Làng Vân Đình bỗng dưng nhộn nhịp và tưng bưng như ngày hội. Từ tờ mờ sáng, căn nhà của cụ góa Lành tấp nập người ra kẻ vào. Căn nhà ngói ba gian được sơn phết lại kỹ lưỡng. Trước nhà, hoa đăng mắc đầy ngoài cổng và trên hàng hiên. Cái rạp thật lớn bằng tranh che kín một khoảng sân vừa được dựng lên vài hôm trước. Bên trong, hai cái phản rộng sáu mét vuông chiếm gần hết nửa phần diện tích. Cái lớn đặt cao. Cái nhỏ nằm thấp hơn vài tấc, đặt cạnh bên. Phủ trên, hai chiếc chiếu hoa bằng sợi. Chung quanh, vài cái bàn tròn và những chiếc ghế dựa xếp ngay hàng thẳng lối. Dưới bếp, tiếng người lao xao. Tiếng vịt gà lạp cà lạp cạp. Tiếng lợn kêu eng éc vì bị chọc tiết. Tiếng bát đĩa, nồi niêu chạm nhau leng keng, lách cách. Những cô gái quê đi ra đi vào quần là áo lượt, màu sắc sặc sỡ. Trời ửng nắng. Ngoài đường, trẻ con cợt đùa đuổi theo hai chiếc xe du lịch đang từ từ chạy đến. Xe dừng trước cổng. Vài người quần áo chỉnh tề, trang trọng bước xuống.

Giữa trưa. Buổi lễ bắt đầu. Trên bàn thờ gia tiên, mấy bức chân dung ngả màu, hai chân nến, cái lư hương đồng đã được đánh bóng cẩn thận. Vài mâm hoa quả, một đĩa bánh mứt và chai rượu Remy Martin tô điểm cho trang thờ thêm phần rực rỡ, sung túc. Dưới nền nhà phủ một chiếc chiếu hoa. Ông Thẩm mình mặc áo the thâm, đầu đội khăn đóng, tuổi độ bảy mươi, tóc bạc trắng, đang đốt hương trầm khấn vái. Bên cạnh, cu Đần trong chiếc áo dài lụa màu hồng, đầu cũng đội khăn đóng đang ngả ngớn, miệng lập cập, tay cầm bó hương đưa lên đưa xuống. Cụ Thẩm quỳ lạy. Bà Lành đứng cạnh chỉ dẫn cu Đần ngồi mọp xuống, dập đầu lạy lia lạy lịa. Ngoài sân, tiếng trống nổ vang. Đoàn múa Lân tưng bừng nhảy nhót.

Mọi người ngồi vào bàn tiệc. Cỗ lớn, khách khứa tấp nập những ngoài trăm người. Ăn xong, tiệc chè được dọn lên. Trời nóng bức. Trên cái phản giữa sân, theo trình tự, cụ Thẩm, mồ hôi nhầy nhụa trên trán, ngồi chễm chệ Ở giữa. Cạnh bên là cu Đần. Các già làng và ông chủ tịch xã ngồi quây quần xung quanh. Sau lưng cụ Thẩm và cu Đần, một bà sồn sồn và một cô gái trẻ cầm quạt đứng hầu, đưa tay quạt lia quạt lịa. Cô gái là cái Khương, vợ mới cưới của cu Đần, bụng chửa ba gang, mặt mày non choẹt. Trên cái phản bên cạnh là các bà, áo dài chỉnh tề, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Bà Lành miệng phun phì phì, chỉ bảo người này, la mắng kẻ nọ, hai tay đong đưa trên không như đang làm trò múa rối. Cụ Thẩm nhìn cu Đần rồi quay sang mọi người, giọng trịnh trọng:

“Thưa các cụ, các bác, họ hàng gần xa và tất cả bạn bè thân quen đang có mặt nơi đây, tôi ở Pháp mới về và cũng là người cao tuổi nhất trong họ Vũ Thành. Hôm nay, tôi vinh hạnh được họ hàng cử làm chủ tọa cho buổi lễ công bố di chúc của cụ tổ. Tôi xin tuyên bố, kể từ hôm nay, Vũ Thành Lộc chính thức được phong làm trưởng tộc. Căn nhà từ đường và vài hecta ruộng đất sẽ giao cho Vũ Thành Lộc làm chủ và trông coi. Mọi việc thay đổi sau này sẽ do cháu Lộc toàn quyềún quyết định, với sự chứng kiến và góp ý của bà Phạm Thị Lành, mẹ cháu.”

Nói xong, ông quay sang cu Đần bảo nhỏ “Cháu Lộc nói đi. Nói... cháu xin chấp nhận.” Cu Đần rãi chảy lòng thòng bên mép, tay bịt mũi, nhìn ông chú họ cười ngả ngớn “M... iệng ông... Ối qu... á ! Mẹ Ôi, ông... ầy... Ông... ịu... úc... iệng. M... iệng ông... Ối qu... á !” (#1)

Mọi người đưa mắt nhìn sang cụ Thẩm lo ngại, mặt hơi cúi xuống. Ông thẹn thò. Một lúc sau, như hiểu ra cớ sự, tất cả bỗng vỗ tay lốp bốp, miệng hô lớn “Chúc mừng! Xin chúc mừng!” Cu Đần bắt chước mọi người cũng vỗ tay lạch bạch. Đầu lắc lư nghẹo sang một bên. Tay ngọ nguậy với lấy mấy chiếc bánh bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến. Bánh vỡ vung vãi bám đầy hai bên mép. Cái Khương thấy thế, ngừng tay quạt, lấy cái khăn lau mồm cho chồng. Cô nói khẽ vào tai cu Đần “Mình đừng làm xấu thế. Lát nữa em cho mình ăn, kẹo trong nhà để dành cho mình nhiều lắm.” Cu Đần làm nũng rồi giật cái bánh trên tay vợ. Cái Khương giật lại. Cu Đần la thét. Tay quờ quạng chạm vào tách chè, nước bắn tung tóe lên người cụ Thẩm. Bà Lành thấy thế chạy đến, ôm cu Đần vào lòng vỗ về “Hôm nay, cu Đần hư quá” Cu Đần nũng nịu “Mẹ,... On... uốn ăn... ánh. Kh... Ông... ịu... âu. C... On... uốn ăn... ẹo... ữa... Ợ” (#2)“Theo mẹ vào nhà, mẹ lấy kẹo ngon cho con ăn.” Nói xong, bà dìu cu Đần vào trong. Cái Khương lép xép chạy theo sau, một tay nắm vạt áo của chồng, tay kia cầm cây quạt vỗ kêu phành phạch.

* *

*

Làng Vân Đình thuộc tỉnh Hà Tây, nằm cạnh cánh đồng Bắc bộ. Đường làng đất đỏ. Mùa mưa bùn lầy trơn trợt. Cây đa đầu làng già cỗi, trơ trụi lá. Ven đường, hàng tre rậm rạp phủ bóng xuống dòng sông Đáy đục ngầu. Mấy chục căn nhà gạch nâu đen, xám xịt chen chúc nhau, xiêu vẹo. Dòng họ Vũ Thành sống ở đây đã mấy đời. Ông tổ ngày trước là địa chủ, ruộng đất mênh mông cả một vùng. Đến đời cụ nội của cu Đần thì sa sút dần. Cụ nội của cu Đần là con cả cụ tổ. Trong chiến dịch cải cách ruộng đất, ông bị đưa ra đấu tố, bị bắn và thi hài được đem về cải táng tại mảnh đất sau vườn. Ruộng vườn đều bị tịch thụ Chỉ có căn nhà từ đường là được giữ lại. Bố cu Đần, ông Vượng là con trưởng và là người trong họ duy nhất ở lại trông nom mảnh đất hương hỏa. Tất cả bà con họ hàng đều di cư vào Nam. Một số sau đó sang định cư tại Pháp. Bố mẹ cu Đần sinh được ba người con gái. Cái Thắm, cô con cả vẫn độc thân sống với bố mẹ. Cái Thoa, cái Hồng đã lấy chồng ra riêng. Sinh xong cái Hồng, ông bà Vượng vô cùng thất vọng. Ông bà thăm viếng nhiều chùa chiền và miếu đền, khấn vái Trời Phật cầu xin có được một đứa con trai nối dòng. Một hôm nằm mơ, bà Lành thấy mình cưỡi rồng bay trên mây. Rồng vàng phun lửa, ngậm ngọc châu nhả vào bụng. Vài hôm sau, bà có mang và sinh ra cu Đần, đứa con trai cầu tự. Ông bà vui sướng và chiều chuộng cu Đần hết mực. Vì sinh khó, mới chào đời, cu Đần đã là đứa trẻ không bình thường. Càng lớn, sự bất thường càng hiện rõ ra. Đầu ngã nghiêng. Tay chân nhủng nhẵng, khoèo khọt. Miệng méo xệch. Nói năng ngọng nghịu. Mũi rãi lòng thòng bên mép. Trên 30 mươi tuổi, trí tuệ của cu Đần chỉ phát triển bằng đứa trẻ lên năm. Suốt ngày làm nũng và lẽo đẽo bên váy mẹ. Lúc mới sinh, bố mẹ đặt tên cho con là Vũ Thành Lộc. Ông bà mong sau này cu Đần sẽ hưởng được nhiều tài lộc. Ra chơi ngoài đường, ai gọi gì cũng khì khà, bảo gì cũng gà gật. Thỉnh thoảng, vô tư... nằm lăn ra khóc. Trẻ con trong làng gặp cu Đần thường trêu đùa, chọc ghẹo, chế giễu. Thấy đầu óc nó đần độn, bọn trẻ đặt cho nó cái tên cu Đần. Về sau, thành thói quen, mọi người vẫn gọi nó như thế. Nó thường bị bọn trẻ bắt làm trâu cho cưỡi, bắt tuột quần để xem cụ Ông Vượng thấy con đần độn như thế thì ra than vào thở. Nhiều lúc, vì tủi hổ, ông chẳng muốn nhìn nhận con. Ông thường phàn nàn với vợ “Dòng họ nhà tôi trước đây có làm điều gì thất đức mà đến đời tôi, có được một đứa con trai duy nhất, nó vừa hâm lại vừa hấp thế này. Ôi giời ơi là giời! khổ thân tôi quá, thế là tuyệt tự mất rồi. Tôi thực có tội với tổ tiên.” Ông Vượng buồn lắm. Hàng ngày tìm quên trong men rượu. Chuyện sinh nhai, một tay bà Lành và cái Thắm lo lắng. Năm cu Đần được mười chín tuổi thì bố nó mất. Nó ở với mẹ cùng cái Thắm trong căn nhà từ đường đã dần đổ nát.

* *

*

Cách đây ba năm, ông Thẩm, chú ruột của bố cu Đần từ Pháp về thăm quê nhà. Ông và họ hàng bỏ tiền ra xây dựng lại ngôi nhà từ đường. Cạnh đấy, ông cho xây thêm một căn nhà ngói ba gian và đưa mẹ con cu Đần về đấy ở. Họ còn giúp vốn mở hàng ăn uống, ca nhạc karaokẹ Làm ăn khá phát đạt. Nhà nước thay đổi chính sách điền địa, ông Thẩm trở về lần thứ hai, lo thủ tục lấy lại ruộng đất. Ông giao đất lại cho bà Lành tạm thời trông coi, cả ngôi từ đường và việc hương khói cho tông tổ. Di chúc của cụ tổ để lại, ngôi nhà từ đường và tất cả ruộng đất, sản nghiệp sẽ giao lại cho đứa cháu đích tôn, với điều kiện, nó đã trưởng thành và có khả năng giữ cho họ tộc không bị tuyệt tự.

* *

*

Hơn một năm nay, bà Lành hối hả tìm vợ cho con. Tiếng đồn lan xa, đến mấy ngôi làng cạnh bên đều biết. Cả làng xôn xao về tờ di chúc. Cu Đần bỗng dưng trở thành nhân vật được nhắc nhở nhiều nhất. Nó đi đến đâu, lắm kẻ vồ vập đến đấy. Nhiều bà nhiệt tình, một “Mời cậu Lộc đến nhà tôi chơi, tôi cho ăn kẹo,” hai “Mời cậu Lộc vào nhà xơi nước, chơi trò trốn bắt với cái Thủy, cái Thơm... ” Cu Đần ngờ nghệch khoái trá đến mụ người trước vẻ tưng hửng của mọi người. Nhiều cô gái trẻ được bà Lành khuyến dụ, mẹ cha khuyên nhủ, thấy gia đình bên đàng trai ăn nên làm ra cũng hơi xiêu lòng. Nhưng khi nhìn thấy cu Đần, nghĩ đến việc phải làm vợ một gã đần độn, các cô hãi quá, đều khăng khăng cự tuyệt. Lắm cô nhà nghèo “an phận”, thản nhiên “đành lòng cho nước cuốn hoa trôi”, áo quần đỏ xanh, chiều chiều lượn qua lượn lại làm dáng trước ngõ. Nhà cu Đần bỗng dưng tấp nập người đến kẻ đi. Mấy cụ già làng khó tính, ngày ngày rỉ rả vài câu than trời trách đất “Chúng bây, cái lũ học đòi. Tham sang chuộng giàu bán rẻ nhân phẩm. Tổ tiên ông bà ta có về, nhìn thấy chuyện đời kỳ quặc thế này, chắc phải đấm ngực kêu trời mà than khóc.”

Bà Lành chọn cái Khương, cô gái làng bên, con nhà lành, xinh xắn làm vợ cu Đần. Đám cưới được tổ chức linh đình có dù có lọng “Kiệu anh đi trước, võng nàng theo sau.” Ăn uống chúc tụng ồn ào. Cái Khương chính thức về làm dâu dòng họ Vũ Thành. Thuần phục mẹ chồng. Chăm sóc cho chồng hết mực từ cái ăn, cái mặc cả đến cái việc hàng ngày đưa chồng đi tắm, kỳ cọ cả trong lẫn ngoài. Ban đêm, ôm chồng vào lòng ru cho chồng ngủ.

Sống với nhau hơn nửa năm mà cái bụng của cái Khương vẫn thế, trơ trơ “trước sau như một.” Bà Lành lo, gọi con dâu đến hỏi “Con ăn ở với chồng con thế nào? Hai đứa có... ấy với nhau không, sao đến nay, bụng bây vẫn thế, chả thấy biến chuyển gì cả?” Cái Khương cả thẹn cúi mặt, miệng thỏ thẻ “Thưa mẹ, con cũng có giúp chồng con làm cái việc... ấy. Nhưng khổ quá mẹ ạ. Thỉnh thoảng, anh ấy mới... vào con được, chỉ một lát thôi ạ. Sau đó, anh lăn đùng ra cười rồi đái đầy lên người con. Con chả biết phải làm sao cho mẹ vui lòng?” Bà Lành ngạc nhiên. Ngẫm nghĩ vài giây rồi bảo “Thôi được, để mẹ lo cách khác.” Cái Khương bảo “Con xin vâng lời mẹ ạ.”

* *

*

Biết quý tử không có khả năng sinh sản, bà Lành tìm cách đưa đứa cháu gọi bà bằng cô từ Hà Đông xuống gặp cái Khương. Bà đưa cho thằng cháu một triệu đồng, kể rõ mọi toan tính rồi buộc nó và cái Khương phải tuyệt đối giữ bí mật. Nghe bà nói, mắt cái Khương ươn ướt, lâu lâu liếc sang người thanh niên xa lạ, mặt đỏ bừng. Lúc đầu, cái Khương tỏ vẻ thoái thác. Bà Lành nài nỉ, thúc giục, la mắng rồi cưỡng ép. Cuối cùng, cô ưng thuận. Cô vẫn nhớ mãi những lời mẹ ruột cô khuyên nhủ, trước khi quyết định về làm dâu bà Lành “Con ạ, nghe lời bố mẹ chịu lấy cậu Lộc làm chồng. Sau này, cái gia tài đồ sộ ấy sẽ thuộc về con. Con phải biết nghĩ đến bố mẹ và các em của con đang sống trong cảnh thiếu thốn và nghèo khó. Mọi người đều trông cậy vào con. Hãy trả hiếu cho bố mẹ, con nhé.”

Từ ngày về làm vợ cu Đần, cái Khương cảm thấy cuộc đời tươi tốt và sáng sủa hẳn ra. Cô khỏi phải đi làm thuê hay làm lụng nhọc nhằn, vất vả ngoài đồng để có đủ gạo, dư tiền nuôi năm đứa em nheo nhóc. Ở nhà bà Lành, cô chỉ lo việc nhà, việc bếp núc và chăm sóc cho cu Đần. Nghĩ đến ý định của mẹ chồng, cái Khương cảm thấy xốn xang trong dạ. Con gái mới lớn, người đẫy đà, thân hình hừng hực sức sống. Hàng đêm vuốt ve, ôm ấp người đàn ông, dù là người đàn ông tật nguyền, tinh thần kém phát triển, cô vẫn cảm thấy da thịt mình như muốn căng phồng ra bởi những cảm giác dục tình thôi thúc. Thỏa mãn sự thèm khát dục vọng lâu ngày bị dồn nén một cách công khai, hợp lẽ, được mẹ chồng chấp thuận và khuyến khích là chuyện hiếm hoi trên đời. Thoái thác việc sống chung với người đàn ông xa lạ là chuyện chẳng đặng đừng. Là con gái cô phải làm thế. Thực sự, trong cô, nỗi sướng vui ngấm ngầm tuôn tràn, dào dạt.

Ăn nằm với nhau được vài tháng, cái Khương mang thai. Bà Lành xem cô như của quý, ngày ngày “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa,” không cho làm lụng nhọc nhằn như trước. Bà viết ngay bức thư gửi sang Pháp báo tin mừng. Ông Thẩm viết thư hồi âm. Ông bảo “Cháu Lộc sắp có con là Trời còn thương dòng họ nhà Vũ Thành. Thế là cháu có người để nối dõi. Mong cháu Khương sinh con trai. Nếu là con gái thì cũng chả sao. Thế nào rồi cháu cũng sẽ sinh được một đứa con trai. Bằng không, gia đình có thể cưới thêm cho cháu Lộc một cô vợ lẽ. Tôi hy vọng, mình còn sống đến trăm tuổi để chứng kiến cái ngày đấy.” Bà Lành vui mừng khấp khởi, đi khoe cả làng trên xóm dưới.

* *

*

Cái thai lớn dần trong bụng cái Khương. Và đó là nguyên cớ mà làng Vân Đình hôm nay có được một ngày hội lớn.

Chú thích:

(1-) “Miệng ông thối quá. Mẹ Ôi, ông này không chịu xúc miệng. Miệng ông thối quá”

(2-) Mẹ, con muốn ăn bánh. Không chịu đâu. Con muốn ăn kẹo nữa cợ”

Hết