Chương 1

Mây chiều bàng bạc, ánh hoàng hôn dần phủ xuống thôn làng, từng đàn trâu thong thả nối đuôi nhau về chuồng. Khói bếp nhà ai ngoằn ngoèo bay, mùi gạo mới quyện với cá kho khô nghe sao cồn cào đến lạ!

Vuốt mớ tóc mai ướt đẫm mồ hôi sau cả buổi chiều làm cỏ vườn, Dung Nghi bảo em trai:

– Nghỉ thôi Lễ! Ráng làm tới đâu cũng không giàu nổi. Mệt quá rồi.

Cậu trai đang ở tuổi bể tiếng và mọc mụn nhanh chóng tán thành:

– Đúng rồi, giàu nghèo có số mà. Đâu phải ai cũng được ông. Trời ưu ái như vợ chồng bà Năm Hiên đâu.

Dung Nghi nhăn mặt:

– Tối rồi, đừng nhắc tên họ, ăn cơm mất ngon.

Lễ tinh quái chọc chị:

– Nhưng tên con trai họ thì ăn ngon gấp đôi phải không?

Dung Nghi đỏ mặt gắt lên:

– Đồ con trai vô duyên!

Cậu thiếu niên chỉ cười hì hì không nói, nhưng vẻ mặt như muốn nói rằng:

“Em đang đi guốc trong bụng chị nè, đừng chối cho mất công”.

Ngượng ngùng vì lời trêu ghẹo của thằng em trai, cô gái dấn bước đi nhanh hơn để tránh bị hắn nhìn nghiêng nhìn ngửa.

Thật tình thì Lễ nói không sai. Ông bà Năm Hiên từ thành phố về đây lập nghiệp, dần dần thu tóm hết kinh tế ở vùng này do các ngón nghề khôn khéo của họ mang ở vùng đô hội về thi thố:

Quán cà phê kinh đoanh có chiếu phim video (kiêm thêm bia bọt lai rai nếu khách yêu cầu), cộng thêm tủ tạp hóa bề thế của bà vợ, cần gì cũng có từ chiếc kim khâu đến xăng dầu chạy xe, chạy máy ... rồi mấy thứ son phấn, kem trộn làm trắng da mà cánh phụ nữ quê mùa khi bén mùi là mê như điếu đổ nhưng quan trọng nhất là cái nghề cho vay của họ - ngọt như mía lùi khi đưa bạc ra và rắn đanh như thép nguội, không hề nhân nhượng khi đến kỳ lấy tiền lời.

Khổ thay, quanh đây chỉ toòn dân nghèo nên dù biết vợ chồng Năm Hiên khó chơi là thế nhưng mọi người vẫn phải cần đến họ khi cần tiền mua phân, mua giống, khi con cái trên thành phố cần tiền đóng học phí, khi đau ốm ... Và thế là chưa đến chục năm cắm sào ở đây thì hiện tại, nếu hỏi đến kẻ có máu mặt trong vùng thì mọi người đều nhất loạt chỉ tay về căn nhà ba tầng mới xây còn thơm nồng mùi vôi, chễm chệ tọa lạc giữa khu vườn rộng rãi ở ngay địa thế đắc địa nhất thị xã của vợ chồng Năm Hiên mà thốt lên rằng:

“Đích thị là đây!”.

Vì làm giàu trên sự khốn khó của dân nghèo như thế nên hầu như chẳng ai thích nhắc đến tên họ - điển hình như Dung Nghi ban nãy. Tuy vậy, Khương Long - con trai của đôi vợ chồng này vừa ở thành phố về chơi - thì lại được mọi người có cảm tình hơn vì anh luôn đong rượu đầy chai hơn cha mẹ, cho phép đám nhóc vô coi ké phim mỗi khi không có mặt ông bà Năm Hiên ở nhà và còn nhiều chuyện rộng rãi khác khó kể hết. Do đó mà có chuyện cho Lễ chọc chị.

Ngôi nhà có mảnh sân be bé đủ trồng vài luống cải, hành hẹ và ít khóm hoa của gia đình năm nhân khẩu kia rồi. Dung Nghi đứng ngoài bể chứa nước, múc mấy gáo xối sạch chân trước khi bước vào bếp.

Bà Ba Lựu đang chiên cá, thấy con gái liền bảo:

– Đâm nước mắm đi con.

Lấy mấy tép tỏi với trái ớt hiểm ''bón phân gà sáp'' bỏ vào cối, vừa làm Dung Nghi vừa hít hà:

– Chèn ơi, húp cay xé lưỡi cho mà coi!

Bà Ba Lựu mắng yêu:

– Con gái gì mà mở miệng toàn ăn tô uống tộ không thì ai dám cưới!

Cô con gái cười hì hì:

– Tại con chưa gật đầu thôi, chứ thiếu gì tên nộp đơn chờ duyệt.

Bà mẹ lắc đầu tỏ ý trách móc:

– ''Tốt gì cái kiếp hồng nhan''! Bỏ cái ý nghĩ đó đi nha con. Đàn bà chỉ cần có người chồng biết kiếm tiền về lo cho gia đình, không đánh đập vợ con là mừng rồi. Đừng mơ mộng nhiều quá, không hay đâu!

Dung Nghi không dám cãi nhưng trong thâm tâm không đồng ý với tư tưởng an phận ấy của mẹ chút nào.

Mỗi thời mỗi khác, không lẽ mẹ bắt cô phải lấy mấy gã nông dân tay chân lấm phèn nứt nẻ, suốt đời chỉ biết “mày tao mi tớ” với vợ hay sao?

Dù gì cũng học hết trung học, cô tự hiểu giá trị của bản thân và cho rằng hạnh phúc cả đời người là do mình quyết định chứ không cắn răng chấp nhận chuyện ''cha mẹ đặt đâu con ngồi đó'', chôn vùi cả tuổi xuân xanh ở mảnh vườn, khoảnh ruộng đâu.

Bà Ba Lựu vớt hết mấy con cá đối chiên luôn vảy giòn rụm ra dĩa rồi ngóng ra sân, lẩm bẩm:

– Ổng đi đâu mà giờ này chưa thấy về vậy kìa?

Nghe lọt tai, Dung Nghi vội rước lời:

– Hồi chiều con nghe tụi thằng Xị với Tư Tăng đi ngang chỗ mình làm đất kháo với nhau là ra quán Năm Hiên gầy sòng tiến lên. Không biết ba có đi chung với đám đó không?

Bà Ba Lựu thừ người ra rồi chép miệng:

– Dễ gì không!

Còn ai hiểu tính nết của ông chồng bằng bà chứ? Tuy cả đời ông Năm Thông chưa hề đánh vợ bạt tai hay chửi cha mắng mẹ gì nhưng cái nết ''bác thằng bần" thì khó ai cản ông được.

Hồi xưa thì chỉ đánh cờ tướng để phần ăn thua, để kẻ thắng người thua gì cũng được lai rai ba xị đế nên bà cũng không ngăn cản chồng, thậm chí còn vui vui khi nghe chồng được thiên hạ tâng bốc là ''kỳ vương" của vùng này. Ai dè sau này lại lậm vô mấy con cơ, rô, chuồn, pích ... vậy chứ!

Con bé Bé Tư - em út của Dung Nghi - lấp ló ngoài tắm màn gió chứ không dám chạy vô bếp vì thấy mẹ với chị Hai đang trò chuyện. Đến chừng thấy bà chị vô tình nhìn ra và thấy mình thì mới dám ngoắc tay ra dấu cho chị.

Dung Nghi bước ra, hỏi em:

– Chuyện gì đó Út?

Bé Tư liếc vô trong, thấy mẹ lui cui dọn cơm chứ không để ý chuyện ngoài này thì mới yên tâm nhón chân nói nhỏ vô tai chị:

– Ba thua bài không có tiền chung, bị ngồi đồng ở quán ông bà Năm kìa.

Dung Nghi sững sốt:

– Sao mày biết?

Bé Tư nói giọng quan trọng:

– Em chạy xe đạp với tụi con Tí ra đó mua nước đá, gặp ba ngoài đó. Ba kêu em chạy về kêu má đem tiền ra cho ba mà em không dám nói.

Dung Nghi tức tối chửi đổng:

– Đồ ăn cướp! Hút hết máu mủ của người nghèo!

Cô thường nghe người ta nói vợ chồng Năm Hiên móc túi con bạc rất tinh vi:

cho tụ tập đánh bài ở quán lấy tiền xâu rồi sẵn sàng mở hầu bao cho những kẻ thua bạc vay để sau đó ăn lời cắt cổ. Ai không trả được tiền thì phải viết giấy nợ gán các thứ đồ đạc có giá trị cho họ. Nhờ thủ đoạn này mà trong nhà Năm Hiên không thiếu món đồ dùng nào với giá rẻ mạt, thậm chí còn bỏ ra bán lại kiếm lời nữa kìa.

Nghĩ đến việc cha mình rơi vào chiếc vòi bạch tuộc của đám người táng tận lương tâm này, Dung Nghi giận xanh mặt. Điều này cũng có nghĩa rằng một số tài sản có giá trị của gia đình cô sắp chuyển hộ khẩu sang nhà Năm Hiên mất rồi!

Bé Tư láo liên mắt dòm chừng mẹ rồi hối chị:

– Lẹ lên đi Hai! Chờ lâu quá thế nào ba cũng nổi sùng cho coi.

Dung Nghi thở hắt ra:

– Mày cũng phải cho tao suy nghĩ một chút chứ.

Cô không đành lòng để cha ngồi đồng ngoài quán cho thiên hạ chê cười, chỉ trỏ, nhưng nói với má thì bà lại buồn bã, thở than chứ làm gì có tiền mà đem ra ngoài đó ''chuộc'' chồng về?

Riết rồi “cái khó ló cái khôn”, Dung Nghi vụt nghĩ ra một cách, hạ giọng bảo nhỏ em gái:

– Mày vô phụ má dọn cơm, nếu má hỏi thì nói chị qua nhà chị Hiếu xin mớ vải vụn may áo gối, nghe chưa?

Vừa dứt lời là cô bươn bả đi ngay. Cũng may là trời tối mà bà Ba Lựu lại đang trong nhà tắm nên không hay biết sự sắp xếp của con nếu không, dễ gì cô lòn ra khỏi nhà mà không bị phát giác.

Quán Năm Hiên mở đèn sáng trưng. Tiếng choang choang từ chiếc tivi 29 inch phát hết volume, cộng tiếng ồn ào của những kẻ say rượu và cả say sát phạt nhau trên chiếu bạc cộng lại tạo thành mớ âm thanh hỗn tạp làm người lương thiện phải giơ nắm đấm nguyền rủa khi nghe lọt vào tai, nhưng với Dung Nghi thì hiện tại cô đang có mục đích khác (cần kíp hơn) nên không mấy quan tâm.

Đứng ở cổng sau, Dung Nghi ngó nghiêng thật kỹ rồi nhè nhẹ lách mình vào trong, đi thẳng vào gian bếp.

Bà Sáu Thiệt đang chặt gà xếp vào dĩa, nghe tiếng chân thì ngước lên nhìn rồi giật mình hỏi:

– Ủa! Mày làm gì mà có mặt ở đây lúc gà lên chuồng hết rồi vậy con?

Dung Nghi hỏi nhớ bà mợ họ:

– Mợ Sáu có thấy anh Khương Long trên nhà không?

Bà Sáu Thiệt tròn mắt nhìn cô, hỏi nhanh với vẻ nghi ngờ:

– Có! Mà chi vậy?

Cô gái vội phân bua:

– Hổng Phải chuyện rlêng tư gì đâu mợ. Con muốn nhờ ảnh nói giùm với ông bà Năm một tiếng cho ba con về, nợ nần gì thì tính sau, chứ ngay lúc này má con con đào đâu ra tiền mà trả cho họ?

Bà Sáu Thiệt lắc đầu, thở ra:

– Hồi xế tới giờ tao cũng nghe phong phanh tiếng ba mày ở nhà trên, biết ngay là nó lại bị đám lưu manh đó dụ rồi. Cứ tưởng nó khôn ngoan ăn người mới đám nhảy vô chiếu bạc, ai ngờ bị chúng ăn hết!

Mặt buồn dàu dàu, Dung Nghi thở ra:

– ''Khôn chốn cờ bạc ấy khôn dại ...'', ông bà có dạy rồi. Tại ba con bịt tai lại, không chịu nghe mới ra nóng nỗi này.

Bà Sáu Thiệt nhìn cháu lom lom, đột ngột hỏi:

– Mà mày tính nói gì với cậu Long? Có quen biết lớn không mà chắc người ta nghe lời mình hả?

Dung Nghi lúng túng đáp bừa:

– ''Có bệnh thì vái tứ phương'', mợ giúp con với. Dù gì anh Long cũng biết thương người hơn ông bà Năm.

Nhìn mặt cũng thấy là bà Sáu không tin lời nhỏ cháu chút nào nhưng cũng chiều lòng đứng lên, vắn tắt bảo:

– Để tao lên coi, nhưng hên xui thôi nha. Mày ra ngoài rào chờ đi, đừng lẩn quẩn ở đây rủi ông bà chủ thấy thì phiền lắm.

Dung Nghi ngoan ngoãn làm theo lời bà.

Chừng mười phút sau thì Khương Long ra tới.

Nhìn cô gái bằng ánh mắt vui sướng pha lẫn ngạc nhiên, chàng trai vồn vã hỏi:

– Dung Nghi tìm anh có chuyện gì vậy? Nghe dì Sáu nói mà anh không tin chút nào. Dễ gì “Lãnh diện cô nương” lại chịu đích thân đến đây vì một người bạn học cũ cùng trường chứ.

Cái biệt danh hồi đi học được anh nhắc lại khiến Dung Nghi bật cười. Cái thuở mười lăm, mười bảy đầy hồn nhiên với những cánh hoa học trò vội vã trao tay rồi bâng khuâng cất vào cặp ấy thật dễ thương biết bao nhiêu!

Cô nói đùa mà lòng xốn xang:

– ''Mặt sắt'' ngày xưa vì tim lạnh, chứ bây giờ đã thành ''thiết diện" giống Bao Công vì dãi nắng dầm mưa rồi!

Khương Long lập tức phản đối:

– Em đừng tự hạ thấp bản thân như vậy! Anh thấy Dung Nghi vẫn như xưa, chẳng khác gì hết - thậm chí còn đẹp hơn nữa kìa. Lúc còn đi học, mấy lần anh suýt bị đòn oan vì mấy cái đuôi tò tò đi theo em cứ tưởng anh là kỳ đà cản mũi bọn họ.

Ngày đó, cô với anh là mấy kẻ hiếm hoi trong vùng được lên cấp ba trường huyện. Khương Long hơn cô một lớp, ngày hai buổi cùng đi đò ngang sang sông. Tuy chẳng bao giờ trò chuyện nhưng hai bên đã ngầm trao nhau biết bao cảm tình bởi nàng chăm ngoan, xinh gái nhất nhì trong trường, còn chàng lại đẹp trai, học giỏi, nhà giàu và nhất là người cùng xóm.

''Nhất cận lân, nhì cận thân'', bạn bè vẫn trêu chọc, ghép đôi hai người bởi trông thấy cả hai ngồi chung chuyến đò và thỉnh thoảng Khương Long lại lịch sự cầm giùm cặp cho Dung Nghi khi trời mưa ướt át, lầy lội khiến miếng ván bắc lên bờ trơn trợt, khó đi ...

Nhưng quan hệ giữa hai bên chỉ dừng ở đó, chẳng ai dám tiến thêm bước nào nữa. Dung Nghi thì do cô đủ khôn ngoan để biết sẽ chẳng có kết cuộc tốt nào dành cho mình khi mơ tưởng đến việc được sóng đôi với đứa con trai duy nhất của gia đình giàu nhất vùng (mà cũng mang tiếng xấu nhất vùng) này. Hơn nữa, Khương Long đã ra trường sớm hơn cô một năm rồi đậu đại học nên lên Sài Gòn ở với người chị ruột đang có chồng trên đó. Thế là đôi bên mất liên lạc mấy năm nay, cho đến mùa hè này, Khương Long về quê chơi thì hai người mới có dịp trông thấy nhau, dù chỉ là đứng xa xa nhìn lại.

Quá nhiều kỷ niệm ập đến khiến Dung Nghi bồi hồi đứng lặng, quên cả mục đích khiến cô có mặt ở đây.

Khương Long lên tiếng nhắc nhở:

– Có chuyện gì quan trọng nên Dung Nghi mới đến đây, phải không?

Sực tỉnh, cô gái khẩn thiết thốt lên:

– Anh giúp em một chuyện nha! Ba em thiếu tiền ông bà Năm, phải ngồi lại từ chiều đến giờ. Má em chưa biết chuyện mà nhà em cũng không sẵn tiền, nhờ anh can thiệp cho ba em về rồi có gì tính sau, được không anh?

Khương Long ngập ngừng:

– Chẳng mấy khi Dung Nghi chịu nhờ vả ai, lẽ ra anh phải rất hân hạnh khi giúp đỡ em. Chỉ tiếc rằng ...

Dung Nghi hấp tấp ngắt lời:

– Anh không giúp được chứ gì?

Mắt cô đỏ hoe sau câu hỏi gay gắt ấy. Lần đầu tiên hạ mình năn nỉ một gã đàn ông (mà hắn lại là kẻ mình thầm có cảm tình mới chết chứ!) nhưng hắn lại từ chối, thử hỏi cô ê mặt không chứ?

Tự ái nổi đùng đùng, cô quay ngoắt đi, bước thật nhanh, không thèm nhìn mặt Khương Long thêm chút nào nữa.

Chàng trai vội vã chắn ngang đường, khổ sở thốt:

– Bình tĩnh chút đi, Dung Nghi. Anh không ngờ ngoài vụ ''mặt lạnh'' thì em còn ''máu nóng" nữa.

Cô gái cười lạt:

– Mọi thứ xấu trên đời, tôi đều có đủ hết. Anh còn dang ca gì nữa cho mất công?

Khương Long cố xoa dịu:

– Anh không xấu xa, nhỏ mọn như em nghĩ đâu. Chẳng qua là anh không đồng tình với cách kiếm tiền của ba má anh nên bao lâu này không nhúng tay vô chuyện của họ. Nay em nhờ bất ngờ quá nên anh chưa biết tính sao.

Cơn giận hạ xuống gần hết nhưng cô gái vẫn chao chát với sự kiêu hãnh ngầm của kẻ hiểu mình đang ở thế thượng phong:

– Ai dè mình lại vô tình đưa người ta vào thế khó xử như vậy đâu.

Khương Long ngẫm nghĩ một lúc rồi dè dặt bảo:

– Dung Nghi chờ ở đây nhé. Anh thử vào nói chuyện với mẹ anh xem sao.

Sự hồi hộp mỗi lúc một tăng dần nhưng Dung Nghi vẫn kiên trì làm theo lời dặn của người bạn trai, đứng chờ ở ngõ sau của quán.

Chưa đến nửa giờ đồng hồ thì ông Thông xuất hiện trước mặt con gái với bộ dạng uể oải và gương mặt hốc hác.

Vừa thương, vừa giận cha, Dung Nghi cất tiếng hỏi:

– Ba thiếu người ta bao nhiêu tiền vậy?

Tránh nhìn vào mặt con, ông Thông ấp úng đáp nhanh:

– Hai triệu, lời hai mươi phân nhưng cho để đứng, tới mùa rồi trả.

Cô gái suýt té ngửa trước món nợ và mức lời và khủng khiếp đó, gay gắt hỏi:

– Làm gì mà nhiều dữ vậy? Bộ họ muốn cắt cổ cả nhà mình luôn hay sao?

Ông Thông lí nhí lên tiếng:

– Người khác là bạc ba mươi đó con, mà không cho để đứng đâu, ngày nào là trả lời ngày đó, còn mình là ưu đãi lắm rồi. Nhờ cậu Long tử tế xin giùm chứ không thì phải cầm xe hay máy móc gì cho họ rồi.

Dung Nghi đau đớn thốt:

– Ba có thấy làm vậy là khổ cho má con con hay không?

Gục đầu không đáp, người đàn ông yếu ớt biện minh:

– Ba tính chơi cho vui thôi chứ đâu biết bị tụi nó gài.

Chẳng còn hơi sức nào tranh cãi nữa, Dung Nghi nhát gừng bảo cha:

– Con về trước, lát nữa ba hãy vô nhà cho má khỏi nghi. Chuyện nợ nần này một hai bữa nữa rồi ba tự nói với má nha, sức con chỉ chống đỡ tới đây được thôi.

Cô về nhà bằng những bước chân nặng trĩu.

􀃌 􀃌 􀃌 Rốt cuộc thì ông Thông cũng không có dịp (hoặc không đủ can đảm) để thú nhận lỗi lầm của mình với vợ mà bà lại được nghe tường tận vụ thiếu nợ của ông qua miệng một người khác – ác nghiệt hơn nhiều so với việc do chính chồng kể.

Buổi trưa chủ nhật, một tuần sau ngày ông Thông thua bài ở quán Năm Hiên, thì Tình - gã chủ tiệm sửa xe ở đầu huyện thường xuyên cặp kè, rủ rê ông Thông đi đánh cờ độ đột nhiên xuất hiện trong nhà bà Ba Lựu.

Đảo mắt nhìn quanh quát khắp nhà một lúc rồi hắn lên tiếng hỏi bà Ba Lựu bằng giọng lễ phép một cách cố ý:

– Bà chị vui lòng cho thằng em này hỏi có anh Năm Thông ở nhà không chị?

Vốn không ưa mấy kẻ cặp bè cặp bạn dụ dỗ chồng mình làm chuyện vô bổ nên bà Lựu đáp xẵng:

– Không có!

Làm như không biết thái độ thiếu thiện cảm của người đối diện, Tình vẫn cười tỉnh bơ:

– Ảnh đi đâu vậy chị?

Bà Lựu cố tình nhấn mạnh giọng:

– Sớm mai đi cấy vần công cho người ta nên qua bàn công chuyện, ở không riết dễ hư người lắm.

Tình gật đầu lia lịa tán đồng:

– Chị Ba nói đúng quá!

Rồi giữa lúc người phụ nữ vẫn còn ngạc nhiên không hiểu vì sao hắn lại tỏ ra biết điều như vậy thì Tình tự nhiên kéo ghế ngồi xuống rồi nở nụ cười gian xảo, hắng giọng:

– Anh đi vắng thì em thưa chuyện với chị cũng được. Không giấu gì chị, cả năm trời qua, hai anh em đi đâu cũng có nhau, ''có phước cùng hưởng, có họa cùng chiá' nên tình cảm gắn bó như ruột thịt vậy đó.

Nghe tới đây, thấy chướng tai không chịu nổi, bà Ba Lựu phang luôn một câu:

– Khổ nỗi là phước ít, họa nhiều!

Tình sượng trân, cười giả lả mây tiếng rồi không giữ kẽ nữa, nói thẳng:

– Chị đã nói vậy thì em không giấu nữa. Anh Năm với em thua bài tụi Tư Tăng gần năm triệu, phải vay nóng của vợ chồng Năm Hiên để trả mà chưa đủ, hiện tại tụi nó đang ngồi chờ ở tiệm em đòi tiền. Em không gom đủ nên chạy vô kiếm anh để chung nè. Chị có ra mặt vụ này giùm em được không?

Bà Ba Lựu xanh mặt, đưa tay chặn ngực, hỏi giật giọng:

– Chú nói chơi sao chứ? Nợ cờ bạc gì mà tới cả cây vàng lận?

Tình thản nhiên móc tờ giấy nhàu nhò trong túi ra đưa sát mặt bà, miệng nói:

– ''Giấy trắng mực đen'' đàng hoàng chứ em không nói thêm nói bớt gì đâu.

Bữa trước, ảnh vay hai triệu của nhà Năm Hiên trả được một mớ, phần còn lại thì em lãnh nhưng mấy bữa nay hàng họ ế ẩm quá, không đủ tiền trả nợ nên em phải chạy vô kiếm anh Năm nhờ hỗ trợ. Lúc trước, em choàng tiền cho ảnh hoài, giờ sa cơ thất thế thì ảnh phụ em chút đỉnh cho có tình có nghĩa vậy mà.

Bà Ba Lựu rên lên:

– Chú làm ơn đừng nói nữa, tôi đứt mạch máu não liền bây giờ cho chú coi.

Sắc mặt xanh mét của bà cho thấy bà không hề nói đùa chút nào.

Tình hoảng vía, lật đặt thối lui nhưng không quên dặn vói lại:

– Chị nhớ nhắc anh Năm giùm em nha. Mai em ghé lại đó.

Tiếng xe máy nổ bành bạch rồi mất hút ngoài rào.

Bà Ba Lựu nức lên rồi khóc tầm tã.

Dung Nghi cầm rổ rau ngoài sân đi vào, thấy mẹ trong tình cảnh đó thì hốt hoảng kêu lên:

– Má sao vậy? Cha Tình ghé nói tầm bậy gì phải không?

Quày tay lấy khăn lau nước mắt, bà Ba Lựu nức nở:

– Chết rồi con ơi! Ba mày gây nợ tùm lum, tiền đâu mà trả người ta hả?

Cô gái chột dạ, vội lấp liếm:

– Tụi xấu miệng tung tin bậy bạ vậy thôi, chứ ba làm gì có tiền mà dám mượn nợ?

Người mẹ cay đắng thốt:

– Thằng Tình mới đưa giấy nợ cho má coi xong, có chữ ký của ba mày rõ ràng. Chối sao được nữa?

Dung Nghi cứng họng.

Cô cứ ngây thơ tưởng nhờ Khương Long đứng ra bảo lãnh cho ba là xong, chờ từ từ rồi thu xếp tiếp. Ai dè bọn hút máu này còn quá nhiều thủ đoạn tinh vi như vậy? Ba cô đã lỡ sa chân vào cái mạng nhện này thì đừng hòng an toàn trở ra.

Càng nghĩ càng đau đầu, Dung Nghi buột miệng hỏi:

– Má có nắm được số nợ là bao nhiêu không?

Bà Ba Lựu đáp rành rọt:

– Khoảng năm triệu. Chưa biết có lãi mẹ lãi con gì không chứ thằng Tình kể là ba mày vay của vợ chồng Năm Hiên đó.

Dung Nghĩ nín lặng. Đâu có sự thật nào giấu giếm được hoài, vấn đề là nhanh hay chậm mà thôi.

Ngước nhìn mẹ, cô nói cứng:

– Còn khuya mới đòi được nợ cờ bạc. Má cứ làm thinh thử coi họ làm gì cho biết.

Bà Ba Lựu buồn rầu lắc đầu:

– Tụi bây còn con nít, ''ăn chưa no, lo chưa tớí' mới nói chuyện dễ ngươi như vậy, chủ nợ làm ăn còn có đường khất hơn là nợ cờ bạc đó con. Lũ đó toàn ''uống máu người không tanh'', làm sao lơ tụi nó được.

Dung Nghi bất bình, vung tay phản đối:

– Cùng lắm thì kiện ra chính quyền chứ tiền đâu mà nuôi đám khốn nạn đó cho mập thây?

Chùi mấy giọt nước mắt xót xa lăn trên đôi gò má, bà Lựu đau đớn thốt:

– ''Cái kiến mày kiện củ khoaí', không ai xử cho mình đâu con ơi. Có trách là trách ba mày dại dột để tụi nó gài vô tròng cho mang công mắc nợ thôi.

Biết má nói chí lý, Dung Nghi không nói bướng nữa mà ủ dột ngồi xuống bộ ván cạnh bà. Viễn cảnh đen tối của cả gia đình khi phải thanh toán số tiền nợ to tát ấy khiến cô rùng mình, ngập ngừng đặt câu hỏi với má:

– Mình lấy tiền đâu ra mà trả cho họ hả má?

Bà Lựu nhìn trân trân ra đường, não nề đáp – Có thứ gì thì bán thứ đó chứ biết làm sao.

Dung Nghi căm phẫn la lên:

– Một mình ba làm mà liên lụy cả nhà, bát công quá! Con không chịu đấu.

Những giọt nước mắt bắt đầu chảy dài trên gương mặt héo hon, bà Lựu nghẹn ngào:

– Ba con có tệ đến cỡ nào cũng là người đẻ ra con. Bỏ sao được mà mày nói?

Dung Nghi nghẹn lời. Cô giận cha, giận mình rồi giận luôn cả cái kiếp nghèo đang đeo đẳng cả gia đình nữa. Không kiểm soát được lý trí, cô thốt lên đầy căm hờn:

– Ông Trời mà cho con giàu có thì con làm thay đổi hết mọi thứ cho mà coi.

Bà Ba Lựu sợ hãi xua tay lia lịa:

– ''Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng'', tối kỵ nghe con!

Cô gái trẻ vẫn tức tối bày tỏ cơn phẫn hận:

– Đời bất công quá mà, không tức sao được? Cả đám "ngồi mát ăn bát vàng", rút rỉa mình tận xương tủy, tha thứ làm sao được?

Bà mẹ lớn tiếng quát con:

– Má biểu con im, nghe chưa? ''Thần khẩu hại xác phàm'', nói bậy bạ rồi đụng chạm tùm lum. Chết không ai cứu đâu!

Sợ má buồn nên Dung Nghi phải im chứ lòng vẫn ấm ức không nguôi. Cô tự hứa sẽ không để bọn ác tự tung tự tác hoài như thế này được. Còn trước mắt vẫn phải nghe lời má ''giả dại qua ảí' cho xong chuyện.

Bà Ba Lựu co một chán lên bộ ván, tư lự cất lời:

– Chưa gặt hái gì hết, lấy đâu ra món tiền mà trả cho bọn họ? Hay qua mượn đỡ nhà Năm Hiên?

Mới nghe tới đó, Dung Nghi đã hết hồn, cản lia lịa:

– Í đừng! Má rơi vô móng vuốt của họ là cả đời ngóc đầu lên không nổi cho coi.

Bà Ba Lựu rầu rĩ thốt lên:

– Ngoài vợ chồng họ ra, còn ai ở xứ này sẵn đôi ba triệu cho mượn nữa hả con?

Có cho vàng thì Dung Nghi cũng không dám hả miệng kể lại chuyện mới nhờ Khương Long thu xếp hôm trước để ba cô thoát nạn về nhà bình yên. Mới một chủ nợ xuất hiện mà bà đã xấc bấc xang bang như vậy, biết thêm chuyện nữa chắc ngã ngửa chết giấc luôn quá. Khi đó thì mình cô phải đứng ra chống mũi chịu sào, làm sao chịu đựng nổi?

Dung Nghi đang ngẫm nghĩ tình đủ nước thì bà Ba Lựu đã đứng lên, nói lớn:

– Coi nhà cho má đi công chuyện một chút nghe con. Mấy chị em ăn cơm trước đi, khỏi chờ ba má.

Chỉ cần nghe bao nhiêu đó thì Dung Nghi đã biết rõ mười mươi là má đi đâu rồi nhưng khổ thay, cô không thể nào cản bà được. Đành nhắm mắt làm ngợ “thử xem con Tạo xoay vần đến đâu” mà thôi.