Tánh ưa sự bình tịnh, mắt thích cảnh thiên nhiên, tai mến nghe lời nói phải... Chỉ ngọn lá xanh, lắng sóng bạc, bóng trăng vàng, đám mây trắng củng đủ làm tôi say mê nhìn nhắm (#1) không muốn thôi. Vì thế mà kể chủ nhật hay là ngày lể chi thì mình thơ thẩn chốn thôn quê, hoặc dựa gốc đa, hoặc ngồi trên bến đôi mắt thường sửng sờ với cảnh.

Hôm nọ cảnh trời im mát, mình dựa ghế nhìn mấy con gà dởn nhau dửa sân, xem mấy cánh hoa hường phải gió đu đưa mà suy nghĩ sự đời. Một hồi mỏi mệt dựa ghế xem quyển "Tình là dây oan" của mình mới soạn thì hai mắt ríu ríu dần. Mơ màng... mơ màng...

Mơ màng mình nhìn thấy trung dung (#2) bước một bước hai, nhìn xem cánh đồng Dương Nổ lúc trời chiều, năm bảy con sẻ sẻ (#3) liện qua liện lại nơi đống rơm vàng, một vài đứa chăn trâu hát nghêu ngao câu hát buồn đời bên khe nước biếc, ngọn gió lao rao thổi phơ phất mấy đoá hoa tàn, củng hương, củng nhuỵ, củng cảnh, củng tình...

Cảnh xung quanh đủ màu sắc thay đỗi không chừng, khi ngọn đèn sáng rạng, khi như buổi tối lờ mờ, khi như giọt nước mới sa, khi thì dường thễ muôn hoa chào mình. Tứ bề êm ái như mùa xuân, mát mẻ như mùa thu, nên không vài câu hát cũa lũ mục đồng thì phẳng lặng như cảnh ban đêm. Mình lên ngồi trên vạc cỏ xanh với bẻ một hoa lan tố tâm và nhìn và mĩn cười. Mình say cảnh mến hoa...

Đang sững sờ với cảnh vừa có tiếng hỏi rằng:

- Cậu đi đâu đây?

Tôi giựt mình xây lại thì thấy một cụ già, đầu bịt khăn nhiểu đỏ, đôi mắt sáng như sao, mũi cao tai lớn trán hơi nhăn mà hai má còn tròn, râu bạc phất phơ dài tới rún, tay chống gậy tre, chơn đi đôi dép quai, tác độ sáu mươi mà sức còn mạnh. Tôi liền chắp tay bái và chào rằng: Thưa cụ, tôi đi xem cảnh chiều chơi.

Cụ cười đưa hàm răng đen thiếu chừng năm cái rồi nói: cậu cũng ưa cảnh trời đất à?

- Phải, cảnh trời đất đẹp và bí mật lắm. Cậu học trường nào và năm nay bao nhiêu tuổi?

Cụ già tưởng mình còn là học trò, mà củng vẩn thế, vì dẫu đến ngày gần xuống lỗ mình củng còn học. Biết bao nhiêu câu chuyện đáng thấu, đáng hiểu mà mình chưa được thông, thế thì hai tiếng "Học trò" thật đã vinh dự cho mình thay. Tôi thưa: Thưa cụ, tôi học trường tư và ngoại trường học chữ, học lễ phép ra thì tôi còn tìm tòi học hỏi riêng nữa. Tuổi tôi, năm nay ngoài đôi mươi rồi!

Cụ nghe tôi nói đến tiếng ngoài đôi mươi mà bộ có hơi buồn thì lấy làm lạ, nhìn tôi chừng đôi phút lại mĩn cười và khuyên tôi: Cậu hơn hai mươi tuổi rồi a? Cậu chưa thi ra làm việc với người ta sao? Ôi lo chi lúc ra làm miễng là cứ lo trau dồi tánh hạnh, tập luyện tâm tình cho chính đáng rồi sau mới có thễ rở ràng được.

- Thưa cụ, tôi chẳng buồn vì sự chưa ra làm việc đâu. Tôi buồn là buồn đời, buồn cho thế thái nhơn tình, buồn mình chưa làm được việc chi có ích cho đời. Cụ dạy: Phải, con người cần nhứt là phải có tư cách chớ dẫu giàu sang bấy nhiêu mà hay xu phụ quyền thế, hay bợ dỡ lúa tiền thì cũng không đủ kể.

Nghe mấy nhiêu lời cụ già lại càng lấy làm lạ hơn vì cụ ngó tôi một cách kỳ khôi. Cụ nhìn tôi, tôi nhìn cụ, cả hai đều ngạt nhiên cã. Về phần tôi thì tôi nghi cụ già là một tay quắc thước nào đây hoặc cũng đồng bịnh với mình mà tìm nơi ruộng rẫy ẩn cư. Cụ già lại không phải là hạng người ghét măng mọc quá tre nên hỏi tôi: Cậu ở xa hay gần mà lại đây chơi? Câu nói cũa cậu lạ tai lảo lắm, vậy luôn tiện gặp nhau xin mời cậu vào nhà lảo dùng chén trà giải khát rồi chuyện vản chơi.

- Thưa cụ, nhà tôi xa lắm, sợ ngồi lâu không tiện.

- Cậu nói thế củng phải, nhưng bây giờ trời đã tối rồi cậu về sao kịp, chi bằng ngồi náng lại chơi.

Mà thiệt! Trời đã tối, té ra mình vui chơi say mắt mà không hay. Thôi mình cũng theo xem thử cụ già nầy là người chi cho biết. Tôi đi luôn theo cụ về nhà.

Cụ đi trước, tôi đi sau, lần qua mấy soi ruộng thì tới một sở nhà ngói lớn, có bình bạc, có bể cạn, có hòn non bộ, có mấy dãy hoa. Trong nhà đã thắp đèn, cụ chĩ cái ghế dài mĩn cười mời tôi ngồi xuống xây lại hỏi cô bé lối mười bốn tuổi, đeo kiềng vàng, mặc áo vãi trắng, mắt sáng má bầu mày xanh da trứng: Anh con đi mô rồi?

Cô nhỏ vòng tay thưa: Anh con mới vào trong phòng tối rữa mấy tấm gương.

Nhơn đó tôi hỏi ông già: Cụ được mấy người con?

- Được bốn đứa, hai trai hai gái. Đứa lớn nay làm Giáo sư ở Qui Nhơn, đứa thứ hai làm trợ giáo ở Nghệ An mới về được năm bữa. Con nầy là gái út, còn đứa thứ ba đã có chồng làm Tham biện trong Phan Tiết1.

- Nếu vậy thì cụ củng có phúc lắm.

- Bề ngoài thì vậy chớ có phúc chi đâu. Tuy con rể làm có lương tiền như vậy mà lão củng chưa vui, vì lão chưa thấy đứa nào làm chi cho có tấm lòng hay ho của nhơn loại cả. Chỉ chơi bời tiêu xài cho sướng mà thôi, càng biết tiêu xài là càng có tội lỗi lắm.

Cụ vừa dạy đến đó thì thầy Trợ đã bước ra chào tôi rồi kéo ghế ngồi một bên. Thầy lối hai mươi tư mươi lăm tuổi, miệng rộng mủi cao, mắt mày lớn, môi dày, bộ tịch đoan trang mà có vẻ thật tình. Thầy hỏi tôi học ở đâu, thì tôi mĩn cười đáp rằng: Học trường tư... Ôi, học thật khó; biết học lại càng khó, mà ở đời mấy người biết học? Cụ già càng suy nghĩ hơn hồi chiều, cụ uống chén nước trà liên rồi hỏi tôi: - Cậu nói rằng học khó vậy sao mà gọi rằng khó? Mục đích học vấn là thế nào?

- Lúc nhỏ tôi đi đến trường học thì có ý muốn sau ra làm thầy nọ ông kia kiếm được chút danh với đời, được có đồng tiền tiêu xài cho sung sướng. Thường ngày vẫn thường nghĩ đến hai chữ "thầy thông", thường bữa vẫn thường suy đến hai chữ "tiền bạc" và hễ thấy ai mặc áo đẹp đi dày bóng thì trầm trồ khen, mong ước sao một ngày kia mình cũng được bộ quần áo ấy, hoặc đi diện phố hoặc đi xem hát mà chơi. Học là học để được bấy nhiêu đó, học là học để xoay mình vào cái hình dáng bên ngoài, mưu về sinh nhai, về sự vinh thân phì gia mà thôi. Nhưng cũng may ngày một lớn, trí tưởng tượng ngày một khác, mắt xem lắm gương hay tai nghe lắm lời phải thì cái mục đích ôm sách đến trường lại đổi hẳn. Khi trước là cốt học để sau được sung sướng xác thịt mà quên mất sự sung sướng xác thịt ấy là cái đàng dắc mình vào làm món lợi khí cho người; bấy giờ học là muốn mình sai sử lấy mình, muốn tinh thần làm thầy xác thịt, muốn tự trị tự chũ trong lúc vui buồn, tủi giận, muốn là người mình phải học làm người, phải học đạo làm người. Chẳng phải làm người mà ngày ăn ba bữa như cối xay cùng, cũng chẳng phải làm người mà chỉ quanh năm lo cho áo đẹp dày xinh, ngày dạo phố tối chơi trăng là đủ.

Làm người là biết đau biết khổ, biết nhục biết giận, biết giử lợi quyền cho mình, biết binh vực lợi quyền cho người, biết thương kẻ lâm nạn, biết khuyên người cô quả, thấy giàu phi nghĩa chẳng màng, thấy sang bất nhân chẳng ham, phải thì làm, trái thì thôi, chẳng khinh người nghèo, chẳng hiếp người yếu. Tìm được cách chi hay đáng có lợi ích chung thì thi hành ngay không cần chi do dự hão huyền chỉ cốt nuôi lấy tinh thần một ngày một cao, truyền bá cả tư tưởng tự do mà minh chánh cho đồng bào biết chớ hay chi mà học thói:

Cá ăn kiến, kiến cùng ăn cá

Cò cắn ngao, ngao lại cắn cò...

Cụ già nghe tôi nói mấy lời thì thở ra rồi nói: thật ít ai có tâm tình, chí khí ấy, vậy còn học khó là làm sao?

- Thưa cụ, học mà làm nô lệ cho người thì dễ, học mà làm soi ruộng, làm mẫu đất, làm cái chén, làm cái khay cho người dùng thì dễ mà học để tự lập thì thật là khó. Học mà luyện con mắt biết nhìn xấu đẹp, luyện lỗ tai biết điều phải trái, luyện mình nhẹ nhàng như không còn cái xác thịt nặng nề nầy nữa thì sự học đó mới thật là khó. Càng biết học khó bao nhiêu thì lại càng sợ càng kính phục sự học bấy nhiêu. Tôi đây đã từng xem việc đời, nghiệm thói đời rồi lấy mấy cái gươn đời mà học. Đó củng là một sự học nữa! Học làm sao cho thấu được cái lòng người, đo được cái dạ người, luận rõ cái lưỡi không xương của người thì bấy giờ mới là thiệt học.

Nhiều khi tôi hỏi đôi thầy Thông ngôn, ký lục rằng: "Sao quý thầy (!) cứ lập hội ăn hoài mà không chịu lập hội học?" Họ đáp rằng: "Lớn rồi (?) và làm việc có tiền rồi (!) cần chi phải học nữa". Cụ nghe trả lời hèn chưa? Mục đích học vấn ấy giống hệch như mục đích học vấn của thằng tôi từ lúc còn bập bẹ, lúc còn lọ lem kia! Thế cho biết củng đều là học mà không biết bao nhiêu là mục đích.

Thầy Trợ hỏi rằng: Cậu học với ai lúc nầy?

Mình đáp rằng: Tôi học không thầy hay thầy tôi là sách của các văn sĩ Pháp và kinh của các đạo. Ngày thì tôi tập suy nghĩ, luyện tinh thần, còn đêm thì tập viết văn đọc văn hoặc viếc cái trường thiên đoản thiên hoặc đôi bài luận thuyết, lý thuyết.

Thầy Trợ liền hỏi tên mình... Mình vừa mở miệng xưng danh cũng như anh hát bội giáo đầu vừa có ai vỗ vào vai, mình sực tỉnh té ra là một giấc chiêm bao rất lý thú. Mình ngơ ngẩn, tự hỏi ông cụ là ai mà thầy Trợ là thầy nào cũng không biết. Cho hay mình diễn thuyết một hồi khá lâu mà chỉ có chị mèo tam thể nằm bên chưn là biết thôi.

Bạn mình hỏi sao mà sửng sờ thì mình cười rằng: "mục đích học vấn là chị mèo tam thể".

Phù chú: Mấy tháng ở Xuân thành khi buồn khi vui khi ngâm nga, khi say khi tỉnh, nhìn sự cạnh tranh danh lợi hão huyền mà viết cái Giấc mộng này. Giấc mộng mà gồm đủ một cái cảnh, một tấm lòng rất hiển nhiên, rất thành thực tưởng có lẽ khiến cho hàng thanh niên ở Đế kinh phải quan tâm đến. Mà quan tâm thế nào?

Có phải như chị mèo chỉ lo ăn với ngủ hay chăng?

Chú giải:

(1-) Ngắm

(2-) Thung dung

(3-) Se sẻ

Tân Thế kỷ

Số 8, 9 - 11 - 1926

Hết