Xe lửa chạy về hướng bắc, đường đèo quanh co, bên trái là vực thẳm với rặng thông cao ngất, trùng trùng điệp điệp, tuyết đã phủ trắng xóa, trên cao bầu trời trắng đục, như tuyết vẫn còn muốn rơi nữa, thời tiết đang giữa tháng giêng, mùa đông lạnh lẽo. Cây cối chạy lùi, San Francisco càng lúc càng xa dần. Nàng ngồi dựa lưng bên cửa sổ, mơ màng nhớ tới chàng...
Ở sân ga tiễn nàng, trông chàng thật cô đơn, chàng thật buồn, chẳng lúc nào chàng cười. Hình như chàng đã đánh mất nụ cười trong những tháng ngày trôi nổi phiêu bạt. Đời sống lưu vong không gia đình làm chàng cằn cỗi, đáng thương. Trong phòng đợi, chàng đứng tần ngần, hết ngó nàng rồi lại ngó mông lung qua khung cửa kính. Chẳng thấy gì, khoảng trời trước mặt sương mù vẫn còn dày đặc bao trùm. Nàng ngồi ở ghế dài, ôm cái xách trong người. Họ như không còn gì để nói nên đều lặng thinh. Nhưng đầu óc thì đang trầm tư, nghĩ ngợi. Hồi lâu, chàng đến ngồi bên cạnh nàng, hai bàn tay đưa qua xiết chặt bàn tay nhỏ nhắn ấm áp của người yêu.
Không nhìn nàng, chàng nói thật nhỏ:
-Ở lại đi, Uyên.
Nàng nghe và vẫn yên lặng. Nàng đã nghe nhiều lần. Ở lại. Để làm gì? Họ có một cuộc tình không lối thoát: vợ chàng và hai con đã vượt biên được và đang ở bên đảo chờ ngày đoàn tụ. Người đàn bà bao năm khốn khổ một mình nuôi nấng dạy dỗ con cái đã đến lúc cần sự đền bù và chia bớt phần trách nhiệm, và hai đứa con thì không thể thiếu sót tình thương và sự chăm sóc của chạ Hai người đều biết vậy.
Nàng không muốn là kẻ gây rắc rối, với lại nàng cũng không chắc tình nàng có đủ để đương đầu với những thử thách, những khó khăn, rồi biết hai người sẽ có hạnh phúc với nhau không, nàng không phải là mẫu người của mạo hiểm phiêu lưu, mà nàng cũng không dám phiêu lưu mạo hiểm. Nàng cũng biết nàng là kẻ đến sau, mọi việc cũng đã muộn rồi.
-Anh đã làm khổ Uyên. Anh đã làm khổ em, Uyên ơi!
Bây giờ, nàng nghe như có tiếng chàng trong gió. Vẫn thật gần. Vẫn như hai người chưa xa cách. Vẫn như nàng còn ở San Franciscọ Với đường cong và dốc đứng. Với sương mù dày đặc và gió vịnh lồng lộng. Với đàn chim biển ngập trời và đám quạ đen tung hoành ở khu phố Tàu.
Chàng cứ năn nỉ nàng ở lại, nhưng chưa lần nào chàng đưa ra một đề nghị rõ rệt. Ly dị vợ để lấy nàng? Chàng chưa bao giờ nói với nàng như vậy cả. Hình như chàng cũng biết đó là điều không phải. Dù chàng có yêu nàng thật nhiều, còn người vợ cưới hỏi là do ý muốn của hai gia đình - người đàn ông nào khi lòng dạ đổi thay cũng đều bào chữa như vậy!
Không yêu nhưng nghĩa vợ chồng? Trân trẻ đẹp, con nhà nề nếp, ăn học, biết lo chồng, lo con. Nàng chỉ mới 25 khi chàng chạy thoát khỏi VN, còn trẻ đẹp, có thiếu gì bộ đội, cán bộ thèm thuồng theo đuổi mà Trân chẳng bám vào một tên nào để nhờ tấm thân? Sao lại phải tần tảo ngược xuôi như dân buôn thứ thật chi cho khổ cực? Có những người mà Trân là một, họ như những đóa sen gần bùn mà vẫn tinh khiết, xinh đẹp!
Chàng sợ nàng buồn không muốn nàng coi những lá thư của vợ chàng. Mà nàng vẫn cứ đòi. Trân gốc ban C, chữ nghĩa đầy mình, viết thư thật hay, hay như văn sĩ. Nàng hình dung qua những giòng chữ đó là một gia đình bình thường ấm êm, hai đứa con ngoan, một người vợ hiền, dù thiếu vắng bóng người cha, người chồng, dù những nơi ăn chốn ở không nhất định, có lúc về bên bố mẹ chồng, có lúc về bên cha mẹ ruột, có lúc chung nhà với con bạn mà chồng nó cũng chạy được như chàng. Trân có than thở, nhưng thật nhẹ, thật thoáng, vì sợ chàng buồn, vì sợ chàng lo, chàng chỉ có một thân một mình nơi xứ người. Dù vậy đôi khi nàng cũng bắt gặp một hai chỗ nhòe nhoẹt hoen ố trong thư, nàng biết Trân đã khóc, và nàng hiểu nỗi khổ của người bị kẹt lại. Ở hoàn cảnh của Trân, nàng cũng khóc, nàng nghĩ là nàng yếu đuối hơn Trân nhiều.
Nàng tức nghẹn nơi cổ vì thấy thương hại Trân quá, và nàng lại nhắc:
-Tháng này anh đã gởi tiền cho chị ấy chưa?
Nàng cũng hay hùn vào mấy chục cho tụi nhỏ ăn quà bánh nữa.
Trong tình huống đó, chẳng lẽ nàng lại đòi chàng phải ly dị vợ để lấy nàng?
Cùng lúc mẹ nàng đã viết thư qua khóc lóc "... Con hãy thôi ngay, người ta đã có vợ con, một ngày nào rồi sẽ đoàn tụ. Đừng phá gia cang người khác. Thương má, con hãy nghe lời má, má già rồi, má chỉ có mình con, con yêu dấu của má... "
Nàng biết rồi có lúc mẹ nàng cũng haỵ Một trong những đứa con riêng của dì Tuyết, vợ nhỏ của ba nàng, đã nghe lời bà viết thư về mét.
Nàng khổ đã đành, có làm có chịu, có yêu có khổ, sao còn để cho mẹ nàng khổ theo? Người đàn bà quá hiền lành, bà như con thú được nuôi trong chuồng mà bên ngoài là xảo trá ma men đầy cạm bẫy, khi thả ra đời không biết cách săn mồi kiếm ăn, chồng quyền thế ăn chơi, bồ bịch suốt thời trai trẻ, bà vẫn kính nể âm thầm chịu đựng, rồi một hôm mất chồng luôn. Bố gặp dì Tuyết như quả quít dày phải móng tay nhọn, một trời một vực mâu thuẫn với mẹ, người đàn bà đó cũng một thời ăn chơi từng trải với bầy con có hai, ba khuôn mặt khác nhau. Ở Việt Nam vì bố nàng còn chức tước quyền uy để dì mượn danh nghĩa mà chạy áp phe, dì còn nhỏ nhẹ ngọt dịu. Qua đây dì thích ứng ngay với hoàn cảnh mới, tả xung hữu đột tháo vát ngoài đời, mọi việc trong nhà đều một mình dì coi quản, dì hét ra lửa, dì chỉ ra lệnh.
Còn bố nàng, tới nước Mỹ ông đã gần 60, cái tuổi mà ở VN ông đã về hưu, đã hưởng tuổi già. Muộn màng cho mọi cái bắt đầu . Không biết tiếng người, không biết lái xe, cũng không có nghề ngỗng gì để đi xin việc, nên ông ở nhà từ dạo đó. 5 giờ sáng ông đã dậy, người già ngủ rất ít, tự nấu nước sôi châm trà, bỏ một nụ tường vi vào ấm nhỏ, rồi ngồi uống một mình, nhìn thế sự đổi thaỵ Ngày nào cũng như ngày nào. Cụt cẳng cụt tay ông bây giờ hiền như bụt, ông không khùng là maỵ Kể ra ông cũng giỏi!
Có phải quả báo không, ăn mặn quá nên giờ khát nước! Đời cũng thật lạ!
-Cô về đâu?
Bà cụ Mỹ ngồi bên cạnh nàng chợt hỏi chuyện làm quen. Bà đi có một mình. Nàng quay lại trả lời:
-Portland, Oregon.
Bà cười nói bà có một người cháu cũng ở đó nhưng lần này bà không ghé nó mà về thẳng Seattle, Washington. Đã thấy nhớ nhà quá. Tóc bà trắng phau phau, óng ánh dưới tia nắng vàng, nhìn xa dám tưởng đó là một lão bà ác nghiệt trong mấy phim kiếm hiệp. Đã 70 tuổi, bà vẫn còn tráng kiện, da mặt chưa có vết nhăn, hai gò má đánh phấn đỏ au au, còn khỏe nên bà hay lấy xe lửa đi thăm con cháu. Hết ở với đứa này thì sang ở với đứa kia. Có năm, đám Seattle, đám Santa Rosa hẹn nhau đánh bài ở Reno, từ Seattle xuống lái xe khoảng 15 tiếng, từ Santa Rosa qua khoảng 4 tiếng, bà đang ở với đứa ở Santa Rosa và đã đến lúc về lại Seattle, sẵn dịp họ trao đổi bà ở Reno, như là trao đổi tù binh, thật tiện. Bà còn có một đứa con gái lấy chồng ở Alaska, Alaska là tiểu bang lớn nhất nước Hoa Kỳ, ở cực bắc, trong đất của Nga Sô, Alaska đất rộng người thưa, dân số chỉ hơn 3 trăm ngàn, gia đình cô này thỉnh thoảng về thăm chứ bà không đi vì bà sợ đi máy bay và bà cũng chưa nghĩ đến chuyện đi bằng tàu thủy. Lối này Anchorage tuyết xuống đã lên đến đầu gối, mùa hè không có đêm, 10 giờ tối còn thấy mặt trời, ngủ buổi tối cũng như ngủ buổi trưa. Cô con gái cứ gọi nói đẹp lắm má lên chơi một chuyến. Bà vừa ở chơi với gia đình người con trai ở Santa Rosa, bà khoe nó mới mua một cái nhà khác thật lớn. Bà thao thao kể với giọng vui vẻ, hãnh diện.
Tuổi già mà không bệnh tật và còn vui chơi với con cháu, bà là một cụ bà Mỹ có phước, so với những cụ khác bất hạnh phải cô đơn sống trong những viện dưỡng lão vì con cháu bận công ăn việc làm không chăm sóc được.
Bà tưởng nàng cùng lên một trạm, hỏi:
-Cô có người thân ở Santa Rosa?
Nàng đang mệt mỏi với trăm ngàn thứ chuyện phải nghĩ, không muốn trả lời dài dòng với bà già đồng hành nhưng nàng cũng không muốn bị hiểu lầm là không thân thiện hay bất lịch sự. Cứ cho chàng là người thân đi, nàng trả lời:
-San Francisco, thưa cụ.
-Ồ! San Franciscọ Chắc cô đã từng đi qua cái cầu Golden Gatẻ Cầu treo dài nhất nước, đi qua tôi sợ quá! Tưởng tượng mấy hôm có gió lớn...
Nàng mỉm cười. Xem ra bà già sợ nhiều thứ quá. Bà cười suýt xoa nói tiếp:
-Cứ sợ nó sập...
Câu chuyện tới đây làm nàng nhớ đến tấm hình ở bến phà chờ qua đảo Sausalito chơi, sau nàng là cầu Golden Gate lửng lơ vắt ngang giữa trời. Nàng mặc áo vàng, trời hôm đó cũng nắng vàng, biển xanh, bầu trời xanh, đám hải âu dạn dĩ bay lượn gần người, nàng cười với chàng, chàng cứ loay hoay với ống kính trông thật tức cười. Chàng thích tấm hình đó nhất. Chàng nói:
-Em đẹp quá! Cho anh xin tấm này nghe Uyên?
Bây giờ nàng bâng khuâng tự hỏi:
-Rồi chàng sẽ dấu tấm hình đó ở đâu? Hay là rồi sẽ phải xé bỏ vào sọt rác?
Nàng có một người anh con ông bác, anh Hùng, mà nàng rất thân hồi còn ở VN, qua đây anh ở tiểu bang khác xa nàng hàng ngàn dặm. Sau ngày lấy vợ, anh vẫn tỉnh queo giữ hình những cô bồ cũ trong album gia đình. Nhiều năm sau anh vẫn còn kể rành rọt những tính nết của các cộ Trong đó anh hay nhắc đến Quỳnh Giao với giọng như nuối tiếc:
-Quỳnh Giao không lấy anh được vì cô ấy học giỏi quá, anh với không tới. Có đôi mắt to đen tròn như hai hạt nhãn. Bây giờ đã là bà bác sĩ. Bà bác sĩ ở hai nghĩa: chồng là một bác sĩ người Đài Loan và chính Quỳnh Giao cũng ra bác sĩ.
Chị Nga, vợ anh, nghe chồng lập tới lập lui nhiều lần cũng thuộc lòng. Chị chỉ cười cười. Nàng thường thắc mắc:
-Chị rộng lượng, khôn ngoan, hay không biết ghen?
Chị Nga chắc chắn là biết một điều. Dù sao những hình bóng đó cũng chỉ là những hình bóng dĩ vãng, mà hiện tại mới là quan trọng hơn, chị có anh và hai người sống rất là hạnh phúc.
Nàng thở dài buồn buồn. Hình như nàng có nghe bà cụ nói:
-Cảnh trí đẹp quá cô thấy không?
Nàng mải mê đắm chìm trong ý nghĩ riêng tư, không trả lời, chừng quay sang thì bà cụ đã lim dim ngủ. Xe lửa vẫn êm êm băng qua thung lũng, núi đồi, đồng cỏ, thành phố, xóm làng. Ngừng một chút ở phố lớn đông đúc. Một chút ở tỉnh lẻ vắng hoẹ Lúc nào cũng từ tốn. Thả người xuống rước khách lên. Đi xe lửa không hẳn rẻ hơn những phương tiện khác, nhưng dân đi xe lửa phải có nhiều thì giờ, không quay cuồng trong guồng máy xã hội, và phải là dân thích ngắm cảnh, thích phiêu lưu. Đi hơi xa một chút cần một ngày một đêm là bạn biết vanh vách về đời sống, tiểu sử của những người đồng hành ngồi bên cạnh. Có khi nghe đến chán bạn cũng phải nghe. Họ cũng muốn biết đời sống, gốc gác của bạn. Có khi bạn vồn vã lại, có khi bạn bực bội thờ ơ.
Bà cụ Eva đã quen đi xe lửa. Bà đi tới đi lui trò chuyện làm bạn, xuống cafeteria ăn uống, ngắm cảnh. Đem hình con cháu ra khoẹ Đan áo, móc khăn trải giường. Đi xe lửa đã là một phần đời sống của bà lúc này.
Bắt chước bà, nàng cũng ngủ được một giấc. Một giấc ngủ chập chờn.
Chuyện nàng với Huy đi vào ngõ cụt. Nghe lời dì, nàng bằng lòng lấy Ngọc và nghĩ là nàng có thể xây dựng hạnh phúc bên người khác, Huy trở về với gia đình của chàng, và rồi mọi việc sẽ xong. Nàng không yêu Ngọc, nhưng Ngọc lại rất yêu nàng, và không có gì để nàng chệ Quyết định rồi nàng tính cho bố nàng biết, nhưng hôm đó vừa bước vào nhà, bố nàng đã kêu lại:
-Uyên à!
Đạ, ba kêu con?
Ông ngoắc:
-Lại đây, ba muốn nói chuyện.
Rồi ông chỉ cái ghế đối diện. Nàng ngồi xuống rồi, ông mới từ tốn nói:
-Lâu nay ba con không có dịp nói chuyện. Con cũng biết...
Hồi ở Việt Nam, nàng bên mẹ giận cha, qua đây thấy ông thất thời nàng thương hơn giận, nhưng cha con chẳng có gì để nói với nhau. Nàng đi đi về về, ông lẳng lặng một mình. Nàng chỉ thấy ông thấp thoáng qua cái bóng mà thôi. Bây giờ có dịp ngồi gần, nàng mới nhận thấy ông đã thật già, tóc bạc trắng, tìm tóc đen khó hơn tóc bạc, lòng nàng xót xa.
-Chuyện con... ba không có ý kiến. Đời ba, ba làm nhiều chuyện khiến má con buồn, lại không có dịp gần gũi dạy dỗ con. Có trách là trách ba chớ không trách con.
Nàng ngập ngừng ngắt lời:
-Thưa ba!
Ông xua tay, rồi buồn buồn nói:
-Uyên con, con có làm gì thì cũng nên nghĩ tới má con.
Rồi như sợ nàng buồn, ông lại nói tiếp:
-Ba không có trách con.
-Con hiểu.
-Con không phải nghe theo dì Tuyết.
-Ba, ba già rồi. Con cũng muốn ba khỏi lo cho con. Con muốn ba vui...
Ngừng một lát, nàng nói tiếp:
-Con sẽ lấy Ngọc.
-Con đã quyết định?
Đạ.
-Nó cũng đàng hoàng!
Chuyện nàng với Huy, bố nàng đã không mắng nàng. Ông không còn đủ sức để mà mắng chửi ai hết, dù là với nàng, một đứa con không có phe phía. Bên này, ông như cái bóng lặng lờ trong nhà vậy thôi. Trong thâm tâm ông vẫn còn bứt rứt việc đã để mẹ nàng ở lại. Thật ra, trong hấp tấp vội vã, lộn xộn của cuối tháng tư năm đó khó mà làm được mọi việc, nhớ được mọi thứ, thời giờ eo hẹp, bà lại ở Nha Trang, còn gia đình dì Tuyết thì ở Sàigòn, ra tới biển rồi dì Tuyết viện bao lý lẽ nguy hiểm để không cho tàu vào rước, thiên hạ sẽ tràn lên tàu, mà chắc gì đã tìm ra mẹ nàng, không chừng bà cũng chạy vào Sàigòn rồi. Nhưng nói cho cùng thì cũng tại ông, nếu ông cứng rắn một chút thì biết đâu mẹ nàng đã không kẹt ở lại. Cũng may ông còn dẫn con gái theo được, không thì ông hối hận suốt đời.
-Con sẽ viết thơ cho má hay.
Nhắc tới mẹ, nàng chợt nhớ, và nói:
-Ba, con vừa nhận thơ của má.
-Vậy à, má con ra sao?
-Vẫn thường ba à. Vẫn ở trên chùa.
-Nhớ cuối tuần đi gởi thêm chút gì cho má con. Ở chùa chắc là thiếu thốn. Nhớ nhắc ba, để ba đưa tiền nghen.
- Được mà ba, con có tiền. Má nói ở chùa má cũng không cần gì. Ăn chay nhẹ người quen rồi. Lo là lo cho ba con mình, bên này đó, chớ đừng lo cho má.
Nghe con nói, ông thấy nhớ và thương vợ. " Ba con mình"... Ông và nàng quả đúng như người ở đậu trong căn nhà này, mẹ nàng tuy ở xa mà như nhìn thấy tất cả. Bây giờ ông bất lực, dở mả, chỉ quanh quẩn trong nhà. Còn nàng thì khờ khạo, nông nổi, chưa có kinh nghiệm ở đời.
-Ba, bữa nào mình chụp chung một tấm ảnh để gởi cho má.
-Thôi, một mình con chụp đủ rồi.
Nàng nài nỉ:
-Ba! Có thấy mặt ba, má mới vui chớ.
Ông cười mắng yêu con:
-Thôi được! Mày lôi thôi quá!
Nói xong, ông ho khục khặc. Nàng nhìn cha và thấy thương ông nhiều. Tuổi già của ông cô đơn quá. Ông không chịu được phong thổ xứ này. Ông như một thứ cây đã già mà bứng đem trồng đất khác, có sống cũng èo uột vậy thôi.
Nàng đứng lên hỏi:
-Ba lạnh hả? Con vặn thêm " heat" nghen ba.
- Được rồi con. Ba không có lạnh.
-Ba cứ ho.
-Không sao đâu. Hổm rầy cảm, ba có uống thuốc rồi.
Đã lâu lắm rồi, đây là lần đầu cha con nàng mới đối diện nói chuyện với nhau và cùng cảm thấy gần gũi, ấm cúng, thân tình.
Sau đó, nàng bận rộn lo chuyện đám hỏi, đám cưới. Dì Tuyết vui nhiều nhất. Dì chạy tới chạy lui lăng xăng. Dì gọi nàng là " con" . Kêu réo mấy đứa nhỏ phụ nàng, nhắc nàng đủ thứ sợ nàng quên.
Mọi việc tưởng đã xong. Bất ngờ cú phôn của chàng. Chỉ xin được nói chuyện với em lần cuối. Chàng chúc nàng được hạnh phúc. Cú phôn đó đã thay đổi tất cả. Thì ra nàng vẫn còn yêu Huy, và Ngọc không làm nàng quên được chàng.
Nàng bỏ nhà theo Huy, dì Tuyết tức tối mắng nhiếc:
-Tưởng ngon lắm! Ở đó mà chệ Nó vừa có tiền vừa có bằng cấp, khối người muốn nhào vộ Lại đi theo cái thằng có vợ con chẳng ra gì. Như là bị bùa mê cháo lú. Nuôi cho ăn học, để rồi bây giờ ngu như thế đó!
Ngọc là con một. Nhà Ngọc giàu nổi tiếng trong cộng đồng. Cha mẹ có dãy phố cho thuê ở khu Asian Plazạ Ông bố hồi ở Việt Nam làm bên quan thuế. Người ta đồn ông đã ăn hối lộ nên mới có tiền nhiều như vậy. Bà mẹ phốp pháp tốt tướng đeo hột xoàn đầy người, nghe nói tiệm vàng Ngọc Lợi là của bà, cho người cháu gái đứng trông coi. Bà siêng năng đi chùa không tuần nào là thiếu mặt. Dì Tuyết cũng hay đi chùa. Mẹ Ngọc và dì Tuyết thân nhau lắm. Chắc chắn lý do hai người thân nhau không phải là vì hay đi chùa, vì ở chùa cũng có nhiều cụ, nhiều bà chăm chỉ đi chùa. Mấy con mẹ ganh tị hay nhỏ to sau lưng nói là, mẹ Ngọc đi chùa để có chỗ khoe hột xoàn và kiếm vợ cho con, và dì Tuyết của nàng đi chùa để có chỗ chạy áp phe, nhận đô la bên này, đưa vàng bên Việt Nam - Ở Mỹ mà còn chạy áp phe được, thế mới hay!
Ngọc học đàng hoàng, chớ không chép bài quay phim gì hết ráo, dù thành phần này bây giờ đầy rẫy, mỗi kỳ thi thầy giáo nghiêm khắc bắt đám Á châu ngồi xen kẽ với sinh viên Mỹ và canh kỹ càng ra mặt. Ngọc rụt rè, nhát gái, có hơi khờ khờ vì được chăm sóc quá, mặt mũi cứ đỏ rân khi gặp nàng. Anh là một người tốt, nàng chỉ thấy tội Ngọc, chứ không yêu, con tim có những lý lẽ quái gỡ riêng tư của nó, có vậy thôi. Ở Mỹ cũng lâu, nàng nghĩ:
-Không yêu thương thì lấy nhau làm gì?
Khổ là nàng đã không nghĩ đến điều này sớm hơn.
-Xứ này sống được mà, cô ấy không cần ai đâu!
Dì Tuyết dỗi hờn nói, rồi chửi xéo qua bố nàng:
-Sống sờ sờ cũng vô tích sự!
Ông có nghe nhưng không trả lời, vẫn im lặng ngồi uống trà nơi cái bàn quen thuộc, và nghĩ tới con. Không biết bây giờ nó trôi giạt về đâu?
Vừa tiếc vừa xấu hổ, sau đó dì Tuyết trốn đi chùa. Cũng không ai dám hỏi sao dì không đi chùa, mấy cái chương trình giúp chùa mà dì hứa sẽ lãnh một hai mục, bà con lờ con không ai muốn nhắc cả, để cho nghe mắng đó à? Họ chỉ xầm xì với nhau:
-Sợ người ta hỏi han... cũng quê biết không... mà ai dám hỏi gì?
Còn Ngọc, sau vụ cưới hỏi bị bể, hụt mất cô vợ, gặp lúc hãng đóng cửa để ăn lễ lớn từ mấy ngày trước Giáng Sinh qua hết tết Tây, anh bay liền qua Hawaii chơi để quên buồn, thì đường nào cũng đi Hawaii mà, dù chi tiết có thay đổi chút đỉnh. Hết lễ, anh đi làm lại bình thường, vốn sẵn ít nói, bây giờ có không thèm nói, cũng không ai ngạc nhiên, chỉ không biết anh ra sao.
Mẹ Ngọc thì nghĩ, thua keo này ta bày keo khác, bà vẫn còn đi chùa tuy có ít đi, vì bà còn bận đi... nhà thờ, làm quen với đám Tin Lành cũng với một mục đích... kiếm vợ cho con. Tội nghiệp mấy bà mẹ Việt Nam, lo cho con suốt đời - con có vợ có chồng cũng còn lo, rồi lo tới cháu với chắt nữa mà chính thân họ thì họ lo không xong!
Bầu trời lúc này thật xanh, có vài đám mây trắng, nắng dịu dàng. Xe lửa sắp vào thành phố Portland. Bà Eva cũng vừa mở choàng mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Đi hoài nên bà nhìn ra ngay:
-Gần đến Portland rồi. Nếu tôi nhớ không lầm, cô nhỏ về Portland, phải không? Gần về nhà rồi hồi hộp lắm nhỉ?
Vâng, nàng đang hồi hộp, nàng đang bối rối. Càng gần tới nhà, nàng càng bối rối. Chuyện tình cảm như dây nhợ, như tơ trời giăng lung tung, chằng chịt.
Phải gỡ từ từ, phải gỡ từ từ. Nàng mím môi thầm nhủ.
Ở trạm xe lửa Portland, nàng mua vé đi nữa. Nàng sẽ không về nhà. Nàng cũng không trở lại với chàng. Sẽ đi thật xạ Sống một mình. Sẽ không ai biết nàng ở đâu. Ít nhất là vài năm. Với ngày tháng trôi qua rồi mọi việc sẽ lắng đọng, sẽ phai mờ đi. Nàng không còn gì, chàng hay gia đình, nhưng nàng biết nàng có đủ thời giờ. Để quên. Cha nàng chắc chắn sẽ nhớ thương nàng. Chợt nghĩ tới mẹ, nàng biết là bà sẽ khổ lần nữa - cái số của người đàn bà đó... suốt đời cứ khổ vì chồng vì con!