Chương 1

Cổng trường phổ thông trung học Mỹ Hưng đứng núp mình khiêm tốn dưới cây phượng vĩ cao to, cành lá sum sê tỏa bóng. Mọi ngày trong giờ học cổng trường luôn đóng kín. Bác Lưu bảo vệ trường lúc nào cũng nghiêm túc với công việc của mình. Nhưng hôm nay đã quá giờ vào lớp mà một cánh cửa phụ của cổng mở toang. Lớp trưởng Lạc cùng Hải Sún, Hưng Ngưu Ma Vương, Cường Lé, Hùng... và mấy bạn nữ Mỹ Dung, Ngọc Hiệp... đứng lố nhố ngay bên cổng. Trên tay mấy bạn nữ là những chùm mận chín đỏ. Họ vừa ăn vừa tán chuyện tưng bừng. "Chắc lớp sáng nay được nghỉ", Từ xa Thúy Vân vui vẻ nghĩ thế. Vừa đến đã nghe Hải Sún thông báo:

- Sáng nay được nghỉ giờ cô Hạnh với thầy Đoàn. Thằng Sưu rủ sang nhà nó chơi.

Trong sân trường các bạn lũ lượt kéo ra, Thằng Sưu lưng hơi còng ôm vở đi đầu. Sưu rất hiếu khách. Nhà Sưu ở Hòa Đông bên kia sông Ái. Vườn nhà Sưu rộng mênh mông nhiều cây ăn quả. Bọn Thúy Vân sang nhà Sưu chơi rất nhiều lần từ lúc còn học lớp 6. Những chùm khế, xoài vàng óng, những trái ổi tròn căng thơm phức và vô số thơm, mít, bưởi... Hấp dẫn bọn háu ăn. Không những thế vườn cây rộng, cành lá sum sê tỏa bóng mát rượi làm sân chơi vô cùng thú vị. Sưu thỉnh thoảng mời cả lớp sang chơi. Lâu lâu không thấy nó mời bọn Thúy Vân gợi ý. Sưu vốn dễ tính và chìu bạn. Sáng nay trời trong mát rất thích hợp cho một chuyến đi chơi. Lớp trưởng Lạc quay sang hỏi cả bọn:

- Bây giờ đi ngã nào?

Có hai ngã đi qua nhà Sưu. Ngã đi vòng qua cầu xa hơn. Ngã đi tắt phải qua sông bằng đò. Mấy bạn nữ tranh nhau ý kiến. Thúy Vân nheo mắt:

- Đi ngã sang đò Lạc ơi!

Mỹ Dung cười châm vào:

- Nó luôn có "bơi sĩ" hộ tống nên mạnh miệng, không sợ Hà Bá.

Mỹ Dung ám chỉ Hoàng Hòa. Hòa là tay bơi số 1 của lớp, mấy năm liền đại diện trường đi dự Hội Khoẻ Phù Đổng môn bơi lội:

Thúy Vân liếc xéo Mỹ Dung:

- Mi luôn có "định kiến lệch lạc". "Bơi sĩ" hộ tống cho cả lớp chứ mình chi ta!

Mỹ Dung, Ngọc Hiệp cười nhìn sang Hoàng Hòa đang đứng gần đó. Hoàng Hòa chớp mắt quay lợ Hòa rất ngán khi phải gặp mấy bạn nữ và bị chọc ghẹo linh tinh. Chúng nó "cặp đôi" Hoàng Hòa với Thúy Vân. Hoàng Hòa đẹp trai, học giỏi, biết đàn, hát và nhiều tài vặt khác.

Chẳng cần thống nhất ý kiến cả lớp kéo đi ào ào. Can Trọc dẫn đầu. Phút chốc bọn lớp Vân rời khỏi cổng trường rẽ trái theo con đường nhỏ bao quanh chân đồi. Vậy Can Trọc dẫn lớp đi ngã tắt. Sông Ái từ thượng nguồn đổ về qua trung tâm huyện lỵ bao quanh những dãy đồi cao xuôi về Hòa Đông, làng của Sưu, rẽ làm hai nhánh chạy ra biển. Tháng tư, gió trên cao lồng lộng. Bọn lớp Vân đi dưới những rặng xoan ven chân đồi sum sê xanh mát. Những vệt nắng vàng như mật xuyên qua những tán lá đong đưa, nhảy múa trên lối mòn càng làm cho bước chân them rộn ràng nhộn nhịp. Hưng Ngưu Ma Vương cứ bô bô:

- Xoài nhà thằng Sưu, giống xoài thanh ca ấy trái bằng bắp tay da còn xanh nhưng bên trong cơm đã dày trục vàng tươm màu nghệ tươi vừa giòn vừa chua ngọt... Hưng dừng lại đắc chí với sự mô tả của mình rồi lên giọng không biết bắt chước ai như người lớn:

- Lấy dao thật bén gọt vỏ, bỏ hột, xắt lát vừa không dày không mỏng. Nước mắm ớt, tỏi, đường làm một chén nhé! Bốc một lát xoài chấm vào rồi đưa lên miệng cắn một phát nhai... - Hưng Ngưu Ma Vương suýt xoa:

- Tuyệt... vời! Trời... Ơi!

Hưng chưa dứt tiếng bỗng vấp ngã xuống bờ ruộng. Cả lớp cười ầm vang. Tiếng Ngọc Hiệp:

- Hưng Ngưu Ma Vương! Ai bảo ngươi bày món xoài chấm nước mắm ly kỳ rồi mê ăn tham uống lấy một mình đến nỗi té ngã?

Hưng vừa vấp té chứ ta chỉ tưởng tượng thôi. Nếu như ăn được các vị đã xáp vô... giành giật từ khuya rồi... Đằng sau mấy "ranh con" vọng tới.

- Đáng đời con ạ! Chưa tới nhà thằng Sưu đã ăn xoài tưởng tượng, "ấp phê" quá ngã té lá vừa.

- Báo hại mấy đứa nữ!

- Hại gì! Bọn ta có sao đâu? - Ngọc Hiệp nổi tiếng chanh chua chu miệng lên, mắt... trợn trừng mấy cha phát biểu lung tung. Cường Lé vọt lên:

- Nghe Hưng bày món xoài... miệng, tao thấy mấy đứa nữ đi như chạy, cũng suýt bị ngã.

Cường Lé hắng giọng làm ra vẻ đàn anh:

- Từ từ nghen mấy em! Đừng vội nôn nóng mà bị nạn. Xem Hưng Ngưu Ma Vương đó mà làm gương.

Cường Lé chưa dứt lời đã nghe rào rào những hòn đất như từ phía trước ném lại. Nó la lên, né qua, lùi lại tránh... đòn. Cả bọn vừa đi vừa đùa giỡn một hồi đã đến bên sông. Những lũy tre ken dày, um tùm ngả bóng xuống dòng nước xanh ngắt. Bến đò ngang vắng lặng dưới vòm tre yên ả bỗng huyên náo hẳn lên. Lũ học sinh như đàn bướm trắng sà xuống mé nước. Bọn con trai hăng hái xắn quần lội xuống. Nhiều nhóm chia nhau rình bắt những chú tôm, cá nhỏ ven bờ. Bờ sông thoai thoải cát mịn màng thật là nơi lý tưởng để các nhóm khác nô đùa té nước la hét vang trời.

Trái với cái ồn ã của bọn con trai. Trên thảm cỏ ven bờ mấy bạn nữ ngồi lặng yên nhìn ra sông nước mênh mông. Bên kia bờ mấy cánh diều ai thả bay lửng lơ giữa nền trời cao xanh ngắt. Một cơn gió thoảng, những chiếc lá tre loăn xoăn rụng rơi trên bến nước theo dòng trôi xuôi. Khác với những lần đi chơi trước, Thúy Vân không được tự nhiên. Nó lặng lẻ nhìn những chiếc lá rơi mà bần thần như ai "hớp hồn". Lần đầu tiên trong đời nó có một chuyện lo mà không dám thổ lộ cùng ai kể cả Ngọc Hiệp và Mỹ Dung là hai bạn thân nhất ngồi cùng bàn. Thúy Vân nghĩ: "Hai con nhỏ này mà biết được chúng nó sẽ trêu chọc mình tới bến. Nhưng cứ giữ bí mật mãi thì không ai chia sẻ với mình... ?"

Tất cả bắt đầu từ đêm văn nghệ lớp kết nghĩa với câu lạc bộ văn nghệ Hương Đồng ở quán cà phê Thanh Thảo. Câu chuyện bắt đầu từ đêm ấy.

Liên hoan văn nghệ được tổ chức ngay trước quán Thanh Thảo, một khoảng sân rộng bên bờ sông Ái. Văn nghệ lửa trại chứ không có sân khấu. Đêm không trăng sao thăm thẳm. Khán giả, ngoài học sinh của lớp, anh chị em trong ban văn nghệ Hương Đồng, câu lạc bộ văn nghệ Hương Đồng còn là bạn bè thân hữu, những khách mời trong giới văn nghệ của huyện. Lâu nay hễ có dịp văn nghệ khi giới thiệu Thúy Vân, học sinh 12A4 trung học Mỹ Hưng là khán giả vỗ tay rầm vang bởi Thúy Vân có giọng ca hay và đặc biệt ngâm thơ rất tuyệt. Lần này càng dậy lên những tràng pháo tay bởi người điều khiển chương trình đã dành cho Thúy Vân một tiết mục ngâm thơ "Tự biên tự diễn". Thúy Vân được nhiều người biết đến do có nhiều bài thơ nhỏ đăng trên báo Mực Tím, Áo Trắng, Hoa Học Trò... Đêm đó Thúy Vân chọn ngâm bài thơ "Phượng Hồng", một cảm xúc mới nhất khi mùa hè sắp đến. Tiếng sáo cất lên dìu dặt lan tỏa ra không gian mênh mông... Tiếng đàn réo rắc nương theo giọng ngâm như chuyên chở nguồn xúc cảm từ ý thơ, hồn thơ đến với người nghe:

"Phượng hồng rực sân rồi đó!

Hè sang - Ôi phải xa trường

Tiếng ve chảy đầy lối nhớ

Ai còn nhặt cánh hoa vương...

Giờ chơi ai chờ gốc phượng

Thẩn thờ về dạo cuối sân

Vu vơ tìm chi màu nắng

Bọc đầy tà áo bâng khuâng...

Phượng hồng hay lòng ta đấy

Cháy ran bao nỗi lặng thầm

Ký âm trong màu hoa thắm

U hoài hát mãi lời câm... " (*)

Tiếng thơ đã dứt lâu rồi mà cả sân vườn vẫn còn lặng im. Rồi những tràng pháo tay như sấm nổ. Khán giả ùa lên tặng hoa. Những bó hoa hồng tươi vừa mới cắt từ những khoảnh sân vườn, những vườn hoa trong thị trấn. Một trong những bó hoa đó bên trong có ém một phong thư... Phong thư không đề tên tác giả. Và lúc đó nhiều người lên tặng hoa. Thúy Vân cũng bối rối nên không nhớ bó hoa đó của người nào...

- Nghĩ gì mà thừ người vậy? "Cảm" nặng hay nhẹ mà như là người mất hồn! - Ngọc Hiệp đập vai Thúy Vân choàng tỉnh:

- À!... Đò sang chưa?

Ngọc Hiệp nheo mắt:

- Hỏi vô duyên lãng xẹt. Đò chưa sang mi mới ngồi đây mà mơ mộng chứ! "Cảm" nặng rồi.

Thúy Vân cười khỏa lấp:

- Mi mới "nóng lạnh phát sốt". Khi không bảo người ta "cảm".

Mỹ Dung chen vào:

- Mấy ngày nay tao thấy Thúy Vân sao sao đâu... Có điều chi thì khai báo nhé! Giấu kỹ bệnh càng nặng hối không kịp đó.

Thúy Vân chu miệng lên định... chối thì dưới bến Sưu hô to:

- Anh em ơi chuẩn bị qua đò!

Tất cả nhìn ra. Cậu của Sưu vừa chống đò cập bến. Đó là một người đàn ông khoảng hơn 60 tuổi, người thấp lùn, da rám nắng, tay chân to khỏe, rắn chắc. Ông lúc nào cũng tươi cười. Ánh mắt luôn tỏa ra sự nhân hậu, hiền từ. Bọn lớp Vân rất quí mến ông. Lần nào cũng vậy khi bọn trẻ kéo qua nhà Sưu chơi thì ông chống đò, mặc dù ông không phải là người phụ trách đưa đò ở bến sông này. Cứ mười lăm em một chuyến. Ông luôn nhắc nhở:

- Ngồi yên các cháu! Đừng động đậy làm ghe lắc lư...

Gì thì gì chứ khi ngồi lên đò bọn lớp Vân tuyệt đối vâng lời ông. Dưới bến bọn Lạc, Hưng Ngưu Ma Vương. Cường Lé, Can Trọc đã lên ghẹ Can Trọc nói vọng vào:

- Sang chuyến sau nghen mấy "em", bọn "anh" qua trước hái xoài trộn nước mắm...

Nghe nói xoài chấm nước mắm đứa nào cũng chảy nước miếng Mỹ Dung bắt tay làm loa hô xuống.

- Nhớ đợi bọn này mới được ăn nghe chưa!

Không khí bến sông rộn ràng vui như tết.