Chương 1

HY VỌNG

Cũng như mọi lần, Nguyễn Minh đi qua vườn Bách-Thảo để về Trại Hàng Hoa. Nhưng chiều hôm nay tuy vẫn phong cảnh ấy mà Minh ngắm thấy xanh tốt, rực rỡ bội phần. Hoa Xoan-Tây chàng trông thấy đỏ thắm hơn; hoa Hoàng-Lan chàng ngửi thấy thơm ngát hơn; những hoa Sen trắng, hồng nhấp nhô trên mặt nước, chàng tưởng tượng ra trăm nghìn nụ cười hàm tiếu thiên-nhiên.

Là vì lòng chàng phấn khởi sung sướng, chứa chan hy-vọng. Kỳ thi thử trong lớp để chọn học trò đi dự thi bằng Thành-Chung, kết quả các bài của chàng được mười phần mỹ mãn: chàng chiếm hạng đầu trong các anh em bạn học.

Chỉ còn hai tháng nữa Minh sẽ tốt nghiệp ở trường sư-phạm, sẽ được bổ nhiệm giáo học để có thể kiếm cơm nuôi thân và nuôi vợ. Cái đời lam lũ khó nhọc của vợ mỗi lúc nghĩ đến Minh lại lấy làm áy náy và xấu hổ. Không phải chàng cho rằng cái nghề bán hoa của vợ là hèn hạ vì nghề ấy vẫn là nghề của ông bà, cha mẹ chàng khi xưa. Nhưng chính vì nhờ vào công việc của một người đàn bà mới có thể có tiền ăn học, chàng lấy đó làm một sự kiện đáng thẹn thùng, đáng bị khinh bỉ. Vì thế ngày thi sắp tới đã đưa lại cho chàng những hy-vọng trong trẻo về một tương-lai tốt đẹp.

Mắt Minh bỗng vơ vẩn để tới mấy con khỉ nhốt trong chuồng. Tuy ngày nào cũng bốn buổi chàng được trông thấy những trò đùa nhảy nhót của bầy thú nhanh nhẹn ấy, song đi chơi lang thang một mình, tư tưởng cũng lang thang không chú ý hẳn đến một sự việc gì. Chàng ngẫu nhiên đứng lại tựa lan can, tò mò nhìn.

Bên cạnh chàng, một thằng bé vào khoảng 10 tuổi dắt một con bé chừng 7 tuổi cũng đứng xem. Thỉnh thoảng nó lại lấy tay vẫy mấy con khỉ con, vừa cười vừa gọi: ‘bú dù, bú dù’ như để những con vật làm trò cho em nó xem. Cái cảnh tượng tầm thường ấy Minh cho là rất cảm động, vì nó mhắc tâm trí Minh ôn lại thời kỳ thơ ấu của chàng.

Mười năm về trước, khi chàng còn là một thằng bé chín, mười tuổi thì chiều nào chàng cũng tung tăng chạy nghịch với bầy bạn nhỏ ở khắp các nơi trong vườn. Trong bọn ấy, bạn thân nhất của Minh là một đứa con gái sáu, bảy tuổi tên là Liên, con một người láng giềng cùng theo nghề trồng và bán hoa như hầu hết các người trong làng Hữu-Tiệp mà tục gọi là Trại Hàng Hoa.

Hai đứa bé láng giềng hình như trời đã phú cho những tính nết giống nhau để sau này cùng nhau chung hưởng hạnh-phúc. Trong đám trẻ tinh nghịch, lếu láo thô tục, Minh và Liên hiền lành dịu dàng khác hẳn. Nhiều khi Minh thấy chúng nó có tính ác nghiệt, bắt nạt lẫn nhau, đánh đấm lẫn nhau, hoặc lấy gạch đá ném những con thú nhốt trong chuồng thì Minh lấy làm khó chịu.

Sự công-bằng ngay thẳng bao giờ cũng sẵn có ở trong óc trẻ, nhất là khi sinh trưởng ở chốn bình dân, chúng lại nhờ được di-sản thông-minh của cha mẹ. Sự yêu công-bằng ấy đã có lần khiến Minh vốn dĩ nhu mì mà đột nhiên trở nên can đảm. Minh quả quyết can thiệp để ngăn bạn bè không cho phạm những điều áp chế, ức hiếp, tàn nhẫn. Nhưng cũng vì thế mà bao phen Minh bị bọn kia túm lại đánh cho túi bụi. Đứng trước sự đau đớn của bạn, Liên chỉ bưng mặt khóc và kêu gào cầu cứu.

Rồi khi lớn lên, Minh được đi học vì kẻ trồng hoa nhờ trời cũng khá, không những kiếm đủ ăn tiêu rộng rãi mà lại có tiền nuôi được cả con đi học.

Một ngày học, một biết rộng. Minh lấy làm sung sướng được đọc tới tên, được trông thấy hình vẽ các hoa, các cây trồng ở vườn. Minh chỉ phàn nàn một điều là Liên vì phận gái cha mẹ không cho hưởng cái thú vui cắp sách đi học như mình. Nhưng Minh vẫn đinh ninh rằng thế nào cũng sẽ đem những gì học được giảng lại cho Liên nghe.

Nhà Minh và nhà Liên, đôi bên chơi thân với nhau lắm. Theo phong-tục thôn quê, khi Minh 12 tuổi, cha mẹ Minh đem trầu cau sang dạm Liên cho Minh làm vợ. Mọi đứa trẻ khác khi đôi bên cha mẹ đã nhận lời nhau thì chúng thường bẽn lẽn không dám đi lại vui chơi nói chuyện với nhau nữa. Nhưng Minh với Liên thì không thế, chúng vẫn thân thiết, thương yêu nhau như hai anh em vậy; vì thực ra, chúng cũng chẳng bao giờ nghĩ tới cái ý nghĩa vợ chồng.

Khi học tới năm thứ hai trường sư-phạm thì cha mẹ Minh trong một thời kỳ có bệnh dịch hạch cùng theo nhau mà chết. Liên mồ côi cha từ khi lên 3 nên càng được mẹ thương nhiều hơn. Vì thế, nay thấy Minh lâm vào hoàn cảnh bơ vơ đơn độc, tứ cố vô thân, cả Liên và bà cụ đều ngậm ngùi thương xót, không quản ngại ngùng sang trông coi nhà đất hộ.

Một hôm, Liên bàn với mẹ phạt quách cái dậu găng ngăn đôi hai nhà để tiện việc trồng trọt vườn tược cho cả hai bên. Thế là từ đó, hai nhà thành một, và Minh coi mẹ Liên như mẹ mình. Cứ mỗi lần hồi tưởng lại ngày hôm ấy, Minh vẫn còn cảm động, thấy lòng mình nao nao...

Cách đây mấy tháng, bà cụ bỗng ốm nặng. Biết rằng bệnh tình trầm trọng khó lòng qua khỏi, bà gọi cả hai người Liên và Minh đến bên giường mà bảo rằng:

− Cả hai con mẹ coi như con đẻ cả nên mẹ cùng thương như nhau. Vậy mẹ muốn trông thấy hai con nên vợ nên chồng trước khi mẹ nhắm mắt.

Minh và Liên chiều ý bà cụ xin tuân theo ngay. Bà lại bàn rằng nhà đôi bên cùng nghèo, đừng bày ra lễ hỏi, lễ cưới chi cho rườm rà, chỉ cần nộp cái lệ tiền cheo như làng đã định và vào sở giá-thú là đủ.

Cái đám cưới mới giản dị và cảm động làm sao! Bên giường người bệnh, hai vợ chồng cùng quỳ và cùng khóc. Vì thấy con gái đã thành gia-thất, và lại lấy được một người chữ nghĩa giỏi dang sau này thế nào cũng làm nên, bà cụ sung sướng quá đến lịm đi. Đêm hôm ấy bà qua đời.

Thế là trong gia đình chỉ còn hai vợ chồng trẻ. Chồng 20, vợ 18. Tuy ít tuổi, Liên tỏ ra một người nội trợ đảm đang, cần mẫn hiếm có.

Minh định thôi học ở nhà làm vườn giúp vợ để Liên chỉ việc gánh hoa đi bán. Nhưng Liên gạt đi, bảo với chồng rằng đã học được đến năm thứ tư thì cố mà học nốt cho được cái bằng Thành-Chung.

Từ đó, mỗi sáng Liên quảy gánh hoa đi, ba giờ trưa lại về cặm cụi làm vườn cho đến tối mịt. Sau vì hàng bán chạy, và có Minh thuyết-phục mãi, Liên mới chiều ý chồng mướn một ông lão làm vườn đến giúp việc.

Mải ngồi tưởng nhớ lại quãng đời qua, Minh không biết rằng trời đã nhá nhem gần tối. Quay nhìn chung quanh mình, trong vườn Bách-Thảo không còn ai. Minh tung tăng qua cổng trường canh-nông rồi rẽ xuống con đường nhỏ lát gạch về nhà, vừa đi vừa cất tiếng hát nghêu ngao.

Liên đứng chờ sẵn tại cổng. Nghe tiếng chồng hát, nàng chạy vội ra đón, tay đỡ sách, miệng mỉm cười gắt yêu:

− Sao hôm nay mình về muộn thế?

Minh cũng cười:

− Vì chiều nay anh mải ngắm mấy con bú dù.

− Về ngắm em làm vườn cũng thế.

Minh cười:

− Em đẹp hơn bú dù chứ lị!

− Thế à? Em đẹp hơn bú dù kia à? Còn anh, chắc hôm nay có điều gì vui mừng lắm thì phải.

Minh nghe vợ nói vậy liền đem những niềm hy-vọng về tương-lai ra kể cho nghe rồi quả quyết nói.

− Chỉ mấy tháng nữa là ta có thể đỡ phải làm lụng vất vả.

Chàng cầm tay vợ ngắm nghía, thở dài.

− Đấy em coi. Em mới có 18 tuổi đầu mà hai bàn tay đã chai rồi! Anh lấy làm hổ thẹn lắm! Làm đàn ông mà không bằng một người đàn bà!

Liên nghe nói cảm động, nhưng giả lã:

− Anh lôi thôi lắm! Có đi vào ăn cơm với em không thì bảo!

Trên chiếc giường lát tre giải chiếc chiếu cũ rách, một cái mâm gỗ đã tróc sơn đựng lỏng chỏng đĩa rau muống luộc, bát nước rau và một đĩa đậu phụ kho tương. Đó là bữa cơm thường nhật của đôi vợ chồng trẻ. Thức ăn chỉ có thế. Nhưng Liên chịu kham khổ đã quen, còn Minh thì vì những món ấy chính tay vợ làm ra nên chàng gắp ăn ra dáng ngon lành để vui lòng vợ. Liên cũng thừa hiểu ý chồng. Nhưng nàng còn biết làm sao hơn? Ở cảnh nghèo không ăn uống tần tiện như thế thì lấy tiền đâu mà chi dụng việc này việc khác. Riêng học-phí của Minh không đã chiếm gần nửa số lợi-tức cuả gia-đình hàng tháng rồi còn gì. Liên nhìn chồng nói:

− Ngày mai Chủ-Nhật, khi bán hoa về em mua một lạng thịt bò tái về cho mình ăn nhé.

− Hết bao nhiêu tiền?

− Chả mấy, độ năm, sáu xu thôi.

Dưới ánh đèn dầu, hai người nhìn nhau cười. Hạnh-phúc của đôi vợ chồng trẻ êm đềm lặng lẽ biết bao! Cơm nước xong, Minh lấy sách ra xem, còn Liên đứng tựa ghế ngắm chồng không nói. Minh gấp sách quay lại cười, hỏi:

− Mình không học à?

− Có chứ. Nhưng em học như thế thì bao giờ mới thành thạo được?

− Nếu mình chịu khó học chăm thì chỉ độ hai năm thôi.

Hai vợ chồng yêu nhau thắm thiết. Nhiều khi không có chuyện gì nói, hỏi nhau những câu vơ vẩn không đâu; nào chuyện bán hoa, nào chuyện xảy ra hàng ngày v... v... Có khi không biết nói chuyện gì, hai người chỉ ngắm nhau mà cười. Trong các gia-đình niên thiếu, sự yên lặng thường là biểu hiệu cho sự lạc thú nồng nàn tuyệt đích.

Nhưng bao giờ thì rồi Liên cũng nghĩ tới bổn phận. Nàng biết chồng sắp đến kỳ thi phải học nhiều nên không muốn làm mất thì giờ quý báu của chàng.

− Mình ngồi học. Em xin phép đi ngủ sớm để mai còn dậy đi bán hoa.

− Mới 7 giờ, còn sớm. Mình hãy ngồi đây nói chuyện với anh một lát nữa đi nào, đi đâu mà vội. Mà Liên ạ, em có biết ở đời cảnh nào khổ sở nhất không?

Liên cười:

− Mình nói lẩn thẩn lắm. Em cho rằng chẳng có cảnh nào là khổ sở hết, vì sự sung sướng ở tự trong lòng chúng ta chứ không phải ở ngoài vào.

Minh cũng cười, bảo vợ.

− Đấy em coi! Học rộng mà làm gì! Em có đọc nhiều sách đâu mà cũng biết chỗ tìm điều mà người ta gọi nôm na là hạnh-phúc. Liên, em ơi! học-vấn ngoài cái mục-đích kiếm ăn còn có một mục-đích cao hơn là đi tìm hạnh-phúc. Học để biết sung sướng. Nay em đã biết sự sung sướng, biết hạnh-phúc chỉ ở trong lòng ta mà ra thì em đã tìm thấy chân-lý hạnh-phúc rồi đó.

Liên vui vẻ bảo chồng:

− Mình học nhiều, biết rộng. Chứ em thì hễ thấy mình sung sướng là em cũng sung sướng rồi.

Minh đứng dậy hôn vợ tỏ lòng cảm ơn. Chàng buồn rầu nói.

− Liên, em! Chiều hôm nay anh sung sướng. Anh nghĩ tới hạnh-phúc, tới tương-lai của đôi ta; tới cái tương-lai tốt đẹp hơn ngày nay. Bỗng một vật khiến anh buồn rầu lo nghĩ. Đi quanh cái hồ vuông, anh nhác trông thấy con bồ nông một mình lủi thủi, đặt bước nặng nhọc bên cái cù lao. Đột nhiên, anh nghĩ tới những cảnh cô-độc ở đời. Anh tự hỏi: nếu trong hai chúng ta mà một kẻ từ trần trước hay bị một đời tàn tật thì người kia sẽ ra sao?

Liên xua tay mắng yêu:

− Mình chỉ nói gở! Em thì không bao giờ nghĩ tới những điều ghê gớm như anh. Em chỉ biết có một điều là chúng mình yêu nhau. Bây giờ thì anh học đi. Trước khi đi ngủ, em sửa soạn thúng, mẹt, cùng quang gánh để mai đi bán hoa sớm. Anh phải biết, ngày hôm nay em bán được hai đồng bạc vừa cây vừa hoa đấy.

Sáng hôm sau cũng như mọi sáng, khi Minh thức giấc thì liên đã đi bán hoa. Biết rằng tối hôm trước Minh học khuya nên Liên đã rón rén dậy xếp quang gánh đi bán hàng, không dám làm kinh động để chồng được ngủ yên.

Minh khoác áo ra hiên. mặt trời mới mọc chiếu ánh sáng rực rỡ xuyên qua những cành cao vút và mềm mại của hai cây hoàng-lan bên bờ giậu. Ngắm những tia vàng chói lọi rung động lách qua khe các lá gió lay, như tưng bừng nhảy múa ở ngoài sân. Minh thấy trí tuệ sáng suốt, tâm-hồn khoáng-đạt. Hình như cũng có một vầng thái-dương chiếu sáng ở trong lòng mình. Minh lấy mũ đội rồi ra vườn. Nhữn hoa huệ sắc trắng mát, hoa kim-liên sắc vàng đậm và hoa hồng quế sắc đỏ thắm như đàn bướm lung-linh trước mặt chàng khiến chàng nhớ tới hồi còn nhỏ vẫn cùng Liên đùa nghịch, cầm vợt đuổi bắt các loài côn-trùng có cánh. Chàng mỉm cười vì dưới cây trúc đào mềm mại lá nhọn kia, trí tưởng tượng của chàng vừa hình dung ra một cô gái bé nhỏ xinh xắn, trắng trẻo đứng vịn cành ngắt hoa.

Minh mải mơ mộng đến nỗi ông lão làm vườn tới đứng bên cạnh chàng hồi nào mà vẫn không lưu ý tới. Mãi đến lúc nghe tiếng lưỡi cuốc đụng phải viên đá, chàng mới giật mình quay lại hỏi:

− Kìa ông Hoạt! Sao ông không ở coi thửa vườn bên Ngọc-Hà?

Ông lão dừng tay, trả lời:

− Bên ấy tôi đã làm xong. Chỉ ngày kia là gieo hạt được rồi. Tôi bảo thằng cháu nó coi giúp để sang đây rẫy nốt cỏ không thì vài hôm nữa nó mọc um lên mất.

− Thôi được. Ông cứ sang bên ấy làm cho xong đi. Để cuốc đấy, tôi rẫy cỏ cho.

Ông lão ngại ngùng, tỏ ý không bằng lòng:

− Cậu học đi chứ. Hôm qua mợ ấy bảo với tôi đừng để cậu phải bận tâm đến các việc trồng trọt vì cậu sắp thi.

Nghe ông Hoạt nói, Minh sung sướng vì chàng thấy người vợ yêu nghĩ đến chàng một cách chu đáo và âu-yếm. Chàng mỉm cười bảo ông lão:

− Được, không sao. Ông cứ để đấy cho tôi. Hôm nay chủ-nhật được nghỉ học. Tôi muốn làm việc hoạt-động tay chân một tí cho khỏe người.

Ông Hoạt còn do dự thì Minh đã lại đỡ lấy cuốc nói:

− Ông sang ngay bên Ngọc-Hà nhé. Vườn ở nhà cứ để mặc tôi.

Ông lão lẳng lặng theo lời Minh tuy có dáng không vui. Còn Minh thì xắn quần, vén tay áo cuốc xới cỏ, tỏ ra là một người thạo nghề và chăm chỉ từ thuở nhỏ sống trong một gia-đình trồng hoa.

Nhưng bấy lâu nay, chàng miệt mài cặm cụi với đèn sách, với bài vở để sửa soạn thi cử nên sức cũng có phần kém đi. Vì thế mới làm việc được hơn một giờ đồng hồ, Minh đã thấy tay chân rời rạc, thở hổn hển. Chàng đương chống cuốc đứng tựa gốc cây hoàng-lan nghỉ mệt bỗng nghe có tiếng người cười ở cổng đi vào. Minh nhìn ra thì là Văn, bạn học rất thân của chàng ở trên phố đến chơi. Văn vui vẻ hỏi:

− Chị không có nhà ư?

− Chào anh! Nhà tôi vẫn đi bán hoa như thường lệ kia mà.

Câu hỏi của Văn khiến Minh ngẫm nghĩ không ít. Bao nhiêu ý tưởng như luồng điện vụt chạy thoáng qua trong trí Minh. Suốt ba, bốn tháng nay, không mấy ngày là Văn không đến chơi; và không lần nào là Văn không bắt đầu hỏi ngay tới tin tức Liên. Minh vẫn biết một người đàn bà đẹp thì bao giờ cũng có nhiều kẻ lưu ý tới. Bông hoa ở trong vườn, ai nỡ cấm khách qua đường ngắm ngía?

Song đối với Minh thì Văn nào có phải là khách qua đường. Hai người là bạn học từ nhỏ, thân thiết nhất trong lớp, coi nhau gần như anh em ruột thịt. Cái nhan sắc của vợ Minh đã làm cho Văn ngưỡng mộ, điều đó Minh thừa hiểu. Nhưng chẳng lẻ Văn lại đem lòng yêu trộm, thương thầm vợ một người bạn thân?

Thấy bạn có tính quân-tử và vợ có nết thẳng thắn, tự nhiên đối với Văn cũng như đối với những người khác, Minh không hề để những ý tưởng ngờ vực lọt vào trong ý nghĩ. Song chàng cho rằng nếu Văn mà thực lòng yêu Liên thì chàng chỉ thương hại cho bạn đã mắc vào vòng ái-tình tuyệt vọng. Vả lại, Minh vẫn biết rằng khi mình yêu một cách vô lý; khi mình yêu một kẻ mà mình không thể yêu được thì mình chỉ thờ trong lý tưởng, trong tâm hồn cái hình ảnh dịu dàng của người mình yêu mà thôi. Sự việc đó luôn luôn xảy ra trong trường tình, trong sự giao-thiệp, nhưng đã mấy khi trở nên điều thương luân bại lý. Cấm đoán người ta yêu một cách cao thượng thanh-khiết tuyệt đích là làm một việc trái với nhân đạo, là ghen tuông một cách vô ý thức.

Minh nghĩ thầm: “Vợ ta quẩy gánh hoa đi rong các phố thì thiếu gì người yêu trộm, thương thầm như thế. Hơn nữa làm gì chẳng gặp bọn công-tử bột trêu ghẹo cợt nhả! Phải, cái đó là thường. Vợ ta tính tình còn ngây thơ, thường vẫn thuật lại cho ta nghe những câu bông đùa của kẻ qua đường nhưng có bao giờ ta tỏ ý ghen tuông đâu? Ta tin ở vợ ta, ta tin ở người bạn gái thân yêu của ta ngay từ khi còn bé”.

− Làm gì mà anh ngây người ra thế?

Nghe câu hỏi của bạn, Minh giật mình, nói chữa:

− Xin lỗi anh, tôi vì mệt quá...

Văn cười:

− Trời ơi! Mới mó tới cái cuốc mà đã than mệt! Đưa đây tôi giúp một tay cho!

Dứt lời, Văn đỡ lấy cán cuốc. Nhưng chỉ được độ vài phút thì chàng ta đã vứt cuốc xuống đất, đứng thở hồng hộc mỉm cười bảo bạn.

− Ồ! Coi vậy chứ không phải vậy! Còn nặng nhọc hơn tập thể-thao nhiều anh ạ!

Minh lắc đầu, đáp lại:

− Tại anh sinh trưởng nơi giàu có...

Văn vội gạt ngay:

− Kìa, sao bỗng dưng bạn tôi lại giở khoa ‘triết-học ba xu’ làm gì vậy? Anh tính giàu có mà làm gì? Người giàu có vị tất đã sung sướng! Như anh thì còn thiếu một thứ gì? Có trí-thức, có bụng tốt, lại có người bạn trăm năm hết sức khả ái.

Minh mỉm cười, vì chính chàng vẫn thường cho là thế. Song chàng vẫn vờ đáp lại:

− Tôi cảm ơn anh đã khéo an ủi một người bạn nghèo. Nhưng giá như tôi giàu hơn lên một chút nữa thì có lẽ cũng dễ chịu và đỡ vất vả hơn.

Văn chép miệng bảo bạn:

− Giá tôi đổi được địa-vị cho anh!

Nghe câu nói có vẻ thành-thực của bạn, Minh vừa buồn cười vừa thương hại. Văn thì như bị xúc động bởi cảnh vật trước mắt, nói luôn:

− Còn gì sung sướng bằng có một nếp nhà tranh không rộng rãi nhưng mát mẻ; trong nếp nhà tranh có một người vợ dịu dàng xinh đẹp đáng yêu, đáng kính. Trời ơi! Thật là một cái tổ uyên ương đầy hoa mộng, đầy ánh sáng. Chiều chiều, vợ chồng ra kề vai nhau ngồi chơi ngoài vườn ngắm cảnh, nhìn trăm hoa đua nở và nghe chim muông ca hát trên cành. Trời ơi! Còn hạnh-phúc nào hơn hạnh-phúc của anh?

Minh thong thả cất tiếng trả lời:

− Bạn tôi trong óc chứa đầy những áng văn lãng-mạm nên trông thấy sự việc gì cũng tốt đẹp. Nhưng mà cái vườn trăm hoa đua nở kia có khi đối với kẻ nghèo chỉ có một nguồn lợi để sinh sống thôi, chứ vị tất đã là một cảnh nên thơ như bạn tưởng! Nhưng mà thôi, mời bạn vào trong nhà chơi kẻo đứng mãi đây bạn đến cảm nắng mất!

Đôi bạn toan vào nhà thì ở cổng vườn Liên đứng sừng sững cất tiếng cười khanh khách. Văn vui vẻ chào:

− Ô kìa! Chị đã về!

− Hai anh đang nói chuyện gì mà thơ mộng thế?

Minh đưa mắt nhìn vợ, âu yếm trách:

− Mình tệ quá nhé! Ai lại đứng núp để nghe trộm chuyện của người ta như thế!

Liên cười xòa:

− Thôi, xin lỗi.

Văn cũng cười, hỏi:

− Này, nhưng quà tôi đâu, chị?

− Đây, quà đây.

Liên lật cái vỉ lấy ở trong ra một miếng thịt bò tái mà nói rằng:

− Mời anh ở chơi xơi cơm xoàng xĩnh với chúng tôi nhé.

Minh sợ cơm không có gì ăn, nhìn vợ để thần hỏi ý kiến thì Văn đã mau mắn nhận lời.

− Xin vâng. Anh chị cho ăn, tôi đâu dám từ chối.

Liên biết chồng có dáng băn khoăn về sự tiếp khách không được lịch-sự nên nói luôn:

− Nhưng thưa anh, xin nói trước để anh biết cho rằng nhà vợ chồng tôi nghèo, cơm nước thật đạm bạc, chẳng có gì đâu. Xin anh đừng cười nhé.

Văn làm mặt giận:

− Chị cứ kiểu cách làm gì vậy? Chỗ anh chị với tôi khác nào anh em ruột thịt trong nhà, thế nào mà chả xong!

Minh ngẫm nghĩ một giây rồi khẽ bảo vợ.

− Thế mình sang bên bác Tư trả lại mấy quả trứng.

Văn vội gạt đi:

− Thôi, đừng bày vẽ nữa!

Minh nói:

− Cũng là cách giúp đỡ cho bác Tư, vì bác ấy mù.

Văn tỏ ý thương hại, buồn rầu nói:

− Khốn nạn! Ở cái làng tốt đẹp đầy những màu hoa rực rỡ như thế kia mà chẳng may bị mù thì đáng giận biết bao! Khổ sở biết bao!

Liên cười, vừa nói vừa lim-dim cặp mi:

− Không trông thấy, nhưng mũi còn ngửi thấy được mùi thơm. Ở đời có thứ hoa có sắc thì cũng có thứ hoa có hương. Anh thử nhắm mắt lại xem đấy có phải nghe nức mũi những mùi hoa hoàng-lan pha lẫn với mùi hoa mộc, hoa sói, hoa ngâu không? Mà khi không dùng đến mắt, mũi ta không chừng lại thính hơn có khi! Đấy, anh ngẫm mà xem, có phải các hương thơm càng thơm hơn không?

− Trời ơi! Chị tôi giảng khoa triết-học!

Minh thì hớn hở tươi cười bảo vợ:

− Anh nghe mình nói mà muốn mù quá đi thôi!

Liên cau mày, gắt:

− Chỉ dại dột! Nhưng chết chửa, gần 12 giờ rồi! Em đi làm cơm thôi!

Minh hỏi:

− Sao hôm nay mình về sớm thế?

− Hôm nay may mắn quá. Em bán xong hoa cúng cho các nhà thờ có điện thì gặp ngay một chàng công tử mua hết cho cả mấy chậu cây cùng những bó hoa huệ.

Văn có ý tức giận:

− Lại phường công-tử bột!

− Chà! Thưa anh, những hạng người ấy ngày nào mà tôi không gặp! Cứ thấy gái là họ híp mắt lại rồi buông những lời cợt nhả. Nhưng thôi, xin phép anh tôi đi làm cơm chứ đói lắm rồi đây!

Dứt lời, Liên chạy vội xuống bếp. Minh nhìn theo, lắc đầu bảo bạn.

− Anh coi, nhà tôi vẫn còn trẻ con lắm!

Hai người vui cười, cùng nhau đi vào trong nhà. Nửa giờ sau, Liên bưng mâm lên. Trong mâm có đĩa thịt bò tái; một đĩa trứng tráng; một bát rau muống xào và một chén tương lỏng. Minh mỉm cười bảo bạn:

− Đó, anh coi. Cơm thết khách nhà tôi đấy! Có sang không?

Văn đỡ lời, chữa thẹn cho bạn:

− Cơm ngon ở sự tinh-khiết chứ không phải ở số lượng thức ăn. Vả lại, đói với vui là hai thứ gia-vị cần thiết phải có cho cả tiệc yến lẫn cơm rau.

Liên cười:

− Mời anh cầm đũa cho.

Minh đưa mắt nhìn vợ khẽ hỏi:

− Còn ông Hoạt?

Liên khẽ đáp:

− Để ông ấy ăn sau. Có anh Văn để ông ấy ngồi ăn không tiện.

Hai vợ chồng tuy nói chuyện thầm với nhau nhưng Văn thoáng nghe cũng hiểu, liền hỏi Văn:

− À này! Còn ông Hoạt thì sao?

− Ông ấy ăn sau.

− Thôi, để ông ấy ăn cả đây cho tiện. Chỗ anh em nhà, cần gì phải khách sáo chứ!

Rồi Văn đứng dậy gọi ông Hoạt. Bữa cơm tuy đạm bạc nhưng có vẻ rất thân mật. Cơm nước xong, Liên trông ra hiên bảo với chồng.

− Trời ơi! Thế mà gần một giờ rồi!

Văn ngơ ngác nhìn quanh rồi rút đồng hồ trong túi ra nhìn, cười hỏi Liên:

− Mới 12 rưỡi. Chị xem giờ ở đâu vậy?

Minh cười rũ, trả lời:

− Đồng hồ của chúng tôi to và cao lắm. Anh nhìn sao thấy được!

Văn không hiểu, vẫn nhớn nhác nhìn vợ chồng bạn thì Liên lại nói luôn:

− Đồng hồ của chúng tôi thì chả kẻ trộm kẻ cắp nào lấy được.

Văn ngẫm nghĩ hỏi:

− Nghĩa là gì thế?

Minh liền trỏ lên mặt trời bảo bạn:

− Kia kìa! Đồng hồ của chúng tôi kia kìa!

Bấy giờ Văn mới vỡ lẽ ra. Cả ba người cùng cười. Văn lại hỏi:

− Nhưng các ngài xem giờ ra sao?

Minh đáp:

− Trông mái gianh.

− Vậy khi không có mặt trời?

Minh cười:

− Thì không xem giờ. Nhưng buổi sáng đã có súng 10 giờ.

− Còn đêm...

− Đêm nghe gà gáy. Hễ gà gáy nửa đêm thì đi ngủ.

Văn kinh-ngạc, lo lắng và thuơng hại bạn:

− Chết chửa! Thi gần đến nơi rồi mà không có đồng hồ thì học hành ra làm sao? Anh tạm cầm cái đồng hồ của tôi vậy. Thi xong anh trả lại tôi cũng được.

Minh từ chối:

− Xưa nay không có đồng hồ thì đã sao?

− Nhưng lần này thì anh cứ cầm cho tôi vui lòng. Ở nhà tôi đã có đồng hồ treo. Vả lại tôi vẫn thường đến đây học với anh thì đàng nào cũng tiện cho tôi lắm.

Văn vừa nói vừa ấn cái đồng hồ vào tay Minh. Nể bạn, Minh đỡ lấy đưa cho vợ bảo treo lên chiếc đinh đóng ở cột. Chàng quay lại bảo Văn:

− Bây giờ thì chúng ta đi học.

Liên nói tiếp:

− Còn em thì xin đi làm vườn.

Hạnh-phúc êm đềm như đang làm rung động ba trái tim trẻ. Trong bầu không khí yên lặng một buổi trưa mùa hè, tiếng gà gáy trong xóm xa xa...