Nàng trở lại đảo hôm thứ Sáu, 16 tháng Tám trên chuyến phà hai giờ trưa. Nàng mặc áo ca-rô, quần jeans, đi giày gót thấp, cầm dù sa-teng, và chỉ mang theo một hành lý duy nhất là cái túi đi biển. Một dẫy xe taxi nằm chờ ở bến phà. Nàng đi thẳng đến một cái xe kiểu xưa mà thân xe đã bị muối biển gậm nhấm lỗ chỗ. Người tài xế chào đón nàng như một người bạn cố tri rồi lái xe chở nàng qua những con đường gập ghềnh của một ngôi làng nghèo với những căn nhà tranh vách đất và những con đường cát trắng dẫn đến một cái biển nóng ngùn ngụt. Người tài xế phải nghiêng bên này tránh bên kia để khỏi đụng phải những con heo đi đủng đỉnh giữa đường và những đứa trẻ trần truồng nghịch ngợm vẹo người tránh xe theo kiểu những người đấu bò rừng. Chiếc taxi bỏ ngôi làng lại đằng sau rồi chạy dọc theo một đại lộ có những cây dừa lớn đứng dọc hai bên, nơi mà những bãi tắm và khách sạn dành cho du khách nằm giữa một bên là biển và bên kia là một hồ nước đầy những con diệc màu xanh. Cuối cùng người tài xế dừng xe trước một khách sạn cũ kỹ và đổ nát nhất.
Người gác cửa đứng chờ nàng với chùm chìa khóa của căn phòng duy nhất trên lầu hai quay mặt ra hồ nước. Nàng đi sải bước qua mấy bậc cầu thang tiến vào căn phòng ọp ẹp sặc mùi thuốc sát trùng trong đó kê một cái giường lớn choáng gần hết phòng. Nàng lấy túi đựng đồ trang sức ra khỏi cái túi đi biển và một quyển sách chưa dọc trang để lên trên bàn đầu giường ngủ, bên cạnh con dao dọc giấy bằng ngà. Nàng lấy ra cái áo ngủ lụa hồng để dưới gối. Rồi lấy ra một cái khăn lụa in hình những con chim vùng nhiệt đới, một cái áo cộc tay màu trắng, và một đôi giầy tennis cũ, và mang tất cả những thứ đó cùng túi đồ trang sức vào phòng tắm.
Trước khi trang điểm nàng cởi cái áo ca-rô, chiếc nhẫn cưới, và cái đồng hồ đàn ông đeo bên tay phải, rồi phả nước lên mặt để rửa sạch bụi bậm bám vào trong lúc đi đường và xua đuổi sự mệt mỏi ban trưa. Sau khi đã lau khô mình, nàng nhìn vào gương và lấy tay nâng đôi vú vẫn còn cao và tròn trĩnh dù nàng đã hai lần sinh nở và sắp đi vào tuổi già. Nàng dùng sống tay vuốt má ra đằng sau để thử xem khuôn mặt mình hồi còn trẻ trông như thế nào. Nàng cho tay chạy qua những nếp nhăn đầu tiên trên cổ ồ nàng chẳng có cách gì chữa được những vết nhăn đó và nhe ra xem hàm răng đều đặn mà nàng đã đánh kỹ sau bữa cơm trưa trên phà. Nàng sức nước hoa vào nách và khoác lên người cái áo chemise vải có hàng chữ AMB thêu trên túi. Nàng chải suôi những lọn tóc chấm ngang vai rồi dùng cái khăn có in hình chim buộc túm tóc lại thành một cái đuôi gà. Cuối cùng nàng thoa pommade lên môi, liếm ngón tay trỏ miết vào đôi lông mày, xoa một chút nước hoa sau tai rồi nhìn vào thẳng vào gương đối diện với khuôn mặt của một người đàn bà đứng tuổi. Da dẻ của nàng, tuy không trang điểm, vẫn giữ được màu sắc ngày xưa, và đôi mắt trong vàng của nàng trông vẫn trẻ mãi dưới đôi mí mắt màu nâu đậm. Nàng nhìn lại dung nhan của mình thật kỹ lưỡng, phán xét một cách không khoan nhượng mà vẫn thấy mình trông còn tươi tốt. Chỉ đến khi đeo nhẫn vào tay nàng mới nhận thấy rằng nàng đã quá trễ: đã năm giờ kém sáu phút rồi. Tuy nhiên, nàng vẫn tự cho phép mình một giây phút hoài cảm ngắm nhìn những con diệc xanh lướt êm trên mặt hồ láng bóng và nóng hừng hực. Những tảng mây đen nặng nề báo cho nàng biết rằng trời sắp mưa và tốt hơn hết nàng nên mang theo một cái dù.
Chiếc xe taxi vẫn chờ nàng dưới hàng cây trước cửa khách sạn. Người tài xế lái xe đi dọc theo đại lộ hai bên có hai hàng dừa râm mát cho đến khi tới một khoảng sáng giữa các khách sạn nơi có một cái chợ trời, và dừng lại trước một sạp hàng hoa. Một người đàn bà da đen mập ú đang ngủ trưa giật mình tỉnh dậy, nhận ra người quen ngồi trên ghế sau xe taxi, vừa cười nói vừa tiến đến trao cho nàng một bó hoa lay- Ơn mà bà ta giữ sẵn cho nàng từ buổi sáng. Đi thêm một quãng đường nữa thì chiếc taxi quẹo vào một con đường hẹp khó đi chạy sát bờ vực tạo ra bơi? những tảng đá nhọn hoắt. Qua bầu không khí bị loãng vì hơi nóng nàng có thể trông thấy những dãy du thuyền đậu trong cái bến dành cho du khách, những chiếc phà rời bến, cái hình dáng phía xa của thành phố nhô lên từ đám sương mù cuối chân trời, cả một vùng biển Ca-ri-bê rộng mở.
Nằm trên đỉnh đồi là cái nghĩa trang buồn thảm của người nghèo. Nàng đẩy cái cửa sắt rỉ sét dẫn vào nghĩa trang một cách dễ dàng . Tay cầm bó hoa, nàng bắt đầu bước dọc theo con đường mòn qua những nấm mồ phủ đầy cỏ dại, qua những mảnh ván quan tài gẫy và những mẩu xương bị mặt trời làm cháy xém. Những mộ bia cái nào trông cũng giống nhau trong cái nghĩa trang bị bỏ rơi ở giữa có một cây bông lớn cành lá xum xuệ Những hòn đá nhọn đâm nhói vào chân nàng mặc dù nàng đã đi đôi giầy gót cao su, và mặt trời nóng bỏng chiếu xuyên qua lớp vải mỏng của chiếc dù. Một con kỳ nhông từ trong bụi rậm chạy ra, ngừng lại trước chân nàng, nhìn thẳng vào nàng một lúc rồi hốt hoảng bỏ chạy. Nàng đã phát quang được ba nấm mộ, đến khi mệt rã rời và ướt đẫm mồ hôi thì nàng tìm ra cái mộ bia đã ngả màu vàng trên đó ghi tên mẹ nàng cùng ngày chết của bà hai mươi chín năm về trước. Bao giờ đi thăm mộ nàng cũng cho mẹ biết mọi chuyện xảy ra trong nhà. Nàng từng kể chuyện riêng tư với bà để nhờ bà giúp ý kiến xem có nên lấy chồng hay không, và chỉ vài ngày sau nàng tin rằng nàng đã nhận được lời khuyên rõ rệt và khôn ngoan của mẹ trong một giấc mợ Chuyện tương tự như vậy cũng xảy ra khi đứa con trai của nàng phải vật lộn giữa cái sống và cái chết trong suốt hai tuần sau khi nó bị đụng xe, chỉ khác là lần này câu trả lời không đến với nàng trong giấc mơ mà qua câu chuyện với một người đàn bà gặp tình cờ trong chợ. Nàng không mê tín nhưng tin rằng nàng vẫn tiếp tục giao cảm được với mẹ sau khi bà đã chết. Vì thế, nàng hỏi mẹ những câu hỏi cho năm nay, đặt hoa trên mộ, rồi ra về, tin tưởng rằng nàng sẽ nhận được những câu trả lời của mẹ trong những lúc bất ngờ nhất.
Công tác đã làm xong. Nàng đã thực hiện chuyến đi như thế này trong suốt hai mươi tám năm liền cứ mỗi năm đúng ngày 16 tháng Tám, cùng vào một thời khắc, cùng ở cái phòng ấy trong cái khách sạn ấy, với cái taxi và người bán hoa ấy, dưới mặt trời nóng bỏng trong cái nghĩa trang nghèo nàn ấy, để đặt một bó hoa lay- Ơn tươi trên mộ mẹ. Và bây giờ thì nàng không có việc gì phải làm cho đến chín giờ sáng ngày hôm sau khi chuyến phà sẽ đưa nàng trở về nhà.
Tên nàng là Ana Magdalena Bach, nàng mới ăn mừng ngày sinh nhật thứ 52 và ngày kỷ niệm năm thứ hai mươi ba của một cuộc hôn nhân hòa thuận với một người đàn ông yêu nàng, một người mà lúc lấy làm chồng nàng chưa học hết chương trình cử nhân văn chương, khi nàng còn trinh trắng và chưa hề đính hôn với ai cả. Cha nàng là một giáo sư âm nhạc và, ở tuổi 82, ông vẫn tiếp tục điều khiển trường dạy âm nhạc của tỉnh. Mẹ nàng là một bà giáo có tiếng tại một trường tiểu học của dòng tu Montessori, nhưng dù bà đã tạo được những thành tích đáng kể trong việc dạy học, bà chẳng bao giờ muốn làm cái gì khác hơn là việc bà đang làm cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Ana Magdalena thừa hưởng của bà mẹ đôi mắt đẹp màu vàng, đức tính ít nói, và sự thông minh không để lộ cho người ta thấy cái cá tính mạnh mẽ của mình. Ba ngày trước khi nhắm mắt, mẹ nàng nói rằng bà muốn được chôn ở trên đảo. Ana Magdalena muốn đi theo quan tài mẹ ra đảo ngay từ lần đầu, nhưng mọi người cản lại bởi vì chính nàng cũng không nghĩ rằng nàng có thể sống qua khỏi được nỗi phiền muộn của mình. Ngày giỗ đầu của mẹ, cha nàng đưa nàng ra đảo để dựng cái bia đá vẫn còn thiếu trên mộ. Chuyến đi biển dài bốn tiếng đồng hồ bằng một cái thuyền nhỏ chạy bằng máy trên một mặt biển luôn luôn dậy sóng làm nàng khiếp sợ. Nhưng khi đến nơi thì nàng cảm thấy ngất ngây trước những bãi cát vàng mịn bên ven cái rừng hoang, trước tiếng ào ào cũa bầy chim vỗ cánh, trước cảnh bay lượn chập chờn của những con diệc xanh trên mặt hồ phẳng lặng. Nàng buồn rầu trước cảnh nghèo của cái làng nơi mà người dân phải ngủ ngoài trời trên những cái võng căng giữa hai cây dừa, và trước quá nhiều người đánh cá da đen bị cụt tay vì những quả lựu đạn dùng để giết cá nổ quá sớm. Nhưng khi thấy vẻ đẹp lộng lẫy của cảnh vật từ trên đỉnh nghĩa trang nhìn xuống, nàng mới hiểu ước nguyện của mẹ. đó là giây phút nàng tự cho mình có bổn phận mỗi năm phải đem cho mẹ một bó hoa cho đến ngày nàng chết.
Tháng Tám là tháng nóng nhất trong năm và cũng là mùa hay có mưa lớn, nhưng đây là một bổn phận riêng mà nàng phải giữ, phải làm một mình. đó là điều kiện duy nhất mà nàng đặt cho người chồng trước khi cưới, và ông chồng cũng hiểu rằng đó là điều vượt ngoài tầm kiểm soát của ông.
Cứ như thế, năm này qua năm khác, Ana Magdalena chứng kiến sự phát triển của các khách sạn cho du khách, đã thay đổi phương tiện ra đảo từ con thuyền gỗ chèo tay đến thuyền chạy bằng máy rồi đến đi phà, và nàng cho rằng nàng có lý do để tự cho mình là người dân làng lâu đời nhất.
Buổi trưa hôm ấy, khi trở lại khách sạn, nàng nàng chỉ mặc quần lót ngả người nằm lên giường đọc tiếp quyển sách mà nàng đang đọc dở trong chuyến đi. Đó là cuốn " Ma Cà Rồng" nguyên tác của Bram Stoker. Nàng là người thích đọc sách. Nàng đọc rất kỹ những cuốn sách mà nàng thích nhất, thường thường là truyện ngắn bất cứ loại gì, như " Lazarillo de Tormes," " Ông Già và Biển Cả," " Người Khách Lạ." Những năm gần đây, khi nàng gần kề cái tuổi năm mươi, nàng lại say mê đọc truyện thần kỳ.
Truyện " Ma Cà Rồng" hấp dẫn nàng ngay từ đầu, nhưng buổi trưa hôm ấy, nàng chịu thua trước tiếng động ào ào như sấm của cái quạt trần và ngủ thiếp đi với quyển truyện nằm trên ngực. Hai giờ sau, nàng tỉnh dậy trong bóng tối, người ướt đẫm mồ hôi, tâm hồn bực dọc, và bụng đói lả.
Điều này chẳng phải là một biệt lệ đối với thói quen của nàng trong nhiều năm quạ Quán rượu trong khách sạn mở cửa cho đến mười giờ tối, và thỉnh thoảng nàng đã xuống đó ăn trước khi đi ngủ. Nàng thấy trong quán có nhiều khách hơn thường lệ vào giờ đó, và người bồi bàn lần này không phải là người bồi bàn đã hầu nàng lần trước. Nàng gọi một cái bánh mì kẹp thịt giăm bông, phó mát, và một ly cà phê sữa. Trong khi chờ thức ăn nàng nhận thấy chung quanh nàng là những người khách lớn tuổi, giống như nàng họ đã lai vãng nơi này từ khi nó còn là một khách sạn duy nhất, hay họ là những người có ít tiền. Một người con gái lai da đen đang ca những bản nhạc boleros thịnh hành, và chính nhạc sĩ Augustin Romero, nay đã già nua và mù lòa, nhẹ nhàng đệm nhạc theo trên cái dương cầm đã có ở đó từ ngày khách sạn mới được khai trương.
Nàng ăn vội vã, hổ thẹn vì phải ăn một mình, nhưng nàng thấy nhạc chơi thật hay mà người con gái lai đen hát cũng khá. Khi nàng nhìn quanh mình một lần nữa thì thấy chỉ còn lại ba cặp ngồi rải rác các bàn khác nhau, và một người đàn ông không khác lạ - nàng không nhìn thấy ông ta đi vào - ngồi đối diện với bàn của nàng. Ông mặc bộ đồ nỉ trắng, như thời của cha nàng, có mái tóc màu bạch kim và một bộ râu mép vểnh lên ở hai đầu. Trước một chai rượu mạnh và một cái ly vơi một nửa đặt trên bàn, ông ta trông như một người cô đơn nhất trên đời.
Tiếng đàn dương cầm bắt đầu chơi bài " Claire de Lune" của Debussy theo điệu bolero, và người con gái lai đen cất lên tiếng hát thật tình tứ. Ana Magdalena cảm thấy xúc động. Nàng gọi một ly rượu gin pha với soda và nước đá, thứ rượu mà thỉnh thoảng nàng tự cho phép mình uống và nó rất hợp với khẩu vị của nàng. Nàng học được cách thưởng thức loại rượu này khi nàng đi chơi riêng với chồng, một người đàn ông chỉ uống rượu khi vui bạn và đối xử với nàng một cách lịch sự và chiều chuộng như một người yêu thầm lén.
Thế giới thay đổi hẳn khi nàng nhấp ngụm rượu đầu tiên. Nàng cảm thấy vui vẻ, yêu đời và có thể làm bất cứ điều gì; nàng là một người đàn bà được một hợp chất kỳ bí của nhạc và rượu làm cho đẹp hẳn ra. Nàng tưởng rằng người đàn ông ngồi bàn đối diện không để ý đến nàng, nhưng khi nàng nhìn ông ta lần thứ hai sau ngụm rượu đầu tiên thì nàng bắt gặp ông ta nhìn nàng. Ông thẹn đỏ mặt. Nhưng mắt nàng không rời người đàn ông khi ông lấy trong túi ra cái đồng hồ, rồi lại cất nó đi một cách vội vã, nhìn ra cửa, rót cho mình thêm một ly rượu, và lúng túng vì biết nàng đang nhìn ông trân trân. Cuối cùng, ông nhìn thẳng vào mặt nàng. Nàng cười tự nhiên, và ông ta gật nhẹ đầu đáp lại. Nàng đứng dậy, tiến đến bàn của ông và tấn công với vũ khí của người đàn ông:
" Tôi có thể mời ông một ly rượu được không?"
Người đàn ông mềm nhũn.
" Đó là một điều hân hạnh cho tôi," ông trả lời.
" Nếu ông chỉ thấy thích thú thôi cũng làm cho tôi bằng lòng rồi," nàng bảo.
Chưa nói dứt lời nàng đã ngồi xuống bàn, rót một ly cho ông và một ly cho nàng. Nàng rót rượu khéo léo và điệu nghệ khiến cho ông không thể quờ tay lấy chai rượu mà phải rót rượu cho nàng. " Xin mừng ông," nàng nói. Người đàn ông làm theo nàng và hai người đều uống cạn ly một lượt. Ông bị nghẹn, cơn ho làm toàn thân ông rung động, nước mắt chảy dàn dụa. Ạng lấy ra một cái khăn mù xoa tuyệt đẹp đượm chút nước hoa oải hương và nhìn nàng với con mắt ướt đẫm. Họ yên lặng một hồi lâu cho đến khi ông dùng khăn lau khô mắt và lấy lại được giọng nói bình thường.
Nàng bạo dạn tiến vào trận địa với câu hỏi: " Ông có chắc là sẽ không có ai đến đây gặp ông không?"
" Không," ông trả lời không theo một lôđích nào cả. " Đó chỉ là một cái hẹn về chuyện làm ăn buôn bán, nhưng bây giờ thì không có ai đến nữa."
Làm ra bộ không tin, nàng hỏi " Chuyện làm ăn buôn bán à?"
" Đó là điều duy nhất mà tôi có thể làm được trong thời buổi này." Ông trả lời tỉnh bơ để nàng khỏi tin. Và nàng, với một thái độ phũ phàng cố ý vốn không phải là bản tính của nàng, cắt đứt ông: " Chắc là buôn bán ở nhà."
Nàng tiếp tục tán tỉnh ông một cách nhẹ nhàng. Nàng chơi trò đoán tuổi ông và chỉ đoán sai một năm: ông ở tuổi bốn mươi sáu. Nàng chơi trò đoán sinh quán của ông căn cứ vào cách phát âm nhưng nói sai ba lần. Nàng thử đoán nghề nghiệp của ông, ông vội vã cho biết ông là kỹ sư cầu cống, và nàng nghi rằng đó là một cái mẹo để nàng khỏi tìm ra sự thật.
Họ nói về sự liều lĩnh của ban nhạc dám đổi một bản nhạc thần thánh của Debussy ra điệu bolero, nhưng thật ra ông không nhận ra điều đó. Ạng thấy nàng rất am tường âm nhạc trong khi kiến thức âm nhạc của ông thì không vượt quá bài " Giòng Sông Xanh." Nàng bảo rằng nàng đang đọc truyện " Ma Cà Rồng." Ông nói rằng khi còn nhỏ đã đọc chuyện đó, nhưng chỉ đọc bản viết cho trẻ con mà thôi, và bây giờ vẫn còn ngạc nhiên với chuyện ông Quận Công xuống tàu ở Anh rồi biến thành con chó sói. Uống đến ly thứ hai, nàng cảm thấy như chất rượu mạnh của ông đụng mạnh với rượu gin của nàng ở một nơi nào đó trong trái tim nàng, và nàng cố tập trung tư tưởng để giữ cho đầu óc được minh mẫn. Buổi tấu nhạc chấm dứt lúc 11 giờ đêm, và trong quán rượu, người ta đang chờ cho hai người đi về để đóng cửa.
Tới lúc đó nàng đã hiểu người đàn ông như thể đã từng sống suốt đời với ông. Nàng biết ông là người kén chọn, ăn diện, và có đôi bàn tay vốn đã chẳng có gì đặc biệt mà còn bị những móng tay được tô lên một loại sơn móng tay không màu sắc làm cho xấu xí hơn. Nàng biết ông bị chế ngự bởi đôi mắt vàng to mà nàng nhìn chằm chặp vào ông, và nàng biết rằng ông là một người tốt nhưng cũng là một người hèn nhát. Nàng cảm thấy nàng đã làm chủ được tình thế để có thể làm một điều mà suốt đời nàng chẳng bao giờ dám mơ tưởng đến. Nàng hỏi thẳng " Mình lên phòng chứ?"
Ông trả lời nhũn nhặn, " Tôi không ở khách sạn này."
Nhưng nàng không đợi cho ông dứt lời. Nàng đứng lên, lắc nhẹ đầu để chế ngự ảnh hưởng của rượu, đôi mắt nàng sáng lên.
" Ông trả tiền đi. Tôi lên phòng trước," nàng nói " Tôi ở lầu hai, phòng số 203, phía bên mặt cầu thang. Cứ vào, khỏi phải gõ cửa."
Nàng đi về phòng tràn ngập bởi một mối lo âu dịu ngọt mà nàng chưa thấy lại kể từ đêm cuối cùng khi nàng còn là một trinh nữ. Nàng mở quạt trần, nhưng không bật đèn; nàng cởi quần áo trong bóng tối, không ngừng nghỉ, và để một đống quần áo trên sàn suốt từ ngoài cửa vào đến phòng tắm. Khi nàng bật đèn phòng tắm nàng phải nhắm mắt lại và hít mạnh để bớt hồi hộp và giữ cho bàn tay bớt run rẩy. Nàng tắm rửa vội vàng, từ bộ phận sinh dục, nách, đến những ngón chân bị bẹp bởi đôi giầy đế cao su, vì mặc dầu buổi trưa bị đổ mồ hôi nhễ nhại, nàng vẫn không định tắm cho đến trước giờ đi ngủ. Không đủ thì giờ đánh răng, nàng bôi một chút kem đánh răng lên lưỡi rồi trở ra phòng ngủ trong ánh sáng mờ hắt ra từ phòng tắm.
Nàng không đợi cho ông khách đẩy cửa vào mà mở cửa từ bên trong khi nàng nghe thấy tiếng chân ông lại gần. Người đàn ông sửng sốt thốt lên " Trời ơi!" Nhưng nàng không để cho ông bỏ phí một chút thời giờ nào trong bóng tối. Nàng mạnh tay cởi áo tây của ông ra, nàng cởi cravate, áo chemise, và vất tất cả quần áo của ông xuống đất. Trong khi nàng làm như vậy thì mùi ảo hương phát ra từ người đàn ông tràn ngập không gian. Thoạt đầu ông định giúp nàng, nhưng nàng chặn ông lại bằng cử chỉ bạo dạn và thành thạo của nàng. Khi nàng đã lột trần ông ra từ trên tới ngang lưng, nàng để ông ngồi lên giường rồi quỳ xuống cởi giày và vớ cho ông. Cùng lúc đó, người đàn ông cởi thắt lưng ra để nàng chỉ việc kéo một cái là quần của ông tuột ra, mặc kệ cho những cái chìa khóa và tiền bạc rơi ào ào xuống sàn nhà. Sau đó, nàng giúp ông kéo cái quần đùi xuống chân, và nàng thấy rằng cái của ông không to bằng của chồng nàng, người đàn ông duy nhất mà nàng biết, nhưng ông không có vấn đề gì hết và dương vật của ông cứng lên.
Nàng không để cho người đàn ông chủ động. Nàng cưỡi lên người ông và làm tình một cách say sưa, ngấu nghiến hưởng trọn khoái cảm cho riêng mình, mà chẳng nghĩ gì đến ông, cho tới khi cả hai mệt nhoài, mồ hôi chảy ra như tắm. Nàng vẫn nằm trên, một mình phấn đấu với sự dằn vặt của lương tâm dưới luồng gió nóng và tiếng động ồn ào của cái quạt trần, cánh tay của ông giang ra dưới sức nặng của thân thể nàng. Nàng bò xuống và nằm ngửa bên cạnh ông. Người đàn ông nằm yên cho đến khi thở được bình thường rồi hỏi " Tại sao cô chọn tôi?"
" Ông trông giống như một người đàn ông theo đúng nghĩa của nó," nàng nói.
" Được một người đàn bà như cô nói như thế, thì đó là một vinh dự."
" A," nàng đùa, " đó là một sự thích thú chứ?"
Ông không trả lời và cả hai nằm yên nghe tiếng động của ban đêm. Căn phòng trở nên êm dịu trong ánh sáng mờ ảo của cái hồ. Họ nghe tiếng chim vỗ cánh ở gần đó. Ông hỏi, " Cái gì đó?" Nàng nói cho ông nghe về thói quen ban đêm của những con diệc. Sau một giờ thầm thì những chuyện vu vơ nàng bắt đầu lấy tay mân mê ngực ông từ từ rồi kéo xuống phía dưới bụng người đàn ông. Nàng lấy chân cọ vào chân ông và thấy người ông có nhiều lông quăn và mềm làm nàng nhớ đến cỏ tháng Tự Rồi nàng bắt đầu kích thích ông bằng những cái hôn vào tai, vào cổ, và lần đầu tiên họ hôn vào miệng nhau.. Đó là lúc mà ông tỏ cho nàng thấy rằng ông là người tình lý tưởng, từ tốn một cách điệu nghệ, đưa nàng lên tuyệt đỉnh của khoái lạc. Nàng ngạc nhiên không ngờ đôi bàn tay thiếu diễn cảm của ông lại có thể dịu dàng đến như thế. Nhưng đến khi ông lật ngửa nàng ra thì nàng cưỡng lại, sợ làm hư đi cái cảm giác kỳ diệu của lần đầu.. Nhưng ông cương quyết áp đặt ý mình, ông xoay vần nàng theo ý ông và, với cách riêng của ông, ông làm nàng đê mê sung sướng.
Khoảng hơn hai giờ sáng thì nàng tỉnh giấc vì tiếng sấm làm rung chuyển khách sạn và gió mạnh làm tung cửa sổ. Nàng vội vàng đóng cửa sổ lại, và qua ánh sáng của một lằn chớp nàng thấy nước hồ nổi sóng và những con diệc xanh vỗ cánh yếu ớt trong cơn gió táp.
Khi trở lại giường chân nàng bị vướng vào đống quần áo. Nàng để yên đống quần áo của nàng dưới đất định là sẽ nhặt lên sau, và treo cái Ÿo tây của ông lên ghế, rồi để áo chemise và cravate lên trên. Nàng cẩn thận gấp quần của ông cho khỏi bị nhăn rồi để lên trên chùm chìa khóa, con dao nhỏ, và đống tiền rơi ra từ túi ông. Không khí trong phòng mát dịu trong cơn giông, và nàng khoác vào người cái áo ngủ màu hồng dệt bằng một thứ lụa mềm đến nỗi làm nàng nổi da gà. Người đàn ông nằm nghiêng, chân co lên trông như một đứa trẻ mồ côi khổng lồ, khiến trong lòng nàng nổi lên một nỗi thương cảm. Nàng nằm xuống bên cạnh, ôm ngang bụng ông, và cái mùi ngai ngái của thân thể đẫm mồ hôi của người đàn ông làm tâm hồn nàng rung động. Người đàn ông thở mạnh và bắt đầu ngáy. Nàng ngủ thiếp đi và tỉnh giấc trong sự vắng lặng của quạt trần đứng yên vì điện tắt, và căn phòng tràn ngập ánh sáng xanh mờ ảo của cái hồ. Người đàn ông đang nằm ngáy o ọ Nàng nghịch ngợm gõ tay lên lưng ông. Ông giật mình ngừng ngáy, và cái dương vật mềm xìu của ông bắt đầu cứng lên. Nàng để yên ông nằm đó, cởi áo ngủ của mình ra. Nhưng đến khi nàng quay lại với ông thì mọi cố gắng của nàng đều trở nên vô ích, và nàng biết rằng ông giả vờ ngủ để khỏi phải làm tình lần thứ bạ Nàng lăn sang phía giường bên kia, mặc áo ngủ vào, rồi lăn ra ngủ mê mệt chẳng biết trời trăng gì cả.
Nàng tự nhiên thức giấc lúc trời vừa sáng. Nàng nhắm mắt nằm mơ màng một lúc, không dám nhận rằng nàng đang bị đau nhói hai bên thái dương hay thấy đắng miệng vì cảm giác phiền muộn là có điều gì bất trắc đang chờ đợi nàng trong cuộc sống thật ngoài kia. Từ tiếng động của cái quạt trần nàng biết rằng đã có điện trở lại và căn phòng hiện ra rõ rệt trong ánh sáng ban mai chiếu trên hồ.
Đột nhiên, như bị sét đánh, nàng phải đương đầu với nhận thức phũ phàng rằng, lần đầu tiên trong đời, nàng đã phạm tội thông dâm và ngủ với một người đàn ông không phải là chồng mình. Bàng hoàng, nàng quay lại nhìn người đàn ông thì không thấy ông ở đó. Ông cũng không ở trong buồng tắm. Nàng bật đèn lên, quần áo cuả ông không còn ở đó, chỉ còn quần áo của nàng mà đêm hôm trước nàng vất dưới sàn thì nay đã được gấp lại và để một cách trìu mến lên trên ghế.. Cho đến lúc ấy nàng chưa nhận thức được rằng nàng không hề biết gì về người đàn ông, không biết cả tên ông, và tất cả những gì còn lại trong cái đêm điên cuồng đó là mùi nước hoa oải hương phảng phất trong bầu không khí đã được thanh lọc vì trận bão. Mãi tới khi nàng cầm quyển sách trên bàn cạnh giường ngủ để vào túi đi biển nàng mới thấy trong những trang sách đầy những chuyện khủng khiếp, người đàn ông đã để lại một tờ giấy hai-mươi Mỹ kim.
* Gabriel García Marquez là nhà văn gốc Columbia nhưng sinh sống ở Mễ Tây Cợ Ông có nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng Anh, trong đó có Mùa Thu của Người Tộc Trưởng (The Autumn of the Patriarch), Tình Yêu Thời Thổ Tả (Love in the Time of Cholera), và Ghi Chép về một Cái Chết được Báo Trước (Chronicle of a Death Foretold). Tác phẩm mới nhất của ông là Tin về một cuộc Bắt Cóc (News of a Kidnapping). Cuốn truyện nổi tiếng nhất của ông, Một Trăm Năm Cô Đơn (One Hundred Years of Solitude) được coi là một " tác phẩm bất hủ của kho tàng văn học nhân loại." Ông được trao giải Nobel văn chương năm 1982. Truyện ngắn " Gặp Gỡ Tháng Tám" (Meeting in August) được đăng trong báo New Yorker, số ngày 6 tháng Mười Hai, 1999. Bản dịch Anh ngữ từ nguyên tác tiếng Tây Ban Nha của Edith Grossman.