Chương I
à Jane Marple ngồi bên cửa sổ quay ra vườn mà thời xưa bà rất hài lòng. Cách đây không lâu lắm. Ngày nay bà nhìn nó mà lòng trĩu buồn. Bà không thể làm vườn được nữa. Bà không thể cuốc đất, trồng cây, nếu cố gắng thì bà chỉ có thể tỉa vài cành chỗ này, chỗ khác. Ông già Laycock tới đây một tuần ba lần để trông coi vườn tược. Nhưng lão làm theo ý thích của mình chứ không làm theo ý chủ. Bà Marple biết rất rõ mình cần đòi hỏi những gì ở người làm vườn. Lão Laycock có cái tài: vui vẻ vâng lời, nhưng không làm theo. - Bà có lý, thưa bà. Đậu trồng góc vườn, còn hoa thì dọc theo tường. Tuần sau tôi sẽ làm việc này. Những lời xin lỗi của lão Laycock thì bao giờ cũng hợp lý như viên đại úy George trong truyện Ba người trên con tàu từ chối không chịu đi biển. Lúc này thì thời tiết xấu, lúc khác thì có gió tây tệ hại hơn gió nam nhiều. Lão Laycock thì vin vào thời gian - khô hanh hoặc ẩm thấp hoặc rét quá. Nếu không thì lão lấy cớ còn có những cây khác quan trọng hơn (thường là đối với su-hào đặc biệt là su hào giống Bruxelles mà lão thích trồng đại trà). Những nguyên tắc và cách làm việc của lão rất đơn giản khiến không một người chủ nào có thể đuổi lão được. Cần phải có trà đặc, pha thêm nhiều đường, thì mới có thể làm cho lão cố gắng hơn: nhặt cành khô để làm chổi quét trong mùa thu, có những bó hoa cúc, hoa xôn vào mùa xuân. Công bằng mà nói thì lão rất gắn bó với chủ, thể hiện ở chỗ lão áp dụng những cải tiến trong nghề làm vườn, (với điều kiện công việc không quá nặng nhọc) trồng rau, vì rau đối với lão là cơ sở chủ yếu của cuộc sống. Hoa là thú vui của những phụ nữ lười biếng. Lão bày tỏ sự trung thành bằng cách tặng những bó hoa cúc, hoa xôn mà lão thích. - Tôi đã làm việc ở Khu phố mới. Chăm sóc những mảnh vườn đẹp ở đấy. Có rất nhiều hoa, thế là tôi mang về một vài thứ đặt chúng vào cạnh những bông hồng. Vừa đẹp, vừa đúng mốt. Nghĩ tới những chuyện đó bà Marple thở dài và tiếp tục đan áo. Phải nhìn thẳng vào sự thật: làng Sainte-Mary Mead đã thay đổi rồi. Như tất cả những gì còn lại. Đây là do chiến tranh hay do thế hệ mới? Ít nhất đây không phải là do bom nguyên tử của Chính phủ. Nhưng bà Marple không mơ hồ, bà đã già và câu giải thích rất đơn giản. Bà chú ý tới Sainte-Mary Mead vì đây là nơi cư trú những năm dài cuối đời của bà. Sainte-Mary Mead không động đậy. Khách sạn Con lợn xanh vẫn ở chỗ cũ, cũng như nhà thờ, tu viện, đảo nhỏ Queen Ann và những ngôi nhà xứ Georgie, mà nhà bà đang ở là một ngôi nhà kiểu ấy. Trước kia bà Wetherby sống ở đây, nhưng từ sau ngày bà ta qua đời thì gia đình bà Marple về sống cùng với gia đình một người làm công trong ngành Ngân hàng. Hầu hết dân làng đã thay đổi, nhưng vẻ mặt của mọi người thì vẫn thế. Chỉ có những nhà hàng ở Khu phố mới là khác hẳn, hiện đại hơn. Bây giờ thì không nhận ra cửa hàng cá với những bể lớn bằng thủy tinh nữa. Ông Barnes, chủ hiệu tạp hóa, là người sống lâu ở đây, vẫn nhớ bà Hartnell và bà Marple và đón tiếp họ một cách mừng rỡ, nhưng thay cho quán hàng ngày xưa, bây giờ là một “siêu thị” rồi. “Một cửa hàng mà tự mình phải đi tìm những thứ cần mua - Bà Hartnell than phiền - Người ta mất tới mười lăm phút để tìm thứ mình cần, sau đó phải xếp hàng để trả tiền nữa chứ. Mệt quá. Chỉ thích hợp với những người ở Khu phố mới thôi”. Bà Marple bỗng kêu lên, bà vừa đan sai một mũi ở vài hàng đan trước đó nhưng không thể nào tìm ra được. Bà đưa mảnh áo đan dở ra trước ánh sáng và nhận ra kính mắt của mình không có tác dụng gì nữa. Tuy có nhiều dụng cụ hiện đại nhưng các nhà nhãn khoa vẫn không tiến bộ lên được. Bà buồn rầu nhớ lại khi thị lực mình còn tốt. Mảnh vườn của bà là nơi mọi người tới chiêm ngưỡng, ai đi qua Sainte-Mary Mead cũng không thể không tới đây tham quan. Bà để cho tư tưởng quay về dĩ vãng. Ann Protheroe trong chiếc áo mùa hè đi dạo trong vườn của tu viện. Và đại tá Protheroe, con người khốn khổ! Đúng thế, tuy thường làm mếch lòng nhiều người, nhưng ông đã bị giết chết... Rồi Griselda, người vợ trẻ và đẹp của thầy trợ tế. Một tấm thiếp nhân ngày lễ Noel, đó là những gì còn lại của thầy. Đứa trẻ con ngày ấy bây giờ là một người đàn ông. Anh ta đã thành công. Có phải là một kỹ sư không nhỉ? Phía sau tu viện có một con đường đi tới cánh đồng Giles, có một chủ trại chăn nuôi bò. Bây giờ là Khu phố mới... Tại sao lại không như vậy kia chứ? Bà Marple cay đắng đặt câu hỏi. Phải qua cái cầu ấy thôi. Cần phải xây thêm nhà và nhà đã được xây, người ta bảo bà như thế. Người ta gọi đó là “kế hoạch hóa”. Có một phụ nữ trẻ ở Khu phố mới ấy, đó là Cherry Baker. Người ta thấy cô trong “siêu thị” với những cô khác, đẩy xe trẻ con với họ trên những con đường yên tĩnh của Sainte-Mary. Họ đều trẻ, đẹp, tóc chải theo lối mới, cười đùa, vô tư bình luận những mánh khóe lừa lọc của việc mua trả góp, vì họ luôn luôn thiếu tiền cho dù chồng họ đã cố gắng làm việc. Họ buộc phải đi lao động thêm ở bên ngoài như nội trợ, nấu bếp. Cherry nấu nướng rất giỏi, thành thạo trong việc tiếp chuyện qua điện thoại, nhanh chóng phát hiện những sai lầm trong hóa đơn của chủ hiệu. Nhưng cái cách cô ta rửa và xếp bát đĩa thì bà Marple không thể chấp nhận được, cô ta ném chúng lộn xộn trên giá, đè lên cả những khăn lau. Cũng như trước kia, bà Marple có Amy, Clara và Alice là “những cô hầu bé nhỏ, xinh đẹp và đáng mến” lấy từ trại trẻ mồ côi Saint-Faith về đế đi học nghề. Các cô đã tìm được một nghề và được trả lương hậu hĩnh. Các cô đã nói chuyện với các cô gái trong làng, đi làm việc cùng người buôn cá hoặc người làm vườn. Bà Marple cảm động khi nghĩ tới những chiếc áo len mà bà đã đan cho nhiều thế hệ. Đúng là các cô gái ngại dùng điện thoại và tính toán các con số, nhưng các cô biết thu dọn giường chiếu và giặt giũ quần áo. Họ ít được học nhưng thực hành công việc thì rất giỏi. Thật là lạ lùng khi phải xác nhận rằng những công việc trong nhà bây giờ lại được giao cho những cô gái có học. Sinh viên làm đổi công, học sinh trung học đang nghỉ hè hoặc là những cô gái trẻ đã có chồng như trường hợp của Cherry. Tất cả họ đang sống ở Khu phố mới. Lại còn những phụ nữ như bà Knight nữa. Nghĩ đến đây thì bà Marple nghe thấy tiếng chân người ở lầu trên. Bà Knight vừa ngủ trưa dậy và sửa soạn đi dạo như thường lệ. Bà ta sẽ xuống và hỏi xem mình có thể đi dạo được không. Khi nghĩ tới bà Knight, bà Marple có những phản ứng quen thuộc. Người cháu họ bà là Raymond đã có một cử chỉ hào hiệp. Bà Knight là một người đàn bà cẩn thận và ông bác sĩ Haydock không muốn để bà Marple phải sống một mình, nhất là ban đêm, sau trận sưng phổi vừa qua. Nhưng, bà Marple dừng lại, tại sao lại suy nghĩ vẩn vơ như vậy? Nếu không phải là bà Knight mà là một người khác thì sao? Bây giờ thì không thể lựa chọn gì được; những phụ nữ đi giúp việc cũng đã thay đổi theo tình hình mới rồi. Khi người ta ốm thì bằng bất cứ giá nào người ta cũng phải thuê nữ hộ sinh hoặc vào bệnh viện. Nhưng khi trận ốm qua đi thì người ta lại rơi vào tay bà Kninght. Nói cho đúng ra thì không có gì để chê trách bà Knight, trừ cái việc bà ấy làm ta căng thẳng thần kinh hoặc khó chịu. Bà ta nhẹ nhàng chăm sóc người ốm, giúp đỡ bạn mọi việc như bạn còn là một đứa trẻ vậy. - Nhưng ta - Bà Marple tự nhủ - ta đã già rồi và ta cũng có đầu óc để suy nghĩ chứ! Cùng lúc ấy bà Knigth, theo thói quen, thở gấp, bước vào phòng. Đó là một người đàn bà ba mươi sáu tuổi, béo phì và nặng nề, tóc màu vàng-xám, kính mắt tụt xuống mũi. Một cái miệng tươi tắn nhưng cằm thì lẹm. - Bà đang ngồi ở đây ư? - Bà nói bằng giọng ấm áp và vui vẻ mong làm phấn khởi người già - Tôi hy vọng rằng chúng ta vừa có giấc ngủ trưa ngon, đúng không? - Tôi đang đan - Bà Marple nhấn mạnh chữ tôi - và đã đan lỗi một mũi - Bà thú nhận với vẻ mệt mỏi và ngượng ngủng khi thấy mình quá già. - Ô! Bà thân mến! Chúng ta sửa lại xong ngay thôi mà. - Phải. Bà làm đi. Tôi không thể làm được. Bà Marple cay đắng nói, nhưng người đàn bà to béo ấy không chú ý. Bà Knight bao giờ cũng chỉ nghĩ đến việc giúp đỡ mọi người. - Sửa xong rồi đây - Bà ta nói sau đó một vài phút. Bà Marple thường dùng câu “bà thân mến” để nói với các bà chủ hiệu, nhưng với bà Knight mà nói như vậy thì không thể được. Dù sao bà cũng phải cảm ơn bà ta. - Tốt. Bây giờ tôi sẽ đi dạo. Không lâu đâu. - Bà Knight nói. - Đúng, phải tranh thủ thời gian. Bà Marple thật thà nói. - Bà biết là tôi không muốn để bà ở nhà một mình. Tôi sợ là bà sẽ buồn. - Tôi thấy mình rất khỏe. Hơn nữa, tôi cũng muốn chợp mắt một lát. - Bà Marple nói và lim dim mắt lại. - Tốt, bà thân mến. Bà có cần mua gì không? Bà Marple mở mắt ra và suy nghĩ : - Bà tới cửa hàng của London xem họ đã may xong các bức màn gió chưa, nếu xong thì bà mang về và mua cho tôi một cuộn len ở cửa hiệu Wisley. Tôi cũng muốn bà vào thư viện đổi cho tôi một quyển truyện theo bảng danh mục tôi đã kê. Cuốn sách vừa rồi thật là kinh khủng. Tôi không thể nào đọc được - Bà đưa cho bà giúp việc cuốn Mùa xuân thức tỉnh. - Ô! Bà thân mến. Bà không thích cuốn này ư? Đây là một câu chuyện hay. - Nếu không phải đi xa quá, bà tới hàng bà Hallet xem ở đấy có máy đánh trứng không. Nhưng không phải là loại tự động đấy. Bà biết là ở nhà hàng Hallet không có loại máy ấy và nhà hàng đó ở rất xa. - Có nhiều việc quá không? - Bà hỏi thêm. - Không đâu, không đâu. Ngược lại, tôi lấy làm thú vị. Bà Knight không thích ngồi một chỗ. Đi dạo đối với bà là cần thiết. Bà lục lọi trong các giá hàng, gặp và nói chuyện với mọi người. Còn bà Marple thì thấy dễ chịu khi tránh mặt bà Knight một thời gian dài mà không cảm thấy mình có tội. Bà giúp việc vui vẻ đi sau khi nhìn bà già ngồi yên lặng bên cửa sổ. Phải đợi một vài phút, đề phòng bà Knight quay trở lại vì đã bỏ quên cái gì đó, bà Marple ném chiếc áo đan dở xuống, đứng lên, đi xuống tầng trệt. Bà mặc áo khoác, đi giày, cầm lấy chiếc gậy chống và đi ra khỏi cổng. “Phải một tiếng rưỡi đồng hồ nữa thì bà ta mới trở về được”. Bà Marple nghĩ. Bà hình dung bà Knight đã tới nhà London và đang chê trách việc may quá chậm chạp những bức màn gió. Sau đây là lời bà ta nói với chủ hiệu! “Đúng là công việc chưa xong nhưng tôi không muốn làm phiền lòng bà già. Các bà già thường hay bực mình. Bà ấy rất tốt, nhưng già quá rồi. Bà có thứ nào khác nữa không. Không có màu nào khác ư”. Một nửa giờ sau, bà ta ra khỏi nhà hàng và bà bán hàng có ý kiến : - Bà Marple già quá rồi ư? Cái đó làm tôi ngạc nhiên đấy! Bà Marple nhanh chóng đi qua vườn, thú vị về cuộc lẩn trốn của mình, không quan tâm đến ông già Laycock đang tỉa những cành hoa hồng. Bà rất vui và có phần lạ lùng trước sự kiện này. Bà rẽ sang phía tay phải, đi qua vườn của tu viện và tới chỗ trước kia là một thanh gỗ chắn ngang, nay là một cánh cửa lưới sắt đi ra một con đường trải nhựa. Một cây cầu nhỏ bắc qua sông tới một nơi trước kia là đồng cỏ chăn nuôi bò, nay là Khu phố mới.