Tình cờ tôi tìm được thầy. Tên và bài thầy viết đăng trên một tờ báo. Bài báo nói về quê hương thầy, một miền xa xôi: Xóm Chiều xã Nội Hoàng huyện Yên Dũng tỉnh Hà Bắc. "Địa chỉ vĩnh viễn" - theo cách nói của thầy.
Ba mươi mấy năm qua. Hơn một lần tôi thư cho thầy tại cái "địa chỉ vĩnh viễn" ấy mà không gặp. Đôi lúc tôi dại nghĩ: chiến tranh đi qua đã xóa sạch vết tích của thầy. Nhưng giờ đây, tôi cầm chắc sự có mặt của thầy trong thế giới này. Thầy viết về quê thầy. Con sông Cầu sông Thương lặn lội tìm đường ra biển. Giữa chúng, dọc theo hai bờ là dẫy Nham Biền 99 ngọn. Ngày xưa có lần thầy hỏi tôi:
- Em có hiểu Biền là gì không?
Thấy tôi không biết, thầy giải thích:
- "Biền" tiếng Hán nghĩa là liền nhau. 99 ngọn núi, bắt đầu là núi Bài, kéo dài đến ngọn cuối cùng là núi Neo. Cả dẫy mang tên Nham Biền.
- Còn Thầy. Sao lại tên Biền? Tôi hỏi.
- Chắc mẹ tôi ước ao tôi mang được chút rộng dài của núi. - Thầy đáp.
Thầy Biền là giáo viên dạy văn trường phổ thông cấp hai. Năm ấy từ Hà Nội tôi sơ tán về vùng trung du. Trường sơ tán của chúng tôi ẩn mình trong bóng rợp của bãi chuối. Bên bờ lở phía ngoài đê sông Hồng, qua đoạn này nó mang tên sông Thao.
Tôi mê dòng sông này lắm. Bờ sông lở này thường gợi trong tâm trí tôi một cảm giác mạnh mẽ có một nỗi sợ hãi xen lẫn niềm vui sướng man dại tạo nên mỗi khi nghe tiếng đất lở đổ ầm ầm xuống nước. Tôi thường bước chân trên mặt đất ẩm ướt sát bờ, chằng chịt những đường nứt nẻ sâu hoắm, với niềm tin rằng tôi nhỏ bé yếu ớt, chẳng làm một hạt cát nào rơi xuống nước. Nhiều lúc đi trên những hàm ếch khổng lồ, rồi hôm sau và mãi mãi không bao giờ tôi gặp lại chúng nữa. Sông Thao luôn cho tôi cảm giác về sự chuyển hóa, đổi thay. Một điều gì đó bí ẩn mông lung mơ hồ, nhưng đầy hấp dẫn.
Đôi lúc vu vơ, tôi tự hỏi, những tảng đất lở ấy sẽ đi đâu. Chúng có ra với biển không. Thế rồi cứ giong theo những tảng đất ấy, không biết tự bao giờ đã hình thành trong tôi những giấc mơ mang khuôn mặt biển.
Một lần thầy Biền hỏi tôi:
- Em đã đi biển bao giờ chưa?
Tôi trả lời thầy rằng tôi chỉ biết biển qua phim ảnh, qua Nàng tiên cá của Anđecxen. Tôi biết biển nhiều nước, nhiều nắng, nhiều gió bao la, và lòng biển rất rộng...
- Nhưng đừng quên vị mặn của biển, - thầy nói thêm. - Nhà Phật nói: "Nước mắt của chúng sinh gộp lại còn nhiều hơn nước của bốn đại dương". Biết đâu biển chả là nơi hội tụ của nước mắt. - Thầy Biền buông lời nhận xét bâng quơ.
Câu nói vu vơ của thầy lập tức gắn vào trí óc tôi. Sự mơ tưởng về biển bén rễ đâm cành trong tâm trí. Suốt một thời gian dài tôi đã nghĩ biển là nơi chứa đựng nước mắt, nỗi thống khổ của nhân loại. Vậy thì nỗi đau của nhân loại mới lớn làm sao.
Nỗi háo hức gặp biển lại bùng lên, cuồn cuộn trong lòng. Tôi tự hứa thế nào tôi cũng sẽ gặp biển. Một ngày nào đó khi lớn lên, khi tôi bay được như chim, lặn được như cá, tôi sẽ đi tìm biển. Còn bây giờ, theo những đám mây lang thang, hòa trong ngọn gió phiêu bạt, hồn tôi luôn tìm cách ra với biển.
Không ai tự chọn được ngày giờ mình sinh ra, cũng không ai biết cửa nào để mình đầu thai vào. Đó là lẽ ẩn mặt huyền vi của tạo hóa.
Tôi chẳng tin vào số mệnh. Nhưng sức mạnh của số mệnh bắt đầu hiển hiện vào năm tôi cắp sách đến trường.
Hà Nội bị đánh bom. Chuyển trường, việc này đối với những đứa trẻ khác là nỗi lo âu vì lạ thầy lạ bạn còn với tôi, đó là niềm hạnh phúc khôn cùng.
Sẽ chẳng ai biết gì về tôi.
Người bạn đầu tiên khi đến trường tôi gặp là Gái. Buổi chiều vào đông ấy âm u và lạnh. Một tay Gái xách cặp và bình mực, vai gánh gánh mạ đầy tận nóc. Gánh mạ nhún nhảy theo chân Gái. "Tớ phải gánh ra ruộng cho mẹ cấy, nhân đến trường luôn". Nó ngước nhìn tôi, vừa thở vừa cười. Bờ môi tím tái, mặc dù những sợi tóc xòa xuống trước mắt nó đã sũng nước. Mắt nó đen. Không ánh tinh nghịch. Tôi giật mình khi nhìn vào đáy mắt nó - như phủ đầy bóng tối. Tôi cầm cặp sách và bình mực hộ nó, vừa đi vừa chạy theo. Hai đứa thành bạn với nhau từ hôm ấy. Tôi thích ngắm khuôn mặt nghiêng của Gái khi ngồi cạnh. Mũi nó không cao mà ngược lại, hơi thấp. Nhưng giữa hai gò má cũng hơi thấp, lại tạo cho khuôn mặt sự ưa nhìn và cảm giác dễ chịu của sự yên tĩnh. Gái không hay hờn giận tôi. Tính nó xuề xòa bỏ qua mọi thứ, thậm chí cả lúc tôi sai hẹn với nó. Đi đâu chúng tôi cũng có nhau. Làm gì cũng có nhau. Hôm nào nó cũng chờ tôi ở gốc tre đầu làng rồi đến trường. Có hôm tôi đi muộn, nó vẫn chờ, rồi cả hai đứa tuột dép xách tay, chạy thục mạng đến trường kịp giờ trống điểm. Gái hay để dành quà cho tôi lắm. Khi thì cái bắp, củ khoai còn hôi hổi - phần để dành từ bữa ăn của nó. Lúc thì trái ổi, trái mận nó hái từ vườn. Tôi hay cho nó sách vở bút mực kẹp tóc tranh ảnh. Nó mặc phong phanh lắm. Vì thế ngày nào tôi cũng cởi áo len cho nó mượn. Tan học đến gốc tre đầu làng, nó lại cởi áo trả tôi. áo len của tôi không đẹp, nhưng rất ấm. Mẹ tôi đã nhặt nhạnh, chắp vá những mẩu len vụn thừa thẹo với nhau. Mẹ khéo giấu những mối nối vào bên trong nên áo trở nên dày và nặng. Giá đó không phải là công trình chắp nối của mẹ, hẳn tôi đã cho Gái chiếc áo đó.
Tôi sung sướng hít thở những cơn gió từ phía sông đưa lại. Tôi nói cười, cầm tay khoác vai bè bạn. Tôi nhảy dây chơi ù với chúng. Tôi hít những đầu tóc rối bù mang mùi nắng cháy, hít mồ hôi mùi cây dại của lũ trẻ.
Mỗi ngày tôi tận hưởng hạnh phúc tưởng như vô tận của mình.
Một ngày sau giờ ra chơi giữa buổi vào lớp, tôi thấy chiếc áo len nằm cuộn trong ngăn bàn chỗ tôi ngồi. Mọi ngày giờ này Gáimặc. Tôi nhìn mặt nó. Lạnh tanh. Trên bàn là mẩu giấy với dòng chữ "phản động". Nó nhìn tôi thách đố. Môi dẩu ra. Mắt nó - cái ánh mờ ảo đầy bóng tối trước kia, bùng lửa, phát sáng như mắt con thú trong đêm tối. Mặt nó, những góc cạnh hình như nhọn hơn, sắc lên. Cầm viên phấn trắng trong tay, nó sổ một đường thẳng chia đôi mặt bàn, chia đôi ghế ngồi hai đứa. Đó là biên giới. Cái biên giới mong manh, cát bụi, nhưng vững chắc hơn thành lũy, không sức mạnh nào vượt qua được. Từ đấy không bao giờ chúng tôi nói chuyện với nhau nữa.
Đã quá quen với những đổi thay này, những nỗi xúc động vẫn như làn sóng nhấn chìm tôi, có thể nói tôi đã bị tê liệt. Vậy mà, tôi đã được sống hạnh phúc trong sáu tuần! Sáu tuần tôi làm quen với Gái. Sáu tuần tôi hòa mình vào đám đông. Sáu tuần yên ả, không một gợn bão tố trong lòng. Rồi bắt đầu từ cái biên giới bằng phấn, những lời rỉ tai như cơn lốc xoáy, bứt hết những lá vàng còn lại trên cành trong chớp mắt. Chỉ trong một buổi chiều, tôi mất sạch bạn.
Tôi lại đi về phía bờ sông lở. Chỉ cần đặt chân lên bãi bồi, căng ngực hít cơn gió thấm đẫm mùi dầu giun và xa xa là dải sông đỏ rực gầm réo sủi bọt, là tôi quên hết, bè bạn, thầy cô, những nỗi phiền muộn, cô đơn luôn phải giấu kín dưới đáy lòng. Một mình tôi trên bờ sông lở. Dòng sông vẫn thao thiết chảy, quanh năm đỏ lựng phù sa, với nụ cười dài rộng đầy những lúm đồng tiền xoáy tít ngay ven bờ. Dường như nó dịu dàng hơn khi lòng tôi cuộn xoáy. Nó luôn luôn chấp nhận tôi, luôn an ủi vỗ về tôi, và trả lại sự bình yên trong tâm hồn đầy giông bão của tôi. Dòng trôi chứa đầy bao mộng tưởng. Nó mang tôi đi xa, rất xa. Tôi mặc sức để sông cuốn đi, mặc sức để tâm hồn phiêu lãng theo tiếng gọi thầm từ biển.
Duy nhất trong trường có thầy Biền là quý tôi, có lẽ đầu tiên là vì tôi học giỏi môn thầy dạy. Thứ đến, tôi là độc giả của thầy. Hồi đó tôi nghĩ thầy làm thơ hay lắm. Và lẽ nữa có thể vì tôi đơn độc. Biết tôi lủi thủi ở ven sông, có lần thầy hỏi:
- Gần sông em không sợ à?
- Không. Thưa thầy. - Tôi thực sự ngạc nhiên vì câu thầy hỏi. - Em nghĩ rằng nếu cứ men theo bờ mà đi mãi, thế nào em cũng gặp biển. Có gì mà sợ.
Mùa thi đến cùng chiến tranh ngày càng khốc liệt. Người ta không tụ họp, làm việc ban ngày nữa. Mọi hoạt động chuyển về đêm. Làm việc đêm. Sản xuất đêm. Chợ họp đêm. Trường học đêm.
Buổi chiều, trong hoàng hôn đỏ thắm, tôi vẫn men theo bờ sông lở đến trường. Nhưng đêm, khi về nhà, tôi phải đi trên đê, phải qua một nghĩa địa ở đầu làng. Trong nghĩa địa có hai cây mít, quả đầy cành, từ ngọn xuống gốc. Ban ngày trông nó đúng là quả mít. Nhưng đêm đến, tất cả đều biến tướng, thành những chiếc đầu lâu quái dị, đen thủi lúc lắc.
Tôi sợ nghĩa địa và ma lắm. Tan học, đến đầu làng hôm nào tôi cũng đứng chờ những tốp người đi làm, đi chợ về, nhập vào họ, đi qua nghĩa địa. Có hôm, phải cả giờ đồng hồ, tôi mới qua được quãng đường vài trăm mét của nghĩa địa.
Một buổi chờ lâu quá không gặp ai, nhưng tôi vẫn không đủ can đảm đi qua nghĩa địa. Tôi đành quay lại trường, nhờ thầy Biền. Từ đấy, mỗi khi tan học, thầy Biền đợi tôi ở đầu làng. Đi với thầy tôi vẫn lấm lét nhìn hai cây mít với cả đống đầu lâu đen thủi. Qua rồi, chỉ chờ thầy quay lưng là tôi tụt dép xách tay, co cẳng cắm cổ chạy một hồi, không một lần ngoái lại.
Một đêm, vừa qua khỏi nghĩa địa, một đoàn người hùng hổ từ chân đê vọt lên. Tôi nhận ra thầy hiệu trưởng, thầy hiệu phó, thầy bí thư đoàn trường và cô nữ công. Thầy hiệu trưởng hầm hầm hỏi tôi:
- Tại sao cô lại đi với thầy Biền giờ này?
- Tại em cần qua nghĩa địa. - Tôi trả lời.
Họ bắt tôi quay về trường. Họ bắt tôi viết kiểm điểm vì đã đi với thầy ban đêm. Tôi nhận lỗi vì tôi sợ ma. Còn việc đi với thầy tôi thấy mình không có lỗi. Tôi hiểu thái độ của họ với tôi. Còn thầy Biền, không hiểu sao họ lại đối với thầy như vậy.
Đêm ấy khuya lắm tôi mới được thả về. Chẳng cần chờ đợi ai đi cùng, một mình tôi băng qua nghĩa địa. Nỗi phẫn uất trong lòng cháy lên thiêu đốt hết sợ hãi. Tôi mở to mắt chăm chú nhìn hai cây mít. Lũ trái xúm xít quanh gốc đúng là trái mít. Chúng không phải là những chiếc đầu lâu đen treo trên cây. Lần đầu tiên trong đời, tôi không sợ những nấm mồ nhấp nhô, không sợ người chết, không sợ ma và bóng đêm.
Từ bữa đó, sau giờ học đêm nào tôi cũng phải ở lại trường viết kiểm điểm. Mỗi ngày một tờ. Ngày nào cũng giống ngày nào. Quay đi quay lại, điều cô giáo nữ công cần biết là thầy Biền có yêu tôi không và tôi có yêu thầy không. Những câu hỏi của cô khiến tôi vừa tức tối, vừa hổ thẹn, thẹn đến từng chân tóc, đến không thể gặp mặt thầy Biền được nữa. Hệt như tiếng tích tắc của chiếc kim đồng hồ đang chạy, ngày nào tiếng cô nữ công cũng đều đều dội vào óc tôi, khiến đầu tôi mụ lên, muốn vỡ tung từng mảng.
- Vậy khi đi cùng cô, thầy Biền và cô nói với nhau những chuyện gì? Chả lẽ lại im lặng à?
Nói chuyện gì ư? Nhiều lắm. Đủ loại. Tôi căng óc để nhớ. Chuyện về thơ ca. Chuyện tôi theo gió lang thang, theo mây phiêu bạt. Chuyện về lòng biển, về cuộc sống hòa bình của muôn loài dưới đáy biển mà tôi biết trong mơ. Chuyện tôi ước ao thành chim để bay thành cá để lượn...
- Cái gì? - Cô nữ công mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên nhìn tôi - Cô muốn thành chim thành cá hả? Tôi tưởng sắp hết tuổi đội viên, cô phải muốn trở thành đoàn viên chứ. Trời ơi, làm người không muốn, lại muốn... Cô thật là suy đồi.
Người ta bảo tôi suy đồi trong tư tưởng, suy đồi trong mối quan hệ bất chính thầy trò. Những bộ Óc đầy tưởng tượng đã thêu dệt lên đó bao nhiêu điều khiến tôi chỉ muốn chết đi vì xấu hổ. Nhân lúc tôi sơ ý một đứa bạn cùng lớp đã viết vào vở tôi:
Con gái chơi với con trai Về sau hai vú bằng hai sọ dừa
Mắt tôi hoa lên. Người tôi hầm hập sốt vì sợ hãi. Trong ý thức, tôi nghĩ mình có một đôi chân dài ngoẵng, hai cánh tay thõng thượt như thừa. Còn ngực thì. Tự nhiên, tôi bước vào phòng, cởi áo.
Tôi nhìn xuống ngực. Mảnh đất bằng phẳng lặng bình yên chợt nhú lên hai nụ tầm xuân nhỏ nhoi xinh xắn. Một phút, tôi ngơ ngẩn, không hiểu điều gì đang xảy ra. Khi chợt hiểu, một nỗi thù hận rực lên, tỏa khắp cơ thể. Tôi bỗng căm ghét chúng như thể trên đời này không có gì để tôi căm ghét hơn. Một cách vô thức, tôi dốc túi cứu thương lấy ra hai cuộn băng cá nhân. Trong cơn giận dữ ngu muội bốc lên ngùn ngụt, với tất cả sức lực, tôi xiết chặt hai nụ tầm xuân yếu ớt ấy bằng những vòng băng quanh ngực; cho đến lúc ngộp thở, ngực tôi lại bằng phẳng như cánh đồng yên ả. Lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất trong đời, tôi thù ghét thân xác mình, hệt như chúng là nguyên nhân gây ra nỗi thống khổ của đời tôi.
Chỉ còn ít ngày nữa năm học kết thúc. Tôi cầu mong ngày qua nhanh để khỏi phải đến trường, khỏi phải nhìn thấy bất kỳ khuôn mặt nào, khỏi nghe thấy một điều gì nữa. Cả đến thầy Biền tôi cũng không dám nhìn mặt.
Tôi vẫn bước trên bờ sông lở, ở những chỗ cheo leo nguy hiểm nhất. Dưới chân tôi sóng ì oạp vỗ đều đều trong hàm ếch. Tôi ước ao đất lở, ước ao nước đưa tôi đi về một nơi nào đó thoát khỏi chốn này. Hằng ngày, tôi không đội mũ rơm chống bom bi, cũng không xuống hầm trú ẩn khi có máy bay địch. Tôi nghênh ngang giữa những giờ cao điểm, thầm ước những trái bom rơi xuống quanh mình. Vậy mà chúng không rơi vào chỗ tôi mà rơi đúng chỗ Gái, một mình ở giữa đồng.
Nghe tin dữ, tôi chạy đến chỗ Gái. Những con mắt bè bạn nhìn tôi như muốn hỏi: "Mày còn đến đây làm gì?". Không ai nói với tôi một tiếng. Tôi vẫn lầm lũi đi sau đám tang khi xẻng đất cuối cùng được đắp lên mộ Gái, mọi người mới nhìn tôi. Những cặp mắt còn sũng nước, chứa đầy đau thương, gặp tôi bỗng trở thành thù nghịch. Những cái nhìn như những mũi tên nung đỏ cắm vào da thịt tôi. Trái tim tôi run rẩy. Tôi lùi lại trước sóng mắt của họ. Như một phản ứng tự vệ để thoát khỏi hiểm nguy, tôi quay phắt người trốn chạy. Tôi cắm đầu chạy về bờ sông lở. Lúc đó, tôi nghe tiếng thầy Biền gọi với theo phía sau. Thầy đuổi theo tôi trước trăm con mắt của thiên hạ. Thầy túm lấy áo tôi. Tôi chờ đợi một cái tát của thầy để ra khỏi cơn mộng du. Nhưng thầy không tát mà hét lên bên tai tôi:
- Hiền, em chạy đi đâu?
Tôi dừng lại. Nước mắt ngập trên mi. Tôi lắp bắp: "Em không có lỗi".
- Em nói gì? Em điên hả? - Thầy Biền quát lên. - Ai bảo em có lỗi.
Có lẽ nhìn thấy nỗi đau đớn trong tôi đã dâng lên tràn ngập, thầy dịu giọng:
- Hiền, hãy nghe tôi nói này. Em biết ở trường người ta nói sao không? Họ bảo tôi bị ảnh hưởng tư tưởng trotxkit. Mà nào tôi có biết trotxkit là gì.
- Không... Tôi đột ngột ngắt lời thầy.
- Không phải thế. Em không muốn thế. Không muốn phản động. - Tôi gào lên.
Tôi nhìn thầy đau đầu. Hai bàn tay bóp chặt lấy nhau. Bỏ lại thầy một mình, tôi chạy. Nhưng lần này, tôi chạy về hướng con đê.
Đêm hôm sau, buổi học cuối cùng, vẫn những điều cũ mèm, tiếng cô nữ công như tiếng đồng hồ tích tắc bên tai tôi:
- Thầy Biền có bao giờ nói yêu em không?
- Không - Thưa cô - Thầy chỉ làm thơ cho em thôi.
Tôi mở cặp sách đưa cho cô bài thơ thầy viết khi tôi bị bệnh. Cô nữ công đọc tờ giấy cầm trong tay, cười rú lên: "Có thế chứ". Bài thơ ấy như sau:
"Mấy ngày ốm nặng chỉ còn xương Nếu chết, chao ơi thật thảm thương Ta sống cùng ai tâm sự nhỉ Mảnh trăng thơ thẩn suốt đêm trường".
Tôi đâu biết, chính lúc này tôi đã phản bội lại thầy. Sự phản bội đẩy cả hai thầy trò xuống vực.
Một tháng sau, tôi lên trường rút học bạ vì điểm ba hạnh kiểm. Trường cấp ba không nhận tôi vào học. Còn thầy Biền, nghe nói bị chuyển về quê.
Trên đường về, tôi ghé qua mộ Gái. Tôi thắp cho nó 3 nén nhang, khấn khứa vong hồn nó. Tôi có cảm giác, linh hồn nó đang quanh quẩn đâu đây, trên ngọn cỏ, theo vòng khói nhang trong gió. Nó đã ở thế giới khác. Giờ đây có lẽ nó đang nhìn lại thế giới mà nó vừa từ bỏ. Nó có thấy tôi đang thắp nhang cho nó? Nó có thấy nước mắt tôi rơi trên mộ nó. Nó có thấy thật là ngớ ngẩn khi nó trở nên thù địch với tôi? Còn tôi, cái chết của nó đã hòa giải tất cả. Nhưng vì sao chỉ có cái chết mới đem lại sự hiểu biết lẫn nhau giữa con người? Tôi lại nhớ đến bóng tối trong mắt Gái và đôi môi tím ngắt buổi chiều đông ấy với một niềm thương cảm khôn nguôi. Tôi lẩm nhẩm với nó:
"Gái ơi mày đã chết. Tao cũng ước được như mày. Tư cách đạo đức của tao xếp hạng kém. Tao có quan hệ yêu đương với giáo viên trong trường. Thơ tao làm mang dáng dấp tiểu tư sản. Hạnh kiểm tao ba điểm. Tao là một học sinh đã bị mất chất...
Vĩnh biệt mày. Vĩnh biệt tuổi mười ba đầy tai ương của tao!".
Đêm ấy, cùng cuốn học bạ, tôi nằm lặng lẽ khóc. Trong dòng nước mắt chứa chan, trong niềm buồn đau vô tận, và nỗi tủi nhục ê chề, tôi mơ một giấc mơ.
Tôi bước xuống kè đá trên bờ sông Hồng. Nước ôm tôi dịu dàng thân thiết, tôi bồng bềnh trong nước trôi đi. Tôi lạc vào những vùng xoáy, đôi khi lại ngược dòng trồi lên, rồi lại hụp xuống. Tôi đi mãi trong nước.
Bỗng nhiên trước mắt tôi là biển cả mênh mông. Vầng mặt trời uy nghi nhô lên từ lòng biển, nhuộm thắm cả biển trời. Một không gian bao la mới lạ không khí bát ngát trong lành bao bọc quanh tôi. Mặt biển chao động. Vô vàn hàng sóng giăng giăng nối tiếp. Một niềm hân hoan mát lạnh xuyên suốt cơ thể tôi. Tôi bỗng biến thành sóng. Phút hóa thân kỳ diệu này để lại một cảm giác hạnh phúc vô bờ như phút ngộ đạo của kẻ chân tu.
Những làn sóng như những hàng người nối nhau vô tận thân ái đón tôi trong vòng tay dang rộng, cùng hớn hở reo vui, cùng hát ca bài hát của biển.
Tôi thức dậy với mái tóc ướt đẫm.
Rất nhiều năm sau, tôi mới hiểu ra rằng đấy không phải một giấc mơ thông thường. Đấy là khát vọng lớn lao muôn thuở của kiếp người. Chính đêm đó, tôi đã gặp biển, đã thấy lượng người rộng rãi bao la như lượng biển trời. Nhưng tôi đâu quên được vị mặn của biển đang thấm vào người tôi - vị mặn của nước mắt chúng sinh - mà tôi đã mang nó theo suốt cả cuộc đời.
Trước mắt tôi đang trải rộng bài viết của thầy Biền. Thầy bảo thầy đã theo sông quê tìm đường gặp biển. Tôi tự hỏi, tìm biển nhưng liệu thầy có gặp được biển.