Cho phép anh gọi thế chứ, dù rằng ngày ấy chúng mình học cùng lớp 12? Bây giờ là mùa đông, em đã biết rồi đấy. Anh đi trên đường, gió luồn vào sâu trong áo, một sự buốt lạnh. Sáu năm rồi, thời gian đi nhanh quá! Cũng là sáu mùa đông trôi quạ Lẽ ra, nó sẽ trôi tuột trong anh như những mùa đông trước đó, nếu như không có ngày ấy.

Phải, nếu như không có ngày ấy. Cái thời mà chúng ta đang là cô cậu lớp 12. Anh không còn nhớ rõ điều gì đã khiến anh trở nên mạnh bạo, có phải vì mái tóc dài luôn làm anh phải liếc trộm khi ngồi trong lớp, hay vì đôi mắt cứ ánh lên những nét tinh nghịch. Ồ, mà có thể vì một tâm hồn rất trong trắng và đáng yêu. Anh không còn nhớ rõ, chỉ biết rằng từ một tính cách nhút nhát, cậu con trai lớp 12 đã dám thốt lên lời yêu. Em không ngỡ ngàng nhưng em ngơ ngác. Em mỉm cười. Và chúng mình có nhau.

Cái ngày ấy đẹp lắm, ta chỉ thấy mấy trắng, nắng hồng và vô vàn những điều thú vị. Em không phải là cô bé lắm lời, anh là một cận bạn ít nói nhưng những chiều đi bên Hồ Tây sau giờ tan học, ta đã nói rất nhiều điều với nhau. Những câu chuyện không ghép nổi thành truyện đã làm cho Hồ Tây không giới hạn và thời gian như ngừng lại, để rồi anh phát hiện ra em “không hiền đâu, nghịch ngầm đấy”. Ôi, sự nghịch ngầm đã làm anh chao đảo, cái lạnh mùa đông đã làm anh ngất ngây.

Có một chiều anh đi trên con đường cũ, dẫu rằng chỉ là dĩ vãng nhưng nó là kỷ niệm của anh. Người ta không thể dễ dàng buông rơi kỷ niệm. 17 tuổi, lần đầu tiên anh biết nhớ đến một nụ cười, lần đầu tiên anh được nắm tay người bạn gái. Anh cố nghe xem lá cây nói gì. Dưới gốc cây ngày xưa, hai cô cậu học trò đang nói chuyện, chúng cũng như ta thưở ấy “không thèm đâu nhé”. Cô bé hét lên với cậu bạn. (Em của anh ngày xưa đấy). Mây vẫn bay và lá vẫn rì rào, gió mùa thì cứ hun hút. Em có còn đi lại trên con đường này?

Giá như chúng mình... Đến bây giờ anh vẫn không quên được điều kiện của em. Người ta cứ gọi rằng đấy là lứa tuổi vô tư, bồng bột... Còn anh, anh gọi rằng đấy là lứa tuổi ương bướng. Tại sao em lại có thể nghĩ ra cái điều kiện ấy cơ chứ? Để thử tình cảm của anh ư? Anh yêu em, đấy đâu phải là sự lừa dối, em biết điều đó mà. Em bướng bỉnh, anh ngang ngược. Và chúng ta xa nhau. Dĩ nhiên, anh đã có suy nghĩ, so sánh và chọn lựa. Hoặc là em hoặc là những người bạn của anh. Và anh chọn bạn. Em đã biết, họ là một phần trong cuộc sống của anh, vậy mà em còn cố tình... Dĩ nhiên bây giờ nghĩ lại thì sự chọn lựa ấy hoàn toàn là không nên có. Dĩ nhiên, nếu như chúng ta ngày ấy là tuổi 23 bây giờ...

Nếu chúng ta ngày ấy là tuổi 23 bây giờ thì làm gì có 4 năm im lặng. Người ta nói rằng tuổi 17 là trẻ con, còn với chúng mình, 18 tuổi cũng vẫn thế, 19 tuổi, 20 tuổi, 21 tuổi vẫn vậy. Chúng ta im lặng mỗi khi gặp nhau. Không nói không có nghĩa là không nói được. Và đến tuổi 22, chúng ta là người lớn. Anh nói thế vì ở tuổi 22, chúng ta đã nói chuyện với nhau một cách bình thường. Đấy là một điều bình thường nhưng khi anh bắt đầu nói thì sao mà ngượng nghịu ghê lắm, dù rằng lời hỏi thăm ấy làm sao khó bằng câu nói ngỏ lời của thời 17.

Rồi chúng mình sẽ có người yêu khác, có thêm kỷ niệm khác, nhưng có lúc nào em nhớ đến ngày xưa. Anh đã cố quên, có lúc bay xa lắc nhưng vì có cánh nên nó lại có lúc trở về trong anh. Anh lang thang trong chiều Hồ Tây, anh lắng nghe muôn vàn lời cây. Anh nhìn thấy tiếng cười của thời 17, anh nhìn thấy mái tóc dài thời 17. Lá cây rời cành. Em xa anh. Lặng lẽ. Anh yêu mùa đông.

Anh yêu mùa đông? Hôm qua, một cô nhóc 18 tuổi đã ngạc nhiên vì điều ấy. Lạ nhỉ, con trai mà cũng bày đặt lãng mạn. à, có phải vì đông là mùa để khoe áo mới nên anh thích nó? Cô nhóc cười lớn vẻ trêu chọc. Phải thôi, làm sao cô nhóc ấy biết được rằng ánh đã có một mùa đông thời 17, bởi vì mùa đông ấy anh giữ cho riêng mình.

Lớp anh học bây giờ cũng có nhiều mái tóc dài, cũng có nhiều đôi mắt tinh nghịch, cũng có những tâm hồn trong trắng, nhưng họ không phải là em. Mùa đông này cũng có nhiều lá rơi, cũng có nhiều gió nhưng nó không phải mùa đông của thời 17. Anh lại đi trên con đường xưa. Em đừng hét lên “Không thèm đâu nhé”. Hãy hiểu cho rằng: “Có những điều đốt mãi chẳng thành tro”.

Hết