(Tưởng nhớ cụ LDM)

Cụ Vương mò mẫm trong cái bóng sáng lờ mờ của căn phòng chung cư tại Richmond, một trong ba khu "thủ phủ kinh tế" của người Việt tại Mebournẹ Căn phòng thật ra không chật cho một cuộc sống bình thường của một người quá cái tuổi thất thập cổ lai hy như cụ, nhưng, trong trường hợp của người mê sách và đồ cổ như cụ ấy thì căn phòng như sắp bể tường, nứt vách để tìm thêm không gian cho người sống trong đó.

Bốn vách tường không còn mấy chỗ nào trống để khách có thể nhìn thấy màu của chúng. Các kệ sách, tủ sách, bàn sách đã che lấp tất cả. Sách Pháp và Anh ngữ,, sách Tàu, sách Việt tràn ngập, bề bộn, ngổn ngang trong một trật tự riêng mà hình như chủ nhân đã sắp đặt cho chúng một cách vô tình. Phần nền, trên cái thảm cũ mèm, là lãnh thổ của những xấp dầy tạp chí, báo ngày, báo tuần, báo tháng... tiếng Việt, tiếng Tây và giấy tờ cùng đủ mọi thứ hồ sơ lỉnh kỉnh, tạp nhạp. Ở góc tường bên cạnh cái cửa ngỏ, mở vào phòng tắm gồm hai cái lu, một để đựng hàng chục món vũ khí cổ như gươm Nhật, gươm Việt, đoản đao của người Chàm, dao rừng của người Mường, lưỡi lê của lính Pháp... ; cái lu thứ hai chứa nhiều bó tranh lụa, tranh vải, tranh giấy... phần đông họa những phong cảnh, chùa chiền, làng mạc, núi non, chim chóc của Việt Nam.

Sáng ngày hôm đó cụ Vương cũng dậy như thường lệ cùng lượt với tiếng hụ của chiếc xe điện chở hàng khi băng qua nhà ga. Thời tiết đã vào hẳn thu, hơi lạnh đã len vào trong các khớp xương của cụ. Ở đây đã 10 năm, cụ biết bốn mùa sẽ cùng xuất hiện trong một ngày sắp tới. Sáng sớm như hiện giờ tương ứng với mùa cuối Đông sương mù và hơi lạnh, chừng 4-5 tiếng nữa, khoảng 9-10 giờ sáng, mặt trời sẽ sưởi ấm không khí đủ để cho khu phố có một thoáng Xuân hồng rất chóng vào khoảng 1 tiếng, sau đó là cái nóng đến rất nhanh, cỡ vào giữa trưa thì đã là mùa của Hạ vàng, tuy thế, nóng nhưng không hầm như vào mùa hè thật, cứ vậy kéo dài cho đến khoảng 4-5 giờ chiều thì trời mát lại, thỉnh thoảng còn có vài cơn mưa, báo hiệu bởi những đám mây đen bay nhanh, đó là hơi Thu.

Cụ Vương bỗng chợt buồn và thầm nhớ lại những ngày mới qua Úc, thuở ấy cụ và cụ bà còn sống chung với gia đình hai con. Lúc đó chật vật thế mà vui, cuộc sống tranh dấu cho tương lai làm tươi mát hy vọng, sau này chúng kịp lấy lại sự nghiệp, mua nhà riêng mang các cháu của cụ đi, cụ từ chối không dọn về ở chung với ai cả, cụ bà thương con, thương cháu đi theo một dạo, rồi cũng phải dọn về ở với cụ cho gần chồng gần chợ. Vài năm trước cụ bà lại dọn đi, lần này là đi thật, vĩnh viễn bỏ con, bỏ cháu và bỏ cụ.

Sau cái chết của cụ bà, các con cụ Vương đề nghị với cơ quan quản lý chung cư đưa cụ Vương xuống một cái phòng đơn, lầu trệt. Và cụ Ở đấy cho đến giờ.

Thỉnh thoảng các con của cụ cũng ghé qua thăm, còn các cháu của cụ thì nó xa cách với cụ quá, tiếng Việt của chúng quá nghèo và tình cảm của chúng thì lại như một căn nhà làm bằng kiếng và vật liệu bóng bẩy, thật hào nhoáng nhưng chỉ để dùng một thời, so với quan niệm ăn chắc mặc bền như cụvới gỗ lim, gỗ gụ nặng nề, thì thật là khác nhau một trời một vực. Thật ra, cụ cũng cố gắng thích ứng với lối nghĩ, lối sống của chúng để cho vui lòng mọi người, nhưng cách tốt nhất vẫn là để yên chúng sống và nhìn cụ như một quyển sách cũ trên kệ, kính trọng, quí mến nhưng chẳng bao giờ được giở ra.

Niềm vui của cụ bây giờ cũng vẫn là sách và các tape nhạc về hát chèo, cải lương, hát bộ... Hôm nào khoẻ khoắn, cụ đi bộ ra phố, trò chuyện với những chủ tiệm quen về sinh hoạt hằng ngày, tin tức cộng đồng, chính trị xa gần. Đôi khi gặp người hiểu biết, cụ mừng rỡ kéo họ vào trong một quán ăn quen để uống cà phê và tán gẫu một lúc.

Nhưng những người loại đó càng ngày càng ít đi. Những người còn có đủ vốn liếng tiếng Hán để nói chuyện với cụ về Đường Thi, Hán Văn, hay thậm chí để ngẫm cổ suy kim với Đông Châu Liệt Quốc hoặc Tam Quốc Chí , Chiến Quốc Sách ở đây thật hiếm, họ dần dần biến mất như những con rùa thần quá nặng nề với nhịp sống tân thời. Đám người trung niên thuộc hạng thích đọc sách thời còn mồ ma nền Đệ Nhị Cộng Hòa miền Nam bây giờ cũng ít đọc sách hơn, và tuyệt đối dành thật nhiều thì giờ để kiếm tiền, nuôi con, và sửa sang vườn tược...

Cụ cũng đã ráng bớt dần cái "tuổi văn học" để cố tìm bạn, nhưng vẫn vô vọng, nói về thời Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Trần Trọng Kim... mà còn chẳng có ai, đừng nói chi đến những thời xa lắc xa lơ như Tuệ Trung, Nguyễn Trãi... Nguyễn Khuyến, Dương Khuê...

Cụ cảm thấy già lạ lùng, cô đơn lạ lùng và vụng về lạ lùng, nhất là sáng ngày hôm nay, mò mẫm sao choảng một cái, cụ lại làm vỡ mất cái gương soi mặt. Thôi thì chờ sáng hẳn rồi cụ sẽ có dịp để ra phố mua cái khác.

Đầu phố có hai cái tiệm bán đồ cũ mà cụ hay ghé, hai cái quán này là mặt hàng của cơ quan từ thiện bán những đồ đã dùng, chắc của gia đình những người đã khuất cho lại. Những cái quần, cái áo, những bức hình, khung ảnh, sách cũ, tượng trưng, búp bê, đồ chơi... đủ mọi thứ, hình ảnh của những ngày tháng và kinh nghiệm của những ngày đã qua.

Những người bán hàng thường là tự nguyện, làm công quả cho xã hội, họ là những bà già muốn những ngày còn lại trong đời còn để lại chút công ích cho cuộc đời, họ là những cô gái bị trời sinh hơi "dở hới" nhưng vẫn muốn nhảy vào rong lòng xã hội, từ chối bị bỏ rơi đứng ngơ ngác bên lề.

Sáng nay, cụ Vương tin chắc là mình sẽ tìm được một cái gương soi mặt, ngày thường cụ thấy bày đầy rẫy ở cái bàn giữa hai tiệm, nhưng sáng nay, chẳng hiệu làm sao mà không còn cái nào còn sót trong cả hai nơi. Cụ than phiền với bà lão đứng quầy, bà này cũng đứng lên giúp cụ tìm mà không thấy. Cụ đành phải ra khỏi quán

Cụ đi khoảng độ nửa tiếng lòng vòng trong cái shopping center mà vẫn không tìm được cái gương nào vừa ý, cái nào cũng mới quá, tân thời quá, đem về đặt giữa cái phòng tắm cũ kỹ của cụ thì một phần tội cho nó, mà một phần tội cho những đồ vật đang có trong phòng.

Cụ quyết định đi về để chờ dịp khác mua sau.

Khi đi ngang qua một trong hai gian hàng bán đồ cũ , bà lão đứng quầy hình như đang có ý tìm cụ, bà mừng rỡ vẫy cụ Vương vào trong, rồi mở tủ dưới lấy ra một cái hộp trang điểm của phụ nữ có hình cùng những hàng chữ nhỏ Trung Hoa trên đó, bà cụ nói bằng một giọng tiếng Anh chậm rãi, cố tình để cho cụ hiểu kịp:

- Tôi tìm được cái hộp đã cũ này, chắc ông dùng tạm được, mở nắp ra đi...

Cụ Vương vừa hiểu lõm bõm, vừa nhìn điệu bộ của bà nên nhận cái hộp từ tay bà lão, rồi mở ra coi, quả nhiên mặt trong của cái nắp hộp có gắn một cái gương soi mặt. Thấy cái hộp cũ lắm, mà có vẻ không có một giá trị cổ nào, lại là đồ của phụ nữ, cụ có vẻ ngần ngại.

Bà lão nói tiếp:

- Cái này để biếu ông dùng tạm, mai mốt rảnh ông mua cái gương mới khác.

Rồi không chờ cụ Vương trả lời, bà lão gói cái hộp vào một tờ giấy báo, bỏ vào bao ny lông rồi đưa cho cụ Vương. Cụ Vương cảm ơn rồi móc hai đồng bạc để trên quầy, cười cám ơn bà lão, bà này tưởng cụ Vương không hiểu là bà ấy mua cho không, nên lắc cái tay nhăn nheo tỏ ý không nhận, nhưng cụ Vương vẫn gật đầu rồi nói Thank You; bà lão hiểu là cụ Vương không muốn nhận không, liền đưa trả lại một đồng. Đến đây thì cụ Vương phải nhận lại, và cả hai đều hoan hỉ từ giã nhau.

Cái nắng đã lên đầy, cụ Vương ghé vào tiệm bán trái cây Á Châu mua một trái sầu riêng, nhờ người bán hàng bổ ra giùm lấy thịt, rồi lững thững đi qua cái công viên nho nhỏ đầy tiếng chim mà về phòng.

Căn phòng khép cửa sổ nên luôn tối, cụ Vương bật đèn rồi len lỏi qua những chỗ trống để vào phòng ăn, cụ để cái gương lên bàn rồi đi đặt nước nóng pha trà.

Khi nước đã sôi , cụ bỏ chút trà vào bình, đổ nước vào đó và mang ra ngoài bàn để uống. Những tiếng động vẳng đến từ ngoài cho cụ biết thời giờ đại khái mà không cần nhìn đồng hồ, tiếng xe của người giao thư, tiếng của lũ trẻ ra chơi đùa nghịch từ trường mẫu giáo, tiếng chân của anh thư ký người Việt của cơ quan phúc lợi xã hội khu phố đi ra ngoài hút thuốc hai giờ một lần. Thỉnh thoảng khi nghe thấy tiếng anh ấy ra ngoài, cụ lại mở cửa đi ra ngoài chào hỏi và nói chuyện qua lại. Chính anh ấy lo hồ sơ cho cụ và tổ chức kiếm người nấu ăn tháng cũng như nhắc cụ đi bác sỹ khi đến kỳ. Anh ta người Huế, hiền lành và nhỏ nhẹ, và là người duy nhất có kiên nhẫn nghe cụ nói mà không cắt ngang câu chuyện, dù rằng, cụ hiểu là nhiều khi anh ấy không thích thú gì về chủ đề của câu chuyện.

Hôm nay sau khi nghe tiếng trẻ con la hét đã im bặt, giờ ra chơi đã xong, cụ vừa uống trà vừa chờ bước chân của anh thư ký, nhưng không thấy, có lẽ hôm nay anh ấy phải đi họp. Cụ buồn như lỡ dịp gặp bạn đến thăm, bèn mở cái bọc ra để xem lại cái hộp mới có.

Nhìn kỹ thì cụ thấy cái hộp cũng không xấu xí gì, chỉ vì cái mầu đã cũ và những vết trầy sướt, nhìn thấy mấy hàng chữ Tàu li chi cái còn cái mất lẫn với hình vẽ núi sông trên nắp hộp, cụ đâm ra tò mò muốn biết chúng là gì.

Lấy cặp kính lão đeo lên, bật cái đèn bàn đọc sách, rồi lấy cái kì'nh lúp soi thì cụ nhận ra ngay đó là hàng chữ chú thích hào cửu tam của quẻ Khốn, mặc dầu nhiều chữ đã mờ nhạt nhưng cụ Vương tìm ra ngay:

Dịch viết: khổn vu thạch, cứ vu tật lê, nhập vu kỳ cung, bất kiến kỳ thê, hung. Tử viết: phi sở khổn nhi khổn yên, danh tất nhục. Phi sở cứ nhi cứ yên, thân tất nguy, ký nhục thả nguy, tử kỳ tương chí, thê kỳ khả đắc kiến dà?

Cụ Vương như sững người, hàng chữ này như được viết riêng cho cụ hay sao? "Kinh Dịch nói, như bị khốn ở hòn đá, lại dựa vào gai cây tật lê, vào nhà chẳng thấy vợ, xấu. Khổng Tử nói: không phải chỗ đáng bị khốn mà mình bị khốn thì danh chắc nhục. Không phải chỗ đáng dựa vào mà mình dựa vào thì thân ắt nguy. Đã bị nhục mà lại bị nguy, ắt sắp chết tới nơi, còn thấy vợ được sao?

"Quẻ Khốn, trên Đdoài, dưới Khảm"... , vừa lẩm nhẩm cụ vừa mở nắp hộp ra soi mặt vào trong cái gương, lạ thay, thay vì nhìn thấy mặt mình nhăn nheo, cụ lại thấy khuôn mặt trẻ trung tươi mát của cụ thời còn mười tám, cụ thấy chợ lồng Rạch Giá, thấy cả nhà cụ đang chuẩn bị cho chàng trai trẻ đầy sức sống tên là Vương đi lên SàiGòn ăn học, cụ thấy rõ ràng như đang coi một cuốn phim. Không! còn rõ ràng hơn nữa, và thật hơn nữa, vì cụ như đang được đi trong cái thế giới ấy, ngửi được cả lại mùi đất, mùi trái cây...

Cụ thấy mình đang đứng trên đường Bonard, rồi đi qua bến Nghé, đứng trước mặt cột cờ Thủ Ngữ, ôi chao, biết bao hình ảnh thân thương, cụ thấy lại hết, sống lại hết, những buổi ngập ngừng sợ hãi đi thi, ngày đọc thấy tên mình được vào học trường, cãi nhau với tên thày thực dân người Pháp, khi lão này tỏ ý khinh miệt học sinh người Việt...

Cụ thấy cụ đi qua đò Thủ Thiêm, rồi cảnh khác cụ thấy mình đang đứng nhìn những hàng dừa bát ngát tại Mỹ Tho... Rồi nước mắt nhòe nhoẹt cụ thấy mình sung sướng về thăm nhà, được mẹ cho ăn những món ăn ngon...

Đang mê man sống trong cõi ngày xưa đó, cụ bỗng nhìn thấy trên màn gương hiện ra hàng chữ Tự Quái Truyện: "Lên mãi không ngừng tất gặp Khốn... ". Cụ toát mồ hôi, đúng lúc đó, có tiếng gõ cửa của anh chàng đem cơm tháng đến giao. Cụ Vương khép vội cái hộp lại và ra mở cửa.

Anh chàng giao cơm cho cụ cũng là người Việt, trước đây làm công chức Bưu Điện ở Việt Nam, bây giờ qua đây cũng làm công chức Bưu Điện nhưng ca đêm, bên ngày anh ta giúp vợ giao cơm tháng. Hai vợ chồng lo làm ăn cầy cục, mua nhà cửa quá trời, mua rẻ bán đắt bây giờ đã có ba-bốn căn trả đứt, nhưng làm quá không chú trọng con cái, bây giờ hình như đứa con gái lớn vừa bỏ nhà ra đi theo bọn xì ke ma túy.

Cụ vừa nhận cái cà mèn từ anh giao cơm vừa lẩm bẩm: "không biết ngừng thì khốn... ". Anh kia nghe tiếng được tiếng mất, hỏi lại cụ:

- Dạ bác nói gì?

- Hổng có, tui già rồi lẩm bẩm một mình hoài à, xin lỗi anh nhen.

- Dạ, không có gì đâu bác, thôi chào bác chiều nay con lại.

- Dạ, cám ơn anh.

Vào bàn cụ Vương cố thắng cơn thèm muốn vào coi tiếp cái hộp kia, cụ sợ, mà cũng lạ, đến tuổi này thì cụ còn sợ cái gì, thế mà cụ vẫn sợ. Mà cái sợ nó đeo đẳng cụ từ hồi nhỏ tới giờ. Cụ sợ nhiều mà không nhát, cụ cũng làm như ai, nhiều khi còn có lúc táo bạo nữa, tuy vậy mà cụ vẫn sợ. Bây giờ đây, cụ lại sợ, mà sợ cái gì, cụ có vẻ như sợ những hình ảnh cụ vừa coi

Nhưng, cụ không kềm lại được, cụ tò mò muốn xem lại coi cái hộp có khả năng cho cụ sống lại dĩ vãng thật không hay là chính tâm trí cụ hoang mang hoài cảm mà đi một mình về quá khứ.

Cụ để cái cà mèn lên bàn bếp rồi tới vội cái bàn đọc sách và mở cái hộp ra lần nữa, lần này thì không thể lầm được nữa, những hình ảnh thắm tươi của ngày cụ thi đậu Baccalaureat, đứng cùng vài người bạn quần áo chỉnh tề cổ thắt cà vạt trong Thảo Cầm Viên, rồi cụ đi qua Pháp, đứng ở thành phố Marseille, rồi lên Paris, bồ bịch với mấy nàng đầm tóc vàng...

Ôi quá khứ diễm kiều, mà lạ thật, cụ chỉ thấy nét diễm kiều của nó, tất cả những cực khổ thời chiến tranh PhápĐdức cụ không thấy, những ngày đói meo chờ đồ chuyển từ Đông Dương qua, cụ cũng không thấy, hình ảnh những lúc bị lính Đức hạch hỏi cũng không còn.

Cụ chỉ thấy những nụ cười hân hoan của những người dân Paris khi đón chờ nhóm lưu vong của tướng De Gaulle, rồi cụ thấy cụ đến cư xá sinh viên để nghe thuyết trình về một Việt Nam độc lập, sau đó cụ thấy cụ về nước rồi đi lẫn lộn trong những người mừng đón tin độc lập...

Nụ cười cụ Vương nở to khi cụ nhìn thấy lại ngày đầu cụ gặp người yêu, ngày hai người lấy nhau, rồi những đứa con đẹp đẽ thông minh của cụ ra đời.

Những hình ảnh càng về sau càng nhanh, và những chữ viết về quẻ Khốn càng lúc càng mờ cho đến khi những hình ảnh của quá khứ trong gương hiện gần đến hiện tại để cụ thấy lúc các cháu mình biết nói sõi tiếng Anh, các con mình mua nhà mới, và cụ mua được cái gương sáng nay thì thốt nhiên người cụ tự nhiên như thu nhỏ lại và biến mất vào trong cái hộp.

Tiếng chân của anh thư ký đi ra hút thuốc ngoài hành lang căn chung cư lại được vang vào lúc 3 giờ rưỡi, nhưng căn phòng của cụ Vương chẳng còn ai, chỉ còn lại một cái hộp cũ kỹ để trên cái bàn đọc sách mà đèn còn để sáng. Cho đến khi người giao cơm tới vào lúc 6 giờ rưỡi chiều và tìm ra cái cà mèn buổi sáng vẫn chưa được mở ra. Rồi cả ngày hôm sau cũng không thấy cụ, anh giao cơm nói với anh thư ký, anh thư ký điện thoại báo tin đến các con của cụ và sau đó là cảnh sát. Nhưng không còn ai nhìn thấy cụ Vương lại nữa. Cái hộp có cái kính Khốn đã bị người nhà của cụ Vương lọc ra và bỏ vào thùng rác. Những đồ cổ vật cụ sưu tầm được bán với giá thật rẻ, coi như cho không, cho tiệm bán đồ cũ, những chồng sách được bỏ vào các thùng cạc tông chất ở một góc garage của ông con cả cụ cho đến ngày chúng bị hủy hoại vì chuột và nước.

Hết