Chương 1
Tiệc cưới được tổ chức ở Tửu lầu Văn Cảnh, tọa lạc ở tầng chót một cao ốc góc đại lộ Trần Hưng Đạo - Ký Con. Đám cưới lớn, được chuẩn bị cả năm. Chú rể là Chương, trưởng nam của ông Vạn, cậu chàng, chủ nhân một garage chuyên buôn bán phụ tùng và sửa chữa xe hơi. Cô dâu là trưởng nữ của một ông chủ hãng xe đò chạy đường Miền Trung. Cả hai gia đình đều khá giả, môn đăng hộ đối! Chàng, bác sĩ y khoa vừa tốt nghiệp, độc thân, đang hăm hở tìm kiếm ý trung nhân, nên khi nghe Chương và cậu Vạn muốn giới thiệu cho chàng một người đẹp nhân dịp đám cưới, chàng nhận lời ngay! Chương và chàng thân nhau từ nhỏ. Mẹ chàng và cậu Vạn, một chị một em, cha mẹ lại mất sớm, nên đùm bọc nhau từ thủơ hàn vị Chàng và Chương qua lại học hành với nhau, cho đến khi lên đại học, chàng đậu được vào y khoa, còn Chương nối nghiệp cha, quản lý cái garagẹ Để khỏi bị đưa ra mặt trận làm bia đỡ đạn, cậu Vạn chạy cho Chương một chân "lính kiểng", nhờ có đồng tiền biết lo lót đúng chỗ! Chàng vừa bước ra khỏi thang máy, đã thấy Chương đứng sẵn chờ:"Anh Long! Theo em."Chương dẫn chàng đến một bàn ở góc, sát sân khấu. Một người con gái tóc dài, da trắng đang ngồi. Chương ân cần giới thiệu:- Anh Long, đây là Vành Khuyên.Quay sang thiếu nữ, Chương mỉm cười:- Xin giới thiệu với người đẹp, đây là anh Long. Anh Long sẽ thay chúng tôi tiếp đón cô trong buổi tiệc cưới hôm nay.Giới thiệu xong, Chương lỉnh đi chỗ khác.Chàng ngồi giữa hai người đẹp. Một bên là Vành Khuyên, một bên là Hoàng Oanh. Họ là hai chị em ruột. Hoàng Oanh vừa đậu Tú Tài Tây, đang sửa soạn đi Pháp du học. Còn Vành Khuyên đang học Đại Học Khoa Học, chứng chỉ SPCN (Lý Hoá Vạn Vật). Vành Khuyên! Nội cái tên của loài chim quí hót hay này cũng đủ cho chàng tò mò phải gặp cho bằng được người ngọc! Chàng đã không uổng công! Nàng đẹp như tên loài quý điểu! Nước da trắng và chiếc mũi thẳng thanh tú đã bắt chàng yêu ngay từ phút đầu gặp gỡ! Chàng vốn rất nhút nhát. Chả thế mà suốt 7 năm trời học y khoa, chàng có quen người bạn gái nào đâu! Thế mà, như có phép lạ, vừa gặp Vành Khuyên, chàng bỗng thấy mình bạo dạn hẳn lên! Vừa ngồi vào chỗ, chàng đã mở lời ngay:- Vành Khuyên đến lâu chưa?Cô bé chớp mắt. Chàng bạo dạn nhìn thẳng vào mắt nàng chờ câu trả lời. Đôi hàng mi dài cong vút. Chưa có đôi mắt nào đẹp đến như thế:- Dạ! Em cũng vừa mới đến! Đường xá hôm nay sao kẹt xe quá!Phải rồi! Nàng có nhắc chàng mới nhớ! Đường xá hôm nay đông đúc lạ thường. Thành phố Sài-gòn như chật chội hẳn đi! Dân tị nạn từ khắp nơi đều đổ dồn về thủ đô. Mới vừa hôm qua, chàng theo đoàn y tế đi Hố Nai, Biên Hòa khám bệnh cho đồng bào tị nạn. Cộng quân đang tấn công Phước Long. Phước Long ở vùng biên giới Việt Miên, mạn đông bắc Sài-gòn. Một người bạn đi cùng đoàn y tế cho tin: Phán, người bạn cùng lớp chàng, vừa tử trận trong đợt tấn công đầu tiên của Cộng quân ào Phước Long. Chàng bàng hoàng, lặng người đi một hồi lâu mới hoàn hồn, để tiếp tục câu chuyện với người bạn. Phán, Lê Công Phán, người bạn bất hạnh đã học chung với chàng ngay từ lớp đệ tam ở trường trung học Chu Văn An. Chàng nhớ rõ lắm, rõ từng chi tiết một như câu chuyện vừa mới xảy ra ngày hôm qua!Sau khi đậu Trung học đệ nhất cấp, chàng lên học lớp đệ tam A, ban vạn vật, vì chàng đã có chủ tâm sẽ theo học ngành y khoa sau này. Trường Chu Văn An vừa đổi trường sở từ đường Trần bình Trọng về góc đường Trần hoàng Quân - Phù Đổng, ngã sáu Chợ Lớn. Trường sở vừa mới xây cất xong, khang trang, sạch sẽ hơn trường sở cũ ăn nhờ ở đậu trường Petrus Ký nhiều. Trường mới gồm ba dãy nhà ba tầng, cửa sổ gắn kiếng, tường sơn màu xanh dương rất sáng sủa, đẹp mắt. Nhưng lớp chàng lại không được ở đó, mà lại nằm trong góc kẹt ở dãy nhà trệt gồm hai phòng ngay sát cổng vào đường Trần hoàng Quân. Lớp bên cạnh là lớp đệ nhất C. Thỉnh thoảng chàng thấy các thầy Vũ hoàng chương, Vũ khắc Khoan, là những thi, văn sĩ mà chàng rất ngưỡng mộ, vào dậy lớp này. Lớp đệ tam A gồm đa số là học sinh từ đệ tứ Chu văn An lên, ngoài ra lớp cũng nhận thêm một số học sinh từ trường Cần Giuộc chuyển sang và một số học sinh trường tư đậu trung học đệ nhất cấp xuất sắc hạng cao. Chàng là học sinh Chu văn An cũ lên lớp, còn Phán từ trường tư được nhận vào. Ngay ngày đầu nhập học, chàng nhận ra ngay ai là học sinh Chu văn An cũ, ai từ Cần Giuộc qua, và ai từ trường tư mới được nhận vào! Mấy anh chàng Cần Giuộc ăn mặc giản dị và nhất là giọng nói miền Nam rất dể phân biệt. Còn mấy anh chàng trường tư thì ăn mặc chải chuốt, mặt mũi sáng sủa, lém lỉnh. Nhưng Phán thì khác hẳn các anh em khác. Tuy là gốc trường tư nhưng khuôn mặt lúc nào cũng buồn rười rượi, áo trắng màu cháo lòng và quần kaki xanh đồng phục nhưng ngắn cũn cỡn! Đặc biệt nhất là hàm răng vàng khè, cáu bẩn vì lười đánh răng! Giáo sư hướng dẫn là thầy Đằng đã mấy lần cảnh cáo Phán vì hàm răng bất hủ này! Phán nổi tiếng vì hay đi học trễ giờ và ngủ gật trong lớp! Thầy Đằng bảo anh Huỳnh Tâm, trưởng ban xã hội, điều tra thì khám phá ra rằng vì nhà Phán nghèo quá mà ra nông nỗi. Bố Phán làm nghề thợ mộc, vợ mất sớm sau khi sanh đứa con út, nên dù làm quần quật cả ngày, vẫn không đủ sức nuôi nổi năm con dại, mà Phán là con đầu lòng. Sáng sớm, trước khi đến trường, Phán phải đi bỏ báo kiếm thêm tiền phụ cha, nên đến trường bao giờ cũng trễ và buồn ngủ! Quần áo chỉ có hai bộ: bộ đang mặc trên người và bộ đang phơi! Trong nhà không dùng kem và bàn chải đánh răng. Sáng ngủ dậy, ai nấy súc miệng qua loa bằng nước muối và lau mặt rồi đi làm ngay công việc của mình. Thấy tình cảnh gia đình Phán tội quá, thầy Đằng đề nghị anh Tâm quyên góp tiền bạc, quần áo cũ trong lớp giúp đỡ Phán. Tuy sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, cực khổ như vậy, nhưng được trời phú cho một bộ Óc thông minh, trí nhớ tốt, nên Phán học rất giỏi. Trong lớp bao giờ cũng đứng trong 10 hạng đầu. Năm đệ nhị và đệ nhất, lớp chàng được chuyển sang học ở dãy lầu ba tầng ngoài cùng. Lớp học sáng sủa và ít ồn hơn vì xa đường lộ. Cuối năm đệ nhị Long đậu tú tài một hạng bình, Phán đậu bình thứ. Cuối năm đệ nhất, chàng đậu tú tài hai hạng bình thứ vì làm sai một đáp số trong bài toán. Phán đậu hạng thứ. Do định mệnh sui khiến, cả lớp ban A của chàng chỉ có chàng và Phán thi tuyển đậu vào lớp dự bị y khoa mặc dù số anh em cùng thi rất đông và có nhiều người cũng giỏi không kém. Riêng Long, dù chàng làm bài vở không thấy có gì trục trặc, nhưng cho đến lúc có kết quả, chàng mới tin chắc rằng mình đậu! Số thí sinh là hàng ngàn người, chỉ lấy có hai trăm. Tỉ số đậu là con số rất nhỏ nhoi. Ai dám chắc mình trúng tuyển? Trừ khi có tay trong! Tin Phán đậu vào y khoa làm ông Đích, bố Phán, vui mừng khôn xiết. Trời Phật đã ngoảnh lại ông. Vợ Ông đã sống khôn thác thiêng phù hộ cho ông và các con. Từ nay gia đình ông sẽ thoát cơn bĩ cực, đến hồi thái lai! Cả một đời cơ cực, nhục nhằn vất vả, gà trống nuôi con, thế mà nay con được vào học trường thuốc. Thật quá sức tưởng tượng của ông. Không có cái vui nào bằng cái vui hôm nay!