Phần I - Chương 01 phần 1

Tặng cha mẹ tôi

Phần 1: Thành phố

1. Ra đi

Khi gặp một cô gái đến từ một nhà máy khác, bạn sẽ đánh giá nhanh cô ấy một lượt. Năm mấy thế? Các bạn hỏi nhau, như thể không phải nói về con người, mà là đang nói về việc sản xuất ô tô vậy. Bao nhiêu một tháng? Có bao ăn ở không? Thêm giờ thì bao nhiêu? Rồi sau đó bạn sẽ hỏi cô ấy quê ở tỉnh nào. Bạn không bao giờ hỏi tên cô ấy cả.

Có một người bạn thực sự trong nhà máy không phải chuyện dễ dàng. Mười hai cô gái ngủ chung một căn phòng, và trong khoảng không gian chật hẹp của nhà tập thể ấy, tốt hơn hết là giữ bí mật cho riêng mình. Một số cô gái vào làm trong nhà máy bằng chứng minh thư đi mượn và không bao giờ nói tên thật của mình cho bất cứ ai. Một số cô chỉ nói chuyện với những người cùng quê, nhưng làm vậy cũng vẫn mạo hiểm: Tin đồn lan từ nhà máy về đến làng rất nhanh, và khi bạn trở về, tất cả các bà các cô trong làng đều biết bạn kiếm được bao nhiêu một tháng, bạn tiết kiệm được bao nhiêu hay bạn có đi chơi với anh chàng nào hay không.

Khi có một người bạn, bạn có thể làm mọi thứ cho cô ấy. Nếu một người bạn bỏ việc, và không có nơi nào để đi, bạn sẽ chia sẻ với cô ấy cái giường chật hẹp của mình bất chấp rủi ro phải chịu mười đồng Nhân dân tệ (khoảng 1,25 đô la) tiền phạt nếu bị bắt gặp. Nếu cô bạn của bạn làm việc ở xa, bạn sẽ dậy sớm trong một ngày nghỉ hiếm hoi và ngồi hàng giờ trên xe buýt, đồng thời, cô ấy cũng sẽ nghỉ làm – lần này, là một trăm đồng tiền phạt – để dành cả ngày với bạn. Bạn có thể làm việc ở một nhà máy bạn không thích, hoặc nghỉ việc ở một nhà máy bạn thích, vì một người bạn yêu cầu như thế. Bạn bè viết thư cho nhau hàng tuần, mặc dù các cô gái đã đi làm lâu hơn coi đó là trò trẻ con. Thay vào đó, họ gửi tin nhắn qua điện thoại di động.

Bạn bè cãi nhau rồi bỏ nhau cũng là chuyện thường, bởi cuộc sống thay đổi quá nhanh chóng. Điều dễ xảy ra nhất trên đời này, chính là đánh mất mối liên hệ với một ai đó.

Ngày tuyệt vời nhất trong tháng là ngày phát lương. Nhưng theo một góc độ nào đó, nó cũng là ngày tệ hại nhất. Sau khi bạn đã làm việc chăm chỉ suốt một thời gian dài, chứng kiến số tiền bị cắt đi chỉ vì những chuyện hết sức vớ vẩn là một điều đáng phẫn nộ: đến muộn vài phút vào một buổi sáng, hoặc nghỉ nửa ngày vì mệt, hoặc phải trả thêm tiền để đổi đồng phục mùa đông sang mùa hè. Trong ngày phát lương, mọi người đều xúm đông xúm đỏ ở bưu điện để gửi tiền về cho gia đình. Các cô gái mới đến đều rất phấn khích gửi tiền về, còn các cô đã ở lâu hơn thì cười chế giễu họ. Một vài cô lập sổ tiết kiệm cho riêng mình, đặc biệt là khi các cô đó đã có bạn trai. Mọi người đều biết cô nào tiết kiệm được nhiều nhất và đã tiết kiệm được mấy nghìn Nhân dân tệ. Tất cả cũng biết ai là người tiết kiệm được ít nhất, với nào là son môi, những chiếc điện thoại di động lấp lánh ánh bạc, mặt dây chuyền hình trái tim, và cả nhiều đôi giày cao gót nữa.

Cả ngày các cô gái đều nói chuyện bỏ việc. Công nhân bắt buộc phải làm việc ở đây ít nhất sáu tháng, thậm chí là sau đó, đơn xin thôi việc cũng chưa chắc đã được chấp nhận. Nhà máy giữ lại hai tháng lương đầu của tất cả các công nhân; ra đi mà không được chấp nhận đồng nghĩa với việc mất số tiền đó và bắt đầu lại từ đầu ở một chỗ khác. Có một sự thật về đời công nhân nhà máy mà bạn không thể nào biết được từ bên ngoài: Vào làm trong một nhà máy thì dễ. Ra khỏi đó mới khó.

Con đường duy nhất để tìm một công việc tốt hơn chính là bỏ công việc hiện tại. Việc phỏng vấn đòi hỏi phải xin nghỉ làm, và người chủ mới mong đợi bạn bắt đầu công việc ngay lập tức. Từ bỏ một công việc cũng là sự đảm bảo tốt nhất để có một công việc mới. Áp lực của chuyện tìm một chỗ để ăn và ngủ sẽ thúc đẩy bạn tìm việc mới nhanh hơn. Các cô gái thường bỏ việc trong nhà máy theo từng nhóm, tìm kiếm sự động viên từ số đông và hứa sẽ vào làm chung trong nhà máy mới, mặc dù điều ấy hóa ra thường là không thể thực hiện được. Điều dễ xảy ra nhất trên đời này, chính là đánh mất mối liên hệ với một ai đó.

***

Lỗ Thanh Mẫn sống một mình trong một thời gian dài. Chị gái cô làm việc trong một nhà máy ở Thâm Quyến, thành phố công nghiệp đang phát triển nhanh chóng cách đó một giờ đi xe buýt. Bạn bè đồng hương của cô rải rác ở các nhà máy khắp một dải dọc bờ biển Trung Quốc, nhưng Mẫn, như bạn bè cô vẫn gọi, không liên lạc với bất cứ ai. Đây là vấn đề liên quan đến lòng tự trọng: bởi vì cô không thích nơi mình đang làm việc, cô không nói với ai mình đang ở đâu. Đơn giản là cô biến mất khỏi tầm nhìn của mọi người.

Nhà máy nơi cô làm việc có tên Carrin Electronics. Một nhà máy của Hồng Kông, chuyên sản xuất đồng hồ báo thức, máy tính điện tử, và lịch điện tử, loại hiển thị ngày giờ ở các thành phố trên khắp thế giới. Nhà máy trông cũng khá đàng hoàng khi cô đến phỏng vấn vào tháng Ba năm 2003: các khu nhà lợp mái tôn, một cái sân xi măng, một cổng xếp kéo bằng kim loại đóng kín. Cô không được phép vào trong cho tới khi cô được nhận vào làm việc. Các công nhân ngủ chung mười hai người một phòng, trên những chiếc giường chật hẹp cạnh nhà vệ sinh; những căn phòng đều dơ dáy bẩn thỉu và bốc mùi. Đồ ăn trong căng tin cũng tệ: mỗi bữa gồm có cơm, một món thịt hoặc rau, và canh, mà canh thì lõng bõng toàn nước là nước.

Một ngày ở dây chuyền lắp ráp kéo dài từ tám giờ sáng đến nửa đêm – mười ba tiếng làm việc và hai lần nghỉ ăn cơm – và các công nhân làm việc hàng ngày trong liên tục nhiều tuần liền. Thỉnh thoảng họ không phải làm thêm giờ vào chiều ngày thứ Bảy, đó là thời gian nghỉ ngơi duy nhất. Các công nhân kiếm được chừng bốn trăm Nhân dân tệ một tháng – tương đương năm mươi đô la – và gần gấp đôi chỗ ấy khi làm thêm, nhưng thường xuyên bị trễ tiền lương. Nhà máy sử dụng cả ngàn lao động, hầu hết trong số đó là phụ nữ, cả những cô gái trẻ mới bước chân ra khỏi nhà đến những người đàn bà hơn ba mươi đã có gia đình. Bạn có thể đánh giá chất lượng của chỗ làm việc thông qua số lượng những người thiếu vắng: các cô gái trẻ tuổi đôi mươi, lực lượng tinh nhuệ của các nhà máy công xưởng. Khi Mẫn tưởng tượng ra cảnh mình sẽ ngồi bên dây chuyền lắp ráp hàng ngày trong mười năm tới, cô đã vô cùng kinh hãi. Cô mới có mười sáu tuổi.

Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên bước vào nhà máy, Mẫn đã muốn từ bỏ công việc này, nhưng cô đã cam kết sẽ làm việc ít nhất sáu tháng. Đó cũng là một dịp tốt để cô rèn luyện, và trước mắt các lựa chọn của cô cũng khá là hạn chế. Tuổi đi làm theo luật định là mười tám, song những người mười sáu hoặc mười bảy cũng có thể nhận công việc đó với thời gian làm việc ngắn hơn. Thông thường chỉ có một loại chủ lao động thoải mái phá rào Luật Lao động – “những nhà máy bẩn thỉu nhơ nhuốc nhất,” Mẫn gọi như thế –mới thuê những người ít tuổi như cô.

Trong tuần làm việc đầu tiên, Mẫn bước sang tuổi mười bảy. Cô nghỉ một nửa ngày và một mình lang thang trên phố, mua vài món bánh kẹo và ăn một mình. Cô không hề có khái niệm con người ta làm gì để giải trí. Trước khi lên thành phô, cô chỉ có một ý niệm rất mơ hồ về cái gọi là nhà máy, hết sức mờ nhạt, cô tưởng tượng nó là cả một cộng đồng sống động quần tụ với nhau. “Tôi nghĩ rằng làm việc trong dây chuyền lắp ráp sẽ rất vui,” cô nói sau này. “Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người cùng làm việc với nhau, bận bịu, chuyện trò và nô đùa vui vẻ. Tôi nghĩ công việc sẽ rất thoải mái. Nhưng hoàn toàn không phải vậy.”

Nói chuyện trong giờ làm bị cấm và sẽ bị phạt năm Nhân dân tệ. Thời gian nghỉ đi vệ sinh chỉ có mười phút và phải đăng ký vào danh sách. Mẫn làm ở bộ phận kiểm định chất lượng, kiểm tra các thiết bị điện tử khi chúng chạy qua trên dây chuyền lắp ráp để chắc chắn rằng các nút ấn hoạt động, những mảnh nhựa đã ghép vào nhau, và pin đã được lắp đúng chiều. Cô không phải một công nhân kiểu mẫu. Cô cứ nhí nhách liên tục và hát với những người phụ nữ khác cùng dây chuyền. Ngồi yên một chỗ làm cô cảm thấy tù túng như chim trong lồng, vì vậy cô thường xuyên ra nhà vệ sinh chỉ để nhìn thấy ngọn núi xanh gợi nhớ về quê nhà qua khung cửa sổ hẹp. Đông Quản(1) là một thành phố công nghiệp nằm ở vùng á nhiệt đới phì nhiêu màu mỡ, và có vẻ như Mẫn là người duy nhất để ý đến điều đó. Vì cô mà nhà máy đã đặt ra luật lệ giới hạn công nhân chỉ được đi vệ sinh một lần trong bốn tiếng; mức phạt nếu vi phạm là năm Nhân dân tệ.

(1) Đông Quản (còn gọi là Đông Hoản): thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, nằm bên bờ sông Châu Giang, giữa Quảng Châu, Thâm Quyến, là một trong Quảng Đông tứ tiểu hổ thời kỳ đổi mới (Nam Hải, Thuận Đức, Đông Quản, Trung Sơn), cũng là một trong những khu gia công chế xuất lớn nhất thế giới.

 

Sau sáu tháng, Mẫn đến gặp sếp của mình, một người đàn ông tầm từ hai mươi tuổi đến ba mươi tuổi và nói cô muốn nghỉ việc. Anh ta đã từ chối.

“Năng suất của cô ở dây chuyền lắp ráp rất không tốt,” ông chủ của Mẫn nói. “Cô có mù không vậy?”

“Kể cả nếu tôi bị mù,” Mẫn phản kích lại, “tôi cũng không làm việc dưới quyền một kẻ bạc bẽo như anh đâu.”

Cô bỏ ra khỏi dây chuyền trong ngày hôm sau để phản kháng, hành vi này khiến cô bị phạt một trăm Nhân dân tệ. Ngày tiếp theo đó, cô đến gặp ông chủ và một lần nữa yêu cầu cho nghỉ việc. Câu trả lời của anh ta khiến cô ngạc nhiên: ở lại cho đến qua tết Âm lịch, tức là thêm sáu tháng nữa, và cô sẽ được nghỉ việc và nhận lại hai tháng tiền lương mà nhà máy giữ của cô. Ông chủ của Mẫn đánh cược rằng cô sẽ ở lại. Sau năm mới, các công nhân tràn về những thành phố công nghiệp giống như Đông Quản, và cuộc cạnh tranh để giành một công việc sẽ hết sức kịch liệt.

Sau cuộc cãi vã, ông chủ trở nên tử tế hơn với cô. Đã mấy lần anh ta thuyết phục cô nghĩ đến chuyện ở lại; thậm chí còn nói đến chuyện đề bạt cô lên làm thư ký công xưởng, mặc dù sự đề bạt ấy cũng không làm cô tăng thêm đồng lương nào. Mẫn từ chối. “ Nhà máy của anh không đáng để tôi phí hoài cả tuổi thanh xuân ở đây,” cô nói với cấp trên của mình. Cô đã đăng ký một lớp học vi tính ở trường thương mại gần đó. Khi không phải làm ca thêm giờ, cô bỏ bữa tối và tốn mấy tiếng đồng hồ để học cách đánh máy và điền các bảng biểu trên máy tính. Hầu hết các cô gái làm trong nhà máy đều tin rằng họ thiếu giáo dục đến mức đăng ký một lớp học cũng chẳng ích lợi gì, nhưng Mẫn thì khác. “Có học có hơn,” cô lý luận.

Cô gọi điện về nhà và nói cô đang nghĩ đến chuyện bỏ việc. Cha mẹ cô, có một khoảnh ruộng nhỏ để canh tác và ba đứa con nhỏ hơn còn đang đi học, khuyên cô không nên làm vậy. “Con lúc nào cũng muốn nhảy hết chỗ này rồi lại đến chỗ khác,” cha cô nói. Con gái không nên lông bông như vậy. Ở nguyên một chỗ và tiết kiệm ít tiền đi, ông bảo cô.

Mẫn ngờ rằng đây không phải lời khuyên tốt nhất. “Đừng lo cho con,” cô bảo cha mình. “Con có thể tự lo được.”

Cô có hai người bạn tốt ở nhà máy, Lương Dung và Hoàng Kiều Nga, cả hai đều lớn hơn Mẫn một tuổi. Họ giúp Mẫn giặt quần áo vào những buổi tối cô phải tới lớp. Giặt đồ là một việc cố định trong ngày bởi các công nhân chỉ có vài bộ quần áo để thay. Trong đêm tối ẩm ướt sau một ngày làm việc, hàng dài các cô gái xách xô nước ra nhà tắm khu tập thể rồi lại trở về.

Khi có bạn bè, cuộc sống trong nhà máy có thể thêm phần vui vẻ. Trong những buổi tối được nghỉ hiếm hoi, ba cô gái sẽ bỏ bữa tối và đi trượt patin, rồi trở về xem một bộ phim chiếu muộn ở nhà máy. Khi thu chuyển sang đông, cái lạnh trong khu nhà tập thể không được sưởi ấm khiến các cô gái thao thức suốt đêm. Mẫn kéo hai người bạn ra sân chơi cầu lông cho tới khi cơ thể họ đủ ấm để thiếp đi được.

Tết Âm lịch năm 2004 rơi vào cuối tháng Một. Các công nhân chỉ có bốn ngày nghỉ, không đủ thời gian để về quê rồi lại trở ra. Mẫn ở lại căn hộ tập thể và gọi điện về nhà bốn lần trong hai ngày. Sau kỳ nghỉ, cô lại đến gặp cấp trên, lần này thì anh ta để cô ra đi. Lương Dung và Hoàng Kiều Nga khóc òa lên khi Mẫn báo tin cho hai người. Trong thành phố đầy những con người xa lạ này, họ là những người duy nhất  biết về sự ra đi của cô. Họ khẩn nài cô ở lại; họ tin rằng điều kiện ở các nhà máy khác cũng chẳng khá khẩm gì hơn, và ở lại hay ra đi thì rốt cuộc cũng thế mà thôi. Mẫn không nghĩ thế.

Cô hứa sẽ trở lại thăm sau khi được trả lương ở chỗ làm mới. Mẫn đi luôn ngày hôm đó chỉ với vài bộ quần áo trong ba lô và hai tháng lương nhà máy đã giữ lại của cô. Cô không mang theo khăn bông và chăn, những thứ ấy cũng tốn tiền, nhưng cô không thể chịu đựng việc nhìn chúng thêm một chút nào nữa.

Trong mười tháng làm việc ở dây chuyền lắp ráp, Mẫn đã gửi về nhà ba ngàn Nhân dân tệ – khoảng 360 đô la – và có hai người bạn thật sự.

Đáng lẽ lúc đó cô nên thấy sợ hãi. Nhưng tất cả những gì cô biết chỉ là cô đã tự do.

***

Ở ngôi làng nơi Lỗ Thanh Mẫn sinh ra, hầu hết mọi người đều mang chung một họ với cô. Chín mươi hộ gia đình sống quây quần ở đó, trồng lúa, cải dầu và bông trên những khoảnh ruộng nhỏ. Gia đình Mẫn canh tác trên nửa mẫu ruộng và hầu như ăn hết những gì họ trồng được.

Có vẻ như tương lai của Mẫn đã được định sẵn khi cô còn là một đứa trẻ, và nó xoay quanh một tập tục ở nông thôn: mỗi gia đình buộc phải có một đứa con trai. Mẹ Mẫn đã có bốn con gái trước khi sinh được đứa bé trai; trong những năm đầu tiên thực hiện chính sách mỗi gia đình chỉ có một con của chính phủ, luật lệ được thi hành rất lỏng lẻo ở nhiều miền quê. Nhưng năm đứa trẻ thì mang đến một gánh nặng tài chính khá lớn khi nền kinh tế mở cửa vào năm 1980 và chi phí cho cuộc sống leo thang. Là con thứ hai trong gia đình, Mẫn phải gánh vác khá nhiều trong số những gánh nặng ấy.