M... S... ngày 23, tháng10, năm Duy Tân thứ chín

Em gái Thị Đạm kính trình anh cả Hồ Vân

Thưa anh,

Đã năm năm nay, em bỏ nhà, em đi; mẹ và các anh không biết được tin em ở đâu, hẳn lấy làm ngán ngẩm lắm. Em đã tự biết tội, nhiều phen muốn viết thư về xin lỗi, nhưng nghĩ thân phận còn long đong, sợ nhà biết lại thêm phiền nãọ Không ngờ đến mãi ngày nay, mới thảo được bức thư này; nhưng thương ôi, bức thư này lại là một thiên tuyệt bút của em.

Khi anh đọc đến đây, thời em đã không còn ở trên trần thế nữa, em sợ thay, chốn trần thế thực lắm kẻ luân thường điên đảo, không mấy ai còn được chút thiên lương!

Anh nghe câu này, chắc lấy làm lạ nhưng anh đừng nóng ruột, em xin kể đầu đuôi sự tình em trong mấy năm để anh nghe:

Năm em ra đi, mới mười tám tuổi, non người trẻ dạ, đã biết gì là khôn. Chỉ vì dại nghe người ta dèm, nên trái cả ý mẹ. Người ta bảo em rằng: "Xuân xanh tuổi trẻ như thế, tội nợ gì mà lấy người vừa xấu vừa già". Ôi! Đương lúc tuổi còn măng sữa, lòng ước ao của em còn to! Nào biết đâu rằng cha mẹ còn đẻ được ra mình, sự nghĩ trước lo xa, mình không thể biết được. Trong lòng em khi ấy tức bực uất khổ, muốn tránh việc nhân duyên ép uổng, trừ phi một chước "chạy", không còn kế nào hơn!

ấy, em dại suy vụng nghĩ như thế, cho nên đêm hôm ấy, lấy trộm hai chục bạc, sáng sớm ra ga, đợi chuyến về Hà Nội mà trốn đi. Em vẫn còn nhớ hôm ấy là ngày 12 tháng 10, em đội cái nón thắt, đeo đôi khuyên vàng, mặc áo kép láng, đi dép quai ngang, chít khăn vuông mỏ quạ, thắt lưng nhiễu ra ngoài, bước lên toa xe lửa.

Anh ơi! Ai ngờ đâu hôm ấy mà là hôm em từ biệt chốn quê cha đất tổ, không bao giờ lại giở về; là hôm em từ biệt bác mẹ, anh em, không bao giờ lại thấy mặt. Nghĩ mà chua xót vô cùng!

Em lên ngồi xe lửa, nhìn chung quanh không có ai là người quen, cho nên không lo ngại lắm; nhưng chưa biết đi đến đâu. Ở Hà thành nào biết có những ai là người quen kẻ thuộc. Một mình thân gái, tự nhiên nhẹ đem vào nơi đất khách quê ngườị Vả lại, nghe nói chốn đô hội thường có những phường điên đảo, lừa tiền lừa của, lại lừa cả nữ hạnh của người ta!

Nghĩ đến nông nỗi ấy, em đã hơi lấy làm hốị Ngửng lên nhìn, xe đương chạy nhanh, nước non đồng ruộng người, trông những lạ mắt.

Thôi thời trót vì chân đã bước, xe đã đi, không thể nào giở lại được nữạ Trong bụng đâm liều, liền nghĩ ra được một ý. Em chợt nhớ có bác Hai Sơn mới về buôn bán ở Hà Nội; nghe đâu bác ở vào phố Thợ Ruộm, chính năm trước bác ấy lên chơi làng, bác ấy nói thế.

Đương lo đổi ra mừng, làm cho em thơ thẩn ngẩn ngơ, không biết bên cạnh em ngồi có kẻ cắp. Khi bước xuống đất Hà Nội, ra khỏi ga, dở hầu bao, thời ruột tượng thấy cắt đứt. Hai mươi đồng bạc hoa viên, trút đi đâu mất cả rồi!

Phương ngôn nói "Khỏi nhà ra thất nghiệp", em nghĩ đến mà rùng mình. Bấy giờ chân tay không, bụng lại đói, vừa sợ vừa lo, vừa thương vừa giận, bao nhiêu nông nỗi đổi dồn lại một lúc, đường xa đi một bước đường một đau!

Em hỏi dò đến phố Thợ Ruộm thăm từng nhà, ai cũng lạ tai không biết bác Hai Sơn là ai. Than ôi! Bơ vơ một mình, bước cao bước thấp, tiền lưng không có biết nương nhờ vào ai! Vẩn vơ đến chiều tối đói lắm, phải vào hàng cơm ăn, rồi tháo đôi khuyên vàng, cầm lấy dăm đồng bạc, để lấy tiền giả hàng cơm vậy.

Không ngờ ở trong hàng cơm có một người lính tập, trông thấy em, liền bước ra ngọt ngào hỏi rằng:

"Bà người đâu đến, cớ sao chiều hôm ban tối, một mình còn thơ thẩn ở đây? Chung quanh chốn này toàn những tay nghịch, bà phải liệu giữ gìn".

Trời ơi! Em nghe lấy làm sợ hãi lắm, hỏi người hàng có chỗ trọ nào yên ổn thời mách cho biết. Chị hàng cơm nói chỉ có ở đây là hơn, nhưng tiền thuê hơi đắt. Em cũng thuận, họ đưa em vào nhà trong, đến một cái buồng con chật hẹp bẩn thỉu lắm, nhưng may được cái chiếu cũng tươm. Em mỏi mệt, liền ngả lưng xuống nằm. Nghĩ gần rồi lại nghĩ xa, đến 12 giờ đêm, vừa hơi chợp được, vẳng nghe như có tiếng chân người bước lại gần giường. Em vội mở mắt nhìn lên, thời cái đèn con thắp ở vách đã thấy tắt. Bỗng đâu có một bàn tay thò mó vào cánh tay em, em ngồi phắt dậy kêu rầm lên, thời các người trọ ở nhà trong nhà ngoài đều đổ xô cả đến. Đứa bất lương không biết trốn đi đằng nào, chẳng ai trông thấy đâu cả.

Em nói rõ chuyện, người hàng trọ đổ rằng em ngủ mê; nhưng nào em có mê đâu, rõ ràng trông thấy bóng một người sức lực, như người lính tập em gặp ban chiều vậy.

Anh ơi! Xưa nay nào em đã đi đến đâu, không ngờ mới dời nhà ra một hôm, đã gặp hết tai này hạn nọ, thực là một đời em, bấy giờ mới phải bước khổ là lần đầu.

Có một bà độ năm mươi tuổi, ăn mặc tử tế, thấy em vắng vẻ một mình, liền rủ ra nhà ngoài bạn với bà tạ Em mừng theo ra, bà ta hỏi chuyện, em bất đắc dĩ nói dối rằng:

"Cha mẹ tôi gửi tôi nương nhờ ở nhà cậu, không ngờ cậu ra tình ghét bỏ đánh đập, vậy tôi phải trốn đi. Tôi định tìm cha mẹ tôi mà chưa biết được tin tức".

Bà ta mừng nói rằng:

"Tôi buôn bán ở vùng xuôi, hôm nay lên Hà Nội mua hàng, gặp được cô đây, may cho tôi lắm. Tôi ở góa đã 13 năm nay, hiếm hoi chỉ có một gáị Bây giờ việc hàng họ nhờ giời đắt hơn mọi khi, mà nhà hiếm người lắm, nên cần phải thêm tay giúp đỡ. Nếu cô chưa có đường lui tới, chi bằng tạm về ở với tôi. Rồi dần dà tôi thăm dò tin tức thầy đẻ cô, bấy giờ cô về cũng không muộn".

Thôi thời, một liều ba bảy cũng liều, nghe lời nói cũng biết bà ta là người thành thực, em liền ưng theo.

Sáng hôm sau, bà ta cùng em với một người đầy tớ gái đem mấy gánh hàng ra gạ Em nhìn xem thời toàn là những đồ tạp hoá cả. Khi xe đỗ đến tỉnh, bà ta xuống ga đưa em về nhà, gọi người con gái ra chào em. Cô ta người tươi mưởi, biết em về ở đây, lấy làm mừng lắm. Nhà bà ta vốn là nhà làm ăn buôn bán, hàng hóa ngổn ngang, khách khứa rộn rịp; em lấy làm yên dạ, mừng thầm được chốn an thân. Tối hôm ấy, em lạy xin làm con nuôi, bà ta mừng như được của, vỗ về an uỷ, quí hóa trăm chiềụ Bởi em nhiều tuổi hơn, cho nên bắt con gái gọi em bằng chị. Người con cũng vui lòng.

Từ đó bà mẹ nuôi em, coi em như con đẻ, may vá cho, đeo hoa cho, không hề nói nặng một tiếng, thực tấm lòng phúc hậu, em tiếc chưa có gì mà báo đền.

Anh ơi! Nếu đời ai cũng được như hai mẹ con bà ta, thời quả là một thế giới Tiên Phật. Khốn nhưng nghìn người không thấy một, toàn những kẻ bất nhân bội nghĩa, mất cả cương thường, thời ở đời lại là một thế giới ma trướng. Thực quả thế, anh ạ! Anh đừng tưởng em yên vui như thế được lâu đâu. Chỉ độ năm sáu tháng, vừa gần qua xuân năm sau, đương lúc họ nuôi: mẹ, con, chị, em đương sum họp yêu mến nhau, thời ông giời cay nghiệt, làm cho chia rẽ đôi đường!

Nhân một hôm, bà mẹ nuôi em, đưa em về làng vì đến ngày giỗ chồng. Trước em tưởng bà chỉ có một lớp nhà ở tỉnh mà thôi, không ngờ lại còn có dinh cơ ruộng nương ở quê nữạ Hôm đó, chừng về đến cổng, thấy xe ngựa linh đình, cờ quạt rộn rịp, người làng kéo ra chật ngõ, như là có đám hội hè. Giữa đám đông, em trông thấy một người cưỡi ngựa, mặc áo gấm sa, đội nón lông chóp, cổ đeo thẻ ngà, chân đi giày tây, ước vòng bốn mươi tuổi, râu ria gọn gàng. Sau lưng lính tráng điếu tráp theo gót. Em dẫu ngu, cũng đoán được là ông quan. Mà quả nhiên là quan thật, là quan phụ mẫu vùng đó. Khi bước được vào nhà, người nhà nói thế.

Nguyên tại hôm ấy người Chánh tổng làng được "Cửu phẩm", mở tiệc khao mừng, mời quan về chứng kiến, cho nên dân làng đón rước như vậy.

ông quan đó có quan thiệp gì đến em không? Anh hãy gập bức thư này lại, anh thử nghĩ. Nghĩ xem chuyện em rồi xoay ra làm sao? Nhưng thôi, anh không thể đoán được đâu, cái cảnh ngộ của em nó biến đổi lạ thường lắm!

Chẳng ngờ lúc em cùng mẹ nuôi em cố chen đám đông, chạy qua đường, để bước về cổng nhà, thời phải quan lớn ngài ngồi trên lưng ngựa liếc mắt trông thấỵ Không biết kiếp trước em có nợ nần gì ngài không, hay oan nghiệt gì đây, mà bao nhiêu gái làng, ngài không để mắt vào ai, mới thoạt trông thấy em đã đem lòng yêu mến. Ngài cho người nhà Chánh tổng lại hỏi thăm hỏi đón, rồi cả Chánh tổng cũng lại làm mối làm mai. Rằng quan lớn thấy cô em đây, bỗng động lòng yêu vị, muốn kết thân xin làm vợ thứ, thời chắc bà đây cũng vui lòng không từ. Bà mẹ nuôi em không bằng lòng, chẳng lẽ gạt hẳn, nên cũng hẹn hò qua miệng, rồi hôm sau, dắt chúng em ra khỏi làng.

Tưởng rằng câu chuyện qua loa đi thời thôi, ai ngờ hôm sau, người Lý trưởng làng ra tận tỉnh, nói lại việc đó. Mẹ nuôi em hỏi em, em không thuận; người Lý trưởng doạ rằng:

"Bà còn có rừng ruộng ở nhà quê, muốn được an cư lạc nghiệp, thời không nên trái ý".

Cách hôm sau nữa, cả Chánh Phó tổng cùng ra. Em thấy việc nên hệ trọng, khóc thưa với mẹ nuôi em rằng:

"Việc này xem ra không thể chối từ được, vậy xin mẹ cứ nhận lời đi. Công ơn mẹ nuôi nấng con bấy nay, con chưa có chút gì đền báo, không nhẽ vì con, mà để liên luỵ đến mẹ".

Bà mẹ nuôi em bấy giờ đành phải nghe, liền trả lời lại quan lớn.

Ngài được tin, liền cho người đem hai trăm bạc lại đưa mẹ nuôi em, để làm của dẫn cướị Định đến ngày 22 tháng 3 thời em về nhà chồng.

Em viết đến đây, em tự buồn cười, nhưng cảnh em bấy giờ thực khổ nãọ Phần trách thân bực phận, phải xa quán xa làng. Việc gả bán là việc to, bác mẹ anh em chẳng có dự gì đến; phần quyến luyến tưởng nhớ họ nuôi, không thể một lúc dứt tình được. Xưa em tránh chồng già chồng xấu, nay lấy được chồng quan. Tuy rằng ăn nửa quả hồng, còn hơn ăn cả chùm sung. Trong lòng em bấy giờ lạy giời, cũng có suy tính như thế, mà lại còn ước mong những trăm sự hay, ấy xin thú thực cùng anh, em chẳng dám giấu diếm.

Nhưng ngán nỗi, giá em sớm biết câu "Chết trẻ còn hơn lấy lẽ" thời không đến câu chuyện ngày naỵ Chẳng qua cái số kiếp em phải đầy đoạ suốt đời, cho nên cứ xoay em vào con đường gai bụi.

Hôm quan lớn cho đón em về, thời để em ở riêng một nhà cho hai con mụ lại hầu hạ, sớm trưa cơm nước chẳng bao giờ sai. Cứ cách ba bốn hôm, quan lại đến nghỉ một tốị Suốt trong sáu tháng, em được ăn trắng mặc trơn, cho nên da thịt có đẫy đà trắng trẻo hơn trước, giả dụ anh có chợt đi qua đấy mà trông thấy, chắc cũng khó nhận được em.

Song, khốn nỗi từ hôm em về, chưa được biết ai là bà lớn cả. Mấy phen rà đón hỏi, nhưng quan chồng ra tình giấu diếm, không muốn em ra mắt phu nhân.

Than ôi! Việc đời trừ phi không có thời thôi, đã có ra, dẫu kín thế nào cũng phải hở. Ai ngờ đâu bà lớn cả cũng một loài sư tử mỏng, nghe được câu chuyện "vườn thêm hoa mới", liền nổi cơn hờn giận, tốc thẳng tới nhà em. Thôi thời hết lòng lân tuất, bõ tay phũ phàng. Điệu em về, bắt hầu hạ suốt kẻ trên người dưới, nào khi bưng cơm quạt nước, khi giặt dịa áo quần. Thực là bắt khoan bắt nhặt đến lờị Có ngày em phải đến hai ba trận đòn, còn khổ nào hơn nữạ Em cũng biết thân biết phận, chẳng dám một lời oán thân, để mong được lòng thương.

Anh ơi, em chịu tủi chịu nhục, chịu đoạ đầy như thế hơn một năm, thời bà lớn cả bỗng dưng phải bệnh chết. Đã mừng thầm được sổ lồng tháo cũi, được giải thoát từ đây, nào ngờ năm sáu tháng sau, quan lớn tôi lại đón một bà lớn hai về, mà bà này tay ác nghiệt cũng không kém mấỵ Nhưng chỉ phải có một độ, sau bà cũng khoan dần. Vì nhân một hôm ông lớn em được tờ khiển trách, nên bà thường phải lên Hà Nội tìm đường chạy chọt cho ông luôn. Bà này không như bà trước, bà những bận lo về đường công danh cho ông lớn, nên bà cũng nới tay, vậy em cũng được mở mặt. Nhất là trong năm sáu tháng nay, em được sở sang hơn trước nhiều lắm.

Nhưng ngán nỗi! Hồ được an nhàn một độ, lại sinh ra một việc ly kỳ. Lớp sóng trước chửa yên, lớp sóng nữa lại nổị Anh ơi, đoạn này, mới là đoạn em nên than, nên khóc, nên giận, nên thương; mới là đoạn em ghê sợ lòng người, chán ngán trần thế!

Nguyên chuyện chỉ phát sinh trong mấy hôm nay, quan lớn em không biết lo việc gì mà sắc mặt có vẻ buồn bã. Sáng hôm nay, ngài gọi em vào trong buồng kín, bảo nhỏ rằng:

"Dì bé ơi, chiều mai đem đồ lễ theo bà lớn hai lên hầu quan, rồi để bà về trước, dì phải ở lại".

Khốn nạn thay! Tính em thật thà, em nghe không hiểu, em hỏi lại.

Quan lớn ngài cười nói rằng:

"Dì vốn tinh lanh, sao không sớm biết, thế là cách mua chuộc lòng trên, thiên hạ vẫn có. Dì sẵn là người tư sắc, thời mai phải dùng hết cách khôn khéo, ấy cái danh mệnh của tôi, cái no ấm của cả họ, phen này chỉ trông mong vào dì. Vậy tôi phải dặn dì trước, thế nào đến mai, bà lớn sẽ bảo cặn kẽ sau".

Em nghe xong câu nói, sợ lạnh ngắt cả người, kinh hoảng tưởng như là giấc mộng. Trời đất ơi! Những nghe nói đã thẹn thùng, nước đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe! Tưởng gửi mình vào nơi lệnh tộc quan gia, chịu một bề lẽ mọn, dẫu có khổ cũng không đến nỗi đem thân bêu diếu nhục nhằn như những tuồng liễu ngõ hoa tường. Ngờ đâu cửa hầu lại tệ bằng ba, lửa danh lợi càng cháy hết cương thường luân lý!

Em nghĩ một đời em, năm nay mới 23 tuổi đầu, chỉ vì thơ dại một chút, mà nếm trải mọi mùi chua chát, đã chịu biết mấy phen cay đắng, nay gập bước hôi dơ bẩn thỉu, phải tính thoát thân cho trong sạch để chuộc được tiếng thơm.

Bởi thế, em đã quyết nhờ một giải lụa đào, một dây lưng nhiễu, chỉ đến khoảng canh khuya đêm vắng hôm nay là đưa em khỏi cõi ô xú trần gian. Anh ơi, em đã nghĩ nhiều lần bước trước em đã lầm, nên đời em không dám để cho lầm nữạ Thưở bé nhờ cha mẹ cũng học biết dăm ba chữ, nên cũng biết trọng luân thường, cũng biết quý danh giá của ông cha, không dám để nhem nhuốc!

Ngán thay! Năm năm lưu lạc, trước sau được hai người nhìn, mà hai bận cùng xảy ra việc nên sợ nên ghê! Lúc bước chân ra đi, em ngờ đâu kết cục thảm đến thế.

Thôi thôi! Chín khúc quặn đau, ruột tầm héo đứt, không thể viết được nhiềụ Em xin ngảnh về phía bắc lạy mẹ và các anh.

Ơi mẹ ơi! Kể trong hàng gái, mẹ chỉ có một con, ngờ đâu nay mẹ hết lòng mong tưởng. Thực là ơn sơn hải một chút con chửa báo, để cho mẹ uổng phí công lao. Nghĩ đến câu "Thập nữ viết vô", con quả cam tội bất hiếụ Nhưng nếu giời thương lại, cứ đời đời kiếp kiếp, lại cho con được lên làm con.

Anh ơi! Em có để lại một bức thư cho người vô đạo, thế nào hắn cũng phải báo riêng cho mẹ nuôi em. Còn mảnh thư này, em phải uỷ thác người tâm phúc, chắc đến được tay anh. Anh xem xong nhớ an ủi mẹ già, coi em như một hạt máu rơi vậy.

Trong anh em, em biết chỉ có anh là thương em hơn cả, nếu mai sau này anh muốn nhận mồ em, thời xin anh xuống tỉnh "phế" mà hỏi bà Bá. Bà ấy là mẹ nuôi em, thế nào cũng chỉ dẫn cho anh biết. Hết ba năm vô việc, xin anh đem hài cốt em về quê nhà, để cạnh mộ ông cha tôn tổ, cho hồn em có chỗ nương tựạ Chớ ở đây đất khách đồng người, một mình e nỗi thê thảm lắm. Anh nên vị tình máu mủ, mà chu toàn cho nắm xương khô, thời em cũng được hàm ơn ở nơi chín suối.

Mấy lời từ biệt, huyết lệ chan hoà, mong đến kiếp sau, lại được họp mặt.

Em gái: Thị Đạm Bái

Trích từ Tuyển tập truyện ngắn đầu thế kỷ XX,

Hết