Thuở ấy, tôi còn học ở trường Quốc học Huế. Năm tôi mới trọ Ở nhà bà Vĩnh thì tôi vừa lên năm thứ ba ban Thành - Chung. Bà Vĩnh không phải là một người "nấu cơm" cho học trò. Bà là vợ hầu một ông Phủ đã về hưu. Ông Phủ thường ở nhà quê, gần dưới Truồi. Một năm ông chỉ lên Huế một lần vào độ sau ngày đông chí, đến hết mùa đông thì ông lại trở về Truồi với bà vợ cả. Năm nào cũng chừng mực như thế, kể ông còn đứng đắn hơn thời tiết nữa. Nhưng ông ấy, không dính dáng gì đến chuyện tôi kể đây. Mà cả bà ấy cũng vậy. Chỉ có người con gái yêu quí, nhưng...
Ta hãy trở về khoảng chín, mười năm về trước, khi người viết truyện này còn là một cậu bé học trò. Bấy giờ tôi mới mười bảy tuổi, tôi không đẹp - không bảnh - nhưng mà béo tốt hơn bây giờ nhiều. Hồi đó tôi còn là một kẻ thích thể thao và thích nhất bơi lội. Có một lần tôi đã bơi qua sông Hương và suýt nữa khắp kinh thành sắp nói đến tôi, nếu tôi đã chết đuối. Ngực tôi rất nở, và tôi lấy thế làm kiêu hãnh vô cùng. Tôi thường chỉ vào đấy và nói với nhiều bạn tôi : "Chỉ có tôi mới là người đáng sống và thế giới sẽ thuộc về những người có những bộ ngực nở như tôi" ý tôi còn muốn nói : "Trong ấy có cả những người đàn bà, cũng thuộc về tôi nữa." Nhưng than ôi! Tôi đã lầm một cách cay độc. Thủa ấy, chưa có phong trào thể thao phụ nữ, các bà, các cô chưa quý những bộ ngực nở. Và cái khiếu thẩm mỹ của họ, lúc bấy giờ, cũng chưa được trau dồi, mở mang; họ chỉ thích những cái gì yếu ớt, lả lướt, thướt thạ Nở nang hùng hồn, như cái ngực của tôi, họ không cho là đẹp. Tôi cũng không trách họ, ngay như bọn đàn ông lúc bấy giờ cũng không hơn gì họ, cũng chưa biết quý trọng những cái vế khỏe, những đôi vú nở. âu là thiên hạ lúc bấy giờ đều chậm trễ cả, duy có tôi là tiến mà thôi, duy có tôi là có óc thẩm mỹ khác người mà thôi. Nhưng truyện tôi kể đây không phải là truyện một bộ ngực, mà là truyện cái vật thiêng liêng, quý hóa, giấu ở trong cái bộ ngực ấy. Truyện một tấm lòng. Một tấm lòng muốn yêu, tha thiết yêu, khao khát yêu. Vâng, tôi đã yêu từ khi tôi mới bắt đầu cái năm thứ mười bảy. Yêu, điều ấy không sao! Nhưng, không nỗi, tôi đã yêu một cách thẳng thắn, trực triệt quá, yêu với một "tinh thần thể thao". Ở đây, các bạn đã bắt đầu thấy sự liên lạc của cái ngực nở của tôi với cái chuyện tâm tình mà tôi sắp kể.
Tôi xin nhắc lại : bà Phủ Vĩnh, không phải là một người "nấu cơm học trò". Bà nhận cho tôi ở trong nhà, là vì bà thấy tôi học đã khá, bà muốn lấy tôi làm một cái gương sáng luôn luôn ở cạnh những đứa con của bà. Bà không buộc tôi phải dạy thêm cho lũ con bà, nhưng những khi rảnh, tôi cũng xem sét sách vở hộ, và tường thuật cho bà nghe cái học lực, từng tháng, của mỗi người con cho bà biết. Trong lũ con bà, tôi mến nhất là cô Hảo - một cô bé bấy giờ độ mười tuổi, học lớp ba trường Đồng Khánh. Hảo rất ngoan, những khi đi đâu về, Hảo thường đến ở cạnh tôi, phòng tôi có sai bảo gì. Hảo thích nói chuyện với tôi. Mà tôi cũng vậy, được nói những câu tẩn mẩn với Hảo, tôi cũng lấy làm thú lắm. Rồi cái thú đó cũng thành một sự cần, ngày nào tôi không nói chuyện với Hảo, tôi có cảm tưởng như thiêu thiếu một cái gì. Mà đại loại những câu chuyện của chúng tôi là những câu chuyện vẩn vơ, ngớ ngẩn không đâu vào đâu như những câu chuyện giữa bà với cháu vậy. Tôi thường hỏi Hảo :
- Sau này, Hảo sẽ làm gì?
Hảo không ngần ngại đáp:
- Hảo sẽ cầm máy bay...
Tôi biết rằng Hảo đã nhiễm lấy cái bệnh "thể thao" của tôi. Nhưng câu đáp ấy tôi không lấy làm ưng ý lắm. Có lúc tẩn mẩn tôi lại hỏi Hảo một câu khác thiết thực hơn, táo bạo hơn :
- Sau này Hảo có lấy chồng không?
Hảo cười :
- Sao lại không cơ chứ?
- Nhưng lấy ai?
- Hảo chỉ thích những ông bác sĩ.
Tôi hiểu Hảo lắm, Hảo thích những ông bác sĩ cũng tại những ông bác sĩ thuở bấy giờ ở trong con mắt Hảo khi mổ xẻ, khi châm chích, trông có vẻ hoạt động, và tuy rằng làm "quan đốc" không lủng thủng, thướt tha như những ông quan Huế ở các bộ. Cái óc ghét quan ấy của Thảo cũng lại chực ảnh hưởng cái tinh thần "thể thao" của tôi nữa.
Bấy giờ, thật tôi yêu Hảo hơn một người em của tôi nữa. Mỗi khi về quê lên, tôi cũng cho đó là một dịp tốt để cho tôi mua tặng Hảo những đồ chơi hay vật dùng. Có một lần, tôi cho Hảo cả một tập album của tôi : trong ấy, tất cả những kỷ niệm của tôi lúc còn nhỏ cho đến bây giờ. Nào là ảnh các anh chị tôi, ảnh cái nhà mà tôi sinh trưởng, ảnh đình làng, ảnh cái miếu Khổng-Tử, ảnh khi tôi lên tám, đúng cạnh con chó, ảnh tôi vừa chụp lúc nằm chơi trên một bãi cỏ v.v... Bên cạnh những tấm ảnh ấy, tôi có đề những câu thơ mạnh mẽ, mà tôi mới tập làm - hay những ý nghĩ rất "hùng hồn" của tôi... Thật tôi đã trao gửi cho em bé tôi, tất cả cái đời tôi vậy. Chỉ một việc ấy cũng đủ thấy tôi yêu tin Hảo biết mấy! Nhưng chuyện đến đây không phải là hết, mà là mới bắt đầu... Và chính lúc này một người đàn bà, một thiếu nữ mới đến trong đời của chúng tôi. Thiếu nữ là cháu gọi bà Phủ bằng dì. Nàng học năm thứ hai trường Đồng-Khánh; và lúc ấy, nàng vào khoảng mười sáu tuổi. Tôi phải nói mau: nàng không khỏe mạnh lắm, cũng như tất cả các cô gái Huế, nàng dịu dàng như sông Hương, và lả lướt như núi Ngư... Cái đẹp bộc lộ ấy không đủ để cám dỗ tôi, tôi là người có tinh thần thể thao. Tôi chỉ yêu nàng bởi đôi mắt... Đôi mắt của nàng là mùa thu bất tuyệt của Tiên-giới, là cảnh trong ngần của tuyết sương, là niềm ân ái không cùng. Tôi không thể đánh đổi nó, cho tất cả vàng ở thế gian. Tiếc rằng cái kho tàng ấy than ôi! trời đã định rằng : không phải của tôi, dầu sự tình cờ dun rủi cho nàng một ngày gần tôi... Trước kia thỉnh thoảng tôi mới gặp nàng. Vào quãng tháng tư, vì nhà nàng ở mãi Kim-luông xa trường quá, nên buổi trưa nàng phải ở lại nhà dì nàng, đợi đến đầu tháng tám là tháng mưa gió, nàng mới được ở luôn bên nhà dì nàng cho tiện học.
Tôi đã được ăn cơm với nàng luôn. Nhưng biết được đôi mắt của nàng, khám phá được cái kho tàng ấy là vào một ngày giờ hơi lành lạnh. Có thể như thế không? Tôi quen nàng gần một năm trời, mà tôi không biết đến đôi mắt sinh đẹp của nàng? Cũng tại không bao giờ tôi dám nhìn thẳng vào mặt nàng cả.
Một hôm, cả nhà bà Phủ về quê vắng, trong nhà chỉ còn tôi với nàng mà thôi. Một sự không thể nào tránh được : tôi phải ngồi lại ăn cơm với nàng.
Ngoài hai chúng tôi ra, không còn ai hết. Lần đấu tiên, tôi thấy ngượng nghịu, ngập ngừng trước nàng. Rồi tình cờ, bốn mắt chúng tôi gặp nhau. Nàng cúi mặt, mà tôi cũng cúi mặt... Nhưng tù đấy tôi mới hiểu, thế nào là cặp mắt của một người thiếu nữ đến thì. Tôi thấy tâm hồn rạo rực xao xuyến, tay chân tôi lóng cóng và đôi môi tôi ngập ngừng trước chén rượu mạnh là ái tính của nàng. Đôi mắt nàng đã biến đổi tôi thành một người khác, và đưa tôi vào một thế giới u huyền và kỳ lạ. Cái nhìn của nàng đã làm phát động, nảy nở ở tôi, một nguồn cảm giác, sáng lạn, mới mẻ... Tôi không dám tự hỏi tình yêu là gì, và chỉ nắm lăn như một cánh hoa lạ trên những đầu cỏ mởn, theo một làn gió dịu... Hôm ấy, tôi không thể nói được gì với nàng. Hôm sau, tôi viết cho nàng một bức thư:
Cô Tâm,
Tôi đã yêu cô, yêu với tất cả tâm hồn tôi. Vì cô có đôi mắt đẹp quá, nó là mùa thu của trời đất, và của cõi lòng tôi. Mặt trăng dịu tỏa trong đôi mắt ấy, và trong ấy nở những cánh hoa không bao giờ tàn, không bao giờ rụng. Cô Tâm ơi! Tôi yêu cộ Tôi chỉ có thể nói được như thế mà thôi. Tôi ước sao một ngày kia cô sẽ là người bạn trăm năm của tôi, gần tôi luôn, gần tôi mãi; một ngày kia, tôi có thể thổi vào tóc cô, cái hơi nóng của tuổi trẻ, tôi có thể đặt lên làn da mát của cô, cái hôn nóng của kẻ yêu.
Tôi chỉ muốn có thế. Tôi chỉ muốn thờ phụng cô, trọn đời, trọn kiếp. Tôi là một người có tinh thần thể thao, lời tôi nói đây mạnh hơn một lời thề...
Kính thư
Huỳnh Lê
Bức thư tôi viết, bẳng một giọng thẳng thắn, cố nhiên là đột ngột và sống sượng. Vì bao giờ tôi cũng là một người có tinh thần thể thao. Tôi không biết có sự bóng bẩy, xa xôi, không biết dùng những tưởng tượng. Tôi chỉ muốn rõ ràng, và tôi quả đã rõ ràng. Tôi đã yêu. Tôi liền viết thư để xin người ta một chút tình yêu. Và tôi sẽ yêu bằng cánh nào, tôi cũng có viết rõ ràng cả. Tôi chỉ có cái tội là quá ngay thực mà thôi.
Lạ quá! Sau khi tôi bảo Hảo đưa bức thư cho Tâm, hơn hai ngày rồi mà không thấy Tâm trả lời. Tôi nóng ruột quá. Tôi giục Hảo đến hỏi Tâm xem, thì Hảo chỉ bảo tôi là Tâm không nói gì cả. Ngày thứ tư tôi vẫn không thấy thư đáp. Tôi đã quen nhìn Tâm - và Tâm cũng đã quen nhìn tôi. Nàng chỉ cười... Tôi chỉ sợ nàng có ý chế nhạo tôi. Ngày thứ năm, tôi đã bắt đầu đau khổ. Tôi xin phép ở nhà, luôn một ngày, đóng chặt cửa lại, trùm chăn từ đầu đến chân, nằm nghĩ vơ vẩn. Tôi lại giục Hảo, hỏi dò tin tức. Có lẽ Hảo đã biết rõ sự thực, nhưng cô bé ấy vẫn không chịu nói với tôi một điều gì cả. Tôi đã đọc thấy vẻ lo ngại trong đôi mắt của cô bé. Một hôm, trời lạnh quá, tôi lại không đi học, trùm kín chăn lại, thì Hảo ở trường... Hảo đi rất nhẹ, không dám đụng vào bàn ghế, và như nín cả hơi thở nữa. Tôi không mở chăn ra, nhưng cảm thấy Hảo đã ở bên cạnh tôi, và như thế đã gần mười năm phút... Tôi có cảm giác rằng : Hảo muốn nói với tôi một điều gì, chẳng hạn, Hảo muốn cho tôi hay sự thực, tôi hồi hộp cảm động quá, nóng biết quá, dầu tôi đã đoán trước sự thực. Nhưng tôi không muốn nàng nói ra, để tôi còn có một chút hy vọng... Tôi sợ cô bé ngây thơ ấy lại nói toạc ra thì nguy cho tôi quá. Nhưng Hảo vẫn chưa nói gì, có lẽ không bao giờ nói... Tôi nghe như Hảo nhích lại gần tôi. Hình như Hảo đã cúi xuống ở bên tôi... Hơi thở Hảo đã phớt ở trên đầu tóc tôi. Bỗng tôi nghe Hảo nói khe khẽ, tiếng nói như xa xăm tự một giấc mộng, lại.
- Anh Lê, chị em hứa sẽ trả lời anh, anh hãy hy vọng...
Cô bé ấy đã đánh lừa tôi, tưởng như thế sẽ làm tôi bớt khổ. Tôi vẫn không trả lời nhưng Hảo đã đưa tay kéo chăn tôi xuống, nhìn thẳng vào đôi mắt còn ướt của tôi và nói :
- Anh khóc à? Anh đừng khóc nữa, để em bảo chị em trả lời.
Tôi tưởng như Hảo là người chị cả của tôi vậy
Tôi nhìn cô bé gượng cười:
- Em yên lòng; anh sẽ không khóc nữa đâu.
Rồi tôi đúng dậy, chỉ vào ngực và nói với Hảo:
- Anh sẽ mạnh và không bao giờ yêu ai nữa...
Hão cầm lấy tay tôi cười một cách sung sướng. Tôi cũng cười, và kéo Hảo vào lòng, đặt nhẹ một cái hôn trong sạnh trên vừng trán ngây thơ...
Và từ đấy, tôi xin đi ở chỗ khác.
Tôi đã xa Hảo dần dần, và khi tôi học tại Hà Nội thì không còn dịp gần Hảo nữa, từ đấy đến nay đã hơn tám, chín năm rồi...
Tám, chín năm rồi, tôi mới lại trở lại Huế.
Một hôm, tôi tới thăm một người bạn ở Kim Luông. Đi khỏi chợ, một đoạn, tôi thấy một ngôi hàng sách nhỏ, rất sơ sài nhưng gọn gàng lắm. Tôi vào mua một tờ báo hàng ngày để đọc chuyện Tàu Nhật... Cửa hàng vì là buổi trưa, nên không có người ngồi bán. Tôi gõ cửa và đứng đợi... Từ một cái buồng con, ở bên cạnh, bước ra... một người thiếu nữ, tóc còn buông xõa. Nàng không bước ra vội, nhưng đã nói với:
- Ông mua gì?
Tôi không đáp, vì người ấy, là Hảo. Phải! Hảo, cô em ngoan ngoãn của tôi, cô bé đã chứng kiến...
Tôi không dám nghĩ tới nữa, tôi cũng không dám nhìn nàng nữa. Nàng thì vấn tóc, vừa chạy lại gần, đứng khít bên tôi, nàng toan cầm lấy tay tôi, như xưa; và sung sướng kêu lên: "Anh Lê! Trời ơi! Anh Lê của em!" Nhưng bỗng nàng ngừng nói, và đứng ra xạ Có lẽ nàng nhận ra rằng nàng đã lớn là một cô thiếu nữ đến thì. Nàng, không còn như xưa; nữa, là em gái của tôi, là người em gái ngoan ngoãn ở trong tay tôi.
Nàng nói bằng một giọng cảm động :
- Tôi vẫn đọc văn anh luôn. Nhưng làm sao anh lại có thể ở đây? Anh không thay đổi gì hết...
Tôi mỉm cười:
- Có, anh không còn khỏe như xưa, ngực anh độ này yếu lắm, và dẹp xuống.
- Còn em?
- Em à? Vẫn thế... như xưa!
Rồi nàng cười, hình như nhớ lại cuộc tình cuồng vọng của tôi mà cười.
Tôi hỏi:
- Em cười nhạo tôi đó à?
- Chết! Anh nói bậy. Sao lại nhạo anh?
Rồi nàng lại cười, hai mắt nàng trong lên, mặt nàng tươi lên, và như đẹp lên nhiều lắm; như vẫn thoáng thấy một vẻ buồn, một vẻ u hoài. Tôi hỏi nàng :
- Tại sao em lại mở hàng sách này?
- Cũng chỉ vì anh...
- Vì anh?
Nàng cười và nói tiếp:
- Phải, chỉ để dọc những bài anh viết, khắp trên các báo. Em không muốn bỏ sót một cái gì của anh cả.
Tôi nhìn nàng và không nói gì. Nàng cũng lặng im như thế.
Đột nhiên tôi hỏi :
- Tâm bây giờ lấy chồng mãi đâu?
Nàng không đáp, mỉm cười, ngâm mấy câu thơ của tôi:
Nàng đã lấy chồng
... Ở mãi Giang - đông
Sau làn mây trắng...
... Cách mấy con sông...
- Hảo thuộc nhiều thơ anh thế à?
Nàng vẫn không đáp, nhìn ra bến sông. Trong đôi mắt nhỏ, một vẻ buồn xa rộng, mênh mông...
Đáng lẽ tôi không nên nhắc đến tên Tâm, đáng lẽ tôi không nên yêu người ấy, và đáng lẽ tôi phải gần gũi hơn nữa người thiếu nữ trước mặt tôi, đáng lẽ tôi phải gắn chặt số phận tôi với số phận Hảo.
Nhưng than ôi! Hảo chỉ là người em gái của tôi, người em gái ngoan ngoãn trong tay tôi.
Hảo chỉ là một người làm chứng. Làm chứng những phút cuồng vọng của đời tôi.