Mèn ơi, dì Chín! Hèn lâu mới được thơ dì. Té ra kỳ hè nầy dì đi nghỉ mát ở miền núi Anh-bờ (Alpes). Thiệt dì sung sướng quá, tiền già lãnh đều đều, chơn cẳng còn dẻo để chạy áp-phe kiếm thêm tiền bạc phây phả, năm nào dì cũng đi nghỉ mát, thiệt tình tui có lời mừng cho dì.
Tui khác dì ở chỗ, một khi ra hải ngoại rồi thì trời, biển, núi, rừng, thị trấn nào cũng là những cái của người dị chủng. Ði đâu tui cũng có cảm tưởng lạc lõng, bởi đó nên tưi ưa lúc thúc ở nhà, o bế lau chùi nhà cửa đồ đạc, mỗi ngày hai khoá tụng kinh lai rai, tối tối trước khi đi ngủ tui tụng bảy biến chú Ðại Bi để cái tâm từ bi chan hoà, kéo thần thức vô giấc ngủ suông sẻ.
Dì hỏi ở Troyes có gì lạ không. Hình như có lạ chút chút. Số là con út Quế Lan của tui tuần trước thèm ăn canh chua bạc hà. Tui không biết thứ bạc hà bày bán ở tiệm thực phẩm Á châu có phải là bạc hà thiệt thọ không, coi thì thấy bẹ lá cũng giống như bẹ bạc hà nhưng màu đậm hơn, tui liền can gián nó:
- Tao coi bộ thứ bẹ bạc hà nầy hơi giống bẹ môn. Nếu gặp môn ngọt thì không sao, lỡ ăn nhằm môn ngứa, có nước ngậm vôi ăn trầu cũng chưa hết ngứa.
Cỏn ỏn ẻn:
- Bạc hà thiệt đó má. Chèn ơi, bạc hà nầy mà nấu với cá đổ-rát (dorade) thế cá lóc thì ngon nhức nhối chớ không chơi. Má để đó cho con. Ðêm qua con nằm chiêm bao thấy mình ních một tô canh chua bự tổ chảng, sáng nay con không biến mộng thành thiệt thì con ấm ách, khó chịu lắm.
Miệng nói, tay nó lượm bó bạc hà bỏ vào giỏ xách thì tui còn mồm miệng nào ngăn cản nó nữa, hả dì?
Canh chua sắp dọn ra thì cỏn quay điện thoại mời thằng kép Bắc kỳ và hai con bạn của nó tới ăn. Riêng tui, cũng bởi gởi mua được trầu, cau, vôi, thuốc nhờ bà bạn đi Paris về nên tui nhai miếng trầu để nhớ cố hương. Tui nghiền ngẫm miếng trầu, vị nồng của vôi, của trầu hoạ với vị chát của cau, vị cay của thuốc trở nên nồng mặn, thơm tho khó tả. Tui nhai trầu thiệt chậm rãi, cảm thấy hơi thở mình trở nên tinh khiết, máu chảy trong huyết quản mình ấm áp dị kỳ. Như dì biết, năm 58 tuổi tui mới bỏ nước ra đi, đã tập ăn trầu hơn hai năm cho mặn mòi bà già, cho răng cỏ chặt chịa. Bởi đó mà tui ghiền trầu, khác hẵn mấy bà già tân thời ở Sài-gòn. Trên đất khách không dễ gì mua được trầu cau nên tui đành nhịn. Nay gặp được trầu tui dại gì mà không khỉa một miếng cho ấm áp cuộc đời, cho mình sống lại ngày xưa, hén dì?
Miếng trầu coi vậy mà cứu khổ cứu nạn tui đó dì Chín.
Thằng kép độc của con gái tui cùng hai con đào lẵng bạn nó xúm xít quanh mâm cơm, bắt đầu ca tụng canh chua miền Nam và công kích ông Vũ Bằng. Con Thanh Hoa trề môi dài cả thước:
- Ông Vũ Bằng khi Món lạ miền Nam mà quên viết về canh chua. Tuy canh chua phổ thông ở miền Nam nhưng em tin chắc nó là kỳ quan đối với người Bắc, đối với ổng.
Kép Tuấn Phương gốc Bắc kỳ, nói xuôi:
- Người Bắc có món riêu nấu với nhiều loại cá nhưng không phong phú bằng món canh chua miền Nam.
Con Minh Nguyệt ỏn ẻn:
- Người Nam nấu canh chua bằng me nè, bằng lá giấm nè, bằng lá dang nè, bằng cơm mẻ nè, bằng măng chua nè...Nấu với cá gì cũng được, với tôm cũng xong, với thịt gà càng ngon nữa...
Tui nghe cái giọng kỳ thị Bắc Nam mà phát ghét, liền mắng:
- Tụi bây cứ ăn canh chua cho đã đời chê chán đi. Hơi đâu mà bây chỏ mỏ ngắt véo người Bắc, xỉa xói ông Vũ Bằng? Người ta có công với văn học, bây mang ơn không hết, có lý đâu đem ổng ra thượng mổ hạ xẻ ổng?
Tụi nó liền tẻn tò nín khe. Thế rồi mạnh thằng thằng chan, mạnh con con húp. Chừng một tiếng đồng hồ sau, mặt ba con đào lẵng kia sưng húp và đỏ ké. Còn thằng kép độc thì nổi mề-đay cùng mình, ngứa gãi thôi tưng bừng...Rốt cuộc tui phải điện thoại kêu con Ba Quế Anh chở tụi nó tới bịnh viện gần tháp nước. Tui sợ điếng, sợ tê dại. Mấy cỏn khóc rấm rứt. Con Minh Nguyệt tấm tức:
- Chu choa ơi, nghĩ tới cá màn rửa, súc ruột mà em mọc ốc cùng mình.
May một điều là bác sĩ trực chích thuốc rồi kê toa cho tụi nó mua thuốc trị cái dị ứng do bạc hà thổ tả đó gây nên.
° ° °
Dì Chín, tui rất mừng là ba đứa con gái cưng của tui có tinh thần dân tộc vững mạnh. Như con Út Quế Lan của tui đây đời nào mà thèm ăn cơm ở căng-tin buổi trưa lúc đi làm! Mỗi sáng, tui phải dậy sớm nấu com canh, kho thịt cá rồi xếp vô mấy ngăn gà-mên cho nó đem theo đến hãng xưởng. Con nầy chê tất cả các món Tây, nó chỉ ăn món tây do tay nó nấu, tra thêm nhiều gia vị.
Tui coi bộ hồn quê ám ảnh nó hơi nhiều. Hồn quê thường thể hiện bằng món ăn. Cứ vài hôm, nó lăng líu:
- Mèn ơi, hồi hôm tui nằm chiêm bao thấy ăn cá lóc kho tiêu có chan mỡ xắt hột lựu.
Chiều đi làm về, nó lái xe đến tiệm thực phẩm Á châu mua cá lóc đông lạnh về kho tộ. Bữa khá, nó véo von:
- Chèn ơi, tui nằm mộng thấy được về quê ăn canh chua dưa măng nấu với cá bông lau.
Tuần lễ đó ở Troyes không có cá bông lau đông lạnh, nhưng nó vẫn mua dưa măng để nấu với cá hồi.
Tới màn nó nằm mơ thấy ăn sầu riêng, là tui bắt đầu nhức đầu rồi đó dì Chín. Hồi ở Việt Nam tui đã sợ thứ trái cây nầy. Hễ tập ăn là nhợn miệng, bợn dạ và choáng váng mặt mày. Con Út Quế Lan vốn chủ trương biến mộng thành thực, đổi ảo thành chơn nên cuối tuần nó lái xe đi Paris để mua sầu riêng cho bằng được. Khi nó đem hai trái sầu riêng bự tổ chảng về thì con Hai Quế Hương, con Ba Quế Anh từ Ba-suyt-ốp (Bar sur Aube) lái xe đến chực sẵn. Cả ba chị em nó pha cà-phê thiệt ngoan rồi vừa ăn sầu riêng vừa nhấm nháp cà-phê, chót chét chuyện đời lảnh lót. Tui phải rút lui về buồng, xức dầu Nhị thiên đường lên chót mũi để báng mùi sầu riêng quái ác kia đi.
Như dì rõ đó, con Út tui chỉ thương nhớ cố quán, cố hương, cố quốc qua miếng ăn. Sức mấy mà nó chịu giúp đõ hội Ái hữu Việt kiều trong cá cuộc tổ chức hội chợ hoặc các buổi trình diễn văn nghệ giúp đồng bào vượt biển! Nhưng mà hễ có đêm nhảy nhót nào do kiều bào tổ chức thì nó mừng húm, mua vé đi nhảy cho tới gần sáng bét, sáng bạch mới chịu về nhà.
Chiêm bao, chiêm bố, chiênm bị! Mèn ơi, tui cũng gặp hoài những hình ảnh cố hương trong chiêm bao như bao người Việt tị nạn khác. Tui thường thấy lại khung cảnh Phú Giáo mà tui đã sống, những cảnh di dân lánh nạn Cộng sản khỏi vùng xôi đậu, những trại định cư giữa các trại lính Ðịa phương quân và các đồn bót Nghĩa quân. Tui cũng thấy lại quê ngoại tui ở vùng Lái Thiêu đẫm đầy bóng mát những cây dâu miền dưới, cây chôm chôm, cây bòn bòn, cây măng cụt, cây mít tố nữ….
Có một đêm tui thấy một chiếc ghe đậu dưới bến chợ Lái Thiêu chở đầy chén dĩa, tô tượng, vịm chậu bằng sành, cái thì tráng men ngà, cái thì tráng men xanh, cái thì tráng men màu da lươn. Tới chừng tỉnh dậy tui bồi hồi xúc động không tài nào dỗ giấc trở lại.
Tui quên kể cho dì biết căn nhà con Út tui thuê giá mỗi tháng 700 quan, nước mưa hay thấm vô tường cho nên hễ mùa mưa là nhà âm ẩm hơi nước. Tui vốn bị phong thấp, hễ mưa kéo dài hai ngày là tui đau nhức từng khớp, từng lóng xương, mình mẫy tê mê. Một đêm nọ tui lại chiêm bao thấy mình đứng trước một tiệm thuốc bắc gần ngôi chợ miệt vườn hồi chạy tản cư. Làng đìu hiu bên dòng sông nhỏ. Vào lúc xế chiều, nhà lồng chợ trống trơn. Tiệm thuốc bắc có một chú chệt mập ú, tóc thắt đuôi sam, tay nung núc mỡ, đeo chiếc vòng cẩm thạch màu xanh hoa lý, bụng bự chang bang. Chú cởi trần trùng trục, cầm cái dầm khuấy vào chảo gang đựng mật ong đang sôi sùng sục. Còn mụ vợ bó chân nhỏ xíu, đi lẩm đẩm tới quầy hàng, tay gảy vào bàn toán lách cách. Ðó là những chú chệt, thím xẩm giàu có, thuở 1945 hãy còn tồn cổ…Vậy mà khi tỉnh dậy tui cảm hoài, cảm khái nghĩ ngợi lan man. Tuổi già nơi đất khách sung sướng thì có, nhưng ấm áp thì còn hỏi lại. Tui vụt thèm một căn bếp có nồi, trách, ơ bằng đất, có mẻ lửa than cháy đỏ. Dì ơi, kho cá bằng trách, bằng ơ đất trên mẻ lửa than chắc chắn cá sẽ thấm tháp, mặn mòi hơn. Nướng cá, nướng thịt trên mẻ lửa than, mỡ cá mỡ thịt nhỏ giọt xuống than, hơi mỡ cháy sẽ ướp khứa cá, miếng thịt thơm hơn. Còn nói gì mình nấu cơm trong chiếc nồi đất! Khi nước cơm cạn, mình phủ một miếng lá chuối trước khi đậy nắp vung lại, hột cơm thấm mùi lá chuối, thơm phưng phức. Tui không thể cắt nghĩa tại sao cơm nấu bằng nồi đất lại ngon hơn cơm nấu bằng nồi đồng, soong nhôm, nhưng sự thiệt là vậy đó dì!
Cứ mỗi cơn đau nhức mình mẩy vào lúc trời mưa, tui lại đâm ra nhớ cảnh đốt hoả lò để sắc thuốc bắc trong cái siêu bằng đất. Thuốc bắc uống thì đắng nhưng mùi thuốc sắc thì ấm áp, thơm tho. Hồi tui còn son giá, sống trong sự tưng tiu, đùm bọc của tía má tui, hễ khi tui ể mình, ấm đầu sổ mũi là má tui đưa tui tới ông bang trưởng bang Phước Kiến vốn là chủ nhơn tiệm Hạnh Huê Ðường ở tỉnh nhà. Ổng sau khi xem mạch hốt thuốc còn cho tui một trái táo tàu và một trái cà na khô, gói chung vô gói thuốc. Má tui khi sắc thuốc xong, rót thuốc ra chiếc tô kiểu tráng men lam đặt trên dĩa sứ trắng. Bên cạnh tô thuốc là trái táo tàu và trái càn na khô tươm mật ướt trĩn. Dì ơi, tuổi già của chị em mình nơi xứ lạ quê người cần có thuốc bắc mới ích khí bổ thần. Ngặt một nỗi trên các nước Âu Châu không có tiệm thuốc bắc.
Thằng rể tui, chồng con Hai Quế Hương, kỳ hè năm ngoái đi viếng thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, khi về mua cho tui một mớ thuốc bắc gồm có thuốc xổ, thuốc trị nhức mỏi, thuốc trị no hơi sình bụng và ba thang thuốc ích khí bổ thần. Tui nài được chiếc siêu đất để sắc thuốc, nhưng sắc bằng lửa lò ga, không đúng điệu lắm. Nhưng mà có còn hơn không, phải không dì?
Dì Chín ơi, chúng ta thiếu cái không khí xứ mình. Ở nhà tui cũng nấu phở, nấu suông, nấu bún bò, đổ bánh bèo, tráng bánh cuốn, để cùng ăn với con, rể. Nhưng thỉnh thoảng tụi tui rủ nhau đi Paris ăn tiệm ở quận 13, sau đó đi viếng thăm các nơi để thấy chung quanh mình toàn là đồng hương, để hưởng vài giây phút cố hương trong các tiệm bánh mì dồn thịt, trong tiệm sách báo và băng nhạc…Có nhiều lúc tui nghĩ rằng ở khu Paris 13, nếu ông xã trưởng Tây cho phép ai đó đóng bàn ghế bằng gỗ, mà phải là ghế đẩy rồi che mái tôn bán cà phê vào mùa hè, chắc là cái quán cốc đó sẽ đắt khách lắm. Nếu có ai sắm được gióng, gánh để bán cháo lòng, bì bùn, bánh canh, bún bò, bánh ướt, chè đậu thì chắc thực khách sẽ chiếu cố nườm nượp. Và nếu ai đó sắm được xe đẩy có gắn mấy miếng kiếng vẽ sự tích truyện Tam Quốc xanh đỏ loè loẹt để bán mì, hủ tiếu, hoành thánh…tui chắc khách hàng sẽ chen lấn tới mua. Dì ơi, ăn hàng chưa đủ ngon, mà còn phải ăn cả hình ảnh cố hương, có phải không?
Bởi đó bánh chưng, bánh tét gói bằng giấy bạc đâu có ngon thua bánh chưng, bánh tét gói bằng lá chuối bao nhiêu, nhưng Tết nhứt mà bày những tấm bánh chưng, những đòn bánh tét bằng giấy bạc coi sao trơ quá, dù trước khi gói, người ta có trộn nước cốt lá dứa vào nếp cho có màu xanh và thơm tho như nếp thấm nước lá chuối khi luộc. Cũng vậy, muốn treo các xâu nem trong bếp, ta vẫn thích nem gói bằng lá chuối và khi bày nem ra dĩa, phải lót nem trên lớp lá vông hay lá chùm ruột thì dĩa nem mới ngon mắt, đượm tình.
Mình già rồi, dì Chín à, cứ ưa sống trong kỷ niệm, bởi mình có biết làm gì hơn! Tụi nhỏ hay tụi xồn xồn còn bay nhảy được nên tụi nó còn nguôì ngoai nỗi nhớ cố hương để lo việc sắp tới, việc tương lai cho con cái. Nói nào ngay, ba đứa con gái tui đều biết thương mẹ, nên hè rồi con Hai Quế Hương đề nghị:
- Hè nầy má đi tắm biển với tụi con đi. Hay là đi núi Vôi (Vosges) cũng gần đi thôi. Tụi nầy sẽ thuê nhà gỗ để ở chung với má.
Tui lắc đầu lia lịa:
- Ðất nước nầy đâu phải đất nước của mình. Ði chơi chỗ khác hay là ở Troa (Troyes) nầy thì cũng như xa nhà rồi. Tao đi chơi biển, chơi hồ đâu thể bận may-ô hay bận đồ tắm hai mãnh như mấy mụ đầm già! Tới chỗ có nước, tao bất quá thọc hai bàn chân xuống nước mà cũng gọi là tắm thì đi tắm biển kiểu đó uổng tiền lắm! Còn đi chơi núi, tao đâu có hơi sức để leo núi nữa. Bây có thương tao thì như mua trầu cau thường cho tao, mua truyện Tàu, tiểu thuyết cụ Hồ Biểu Chánh, mướn phim tập cho tao coi là bây trả hiếu cho mẹ bây rồi. Mà bây có mướn phim tập làm ơn tránh giùm tao loại phim chưởng có kẻ gian ác đánh kẻ hiền lương hộc ra hai ba đấu máu. Tim tao yếu, thấy máu mủ là tao xây xẩm mặt mày.
° ° °
Dì chín, con Út tui cứ chiêm bao các món ăn lia lịa, nên tui coi bộ nó lúc nầy bắt đầu tròn trịa rồi tròn hoay mấy hồi. Ðược cái, con gái còn trẻ tuổi, còn son giá, dẫu nó ít nạc mỡ nhiều thì cái bụng nó cũng còn sát rạt. Mỡ chỉ đắp lên mông nó chè bè. Vậy mà thằng kép nó khen nó sét-xi, nịnh sao mà hỗn hào! Tui thấy thằng đó cũng được trai, ăn ở tử tế nên mừng thầm con mình đã chọn mặt gởi vàng, rồi đây tôm cá sẽ lội chung bàu, vịt le sẽ đậu chung bãi. Bởi đó tui ưa nấu món ngon vật lạ cho thằng kép nịnh gốc Bắc đó ăn.
Tui quên nói cho dì hay, gia đình thằng Tuấn Phương hiện giờ ở khu Nhà Thờ Xanh Lục (La Chapelle Saint-Luc). Tía nó hồi xưa làm việc ỏ nhà bưu điện Sài gòn nên dân ở đây kêu là cụ Phán giây thép. Cụ Phán bà khuấy bánh đúc ngon thần sầu. Ngặt bả không ăn trầu nên mỗi khi khuấy bánh đúc là tới xin vôi của tui. Riết rồi dân Bắc kỳ ở Troa trước khi khuấy bánh đúc là điện thoại cho tui để xin vôi. Tui biết ý nên mua vôi mỗi lần hai ba kí, dự trữ trong nhà, hễ ai xin là tui cho. Ðôi khi tui gởi bột gạo, đậu phọng, cùi dừa nhờ họ làm bánh đúc giùm. Mấy bả sẵn lòng khuấy bánh đúc giùm tui, nhưng khi tui nhờ họ chỉ dạy cách làm thì họ tìm cách quanh quẩn để từ chối. Họ làm giùm bánh thiệt ngon, cốt để khoe tài, nhưng dấu cách làm như tui giữ hột xoàn, như thần tài giữ kho tàng trân bữu.
Tui chắc mẽm con Út Quế Lan của tui sẽ là vợ thằng Bắc kỳ Tuấn Phương nên tui giao du với cụ Phán bà và kiều bào gốc Bắc thường lắm. Tui cho con gái út ít của tui ăn bánh đúc chấm mắm tôm hà rầm, ăn bánh đúc chấm tương Cự Ðà lia lịa, để tâm hồn nó thấm tháp phong vị Bắc kỳ, để mai sau nó yêu thương đắm đuối, mặn muối cay gừng với tên kép nịnh kia.
Ai dè một hôm con út mập của tui vừa đi Ba-suyt-Xen (Bar-sur-Seine) về, rít nghe ớn óc:
- Thôi rồi, con gặp thằng tiểu tặc Bắc kỳ đó sánh vai với con đầm ở chung cư gần nhà bưu điện Sạt-trơ (Chartreux) đi câu cá. Má biết con đó mà, con đầm sến chiều mát ưa đưa hai đứa con nó lại trước sân chung cư mình để chơi cầu tuột đó!
Tui giựt mình đồm độp. Thằng Tuấn Phương sanh sự lấy đầm? Ông bà ông vải ơi! Trai Mít mà lấy mấy con Phiên nữ thì đúng là đuôi chuột vọc hũ mỡ! Con út tui coi vậy chớ trai Pháp trai Việt xun xoe đeo đuổi nó hà rầm. Nhưng bởi nó mê ngón đờn ghi-ta cùng giọng hát giống Chế Linh, Duy Khánh của thẳng nên nó cho gie nhiều đám. Thẳng dám cho con gái tui đi tàu bay giấy lên chín từng mây xanh rồi đá giò lái ngang xương cho nó té xuống đất, càng lên cao càng té đau là vậy. Tuy vậy tui cũng tìm lời phải quấy khuyên can con Út:
- Thôi con. Ai làm quấy có đất trời chứng giám. Con mà bày đặt trả đủa nớ, nay Lao Ái mai Tiết Ngao Tào, sớm đào tối mận thì làm nhơ danh đờn bà con nhà có đạo lý.
Cỏn chui vô buồng, đóng cửa khóc rấm rứt suốt cái cuối tuần. Trọn tuần lễ sau, nó lững đững lờ đờ, dật dờ hồn phách, oán trách kẻ bạc tình, bất bình duyên số. Vào cuối tuần kế, hai thị đào lẵng Minh Nguyệt, Thanh Hoa có ghé nhà chơi. Tui cũng mừng cho con gái tui có bạn an ủi, nói chuyện tầm ruồng để giải sầu. Tui lật đật đi nấu suông đãi khách. Ðứng trong bếp quết nhuyễn tôm, tui lóng tai nghe tụi nó đía dóc. Con Minh Nguyệt vo vảnh:
- Xời ơi, tao tưởng thằng Tuấn Phương của mầy quơ được con đầm nào sạch nước cản, ai dè nó vướng vô con Bô-Lết (Paulette). Con đó hôi nách, quơ nó thà quơ con chuột xạ còn sướng hơn.
Con Thanh Hoa cười:
- Nó hôi nách với mầy, với người khác, nhưng nó thơm tho với thằng Tuấn Phương thì sao?
- Con đó mỗi tuần mới tắm một lần. Ít khi nó chịu súc miệng. Hễ hôi nách là nó nã dầu thơm vô nách. Mỗi sáng, nó làm biếng súc miệng đánh răng nên cứ nhai sơ-uynh-gôm để báng mùi hôi răng.
Con Út tui chua ngoa:
- Cứt có thúi mới rù quến được chó. Chuột chết sình mới nhử được kên kên, quà quạ, diều hâu.
Tui bước ra, chỉnh tụi nó:
- Tụi bây còn nhỏ mà nói giọng phách, giọng cầu cao, không sợ giảm phước, không sợ mắc khẩu nghiệp hay sao? Thằng kia không thương con Út nữa thì nó tháo lui trước. Nó chưa đến cho con Út cái bụng chình ình là may phước rồi.
Tui nghĩ tui buồn lắm dì Chín à! Con Út tui vì mê thằng kép Bắc kỳ nên nó ăn lìm lịm bánh đúc chấm mắm tôm, bún riêu, bún thang, bún bung, bánh cuốn… Khi rã rời keo sơn với thẳng, nó vẫn mê các món Bắc kỳ dài dài. Còn tui ra công làm món Nam, nào suông, nào chạo, nào bánh tầm bì chan nước cốt dừa…cho thẳng ăn, vậy mà sao tâm hồn nó không thấm đậm tình ý Nam kỳ, không chịu cưới con gái tui cho rồi! Ðẻ con gái là để dành gả cho kẻ xứng lứa vừa đôi, chớ tui không dám giữ lâu, đố khỏi có ngày sanh giặc.
Tui cứ nằm chiêm bao thấy mình ngồi chễm chệ trên “đi-quăng” chơn qùy. Con Út tui bận áo dài gấm, đầu đội khăn vành dây đứng bên thằng đực mặc áo dài gấm, đầu chít khăn đóng, sắp sửa lạy tui trong ngày rước dâu. Tui sung sướng khóc rấm rứt và tỉnh dậy, để rồi trằn trọc khoảng đêm còn lại.
Như dì đã rõ, tui hề chưa được diễm phước làm đám cưới cho con Hai Quế Hương và cho con Ba Quế Lan. Tụi nầy, con chị kéo con em, con em đeo con chị, xách gói êm ru bà rù về nhà trai. Rõ ràng là gái đâu có gái hỗn hào. Trai chưa làm rể, gái vào làm dâu! Sau bốn lần cặp xách lung tung lang tang, hết thằng đực nội hoá nầy tới thằng dâm tặc ngoại bang khác, con Hai Quế Hương may mắn được thằng Bắc kỳ tuy có cù lần nhưng tử tế làm giá thú đàng hoàng. Ðứa con gái đầu lòng của tui gìờ đây yên nơi yên chỗ, hư trước nên sau, thôi vậy tui cũng mừng. Còn con Ba Quế Anh thì có xé rào lấy tên Pháp tặc hồi còn ở Lộc Ninh, nhưng dầu sao nó vẫn một chồng một vợ, không có vụ buông rồng bắt rắn, đổi trắng thay đen.
Hai con gái lớn của tui biến tui thành bà ngoại quốc tế đó dì. Tui có cháu ngoại Mỹ, cháu ngoại Pháp, cháu ngoại Việt…nhục nhã để đâu cho hết! Khi con Út tui tò tí với thằng Bắc kỳ, tui cũng vái cho duyên nợ nó vuông tròn, như nước mắm hòn pha nước mắm Phan Thiết. Ai dè tên kép nịnh thích mùi chuột xạ củ con đầm Bô-lết nên giết tình đồng chủng với con gái tui. Cái hư bắt đầu từ con chị, từ con chim đầu đàn có phải?
Ít tuần sau con Út vắng nhà hà rầm. Thiên hạ kiều bào ở khu Nhà Ðỏ xầm xì xụt xịt chuyện cỏn dan díu với thằng Tây sửa ống nước có nhà ở gần ga xe lửa. Thôi rồi, con nha đầu yêu lồi nầy muốn trả đủa thằng kép nịnh nên quơ đại tên Pháp tặc xuất thân lao động kia. Bao phen tui gạn hỏi cỏn thì nó mồm năm miệng mười chối leo lẻo: "Làm gì có! Ðâu mà có! Ðâu có chuyện kỳ cục như vậy! Má tin mấy con mụ lẽo lự đó thì có nước bán lúa giống!"
° ° °
Bao nhiêu kỳ vọng nơi cô con gái út của tưi đã tan tành theo mây khói rồi đó dì Chín. Bây giờ tui tìm an ủi nơi miếng trầu vào những đêm khó ngủ. Nhai trầu để thấm thía cảnh sống tạm dụng hiện tại. Nhai trầu để nhớ lại căn nhà quê quán ở tại xã Bố Lá, quận Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Như dì đã rõ, vào năm 1969, ông Tướng vùng III thấy xã nầy thuộc vùng xôi đậu nên ra lịnh di dân về trại định cư Bến Cát. Chánh quyền quốc gia phái toán dân sự vụ tiểu khu Bình Dương với Sư đoàn 5 Bộ binh tới lo vụ đó. Trước khi đưa dân rút lui, họ giựt sập tất cả nhà cửa để Việt cộng không chỗ tá túc. Ngôi nhà ngói ba căn hai chái của tui chỉ trong một giờ đồng hồ là thành đống gạch ngói ngổn ngang.
Ba mẹ con tui sống ở trại định cư Bến Cát được hai tháng rồi tìm về Lộc Ninh, nơi đó có con em tui sanh cơ lập nghiệp trên 20 năm qua. Với chút ít vốn liếng, tui mở tiệm bán guốc dép Nhựt. Tui còn mua hai chiếc bàn bi-da để mở tiệm cho hai đứa con gái lớn trông nom. Cuộc sống ba mẹ con khá sung túc, tui cũng mừng thầm.
Dì Chín biết hôn? Tai hoạ bỗng dưng dến xuống gia đình tui một cái ình như trời giáng. Có một gã kép hát đã giải nghệ về Lộc Ninh mởi tiệm bán giấy bút, sách báo và cho mướn tiểu thuyết. Tuy đã giải nghệ mà giọng ca nó còn mùi tận mạng. Rảnh rang là nó tới tiệm bi-da của tui chơi vài bàn.. Tối tối nó ôm cây đờn kìm khảy lẳng tẳng rồi mùi sáu câu làm cặp mắt con Hai Quế Hương vốn đã lẵng lại càng thêm ướt rượt. Một đêm nọ, đang lúc tui thao thức khó ngủ thì bỗng nghe bên giường hai cỏn, con Hai Quế Hương cất giọng:
-Suối biếc dãy Nam Sơn cuốn trôi từng bông hoa rụng, như đánh dấu buổi phân ly của Lương Sơn Bá, Chúc Anh ơ…ơ…Ðài…
Tui liền chạy lại, lớn tiếng la rầy:
- Hai, mầy làm cái gì kỳ cục vậy Hai? Nửa đêm thanh vắng mà mầy còn hát xướng, không sợ hai bên hàng xóm người ta quở hay sao!
Con Hai Quế Hương mắt vẫn nhắm nghiền. Té ra nó đang mớ! Cũng sau đêm đó, tui mới vỡ lẽ là tên kép giải nghệ kia tới đây thụt bi-da giữa thanh thiên bạch nhựt, nhưng nó còn lén lút thụt cho con Hai không biết bao nhiêu hiệp mà cỏn mang bầu ba tháng. Tui sợ tai tiếng, phải nói trớ là cỏn bị chứng đau máu, cần lên Sài gòn châm cứu một thời gian. Lên tới đó, tui gửi nó cho con Hai Kim Khánh, chị con nhà bác nó nuôi đẻ giùm, rồi gởi đứa nhỏ cho vú nuôi. Con Hai Quế Hương sau khi đập bầu trở nên mướt rượt, xinh tốt, nếu không như Tạ Nguyệt Kiểu thì cũng Phàn Phụng Cơ trong vở tuồng San Hậu. Nó đi bán sờ-nách-ba đâu chừng bảy tháng thì ôm thêm cái bầu nữa. Úy mẹt mẻ ông bà ông vải đồng đinh tí sửu tiên nhơn tổ đường ơi! Thằng Mỹ, tía cái thai trong bụng con Hai, cỡi máy bay về nước, không hề hay biết mình gởi lại trong bụng nó một cục nợ oan gia, trét cứt gà lên mặt con quỉ đó, bôi cứt chó trên mặt con mụ già nầy.
Rồi thời cuộc dập dồn, đẩy miền nam vô tay Cộng sản.. Từ lúc đến nhà con Hai Kim Khánh tá túc cho đến lúc bán sờ-nách-ba, con Hai Quế Hương được vợ chồng con nầy đùm bọc. Tình bà con đổi dần thành tình ruột thịt pha lẫn tình tri kỷ. Sau ngày 30-4-75, thằng chồng con Hai Kim Khánh vì là đại úy nên phải đi học tập. Hai cỏn cùng đùm bọc nhau, bán chợ trời nuôi lũ con. Dè đâu trước khi thằng chồng con Hai Kim Khánh đăng ký học tập, nó còn ráng gởi lại trong bụng vợ cái thai ba tháng. Vì quá lao lực, cỏn sảo thai, băng huyết và chết tại nhà thương Từ Dũ. Trước khi chết, nó cầm tay con gái tui trối trăn:
- Em ráng nuôi hai đứa con của chị. Và nếu chồng chị về, em liệu cách mà an ủi ảnh.
Tội nghiệp con gái tui! Nó dãi dầu buôn bán để nuôi bốn đứa nhỏ: hai cháu, hai con. Ðứa con gái lớn của Hai Kim Khánh tên là Kim Loan mới 13 tuổi, sớm hiểu biết nên giữ hai đứa con của con Hai Quế Hương cho con Hai đi kiếm sống. Nhờ Phật độ, nhờ hồn thiêng con Hai Kim Khánh phù hộ nên con Hai tui buôn bán chợ đen chợ đỏ khá quá. Nó đi thăm nuôi thằng chồng con Hai Kim Khánh hai lần rồi vượt biên với bốn đứa nhỏ.
° ° °
Trong lúc con Hai Quế Hương lên Sài gòn để đẻ thì con Ba Quế Anh coi sóc tiệm bi-da.
Tui có tài đẻ con gái bóng sắc tuy chẳng chói sáng hơn ai, nhưng con nào cũng có cặp mắt ướt rượt. Hễ gặp mấy thằng đực là con nào con nấy đưa đẩy cặp mắt, liếc dọc liếc ngang, vàng tan đá lỏng.
Nhưng mà dì Chín à, con Ba Quế Anh tuy mê hoặc biết bao anh hùng hảo hớn, nhưng nó lại không ưng ai. Chỉ có một tên đực té vô được cặp mắt ướt rượt của nó. Ðó là thằng Tây thơ ký đồn điền cao su Lộc Ninh. Thiệt tình tui không sao hiểu nổi nó. Có viên đại úy ban tiếp liệu chi khu xun xoe ve vãn nó mà nó không gật cũng chẳng lắc, để tên kia tương tư nhừ tử. Còn cái thằng thơ ký dị chủng kia chiều chiều lái xe ghé quán bà Tám Thẹo uống la-de xong rồi mới qua quán bi-da Tam Quế của tui để thụt bi-da. Ðùng một cái, con Quế Anh thỏ thẻ với tui:
- Má à, thằng Mạc-xen La-ma (Marcel Lamarra) muốn cưới con. Con trót lỡ dại có thai với nó rồi!
Ngộ hén! Tui chưa già cả và vẫn tưởng là mình giữ đám con gái khít khao, con ruồi chui qua không lọt, con mọt khó tọt vô, vậy mà rồi thằng dâm tặc Phú-lang-sa thả được lăng quăng vô bụng con Ba Quế Anh hồi nào không biết!
Tui đành sang tiệm bi-da, tiệm bán guốc dép cho chị bạn Phật tủ để thu xếp về Sài gòn lánh nhục. Kể ra tui cũng may mắn lắm đó. Nếu tui chậm chừng nửa năm là cơ nghiệp bị sa vào tay Việt cộng rồi, vì hồi năm 72, quận lỵ nầy bị tụi nó tràn vô chiếm đóng. Thằng Mạc-xen lúc đó chưa đử vi kiếng để lập nghiệp ở Sài gòn, nhưng vì thấy thời cuộc càng lúc càng găng nên quyết định đưa con Ba về Sài gòn trước, tui và con Út lên sau. Nó giữ chơn cạo giấy cho hãng xuất nhập cãng vỏ xe Michelin đó dì. Còn tui sang một quán bán tạp hoá ở chợ Bà Chiểu.
Con Ba Quế Anh ở trong cư xá đường Bà Huyện Thanh Quan, thỉnh thoảng dắt chồng đi Bà Chiểu ăn bún thịt nướng và thăm mẹ. Nó làm áp-phe dữ lắm, nhưng kiếm chác chẳng được bao nhiêu. Thời cuộc biến chuyển dồn dập, ít ai muốn mua sắm hay khuếch trương cơ sở làm ăn.
Bày ra việc bán buôn, tui không dám mở quán nhậu hoặc quán cà-phê vốn là nơi lui tới của đám đờn ông, bởi lúc nầy con Út Quế Lan mới mười lăm mà đã trổ mã. Nó nhất định không thèm học chữ, quyết ghi tên vô lớp luyện ca tân nhạc của Lê Minh Bằng, ghi lớp ca cổ nhạc của Út Trọng, của Ba Giáo…Nớ mơ trở thành cô Tài Lương thứ hai, ca cổ nhạc đã ngọt, mà ca tân nhạc cũng có nét như ai. Chiều tối, tiêm tạp hoá đóng cửa, con Út lên gác lửng, thả dài trên ghế lấy gân cổ rồi gò giọng cho ngọt:
- Chè bột khoai ngọt ngon thanh mát, xin mời bà con cô bác hãy mua….ơ…ợ…ơ…giùm, giúp em qua khỏi cảnh nguy cùng. Ðêm nay gió âm u, em đã lê chơn khắp phố phường hoa lệ…
Tui nghe nó hát mà phát rầu! Tui nhớ tới cảnh con Hai Quế Hương chiêm bao ngủ mớ hát mấy câu vọng cổ mà tui bồn chồn lo lắng, sợ con út tui chưa thành ca sĩ mà đã ôm bầu do thầy luyện nhạc hoặc do bạn cùng lớp đúc nên.
Thời cuộc đẩy tới tấp miền Nam gần tầm tay cướp giựt của bọn Cộng sản. Thằng Mạt-xen bỗng được tin tía nó bên Pháp qua đời, tiệm nước của ổng tại Troa không ai coi sóc nên nó phải về Pháp coi sóc công việc. Chừng một tháng sau, ngày 30.4.75 tới, làm tui ngơ ngác không biết tính sao.
° ° °
Con Ba Quế Anh rời Sài gòn năm 77. Con Hai Quế Hương đi chui năm 78, mãi tới năm 80 mới được định cư ở Pháp. Con Ba chạy chọt làm giấy bảo lãnh cho tui và con út qua Pháp năm 81.
Từ năm 82, ba mẹ con tui quây quần ở Troa. Con Hai Quế Hương nuôi con của con Hai Kim Khánh cũng như con ruột của nó. Con Kim Loan, thằng Tường Phụng đều được đi học. Lúc đó thằng Thanh Hùng (con của kép cải lương giải nghệ) được 13, con Claudette (đứa lai Mỹ) lên 12, nhổ giò trông thấy. Con Kim Loan trở thành thiếu nữ, xinh đẹp, ăn nói mềm mỏn, cư xử khéo léo. Nó là chị cả trong nhà, phụ giúp con Hai Quế Hương, dạy dỗ hai đứa nhỏ. Cảnh nhà thật đầm ấm.
Nhận thấy hai đứa con nuôi khi tới tuổi thành niên thì con Hai sẽ mất một khoản tiền cấp dưỡng đáng kể nên nó lo lắm. Rồi nó học đòi lũ đờn bà hư thân mất nết, lười biếng, tính quơ bậy thằng đực cà lơ phơ phất nào để đúc cho mình một đứa con, khi đẻ là có tiền trợ cấp. Nó lạng quạng quơ thằng Á Rập mà dân mình kêu là Rệp đó dì Chín. Thằng Ali ăn ở với con Hai Quế Hương nhưng cặp mắt trắng dã của nó cứ xốn xang ngó con Kim Loan, tìm dịp khều móc con nhỏ. Biết được tự sự, con Hai tống cổ thằng Rệp ra khỏi nhà liền.
Mà nào đã hết chuyện, dì Chín? Thằng Rệp lưu manh xách va-ly rời tỉnh Troa còn lén giấu theo sợi dây chuyền vàng của con gái tui. Con Hai thấy của không đáng bao nhiêu nên không thưa gởi, vì nó biết nếu phanh phui ra thì xấu chàng hổ thiếp, nghiệt là hổ thiếp thì nhiều chớ thằng kia mà xấu xa bao nhiêu!
Sau vụ đó, con Hai Quế Hương nào có tởn đâu! Nó xoay qua cặp xách với thằng gốc Chí Lợi tị nạn chính trị, chừng năm sau là đẻ ra thằng con trai dễ thương lắm. Nhưng rồi thằng Chí Lợi kia về nước, thơ từ thăm hỏi tới năm 84 là thưa dần rồi dứt luôn. Nó vốn có vợ cái con cột bên nước nớ rồi! Thiệt tình số phận con Hai thiệt truân chiên, bảy nổi ba chìm, thân như tờ giấy bạc hết chuyền tay người này sang qua tay kẻ nọ. Bởi nó dám thiếm xực hết Rệp tới Chí nên đờn ông Việt ở Troa dù có đói vợ cũng không dám cầu hôn nó.
Con Hai Quế Hương về sau đi may nửa chánh thứ nửa lậu mới có đủ tiền nuôi con. Ðều đều, nó gởi tiền về má chồng con Hai Kim Khánh để bả thăm nuôi cha của con Kim Loan. Sau hết, nó giúp tiền để thằng nọ vượt biên sau khi đuợc phóng thích.
Rồi dì biết sao không dì Chín? Khi tới Troa, thằng chồng con Hai Kim Khánh xin cưới con Hai Quế Hương. Hai đàng có ân thâm nghĩa trọng với nhau nên cùng làm lại cuộc đời, cố quên dĩ vãng hư hỏng, đau buồn. Vậy mà con gái tui hạnh phúc. Thằng rể Bắc kỳ nầy nhận hết mấy đứa cháu ngoại tui làm con. Năm sau, con Hai đẻ cho chồng một cặp trai song sinh. Con riêng của chồng, con riêng của vợ giờ đây trên giấy tờ là anh em một mẹ một cha. Tụi nó cùng cưng yêu cặp hổ bôn hổ bịch đó.
Nhìn cảnh nhà đầm ấm của con Hai Quế Hương mà tui hạnh phúc quá chừng chừng. Từ khi lấy chồng, con Hai ăn chay một tháng mười ngày. Nó cưng chồng lại được chồng cưng nên chí thú làm ăn. Ai mà dè con gái tui có cái hậu vận tốt dường ấy! Năm nào vợ chồng nó cũng làm đám giỗ chay cho con Hai Kim Khánh rồi cả nhà kéo nhau đi chùa dự lể cầu siêu cho cỏn. Ai không tin, chớ tui thì luôn nghĩ rằng con Hai Kim Khánh luôn luôn phù hộ con gái tui. Thằng Bắc kỳ rửa mặt rửa mày cho con gái tui. Dân Việt ở Troa lúc trước khinh khi thói đi ngang về tắt của con Hai Quế Phương bao nhiêu thì sau nhờ thằng rể tui kể lể cách đối xử tử tế của nó nên đâm ra có cảm tình với nó.
Còn con Ba Quế Anh thì tâm địa nhỏ mọn hẹp hòi. Hồi nó được thằng Mạt-xen bảo lãnh, nó chạy xuôi chạy ngược làm giấy khai sanh cho hai đứa con người quen làm con của vợ chồng nó, nhận luôn món quà là đôi vòng cẩn hột xoàn. Từ khi định cư ở Troa thì tuy là nó cho hai đứa nhỏ đi học, nhưng hễ hai đứa nhỏ làm điều gì không vừa ý là nó dùng roi mây áp đảo. Thằng chồng Tây của nó khuyên ngăn hoài mà không được. Hễ đánh hai đứa nhỏ sau lưng chồng xong là nó hăm he:”Bây mà đi học lại với chú Mạt-xen là tao giết hoặc tao bỏ bây vô viện mồ côi”. Hễ có món ngon vật lạ là nó để dành ăn riêng với chồng nó và thằng con bốn tuổi. Thiệt tình, chồng tui họ Ðào mà sao tui đẻ đứa con gái ác đức như mụ mẹ ghẻ Tào Thị trong tuồng Phạm Công Cúc Hoa!
Cái thói khắc bạc, độc dữ của nó rồi cũng có ngày tiết lộ. Cô giáo trường mẫu giáo một hôm khám phá ra lằn roi ngang dọc trên đít, trên lưng hai đứa nhỏ thì gạn hỏi, nhưng tụi nó không dám hé răng. Thế rồi cổ thưa cò bót để điều tra. Sau hết, con Ba Quế Anh bị ra toà đóng tiền phạt, và hai đứa nhỏ được giao cho một cặp vợ chồng Pháp không con nhận nuôi. Bởi nhục nhã như vậy nên con Tào Thị đó phải bỏ Troa dọn về Ba-suyt-ốp. Tui không biết sau vụ đó nó có tởn hay không nhưng nó già đi trông thấy. Nó không hài lòng thằng con nó vì đứa nhỏ cứ ốm đau quặt quẹo, học hành biếng nhá, trí khôn chậm lụt. Có lần nó than thở với tui:
- Phải chi con sanh thêm vài đứa. Chồng con yêu thương con lắm nhưng con lại sanh cho nó thằng con như bún thiu, như mèo ướt thì còn nước non gì!
Nước mắt nó rưng rưng. Tui chẳng biết nó hối hận vì đã khắc bạc với hai đứa con nuôi hay vì đường tử tức bất như ý nên tui làm thinh. Nó thở dài:
- Trong thâm tâm, con đâu có ác độc. Cũng bởi con thấy hai đứa kia xinh đẹp, thông minh, còn con ruột mình thì yếu đuối, chậm lụt nên con đâm ra ghét số phận, mới hành động hơi quá tay như vậy.
Ủa ngộ chưa? Oán ghét số phận sao lại đối xử tàn ác với hai đứa nhỏ vô tội? Tụi nó có đại diện số phận đâu? Tuy bất bình, nhưng thấy nó thiểu não, tui không nỡ dùng lời gay gắt, chỉ khuyên nó nên năng tụng kinh Phổ Môn, và nhứt là thành tâm sám hối thì hoạ may…
Con Ba Quế Anh không nói gì. Kỳ lễ Phật Ðản vừa qua nó đi hành hương qua chùa Tây Ðức thỉnh tượng A Di Ða Tam Tôn và một mớ kinh về. Bàn thờ Phật của nó trang nghiêm, nhang thắp đều đều. Tui không hiểu nó có thiệt lòng ăn năn sám hối hay không, nhưng mấy bà nào ở khu Nhà Ðỏ, nhờ Nhà Thờ Xanh Lục đập bầu tại nhà thương, nó cũng chịu khó đến thăm, tặng quà châu đáo. Có điều là bạn bè lẫn bà con bên chồng nó không còn giao du với nó nữa. Xã hội Tây Ðầm đã đóng chặt cửa với nó từ khi vụ hành hạ con nuôi của nọ bị lôi ra toà, bị tường thuật trên báo. Ðối với tui, mấy chuyện đó không đáng quan tâm lắm. Tui chỉ mừng là con gái tui biết quay đầu về chính nghĩa, bớt ích kỷ, bớt tính toán nhỏ nhen, bớt cay cú những người mà nó tiếp xúc.
Thằng Hăng-ri (Henri) cháu ngoại tui, nhờ đi châm cứu mà trở nên mập mạnh. Tuy trí khôn còn chậm lụt nhưng nó hiền hậu ngoan ngoãn nên cả nhà ai cũng cưng.
Tui khuyên con Ba Quế Anh:
- Con nên tìm dịp thăm hai đứa con gái nuôi cũ của con. Bề gì nó cũng là con của bạn con.
Con Ba đỏ mặt tía tai, lắc đầu:
- Con không có can đảm gặp tía má nuôi hiện giờ của tụi nó. Con cũng không mặt mũi nào ngó tụi nó.
Tui nói:
- Nếu cái khó đó mà con làm được thì ác nghiệp con sẽ tiêu bớt được vài phần.
Con gái tui không nói không rằng. Tui nghĩ rằng không nên ép uổng nó quá. Nó đâu có khí phách, hùng tâm để chuộc lại lỗi lầm, dù nó có ân hận, nhưng cái ân hận đó chưa đủ sức giúp nó giáp mặt hai đứa con nuôi.
° ° °
Hôm đầu hè, con Kim Loan đi chơi hồ về ghé thăm tui. Tuy nó chỉ có chút máu mủ với chồng tui, nhưng tui thương nó như cháu ngoại ruột. Cảnh nhà con Hai Quế Hương nếu không có nó chăm sóc thì chưa chắc đã ấm êm. Nó báo tin:
- Có một anh dược sĩ muốn cưới con, ngoại à.
Tui mừng lắm:
- Hễ con thương nó, nó thương con là được.
Kim Loan nói:
- Nhưng ảnh muốn dắt con ra khỏi tỉnh nầy. Con chỉ ngại chỗ đó.
Tui trổ giọng Khổng Mạnh ra:
- Làm gái, hễ xuất giá thì tùng phu, con quên rồi sao?
Kim Loan hơi bất mãn:
- Ảnh qua Pháp có một mình. Ở đây ảnh có thể kiếm một chân trong nhà thuốc Tây, tại sao ảnh muốn đưa con đi chỗ khác? - Giọng nó như muốn khóc - Ngoại không hiểu con đâu! Khi ba con đi học tập, con đã thấy hoang mang rồi. Khi má ruột con chết đi, con tưởng nửa cuộc đời con theo bả xuống ba thước đất. May nhờ có má Hương ra tay cưu mang. Năm má con đã từng vật lộn với nghèo đói, nguy cơ. Trên đường vượt biên, trừ hai đứa nhỏ, má Hương và hai chị em con chia nhau từng chút nước. Rồi khi định cư ở đây, nếu cả ba không nương tựa lẫn nhau thì chẳng biết sống ra sao! Con thương anh chàng dược sĩ đó, nhưng con cũng không muốn xa má Hương và mấy em con!
Tui bảo nó:
- Con nên mời thằng đó tới đây chơi, để ngoại liệu lời nói rõ chuyện của con cho nó hiểu.
Rồi tui đem chuyện con Út Quế Lan ra than thở. Con Kim Loan như chợt nhớ, kể:
- À, tối hôm qua con có gặp chú Phương. Chú mời con đi uống cà-phê ở tiệm gần ga xe lửa. Té ra dì Út với chú giận nhau nên trả thù nhau cho lợi gan. Rốt cuộc cả hai đều cảm thấy khổ. Chú Tuấn Phương nói rằng dì Út giỏi tài hành hạ đờn ông, nhưng thà chú thua cuộc chứ không muốn mất dì. Sáng nay dì Út gọi điện thoại cho má Hương, báo tin rằng bồ cũ không rủ cũng tới . Má Hương nghe cũng bắt tức cười và mắng dì Út cả dây cả nhợ.
Chèn ơi, tui nghe lời tiết lộ của con Kim Loan mà như trút được gánh nặng ngàn cân ra khỏi ngực. Té ra con Út Quế Lan nhỏ người mà lớn nết, muốn trả đũa cho lợi gan mình nên mới đùa với lữa mấy tuần nay. Nếu chàng Tuấn Phương không thông cảm, không chịu thua thì chắc chắn là keo rã hồ tan, cỏn lang bang theo thằng Phiên tặc, quen thói đi ngang về tắt, cầm sắt sẽ đảo điên.
Thôi vậy tui cũng mừng. Tui vừa nấu bánh canh gìò heo vừa chờ con hùm nhai sấp táp đó về để nghe nó tỏ tường trong đục. Khi tui đang chặt giò heo thì chuông điện thoại reo. Vừa cầm ống nghe thì bên kia đầu dây một giọng eo éo vang lên:
- Má đó hả? Con đây, Út đây! Chiều nay có anh Tuấn muốn tới thăm má. Ối, chuyện tuổi trẻ có gì là lạ đâu! Rầu má quá! Anh Tuấn Phương con đi câu cá thì chỉ là chuyện đi câu cá. Còn con đi coi hát với thằng Bờ-Noa (Benoit) thì chỉ là đi giải trí bằng phim ảnh, xong rồi ai về nhà nấy. Con sống trên đất Pháp năm năm rồi, đầu có sạn rồi, con đâu có ngu dại gì! Dạ, dạ má nói phải. Chị Hai con gặp nhiều cảnh lỡ làng thì đời chỉ khác đời con chớ bộ. Nhưng giờ đây chị Hai con có tổ ấm thiệt sự rồi. Thôi nghe, con cúp máy nghe má. Anh Tuấn Phương chở con đi lại trại nuôi cá hương đây. Chiều nay má muốn làm món cá hương lăn bột chiên giòn hay kho tương gì đó tùy ý.
Nước mắt hân hoan của tui trút từng đợt theo cuộc điện đàm với đứa con ương ngạnh của mình. Khi gác ống nghe lên máy, tui cứ ngỡ là mình chiêm bao, dì à.
Ðồng thời tui nhớ tới con Kim Loan. Tui rất thông cảm, rất xúc động trước cái tình quyến luyến của nó với con gái tui. Song như dì biết, tụi nhỏ sanh sống ở đây cần phải hướng tới tương lai. Lòng dạ con Hai Quế Hương đâu có hẹp hòi. Nếu nó thấy thằng dược sĩ kia muốn tìm cách tiến thân ở tỉnh khác, tui chắc nó còn khuyến khích nữa là khác. Con Kim Loan vì thương mến mẹ nuôi mà cản ngăn bước tiến thủ của chồng mình thì hơi quá đáng, phải không dì?
Tui đã hài lòng về ba đứa con gái tui rồi. Giờ đây, tui phải khuyên con cháu ngoại không biết nhìn xa của tui. Nghĩ vậy, khi nhắc nồi bánh canh lên bếp, tui quay điện thoại cho con Hai Quế Hương:
- Hương con, mai con có rảnh kéo rốc cả nhà lại đây ăn cơm. Má có chuyện muốn nói với con. Ủa, con đã gặp thằng dược sĩ đó rồi hả? Ừ, nó nhỏ nhẹ, khiêm tốn thì má mừng. Con tỏ ra thông cảm vậy là tốt. Thôi nghe, mai nhớ tới sớm phụ làm bếp với má. Ðể má kêu điện thoại cho vợ chồng con Ba. Nhớ bồng hai thằng hổ bôn hổ bịch tới để má hun cho mát mẻ tim gan.