Cái kệ này vợ tôi đã mua cách đây hơn mười lăm năm trong dịp la cà các garage sales trong xóm. Bà ấy mặc cả mãi người ta không bán. Bỏ đi rồi quay lại kì kèo. Cuối cùng thì đành mua với giá người bán đã đòi. Cái kệ tủ trông cũ mèm, đóng bằng một loại gỗ rẻ tiền, nhưng nó dài và cao khác thường với rất nhiều tầng. Khi đứng chờ tiền thối lại, bà ấy thì thầm vào tai chồng “Mua cho bố để bố tha hồ bày sách”. Tôi vui quá. Bà ấy lại nguýt yêu “Quà sinh nhật năm mươi của bố đấy nhé” . Tôi cười ruồi như mọi khi.
Cái kệ cồng kềnh quá. Tôi phải nhờ mấy ông bạn đem xe hủ lô đến chở nó về nhà. Đám con tôi lau nhau đề nghị nên sơn màu trắng. Vợ tôi nhất định không chịu, đòi phải đánh vẹc ni cho bóng láng. “Nhất vợ nhì trời. Em muốn gì thì sẽ được nấy”, tôi nói. Tôi đảm trách việc đánh vẹc ni không phàn nàn mặc dù trước kia chưa hề làm qua. Từ ngày bỏ nước ra đi, ai mà chã trở thành một tên bá nghệ bất ngờ ?
Cái kệ cao nghều nghệu, chênh vênh. Vợ tôi nghĩ nên đóng đinh bốn góc vào tường cho chắc . Ý vợ là ý trời. Bây giờ nhìn cái kệ thật đẹp thật sang và vững vàng như ông hộ pháp nằm ngay giữa căn phòng chính, khó ai ngờ cách đó ít hôm nó là một vật người ta muốn vứt đi.
Sách chã có bao nhiêu để bày. Thời buổi mới đến định cư xứ lạ, tiền trợ cấp ít ỏi không cho phép tôi được xài hoang. Một nhóm bạn bè ở các tiểu bang khác có sách báo đọc xong gửi cho tôi. Tôi sốt sắng đón nhận tất cả, mặc dù đa số sách báo họ gửi đều rất cũ và có quá nhiều tác giả tôi chưa được biết.
Nhìn tôi lau bụi các cuốn sách và xếp ngay ngắn lên kệ, vợ tôi âu yếm choàng tay qua cổ tôi thì thầm “Bây giờ có sách gì thì bày sách ấy. i kia sẽ bày sách của bố. Sợ không đủ chỗ để chứa đấy”. Nghe cảm động quá. Ngưng một chút cho cổ đỡ bớt nghẹn, tôi đủng đỉnh bảo nàng “Vậy chứ em định cho anh trở về với thơ văn sao ?” Nàng ngồi im không đáp. Rất thành thật tôi nói với nàng rằng cuộc sống mới có nhiều khó khăn phải vượt qua.” Anh nghĩ anh phải đi làm hai ba nơi để cho em và các con có một cuộc sống tốt. Dính dáng với thú vui văn chương là một trong những xa xí anh không dám mơ tưởng tới”. Vợ tôi bỗng dưng òa khóc. Bù lu bù loa “Em lấy anh vì em mê những gì anh viết, bây giờ anh không còn là người của năm xưa nữa ư ?” Câu nói của vợ tôi nghe như dao cắt ruột. Tôi đứng dậy vờ uống ly nước để dấu giọt nước mắt vừa mới ứa . Một đàn con dại. Một người vợ yếu. Tôi có quyền mài miệt ngồi một chỗ đam mê viết lách để vợ con phải lam lũ vật lộn với cuộc sống không ?
2.-
Tôi đứng nhìn kệ sách trong nhà xe.
Năm năm trôi qua, kệ sách cũng đã đầy. Những tác phẩm sách báo của rất nhiều tác giả, đa số đều là bằng hữu của tôi, từ bốn phương trời đã gửi đến cho tôi. Tôi trân trọng xếp chúng có lớp lang đàng hoàng. Vợ tôi đôi lúc dỗi hờn vô cớ. Một hôm không dằn được nàng nói “Các tác phẩm cũ của anh, mình in lại nhé”. Tôi ôm đầu nàng, cười vang “In làm gì những của nợ đó. Em là nàng Thơ của anh rồi, anh dại gì đi tìm nàng Thơ ở đâu đâu”. Nàng lại cho là tôi nói đùa, không bằng lòng. Tối đó nàng bỏ cơm.
Ba tháng sau trên tầng đầu của kệ sách xuất hiện bốn tập thơ lạ. Tôi lấy xuống xem. Bàng hoàng. Hai tay run rẩy. Tim đập mạnh. Rõ ràng là những tập thơ cũ của ba chục năm trước với tên tôi trên đó. Vẫn là những hình bóng cũ, nhưng màu sắc của trang bìa tân kỳ hơn, và chữ in bên trong rõ nét và đẹp hơn. Miệng tôi chợt khô ran, và trong tôi dậy lên những xúc cảm lẫn lộn. Vừa vui vừa hứng khởi vừa lo ngại. Tự hỏi sách đang thấy có thực không ? Tự hỏi tâm mình có loạn, mắt mình có hoa không ? Tôi sửng sờ đứng nhìn sách mà lòng cảm thấy vô cùng hãnh diện. Tôi ngây ngất ôm chặt mấy cuốn sách vào lòng, như sợ chúng mất biến đi…
Buổi tối sau khi các con đi ngủ, tôi nhón gót đến gần kệ sách. Lấy chúng xuống, tôi ngắm nhìn một lúc. Đôi mắt lim dim, tôi hồi tưởng lại thuở tôi còn là một văn sĩ trẻ đầy tham vọng tại quê nhà. Những kỷ niệm cũ vẫn còn sôi động trong lòng tôi. Vâng, quả thật ngày xư a tôi vui lắm khi cuốn sách đầu đời được xuất bản …
Có tiếng động đâu đó trong nhà.
Tôi vội bỏ sách lại lên kệ. Ngồi xuống một chiếc ghế bành gần đó, tôi giã vờ như đang đọc báo, và nghe tiếng chân rất khẽ của người vợ hiền bước đến. Nàng sà tới ngồi bên cạnh nũng nịu “Ai đọc báo kiểu gì mà cả giờ rồi vẫn còn ở trang nhất”. Tôi cười giả lả “Hôm nay đi làm mệt quá em, anh cầm báo mà ngủ gật, có đọc được gì đâu”. Vợ tôi cười to “Thiệt không đó ông xã ?” Tôi cảm thấy nhột nhạt, đành thú thật với vợ về sự có mặt kỳ bí của mấy cuốn thơ trên kệ tủ. Vợ tôi làm mặt nghiêm một lúc, rồi như tội nghiệp tôi, nàng thầm thì như mọi khi “Em in cho bố đó ! quà sinh nhật bố năm mươi lăm tuổi” . Tôi không thể nào cầm được nước mắt.
Run giọng hỏi “Tiền đâu có mà in lắm thế “. Nàng không trả lời. Về sau tôi biết được tiền in thơ là do nàng đã chắt bóp dành dụm lâu nay để thực hiện giấc mơ thầm kín của tôi.
Việc tự in mấy tập thơ làm quà của vợ làm tôi nhận thấy con đường trở về với bút mực ở ngay tầm tay. Tôi phải nắm lấy cơ hội. Như cây đang héo úa vừa được tưới nước, tôi tươi tỉnh hẳn lên.
Vợ tôi gom góp những bài thơ bài văn của tôi như một tín đồ sùng đạo. Nàng không se sua nữ trang quần áo với bạn bè, không đi du lịch đây đó, không cờ bạc. Mỗi tuần nàng kiếm thêm việc làm phụ trội để mỗi năm in cho chồng dăm ba cuốn sách.
Kệ sách càng lúc càng đầy hơn. Với số lượng sách in của gia chủ mỗi ngày mỗi tăng, kệ sách của tôi không còn chỗ cho bằng hữu nữa. Để không bị mang tiếng có mới nới cũ, vợ tôi quyết định mua một cái mới dành cho sách của những tác giả khác.
3.-
Tôi đứng nhìn kệ sách trong nhà xe.
Những lúc tôi ngồi vào bàn viết, hồn nhập hội theo bút và lòng sống hoàn toàn với các nhân vật trong truyện sắp viết, vợ tôi hay khe khẽ đến đặt ít cái khăn tay thơm ướt trên bàn gần đó. Một bình nước trong. Một đĩa bánh ngọt. Hay vài cái kẹo vừng tôi yêu thích. Lắm lúc nàng lại xê dịch cái quạt máy quay cho đúng chỗ hay thắp thêm ngọn đèn cho đủ sáng. Lúc nào làm gì nàng cũng làm rất khẽ, như sợ tôi động tâm mất hứng viết.
Những lúc tôi ngả người trên chiếc ghế bành hiệu Lazy Boy nằm duyệt lạỉi bản thảo, vợ tôi hay kéo ghế ngồi bên cạnh yêu thương lấy tay xoa bóp hai bả vai tôi . Hay nàng ngồi bệt xuống thảm nắn mấy sợi gân cốt nơi bàn chân của chồng. Đôi khi nàng ghen vu vơ với một nhân vật nào đó trong truyện. Tôi luôn luôn cười với nàng “Ghen gì ! nhân vật tuyệt vời nào trong truyện cũng mang dáng dấp của em”.. Người đàn bà khóc vì nàng biết tôi đã nói thật. Đúng thế, vợ tôi biến hóa thành nhiều người trong những tác phẩm của tôi. Dù nhân vật chính của câu truyện bắt đầu có là một kẻ xấu xa đốn hèn hay một người vô tích sự đi nữa, thì khi kết thúc, tôi luôn luôn uốn nắn xoay sở làm sao cho nhân vật đó trở thành một người lòng tràn đầy nhân ái và tận tụy. Đó chẳng phải là hình ảnh của vợ tôi sao ?.
Những lúc đêm khuya cùng nhau bàn bạc về một mẫu hình bìa cho một cuốn sách mới, vợ tôi thường nấu chè đãi tôi. Chè hạt sen nấu âm ỉ với đường phèn có vị ngọt rất thanh. Nấu xong nàng hay để vào tủ đá vài giờ nên khi húp vào miệng, nước chè mát lịm gây cho lưõi tôi một cảm giác ngây ngất, và hạt sen tan trong miệng lúc nào không hề biết. Trong câu chuyện với cô em gái, tôi ví von tình yêu của vợ tôi dành cho tôi y hệt chè hạt sen nấu đường phèn. Vị ngọt ngào mềm như lụa dần dà thấm trong tôi . Và từ đó Thơ tuôn như giòng suối mật. Cô em gái cười ngất “Tưởng như anh mê say văn chương thi phú, nhưng kỳ thật anh đã dùng văn chương để thần thánh hóa vợ”.Tôi khựng người lại, chới với nhận ra là cô em nói đúng.
Những lúc sách được in về, vợ chồng vui mừng tái tê. Một tác phẩm mới ra đời tất nhiên mang đến cho tôi niềm tự hào đã hoàn tất được một việc đáng kể, nhưng đồng thời cũng cho chúng tôi thêm một âu lo về số phận vô định của nó.
Dần dà cái kệ tủ chật cứng, và đâu đâu trong nhà cũng thấy sách chất ứ . Nhà xe đầy ắp những thùng giấy má của tôi. Sách tôi đã viết không tiêu thụ được trong xã hội quần chúng nơi đất nước tôi định cư, vì chúng được viết bằng tiếng mẹ đẻ. Quá đắt đỏ nếu tôi thuê người dịch ra tiếng nước khác, và khả năng sinh ngữ của tôi chưa đũ để đảm trách được việc đó. Sách của tôi viết khó phổ biến rộng rãi, không bán được trong cộng đồng người cùng xứ sở tôi, vì đó không phải là một cái gì nóng sốt đòi hỏi họ cần phải có.
Cuộc sống tha hương của những người di dân đã tạo ra nhiều nhà văn , trong khi số lượng độc giả càng ngày càng ít đi. Tác phẩm in ra được trao đổi giữa họ hơn là bán buôn. Thật tình lắm lúc tôi cảm thấy chán ngán và đau lòng nhắm mắt lại khi đi ngang qua những đống sách bám đầy bụi của mình. Nhưng người vợ kia, khi nào nàng cũng giữ vững tinh thần. Thầm thì bên tai tôi nàng nói ”Bố ơi, đừng bỏ cuộc. Em lúc nào cũng mê say những gì anh viết…”
4.-
Tôi đứng nhìn kệ sách trong nhà xe.
Bao nhiêu mùa Xuân Hạ Thu Đông trôi qua nhấp nháy. Hôm kỉa hôm kia hôm kìa tôi nghe bọn con kháo nhau trong nhà bếp. Đề tài luôn luôn là cái kệ sách cổ lổ sĩ nằm chình ình giữa phòng khách, và bà mẹ. Đứa con gái lớn than phiền rằng lúc này mẹ già quá, tánh tình khó chịu, hễ nói động tới cái kệ sách là mẹ giận hờn, bỏ cơm, nằm vạ.
“Chắc nên đưa mẹ vào viện dưỡng lão cho mọi người được khỏe”. ỹCô ta nói.
Đứa con gái thứ hai băn khoăn “Vậy mỗi đứa mình phải đóng góp bao nhiêu cho cái việc đó?”
Miệng cười toe, đứa con dâu châm vào:
“Tại sao chúng ta phải trả? tiện nhất là lấy tiền an sinh của mẹ để trả những chi phí cho mẹ.”
Vợ tôi ngồi ở góc phòng, mắt nhắm nghiền, miệng nín thinh. Bà như người vừa câm vừa điếc. Tôi đứng bên cạnh, lấy tay vén những sợi tóc bạc loà xoà trước trán cho nàng. Tôi nói những lời thương yêu an ủi để làm vơi nỗi đau khổ của nàng, nhưng chắc chắn là nàng không nghe được. Vì vợ tôi vẫn ngồi yên như tượng.
Khi đứa con trai bắt đầu đề cập tới việc khuân kệ sách ra để ở nhà xe thì vợ tôi bỗng đứng lên rất dữ tợn ”Mẹ cấm tụi bây không được làm như vậy. Cấm !Cấm nghe chưa! Ngày nào tao còn sống thì không ai được đụng tới tủ sách. Tủ sách trước nay ở đâu phải ở nguyên đó “.Thằng con trả lời “ Mẹỉ làm gì dữ vậy ? những sách đó có giá trị gì ! in ra cho cố, bán không ai thèm mua, để chật nhà chật cửa dẹp là vừa...” Hắn nhấn mạnh ở những chữ sau. Cô con gái lớn ngắt lời “David, không được nói vậy ! Dù gì cũng là công sức của bố. Đó là những gì bố đã hoàn tất được “. David, thằng con trai đang mang giòng dõi họ tôi, đang có huyết thống của tôi trong cơ thể nó, đứa con trai tôi đã nuôi nấng với tất cả tình yêu thương và đặt bao nhiêu hy vọng vào, hắn đi tới đi lui múa tay trong không khí “Xời ! chị nói công sức của bố làm tui tức cười. Công sức để lại thành tiền thành bạc thì mới đáng là công sức. Còn đây, xin lỗi, chỉ là đống giấy lộn thôi”.
Đứa cháu nội hai tuổi của tôi thấy cha nó hùng hổ thì khóc ré lên. Mẹ nó dỗ mãi mới nín. Cô ta ôm con vào lòng nói lẫy “ Gớm, cái thằng oắt con này cùng phe bà nội hay sao ấy !” Rồi cô ta châm dầu vào cho câu chuyện thêm phần bi đát “ Mấy chị nhớ hông, ông già thức đêm thức hôm viết bài, mẹ thì ăn không dám ăn, đi chơi không dám đi, bao nhiêu tiền của đem đi in sách làm gì không biết nữa ! Những ngày ra mắt sách người ta đưa tiền mua sách mà như là bố thí”.
Nghe tới đây vợ tôi nấc lên , năn nỉ “ Tội tôi lắm các cô cậu ơi, đừng nói nữa. Xin tha cho tôi nhờ “. Tôi ngồi thộn một chỗ chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Mà kể ra lũ con tôi nói cũng đúng. Mặc dù những nhận xét hay quan điểm của chúng thật dã man, nhưng đó rõ ràng là một sự thật trắng trợn không chối cãi được. Những tác phẩm của tôi chỉ có giá trị với vợ chồng chúng tôi thôi, bởi vì chúng liên hệ đến phần đời của chúng tôi. Chúng làm cho sự hiện hữu của chúng tôi vui tươi hơn, có ý nghĩa hơn trong những tháng năm vời vợi thương nhớ quê hương. Trong những tháng năm đau xót vì mất nước và mất bản thân. Trong những tháng năm lạc lõng giữa quê người mà nơi đây đang cần thời gian để hòa nhập nhịp nhàng những nền văn hóa dị biệt. Bạn bè hay những ai tham dự những buổi ra mắt sách là những người can đảm. Họ đến để cổ võ cho tôi, vì cả nễ hơn là vì lòng hâm mộ tác giả. Họ vỗ tay cho tôi hay họ ca tụng tôi chỉ để hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ làm y như thế cho họ. Một ngày, khi tất cả các vì sao từ từ rụng hết, thì ai còn đây để ngợi ca những áng văn chương mà giòng người lưu vong thuộc thế hệ đầu tiên đã để lại ???
Bọn nhỏ rời phòng. Bà vợ già yếu của tôi nằm yên trên chiếc ghế bành năm xưa tôi hay nằm duyệt bản thảo. Đến phiên tôi ngồi thụp xuống ôm chân vợ, nhẹ nhàng xoa bóp cho nàng. Không biết vợ tôi có cảm được không ? tôi thì thầm với nàng “Lúc đầu anh đã bảo đừng in những của nợ mà mẹ chẳng chịu nghe!” Tôi chắc là nàng chẳng nghe được lời tôi, nhưng trông kìa, đôi mắt người vợ dấu yêu long lanh hai ngấn lệ.
5.-
Tôi vẫn đứng nhìn kệ sách trong nhà xe.
Buổi sáng hôm đó trời mưa buồn như ri. Thằng con trai dìu vợ tôi ra chiếc xe Van. Gương mặt vợ tôi lạnh lùng đến khiếp sợ. Đôi mắt nàng sụp xuống, hai mép miệng giật lia lịa như đang giận ghê gớm mà không thèm nói. Đứa con dâu vừa cột dây buộc cháu nội của tôi vào chiếc ghế trẻ nít trong xe vừa nói với chồng “Em đã cho hai chị biết địa chỉ của viện dưỡng lão rồi. Chắc chiều họ sẽ chở đồ đạc của mẹ vào “.
Hừ ! Tụi nhỏ thật tệ. Chúng đã trù tính đâu vào đó. Bà già đang bị đá ra khỏi nhà, và tôi thấy tội nghiệp cho vợ tôi biết bao. Từ nay nàng sẽ ở một nơi chốn mới với một nỗi lòng ê chề đắng cay.
Buổi chiều hôm đó trời mưa gió không ngớt. Đứa con dâu lui cui dọn dẹp nhà xe để dời kệ sách của tôi ra đây. Hai đứa con gái chở tất cả áo quần và những vật dụng cần thiết cho mẹ cũng đã trở về. Thằng David từ đâu cũng vừa về tới, đem theo một người bạn trẻ. Chúng nó cùng nhau nhích chiếc kệ từng bước một từ phòng chính ra nhà chứa xe. Tôi âm thầm đứng nhìn lòng đau như cắt .
Khi những cuốn sách bắt đầu được xếp lên kệ, đứa con gái lớn cầm cuốn thơ của tôi lên ngắm nghía một lúc rồi lẩm nhẩm “Nghĩ cho cùng, ông bà già tội thiệt”. Rất nhanh, nó bỏ cuốn thơ vào trong túi xách kế đó. Lại nhặt cuốn khác lên ngắm nghía, rồi lại bỏ vào túi xách. Cô em thắc mắc “Chị lấy chi vậy ? đọc đâu có hiểu mà lấy ? Con cái mình lớn lên cần chi đọc ba cái thứ sách này ? Thế hệ của những người như bố mẹ qua đi rồi là hết”. Im lặng một giây. Tiếng cô chị bỗng dưng hạ giọng ngậm ngùi “ Lấy chứ, lấy để làm kỷ niệm, vì họ là bố mẹ. Không có họ, không có mình”. Rồi cô oà khóc lớn. Mấy đứa con khác ngơ ngác một lúc rồi cũng rơm rớm nước mắt khóc theo.
Cả ba đứa con tôi vừa xếp sách lên kệ vừa yên lặng khóc. Tại sao dám làm những chuyện tày trời rồi lại khóc nhỉ ? A ! nước mắt tống biệt, chắc vậy ! Tuy nhiên khi nhìn những đứa con ruột thịt khóc tôi cũng thấy mũi lòng.
Người bạn của con trai tôi , thằng Joe, khoãng chừng ba mươi mấy, cầm lon bia nốc cạn một hơi, cất giọng “ Nè, khóc vậy đủ rồi “ Chỉ chỏ cái kệ sách hắn hỏi “ Chỉ có chừng này sách thôi hử ?” Cô con gái nhỏ đáp “Đâu có, còn cả hơn trăm thùng chất ở trong nhà kho sau góc vườn kia nữa”. Thằng Joe cười lớn, ba hoa chích choè “Ông cụ của các bạn chắc chắn là rất buồn khi thấy những gì mình làm không đi đến đâu. Nói thiệt nhe, nếu nhắm tác phẩm của mình có tầm vóc quốc tế thì nên in, chứ nếu những gì mình viết chỉ để xả buồn có tính cách cá nhân không đem tiền bạc lợi lộc gì hết, thì viết xong đăng báo cho vui, rồi quên luôn. Nếu giỏi, lượng sức làm được chuyện đội đá vá trời thì nên làm. Bằng không tất cả chỉ nên xem như một cuộc vui giai đoạn, chờ ngày đi vào vĩnh cửu.” Hắn ngước cái mặt lên khoái chí với những gì mình vừa nói, rồi tiếp tục “ Bày đặt in chi cho tốn tiền tốn bạc, bây giờ mất công con cái đem đi đổ “.
Trời ! lời nói chi sỗ sàng. Tôi thảng thốt vì cái ý nghĩ vừa tàn bạo vừa rất đúng của thằng Joe. Phải, những người bỏ nước ra đi đến đây họ là những kẻ thua cuộc, bất kể vì lý do gì. Quê hương cũ dứt điểm xóa tên tuổi họ. Quê hương mới rễ bén còn non. Đa số những đề tài trong văn chương hải ngoại xoay quanh những hoài hương ngậm ngùi. Những tình ái cá nhân. Những hồi ký tự đề phong xưng tụng mình anh hùng, hay cố gắng đưa ra một số lý do bào chữa biện minh sự ra đi bỏ cố hương của mình. U hoài thương tiếc quá khứ. Ưu tư thấp thỏm cho một ngày mai chưa biết đi về đâu. Cũng có một số sách viết về khoa học, hay khảo luận nhưng số người đọc rất hiếm hoi và chọn lọc. Thế hệ những người di dân đầu tiên là những người tiên phong, họ hy sinh và cực khổ nuôi các con . Thế hệ thứ hai lăn xả vào xã hội mới, học hành thật giỏi. Đa số thành công đem về cho gia đình những mảnh bằng làm rạng ngời bức tường vôi, nhưng đồng thời cũng đem về nhà những lời nói, cách cư xử làm đau lòng cha mẹ.
Tôi thở dài “Thôi bố hiểu rồi .Bố tha cho các con đó”. Tôi quay lưng lầm lũi bỏ đi trong mưa gió…
Thỉnh thoảng tôi vẫn về đứng nhìn kệ sách trong nhà xe để nhớ lại cái đam mê ngày xưa. Đứng đó trầm tư. Có một ràng buộc luyến lưu nào đó làm tôi đi không đành.
6.-
Trời vẫn còn tinh sương. Mặt đất bốc hơi trắng xoá trên một bãi rộng mênh mông. Thỉnh thoảng có một vài chiếc xe thùng, xe vận tải chở đầy nhóc rác rến tấp một nơi nào đó đã được chỉ định. Người tài xế nhảy xuống hoặc một mình hoặc với một hai người phụ, họ vội vàng cầm xuổng cầm chỗi tống rác xuống bãi. Mùi hôi thối xông lên nồng nặc, và những làn khói mỏng là là trên mặt đất kia do rác rến thối rữa lên men bốc hơi.
Tôi đứng đây từ chạng vạng tối hôm qua. Thằng con trai tôi cùng bạn nó chất đầy chiếc xe thùng, thuê của hãng U-Haul, tất cả những sách vở báo chí tài liệu tôi đã gom góp dành dụm từ ngày tôi đặt chân đến đất mới. Thơ, Văn, biên khảo, luận cứu do tôi nặn óc ra viết ngót nghét hơn sáu chục cuốn. Ngoài ra còn hơn chục xấp bản thảo chưa in. Tất cả là những lao lực tôi đã đổ vào suốt một đời.
Các con đã an trí bà vợ tôi tại viện dưỡng lão rồi. Việc tống khứ tất cả xe sách này mà chúng coi như RÁC RẾN, là một điều tất nhiên. Chiếc kệ sách tôi đánh vẹc ni ngày nào đã được bửa ra thành nhiều mảnh nhỏ. Những thanh gỗ theo nhau bay xuống vực sâu. Nhìn chiếc kệ sách lúc tàn đời, một thời nào nó đã từng là người bạn thiết của tôi, lòng tôi như muốn vỡ ra.
Tiếp đến là những xấp giấy rời. Mỗi khi bàn tay của hai người thanh niên vung lên là những trang giấy chi chít chữ bay tung như những lá truyền đơn. Ô hãy nhìn xem, những con chữ từ những trang giấy bay ra như hàng tỉ tỉ cánh bướm. Những chú bướm tí ti yêu dấu đập đôi cánh tơi tả…Tuyệt vời thay cho chính tôi! Tuyệt vời thay ý nghĩa separatio ứng dụng như một nhựa sống thần kỳ! Phải, chất lãng mạn trong tôi vẫn còn dù trong giây phút đớn đau. Hình ảnh ngàn vạn mảnh giấy bay lượn trong ánh chiều tà, trong giờ hoàng hôn trên bãi vắng mông mênh ít người, thật tuyệt vời. Trong phút chốc, tôi cảm thấy bị khích động vô cùng, cõi lòng ôi lai láng tràn trề, ôi vui lạ lùng. Thế ra trong sự Chết vẫn có sự Sống, dù mong manh.
Cuối cùng David đứng trên xe, dùng sức mạnh đá hơn trăm thùng sách xuống vực. Giữa lưng chừng trời thùng giấy cạc tông vỡ toang và sách, cuốn này nối cuốn kia tuôn ra như suối. Trong chuỗi ánh sáng màu tím cam của hoàng hôn đang lịm chết, suối sách chảy giòng thần thoại tuyệt luân. Suối sách ! Suối của muôn tiếng thì thầm biến ảo, suối của ngàn vạn mộng mơ đang thoi thóp… Trái tim tôi gào khóc tận cuối chân trời. Hồn tôi vút cao, lên lên cõi ta bà rồi lại phóng sâu chìm chìm vào vùng tuyệt kỷ siêu linh. Nỗi cô đơn huyền diệu trong tôi tan trong say ngất chao đảo. Như tia xẹt, linh hồn tôi nhập vào dòng suối kỳ lạ kia. Chơi vơi. Ngã nghiêng. Hụt hẫng…
Hơn trăm thùng sách trong một thời gian kỷ lục đã được đổ xuống hố đất. Chiếc xe lại rú lên, nhả khói đặc sệt , ồn ào phóng nhanh như đưa con tôi chạy trốn.
Tôi thủng thẳng bước lại chỗ chiếc xe đậu lúc nãy. Một số sách của tôi rơi rải rác đây đó. Tôi cúi xuống nhặt một cuốn. Từ đâu, một ngọn gió buốt lạnh tận xương tủy bất ngờ thổi tôi bật ngửa. Rác rến bay từng luồng xoay vòng, xoay vòng, xoay quấn lấy tôi. Cuốn sách rung bần bật trong tay nhưng tôi ghì cứng nó lại. Từ trong sâu thẳm của cõi lòng vang vọng lời biện giải thiết tha: “Ta là Thơ . Ta là nỗi đam mê cuồng cháy. Ta là nét đẹp tuyệt song. Ta, đêm sâu trong sầu muộn. Vũ trụ nơi nào, chính ở trong ta?”
Thần gió ngưng thổi, vạn vật lại hài hòa như cũ.
Gió đêm hiu hiu lật giúp tôi từng trang. Dưới ánh sáng xanh xao huyền hoặc của đêm trăng lưỡi liềm, tôi miên man đọc những sáng tác xưa. Lờ mờ đây đó, bóng đen những chiếc xe ủi đất nằm yên lặng nghe tôi ngâm nga những lời thơ sầu thảm…
7.-
Ban ngày bãi rác rất ồn ào. Sinh hoạt thật náo động. Từng đoàn xe tải này đến từng đoàn xe tải khác từ muôn phương trong thành phố liên tục nối đuôi nhau đến đây để tống xuất đồ xú uế. Mùi hôi kháy cả mũi. Hàng chục chiếc xe to lớn dềnh dàng màu vàng sẫm trang bị những cần xúc chạy lui chạy tới trên những đống rác vừa mới được ai đó đổ xuống. Xúc bên này đổ bên kia. Những chiếc xe tăng khổng lồ, vàng khè, nặng nhọc chạy nghiến lên muôn triệu rác rưởi. Nào sắt nào kẽm nào gỗ nào cây nào bàn ghế nào tường vôi nào áo quần. Mắt tôi chóa lên trước sự hủy diệt. Mỗi ngày, cùng với những chất dơ dáy, những gì cũ nát lỗi thời và phế thải đều được đưa về đây. Cùng trong một không gian, tôi nhìn thấy Hiện Tại, Quá Khứ và Tương Lai. Tôi nhìn thấy sự Sống và sự Chết lẫn lộn vào nhau, xoay vần trong nhau và dựa vào nhau để rồi tan biến trong nhau.
Ánh tà dương trở về chiếu những tia vàng vọt thương đau. Hàng ngàn cánh chim mầu trắng bạc đập cánh la đà bay trên cánh đồng rác. Tôi dõi mắt theo nhìn con dã thú bằng sắt Bulldozer đang trườn tới chỗ sách của tôi được đổ đêm qua. Nó dang đôi cánh tay dài ngoằn ra. Hai bàn tay, to như hai cái chậu, đầy móng vuốt, phụp xuống tàn bạo trên đống sách. Hốt một mẻ sách lớn rồi hất tất cả sang một bên. Phụp xuống một lần nữa sâu hơn để hốt mẻ khác, rồi lại hất lên đám trước. Cứ như thế cho đến khi hai bàn tay nỉa sắt thọc xuống đám rác cũ rữa thối. Mỗi lần con dã thú xong trò chơi xới trộn, xê mình đi chỗ khác là hàng ngàn con chim đói ăn lại sà xuống mổ mồi lia lịa. Đám rác cũ được xới lên đầy nhúc những dòi bọ bò lổm ngổm trên những vần thơ mỹ miều của tôi, trên những dòng văn óng mượt, trên xương máu tim óc mồ hôi của một đời tôi nhọc nhằn…
Thình lình có những luồng sóng tràn tới vây xoáy lấy tôi, càng lúc càng đáng sợ. Lửa ngọn khiếp đáp, nhiệt lượng tàn canh. Đó có phải là thời điểm của lúc nghiền nát cùng tận?! Một sức nóng vũ bão như đang ngấu nghiến tôi. Tôi nghe một điệp khúc kỳ quái “Tái tạo. Tái tạo. Tái tạo…”. Điệp khúc này càng lúc càng dồn dập, thôi thúc, gần như ép tôi vào một trạng thái điên cuồng.
Trong bức bách tôi cố gắng không gục ngã. Trong tôi gào tiếng ngợi ca đức thánh.
Ai đó vỗ nhẹ vào vai tôi . Một giọng nói rất mơ hồ rót vào tai “ Xác thân anh đã rữa thối từ lâu rồi. Đi thôi “
Tôi nói “Không đi. Trái tim trong tôi vẫn còn vang tiếng đập. Những công trình của tôi vẫn còn đây. Với những tận tụy tôi đã dâng hiến cho đời, làm sao tôi có thể bỏ đi được? “
Tiếng nói như gió thoảng lại lọt vào tai “Cái Tôi mà anh nói đã hết rồi. Anh đã nhiều lần về nơi nhà xe, cố bám víu vào những gì anh tự cho là những hoàn tất tuyệt tác. Cuộc chơi đã tan, màn đã hạ, và công việc tẩy uế đang tiến hành… Cũ sẽ thành mới. Mới theo thời gian lại trở nên cũ. Bánh xe quay tròn mãi thành vòng không bao giờ ngưng và sự bất diệt không hề có . …Những gì để lại không thuộc về bất cứ ai …”