo đuổi và tặng quà cáp. Nghi Xuân chọn Đình Tuấn vì những món quà đắt tiền của anh và vì tên Đình Tuấn – giám đốc công ty Kiến Vàng nổi tiếng chuyên nhập bán hàng phụ tùng và xe hơi Ford. Cái đuôi đặc biệt làm cho trái tim Nghi Xuân xao xuyến và càng rung động nhiều hơn nữa. Mỗi ngày nhận một bó hoa hồng và lời lẽ tình tứ say đắm.

Nghi Xuân chọn chiếc robe màu trắng, hở cả phần lưng, cô đi ra. Nét đẹp quá thuần khiết và quyến rũ của cô, làm cho Gia Lâm là con gái cũng phải ngẩn ngơ huống chi Đình Tuấn. Anh ta sững sờ, và nuốt nước bọt. Xinh quá, không bỏ công anh đã hao tốn và bền công đeo đuổi. Cái nhìn say đắm ấy, đâu phải Nghi Xuân không trông thấy, cô thầm kiêu hãnh.

– Đi thôi anh Tuấn!

Đình Tuấn vồn vã:

– Gia Lâm ! Hay là đi với anh luôn?

Dĩ nhiên Gia Lâm từ chối. Cô mà đi, Nghi Xuân không hài lòng cho mà xem. Điều gì có thể chia sẻ, nhưng người tình thì không. Cô lắc đầu:

– Em không đi đâu, em có rất nhiều bài vở.

Đình Tuấn chỉ đợi có như vậy:

– Vậy thì anh đi!

Anh quay sang Nghi Xuân, anh ôm qua người cô:

– Hôm nay em đẹp tuyệt vời thật.

Nghi Xuân cong môi phụng phịu:

– Mọi khi em không đẹp à?

– Đâu có, nhưng đặc biệt hôm nay em rất đẹp, đẹp tuyệt vời. Càng ngày anh càng nhận ra em tuyệt vời hơn.

Nghi Xuân sung sướng với lời nịnh đầm ấy, cái nhìn của cô cho anh cũng say đắm hơn Chiếc Dylan của Đình Tuấn chở Nghi Xuân luồn lách trên những con đường đông xe. Nghi Xuân vòng tay ôm qua bụng Đình Tuấn. Có nhiều đôi mắt của người đi đường quay lại nhìn, vì vẻ đẹp của mình thôi, và vì Đình Tuấn nữa, anh là mẫu người lý tưởng, Nghi Xuân từng mơ ước. Đẹp trai, con nhà giàu biết ga-lăng, nịnh đầm:

– Mình đi ăn rồi đi nhảy nghe Nghi Xuân?

– Dạ.

Nghi Xuân bạo dạn gác cằm lên vai Đình Tuấn. Trong lúc bàn tay anh ta đưa ra sau để lên đầu gối trần của Nghi Xuân. Anh ta chạy chậm, đầu ngả ra sau một chút cho má mình cọ vào mũi cô.

– Trái tim anh đập muốn vỡ lồng ngực vì quá cảm xúc khi có em đó, Nghi Xuân.

Nghi Xuân cười lặng im. Đình Tuấn bóp nhẹ chân cô:

– Em không tin anh?

Đang chạy xe Đình Tuấn tấp lại. Nghi Xuân lo lắng:

– Gì vậy anh?

– Anh muốn em tin anh.

Đình Tuấn rút trong túi áo ra chiếc hộp nhung đỏ, anh ta nhìn vào mặt Nghi Xuân rồi từ từ mở nắp hộp ra. Nghi Xuân kêu lên:

– Đẹp quá!

– Tặng em đó.

Anh ta lấy chiếc nhẫn đeo vào tay Nghi Xuân và hôn lên bàn tay cô. Nghi Xuân vừa bối rối vừa hạnh phúc, trái tim cô hoàn toàn mở rộng đón hoàng tử trong mơ của đời cô.

– Em đeo nhẫn anh tặng, từ nay em là của anh Nghi Xuân nhé.

Nghi Xuân không hiểu lắm từ “ em là của anh” mà Đình Tuấn vừa thốt ra, cô chỉ hiểu mỗi một điều, anh đang tỏ tình với cô. Cô sung sướng có một tình yêu đúng như cô từng mơ ước.

Nhà hàng Đình Tuấn đưa cô vào là một nhà hàng sang trọng. Người quản lý khúm núm:

– Anh Tuấn! Hôm nay dùng món gì ạ?

– À, để chút nữa nhé!

Anh gọi mang rượu vang và sau đó chọn nhiều thức ăn. Nghi Xuân kêu lên:

– Nhiều quá, mình ăn đâu có hết anh Tuấn.

– Đâu có sao.

Đình Tuấn nhún vai, rót thêm rượu vào ly cho Nghi Xuân:

– Uống đi em!

Hạnh phúc và ngây ngất trong cảm xúc bay bổng, tuy nhiên Nghi Xuân còn hiểu một điều quan trọng :

Giá trị của người con gái là biết giữ gìn. Muốn Đình Tuấn cưới, cô phải biết “treo giá ngọc”.

Điệu nhạc vang lên từ chiếc đàm dương cầm, người đánh đàn hát bài Đình Tuấn yêu cầu:

“Anh đợi em từ sáng đến trưa.

Đợi từ trời nắng đến trời mưa.

Thấy bóng ai qua cũng giật mình.

Anh hãy còn nhớ mãi như in.

Phút thần tiên anh được em nhìn.

Anh hiểu là anh đã yêu em” .

Nghi Xuân còn ngây ngất bàng hoàng, tay Đình Tuấn nâng cằm cô lên, ánh mắt anh chìm đắm vào mắt cô, lời yêu trở nên nồng nàn:

– Nghi Xuân! Anh yêu em.

Anh quỳ xuống chân cô, mắt nhìn cô say đắm. Nghi Xuân bối rối quá. Mặt cô hồng lên.

– Em ...

Anh cúi gần sát mặt cô, và đặt môi anh lên môi cô. Nụ hôn say đắm dịu dàng và cũng điêu luyện không kém. Nghi Xuân như mê đi, trong cảnh tình yêu diễm ảo mà cô tưởng rằng chỉ có trong mơ.

Nụ hôn cứ mỗi lúc thêm say đắm.