Hai vợ chồng Công và Sương cùng ôm ngang hông nhau đứng ở ngưỡng cửa tiễn cặp khách cuối cùng, sau buổi tiệc và dạ vũ mừng con gái Tuyết được nhận vào trường y khoa Northwestern ở Chicago và cả trường ở Dallas nữa. Riêng Tuyết chỉ dự phần đầu khiêu vũ rồi bỏ đi theo cuộc vui khác cùng đám bạn trẻ và lũ em trai.

Sương thở ra nhẹ nhõm:

"Thế là xong!"

"Thật là đã! Khượt chưa?"

"Sức mấy!"

"Sửa soạn nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa... khách cả mấy chục người mà chưa mệt hả?"

"Sơ sơ thôi, nhà mình khách khứa hoài rồi cũng quen! Ăn thua xếp đặt trước."

"Ai cũng nói chỉ em mới làm nổi, ăn uống toàn món nóng, ngồi bàn đàng hoàng, chớ không "self service" mỗi anh một xó ăn nhồm nhoàm như các "party" đông ở nhà khác!"

Sương mỉm cười hài lòng với lời khen của Công rồi kiễng lên đưa môi cho chồng hôn phớt nhẹ. Sương ép mình vào người Công như tìm hơi ấm, trời tháng năm ở Chicago về khuya còn lạnh, nhất với gió hồ Michigan lùa qua.

Công rùng mình rồi ôm vợ đi vào:

"Đi ngáo chưa?"

"Mình mệt thì đi ngủ trước đi, em còn phải dọn dẹp một chút đã."

"Mai chủ nhật dọn cũng được, có thêm tụi nhỏ phu... "

"Mình biết tính em rồi, để nhà bừa bộn em chịu không được!"

Công nhún vai:

"Ô kệ"

Công và Sương thay bộ đồ dạ tiệc, mặc vào quần áo ở nhà thoải mái rồi bắt đầu dọn. Sương thâu chén bát, ly, tách mang ra rửa, còn công lượm những lon nước ngọt, bia vứt vào thùng rác, đổ gạt tàn thuốc lá đi và xếp bàn ghế lại cho gọn. Trong khi Công soạn xếp lại các dĩa nhạc CD, gỡ các giây điện nối đèn, nối loa thì Sương quét sơ sàn gỗ và hút bụi phòng khách.

Lúc Công lục đục dọn xong phòng dành riêng cho họp mặt bạn thì Sương đã bỏ đi tắm và đi ngủ rồi. Công đứng lên ưỡn ngưòi ra phía sau vươn vai, bắp thịt và xương sống kêu răng rắc khi Công vặn mình, chân đá một phía mà nửa người trên quay về phía đối diện. Rồi Công vào phòng tắm, thói quen nhiều năm, dù khuya trễ tới đâu cũng phải tắm trước khi đi ngủ. Làn nước ấm ở vòi sen đặc biệt chảy xối xả lên người có tác dụng thoa bóp làm Công thấy thoải mái, dễ chịu và như men rượu lâng lâng còn thoáng ngà ngà... Công huýt sáo khe khẽ bài "Etoile des neigs" (Sao Tuyết) vẫn thích từ hồi nhỏ.

Ra khỏi phòng tắm, Công đi nhón gót lại giường rồi rón rén leo lên, cố gắng ít gây tiếng động tránh không làm Sương đang ngủ say phải thức giấc. Công vừa nhẹ kéo mền đắp lên người thì bỗng giật mình khi Sương, như một vệ nữ lồ lộ, nuột nà nhoài ra kéo Công vào vòng tay ấm, thoáng một luồng thơm hoa đồng cỏ nội của nước hoa tắm "bien être", gây một ngạc nhiên yêu thương đằm thắm, thích thú, ngất ngây òa vỡ nơi Công với làn da nổi gai hạnh phúc sung sướng khi ngón tay, môi miệng của Sương mơn trớn lướt qua hay trì triết dừng lại dò dẫm tìm hiểu rồi đắc thắng tiến tới trong say mê buông thả đằm thắm cao vút.

*

Công choàng dậy chụp lấy điện thoại trên bàn ngủ đầu giường khi chuông reo, giọng ngái ngủ:

"Bác sĩ Công."

Giọng tiếp viên trực điện thoại báo có người bệnh muốn nói chuyện vì bị phản ứng thuốc. Khi tổng đài chuyển qua, Công hỏi han người bệnh rồi dặn lại phải uống thuốc sau bữa ăn, chớ uống lúc bụng đói bị cồn cào bao tử là chuyện đương nhiên.

Đặt ống nói xuống, Công lầm bầm:

"Bố khỉ! Có vậy mà làm hết hồn!"

Thói quen của bệnh nhân bên Hoa Kỳ này là vậy, động một chút gì cũng réo bác sĩ hỏi, bất kể ngày giờ. Nhiều khi không đi cầu được cũng gọi. Hành nghề y sĩ tư phải chấp nhận bị quấy rầy là điều tối thiểu, chứ để bệnh nhân bất mãn sẽ bị lôi ra tòa như không, vì quan niệm thực tế buôn bán trao đổi bên cung là bác sĩ và bên cầu là bệnh nhân, và đương nhiên, khi phẩm không được tốt, không được như ý, người chi tiền có quyền kiện đòi bồi thường.

Công ngó nhìn đồng hồ điện mới năm giờ sáng. Ngoài trời còn tối om. Sương nằm gọn vào lòng Công, giọng nhừa nhựa:

"Gì vậy mình?"

"Bệnh hỏi vớ vỉn."

Công nhắm mắt nhưng chưa ngủ lại được. Sương thở nhẹ đều đều. Căn phòng ngủ trở lại yên tĩnh, ngoài tiếng nhạc cổ điển rất nhẹ Ở máy thu thanh đầu giường.

Công gắng nằm im, đầu Sương gối trên vai, cho vợ chìm lại lẹ làng vào giấc điệp. Sương có cái hay là rất tỉnh ngủ nhưng ngủ lại dễ dàng, chỉ thoáng đã thở đều làn hơi lên ngực trần của chồng. Nhắm mắt hồi lâu không dỗ được giấc ngủ, Công mở mắt nhìn lên trần, đầu óc mơ màng trống rỗng của một người đàn ông mà tình dục vừa được thỏa mãn tràn trề trong yêu thương mặn nồng. Công nhìn xuống vợ trìu mến và tự đáy lòng ghi ơn Sương đã mang lại hạnh phúc cho chồng con với cách khéo xử nhẹ nhàng, dễ mến, chứng tỏ một tình thương dạt dào, mênh mông. Ngoài những chính tay chăm sóc từ quần áo mặc, tới thức ăn thức uống cho Công, Sương còn để ý tới những vụ du hí cùng bạn bè cho chồng giải trí, sau những ngày giờ cắm cuối ở phòng mạch hay ở nhà thương chăm nom cho bệnh nhân người Việt cũng như người địa phương. Và vợ chồng sống vui vẻ, hòa thuận, thoải mái, nhường nhịn, khi Sương ý thức luôn đặt quyền lợi của chồng lên trên hết, và Sương đã chiếm trọn tình cảm cũng như thương nể nơi Công. Lâu Lâu Sương dành cho Công, như đêm vừa qua, những thú vui chăn gối say sưa nồng thắm. Và mỗi lần gặp chồng, Sương lại trao thân trọn vẹn, mê đắm như buổi ban đầu, khi hai người gặp, mến và thương nhau ở trại Orote Point trên đảo Guam, khi chạy khỏi Việt Nam năm 1975, cách nay cả mười lăm mười sáu năm, hồi Sương còn là một góa phụ với hai con, Tuyết và An, và Công trơ vơ một thân một mình, vợ là Lan và con là Hùng thất lạc ngay từ Sài Gòn và bặt tin từ đó, bao công tìm kiếm cũng vô vọng. Rồi nguyên gia đình chấp nối, vá víu đó bồng bế nhau lên Chicago, từ trại tạm cư Fort Chaffee bên tiểu bang Arkansas, sau khi từ Guam tới được ít tuần, để lập lại đời sống mới nơi xứ tự do dung dưỡng, Sương đi làm cưu mang cả gia đình trong khi Công học thi bằng tương đương bác sĩ Hoa Kỳ và hành lại nghề xưa sau khi tập sự y khoa tổng quát ở nhà thương Columbus và St Elizabeth ngay tại Chicagọ Và nay, Công, Sương có thêm hai đứa con chung là Quốc và Gia.

Công nhớ lại một bài hát tiếng Pháp do một nam ca sĩ đã quên tên, có câu "ái tình nhục dục không lối thoát" và ứng nghiệm thấy có lý. Trước kia gần Lan rồi sau này Sương, Công thấy như thủy triều dâng rồi rút và liên tục nhịp điệu muôn thuở đó, tuy có lần ngọn sóng cao, có lần thấp, khi ngầu bọt trắng, lúc thanh thản đưa nhẹ vào bờ cát. Rồi cũng vẫn những đắm say, những cuồng nhiệt, kỳ này có thể đôi chút khác kỳ trước, và sẽ không giống kỳ sau, nhưng rồi cảnh nhập thân căn bản lại tái diễn tùy theo nơi chốn, thời tiết, hứng tình trong vòng tử sinh luẩn quẩn.

Với những ý nghĩ vẫn vơ về sắc dục, Công đi vào giấc ngủ lúc nào không hay.

*

Chiếc xe Mercedes màu đen láng bóng chạy men dọc hồ Michigan trên đường Lakeshore, hướng về phía bắc, nơi tỉnh phụ cận Evanston. Công đã chọn tỉnh này để ở vì lý do an ninh và lối xóm trung lưu đàng hoàng, tuy khá xa nơi làm phòng mạch ở đường Broadway, khu Uptown Chicagọ Ngồi nghiêng dựa vào cửa, Công lái xe một tay thanh nhàn, mắt đảo qua đảo lại hết nhìn hồ mênh mông không thấy bờ bên kia nên được gọi là biển hồ, lại nhìn số bộ hành thưa thớt đi trên lề, tai nghe nhạc Việt ở máy "cát sét". Giọng của danh ca Thái Thanh khi ngọt lịm lúc não nuột, xuyên tâm, động trí, như đằm thắm, thu hút, ở hải ngoại này, khác với hồi còn bên nhà, lanh lảnh, cao vút. Công còn nhớ lại hồi trẻ, khoảng trước năm 1954, Thái Thanh cùng đoàn Gió Nam ra ngoài Hà Nội du ca, Công đã cố chen lấn mới mua được vé ngồi chuồng cu ở Nhà Hát Lớn để được thưởng thức thả hồn theo giọng ca mê hoặc lôi cuốn mà dư âm còn vang vang bên tai khi cọc cạch chiếc xe đạp trên đường về suýt mấy lần bị đụng xe vì lơ đãng... Và gần bốn mươi năm sau, tiếng hát vẫn còn xoáy hồn, rung động tâm can, gây nên một thể trạng lạ lùng vi vút của thế giới âm thanh đặc biệt độc đáo mà vì méo mó nghề nghiệp Công đặt tên "tụ chứng Thái Thanh" có nghĩa là khi nghe giọng hát Liệu Trai mê hồn của ca sĩ, Công để tâm hồn buông thả, bị thu hút hoàn toàn theo cung trầm tiếng bổng...

Công về nhà lúc nào không haỵ Cả nhà đi shopping vắng. Công quăng giày, tháo "ca vạt" ra ném lên giường ngủ, đi rửa tay rửa mặt xong nằm vật ra nghỉ mệt. Công lim dim mắt dưỡng thần sau những giờ làm việc mệt nhọc ở phòng mạch và thăm bệnh ở nhà thương về. Hành nghề y sĩ ở Hoa Kỳ có phần khác bên nhà, khi gởi bệnh vào nằm, người y sĩ phải theo vào nhà thương điều trị, nếu cần thì tham khảo với y sĩ chuyên môn, chứ không như ở Việt Nam, khi bệnh cần nằm bệnh viện đã có y sĩ nhà thương chăm sóc.

Thiếu Sương, thiếu bầy trẻ, căn nhà vắng lặng. Công thủng thẳng ra phòng ăn uống hụm nước lạnh ở máy nhỏ điều hòa nước mát rồi ra ngồi ở trước đại dương cầm ngoài phòng gia đình sum họp. Công thích nghe hát nhưng nhạc thì mù tịt, nhớ lứng vài điệu hai tay bập bông mấy nốt giải sầu, quên mọi chuyện khi chú tâm vào bài hát, qua được nhiều phút vi vút, chẳng cần tới có làm ngứa tai người nghe hay không. Câu được câu không, Công đã thả hồn vào những bài ca nhớ lõm bõm hồi còn nhỏ, và để thời gian nhẹ nhàng trôi vào quá khứ.

Công nhấn vài nốt bản "Auld Lang Syne", về sau này được đặt lời phiếm "ò e con ma đánh đu, Tarzan nhảy dù, Zorro bắn súng... " bài hát Công còn nhớ, khi chia tay trại hè ở Vạ Cháy, xế bên kia Hòn Gay, sau năm đệ thất, nước mắt rưng rưng khi sắp xa bạn, sau một thời gian sống tập thể vui tươi, vô tư, đầy lý thú. Cũng bài này Công nhớ lại, tuy không hát ra lời, nhưng mắt cũng ướt lệ khi rời Hà Thành vĩnh viễn, trên chiếc máy bay Dakota, di cư vào Nam, tháng tám năm 54...

Tay nhấn trên phím ngà, Công bật bông hết bản Biệt Ly qua tới Nắng Chiều, tới Etoile des Neiges, thả hồn bay về quá khứ với những kỷ niệm xưa buồn buồn nhẹ nhàng...

Công giật mình trở lại với thực tế khi có tiếng vỗ tay và nhận ra Tuyết đứng sau lưng lúc nào không hay:

"Ủa, về hồi nào vậy con?"

"Từ lâu rồi. Nghệ sĩ mê cung đàn đâu còn biết gì nữa!"

"Bố bật bông cho qua thời giờ... "

"Bố dõng dạc tiếng một mà có hồn hay ra phết!"

"Lại nhạo bố rồi!"

"Thật đấy bố!"

Tuyết đứng lại gần, hai tay dựa trên đàn:

"Bố chơi nữa đị"

"Thôi, đủ rồi."

"Bố mắc cở hả?"

"Có thể."

"Con thấy bố ngây như thu hút vào dĩ vãng... "

"Chuyện xưa mà con."

Tuyết thân mật hỏi:

"Bố có dĩ vãng đẹp không bố?"

"Bố đã kể cho con nghe nhiều lần rồi."

"Vậy mà con vẫn thích bố kể cho con nghe hoài."

Công đánh trống lảng:

"Thôi đi cô! Nghe hoài bắt nhàm tai. Ủa, bộ con không đi shopping cùng mẹ sao?"

"Không, bố. Con đọc ít sách ở thư viện rồi về."

"Chiều thứ bảy mà không đi chơi à?"

"Con nhớ bố con chạy về!"

"Chỉ được cái xạo! Nhớn ngần ấy tuổi gần có chồng rồi mà ăn nói như con nít."

Tuyết cười, nhe hai ràm răng nhỏ trắng đều, và hai lúm đồng tiền duyên:

"Người lớn với ai kia chứ người lớn với bố hả?"

Công gật đầu dịu dàng:

"ờ, thì con lúc nào chẳng nhỏ với bố!"

Tuyết len ngồi chung ghế với Công, tay đẩy thánh thót một vài nốt nhạc.

Công đề nghị:

"Con đánh vài bài đi cho bố nghe!"

Tuyết gật đầu rồi dạo bản "memory". Công nhẹ nhàng đứng dậy ra ghế có dựa chân ngồi, nhắm mắt thưởng thức bản nhạc quen thuộc.

Im lặng một lát theo sau nốt chót của bản nhạc nổi danh rồi Công mới vỗ tay khen:

"Hay tuyệt! Tuyết hôm nay đàn hay quá!"

Tuyết im lặng cúi đầu. Công ngạc nhiên nhìn về hướng Tuyết chờ một lời hay ngẩng mặt. Làn tóc bồng bềnh xõa che khuôn mặt duyên dáng của cô gái vào tuổi người lớn.

Công đứng lên lại gần cây đàn, chăm chăm nhìn Tuyết vẫn cúi đầu và như hoảng hốt bất thần khi thấy đôi vai của Tuyết rung rung. Công nhẹ nhàng nâng cằm của Tuyết lên và sững sờ thấy mặt Tuyết buồn so, đôi mắt ngấn lệ nhìn xuống.

Công ngỡ ngàng gọi:

"Tuyết!"

Tuyết lắc lắc đầu rồi đứng dậy chạy lên lầu về phòng, vừa lúc Sương và các con ồn ào kéo vào, tay xách bị, tay mang hộp đầy đồ mới muạ Công bàng hoàng chưa hiểu chuyện gì xảy ra và trả lời ngập ngừng, ấp úng những câu hỏi của vợ và lũ con trai.

*

Sau khi kiểm soát tiền thâu và giấy tờ bảo hiểm ở phòng mạch của chồng, Sương ra xe về thẳng nhà, mặt mày rầu rĩ như ưu tư có chuyện gì khó nghĩ.

Công coi nốt mấy người bệnh rồi đi thăm bệnh nằm ở nhà thương Columbus nơi Công từng tập sự nội trú năm đầu, và vào khoảng tám, chín giờ tối mới về tới nhà, khi nào trễ, ông gọi điện thoại cho vợ hay.

Sương thường cho các con ăn cơm trước vì mỗi đứa theo một chương trình, thời khóa biểu khác nhau nên phải ăn sớm còn đi học, trong những ngày thứ hai tới thứ năm, còn chiều thứ sáu và cuối tuần cả nhà chờ Công ăm cơm gia đình hoặc đi ăn tiệm cho vui, giữ không khi hòa thuận, đoàn tụ.

Chiều nay, Sương lùa tụi nhỏ ra ngoài ăn pizzạ Phần Công đã mua sẵn tô phở "to go" chỉ việc hâm lại vì Sương không có tâm trí nấu nướng như mọi bữa. Sương cần yên tĩnh để suy nghĩ tìm giải pháp cho vấn đề khó khăn trở ngại lớn đang gặp.

Sương lên phòng ngủ trên lầu, khóa trái cửa lại, gieo mình lên giường nằm bất động, không thay quần áo như mọi ngày. Suy đi tính lại Sương chưa biết phải hành động ra sao cho thích nghi, vẹn toàn, vừa không mất tình thương vừa vẫn giữ được gia đình. Sương phải hy sinh hay nhẫn tâm, đằng nào cũng không vừa ý, phải đạo.

Sương thương Công vô cùng, sau khi là góa phụ một nách hai đứa con thơ Tuyết, An vừa do hữu duyên vừa do khởi điểm tình cảm đặc biệt ngay khi gặp lần đầu, nơi túp lều bạt tạm trú trong Orote Point trên đảo Guam. Như có linh tính, giác quan thứ sáu bảo Công sẽ là người chồng bao dung tốt. Thực tế đã chứng minh mười lăm mười sáu năm vừa quạ Công lúc nào cũng một mực thương Sương hết lòng và càng đậm đà hơn sau khi sanh hai đứa con Quốc và Gia. Đời sống gia đình thật ấm cúng đùm bọc. Công chưa bao giờ phải to tiếng cãi vã với Sương, chuyện hiểu lầm nào cũng được giải quyết êm đẹp, thỏa đáng trong thông cảm yêu thương. Bất cứ chuyện gì Công cũng tin tưởng nơi Sương, từ tiền bạc, làm ăn, nhà cửa, con cái học hành v.v. nhất nhất đều do một tay Sương lo quản trị, sau khi bàn bạc sơ với chồng. Sương đã biết cách đối xử thành thật đẹp đẽ với Công trong cuộc sống chung, nếu cần vất vả, hy sinh cũng không quản ngại. Và Công đã đền đáp thỏa đáng, mỹ mãn.

Công đã ý thức sự chăm lo hết mình của Sương cho chồng, cho con, không e sức khỏe yếu kém, không sợ thời tiết lạnh căm tuyết phủ đầy đường lặn lội làm hết việc này, làm thêm việc kia cưu mang gia đình trong lúc gặp khó khăn ban đầu mới tới Chicago này, cương quyết không nhờ vào quỹ an sinh xã hội, cố giữ mặt cho Công, hầu chăm sóc con cái ăn học để Công rảnh tay sửa soạn lấy bằng hành nghề y sĩ, mà không bao giờ hé răng than van, phàn nàn, kể công, đòi ơn...

Giây tình thương, ân nghĩa đã cuốn êm ả, chắc bền Công vào Sương trong hạnh phúc vui vẻ, xán lạng, trong sự kính nể nhau chân thành, thẳng thắn.

Nhưng giờ đây, lá thư mà Sương đang cầm trong tay, đã đọc đi đọc lại nhiều lần tới phát thuộc, là đầu giây mối nhợ của xáo trộn tâm can, tinh thần bất ổn có thể ảnh hưởng sâu đậm tới cuộc sống giữa Công và Sương cũng như của con cái hai dòng máu. Mười sáu năm công lao vun xới thành một gia đình hạnh phúc êm ấm, không nhẽ chỉ trong một quyết định kém suy tính, bồng bột, bốc đồng mà tan ra mây khói, phá vỡ một lúc mấy mảnh đời đang dựa vào nhau để sống trên đất lạ, trong cuộc đời lưu vong này.

Sương bặm môi, tay run run nắm chặt lá thơ oan nghiệt.

*

Sương lại ngồi ngay trên thảm, gần Công trên ghế dựa đang đọc sách. Công gấp sách nhìn vợ nhướng mắt như muốn hỏi chuyện gì.

Sương thở dài:

"Em cạn lời hết lẽ rồi, mình làm sao thì làm! Nó nghe mình hơn em!"

Công chia xẻ thắc mắc với vợ:

"Anh chẳng rõ sao đùng một cái Tuyết đòi học y khoa ở Dallas, mà bỏ trường Northwestern trên này?"

"Nó giở chứng ra, có trời mà biết."

"Có bồ, có bạn gì ở đó không?"

"Nó đâu có nói! Theo chỗ em biết thì làm gì có bồ tèo dưới đó!"

"Muốn thoát ly gia đình hay sao?"

"Nó vẫn leo lẻo thương bố thương mẹ kia chứ!"

"Anh thấy nó buồn nhiều hơn vui khi quyết định đi xa! Có thất tình không?"

"Nó có mấy thằng bạn trai đó, nhưng có thiết tới thằng nào đâu!"

"Kỳ thật! Mấy lần anh tính hỏi nó mà nó chỉ nhìn anh nước mắt lưng tròng rồi chạy đi chỗ khác!"

Rồi hai vợ chồng giữ im lặng, suy tư mông lung về quyết định bất thần của Tuyết muốn đi học xạ Mười mấy năm trời nay quấn quít bên cha mẹ và các em, các bạn rũ đi ra ngoài ở chung hay vào ở nội trú, có đời sống riêng tự lập, Tuyết đều từ chối, bỗng nay lại muốn rời gia đình mới gây nên lo lắng nơi cha mẹ. Sương sợ không chăm sóc được cho cô gái đầu lòng cưng chiều từ bấy lâu naỵ Công ngại Tuyết bơ vơ một mình, chán nản, cô đơn, khó chú tâm học hành. Cả hai vợ chồng khuyên lơn và năn nỉ Tuyết hết lời, nhưng vô hiệu quả. Tuyết nhất định đi chỉ vì thích đi chứ không nêu thêm lý do chính đáng nào khác, nói với giọng buồn, mặt ủ rũ tội nghiệp làm sao...

Thường thường Tuyết rất thân với cả bố lẫn mẹ, và chuyện gì cũng mang kể lại, nhất là với Sương, từ việc học hành, sắm sửa quần áo, tới thức ăn thức uống, cả chuyện bạn trai bạn gái liên lạc làm sao, tán tỉnh bồ bịch như thế nào, ai để ý tới, ai chạy theo... Nhưng kỳ này, Sương hỏi Tuyết làm sao cũng chỉ có một câu trả lời nhắc đi nhắc lại hoài "có gì đâu.". Sương kiên trì hỏi tiếp và có lúc phải dùng tới nước mắt cũng không lay chuyển được Tuyết, ngược lại còn có cảm giác đẩy Tuyết ra xa hơn.

Sương cúi mặt, giọng tỏ vẻ lo lắng:

"Em nghi là có căn nguyên sâu xa hơn cái hứng bất tử muốn thay đổi không khí, nơi chốn... "

"Em căn cứ vào đâu?"

"Đã đành Tuyết hơn hai mươi tuổi rồi, tuy ngoài mặt không tỏ ra, nhưng trong lòng em đã phần nào sửa soạn tinh thần chấp nhận một ngày nào đó nó xa nhà, tự lập như bao nhiêu đứa cùng lứa tuổi, theo cách sống đương nhiên ở xứ này... nhưng em có cảm giác như nó phải rời gia đình một cách miễn cưỡng, không thoải mái. Nó không vui tươi, hớn hở, háo hấc như người muốn vượt thoát sự kiểm soát của gia đình đi tìm tự dọ Hơn nữa từ hồi giờ em vẫn để nó thong thả, có cấm đoán gì đâu! Nó là đứa trẻ ngoan, biết điều, chưa bao giờ làm chuyện gì quá lố, nên em thấy lần này nó lầm lì em mới lọ Mà hình như nó còn muốn né tránh em nữa, không muốn tâm sự, chia xẻ những uẩn khúc tâm tình như mọi khi...

Trước sự im lặng suy tư của Công, Sương kể tiếp thắc mắc:

"Có điều lạ là em suy nghĩ hoài chưa ra, chưa biết phải làm sao... như Tuyết đang ở trong tình trạng bất ổn, đối nghịch: trí thì thương mẹ, mà tâm lại muốn xa... Em thương con muốn giúp nó... "

Công an ủi vợ:

"Anh nghĩ em suy diễn quá nhiều, chứ đâu đến nỗi rắc rối tới độ đó! Chắc Tuyết muốn tự trắc nghiệm tìm đường tự lập xem khả năng một mình giải quyết những khó khăn do hoàn cảnh gây ra mà thôi!"

"Không mình à, linh tính đàn bà, võ đoán và kinh nghiệm của người mẹ cho em biết nó giấu chúng mình chuyện gì, chứ không chơi đâu! Em muốn khuyên bảo nó điều hơn lẽ thiệt rồi tùy nó quyết định ra sao thì ra... Từ hồi giờ có thể nói nó chưa rời em nửa bước mà bây giờ nó muốn xa em... "

Sương rơm rớm nước mắt:

"Chẳng thà nó có bạn trai vì mê mà bỏ đi theo... Đây một mực nó chối không có!"

Công vỗ vai kéo vợ vào lòng:

"Sương à, em đừng bi thảm hóa vấn đề, làm khổ cả mình lẫn nó! Tuyết biết mình thương nó. Vậy nó quyết định đi cứ để cho nó đi còn hơn bỏ trốn, miễn sao nó hay lúc nào mình cũng sẵn sàng giúp đỡ, chăm sóc nó... "

Công nhìn thẳng vào mắt Sương:

"Em đừng lo thái quá! Gần đây anh nhận thấy tinh thần em như bất ổn, chuyện gì cũng lo lắng quá mức, ăn uống chểnh mảng, ngủ không đầy giấc, không vui như mọi khi... Anh muốn em can đảm lấy lại thế đứng cho gia đình thoải mái... "

Công thấy Sương liếc vội rồi cúi mặt xuống như muốn tránh nhìn thẳng vào mắt chồng bèn hỏi ngay:

"Còn chuyện gì khác làm em lo nữa sao?"

Sương hít một hơi dài rồi lắc đầu:

"Một chuyện con Tuyết còn chưa đủ sao? Anh nghĩ gì mà bảo em còn ưu tư nào khác?"

"Thì anh cũng hỏi thôi, vì thấy em bất thường... "

"Bất thường?"

Không trả lời thẳng, Công ôn tồn, tay lắc lắc vai Sương:

"Tuy em bẩm sinh kín đáo, nhưng sống bên em ngần ấy năm trời, anh cũng biết lúc nào em gặp khó khăn trở ngại chứ."

Sương ngần ngừ:

"Thì chuyện con Tuyết đó!"

"Chắc còn nữa."

"Anh chỉ được cái đoán mò!"

"Em muốn giấu anh sao?"

"Có gì mà giấu! Chuyện gì mà anh chẳng biết!"

Công mỉm cười trước nhận xét của vợ.

Sương đánh trống lảng:

"Bây giờ nhờ ông xét hộ vụ con Tuyết đi! Em thì đầu hàng, bó tay chịu rồi đấy!"

Công hỏi ngang:

"Mấy thằng con trai nghĩ sao về vụ chị nó đi Dallas?"

"Đứa nào cũng nói chị ấy lớn rồi để chị ấy tự do lựa chọn, đi học xa chứ có đi hành tinh nào khác đâu mà lo lắng quá vậy!"

"Có đứa nào biết chị nó có bồ không?"

"Bạn trai thì có mà người tình thì chưa!"

"Kỳ há!"

*

Công đang chăm chú đọc sách tham khảo y khoa ở phòng làm việc nhỏ tại nhà bỗng giật mình khi có hai bàn tay lạnh mát thình lình chụp che mắt, với tiếng phì phì cố nín khỏi cười. Biết rõ là Tuyết vì từ nhỏ tới giờ có tật thích bịt mắt bố dượng giễu chơi.

Công giả bộ quơ tay:

"Ai, ai vậy?"

Tuyết cười ra tiếng:

"Ú à!"

Tuyết tươi mát trong áo sơ mi trắng ngắn tay hở cổ và chiếc quần jean màu xanh đã bạc, đứng trước Công, hai tay chống nạnh:

"Một sáng chủ nhật đẹp trời như thế này mà bố nở ngồi đọc sách được sao?"

Công vừa lấy tay thoa hai mắt cho đỡ mỏi vừa hỏi đùa:

"Cô hai muốn gì đây?"

"Cô hai muốn bố ra "park" chơi!"

"Ơ, nói sướng không! Bố đang đọc sách."

"Được không?"

"Được chứ... nhưng mẹ đâu?"

"Mình con không được sao?"

Công nhìn thằng vào mắt Tuyết như muốn tìm hiểu giọng bất thần đổi và như hơi bất mãn, nhưng Tuyết đã nhúm mũi lại làm trò rồi cười:

"Me... mẹ bảo con kéo bố đi. Tụi nhỏ đi với mẹ mua đồ ăn, trưa nay ra "park" "pic nic"."

"Sao không nghe mẹ nói gì buổi sáng kìa?"

"Mẹ "phone" về bảo lúc đi chợ thấy trời đẹp mới có ý định trưa nay ăn ngoài trời."

Rồi Tuyết giục:

"Nào bây giờ đi chưa, bố?"

Công nhìn đồng hồ tay thấy mới mười một giờ, muốn trêu con gái:

"Còn sớm mà."

"Đi bộ ra nghe, chứ không đi xe đâu."

"Sao vậy?"

"Tại Tuyết thích vậy, được không?"

Công cười:

"Cô hai hôm nay hách xì xằng quá!"

"Con cũng biết bố trêu chứ bộ!"

Hai bố con tản bộ thanh nhàn, Tuyết vịn tay Công, đi dọc thẳng đại lộ Chicago ra phía hồ, nơi cuối đường gần một vườn hoa công cộng, dưới bầu trời nắng ấm xanh trong, gió mát.

Bỗng thoáng qua trí Công, hai cha con đi với nhau thế này là trường hợp ngẫu nhiên vô tình hay do sự xếp đặt khôn khéo của Sương để hoặc Công tìm hiểu tại sao Tuyết đi xa, hoặc Tuyết có dịp thổ lộ tâm tình bí mật gì với Công. Và Công không quên nhiệm vụ khó khăn mà vợ đã giao phó cho tìm căn nguyên Tuyết muốn thoát ly gia đình.

Công khơi chuyện:

"Hôm nay Tuyết đi chơi vui vẻ với bố, mấy bữa nữa đã xa nhau rồi... "

Tuyết dừng lại, tay níu Công, mắt ngước nhìn lên buồn rầu, long lanh như muốn khóc rồi cúi xuống lầm lũi đi không nói gì. Công tội nghiệp phản ứng mau lẹ không thuận chiều của Tuyết trước lời mình vừa nói, nhè nhẹ thân mật vỗ vỗ tay Tuyết:

Đi được một quãng, Tuyết quàng tay ôm ngang lưng Công:

"Chắc Tuyết nhớ bố lắm!"

Công đứng lại nâng cằm con gái lên cố lấy giọng thản nhiên:

"Bố cũng nhớ con. Hay là... hay là con ở lại Chicago học, như vậy bố con mình khỏi xa nhau, nhớ nhau chi cho mệt."

Tuyết hất cằm khỏi tay Công, chạy trước nói với lại:

"Bố cùng một giọng với mẹ!"

Công nhớ lại lời Sương nhận xét như Tuyết có điều gì bất mãn, không bằng lòng với mẹ. Công thấy vợ nói đúng vì hai ba lần từ sáng tới giờ, có dịp đề cập tới mẹ là Tuyết như khựng lại muốn né tránh, mặc dầu thái độ cố bưng bít nhưng không qua được mắt Công. Hay từ căn bản khởi thủy, Tuyết không muốn mẹ bước đi bước nữa, lấy Công, mang tình thương chia xẻ cùng người xa lạ với Tuyết... Lý lẽ này tuy vẫn có thể có, nhưng mơ hồ theo như sự suy diễn của Công, vì Tuyết từ hồi năm sáu tuổi cho tới nay đã trưởng thành, luôn luôn quấn quít bên Công, chưa bao giờ trong cử chỉ hay lời nói tỏ vẻ không ưa hay thù ghét ông dượng cả... Mà theo như Công biết thì Sương lúc nào cũng bao bọc, chiều chuộng, thương con hết mình. Hay Sương làm chuyện gì không tốt mà chỉ riêng Tuyết biết được và bất mãn, khinh khi hành động của mẹ, nhưng không thể nói ra e hại mẹ và luôn cả gia đình... Công nghĩ không thể có chuyện đó vì Sương qua bao năm nay rất thành thật, thẳng thắn, tính mà Công rất thương và quý. Công hơi hối hận vì trong một khoảnh khắc đã nghi ngờ vợ.

Tuyết đi thoăn thoắt phía trước, Công thủng thẳng theo sau, đầu óc nghĩ mông lung về người con gái tuy thấy gần mà tâm thần ở tận đâu, ngoài vòng hiểu biết của gia đình. Công gần như thất vọng không kiếm được giùm cho Sương lý do đi xa của Tuyết, đứa con mà hai người nâng niu thương mến, không rời mười mấy năm nay, từ ăn uống, sắm quần áo, đi học... có bữa còn len vào giữa bố mẹ ngủ vì xem phim ma sợ bóng tối hay nửa đêm thức giấc vì mưa sa sấm chớp...

Tới khoảng vườn hoa rộng, Tuyết dừng chờ Công, mắt nheo nheo nhìn bố, tóc thề phất phơ dưới gió, dăm sợi tóc mai dính vào thái dương lấm tấm mồ hôi, má hồng lên dưới ánh nắng. Công giật mình đứng lại sững sờ, trong một giây ngắn ngủi, khi nhận thấy nét đàn bà xinh đẹp nơi Tuyết mà từ bao lâu nay Công không để ý tới, trong trí óc luôn nhớ tới đứa bé gái nhỏ thuở nào cõng trên lưng leo từ phà lên tầu Mỹ trong lần rời xứ chạy giặc, chi tiết mà Tuyết vẫn nhắc lại hoài với Công.

Công tới gần buột miệng:

"Con gái bố hôm nay trông xinh quá!"

Tuyết chẩu môi ra:

"Thật hả bố? Con tưởng bố chê con chứ!"

"Bố luôn nghĩ con còn nhỏ, hôm nay mới rõ ra mặt cô sinh viên rồi, lại sắp là bác sĩ nữa!"

Rồi Công đứng nghiêm chào kiểu nhà binh:

"Xin chào đồng nghiệp tương lai!"

Tuyết phụng phịu:

"Nghỉ bố đi! Ngạo con hoài! Con chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng rồi!"

Công cười rồi cúi xuống ngắt một bông hoa cỏ màu tím.

Tuyết chạy lại ngăn bố nhưng không kịp:

"Đừng bố... "

"Gì vậy con?"

"Bố ngắt hoa làm chi, để trên cành đẹp hơn!"

Sẵn Tuyết đứng gần, Công cài bông hoa lên mái tóc cho con gái. Tuyết bẽn lẽn mặt đỏ ửng khi Công lùi mấy bước giơ hai tay lên giả làm máy hình để chụp, nhưng rồi giỡn được ngay, đứng xoay kiểu nọ, thế kia như người kiểu mẫu. Hai bố con vui cười ra tiếng hồn nhiên rồi đi tiếp tới chỗ hẹn.

Công lại ngồi trên ghế đá công viên, Tuyết loanh quanh ở bên. Sương và lũ con trai chưa thấy đâu.

Công hỏi Tuyết:

"Đúng giờ không con?"

"Bố yên trí, có bao giờ mẹ trễ đâu! Cùng lắm là kẹt xe một tí."

Trả lời Công xong, Tuyết ngập ngừng như muốn nói gì lại thôi, ngoảnh mặt nhìn ra hồ, tay đưa lên miệng cắn móng. Rồi Tuyết quay lại thấy bố hướng mắt về nơi đậu xe, chắc ngóng vợ và con. Tuyết do dự trước khi ngồi xuống cạnh Công, tay cầm một cành khô vẽ nguệch ngoạc trên mặt cát.

Công nhìn Tuyết trìu mến:

"Con gái đói chưa?"

Tuyết không trả lời chỉ lắc đầu rồi đưa chân mang giày "ba ta" ra xóa hình vẽ dưới đất. Công ghé qua vai Tuyết nhìn xem con gái vẽ gì trong khi Tuyết chăm chú dùng chân gạt thẳng mặt cát cho đều rồi lấy cành cây vẽ một con mắt và hình một trái tim. Tuyết sắp vẽ tiếp thì tiếng lao xao của bọn em trai đứa túi, đứa bịch đồ ăn thức uống khệ nệ đi tới. Tuyết hoảng hốt nhìn Công rồi nhìn những người đang đi tới và vội vã lấy chân xóa hết hình vẽ. Công biết vừa hụt mất tâm tình của Tuyết sắp giải bày trên mặt cát với trò chơi phổ thông tượng hình ở xứ này: vì con mắt là "eye" nhưng cũng đọc như "I" là tôi, và trái tim tượng trưng cho "love", tình yêu. Tuyết đã viết: Tôi yêu... nhưng chưa biết yêu ai, điều mà Công đang muốn tìm hiểu.

*

Một trưa chủ nhật, Công đang nằm mơ mơ màng màng thả hồn theo dòng nhạc, thì chuông điện thoại reo.

Bên kia đường giây, Công nhận ra giọng Sương:

"Mình hả?"

"ờ, anh đây."

"Đang làm gì vậy?"

"Ngơi."

"Mình có lại đây hát karaoke với tụi em cho vui không?"

Phong trào hát theo, có hình hoạt cảnh với lời ca viết thành chữ kèm theo nhạc đệm, lúc đầu là "sing along" sau tiến thêm về kỹ thuật nữa là karaoke, đương lan tràn mạnh mẽ trong giới người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ. Không đến mỗi gia cư, nhưng gần như dăm ba nhà lại có một đơn vị máy móc để tập ca hát theo, một thú vui tiêu khiển lành mạnh mới, giúp một số lớn người thuộc mọi thành phần, tuổi tác, khám phá ra cũng có một giọng hát kha khá tiềm tàng từ bấy lâu nay mà không hay, đôi lúc lại có một giọng thiên phú chẳng thua gì ca sĩ nhà nghề! Mốt ca hát đang rầm rộ đi lên, và các buổi họp mặt thêm phần văn nghệ do các ca sĩ tài tử tình nguyện giúp vui, có khi người ca nhiều hơn người nghe...

Công trả lời vợ:

"Thôi để khi khác! Với lại anh có ca phải hát liên khúc, em hỏi xem mọi người có chịu không?"

Sương cười thành tiếng:

"Để em nghe!"

"Được, nếu em đủ kiên nhẫn và lòng nhân đạo!"

"Với anh thì dư sức!"

Sương giữ im lặng một lúc rồi gọi:

"Mình này!"

"Gì vậy?"

"Bây giờ em mới nhớ ra: trước khi tới chị Diễm đây, em có rửa tay và tháo chiếc nhẫn ngọc ra rồi quên đeo lại, anh xem giùm còn ở trên bàn rửa mặt cất vào "két" cho em nghe!"

"Được."

"Thôi nghe mình! Mấy anh chị ấy đang réo lại hát đây nè!"

"Ô kệ"

Công nằm nghe tới khi băng nhạc hết mới uể oải đi vào buồng tắm. Công thấy ngay chiếc nhẫn trên bàn phấn và lẩm bẩm:

"Cẩn thận thế! Nhà có ai đâu mà sợ mất không biết!"

Công nhớ đã mua chiếc nhẫn ngọc này ở Chinatown tặng Sương khi sanh thằng Quốc. Công cầm chiếc nhẫn cất vào két lẩn trong tường, sau nơi treo quần áo. Vừa đóng sập cửa lại tính đi ra, Công ngừng vì như vừa trông thấy bao thư và ngạc nhiên sao Sương lại cất thư trong két.

Công mở két, lục thư mang ra chỗ sáng coi. Vừa thấy nét chữ như quen thuộc, chân tay Công run bắn, bủn rủn, người bỗng lạnh toát mồ hôi lấm tấm ở trán. Công phải ngồi phệt xuống thảm, mắt chớp đi chớp lại xem có bị hoa, đọc nhầm không.

Người nhận là Công, địa chỉ phòng mạch. Người gởi là Lan, người vợ đã thất lạc từ hồi mất nước năm 75, từ Palawan bên Phi Luật Tân. Đầu Công chợt nóng bừng lên như sốt, không ngờ Lan còn sống sót tới ngày nay và tìm liên lạc với Công. Và còn Hùng, đứa con trai đầu lòng ra sao? Công đã ra sức tìm kiếm liên lạc, sau bao nhiêu năm không kết quả rồi đành bỏ lơ... Còn cha mẹ, các em? Bao nhiêu câu hỏi dồn dập tới một lúc, các kỷ niệm xưa lóe lên làm Công choáng váng, ngất ngư, nghe thấy cả mạch máu đập từng hồi ở thái dương.

Công gần như nghẹt thở, tay run rẩy lấy thư ra đọc.

Lan kể cả gia đình chạy theo gia đình chú Thiết ra "cấp", tìm đường ra khơi để được hạm đội 7 của Hoa Kỳ cứu vớt, lúc Việt Nam sắp mất vào tay cộng sản, nhưng bị lừa hai ba lần, tiền mất suýt nữa còn toi mạng. Rồi sau cả gia đình ly tán. Nhà cũ ở Sài Gòn bị tịch thụ Bố bị ra ngoài Bắc học tập cải tạo thành phần cựu đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đâu như ở vùng Sơn La và bỏ xác nơi rừng sâu nước độc. Mẹ chết theo ít lâu sau ở vùng kinh tế mới, sau mấy tháng bị bệnh sốt rét, không thuốc chữa. Lan cùng con trai bỏ trốn về Sài Gòn, quen miệng gọi hơn thành phố Hồ Chí Minh, sống lay lất và trong hoàn cảnh thân cô thế cô phải làm bé cho một cán bộ cao cấp, và khi dành dụm được một ít vàng vượt biển với con đi tìm chồng. Hùng bị đập chết ném xuống biển khi xông vào can thiệp lúc mẹ bị hải tặc Thái xúc phạm ngay lúc mới tới ngoài khơi. Sau cùng Lan trôi giạt tới đảo Palawan và bắt được địa chỉ của Công qua một tuần báo Việt ngữ từ Mỹ lạc tới đảo đăng quảng cáo phòng mạch bác sĩ.

Công thấy ù tai đi rồi ôm mặt khóc ngất.

*

Bóng tối lan dần vào căn phòng ngủ rộng ở trên lầu. Công ngồi bất động như trồng trên chiếc ghế bành, mắt mung lung nhìn ra cửa sổ, mặt mày phờ phạc, rã rượi, nhợt nhạt, hai bên má còn vết nước mắt chảy. Bất hạnh tới với gia đình, từ cha mẹ tới vợ con, tàn bạo, phũ phàng quá! Mười lăm mười sáu năm trời được gói trong lá thư nhạt nhòa nước mắt của cả Lan lẫn Công. Và Công không thể tưởng tượng nổi đại họa giáng lên gia đình một cách tàn khốc, tận diệt như vậy...

Công cảm thấy thương xót nặng nề cho những người thân bất hạnh và không tránh khỏi tự trách hưởng đời sống vật chất phủ phê an lành trong khi bố chết vì đói, lạnh, mẹ chết vì bệnh không thuốc men chữa trị, và vợ phải nuốt nhục bán thân nuôi đứa con trai độc nhất hầu giữ kẻ nối dòng cho chồng mà không ngờ rồi nó cũng chết thảm thây ném xuống biển cho cua moi, cá rỉa... Tim Công thắt lại, người tê đi, nước mắt lại trào ra.

Công không hiểu tại sao lại xui tận mạnh như vậy: cùng công tìm kiếm hỏi han mà không có kết quả nào, trong khi thiên hạ bắt được tin nhà dễ dàng, gởi tiền về giúp đỡ, gởi giấy về xin đoàn tụ hết diện ODP, PIP tới HO, để rồi gặp nhau vui vẻ ở trên xứ tự do này...

Công có cảm giác như vết thương lòng rỉ máu, trí óc tê dại chỉ biết chìm đắm trong đau khổ tột cùng, lẫn lộn những kỷ niệm sống với người thân nay đã qua đời, những cảnh mường tượng đói khát điêu linh mà toàn gia phải cam chịu hay cái chết tức tưởi oan khiên của cha, của mẹ, của con...

Công không còn sức để mà gào lên oán trời, trách đất về hoàn cảnh hẩm hiu của gia đình mà chỉ ngồi đắng cay chết lặng. Đôi lúc hình ảnh của Sương và lũ con lởn vởn trong trí nhưng lại nhòa đi ngay trước bão tố sấm sét của tận cùng đau thương.

Rồi Công nghĩ tới Lan, người vợ đầu gối tay ấp được hơn hai năm, để rồi gian nan cực khổ trong mười mấy năm, trước sau vẫn một lòng chung thủy thờ chồng. Trong khi Công mới xa gia đình được mấy tuần, dù cho tuyệt vọng cô đơn chán nản đến đâu cũng không thể so sánh với hoàn cảnh tang thương của người thân, đã vội đèo bồng tìm thoải mái cho bản thân, tiện nghi vật chất cho thể xác. Bao nhiêu năm sống hạnh phúc đầm ấm bên Sương, bên các con, trong lúc này, mang ra cân thấy nhẹ tênh, đầy hối lỗi...

*

Trưa thứ bảy, người người ra vào tấp nập nhà Công, tới chia buồn và dự lễ phát tang, cầu siêu cho cha mẹ và con trai. Sương đã tổ chức buổi cúng long trọng này và mời một thượng tọa về chủ lễ.

Sương bận rộn suốt mấy ngày trước sửa soạn nhà cửa, bày bàn thờ Phật, thông báo bạn bè, chợ búa mua hoa, trái cây và các món để về nấu chaỵ Mấy bà bạn thân tới giúp tíu tít, nào thổi xôi vò, làm bánh dầy, nôm rá dưa leo, súp măng, chả giò, miến xào, các món rau, bát nấu, bát kho... thật đầy đủ và thịnh soạn cho bữa thọ chay sau lễ.

Ngoài ra, Sương còn phải xé khăn tang cho cả nhà và còn nhờ người viết tên thân nhân quá cố trên bài vị để dưới bàn thờ Phật.

Một giờ trước ngọ buổi lễ bắt đầu. Vị thượng tọa trong áo lễ màu vàng dâng hương, tiếng mõ, tiếng chuông rộn ràng uy nghị Tang gia ngồi hàng đầu và bạn bè ngồi kế, ngay trên thảm để tiện việc lễ bái. Cả bên Công lẫn bên Sương cùng không có ai họ hàng. Hương trầm nghi ngút.

Công và Sương cùng xa lạ với thể thức lễ nghi nên có mấy người lớn tuổi ngồi phía sau nhắc chừng lúc nào phải vái là hai vợ chồng và con cái làm theo. Tiếng đọc kinh đều đều vang lên đệm theo tiếng mõ và lâu lâu tiếng chuông dứt câu.

Công mặt mày rầu rĩ, hồn như xuất thân phiêu du nơi nào, ai chỉ sao làm vậy. Tâm thần còn bối rối buồn bã nên phòng mạch phải đóng cửa mấy bữa. Từ khi đọc xong lá thư của Lan gởi từ Palawan bên Phi Luật Tân, Công như người mất hồn, chìm vào im lặng, không thiết ăn uống ngủ nghê nữa, tâm can tan nát trước đại hạn tang thương của gia đình.

Sương kính trọng sự im lặng đau đớn của Công và rất ý tứ nhẹ nhàng chăm sóc chồng, hy vọng Công sẽ trở lại thực tế càng sớm càng tốt. Sương đã tự ý tổ chức buổi lễ phát tang để nguôi ngoai phần nào linh hồn người chết thảm và mối sầu thiên thu người còn ở lại.

Sương đã nát óc suy nghĩ khi nhận được thư của Lan ở phòng mạch trong đống thư, báo, quảng cáo nhận hàng ngày. Cùng là đàn bà với nhau, Sương thừa hiểu hoàn cảnh đáng thương của Lan, qua bao nhiêu gian nan, nhục nhã để mang con đi tìm chồng, không hãi hiểm nguy, phiêu lưu, chết chóc. Mục đích của Lan đã tan rã phũ phàng: hy vọng cho con một đời sống bình thản, an lành, tự do thì con đã bỏ thây nơi biển cả, chết tủi, chết tức, chết oan ngay dưới mắt người mẹ mà thân xác đang bị hải tặc Thái thú vật dày vò; hy vọng tìm lại chồng thì nay chồng đã có vợ khác, có con... Phản ứng thông cảm đầu tiên của Sương khi đọc xong lá thư là nên giúp người đàn bà đáng thương đó, và Sương tức tốc đi gởi ngay tiền qua trại cho Lan thong thả chi dùng, trong khi Công chưa biết gì.

Sương đã tính toán, suy đi nghĩ lại rất nhiều trước về hoàn cảnh của Lan của Công và của chính mình cùng con cái. Lúc đầu Sương muốn giấu nhẹm đi, chỉ một mình Sương biết, một mình Sương hay, không gây rối rắm phiền phức , mặc dù sau này, vào một dịp nào đó, Công được tin Lan hay gặp Lan đi chăng nữa, Sương chỉ bảo không bao giờ nhận được thư hay thư bị thất lạc ở bên đảo thì ai biết đó vào đâu mà trách được. Nhưng Sương vẫn không hủy, không xé lá thư đi.

Sương đủ tài, đủ trí để bảo vệ hạnh phúc gia đình, trong khi cả Công và Sương thương quí nhau hết mình. Theo Sương nghĩ, Công không còn lựa chọn nào khác ngoài mẹ con Sương. Tuy chưa bao giờ nói ra, nhưng trong thâm tâm Sương thừa biết đã đóng góp quá nhiều khi tạo dựng gia đình với Công để cho có ngày nay sung túc, thoải mái, dư dả. Công là người thông minh đa cảm đã quá rõ chuyện đó và đã hơn một lần, trong lúc vợ chồng gần gũi, tỏ ý ghi ơn, trọng nghĩa với Sương, nhưng lần nào Sương cũng khiêm tốn né tránh và thỏ thẻ hoàn toàn thuộc cả hồn lẫn xác vào Công, vào lòng tốt của Công hay nhờ, xấu chịu, một khi đã trao thân gởi phận cho người mình thương yêu. Công càng nể vợ hơn vì Sương chưa bao giờ kể ơn trong việc thành công của chồng, ngược lại bao giờ cũng tỏ ý tùy thuộc vào Công.

Sương tự tin và chắc chắn cán cân phải nghiêng về bên Sương vì quá nhiều lý do, tình cảm cũng như thực tế: Công đã chung sống với Sương thời gian lâu dài hơn Lan quá nhiều, lại thêm hai đứa con trai Quốc và Gia nữa, và cuộc sống hiện tại đã có căn bản, an bài. Hơn nữa Sương cũng có tự ái của mình và muốn là người đàn bà duy nhất trong đời sống còn lại của Công, không muốn mỗi lần có chuyện gì liên quan tới một người đàn bà nào, Công lại mang Sương ra so sánh, cân nhắc, thử thách. Vì một lý do nào đó không thể tránh được, nếu xa Công, Sương đủ can đảm sức mạnh để sống còn chứ chẳng phải buông Công ra là đời mình và đời con cái sẽ vào đường hư hỏng, mạt rệp, vì kinh nghiệm, Sương cũng đã kín đáo sửa soạn cho bản thân một tương lai an lành rồi, lòng người bất trắc đổi thay không biết đâu mà lường, kể cả Công, mặc dù Công chưa bao giờ tỏ ý, tuy bất mãn và bực bội tới đâu, ruồng rẫy Sương và các con...

Với những suy tư chín chắn, Sương muốn nắm thế thượng và không muốn giấu diếm Công lá thư của Lan. Giải pháp đối với Sương là giúp Lan về vật chất và dứt khoát tình cảm, để Lan tự định lấy cuộc đời mình. Công đã có trách nhiệm, bổn phận mới rồi. Công không có quyền để cả Sương lẫn Lan cùng khổ, và hãy quên quá khứ đi, tuy khó khăn, có phần phũ phàng, nhưng hợp cảnh hợp lý. Sương muốn để Công tự tìm đường lấy, tuy không bảo đảm lắm và có phần nguy hiểm, thử thách. Sương không chấp nhận Công bảo lãnh Lan qua Mỹ để dây dưa tình cảm sau này. Lan đã tới nơi an toàn và đã có một số tiền do Sương gởi đủ sống trong một thời gian khi được định cư ở một nơi nào đó, hơn nữa còn vấn đề pháp lý, Công tuy đã xin hủy hôn thú với Lan, nhưng Lan vẫn là vợ chính. Công không phải là bé nhỏ ngây thơ gì mà không biết, một khi đã sống với Sương, là phải đoạn tuyệt với Lan. Và đây cũng là một dịp để thử lòng Công đối xử với mẹ con Sương ra sao...

Trong lá thư viết cho Lan, Sương kể cặn kẽ hoàn cảnh của Công, trách nhiệm, bổn phận của Công đối với gia đình hiện tại, đồi với Lan, và phân tích thế đứng của Sương, của Lan, và để tùy Lan quyết định, dù sao cũng là người đi trước và chung thủy, nếu muốn hợp lại hoặc hy sinh tiếp để Công yên thì tùy ý, và dù trường hợp lựa chọn nào đi nữa, Sương sẵn sàng giúp đỡ vật chất ngay từ bây giờ hay trong tương lai, coi như chị em bạn thông cảm chứ không phải tội nghiệp, thương hại hay gia ân. Sương đòi hỏi cả nơi Công và Lan phải dứt khoát, người đời sau nay sẽ không trách móc Sương là ích kỹ, tàn nhẫn.

Với ý đã quyết, Sương đành chơi lá bài đời chót theo lý trí, quyền lợi và tình cảm nữa. Sương mới đặt chuyện tránh mặt để Công thấy thư của Lan ở trong két sắt, đọc biết tin và suy gẫm. Công thừa hiểu hành động tế nhị đó và cảm phục cách đối xử thích ứng ấy, trong lòng vẫn luôn ngưỡng mộ về tài giải quyết thực tế hữu hiệu của Sương về mọi vấn đề. Sương dự đoán Công phải can đảm lắm mới buông rơi Lan trong hoàn cảnh đáng thương, nhưng không còn cách nào hơn.

Sương đã để ít ngày cho Công suy tính, rồi tổ chức ngay lễ cầu siêu cho cha mẹ và con chồng. Tuy Công không nói ra, nhưng Sương thừa biết Công thấy vợ chu đáo trong mọi chuyện, tính mà bấy lâu nay Công ỷ vào rất nhiều trong an tâm, vừa ý. Sương đã nhẹ nhàng nói chuyện với Công về hoàn cảnh trớ trêu, đau khổ của cả ba người, Công, Lan và Sương và đưa quyết định của mình ra để tùy Công lựa chọn. Công đã nín thinh không trả lời ngay, tuy thâm tâm phải nhận lý của Sương, nhưng cũng biết sự im lặng của mình phần nào làm tổn thương lòng tự ái của Sương, cũng coi như một an ủi cho Lan. Sương nắm được yếu tố tình cảm đó, trung hậu, bình thường và sẵn sàng bỏ qua, không chấp Công đang ở trong tình trạng sầu bi lay lất vì biết Công đã hoàn toàn trao thân mạng cho mình rồi.

*

Tiếng chuông âm vang, tiếng mõ giữ nhịp, mùi hương, trầm ngào ngạt, tiếng tụng kinh trầm bổng như ru Công vào một thế giới đặc biệt lắng tâm tư, dịu thương đau, thấy đường tĩnh tâm, an lạc, siêu thoát...

Bỗng dưng nước mắt trong lành trào ra khóe mắt Công và chảy dài hai bên má. Công quay nhìn Sương giản dị, nhưng nổi bật não nuột trong bộ đồ tang đen, đang chăm chú theo dõi mình. Bắt được ánh mắt dào dạt yêu thương của Công, Sương âu yếm lấy khăn tay chậm nước mắt cho chồng.

Hết