Lời tác giả
iểu thuyết Giăng thề tôi viết năm 1942, ở Thủ Dầu Một bên sông Sài Gòn vùng đồn điền cao su Dầu Tiếng, khi trên phố chợ khi ở xưởng than Bến Ray. Tình cờ làm sao mà câu chuyện trong tiểu thuyết này ủ ấp sáng tạo ở quê Nghĩa Đô tôi lại viết ra bên rừng bờ sông Sài Gòn xa xôi. Thế mà cũng thành một nếp suốt đời tôi trong sáng tác. Nhiều khi sửa soạn viết một cái gì, tôi thường đi nhiều nơi. Tôi đã viết tiểu thuyết Đảo hoang chuyện Mai An Tiêm và quả dưa hấu, những chương đầu viết ở Phai Vệ thị xã Lạng Sơn. Hang Phai Vệ là quang cảnh nhà An Tiêm bị giam trong hang đá trước khi bị nhà vua đầy đi đảo xa. Tôi lại đã viết đoạn cuối tiếu thuyết Đảo hoang này ở bãi biển nghỉ mát Yalta bên bờ Hắc Hải. Cái núi Gấu và sự tích núi Gấu ở biển Yalta với bóng con gấu yêu thương mà vợ chồng con cái Mai An Tiêm đã giã từ để trở về đất liền, sau bao nhiêu năm bị lưu đầy. Cũng như gần đây năm 1996, tập hồi ký Chiều chiều của tôi được viết ở Đà Lạt. Cả đời cầm bút, cũng thành cái thói riêng làm việc như thế. Còn nhớ khi ngoài hai mươi tuổi, tôi vừa in truyện Con dế mèn (về sau viết tiếp và đặt tên là Dế mèn phiêu lưu ký), ông Vũ Đình Long chủ nhà xuất bản Tân Dân đã hợp đồng với tôi viết truyện ngắn cho tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, truyện cho sách Truyền Bá của thiếu nhi, và tiểu thuyết cho sách Phổ Thông. Tôi đi đâu thì ông gửi tiền nhuận bút qua đường bưu điện. Vì thế, tôi đã đến được Sài Gòn rồi đi Thủ Dầu Một. Tôi có anh bạn cùng làng đi làm phu cao su đồn điền Michelin ở Dầu Tiếng. Nhưng đến Dầu Tiếng thì bạn đã đi nơi khác. Anh theo người ta đi làm thợ dệt ở Kampot bên Kampuchia. Bà con miền Nam đối với người qua lại, dẫu tôi là một “thầy Huế” từ ngoài Bắc vào cũng thật xởi lởi, vồn vã. Chẳng quen biết mà rồi cũng trở nên thân tình. Thế là tôi lại viết tiểu thuyết Giăng thề - một câu chuyện về làng xóm quê tôi. Bao nhiêu năm sau, đất nước đã hoàn toàn giải phóng, tôi có dịp trở lại Dầu Tiếng. Tôi ở nhà khách cơ quan nông trường cũng trên sông Sài Gòn. Xa xa, núi Bà Đen bên kia rừng vẫn xanh đen. Nước sông vẫn trong veo, trông thấy từng con cá bơi nhởn nhơ. Tiếng còi nhà máy vẫn rít lanh lảnh trong đêm khuya. Những người thân thiết ngày xưa thì chẳng còn ai. Đầu chợ, những tấm bia ghi tên những người trong thị trấn, những chiến sĩ dân quân đã hy sinh từ đầu kháng chiến chống Pháp.