Ông Tấn ngồi ở xa-lông nhìn qua khung cửa sổ. Tháng tư daffodils và tulips đua nhau khoe màu sắc. Màu vàng sáng rực của daffodils và màu đỏ thẫm của tulips làm lối đi trước nhà đẹp mắt, tươi mát. Cảnh trí này giúp tâm hồn ông lắng đọng. Con Hiền đã về, ông thấy an tâm. Con gái bỏ nhà ra đi, ông cứ thấp thỏm lọ Con hư thì cha phải la, ai dè, nó bỏ nhà đi mất. Bà Tấn thương con, đêm cứ tấm tức khóc, nói từ hồi nào tới giờ một mình bà nuôi con, ông không đau lòng đứt ruột vì ông không có nuôi. Vợ chồng hục hặc lời qua tiếng lại. Ông mục sư biết được chuyện khuyên vợ chồng nên hòa thuận với nhau, chuyện gì ngoài tầm tay của mình thì chỉ còn xin Chúa dẫn đường thôi, đừng vì con cái mà vợ chồng đổ vỡ. Ông mục sư trẻ măng mới lấy vợ, chuyện đời không hẳn đã rành hơn ai, ông nói theo sách vở thôi, nhưng nói lần này nghe được quá chớ. Nghĩ như vậy, ông Tấn đồng ý với vợ là sẽ theo mấy buổi counseling nữa.

Bà Tấn đã năn nỉ khóc lóc hết nước mắt để nó chịu về, nhưng ông sẽ nói với mọi người là nó xin được về. Bà vui mừng kể là cả năm nay nó vẫn tiếp tục đi học. Ông hứa với bà là sẽ bớt nóng nảy, sẽ uyển chuyển trong vấn đề uốn nắn, dạy dỗ con cái. Việc đã xảy ra không phải lỗi của bất cứ người nào, chỉ là hoàn cảnh thôi. Khoảng thời gian ông ở với gia đình không được bao nhiêu, mười năm cải tạo, sáu năm ở Mỹ một mình. Tuy mang tiếng là có cha nhưng cha đâu có trực tiếp chỉ bảo, cha đâu có ở gần, chỉ có mẹ với con. Bây giờ đùng một cái ở chung một nhà. Thế là xung đột xảy ra.

-Ba! Má nói tới giờ đi đón chị Hiền rồi.

Thằng con út lại gần nhắc nhở. Ông đứng lên, nhìn xuống đồng hồ tay:

-Ờ!

Nó mon men nói nhỏ:

-Con đi theo được chứ, ba?

Ông ở tù về thì vợ chồng kiếm thêm được thằng này. Lúc ông vượt biên thì bà còn mang bầu nó. Bà thương nhớ ông ngày đêm, nên đẻ thằng bé giống ông như đúc. Khi thằng Hậu được hai tuổi, mấy lần bà định theo người ta đưa gia đình vượt biên, nhưng ông Tấn viết thư không cho đi, nói vượt biên lúc này vừa cực vừa nguy hiểm, cứ ở nhà ông sẽ gửi tiền về nuôi con. Mỗi tháng, ông gửi về 300 đô, bà xài thong thả, còn lại mua vàng cất. Ngoài ra bà còn chạy mối bán vải ở chợ.

-Vô hỏi chị Lành mày, nếu nó không đi thì có chỗ cho mày đi.

Thằng nhỏ trả lời ngay:

-Chị Lành không có ở nhà, vậy là con đi hả, ba?

Nghe con nói Lành không có ở nhà, ông Tấn nhíu đôi lông mày khó chịu. Lại một mối lo nữa đây. Con bé vắng mặt luôn, nghĩ tới Lành, ông chợt nhớ là mấy hôm rày ông không gặp nó, nó kêu nó đi học lab, về nhà quá khuya thì ông đã đi ngủ rồi. Hôm qua nghe tiếng cửa mở, nghĩ là con về, ông định ra coi, nhưng bà lại nói khuya rồi ông nên ngủ đặng sáng sớm còn dậy nổi để đi làm. Ông nghe bà không ra nữa, nhưng ông sợ con này có bồ, có trai thì mới về khuya như vậy. Con Hiền thì ông không nghĩ nó có bồ, nó cứng đầu cãi lại rồi ra ở riêng chẳng qua là muốn chứng tỏ mình độc lập thế thôi. Chứ con Lành thì khác, mới từng đó tuổi mà đã dùng son phấn, đầu tóc lại cắt ngắn theo kiểu mới, nhờ có con chị họ làm nghề cắt tóc cắt chọ Thấy cái lối đi đỏng đảnh của nó là ông lọ Tánh con này không cãi lại bướng bỉnh như con chị, nhưng nó biết cách tránh ông để khỏi bị lạ Khi bị la thì nó cứ lẳng lặng đứng nghe, như là có biết hối cải. Nhưng làm sao ông biết nó đang nghĩ gì? Cho là ông lỡ thời lỡ vận bất mãn đời chăng?

Có một dạo có một thằng ở nhà thờ cứ đưa đón nó. Ông biết được cấm không cho đưa đón như vậy nữa, có đi thì đi chung một đám bạn với nhau, hay đi với bạn gái, chứ đi riêng tư với con trai như vậy thiên hạ sẽ dị nghị mang tiếng, con nhà đàng hoàng tưởng mình có bồ rồi không dám tiến tới. Bà bênh con nói, thì cũng đám thanh niên ở nhà thờ với nhau chứ lạ gì. Vì không lạ nên ông biết là thằng đó thuộc loại chẳng ra gì, không ăn học, làm Alaska vài tháng lại về đi lông bông, tệ nhất là nói tiếng Việt không rành, ngọng lên ngọng xuống, với ông, người Việt mà không nói được tiếng Việt, là thành phần gì chứ?

Thật sự thì ông không tin tưởng việc sinh hoạt thanh niên ở nhà thờ giúp được gì cho con cái ông. Ông nghĩ... là chỗ trai gái gặp nhau hò hẹn rồi ham chơi chẳng lo học hành gì. Ông Tấn vô Tin Lành là vì nể vợ, thật sự đây là lần "nể vợ" duy nhất . Vợ vô là vì ơn nghĩa với người bảo trợ là họ hàng bên bà. Người này cũng mới theo đạo sau khi qua Mỹ thôi. Vợ nói, vô cho con cái có chỗ sinh hoạt, có nơi trao đổi những kinh nghiệm học hỏi. Chuyện nhà, ông Tấn lâu nay vẫn để vợ quyết định, từ ngày ở trại cải tạo về. Ông cho là ông sẽ chỉ quyết định những chuyện lớn thôi!

*

Hiền về giữa tháng tư, Washington đã có nhiều ngày nắng, bầu trời xanh biếc. Những cây du, cây phong lá non ra xanh mướt. Đầu những nhánh thông mọc thêm những đọt lá mới tưởng như thông mọc thêm những lóng taỵ Cây cỏ nhô ra hứng ánh mặt trời. Bông cỏ dại màu vàng cũng ngóc đầu, mà đâu có ai thích loại cỏ này. Đào loại bông lớn đã nở rộ hồng cả đường phố. Chim chóc líu lo rộn rã trên những cành cây cao. Mọi thứ tươi tỉnh lại sau một mùa đông dài xám ngắt, buồn bã. Lần trở về, Hiền thấy vui mừng khôn xiết. Ở xa, Hiền biết nhớ gia đình, nhất là mẹ, Hiền biết bà thương con, chiều con. Nhưng căn nhà nhỏ quá, ra vô lại đụng chạm xung đột, không có lối thoát, Hiền sợ mình và ông Tấn rồi một ngày nào đó lại bùng nữa, việc không tránh được.

Hiền về chưa được bao lâu thì gia đình gặp một biến cố khác. Ông bà Tấn phát giác ra con Lành có bồ. Thằng bồ của nó là cái thằng một lần ông đã thấy nó đưa đón con Lành, sau đó ông cấm con Lành không được để nó chở như vậy nữa. Mấy tháng nay con Lành làm bồi ở nhà hàng Cửu Long kiếm thêm tiền xài vặt. Theo lời bà Tấn nói với chồng không phải đêm nào nó cũng làm, đêm làm đêm nghỉ, những đêm nghỉ thì nó ở trường học tới khuya. Ai dè nhà hàng Cửu Long là chỗ hẹn hò của tụi nó, thằng đó cứ tới lui lai vãng hoài không để con này làm việc nên bây giờ bà chủ nhà hàng đuổi không cho con Lành làm nữa. Bữa đó tình cờ bà Tấn gọi ra nhà hàng định dặn Lành chừng khuya về thì nhớ ghé chợ Safeway mua cho thằng Hậu bình sữa tươi. Bà mới hay con Lành đã thôi không làm bồi ở đó được một tuần rồi. Bà mới vỡ lẽ, hóa ra nó đi chơi với bồ mà dấu bà, người ta còn cho bà biết lý do họ đuổi Lành nữa!

Chờ nó đi chơi về, ông Tấn túm đầu nó la hét:

-Học không lo học! Tôi biết mà! Về 1, 2 giờ sáng thì chỉ có đi chơi với trai thôi, chứ trường nào còn mở tới giờ đó. Hừ! Mới từng tuổi đó đã rửng mỡ!

Ông giận quá xán con Lành mấy bạt tai long trời lở đất. Bà nhào vô gỡ ông ra, nhưng bà sức yếu bị Ông hất ra té xuống, may mà ngã vào cái xa-lông. Bà khóc hu hu nói ông giết nó đi, trời ơi ông nỡ nào giết "con tui".

Con Lành gan lì không khóc một tiếng. Nó cứ để ông đánh. Đánh con xong, ông buông tay đứng thở hổn hển. Giá mà nó van xin, thì ông động lòng sẽ nới tay, đằng này nó còn trêu ngươi, chọc tức ông. Bằng cặp mắt trừng trừng!

Đêm đó, không người nào ngủ được. Cả tuần sau ông bà canh con Lành không cho nó giao thiệp với thằng đi Alaska làm tôm làm cá đó nữa. Con Lành giận nằm liệt trong phòng. Bà nhờ con Hiền đem thức ăn vào dỗ ngọt cho nó ăn được miếng nào hay miếng nấy. Nó vẫn không mở miệng nói gì. Ai cũng nghĩ là hồi nào tới giờ con này lì vậy thôi. Nó tuổi con cọp. Cọp thì sợ ai. Dù nó chỉ là con cọp con.

Không ai nghĩ là nó sẽ tự tử. Mà chẳng hiểu thuốc ngủ nó tìm ở đâu ra. Đến lúc cả nhà biết được thì nó đã uống hết một lọ. Ông bà vội vã chở nó vào nhà thương cho bác sĩ bơm ruột. Người nó mềm lả như cọng bún. Mặt xanh nhờn. Ai cũng sợ nó không sống được. Đời sống tuyệt vọng đến thế sao? Nếu yêu thương nhau đậm đà đến như vậy thì sao không rủ nhau trốn đi ở riêng? Chuyện này vào thời buổi này, ở xứ sở này nghe cũng đâu ghê gớm gì như ngày xưa bị thiên hạ cười là theo trai. Thiên hạ xầm xì mãi rồi cũng chán, công ăn việc làm quay cuồng như chong chóng, ai có thì giờ mà đề cập tới nữa. Rồi vài năm sau nguôi ngoai thì về thăm cha mẹ, anh em, chừng đó mọi người đều vui vẻ, chuyện gì lâu ngày dài tháng thì cũng thành nước chảy mây trôi thôi. Vậy mà con Lành đi tìm cái chết. Cái đứa im ỉm thường hay làm chuyện động trời!

Bà khóc hoài. Ngày đó ông đi cải tạo, đám con này hai, ba tuổi, bà tay ngang đi bán chè bán xôi nuôi con, đi thăm chồng. Vợ sĩ quan cấp úy không giàu có gì, nhưng bà đâu có đi làm ngày nào. Vậy mà “gặp thời thế thế thời phải thế”, bà cũng phải bươn chải kiếm gạo nuôi con. Bây giờ nó dại dột làm bậy, nhỡ có mệnh hệ nào, bà đau lòng đứt ruột. Bà cứ khóc hu hu... con Lành chết mất. Bà kêu Chúa, bà kêu Đức Mẹ. Cả nhà thờ thay phiên đến nhà đọc kinh râm ran, Xin Chúa giúp Cô Lành.

Ông không khóc. Ông hối hận đã lỡ tay đánh con. Ông chỉ muốn chúng nên người, nhưng ông thật sự bất lực trong việc dạy dỗ con. Máu ruột của mình, cha nào lại không thương con, lại không nóng ruột khi thấy con đi lầm đường. Tưởng như một tuần con nằm bệnh viện, tóc ông bạc hết nửa đầu! Ông buồn không cạo râu, để râu ra lởm chởm, trông ông càng thảm thương. Ai nhìn thấy cũng ái ngại.

Ông Bảng khuyên:

-Thôi anh đừng có lo âu quá mà hại sức khỏe. Cháu sẽ không sao đâu! Bên này bác sĩ Mỹ giỏi, chuyện gì họ cũng làm được. Hoàn cảnh cả, tổ cha ba cái thằng Cộng Sản! Chính tụi nó đã làm cho dân miền Nam điêu đứng, làm tan nát bao gia đình. Làm dân mình đi lạc hậu mấy chục năm! Tội nghiệp thằng con của tui hồi mới bảo lãnh qua chờ tui đi làm về rồi mới dám tắm vì không biết mở nước, cái gì chảy từ trên đầu xuống, nước nóng, nước lạnh sợ quá, phải chờ hỏi.

Thấy tinh thần ông Tấn xuống thấp, ông cứ lo sợ con gái không qua khỏi, ông Bảng đã tốt bụng tình nguyện ở lại qua đêm để cho ông Tấn có bạn, trong lúc bà Tấn với Hiền ở trực nhà thương. Hai ông nằm xa-lông tâm sự. Ông Tấn nói phải chi ông đừng nóng quá. Ông Bảng gật đầu:

-Tôi cũng đồng ý với anh. Nóng quá không giải quyết được gì. Xứ này, không đánh con được nữa. Tôi kinh nghiệm mình chỉ còn lấy tình thương mà khuyên nhủ dạy dỗ. Mà chúng nó vẫn hư thì mình phải tự an ủi là mình đã dùng hết khả năng của mình để dạy con. Ai lại không muốn con nên người, cho chúng một chút chữ nghĩa để sau này kiếm ăn khỏi phải khổ cực.

Ông Tấn thấy có người thông cảm hiểu được nỗi lòng của ông, bèn nói ra tâm sự :

-Anh cũng có con cỡ con tôi chắc anh hiểu. Nuôi con xứ này không phải dễ. Mình chạy gạo khổ cực đâu có thì giờ gần gũi, thì cũng canh chừng dữ lắm, mà không làm được gì! Nghĩ lại mà thương vợ, tánh tôi sao cũng ít săn sóc vợ tôi, tôi cứ la bả không thôi vì mấy đứa con, cứ cho là tại bả mà dạy con không được, tôi không ngọt dịu, không mua cho bả một cái áo, một xấp vải cho bả vui. Bả buồn vui, tôi cũng không khi nào mở miệng hỏi.

Ông Bảng nhẹ tay đặt lên vai ông Tấn:

-Bây giờ anh biết được như vậy là hay lắm. Thì bắt đầu săn sóc vợ, anh hỏi han chị ấy một tiếng để chỉ vui, biết là anh có để ý đến chị.

*

Lành được nhà thương cho về một tuần sau đó. Nó đã bình phục, nhưng đầu óc vẫn như người còn mất hồn. Sợ nó làm bậy một lần nữa, trong nhà không ai bảo ai đều kín đáo trông chừng nó. Nhờ chuyện rủi này mà cả gia đình thành ra gần nhau lại. Bà Tấn cũng nhận thấy là bỗng dưng ông Tấn ăn nói ngọt ngào với bà, bà mừng thầm về việc ông thay đổi tính tình. Ông Tấn vẫn nhớ chứ, nhớ những ngày ông đi cải tạo, bà đã chắt chiu từng đồng bỏ ống để rồi lặn lội đường xa đi thăm nuôi ông bao lần. Có điều tính ông cứ lạnh lùng, không chịu sửa đổi. Bây giờ sửa đổi thì cũng chưa muộn mà. Ông cũng nhỏ nhẹ với Hiền. Điều ông ngạc nhiên là khi ông nhỏ nhẹ thì cái con bé này nó cũng đáng yêu làm sao, nó có ngỗ nghịch cứng đầu chi đâu, chỉ tại trước đây ông có bao giờ chịu nghe nó nói! Và Lành, thôi thì nó chịu đâu thì ông gả. Ông chờ, nhưng ông lại ngạc nhiên khi nghe nó nói, ba, con muốn đi học lại, mình có học thì mới quen người có học được, bao nhiêu người muốn qua Mỹ du học mà không được, mình ở đây có điều kiện lại không học đàng hoàng, uổng thật chớ, ba.

LINH VANG (Tacoma)