Khôi đang lúc cần, và nhà cho thuê rất hiếm, nên chàng phải bằng lòng cái gác đó. Nhà dưới là một cửa hàng tạp hóa, hơi chật, lủng củng những đồ đạc. Một lối đi hẹp, lách vào bên trong là chỗ cầu thang lên gác. Gian gác vuông vắn, kê được độ bốn cái giường. Phía trông ra phố có một cái cửa sổ, lúc nào cũng đóng để tránh bụi, thành bên trong tối tăm và ẩm. Lúc mặt trời gần đứng bóng, mới thấy mấy ô ánh nắng ở chỗ nóc để hở, lắp kính chiếu xuống.Mở cửa sổ đằng trước, cũng không có cảnh gì đẹp. Mái hiên nhà dưới thè ra che một nửa phố. Mấy chiếc cửa sổ của gác nhà phía trước, một cột xi măng chằng chịt những dây điện, một cành cây vươn ngang qua, mà ít khi có chim đến đậu, hoặc gió đến lung lay.Mấy tháng nay Khôi lang thang ở Hà Nội, không có chỗ ở nhất định. Ngày ngày lượn quanh phố, lúc đói vào ăn ở bất cứ hiệu cao lâu, hiệu phở nào. Tối ngủ ở tiệm hút, nhà ả đào hay nhà anh em bạn. Một chiếc va ly gửi người quen, thỉnh thỏang Khôi về tắm rửa, thay quần áo, rồi lại đi.Các bạn Khôi xem ý thích lối sống ấy. Họ cho thế mới hợp với tâm hồn nghệ sĩ, không bị ràng buộc. Nhưng ít lâu nay, mỗi lần họ ca tụng cách sống của chàng, Khôi lại có nụ cười hoài nghi và chán nản. Khôi thấy ngày giờ trôi phí nhiều, và tiêu tốn. Chàng nhẩm tính mấy tháng sau mới lấy được bản quyền một quyển sách mới. Ăn uống thất thường làm người yếu dần. Chàng nghĩ đến thuê nhà, để có chỗ làm việc nhất định.** *Khôi đang lúc cần, và nhà cho thuê rất hiếm, nên chàng phải bằng lòng cái gác đó. Chủ nhà, một người đàn bà góa, thấy chàng ở một mình, không cần thổi nấu ở bếp dưới - một điều rất khó chịu đã sinh nhiều chuyện bất bình với mấy người thuê trước - cũng vui lòng, cho là một dịp may.- Thưa ông, nhà ít người và hàng họ ế ẩm, nên phải cho thuê bớt để đỡ tiền. Ông có một mình, ở đây tiện lắm. Nếu ông muốn xơi cơm với chúng tôi thì cũng xin vui lòng thổi nấu giùm ông. Chúng tôi rất cẩn thận. Vả lại người lịch sự, biết điều ở với nhau thì bao giờ cũng dễ dàng.Khôi nghe hai tiếng "lịch sự", mỉm cười:- Nhưng tôi hay đi chơi khuya, sợ mỗi khi về gọi cửa, phiền... - Thưa ông không can gì. Ở Hà Nội, thức khuya là thường. Thỉnh thỏang ông có đi xem xi nê, hay đi chơi tối, thì đã có vú già nằm ngay ngoài cửa hàng. Vú ấy tỉnh ngủ lắm.Một giọng con gái gọi với lên:- Me xuống bán hàng.- Xin lỗi ông.Người đàn bà vội vàng đi xuống, tiếng guốc lộc cộc ở thang. Hai hôm sau, Khôi cho khuân đến một cái đi văng và một cái bàn mộc: đồ đạc cần thiết để ngủ và làm việc. Chỉ có thế. Nhà chủ cho mượn thêm những thứ cần dùng: ghế ngồi, đồ rửa mặt, một bộ ấm chén. Buổi sáng, khi Khôi còn ngủ, người vú già lên quét dọn, lấy nước rửa mặt, pha sẵn một ấm chè rồi lại lẳng lặng xuống. Đến hôm Khôi ăn cơm ở đấy mới biết rõ nhà dưới có ba người: bà chủ nhà, một cô con gái trạc hai mươi, và một bà cụ già, thường nằm suốt ngày ở chiếc giường sát chân thang, lúc nào cũng buông màn, và vẫn ăn cơm riêng. Thêm một người vú già, ngoài mấy bữa cơm trong bếp thì lại ra ngồi trông hàng.Hôm đầu tiên ngủ đấy, Khôi thấy một cảm giác lạ, nhất là lúc sáng dậy. Buổi sáng mọi ngày, chàng thường trầm ngâm trước ấm chè và vài đĩa síu mại của một hiệu nào. Rồi tùy theo trời mưa hay nắng, Khôi vào thư viện, đến tán chuyện với mấy người bạn rỗi rãi, hay ra ga nhìn hành khách xuôi ngược, tuy không đón đưa ai. Hôm nào buồn quá, và nhằm ngày phiên tòa, Khôi đi xem xử án.Khôi như ngạc nhiên không thấy phải mặc áo về ngoài phố. Chàng nằm im, mắt mở nhìn chung quanh, thấy một cảm giác là lạ, và dễ chịu. Đầu chàng còn hơi nặng vì rượu uống với anh em đêm quạ Trên tay ghế, chiếc áo vắt xốc xếch rủ một tay xuống sàn gác. Từ dưới đưa lên những tiếng động của một phố náo nhiệt: còi xe hơi, chuông xe điện, và Khôi như thấy mọi người đương lăn lộn trong cuộc mưu sinh. Xưa nay chàng vẫn lẫn trong những tiếng đó, và lãnh đạm đi quạ Khôi nhớ lại đêm qua, lúc chàng về, bà cụ nổi một trận ho dữ dội, rồi nó cứ dai dẳng kéo từng cơn mãi đến chàng lúc ngủ, thôi nghe tiếng. Theo một thói quen, Khôi trở dậy, mặc quần áo ra hiệu ăn sáng. Rồi đi ra lối thư viện. Nhưng qua vài phố, chẳng biết nghĩ sao, chàng quay "về nhà" đọc sách.Trong mấy bữa cơm đầu tiên, cô con gái chỉ cắm cổ ăn, không hề nhìn lên Khôi. Bà mẹ thường săn sóc đến chàng, giục gắp những miếng ngon, có khi lại gắp giùm vào bát. Thấy Khôi khảnh ăn, bà thường ép chàng ăn nhiều thêm.- Cậu - tiếng cậu đã thay cho tiếng ông, vì Khôi ít tuổi và bà đã coi như người nhà - ăn ít quá, lấy đâu sức khỏe mà làm việc. Cậu lại hay đi chơi và xem sách khuya. Cậu làm gì nhỉ? à, làm báo. Tôi thấy những ông làm báo hình như phải lo nghĩ nhiều lắm. Lao tâm hại hơn hơn lao lực, cậu cần phải tẩm bổ nhiều lắm. Cậu xơi món này đi... Bà gắp cho Khôi một miếng đùi gà rán, hay lườn con cá hấp.Cô con gái cũng dần mất tính bẽn lẽn, vui vẻ nói chuyện như mẹ, và thường để ý đón bát của Khôi để xới cơm. Mà quả nhiên Khôi ăn nhiều lên thật! Chàng thấy sức khỏe trở lại, người dễ chịu hơn, và làm việc được nhiều.Được ít lâu, Khôi bỏ thói đi ăn sáng ở hiệu "cho đỡ mất thì giờ".Mỗi sáng, vú già mang lên một khay: trứng, sữa, bánh mỳ, bánh cuốn, cà phê... thay đổi hàng ngày. Khôi thấy cũng sạch sẽ, ngon lành.Rồi Khôi bỏ cả tính đi khuya. Mỗi lần chàng về đêm, tuy hết sức nhẹ bước, nhưng tiếng giầy rón rén lên thang cũng đủ làm mất giấc ngủ mỏng manh của bà cụ già, thường liền ngay đấy, bà cụ thức giấc, ho một hồi lâu. Tuy không ai nói gì, nhưng Khôi cũng thấy phiền cho họ. Chàng ở nhà mấy đêm, thấy quen. Mỗi lần muốn đi, chàng lại nghĩ cảnh ngoài phố ngày nào cũng giống ngày nào, không có gì đáng để ý. Khôi lại ngồi xem sách, hoặc viết. Bản thảo mỗi ngày một dầy thêm. Khôi vui vẻ đã không bỏ phí thì giờ, và thấy cách sống bình tĩnh, điều hòa cần cho sự làm việc.Dù Khôi ở nhà, chàng cũng như đi vắng, vì không phiền đến ai. Bà chủ càng chiều chuộng chăm nom. Một lần Khôi nghe tiếng ở nhà dưới nói đến tên chàng. Bà chủ tưởng Khôi đi vắng, nói chuyện với mấy người quen. Khôi không rõ bà nói gì, mà cũng không muốn nghe, đi mạnh bước cho họ thôi.** *Bữa ăn đã xong, người nào cũng ngà ngà saỵ Họ bắt đầu nói to, coi như trong hiệu không còn ai.- Bây giờ chúng mình làm gì?- Đã lâu anh Khôi không đi chơi, vậy theo ý anh ấy. Anh Khôi, đi đâu?Khôi điềm đạm trả lời:- Tôi đi về.T. to tiếng nhất, và như đã quá chén:- Các anh thấy chưa? Anh Khôi muốn đi về! Xưa nay anh ấy có nói thế bao giờ? Mà về đâu? Bây giờ phải về, để cho cô bé khỏi phải chờ khuya mở cửa. Cô bé tuy cũng khá nhưng nhờ giời không có chút thông minh nào. Càng haỵ Nếu họ thông minh, khôn hồn, họ đã chẳng lấy bọn mình. Rồi các anh sẽ được đi ăn cưới anh Khôi lấy cô... cô... cô con gái bà chủ. Ha, ha, ha.- Như thế thì đã sao? Anh cấm người ta lấy nhau ư? Các anh cho rằng một nghệ sĩ không được có gia đình, bị ràng buộc. Chỉ là một ý tưởng nhầm. Bao nhiêu nhà văn, vợ con đề huề, mà vẫn có những tác phẩm siêu việt... - Tôi không nói nghệ sĩ không được lấy vợ, nhưng không nên. Anh Khôi lại càng không nên lắm, tôi quyết thế. Các anh thấy anh ấy dạo này viết được nhiều, nhưng các anh có thấy giá trị tác phẩm anh ấy không? Một cối hai. Anh Khôi ạ, một cối hai. Anh hiểu chưa? Họ còn nể anh, họ chưa nói rõ. Anh về đọc lại xem ít lâu nay anh viết những gì? Các anh sẽ thấy xuất hiện một loại sách cho các cụ già kém ngủ. Anh Khôi không cần nghĩ đến. Nhưng anh còn cầm bút, và còn "tôi đi về" thì loại sách ấy tự nhiên ra. Các anh thấy không?Mọi người đều khó chịu. Khôi ngồi lẳng lặng nghe.Đêm ấy và mấy đêm sau, Khôi suy nghĩ rất nhiều. Câu của T., có một ít lẽ phải. Mấy lần chàng đi chơi về, mới dừng tiếng giầy trước cửa và gõ một tiếng, cánh cửa đã mở. Cô con gái như vẫn đợi nghe chàng về. Bữa điểm tâm sáng hôm sau thấy dồi dào hơn. Khôi nhận thấy chung quanh mình có những sự chăm nom bao bọc, và... chàng tự để trôi theo.Khôi xem lại những bài viết mới. Lối viết dễ dàng, những tư tưởng tầm thường, ủy mị. Chàng ngồi suốt đêm, chống tay vào má, đăm đăm nhìn đống giấy trước mặt. Thời khắc qua, người thanh niên vẫn ngồi như pho tượng, có lúc thở dài, mơ màng; có lúc mắt sáng lên, đầy nghị lực. Gần sáng, chàng đem đốt hết những bản thảo mới viết.Mấy hôm sau, Khôi lại lang thang ngoài phố, không có chỗ ở nhất định. Và trước cửa hàng, lại thấy cái biển:"Gác cho thuê"Trích từ tập truyện ngắn Vỡ lòng, Nxb. Đời Nay, Hà Nội, 1940