Gió luồn qua cánh liếp sập một nửa, hất vạt áo nâu để lộ khoảnh bụng trắng, hút chặt hai con mắt tần ngần ngoài khe cửa. Mấy cúc áo trên cùng bật tung, khuôn ngực phập phồng dưới làn vải mỏng theo nhịp thở nhẹ của người đàn bà hãy còn trẻ, trông độ ba mươi ngoài. Hai con mắt nhắm lại cùng một tiếng thở ngắn cam chịu trong khi hai bàn chân xoay chiều, trở gót... Trên ba cánh phản mỏng nằm ngang, người đàn bà chợt quay đi trong một nhịp thở hắt ra, vừa mừng thoát nợ vừa thoáng chút tiếc rẻ. Bên chái bếp, trên tấm võng lưới vắt vẻo giữa hai cây cột bạch đàn, một cô gái đong đưa, mớ tóc dài buông thõng gần quét đất. Không mở mắt, cô chợt cất tiếng hát ru:

- Gió đưa bụi chuối sau hè, anh đi chinh chiến ớ... quên về với em... ầu ơ... Chị Duyên ơi chị thức dậy chưa?

- Vi ơi không phải anh mê vợ bé bỏ bè con thơ à? Sao lại cải biên ca dao thế kia?

- Ơ em cũng hổng biết, khi không hát vậy à! Mà, cậu Túc ngày xưa... Ủa mà cậu Sung đâu mất rồi hè? Cậu... Ơ... i... Ơi!

- Cậu đây! Đừng có om sòm, để cô Duyên ngủ chớ con! Vi uống nước dừa hôn?

- Dạ, cậu bẻ hồi nào vậy cậu?

- Thì cậu mới trèo, con ngủ được không? Tội nghiệp, chắc hai cô cháu mệt lắm, phải dậy sớm lặn lội lên tận đây! Nóng quá, mà nhà không có tủ lạnh, cũng không có nước đá...

- Thiệt, tụi con, mà ba mẹ nữa, cũng phục cậu luôn! Thiếu tiện nghi vầy mà cậu chịu được! Mợ với mấy đứa nó cũng nhớ cậu lắm, năn nỉ cách nào cậu cũng hổng chịu qua!

- Cả nước khổ chứ riêng mình cậu đâu con! Giờ cậu già rồi, qua bển làm lại cũng khó, mà bỏ đây đi cũng tội. Tuy là không phải quê mình, nhưng do hai bàn tay cậu gầy dựng nên, đổ bao nhiêu mồ hôi... Rồi còn thằng Túc... cậu tin nó lẩn quất đâu đây, có người sớm hôm nhang khói cũng đỡ tủi con à! Mấy đứa nó thành người hết rồi, cậu mang ơn mợ một tay lo lắng cho đàn con. Mà thôi vậy cũng được, lâu lâu mợ nhớ quê thì về thăm, chớ biểu mợ về luôn cũng khổ!

- Em đồng ý, cơ sở như vậy anh Sung bỏ đi thì tiếc lắm! Bao nhiêu mồ hôi, cả bao nhiêu nước mắt nữa, Vi nhỉ!

- A, cô Duyên, đây mời cô ly «nước mắt quê hương».

- Cám ơn anh. Ly này của anh em phải bưng bằng hai tay, hơi khó uống đó!

- Chị Duyên đợi chút, em lấy cái ống hút cho.

- Vi thật chu đáo, như chị Hà Đình vậy anh Sung hả?

- Mặt mũi con nhỏ cũng giống mẹ hơn cha. Trách chi chẳng được giàu ba họ, hì hì...

- Anh em trai của Hà Vi thì lại giống cha, chắc nhờ vậy mà chẳng khó ba đời anh hí! Anh có thường về quê không? Bác gái và chị Gia vẫn khỏe?

- Cám ơn cô, má và chị Hai tôi bình thường, tuổi già sức yếu, nhưng nhờ trời cũng không hay bịnh vặt. Nhờ «viện trợ» Mỹ, Pháp, nên sống tương đối thoải mái hơn nhiều người. Vợ chồng Lương thì sao? Nghe nói mấy cháu học giỏi lắm há? - mà tôi cũng quên chưa hỏi thăm gia đình cô...

- Dạ cám ơn anh, anh chị Lương bên Mỹ khá lắm, cả hai ông bà chịu khó học lại, các cháu cũng chăm, hai thằng lớn ra trường rồi, đứa kỹ sư, đứa luật sư, con bé út còn 4 năm nữa cũng bác sĩ, bố mẹ coi như khỏe. Jacques, nhà em cũng khỏe, anh ấy bận «conférence» bên Réunion tuần tới nên không về theo kỳ này, ấm ức mãi! Anh Sung biết không, Jacques thích được gọi là «Mít» lắm đó! «Mít»... đặc cũng chịu nữa, hic hic!

- Ha ha ha! Ảnh ưa ăn mít thì lần sau cô đưa lên đây, tha hồ! Tôi trồng đủ thứ, mít mật, mít nghệ, mít ráo, mít ướt, mít tố nữ... Mà in như hồi nhỏ cô Duyên có biệt danh «mít ướt sút cùi», phải hôn? Cho tới cỡ 72, 73 gì mới hết nghe thằng Túc nhắc «trái mít ướt».

- Cậu Tư ác quá, chọc chị Duyên mắc cở kìa! Uống đi chị. Anh chị kể cũng sướng, vợ chồng son muốn đi đâu thì đi... Mà em hỏi thiệt, chị có buồn hông?

- Thỉnh thoảng mình cũng nghe quạnh quẽ... Jacques không thích nhận con nuôi, có nghĩ đến thuê người đẻ dùm, mà cả hai thấy nhiêu khê quá, còn lười...

- Chừng mát trời Vi đưa cô đi một vòng thăm vườn nha, để cậu qua bên thím Bảy nhờ thím nấu dùm mấy món ăn chiều, rồi còn tưới cây nữa. Mà sao con gọi cô bằng chị vậy?

- Đâu có sao, anh. Hồi mới gặp tụi em không dám nhìn nhau, Vi lớn lên đẹp gái quá, giống hệt mẹ, em thì già đi! Mãi sau đến nhà chơi đụng đầu chị Hà Đình em mừng hết... lớn! Quen miệng đổi cũng khó, mà vậy em lãi, cứ tưởng mình còn con nít!

Buổi chiều trời mát hẳn, nắng chênh chếch sau rặng tre gai. Vi bảo nắng này là nắng xiên khoai đây, và hóm hỉnh trả lời khi tôi hỏi định nghĩa, rằng thì mấy năm trước cậu Tư trồng khoai để có cái ăn liền trong khi chờ cây ăn trái, lấy cái ngắn hạn nuôi cái dài hạn là vậy. Buổi trưa đứng bóng nắng đổ lửa, chiều mát xuống nắng xiên xiên trên mấy vồng khoai... Thật sự tôi cũng chịu, có nhớ mang máng cái nắng này trong Quốc văn Giáo khoa thư hồi bé học lóm trong tủ sách nhà Vi, mà tịt không còn hiểu đó là cái nắng gì! Tôi vẫn mê tủ sách của bố mẹ Vi, sang Pháp ông bà cố gắng gom góp lại tuy khá nghèo nàn so với tủ sách ngày xưa nhưng cũng đủ thu hút, và biện minh, những buổi viếng thăm của tôi với... Jacques. Chồng tôi cũng mê thú chơi sách, nhà có thư phòng với kệ sách đặc bốn bức tường. Tôi lười, những sách tiếng Việt cũ cho mượn thất lạc gần hết, sau này ở gần thư viện nên không thấy có nhu cầu dựng tủ sách cho mình. Hệt ngày xưa khi tôi cứ «ăn dầm nằm dề» bên Vi để được thấy mặt, nghe tiếng Túc, bị bố mẹ mắng là giơ ngay cái bình phong cần đọc sách để học thêm! Hình như bố tôi không ưa bố Vi, mẹ nói đùa tại hồi đó ở dưới quê bố đã từng trồng cây si cô Hà Đình, mặc dù cô kém bố hơn mười tuổi, và gọi bố bằng chú. Bố cũng cười bảo mẹ đừng «gieo tiếng dữ, tình bậu nào có muốn thôi!», mãi đến giờ tôi cũng không biết chuyện này có thật hay chỉ là chuyện đùa.

Túc là con út, hơn tôi 2 tuổi, kém anh Sung 8 và chị Đình hẳn 10 tuổi. Ông bà ngoại Vi gốc Hà Tiên, ông vừa chân chất vừa chân đất, trong khi bà dòng dõi chữ nghĩa, họ Lâm, nên chìu ý ông đặt tên các con như ước nguyện: Gia Đình Sung Túc, kèm theo những chữ lót thật trí thức: Thế Gia, Hà Đình, Bổ Sung, Tri Túc, cả bố mẹ tôi cũng phục sát đất! Bố là công chức ty điền địa, lúc trẻ được bổ nhiệm vào đó và trở thành bạn láng giềng của gia đình này. Về sau tình cờ bố mẹ Vi lên Sài gòn lại làm hàng xóm với gia đình tôi. Đúng là cái duyên. Chả trách bố đặt tên tôi là Duyên, biết đâu chẳng vì căn cớ nào đó! Chỉ chắc một chuyện là hai năm sau khi ông bà gửi Túc lên theo để tiện việc học, có anh chị trông nom, thì «duyên» đã thành «nợ» cho tôi! Con bé 10 tuổi là tôi lúc đó ôm cái nợ cứ phải theo chìu chuộng «thằng nỡm» để được chơi chung, trong khi hắn gọi mình là cục nợ, cứ phải trốn mà đi chơi riêng theo đám nhóc con trai! Mãi đến năm tôi 15, Túc mới bắt đầu nhìn tôi cách khác. Rồi cuộc tình đẹp và quá ngắn của hai chúng tôi chấm dứt đột ngột với trận Xuân Lộc tử thủ, khi Túc vừa ra trường Thủ Đức sau lệnh tổng động viên, trong đau đớn cùng tột của hai gia đình.

Ngày được hung tin, lúc cả nhà vừa ngồi vào bàn, tôi mở to mắt không tin mình không nghe nhầm, vớ chai bia của anh Lương tu một hơi và chạy vội sang nhà Vi... Chị Hà Đình ôm chầm lấy tôi nước mắt lăn dài, tôi như chợt hiểu, nên hết... biết, làm chị suýt ngã lăn theo. Tỉnh dậy tôi biết mình say, say đi để thấy mình không là mình, dù ngày mai tôi chẳng được đi nhận xác chồng! Túc dứt nợ trần một cách dứt khoát, không thèm để lại cả mảnh hình hài...

Đi khỏi rặng tre gai, bên kia suối là «mộ» cậu út. Trên một gò đất thoáng đãng, cậu Tư đã chôn những kỷ vật mà các bạn đồng ngũ nhặt nhạnh được sau trận đánh, cả tấm thẻ bài, gia đình đã cất giữ sau bao nhiêu ngày tháng tang thương, mất mát. Cậu Hai không chịu nhục đã chọn cái chết cùng nửa tiểu đội còn lại trong vòng vây ngày cuối cùng của tháng tư đen. Cậu Tư khăn gói đi học tập 10 ngày để rồi chỉ về nhà sau hơn 10 năm, trong lúc đó mợ Tư đã có cơ hội đem 2 đứa con vượt biên sang Mỹ an toàn. Ba tôi được thả sớm hơn vì chế độ cần chuyên gia cũ lúc đó. Gia đình Duyên bỏ nước như đã từng bỏ quê, định cư ở Pháp. Cuối cùng rồi ba mẹ tôi cũng phải quyết định ra đi, và chúng tôi gặp lại nhau trong một buổi Tết hội đoàn ở Paris cách đây bốn năm. Duyên chín mùi, đẹp não nùng như trong truyện Liêu trai, mà vẫn còn nhiều nét ngây thơ con gái đã in hằn vào đầu óc bé dại của tôi để vẫn còn nhận ra, nhưng không dám nhận. Chúng tôi lại tình cờ gặp nhau mấy lần nữa và kết thân với nhau. Rồi mẹ tôi bảo mời vợ chồng Duyên đến nhà dùng cơm, để bà xác nhận mối nghi ngờ. Tôi ở riêng, thoải mái kiếp độc thân, hôm nào thèm không khí gia đình thì chạy về nhà mẹ. Duyên mê tủ sách của ba mẹ tôi nên từ đó hay rủ tôi về, chỉ 2 chị em, nhất là khi anh Jacques vắng nhà. Anh nói được ít tiếng Việt, khi biết mình nói sai thì cười khì bảo: Mít tây mà! Chẳng phải mít... đông nữa, làm sao bằng mít... đặc! Rõ đồ mít... đọt, cóc biết mọc rễ, ngay cả rễ... si! Tôi cũng hay đến với vợ chồng Duyên không cần báo trước, cứ nổi hứng là điện thoại, có khi tạt qua đại. Họ cũng thích tính bốc đồng của tôi, vả lại hình như họ cũng sống thoải mái không cần ngăn nắp, mặc dù nhà cửa họ rất ngăn nắp không như cái tổ quạ của tôi.

Đôi khi tôi tự hỏi không biết mình mê ai trong hai người!

Dễ sợ quá, những ngày đầu rớt xuống đây, vật lộn với gò mối, cỏ hoang gốc rễ chằng chịt... «mà mình đang phải làm gì đây?». Qua nhờ thím Bảy làm gà đãi khách, phải đi hướng kia chứ! Rặng tre gai sau lưng với nắng chiều loang loáng, với cái tinh thần sở hữu cố cựu tiểu tư sản không sao gột bỏ mặc kệ 10 năm cải tạo tẩy não vẫn mong cắm dùi giữ đất, với con bé Vi đang lang thang đưa Duyên đi thăm mộ thằng Túc... Duyên. Duyên. Duyên của tuổi mười ba, tôi phải van xin ngoan nhé đừng hờn, trong khi đương sự vẫn còn ước mơ được làm tiên nữ. Ngẫm lại, chuyện đời quả thật là cái vòng lẩn quẩn... Hồi xưa thằng nhóc tôi vẫn được ông chú hàng xóm hối lộ để khai báo về bà chị ngây thơ của mình, rồi lại tới phiên mình thắc mắc về cô bé hàng xóm ngây thơ của bà chị, chỉ phiền là không dám hối lộ Ông anh cô ta để biết tin tức lẩn thẩn! Đến khi biết mối cảm tình của thằng em út với cô bé trước sau vẫn một lòng tình nguyện làm nô lệ cho nó, thì mình chỉ còn nước ngậm câm. Và hiểu ra, và thông cảm sâu xa với ông chú hàng xóm ngày xưa là bố cô bé bây giờ! Thông cảm với mối u tình, và ghen tị với hạnh phúc hiện tại của chú! Bởi vì rõ ràng chú có hạnh phúc gia đình với người vợ tuyệt diệu, đẹp một cách kín đáo và quí phái, và lúc nào cũng cười đùa vui vẻ với mọi người, khác hẳn bà chị hơi nghiêm khắc tuy rất hiền dịu của tôi. Tội nghiệp vợ tôi, có lẽ cổ không cảm thấy hạnh phúc bên cạnh cuộc đời ái ân nhạt nhẽo của chồng mình, mà vẫn tròn bổn phận làm vợ làm mẹ, lại còn nghe lời tôi để dám bỏ chồng trong cảnh tù đày, đem con đi tìm tương lai nơi xứ người, và một tay gầy dựng cho chúng, lại còn tiếp tế cho gia đình chồng. Có lẽ kiếp trước mình khéo tu, nên dù có chịu cộng nghiệp của đàn ông miền Nam, cũng được người vợ hiền đúng nghĩa. Mình thật có lỗi, bao nhiêu năm sống chung đã tặng được cho vợ mấy phen tình nghĩa mặn nồng? Được cái an ủi là mình cũng chẳng hề gây phiền gây khổ cho vợ, tuy vẫn biết là có vô tình làm cho vợ buồn tủi. Nhưng làm sao được, trái tim tôi đã trót trao cho người khác, mà người ta lại không hề biết để mà nắm giữ. Thiệt là cải lương! Cải lương hơn nữa là khi nghe thằng em gân cổ lên rống «Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá... để người tên Duyên đau khổ muôn niên», chọc cô bé mít ướt đến phát khóc, thì mình cứ sẵn sàng mở rộng vòng tay mong được ôm lấy cô bé mà vỗ về, bụng dạ thì chỉ muốn chính mình hát câu này để được người tên Duyên dỗ mình!

Bây giờ Duyên lại đến đây. Chỉ, vẫn như ngày xưa, vì Túc. Sao cái người nằm dưới mộ kia không phải là mình nhỉ? Thiệt tình! Đúng là già lẩm cẩm! Nếu Túc không nằm xuống, ừ mà nó có được nằm dưới đó đâu, thì hẳn bây giờ hai đứa nó đã có con, gọi mình bằng bác! Tệ quá, trái tim có những lý lẽ... mà cái văn hóa phương Đông không cho phép phát biểu. Đành vậy. Với lại, Duyên biết được chỉ gây ngại ngùng cho cô, cho mình, và cả con bé Vi. Chẳng ăn thua gì, những gì đã qua hãy cho qua luôn, là tốt nhất. Mà có thật là chuyện đã qua rồi không? Tại sao tim mình đập loạn xạ ban trưa lúc nhìn qua khe liếp? Cái bản năng đàn ông tưởng chừng ngủ quên sau những năm tháng tù tội rồi tự lưu đày nơi đây, mình đã nghe thấy nó thức dậy rõ rệt, cồm cộm trong đáy quần... Ôi đàn ông!

Mùi cà phê thơm ngát đánh thức hai người đàn bà một cách dễ chịu. Vi vươn vai tung tấm vải mỏng làm chăn đắp, ngồi bật dậy, vừa ngáp vừa cười:

- Ngủ ngon chứ chị Duyên? Khiếp! đêm qua ở nhà thím Bảy về, chị làm em với cậu Tư sợ hết hồn!

- Bậy thật, chị xin lỗi không nói trước để Vi và anh Sung phải lo. Cũng tưởng đi chơi thì thoải mái không bị cái áp huyết thấp nó hành!

- Dạ lúc chị xỉu em hoảng quá, may cậu thì bao giờ cũng bình tỉnh. Rồi em nhớ lại có nghe anh Jacques nói chị «hypotendue», thỉnh thoảng «tomber dans les pommes» dọa ảnh chơi... Được cái nghe đâu như vậy sống lâu!

- Tôi thì lại tưởng cô Duyên cảm nắng cảm gió... Khí hậu xứ mình đôi khi hơi nghiệt ngã cho người đi xa trở về, chợt nắng chợt mưa. Hồi giữa đêm mưa xuống một tí cho mát đất, nhưng mà giông gió làm con bé Vi đâm sợ ma!

- Cậu đừng chọc quê con nữa mà! Gió thổi luồn qua mấy bụi tre tiếng kẽo kẹt nghe ghê quá, rồi sấm chớp ầm ầm cứ như trong phim kinh dị! Sáng nay trời tạnh ráo nắng lên đẹp quá, hoan hô ông mặt trời!

Ha! Cảm gió! Cái thằng phải gió là anh thì... ! Hôm qua em không lên núi hái chè, gặp thằng phải gió... Mà nếu vậy thì em đi đêm đã gặp ma rồi sao? Là ai? Người đã đưa em lên đỉnh Vu Sơn? Cảm giác ngất ngây hoan lạc em có rất ít trong đời. Trong cơn bềnh bồng mờ mịt của tri giác, em đã cảm được nỗi an toàn trên đôi cánh tay rắn chắc, niềm hạnh phúc được săn sóc bởi những bàn tay dịu dàng, như của Tiên của Phật, của người yêu. Ai đã đặt em nằm xuống phản nhẹ nhàng, đã âu yếm cởi áo nịt ngực cho em dễ thở, đã xoa dầu đánh gió cho em? Bàn tay phù thủy nào đã nâng niu gượng nhẹ từng phân vuông da thịt, đôi môi tham lam nào đã mơn trớn từng nơi nhạy cảm trên thân thể, chiếc lưỡi ma quái nào đã thám hiểm vùng sâu kín u ẩn trong em? Từng đợt xúc cảm dâng trào, cơn hồng thủy ập đến, trong khi bên ngoài hình như trời đổ mưa...

Từ bữa rời Đồng Nơ lội bộ 3 cây số ra đường lộ đón xe về phố thị, Duyên vẫn không nghĩ ra được là mình có nằm mơ không? Là ai? Túc? Anh Sung? Hay là cô bé Vi? Ngồi ngật ngưỡng trong chiếc xe đò cũ kỹ, gió phần phật bên tai, hai chị em không nói lời gì, như có một nỗi ngượng ngùng ở giữa. Duyên thả hồn về thuở yêu xưa, về hạnh phúc hiện tại, về Túc, về Jacques... Một thoáng chớp giăng. Mưa ào xuống...

Paris

Hết