Chương 1

Xuống xe điện ngầm, Nam Du tung tăng chân sáo đến bên dòng sông Sein xanh mát.

– Đẹp quá! Khung cảnh nơi đây bao giờ cũng cuốn hút cô. Nó làm cho cô nhớ đến quê nhà, nhớ đến dòng sông ngọt ngào, hiền hoà trong cuộc sống của người dân Nam Bộ.

Hướng mặt ra sông, Nam Du nhắm mắt để cảm nhận sự buốt lạnh từ nước mà từng cơn gió nhẹ thổi qua.

– Tuyệt thật!

Nam Du điểm nụ cười trên khuôn mặt sáng ngời. Rồi không biết hứng chí sao, cô khe khẽ hát:

“Đi trên sông Vàm một đêm trăng rằm.

Mái chèo khua nhẹ tựa sóng vỗ lòng anh.

Mê say em hát, mắt sáng long lanh.

Mà cả dòng sông là hương lúa ngọt lành.

Ai hát chiều nay trên dòng sông Vàm Cỏ.

Để tóc em bay trong chiều lộng gió.

Dòng sông quê hương ơi dòng sông yêu thương.

Ngàn năm trôi qua xuân đời thêm hương hoa.

Dù bao phong ba sông càng thêm mặn mà.

Như tình đôi ta, sống mãi không già.

Lung linh trăng rằm đẹp sao quê nhà.

Bao đời vẫn đậm đà sâu thẳm lòng ta.

Trăng sao lấp lánh chiếu sáng mênh mông ...

Ngọt ngào thuỷ chung là tiếng hát dòng sông ...”.

Nam Du vừa dứt lời thì có tiếng vỗ tay, và kèm theo giọng của một người đàn ông bằng tiếng Việt:

– Hay quá! Cô bé hát rất hay!

Nam Du mở bừng mắt, cô ngơ ngác trước một người đàn ông cao to xa lạ mang dáng dấp châu Á:

– Ông ... ông nghe được tiếng Việt Nam sao?

Tôi chẳng những nghe được mà còn nói tiếng Việt Nam rất rành nữa.

– Vậy ...

– Tôi tên Triệu Khang. Tôi là người Việt Nam. - Người đàn ông tự giới thiệu và chìa tay ra - Cô bé tên gì?

Gặp được người đồng hương trên đất khách, Nam Du vui mừng, cô nhoẻn miệng:

– Hãy gọi tôi là Nam Du.

– Nam Du ...

Triệu Khang lẩm nhẩm:

– Một cái tên rất lạ, rất hay và rất có ý nghĩa.

– Bạn tôi cũng nói giống như ông. “Nam Du” là đi xa đi nhiều nơi.

Triệu Khang hỏi:

– Ai đã đặt tên cho cô bé?

– Cha tôi.

– Cha cô bé làm bên ngành du lịch à?

– Không, cha tôi làm kinh doanh. Nhưng sao ông hỏi thế? - Nam Du thắc mắc.

– Bởi tôi nghĩ người thích đi du lịch mới đặt tên cho con theo sở thích của mình.

– Cũng không hẳn. Cái tên của tôi có được là do mẹ tôi là người miền Đông, lấy cha tôi là người miền Nam đấy!

– Ồ!

Triệu Khang chợt hiểu:

– Nhưng sao không đặt là Đông Nam luôn, để khắc ghi tình cảm của hai người?

– Chuyện đó, ông đi mà hỏi cha tôi ấy.

– Một lúc nào đó, tôi sẽ hỏi.

Hai người cùng cười. Nam Du nghiêng đầu:

– Ông đến nước Pháp này du lịch hả?

– Không.

– Vậy là ông đi làm ăn?

– Không. Tôi sống ở đây. Sống từ lúc vừa lọt lòng mẹ đến giờ.

Nam Du ngạc nhiên:

– Sống từ nhỏ? Nhưng sao ông nói tiếng Việt hay vậy?

– Ba mẹ tôi là người Việt Nam mà.

– À, thì ra ...

– Ngoài xã hội, tôi dùng ngôn ngữ Pháp để hoà đồng cuộc sống với người Pháp. Còn ở nhà, tôi và ba mẹ tôi thường dùng tiếng Việt để trò chuyện với nhau. Ba mẹ tôi muốn nhắc tôi, không được quên cội nguồn dân tộc của mình.

Lúc nãy, đứng nghe cô bé hát bài hát mang âm hưởng Việt Nam, tôi thấy lòng ngất ngây. Vì đã lâu, rất lâu rồi ... tôi không được nghe giọng hát một cô gái Việt tuyệt vời như cô bé vậy.

Lời Triệu Khang làm Nam Du mắc cỡ:

– Ông quá khen. Tôi làm sao hát hay bằng mấy cô ca sĩ chứ. Nếu ông nghe giọng của Cẩm Ly hay Thuỳ Trang ...

Triệu Khang ngắt ngang:

– Tôi không biết họ là ca sĩ nổi tiếng như thế nào. Hiện tại, trước mắt, tôi biết cô bé có giọng hát rất hay và tôi khen, thế thôi!

– Ông thật là ...

– Không hiểu nổi chứ gì? - Triệu Khang tiếp lời, – Đúng đó! Chẳng những thế mà còn độc tài, không chịu nghe người ta nói.

– Nghe người ta nói những gì tôi không hề biết thì nghe làm gì. Cẩm Ly, Thuỳ Trang gì gì đó, tôi có biết họ đâu.

– Ủa! Ông chưa bao giờ nghe nhạc Việt sao?

– Thời gian đâu mà nghe. Ngày trước, lúc mẹ tôi còn sống, chỉ có bà thường hát cho tôi nghe thôi. Từ khi tôi không còn người thân nào trên đời, thì tôi không biết giải trí là gì.

Câu nói của Triệu Khang làm Nam Du áy náy:

– Tôi xin lỗi ...

– Không sao.

Nam Du lái câu chuyện:

– Ông có về thăm lại quê hương chưa?

Triệu Khang lắc đầu:

– Chưa!

– Sao ông không về?

– Không phải không về, mà là chưa có dịp để về.

– Ông chờ dịp gì?

– Cua được một cô nàng, rồi sẵn về ra mắt ba mẹ vợ luôn.

– Hừ! Ông thật biết nói chuyện. Như ông mà chưa có người yêu, tôi không dám tin.

– Thật mà!

Triệu Khang đề nghị:

– Hay cô bé giới thiệu cho tôi một người đi, để tôi được về thăm quê hương sớm hơn.

– Giới thiệu cho ông ư?

– Ừ. Bạn cô bé cũng được.

– Ở đây tôi không có người bạn nào là đồng hương cả. Còn ở Việt Nam, chúng nó đều đã có người yêu rồi.

Triệu Khang nhíu mày:

– Bạn ở Việt Nam? Nói vậy, cô bé không phải sống ở nước Pháp này à?

– Làm gì tôi có cái vinh dự ấy. Tôi chỉ là du học sinh thôi.

– À ...

Triệu Khang quan tâm:

– Cô bé đang theo học ngành gì?

– Quản lý nhà hàng khách sạn.

– Chà!

Nam Du chớp mắt:

– Ông thấy tôi có thể trở thành nhà quản lý không?

– Tất nhiên có thể, nếu cô bé yêu thích và thành tâm với nghề.

– Tôi rất thích những gì liên quan đến nhà hàng, khách sạn. Vì thế, tôi đã chọn nó cho tương lai của mình.

– Chúc cô bé thành công!

– Cám ơn ông. À! Công việc của ông trên đất nước này là gì? - Nam Du hỏi.

– Tôi trồng nho.

– Loại nho dùng để sản xuất ra rượu ấy à?

– Ừ.

– Thế ông có sản xuất ra rượu không?

– Tôi chỉ hợp tác với nhà máy sản xuất thôi. Nghĩa là vào mùa thu hoạch, tôi bán nho lại cho họ.

Nam Du chợt nhìn Triệu Khang:

– Hẳn ông là người giàu có và thành công?

Triệu Khang nhún vai:

– Thành công hay không, tôi không biết. Tôi chỉ cảm nhận được, người Pháp không hề coi thường tôi.

– Một người Việt sống trên nước Pháp, mà được người Pháp tôn trọng, thì ông đã thành công rồi còn gì.

– Vậy sao?

Nam Du mỉm cười:

– Bản thân tôi cũng cảm nhận được, ông là người đàn ông thành công.

Triệu Khang phóng tầm mắt ra xa:

– Đôi khi sự thành công phải trả giá đấy!

– Tôi không hiểu lắm.

Nam Du nghiêng đầu:

– Hình như ông có điều gì đó không được vui?

– Không.

Triệu Khang khoát tay:

– Cô bé có muốn đi chơi không?

– Đi chơi? - Nam Du mở to mắt.

– Ừ! Nếu cô bé muốn, tôi sẽ đưa cô bé đến tham quan một số nhà hàng, khách sạn nổi tiếng. Tôi nghĩ nó rất có ích cho việc theo đuổi ngành quản lý nhà hàng khách sạn của cô đó.

– Tôi ...

Thấy Nam Du ngập ngừng, Triệu Khang nhướng mày:

– Sợ tôi gạt à?

– Không phải. Tôi chỉ ngại làm phiền ông thôi. Công việc của ông ...

– Tôi đang rảnh. Với lại gặp được người đồng hương đáng yêu như cô bé ở nước Pháp xa xôi này, tôi vui lắm. Và tôi cũng đang muốn dạo chơi cho khuây khoả, nên cần người đồng hành ấy mà.

Triệu Khang rủ rê:

– Đi nghe? Không đi hối hận đấy!

Nam Du tủm tỉm rồi gật đầu:

– OK.

Hai người vui vẻ rời bước khỏi khu vực dòng sông Sein. Triệu Khang định đưa Nam Du băng qua bên kia đường thì bất ngờ có một thanh niên người Pháp chặn lối anh:

– Ông Triệu! Ông có điện thoại của cô Alex.

– Chuyện gì vậy?

Triệu Khang cau mày.

– Tôi không rõ nữa. Chỉ nghe cô Alex nói có việc quan trọng ...

Triệu Khang ngăn câu nói của gã người Pháp:

– Anh nói với cô ta lúc này, tôi không muốn nghe điện thoại. Có gì, đợi tôi về nhà hàng rồi nói sau.

– Nhưng ...

Triệu Khang kéo tay Nam Du:

– Đừng quan tâm. Chúng ta đi!

Bước theo Triệu Khang, Nam Du cảm thấy ngại khi gã đàn ông người Pháp vẫn còn lóng ngóng phía sau.

Cô gọi nhỏ:

– Ông Khang này!

– Cô bé muốn nói gì?

– Ông không thể làm ngơ trước cuộc điện thoại ...

– Chẳng có gì quan trọng đâu. Tôi biết quá rõ Alex mà. Cô ta chỉ là những phiền phức thôi.

– Nhưng mà ...

Triệu Khang để ngón tay lên miệng:

– Đừng nói đến chuyện ấy. Tôi không muốn mất hứng trong buổi sáng rong chơi này. OK?

– OK.

Nam Du đành im lặng. Và rồi những điều thú vị mà Triệu Khang đưa đến, làm cô quên bẵng đi những ái ngại trong lòng.

Theo chân Triệu Khang, Nam Du mở rộng tầm nhìn với nhiều nhà hàng khách sạn nổi tiếng. Bước vào nhà hàng nào, người ta cũng đều biết Triệu Khang. Nam Du càng lúc càng bất ngờ về điều ấy. Và cô kịp thời khẳng định rằng, Triệu Khang không phải là người đàn ông đơn giản ở cái Thủ đô Paris rộng lớn này.

􀃌 􀃌 􀃌 Reng ... reng ... reng ...

Reng ... reng ... reng ...

Mở nhanh cửa phòng trọ, Nam Du nhoài người nhấc điện thoại:

– Alô.

– Chào bạn, Anna đây!

– Vâng!

– Mình gọi cho bạn vài lần rồi, nhưng không có ai nghe máy. Bạn đi đâu vậy?

– À! Mình buồn quá, nên đi dạo. Bạn tìm mình có việc gì sao?

– Ừ! Mình muốn hỏi bạn, hè này, bạn có về thăm nhà không?

Nam Du suy nghĩ:

– Chắc không quá. Mỗi lần về là mỗi lần tốn kém. Mình muốn ở lại tìm việc làm để phụ thêm tiền học phí, đỡ gánh nặng cho cha.

– Bạn biết nghĩ và có hiếu thật.

– Đừng khen mình! Ai là du học sinh và ở vào hoàn cảnh như mình thì cũng thế thôi.

Nghe nói, người Việt Nam của bạn rất kiên nhẫn và chịu thương chịu khó, đúng không? - Anna hỏi.

– Trong cuộc sống, không riêng gì người Việt Nam mình, nếu không chịu khó và kiên nhẫn thì làm sao tồn tại chứ?

Nghe Nam Du trả lời, Anna cười nhỏ:

– Với những người bạn cùng chung giảng đường thì bạn là người thông minh và khôn khéo nhất đó Nam Du. Mình luôn thích bạn ở điểm ấy đấy!

– Cám ơn Anna! Bạn cũng là một người bạn rất tốt. Sống xa nhà, nếu không có bạn, chắc mình buồn chết đi được.

– Thế ư?

Hai cô gái đột nhiên phá lên cười. Anna trở lại vấn đề.

– Bạn dự định tìm việc gì trong mùa hè?

– Mình cũng chưa biết nữa. Để xem có việc gì thích hợp thì làm.

– Có cần mình giúp không?

– Ồ, thế thì tốt quá?

– Mình sẽ giới thiệu bạn đến Cô-nhắc để hái nho.

– Hái nho?

– Ừ! Bạn có nghe công việc này rồi chứ?

– Vâng!

– Công việc không nặng nề lắm, nhưng bạn phải đi xa đó. Đường đến Cônhắc hơn bốn giờ đồng hồ ngồi xe, và bạn phải ở lại cho đến khi nho được thu hoạch xong. Bạn đồng ý không?

– Mình ... Để mình suy nghĩ đã.

– OK. Nếu đồng ý thì gọi sớm cho mình, vì đầu tháng sau là công việc bắt đầu rồi.

Nam Du thầm tính toán. Cô-nhắc, cách Paris cũng không xa lắm. Hơn nữa, hái nho cũng không có gì là khó khăn. Nếu cô đi làm thì số tiền cô kiếm được chẳng phải đỡ hơn cho cha sao?

Nghĩ là quyết định ngay, Nam Du hắng giọng:

– Anna! Mình sẽ đến Cô-nhắc. Bạn đăng ký cho mình nha.

– OK. Bạn sắp xếp lịch trình đi. Năm ngày sau, mình sẽ đưa bạn đến nơi làm việc. Nhưng trước khi lên đường, mình muốn bật mí cho bạn một điều.

Nam Du nhíu mày:

– Là gì vậy?

– Chủ vườn nho mà mình sắp giới thiệu bạn đến làm việc là đồng hương của bạn.

– Bạn nói ...

– Ừ, anh ấy là người Việt Nam.

Ánh mắt Nam Du sáng lên:

– Ôi, tuyệt quá còn gì! Làm việc cho người đồng hương, mình không cần lo sợ rồi.

– Đúng đó! Bạn sẽ được bảo vệ nữa. Randy là người bạn có thể tin cậy.

– Tên ông ta là Randy ư?

– Ừm. Ranđy là người rất thành công ở vùng Cô-nhắc và cũng là người đàn ông Việt Nam được nhiều phụ nữ Pháp săn đón.

Nghe cách nói của Anna, Nam Du lờ mờ suy đoán:

– Hình như bạn rất ngưỡng mộ Randy?

– Vâng!

Anna không giấu giếm:

– Mình chẳng những ngưỡng mộ mà còn phải lòng Randy nữa. Nhưng rất tiếc ...

– Sao?

– Randy lại một lần nữa là người không được tự do.

– Mình không hiểu.

Anna thổ lộ tâm sự:

– Anh trai mình là bạn của Randy. Mình quen biết anh ấy trong một lần đến nhà hàng anh ấy dùng bữa. Tính cách đàn ông của Randy đã cuốn hút lấy mình, và ... trái tim mình đeo đuổi Randy lúc nào mình cũng không hay. Cho đến khi phát hiện mình yêu Randy thì muộn quá rồi. Randy đang chuẩn bị cho cuộc hôn nhân thứ hai của mình.

– Cuộc hôn nhân thứ hai?

– Phải. Bởi trước đó, Randy đã một lần cưới vợ, nhưng cuộc sống vợ chồng chỉ kéo dài được ba tháng. Do cô vợ chỉ biết đua đòi, lẳng lơ, nên Randy không chấp nhận và chia tay.

– Còn cuộc hôn nhân tiếp theo này?

Nam Du tò mò:

– Hai người cưới nhau vì tình yêu nửa chứ?

– Mình không biết. Mình chỉ nghe nói, cô vợ thứ hai này là người mẫu nổi tiếng ở London. Cô ta đẹp lắm.

– Đẹp thì có ích gì. Trong hôn nhân, tình yêu mới là quan trọng kìa.

– Tình yêu ư?

Anna chép miệng:

– Mình nghĩ các cô vợ của Randy không yêu Randy đâu. Họ đến với Randy chỉ vì tài sản thôi.

– Sao bạn nói vậy?

– Tại bạn chưa biết đó thôi. Ngoài sự thành đạt nhờ vào sự nỗ lực của bản thân, Randy còn là đứa con nuôi duy nhất của nhà sản xuất phim điện ảnh nổi tiếng ở Holywood.

Nam Du bất ngờ:

– Những gì bạn nói là thật chứ?

– Mình thêu dệt với bạn làm gì?

– Vậy ...

– Hiện Randy là nhà tỉ phú mà bất cứ cô gái nào cũng mơ tới.

– Nhưng như thế, Randy đâu có được tình yêu chân thành. Ai đến với Randy cũng đều phải tính toán sao?

– Bạn nói không sai. Người vợ trước của Randy cũng vậy. Khi ly dị, Randy phải mất một phần tài sản khá lớn. Đến cô vợ thứ hai này, chắc không khác gì mấy. Mình có cảm giác, Alex lấy Randy là có ý đồ.

– Sao bạn không đánh tiếng với Randy?

– Mình lấy tư cách gì? Với lại ở những nước tự do như Pháp, cuộc sống hôn nhân của một người trưởng thành không liên quan đến ai. Thêm nữa, ở tuổi của Randy, anh ấy thừa hiểu những người vội vã đến với anh ấy vì cái gì.

– Hiểu mà vẫn cưới ư? Có phải ông ta chỉ thích đùa và không hề xem trọng hôn nhân? Hay ông ta là người không may mắn trong tình cảm?

– Chuyện ấy ... bạn nên hỏi Randy thì hơn.

– Chắc chắn mình sẽ hỏi. Mình không thích cái kiểu sống quan trọng tình dục hơn tình yêu. Dù sao Randy cũng là người mang dòng máu Việt mà, ông ta không thể có lối sống ...

– Khoan đã!

Anna ngăn lại:

– Nam Du! Hình như bạn đang rất nóng nảy. Bạn không hài lòng về Randy?

– Rất không hài lòng là đằng khác. Ông ta không có một chút nguyên tắc sống cho mình. Quá ư dư thừa tiền bạc, ông ta cũng không cần thiết phải nhiều lần kết hôn rồi ly dị. Nghe thật khó chịu!

Anna trầm giọng:

– Mỗi người có một suy nghĩ và nguyên tắc làm người của mình. Mình quả thật không hiểu nhiều về Randy. Nhưng với bản tính và phong cách của anh ấy, mình có thể khẳng định, Randy là người đàn ông để người ta tin cậy.

– Bạn tin Randy?

– Phải. Bạn đừng nhìn vào những gì xảy ra với Randy, mà hãy nhìn vào con người và cái tâm của anh ấy, thì bạn sẽ thấy Randy là người đàn ông tốt trên thế giới còn tồn tại.

Nam Du bật cười:

– Bạn có nói quá không? Cách sống của con người ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức đấy.

– Mình biết. Với Randy, mình không hề thêm bớt. Khi nào bạn gặp Randy, bạn sẽ hiểu thôi.

– OK. Chuyện nhận biết một người tất tính sau. Bây giờ, bạn rảnh không?

– Chi vậy?

– Mình muốn rủ bạn xuống phố.

– Ơ ... Không phải bạn vừa dạo phố về sao?

– Phải. Nhưng mình muốn đi nữa, bởi hôm nay mình rất vui.

Anna thắc mắc:

– Chuyện gì làm bạn cười nhiều vậy, Nam Du? Mình biết trước khi gặp bạn, được không?

– Không được. Bạn xuống phố với mình đi, rồi mình sẽ kể cho bạn nghe.

– Vậy ... nếu là một người tò mò thì không đi không được rồi.

– Tất nhiên không đi, bạn sẽ tiếc nuối.

– Ôi! Bạn thật biết dụ người khác đấy.

Nam Du khúc khích:

– Mình chỉ dụ khi Anna thôi.

– Sợ quá đi! Sao bạn không dụ khi anh trai mình cho mình nhờ?

Nam Du lúc lắc cái đầu như có Anna trước mặt:

– Thôi, mình không có bản lĩnh đó đâu. David để dành cho người khác. Hi ...

hi ...

Anna chắt lưỡi:

– Mình luôn ao ước, bạn sẽ là chị dâu của mình. Nhưng xem ra, bạn không quan tâm điều đó. Hơi buồn nhỉ! Không biết anh David nghĩ sao đây nữa?

Nam Du bỗng la lên:

– Thôi, Anna đừng đùa nữa! Mình không giỏi chịu đựng đâu nghe. Với mình, anh David chỉ là một người anh trai.

– Mình biết.

– Vậy sao còn không mau cúp điện thoại rồi đến đây xuống phố với mình.

– OK.

– Nè, không được lái xe đó!

– Thế phải đi bằng gì?

– Chúng ta đi bằng xe buýt.

– OK. Mười phút sau có mặt.

Nam Du gác điện thoại. Cô vào toa-lét rửa mặt và chỉnh trang lại y phục để bắt đầu một cuộc dạo chơi mới.

􀃌 􀃌 􀃌 Lăn một vòng, Nam Du làm vài động tác cho thư giãn rồi mới rời khỏi giường. Và cô bắt đầu một ngày mới của mình bằng cuộc nói chuyện trên mạng với cha.

– Hello! Cha có mặt chưa?

Trên màn hình hiện lên câu trả lời của ông Nam Văn:

– Cha chờ con lâu rồi, con gái yêu ạ. Hình như con đã trễ?

– Đâu có.

Nam Du nhìn đồng hồ.

– Con đúng giờ mà.

– Thế ư?

– Cha nôn nao nói chuyện với con, nên sớm hơn mọi ngày thì đúng hơn.

– Chắc vậy!

– Hi ... hi ... Bộ cha nhớ con lắm hả?

– Khỉ con!

Ông Nam Văn mắng yêu:

– Thế con không nhớ cha sao?

– Tất nhiên là nhớ rồi. Cha ơi! Cha có khoẻ không? - Nam Du thì thầm.

– Cha khoẻ. Còn con thế nào?

– Con cũng khoẻ.

– Và học tốt chứ?

– Vâng! Con vừa kết thúc một học kỳ nữa.

– Vậy, bao giờ con nghỉ hè?

Chủ định không về thăm nhà trong năm nay vì muốn ở lại đi làm thêm, nên Nam Du đành nói dối:

– Dạ, khoảng một tuần nữa cha ạ. Nhưng hè này, con không về được đâu.

– Sao vậy?

– Ở trường cho chúng con đi thực tế một số nơi, nên ...

– Cha hiểu rồi.

Ông Nam Văn ngắt ngang:

– Con đi những đâu?

– Dạ, bọn con sẽ đến thành phố Lyon và Cô-nhắc. Cha đừng buồn nghe cha!

– Ồ, có gì phải buồn. Đồng ý cho con đi du học, nghĩa là cha đã chấp nhận những ngày tháng không có con gái yêu bên cạnh rồi. Mà này! Con phải thật xứng đáng là con gái của ba đấy nha!

– Vâng! Cha có thể yên tâm. Con hứa sẽ không để cha thất vọng.

– Tốt!

– Cha ơi! - Nam Du gọi - Công việc của cha thế nào? Mùa này, quê mình có nhiều trái cây không? Còn Bằng Lăng nữa, nó vẫn còn phụ giúp cha chứ?

– Ơ ... hỏi gì mà nhiều thế? Cha biết trả lời câu nào trước đây?

– Thì câu nào hỏi trước, trả lời trước.

– Nè, khỉ con! Cha chứ không phải bạn con đâu nghe. Cái gì cũng từ từ, chạy như xe, ai mà theo kịp hả?

Nam Du khúc khích:

– Tại con quen rồi. Lúc còn ở nhà, con cũng thế mà. Cha thông cảm đi nha.

– Hừ! Vậy con nói chuyện với những người bạn bên Pháp của con thì sao?

Chẳng lẽ con cũng ào ào thế à?

– Vâng?

– Họ hiểu con sao?

– Những lúc họ không hiểu, họ chỉ nhìn con cười, là con biết và con điều chỉnh tốc độ ngay.

– Con đúng là ...

– Thôi mà cha, đừng bắt bẻ con nữa. Cho con biết tình hình quê nhà đi.

– Không có gì mới cả.

– Còn công việc của cha?

– Vẫn bình thường.

– Nghĩa là không tiến cũng không lùi?

– Đúng!

– Gì kỳ vậy?

– Có gì đâu kỳ. Con cũng biết đấy, thiên tai liên miên làm nhà vườn thất thu.

Vì vậy, việc thu mua xuất khẩu của cha bị chậm lại thôi.

– Vậy cuộc sống của bà con quê mình khó khăn lắm hả cha?

– Ừ! Một số người đã bỏ ruộng vườn, vào làm ở khu công nghiệp.

Nam Du chép miệng:

– Thiên tai thì không ai lường trước được cả. Chỉ tội cho bà con, dốc hết tiền của và công sức vào đấy để rồi phải mất trắng. Cha ơi! Nếu cha có gặp khó khăn thì hãy nói cho con biết nghe. Bây giờ, con có thể chia sẻ được gánh nặng với cha đó.

– Bằng cách nào? Con định làm thêm?

– Vâng!

– Thôi đi khỉ con! cha không muốn con cực khổ đâu. Lo mà chú tâm vào việc học đi.

– Cha! Du học sinh ở hầu hết các nước trên thế giới, họ đều vừa học vừa làm mà. Công việc làm giúp họ hiểu biết và trưởng thành hơn. Cho nên con sẽ giống như họ, con sẽ tìm việc làm và tự lo học phí trong hai năm còn lại. Cha đồng ý nghe cha?

– Không được. Con đi làm rồi thời gian đâu con học. Thôi đi Nam Du, đừng bao giờ nghĩ đến chuyện ấy.

– Cha à! Nghe con nói nè. Con cũng giống như như những du học sinh khác.

Họ làm được thì tất nhiên con cũng làm được. Hơn nữa, việc làm sẽ rất giúp ích cho việc học của con.

– Nhưng ...

– Đừng lo cha nhé. Con tự biết sắp xếp cho mình. Đảm bảo với cha, ngày trở về, cha sẽ thấy một Nam Du khác hẳn.

– Con dự định làm thêm việc gì? - Ông Nam Văn hỏi.

– Trước mắt, người bạn cùng lớp sẽ xin cho con đi hái nho.

– Hái nho ư?

– Vâng. Công việc cũng không nặng nề lắm. Con làm được.

– Cha vẫn thấy ...

Nam Du trấn an:

– Chủ vườn nho con xin vào làm là người đồng hương. Vì thế, cha không cần phải lo con gái cha bị ăn hiếp hay bị bóc lột sức lao động.

Ông Nam Văn không khỏi ngạc nhiên:

– Người đồng hương? Nghĩa là ...

– Ông chủ Randy có trong người dòng máu Việt, cha ạ. Theo Anna, bạn con thì Randy là một người đàn ông Việt Nam rất giỏi và thành đạt trên nước Pháp.

– Ồ, thú vị nhỉ! Xem ra người Việt chúng ta đâu có thua kém một dân tộc nào.

– Tất nhiên! Con luôn hãnh diện vì điều đó. À! Con kể cho cha nghe một chuyện nè.

– Mấy hôm trước, lúc dạo chơi bên dòng sông Sein. Con tình cờ quen biết một người bạn. Nhưng người bạn này đặc biệt lắm, cha à.

– Đặc biệt thế nào?

Nhìn vẻ bề ngoài, ông ấy giống một người Pháp. Còn khi tiếp xúc, ông ấy mang tâm trạng người Việt xa quê hương.

– Cha không hiểu. Con nói rõ một chút đi. Ông ta là người Pháp hay người Việt?

– Người Việt, nhưng sinh ra và lớn lên ở Pháp.

– Ồ! Vậy con đã biết gì về người bạn ấy?

Nam Du chống cầm:

– Ông ấy tên Triệu Khang, rất đàn ông, rất ga-lăng và cũng rất giỏi nữa.

– Chà! Con gái cha mà khen ai thì người đó chắc chắn tuyệt vời rồi. Nào!

Con đang vui phải không?

– Lúc nào con chẳng vui mà cha hỏi.

– Không. Ý cha là con đang vui với một tâm trạng khác cơ.

Nam Du nhăn nhó:

– Cha lại nghĩ lung tung. Con và Triệu Khang chỉ là những người bạn gặp nhau trên đất khách thôi.

– Nhưng tình bạn xa vắng quê hương sẽ xích gần lại hơn. Cha hy vọng ...

– Cha ...

Nam Du kêu lên:

– Cha mà còn nói nữa, con giận cha đó. Cha có biết gì về Triệu Khang đâu mà gán ghép. Những người thành đạt như ông ấy, chắc gì còn độc thân ... Với lại, con gái của cha chưa nghĩ chuyện ấy bây giờ đâu. Cha đừng nôn nóng nhé.

– Không nôn nóng sao được khi con gái của cha đã khôn lớn.

– ...

– Nam Du này! Cha không mong mỏi điều gì ngoài việc con sống thật vui thật hạnh phúc.

– Con gái cha lúc nào mà chẳng vui chẳng hạnh phúc chứ. Con cũng mong cha luôn vui khoẻ và công việc lúc nào cũng suôn sẻ, tốt đẹp nhé!

– Cám ơn con gái yêu.

Nam Du nghịch ngợm:

– Ôi! Cha con ta sao cứ khách sáo hoài thế nhỉ? Thôi, hãy nói chuyện như những người bạn đi ha!

– OK, người bạn tốt nhất của cha.

– Ha ha ha ...

– Ha ha ha ...

Hai cha con cùng phá lên cười.

Nam Du chợt nhớ:

– Cha! Bằng Lăng thế nào hả cha?

– Ừ thì ... con bé vẫn giúp cha công việc sổ sách ở cơ sở.

– Bằng Lăng có người yêu chưa cha?

– Làm sao cha biết được. Con hỏi Bằng Lăng ấy.

– Chậc! Bây giờ, con và Bằng Lăng làm sao mà có thời gian nói chuyện với nhau chứ. Thôi, cha hãy nói với Bằng Lăng khoan hãy có người yêu nhé.

– Hả?

– Đợi hai năm nữa con về, con sẽ làm mai cho Bằng Lăng một người đàn ông tuyệt vời hơn.

Nghe Nam Du nói, ông Nam Văn không khỏi phì cười:

– Con gái yêu à! Duyên nợ của mỗi người làm sao biết được. Nếu Bằng Lăng gặp được một nửa của mình, chẳng lẽ phải bảo Bằng Lăng từ chối để chờ con về làm mai hay sao?

– Con không biết. Nhất định cha phải bảo Bằng Lăng chờ con.

– Thôi mà con gái, con đừng phi lý như thế. Cứ để duyên ai, người đó nấy gặp đi. Cha tin vào duyên phận đấy.

– Bởi cha và mẹ gặp nhau cũng là duyên phận chứ gì?

– Không sai.

– Nhưng những người có duyên mà không nợ nhau thì sao hả cha?

– Chuyện ấy ...

Ông Nam Văn ngưng câu nói:

– Cha có điện thoại rồi, chờ cha được không?

Nghĩ đến khoảng thời gian cha cần nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi, Nam Du kết thúc cuộc nói chuyện:

– Thôi, h ôm khác con sẽ gặp lại cha. Bây giờ, cha nghe điện thoại rồi nghỉ ngơi đi nhé.

– Vậy cũng được. Chào con, chúc một ngày tốt lành!

– Chào cha! Chúc cha một đêm ngon giấc!

Nam Du dừng tay trên bàn phím. Cô đứng dậy và đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài.

Trời sắp vào đông rồi, không khí lạnh như tràn khắp căn phòng nhỏ bé. Tự nhiên Nam Du có cảm giác cô đơn và lạc lõng. Cô nhớ quê hương, nhớ nhà, nhớ cha và những người bạn thân yêu ...

Hơn một năm sống trên đất Pháp, chưa bao giờ Nam Du thèm khát tình cảm gia đình như lúc này. Cô ước bây giờ cô đang ở quê nhà, để được mè nheo với cha và chia sẻ tâm sự với Bằng Lăng. Cô còn ước được nhìn thấy vườn cây ăn trái quê nhà chín rộ, và hình ảnh bà con vui mừng chào đón thành quả của mình.

Đứng ở nơi đây, Nam Du ước nhiều lắm, nhưng mơ ước chỉ là ước mơ thôi.

Bởi hiện tại, Pháp - Việt Nam là một dấu gạch nối mà cách nhau đến nửa vòng trái đất. Ước gì cũng là trong suy nghĩ và trí tưởng tượng thôi. Có thể hai năm kế tiếp, cô cũng sẽ không về. Cô cần một công việc làm để phục vụ cho nhu cầu học tập. Cô không muốn cha cô phải vất vả thêm.

Suy nghĩ là thế, tính toán là thế, nhưng liệu cô có làm được hay không đó lại là một chuyện. Nếu cô tự mình với tất cả mọi việc trên nước Pháp, thì đòi hỏi cô phải vững vàng, có quyết tâm và trưởng thành hơn.

Vì tương lai của bản thân và cũng vì sự mong mỏi của những người bên cạnh, Nam Du hứa với lòng, cô sẽ sống và học tập thật tốt để khi về, có thể sử dụng kiến thức học được từ nước bạn vào công việc cô yêu thích.

Mỗi lần nghĩ đến được làm việc trong một nhà hàng, khách sạn nào đó, là lòng Nam Du nôn nao hẳn lên. Cô ngẩng mặt nhìn bầu trời trong xanh của nước Pháp bằng niềm vui và sự khát khao cháy bỏng.

Tình tính tinh ...

Tình tính tinh ...

Tín hiệu từ cái điện thoại trên bàn, kéo Nam Du ra khỏi dòng suy nghĩ bâng quơ.

Cô xoay người và nhẹ nhàng cầm máy.

– Alô Giọng Anna vang vang:

– Bạn đang làm gì đó?

– Ừ, mình ngắm trời sông mây nước.

– Lãng mạn nhỉ! Nhưng ngắm với ai vậy? Có chàng nào bên cạnh không?

– Có chàng ... “Nam Du” đang ở cạnh nè.

Anna phá lên cười cô đùa:

– Vậy là bạn hạnh phúc rồi há. Chẳng bù với mình, phòng không chiếc bóng, không có con ma nào ở cạnh cả.

Nam Du đùa theo:

– Ôi, tội nghiệp thế!

– Vâng. Mình là người con gái xinh đẹp và tội nghiệp nhất trên thế giới này đấy!

– Ối! Thương bạn quá đi. Nhưng biết làm sao đây? Ngoài Nam Du ra, mình đâu còn người đàn ông nào nữa để giới thiệu cho bạn. Thôi, đành một ḿnh đi nhé Anna vì số của bạn không tìm được ai đâu.

– Trời!

Anna ré lên:

– Nam Du ơi! Bạn ác vừa thôi, không giúp mà còn trù cả bạn nữa. Nếu mình ế thật, mình bắt đền bạn đó!

– Chuyện nhỏ! Nhưng mình chỉ sợ bạn không ưng người mình giới thiệu thôi.

– Sẽ ưng, nếu người đó giống Nam Du.

– Ôi ...

Anna cười sảng khoái, Nam Du hỏi:

– Bạn gọi đến chỉ để trêu chọc mình, phải không?

– Ồ, không.

Ann chợt nhớ đến mục đích của mình:

– Hôm nay, bạn rảnh chứ?

– Vâng!

– Đi với mình đến một nơi, được không?

– Ngay bây giờ à?

– Ừ! Mình đảm bảo bạn sẽ rất thích nơi này đấy.

– Vậy ...

– Mình đến đón bạn trong vòng mười lăm phút nữa. Bạn chuẩn bị đi nhé.

Nhớ ăn mặc cho đẹp vào.

Rồi không đợi Nam Du hỏi thêm, đầu dây bên kia, Anna cúp máy. Nam Du nhìn cái điện thoại trên tay, lắc đầu:

– Không biết bí mật gì đây nữa? Thật ...

Nhưng cô cũng gác điện thoại và đi chuẩn bị. Ăn mặc đẹp ư? Nam Du chọn bộ váy nhẹ nhàng và áo khoác dày ở ngoài.

Đứng ngắm mình trong gương, như cảm thấy hài lòng, Nam Du mới khom người mang giày. Cô chưa kịp gài quai cho chân bên phải thì nghe tiếng đập cửa.

Giọng oanh vàng của Anna lảnh lót:

– Nam Du, bạn xong chưa?

Nam Du hấp tấp mở cửa phòng:

– Bạn đi máy bay hay sao vậy? Vừa gác điện thoại là có mặt ngay.

– Hì! ở gần thì đến nhanh chứ sao?

– Nhà bạn mà gần ư?

– Không. Mình không phải từ nhà đến. Vậy bạn từ đâu?

Nam Du thắc mắc:

– Nãy giờ, mình ở dưới ký túc xá của bạn.

– Sao?

Anna giải thích:

– Thường ngày, cuối tuần hay cuối tháng, là bạn nói chuyện với người thân ở quê nhà. Mình không muốn làm bạn gián đoạn nên đã ngồi trong xe chờ. Chờ đến hai giờ đồng hồ, lúc không còn kiên nhẫn nữa, mình đành gọi lên.

Nam Du lườm ngang:

– Bày đặt khách sáo! Chứ mấy lúc trước, mình nói nói chuyện với cha, bạn có mặt thì sao?

– Ừ, tại người ta quá lịch sự chứ bộ.

– Hứ!

Anna xua tay:

– Thôi, chuyện gì, lên xe rồi hẵng nói. Chúng ta đi mau, nếu không trễ giờ đó.

Cô hấp tấp kéo tay Nam Du. Khi hai người vào xe, Anna khởi động và tăng tốc chiếc Ford lao về phía trước.

Thấy bạn có vẻ khẩn trương, vội vã Nam Du ngồi yên không hỏi nữa. Cô đưa mắt ngắm đường phố nhộn nhịp của Paris đang lùi dần về phía sau.