-1- PHẦN ĐẦU

Thuở xưa, nước Pháp đã từng phen làm chủ một dãy lãnh thổ mênh mông bát ngát ở phía bắc Châu Mỹ chạy dài từ Labrador tới Florides và từ các vùng bờ bãi của Đại Tây Dương tới những hồ nước hẻo lánh thuộc miền cao nguyên Gia Nã Đại.

Bắt nguồn từ khu vực núi non nói trên, bốn Đại trường giang đã phân xẻ dãy đất bao la thành nhiều mảnh: - Giòng sông Saint-Laurent hun hút biến dạng về hướng đông, hội nhập vào lòng vịnh mang cùng tên gọi gióng Tây giang cuồn cuộn; tuôn đồ vạn ngàn con nước tới những vùng biển cả xa lạ, giòng Bourbon hối hả chạy từ Nam sang Bắc rót vào tiểu vịnh Hudson và giòng Meschacebé (1) lao mình từ Bắc xuống Nam, tiến tới vịnh Mễ Tây Cơ.

Chính con sông cuối cùng này với một giòng nước dài hơn ngàn dặm đã tưới bón cho một vùng đất mỹ miều tươi tốt, nơi đã được dân Hiệp Chúng Quốc mệnh danh là miền Tân địa đàng  và cũng là địa khu mà người Pháp đã dành cho một tên gọi thật là êm ái - Louisiane - Cả ngàn con sông nhánh của giòng Meschacebé, như Missouri llinois, Ankara, Ohio, Wabache, Tenase, đã làm cho miền đất này thêm mầu mỡ, phì nhiêu, nhờ vào hằng hà sa số những con nước mang đầy chất phù sa. Về mùa đông, khi tất cả các giòng sông bị tràn ngập bởi cơn Đại hồng thủy, khi những trận bão đã đốn ngã từng khoảng rừng lớn, thì những đám cây bị nhổ bật tung rễ lên, đã hội tụ lại tại các vùng suối nguồn. Chẳng bao lâu sau những đám cây đó đã bị bùn đất kết chặt lại, đã bị những nhóm dây leo ràng buộc vào nhau và đã bị hàng hàng lớp lớp những loại cây nhỏ bắt rễ đâm chồi, vươn lên ở khắp đó đây, tạo cho đám cây đất hỗn độn thêm phần bén chắc. Thế rồi, do những đợt sóng ngầu bọt, chiếc bè bằng cây đất hỗn độn ấy đã trôi dạt về phía giòng sông Meschacebé. Con sông dài liền cuốn hút lấy, đẩy đưa chúng về hướng vịnh Mễ Tây Cơ, bỏ rơi chúng ở hai bên bờ cát, nhờ vậy đã tự tăng triển thêm được khá nhiều những vùng hà khẩu của giòng sông. Cách khoảng từng chập một, giòng trường giang đã thét gầm lên mỗi khi băng ngang qua bên dưới những chân núi và trải lan con nước tràn bờ, vây quanh các hàng cột của những khu rừng cây và những hình khối tháp tại các vùng nghĩa địa của thổ dân. Đó chính là giòng sông Nil của vùng hoang địa. Nhưng, vẻ diễm tuyệt bao giờ cũng là một hòa hợp của cái đẹp huy hoàng, lồng vào trong lòng cảnh trí của thiên nhiên: - Trong khi giòng cuồng lưu ở giữa trường giang băng băng cuốn lôi những tàn tích của những cây thông, những cây sồi về hướng biển cả, thì người ta đã nhìn thấy những chiếc tiểu đảo chất chứa đầy cây nhũ hương và cây súng bập bềnh nổi trôi theo hai giòng nước ở sát đôi bờ trường giang, nơi mà màu sắc hồng hoàng đã vươn lên như những ngọn tiểu kỳ. Những con rắn màu lục, những con diệc màu xanh lơ, những con hồng hạc màu hồng, những chú cá xấu nhỏ bé đã trở thành khách lãng du trên con tầu hoa, và trú khu đó, đã trương căng những cánh buồm rực rỡ vàng tươi trước gió để rồi tạm ghé lại ẩn trú trong tiểu vịnh của giòng sông.

Hai bên bờ trường giang Meschacebé đã phô diễn lớp lớp cảnh trí vô cùng kỳ ảo! Về phía tây, những cánh đồng cỏ rộng lớn dàn ra tới mãi phía xa xa khuất hẳn khỏi tầm mắt. Những làn sóng màu xanh lục, gờn gợn chuyển mình, dường như đã vươn lẫn đến tận nền xanh lơ của bầu trời cao và mất hút tại nơi đó. Trong những cánh đồng cỏ bát ngát vô biên này, người ta đã nhìn nhiều đàn trâu hoang dã, từ ba tới bốn ngàn con cất bước lang thang vô định khắp đó đây. Thỉnh thoảng, một chú bò rừng, nặng nề vì năm tháng chồng chất, rẽ sóng bơi về hướng những tiểu đảo ở trên giòng Meschacebé để nằm ngơi nghỉ giữa đám lá cỏ xanh cao. Với chiếc trán trang trí bởi đôi rừng, với bộ râu cổ kính dính đầy bùn đất, chú bò già đã đem lại cho quý vị một hình ảnh vị thần sông đang tung ném tầm mắt vui thỏa về hướng những lượn sóng hùng vĩ và cảnh hoang dại mênh mông ở hai ven bờ nước.

Đó là cảnh trí của dải bờ phía Tây, nhưng về phía đối diện thì đã thay đổi hẳn và đã hòa hợp với cảnh trí thứ nhất, tạo thành một vẻ đối nghịch ưa nhìn. Nằm lơ lửng ở phía trên giòng thủy lưu, những đám cây muôn hình vạn trạng, đầy đủ mọi màu sắc, tràn ngập những hương vị, đã tụ hội lại ở trên những viên đá tảng ở trên những dãy núi cao, hoặc tản mác ở trong lòng những thung lũng, trà trộn vào nhau, cùng tăng triển theo nhau, vươn mình vào không phận, với những chiều cao làm mỏi mắt kẻ ngắm nhìn. Những dây nho dại, những dây tử oai, những dây mướp đắng, quấn quít từ phía dưới gốc cây leo lên các nhánh gạc bò lan ra phía đầu cành, phóng mình từ cây Phong sang phía cây Hàng thiên mộc, từ cây Hàng thiên mộc tới cây Thục quỳ, tạo thành hàng ngàn hang hốc, hàng ngàn chiếc cửa tò vò và hàng ngàn dãy hành lang hun hút. Thường thường những loại dây leo đã bị lạc hướng trong lúc chuyển mình từ cây nọ sang cây kia và đã phải băng ngang qua những nhánh sông, để rồi dựng nên những chiếc cầu hoa trên các khu vực đó. Ở giữa vùng lá cành rậm rạp nói trên, cây Mộc lan đã vươn cao đỉnh ngọn hình chóp nón, lặng lờ bất động, chùm phủ bởi những đóa hoa to lớn trắng toát, loại cây này đã vượt hẳn lên trên các loại cây rừng và chỉ có một đối thủ duy nhất, đó là loại cây thốt nốt đang nhẹ nhàng đu đưa những chiếc quạt xanh lục ở kế cận.

Hàng hà sa số các loại sinh vật đã được bàn tay tạo hóa đặt vào vùng ẩn trú đó để ban truyền sức sống và sự linh diệu tại nơi đây. Ở phía đầu các thông lộ, người ta đã trông thấy những con gấu say sưa ngây ngất vì nho đang lảo đảo thất thểu cất bước trên những cành cây tiểu du. Những con tuần lộc ngâm mình giữa một hồ nước. Những con sóc đen rỡn đùa trong đám lá um tùm. Những chú chim Thằng-nhại, những chứ chim bồ câu Virginie có tầm vóc như loài chim tước liệng xuống những bãi cỏ non, au đỏ bởi những trái dâu tây. Những con vẹt lông xanh lục đầu vàng khè, những chú chim gõ kiến lông ửng đỏ, những chú hồng điểu sắc lửa nhảy nhót di chuyển trên đỉnh những cây trắc bá, những chú chim sâu duyên dáng, tại những cành hoa lài vùng Florides, những loại rắn bay treo mình lơ lửng trên những vòm lá cây rừng, gầm rít lên và đu đưa thân mình giống như những loại dây leo.

Nếu tất cả mọi vật ở trong phạm vi đồng cỏ đã câm nín, ngơi nghỉ, thì ngược lại tất cả mọi vật tại nơi đây đã rầm rì, chuyển động. Những nhát mổ vào thân cây sồi, những tiếng sột soạt do thú vật đi lại, gậm cỏ, hay cắn nhai những hạt trái cây giữa hai hàm răng, tiếng ào ào của sóng nước, tiếng lao xao yếu ớt, tiếng rống âm ỉ, tiếng rù ri dịu nhẹ, đã làm cho các khu vực hoang vu tràn ngập một loại hòa âm man dã và êm ái. Nhưng, khi một cơn gió kéo tới, thì miền hiu quạnh này trở nên vô cùng linh hoạt, gió lay động những vật thể phấp phới, gió hòa trộn những khối trắng xóa, xanh lơ, xanh lục, hồng đào, làm cho tất cả các loại màu sắc lẫn lộn vào nhau, làm cho tất cả những tiếng rầm rì kết hợp lại thành một. Thế là, từ trong rừng sâu vọng ra một thứ tiếng kỳ ảo, thế là muôn vật ở trước mắt chúng ta biến thành một loại hình ảnh lạ lùng khiến cho tôi đã cố gắng hết sức mà vẫn không thể diễn tả nổi những hiện tượng - Có mà như không có - đang biểu lộ ra ở trong một vùng hoang sơ của tạo hóa.

Sau khi giòng sông Meschacebé bị khám phá bởi P. Marquette, và con người bạc phận La Salle (2), những người Pháp đầu tiên tới lập nghiệp tại vùng Biloxi (3) và tại vùng Nouvelle Orléans, đã từng kết thân với giống người Natchez (4), một dân tộc bản xứ từng có một uy lực đáng sợ ở trong khu vực đó. Một khu vực địa cư đã liên tục xảy ra những tranh chấp và đố kỵ đẫm máu. Trong đám dân bản xứ man dã ấy, có một ông già, tên là Chactas (5), ông ta nhờ vào mức độ tuổi tác, óc minh triết và kiến thức về các vấn đề liên hệ tới cuộc sống, cho nên đã được tất cả vùng sa mạc hoang vu, yêu chuộng và tôn kính như một bậc kỳ lão. Cũng như mọi người, ông đã phãi mua đức độ bằng bất hạnh. Không phải chỉ riêng có rừng núi tại Tân thế giới đã đong đầy nỗi bất hạnh của ông, vì chưng ông ta đã từng phải chịu đựng cả những nỗi bất hạnh ngay ở các vùng bờ bãi của Pháp quốc nữa. Ông đã đi bị đày đọa tại Marseille bởi sự tàn nhẫn bất công. Được thả tự do và được trình diện với vua Louis XIV, ông đã tháp tùng theo những con người nổi tiếng của thế kỷ, tham dự những đại hội tại Versailles, xem những vở bi kịch của Racine, nghe những bài điếu văn của Bossuet, nói tóm lại con người man dã đó đã từng phen chiêm ngưỡng cái xã hội đang đạt tới một mức độ rực rỡ, chói lọi.

Từ bao năm qua, Chactas đã quay trở về nơi quê hương của ông ta, để an hưởng những chuỗi ngày nghỉ ngơi, yên tĩnh. Song le, trời cao vẫn còn bắt ông ta gánh chịu một giá hơi mắc, đối với ân huệ đó: - Ông già đã trở thành mù lòa. Một cô bé gái đã phải tháp tùng theo ông, khi ông trèo lên những ngọn đồi thuộc vùng trường giang Meschacebé, giống như Antigone đã từng dìu dắt những bước chân của Oedipe trên khu vực Cythéron, hoặc giống như Malvina đã hướng dẫn Ossian trèo lên những hòn đá tảng ở Morven (6) vậy!

Mặc dầu đã phải chịu đựng khá nhiều những bất công do người Pháp đem tới cho ông, Chactas vẫn ưa thích dân tộc Pháp, ông luôn luôn nhớ tới Fenelon, một nhân vật đã coi ông như khách quý, vì vậy, ông luôn ao ước được hoàn trả cho những đồng bào của con người đức độ ấy một việc làm xứng đáng. Ông đã gặp được dịp thuận tiện. Vào năm 1625, một người Pháp tên là René bị những cơn đam mê và những nỗi bất hạnh đẩy đưa đến vùng Louisiane. Anh ta tiến ngược theo giòng Meschacebé, đi vào khu vực của dân Natchez và yêu cầu họ thâu nhận anh làm một chiến sĩ thuộc bộ tộc. Chactas thẩm vấn anh ta và đã nhất quyết nhận anh ta làm con nuôi của ông, lấy cho anh ta một cô vợ, người bản xứ, tên gọi là Céluta. Một thời gian sau ngày làm lễ cưới, bộ tộc man dã đó chuẩn bị chuyến đi săn hải ly.

Mặc dù đã bị mù lòa nhưng do lòng tôn kính của dân tộc bản xứ đối với ông ta, Chactas vẫn được bầu vào hội đồng kỳ lão để lãnh đạo chuyến đi. Những cuộc khấn nguyện và những tuần chay tịnh khởi sự: Các thuật sĩ giải đoán những giấc mộng mị, người ta cầu khẩn chư vị tôn thần, làm lễ dâng hiến lá Dã yên thảo, đốt màng lưỡi nai, quan sát những đốm sáng óng ánh ở trong ngọn lửa để khám phá ý muốn của các đấng linh thần. Cuối cùng, người ta ra đi, sau khi đã ăn hết thịt con chó được dùng làm vật hiến cúng. Nương theo những giòng nước ngược, những con thuyền độc mộc tiến ngược lên phía nguồn sông Meschacebé và gia nhập vào giòng nước của sông Ohio. Trời vào thu, những nét hùng vĩ của sa mạc, thuộc vùng Kentucky, đã phô bầy ra trước cặp mắt bỡ ngỡ lạ lùng của chàng trai Pháp quốc. Một đêm, dưới ánh trăng khuya, khi mà tất cả đám dân Natchez đã say ngủ ở trong lòng thuyền và những con thuyền bản xứ đã đang căng trương các cánh buồm bằng loại da thú, ruổi giong trước đà gió hiu hiu thổi, thì René ngồi một mình với Chactas, anh ta đã yêu cầu ông già kể lại câu chuyện về cuộc sống phiêu lưu trôi nổi của ông. Ông già đồng ý thỏa mãn lời thỉnh cầu đó và cùng ra ngồi với anh ta ở phía lái thuyền, ông mở đầu bằng lời sau: 

   

Chú thích :

1) Meschacebé là tên thật của giòng sông, hiện mang danh hiệu là Mississipi, hay Meschassipi.

2) P. Jacques Marquette (1637-1675) là một nhân vật thuộc đoàn thám hiểm của Jesus, người đầu tiên đã đặt chân tới vùng Mississipi (1673) Robert Cavelier de la Salle (1640-1687) đã tới vùng Mississipi và đi xuống tận vịnh Mễ Tây Cơ, đã bị giết chết trong một cuộc thám hiểm tại Louisiane

3) Vịnh Biloxi ở phía đông giòng Mississipi.

4) Một bộ tộc bản xử.

5) Chactas danh tự của dân da đỏ, có nghĩa là tiếng nói hòa dịu.

6) Oedipe sau khi giết cha lấy mẹ, đã tự hủy hoại cặp mắt và được con gái là Antigne dẫn dắt. 

Ossian một nhân vật ở trong những bài thi ca, do James Macpherson mạo dựng lên.